Chương IX


Chương II
Phong trào Đông du

     ông hải xông pha nương cánh gió.
(Phan Bội Châu)
Người có công đầu dẫn đường cho các nhà cách mạng qua Nhật là cụ Tăng Bạt Hổ.
Cụ quê ở Bình Định, lớn lên làm suất đội rồi lên cai cơ cùng với Phạm Toàn mộ dân quân để chống Pháp, thua Nguyễn Thân nhiều trận, Thân biết cụ là người có tài, dụ hàng, cụ không chịu, lẻn qua Xiêm, rồi qua Trung Quốc tìm Lưu Vĩnh Phúc, Phúc chết, cụ xin làm thủy thủ một tàu buôn vừa để tự túc, vừa để quan sát tình hình các nước, tìm thêm đồng chí. Nhờ nghề đó, cụ thường qua lại Hoành Tân, Trường Kỳ, được ít năm, nói thông tiếng Nhật, sung vào đội thủy quân Nhật. Trong Nga-Nhật chiến tranh, vì lòng căm hờn người Âu, cụ nguyện hy sinh giúp Nhật, nổi tiếng là quả cảm, có công lớn trong những trận Đài Liên, Lữ Thuận, được người Nhật khâm phục, thưởng huy chương quân công.
Ngày khải hoàn, cụ được dự bữa đại yến do Nhật Hoàng đãi các tướng sĩ. Đỡ chén rượu của vua Nhật ngự rót thưởng cụ, cụ uống một hơi cạn rồi khóc lớn ở giữa triều đình. Nhật Hoàng hỏi, cụ giãi bày hết nỗi lòng:
- “Tôi vốn không phải là người Nhật mà là một người vong mạng [1] Việt Nam. Sau khi thất bại trong việc chống Pháp, tôi trốn qua Xiêm, qua Trung Hoa rồi tới đây, may được Bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc thắng Nga, làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi mà không cầm được giọt lệ. Bao giờ dân nước tôi mới được một bữa yến như bữa này của quý quốc!” [2]
Hết thảy các người dự yến đều chăm chú nhìn vẻ mặt cương nghị, nghe lời khảng khái của cụ. Nhật Hoàng khen cụ là chân ái quốc an ủi cụ mấy lời và từ đó các nhà cầm quyền Nhật rất có cảm tình với cụ. Cụ làm quen với các nghị sĩ Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị, Đại Ôi Trọng Tín, tỏ ý muốn cầu viện Nhật để đuổi Pháp. Họ bảo phải chờ cơ hội vì Nhật còn lo đánh Nga mà cũng chưa có hiềm khích gì với Pháp. Rồi họ khuyên cụ: “Trước hết các ông phải lo phát triển phong trào duy tân trong nước để nâng cao dân khí, dân trí cho đại sự dễ thành. Muốn duy tân, không thể trông cậy ở Pháp được vì Pháp không thực tâm khai hóa, nên phải lựa những thanh niên tuấn tú đưa qua đây, nước chúng tôi sẽ đào tạo cho”. Khuyến Dưỡng Nghị lại hứa tận lực giúp cho các học sinh Việt Nam được phép cư trú và được miễn học phí. [3]
Cụ Tăng xét lời khuyên đó hữu lý, nên xin phép chính phủ Nhật, tức tốc về nước, không dự trận thủy chiến ở Đối Mã.

