Chương IX


Phụ lục III
Một giờ với cụ Võ HoànhÍt tài liệu về cụ Cử Lương và đám tang của cụ

     ồi đó tôi vào đây mới được hơn một năm. Nhờ một người anh họ giới thiệu, tôi lại thăm cụ Võ Hoành ở Sa Đéc, tối ngày mùng ba Tết Bính Tý (1936).
Cụ sinh năm 1867 (?), dòng dõi một thế gia ở làng Thịnh Liệt, tục gọi là làng Quang (Hà Đông), một làng cách Hà Nội mươi cây số và nổi tiếng về trái vải cùi dày, hột nhỏ, hồi xưa dùng để tiến vua.
Cụ thi một vài khoa, không đậu, rồi gia nhập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đứng trong nhóm bạo động; lãnh việc cổ động cho hội là liên lạc với các đồng chí. Khi Nghĩa Thục bị đóng cửa, cụ cùng với cụ Nguyễn Quyền (cũng gọi là Huấn Quyền, vì có hồi làm Huấn đạo Lạng Sơn) và cụ Dương Bá Trạc bị Nam triều kết án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo, sau được ân xá và an trí ở Nam Việt: cụ Nguyễn ở Bến Tre, cụ Dương ở Long Xuyên, cụ Võ ở Sa Đéc.
Chính quyền thực dân mới đầu còn bắt các cụ đúng kỳ hạn (nửa tháng hay một tháng) trình diện một lần, sau để các cụ được thong thả, chỉ khi nào muốn đi chơi ra khỏi tỉnh mới phải xin phép.
Người anh em con ông bác tôi, thi sĩ Việt Châu, kể chuyện có lần viên chánh tham biện Sa Đéc mời cụ lại đòi tòa bố hỏi cụ muốn xin gì không? Cụ đáp: “Không”. Lần khác lại ngỏ ý muốn trợ cấp cụ mỗi tháng mười đồng, cụ cũng từ chối.
Vì sự từ chối đó mà dân châu thành Sa Đéc đều kính nể cụ.
Một lần, một chú lính cảnh sát chắc ở nơi khác mới tới chưa biết cụ, gọi cụ lại xét giấy thuế thân.
Cụ nhìn chú ta, mỉm cười đáp:
- Chú lên mà hỏi quan Chánh tham biện, Chánh phủ mười mấy năm nay còn thiếu tôi nhiều tiền lắm. Mỗi tháng chánh phủ thiếu tôi mười đồng mà tôi không lấy, còn bắt tôi đóng thuế thân nữa ư?
Chú lính ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng thấy cử chỉ, ngôn ngữ của cụ ngang tàng, đành làm thinh. Có lẽ trong thời Pháp thuộc, chỉ một mình cụ là khỏi phải đóng thuế thân, mặc dầu không được miễn.
Hồi tôi lại thăm, cụ làm thuốc để sinh nhai. Không mở tiệm thuốc. Bệnh nhơn tới nhà cụ xin toa hoặc đón cụ tới nhà mình coi mạch. Họ đưa cụ bao nhiêu tiền xe thì cụ cho hết cả phu xe bấy nhiêu. Có kẻ may mắn chỉ kéo cho cụ một cuốc mà được năm cắc, một đồng. Vì vậy phu xe nào ở Sa Đéc cũng biết địa chỉ của cụ. Khách nơi xa tới, cứ bảo họ kéo lại nhà “cụ Cử” chẳng cần phải hỏi thăm gì cả. Như tôi đã nói, cụ không đỗ đạt, người Sa Đéc thấy cụ học giỏi mà trọng cụ, gọi cụ như vậy.
Làm thuốc theo cái kiểu cứu nhân độ thế đó, tất nhiên không khá được. Nhưng cụ sống cũng tương đối phong lưu, phong lưu theo lối nhà Nho, nhờ có hai cô con gái lớn bán tơ lụa Hà Đông ở chợ Sa Đéc. Tính cụ rất nghiêm khắc, chỉ muốn làm thông gia với bạn đồng chí, nên các cô tuy đã lớn tuổi vẫn ở vậy để hầu hạ cha.
Qua một cái cổng bằng gỗ, một khu vườn có nhiều chậu cảnh, anh em tôi bước vô một căn nhà ba gian, lợp ngói, vách ván, bày biện sơ sài.
Cụ thân mật tiếp chúng tôi. Năm đó cụ đã bảy mươi mà vẫn còn quắc thước, tóc chưa bạc, người gầy, mắt sáng. Hai cái đặc biệt nhất trong con người của cụ là giọng nói và cái lưng.
Giọng cụ sang sảng, vang và ấm, còn lưng cụ thẳng như một cây cột. Cụ không bao giờ khòm lưng và vẫn thường nói với các người thân:
- Chính vì cái lưng tôi nó không cong được nên tôi mới bị Hoàng Cao Khải nó sai lính quất tôi. Lính nó quất tôi thì tôi chửi lại nó, rồi nó cũng chẳng làm gì được tôi.
Cụ ngồi xếp bằng tròn trên một bộ ngựa, bên mặt án thư, hỏi tôi về tình hình ngoài Bắc, bà con ngoài đó rồi tới công việc làm ăn của tôi.
Tôi hỏi cụ:
- Thưa cụ, năm mới cụ đã khai bút chưa?
Cụ cười đáp:
- Bạn bè mỗi người mỗi nơi, thành thử mấy năm nay tôi cũng chẳng làm gì được bài thơ nào. Cậu muốn nghe thì để tôi đọc cho cậu một bài tôi làm cách đây sáu, bảy năm, hồi cụ Phương Sơn lại thăm tôi tại đây.
Rồi cụ đọc:
Ngao ngán lòng tôi tối lại mai
Lòng tôi, tôi biết giãi cùng ai?
Ngàn năm cố quốc hồn chưa tỉnh,
Hai chữ đồng tâm nét cũng sai!
Mài lệ chép thơ chơi nước mắt,
Coi tiền như mạng bỏ ngoài tai
Thôi thôi biết nói chi cho hết,
Càng nói càng thêm nỗi thở dài.
Tôi hỏi:
- Thưa cụ cụ Phương Sơn có họa lại không?
- Có.
- Xin cụ cho cháu nghe cả bài họa nữa.
- Không chắc tôi còn nhớ đủ...
Cụ suy nghĩ một lát rồi bảo:
- May quá, còn nhớ. Như vậy:
Khí phách thường như buổi sớm mai
Đường văn minh đó hẹp chi ai?
Đạp vòng trời đất, chân cho vững,
Vẽ mặt giang sơn, bút dám sai?
Cọp bắt tay không đừng nói khoác,
Rắn theo tàn thuốc cũng công tai.
Anh em giữ lấy niềm hòa hảo,
Nòi giống về sau phúc lộc dài.
Tôi lấy bút chép cả lại. Chí hướng của hai cụ hiện rõ trong thơ: cụ Võ đứng vào phe cụ Sào Nam, cụ Phương Sơn đứng vào phe cụ Tây Hồ. Hai bài làm vào khoảng 1929-1930, mà lúc đó cụ Sào Nam đã ở trong cái cảnh “trăng gió nhốt ba gian”, còn cụ Tây Hồ thì đã qui tiên. Ở cái chốn tha hương này, hai cụ đều mang một niềm u uất, đều tìm nguồn an ủi người trong dĩ vãng, người trong tương lai để có thể quên được hiện tại.
Cụ mời tôi uống trà rồi hỏi:
- À, cậu biết chữ Hán không nhỉ?
Thưa cụ cháu cũng đương học.
- Thế thì cậu chép nốt bài này nữa, rồi lúc nào nhàn dịch cho tôi nghe.
- Cụ dạy cháu xin vâng, nhưng cháu chỉ mới bập bẹ thôi ạ.
- Bài này dễ mà, của Tây Hương Long Thạnh, một nhà ái quốc Nhật Bản. Này, cậu chép nhé:
Đại thanh hô tửu hướng cao lâu,
Hùng khí dục thôn ngũ đại châu.
Nhất phiến đan tâm tam xích kiếm,
Huy hoàng tiên trảm nịnh thần đầu.
Tôi hiểu ý. Cụ muốn khuyên tôi đây. Cụ không muốn cho con cháu cụ, cả con cháu các đồng chí cụ nữa đừng làm việc cho Pháp, nhưng đã vì chén cơm mà phải làm thì ít nhất cũng phải giữ lấy tư cách.
Chép xong, ngồi hầu cụ một lát nữa rồi chúng tôi đứng dậy, xin cáo biệt. Cụ tiễn chúng tôi ra tới cổng, lấy lòng chí thành dặn tôi câu này mà tôi ghi tâm tới bây giờ:
- Này cậu, nhà mình là nhà Nho thanh bạch, cậu có tính lập gia đình thì cũng nên tìm chỗ nào thanh bạch ấy nhé.
Tôi gặp cụ lần đó là lần đầu. Chỉ vì tình đồng chí giữa cụ và các bác tôi mà cụ coi tôi như con cháu trong nhà, tấm lòng đó, chỉ nhà Nho mới có. Tôi cảm động. Những hàng sao bên bờ rạch Sa Đéc, đưa vút lên một nền trời lấp lánh. Phảng phất có hương nguyệt quế. Không hiểu sao tôi có cảm giác rằng những cây có hương đó, ảnh hưởng đó, mặc dầu ở trước mắt tôi mà đã thuộc về một thời cách xa tôi khá xa.
Chiều hôm sau, mới bước chân xuống ghe đậu tại Ngã Bảy (Phụng Hiệp), tôi chép ngay lại bài dịch gửi về hầu cụ. Dịch rằng:
Lớn tiếng lên lầu gọi “rượu đâu”?
Khí hùng muốn nuốt cả năm châu.
Lòng son một tấm, gươm ba thước,
Loang loáng vung lên, nịnh rớt đầu.