*

Cụ về tới Hải Phòng cuối năm 1904, vô Quảng Nam, do cụ Nguyễn Thành [4] giới thiệu mà hội họp với cụ Sào Nam và Kỳ Ngoại Hầu, đầu năm sau đưa cụ Sào Nam qua Nhật để cầu ngoại viện.
Lần đó là lần đầu tiên cụ Sào Nam xuất dương, lúc xuống tàu ở Hải Phòng, cụ khẩu chiếm một bài thơ từ giã đồng chí, ý cao lời đẹp:
Sinh vi nam tử yếu hi kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy?
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si,
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Bài đó, chính cụ dịch ra như sau:
Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời!
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thủa há không ai?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Đông hải xông pha nương cánh gió,
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.
Hai câu luận:
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
được hết thảy sĩ phu trong nước ngâm nga và làm cho nhiều người quyết tâm bỏ cổ học mà theo tân học.
Đưa cụ Sào Nam tới Nhật, giới thiệu cụ với cụ Khuyển Dương Nghị rồi, cụ Tăng lại trở về nước vận động, và trong hai năm 1905, 1906, chắc đã có lần gặp cụ Nguyễn Quyền [5] ở Lạng Sơn, họp với cụ Nguyễn Thượng Hiền ở nhà cụ đốc Đinh Trạch [6] tại Nam Định.
Nghe tiếng cụ Lương văn Can có nghĩa khí [7], được nghĩa hội văn thân ở Bắc tín nhiệm [8], cụ tìm lại thăm tại nhà ở số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội để bàn về tình hình trong nước và kế hoạch lâu dài.
Cụ Lương nói:
- Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân [9]. Chúng ta đã vào hàng lão cả rồi [10] nên đặt hy vọng vào bọn hậu tiến.
Cụ Tăng đáp:
- Ý tiên sinh thực hợp với ý tôi. Tôi về nước lần này chính có mục đích tìm thanh niên đưa qua Nhật học.
Rồi cụ kể lại những lời khuyên của Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi Trọng Tín, sau cùng nhờ cụ Lương giới thiệu cho những thanh niên tuấn tú và nhiệt huyết.
Cụ Lương đưa ý kiến:
- Tôi nghe nói một giải Hồng Sơn đời đời sinh hào kiệt, dư đảng của cụ Phan Đình Phùng chắc còn, tiên sinh thử đi tìm, chắc được như ý.
Lương Trúc Đàm, con cả cụ Lương, đã đậu cử nhân, lúc đó ngồi hầu trà ở bên, cung kính chắp tay đứng dậy thưa với cụ Tăng:
- Ở Bắc Thành, thanh niên có tâm huyết cũng không thiếu nếu cụ cho phép, cháu xin đảm nhiệm việc tìm anh tài ở ngoài này.
Cụ Tăng cười:
- Phi thử phụ bất sinh thử tử [11].
Do cuộc hội đàm đó mà hai người con cụ Lương - Lương Ngọc Quyến (tức Lương Lập Nham) và Lương Nghị Khanh thành những sinh viên Đông du đầu tiên của nước Việt.