*

Lẩn sau tôi gặp cụ đúng vào một lúc loạn nhất của lịch sử: cuối trung tuần tháng chín dương lịch năm 1945. Cụ mới ở Sa Đéc lên Sài Gòn, tóc đã bạc nhiều, bước đã chậm, nhưng lưng vẫn thẳng như thân sao.
Cụ lúc ấy quá bận việc, một đoàn thanh niên bao vây cụ, tôi không dám làm mất thì giờ của cụ, nhưng đinh ninh sẽ trở lại thăm cụ. Chưa kịp lại thăm thì đã mỗi người một ngả.
Sáu năm sau tôi mới hay tin cụ đã quy tiên, hình như trong Đồng Tháp Mười, không rõ trong trường hợp nào.
Có người nói nghĩa quân không nghe lời cụ mà thất trận, cụ uất ức rồi sức già của cụ tiêu mòn lần vì năm đó chắc cụ đã tới bát tuần. Phải vậy chăng? Nếu phải thì chắc có người còn nhớ mộ cụ. Và mộ cụ ở đâu? Mà căn nhà của cụ ở Sa Đéc còn không? Tôi đã hỏi vài người ở Sa Đéc, không ai biết cả. Giặc Pháp khi tái chiếm Sa Đéc đã phá rồi chăng?
(Bài này đã đăng trên số Xuân Ất Mùi, nhật báo Mai, nay sửa lại).