*

Tới Nhật, cụ Sào Nam lại thăm Lương Khải Siêu, Đại Ôi Trọng Tín và Khuyển Dưỡng Nghị. Khuyển tận tâm giúp cụ và khuyên cụ rước Kỳ Ngoại Hầu qua. Cụ liền về nước thu xếp việc đó rồi lại trở qua Nhật liền, mới vô tới nhà trọ cũ ở Hoành Tân, đã gặp Lương Ngọc Quyến nằm đợi cụ ở đó rồi. Trong Ngục trung thư cụ viết:
“Tôi xem ra người - tức Lương Ngọc quyến - có khí phách hăng hái, đầu tóc đang để bờm xờm, dò hỏi mới biết ông ta bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình, lúc lên bờ, trong túi chỉ còn vỏn vẹn có ba đồng xu.
Thấy vậy tôi vừa mừng vừa chưng hửng. Vì bạn tuổi nhỏ ở nước nhà, một thân một bóng mà đám liều mạng xông pha sóng gió muôn trùng, tới một nước thuở nay chưa nghe thấy bao giờ, Lương quân chính là người thứ nhất vậy. Té ra Lương quân vốn là người chứa sẵn kỳ khí, chỉ nghe nói tôi qua Đông Kinh mà thành ra mạnh bạo bỏ nhà bỏ nước ra đi. Bạn thiếu niên anh tuấn của ta sau này, có mấy người được như Lương quân” [12].
Trong cuốn Tự Phán (Anh Minh xuất bản), cụ lại chép:
“Rất đáng quý hóa là ông Lương Lập Nham, hành động có cách bất kỳ, tình hình quẫn bức [13], khó thề ngồi yên, hăng hái nói: ‘Lúc này không đi ăn mày, còn đợi lúc nào nữa?’ Sáng ngày nhịn đói, đi từ Hoành Tân đến Đông Kinh một ngày một đêm. Đêm đâm vào Cảnh sát thự, nằm ngủ giữa đất, quan cảnh sát hỏi, ông vì không hiểu tiếng Nhật, ngu ngơ không trả lời; lục trong túi lại không có gì cả, nghi là người có tâm tật, đoạn rồi cảnh sát nói chuyện bằng chữ viết mới biết ông là thiếu niên Ấn Độ China, cảnh sát Nhật lấy làm lạ, cấp cho ông tiền phí hỏa xa về Hoành Tân. Ông được tiền cảnh sát cho, đã đỡ đói trong vài ngày, nhưng không trở về quán ở, bèn đi thăm hết chỗ lưu học sinh Trung Hoa ở Đông Kinh, tình cờ tìm được nhà Dân Báo báo quán. Nhà báo ấy là cơ quan của đảng cách mạng Trung Hoa, chủ bút là Chương Thái Viêm tiên sinh, quản lý là Trương Kế (...). Hai người ấy là tay tiền phong đảng cách mạng Tàu. Vào quán đem thực tình nói với Chương, Trương. Chương, Trương thương lắm, cho ông làm việc tam đẳng thư ký và nói với ông trở về Hoành Tân đem vài người đồng chí lại sẽ dung nạp cho. Lúc đó ông trở về ngụ quán, vừa mới vào cửa thì cười òa và nói với tôi rằng: ‘Bác ơi! ăn mày được việc rồi’.
Lúc bấy giờ để Nghị Khanh là người em ở với tôi, còn dắt hai người đồng hương từ biệt tôi lên Đông Kinh, ăn nhờ ở Dân báo và học tiếng Nhật Bản”.
Ở Nhật, Sào Nam viết bài Khuyên thanh niên du học giao cho cụ Tăng đem về nước phát hành. Cụ Nguyễn Hải Thần cùng qua Nhật với Lương Ngọc tuyến, lúc đó cũng ở Hoành Tân, tình nguyện gánh vác công việc quyên tiền để giúp du học sinh. Cụ Hải Thần quê làng Đại Từ, Hà Đông có nhà ở phố hàng Bạc, Hà Nội, tính hay cười, ít nói, không bao giờ phản đối ai cả. Có hồi cụ theo học cụ Lương, sau khi đậu Tú tài, làm đôi câu đối tết dán ở cửa:
Mẹ chết dám đi thi, [14]
Trời cũng chiều lòng cho đỗ nhỏ.
(..... )
[15] người mà có chí ắt làm to.
Chí đó là chí làm cách mạng, và sau này, trời cũng chiều lòng cụ một lần nữa, năm 1946, được về Hà Nội, được trông thấy cảnh nước nhà độc lập.
Thanh niên trong nước hưởng ứng phong trào Đông du và đầu năm 1906, thêm được hai anh tuấn nữa, tức Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển, cộng với Lương Nghị Khanh [16], Lương Ngọc Quyến là bốn. Trừ Lương Nghị Khanh vào học Đồng Văn thư viện, còn ba người kia vào học Chấn Võ học hiệu. Vậy trong số bốn thiếu niên mở đường cho phong trào Đông du, họ Lương đã chiếm tới một nửa. Từ đó, phong trào mỗi ngày một lên, hai năm sau số học sinh tại Nhật có tới trên trăm, đủ Trung, Nam, Bắc, làm cho chính phủ Pháp lo ngại. Ở Cần Thơ, cụ Nguyễn Thần Hiến là người gia nhập sớm nhất, lập Khuyến du học hội, cho người con trai là Nguyễn Như Bích qua Nhật, sĩ phu trong Nam hưởng ứng rất đông.
Đầu năm 1906, Kỳ Ngoại Hầu qua Nhật cùng với cụ Phan Sào Nam và cụ Phan Tây Hồ. Các nhà cách mạng của ta thời đó qua Nhật rất thường - ấy là lén lút mà còn vậy - và Đông Kinh thành nơi gặp gỡ của các nhà ái quốc ở Đông Á.
Trước khi đi, cụ Tây Hồ có hội đàm với các cụ Lương văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành để bàn kế duy tân. Ở Nhật ba, bốn tháng, cụ khảo sát phương châm tự cường của người Nhật, lại thăm Khánh Ứng nghĩa thục, nơi đào tạo các nhà tiền bối duy tân của Nhật, tiếp xúc với các giáo sư trong trường, tìm hiểu cách huấn luyện đồng chí và phương pháp tổ chức việc học. Khi khảo sát xong, chương trình hành động đã định, cụ sửa soạn về nước, tìm gặp cụ Sào Nam, để phân công với nhau.
Trong Ngục trung thư cụ Sào Nam nhắc lại việc đó, cụ viết:
“Ông - tức cụ Tây Hồ - nói với tôi:
- Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức về việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc, mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lo [17]”.
Rồi cụ Sào Nam đưa tập Hải ngoại huyết thư mới viết xong cho cụ Tây Hồ mang về nước. Tới Hà Nội cụ Tây Hồ lại thăm cụ Lương văn Can, bày rõ tình hình của Nhật và hai cụ bàn với nhau sáng lập một nghĩa thục tựa như Khánh Ứng nghĩa thục để mở mang dân trí và đào tạo đồng chí, mưu kế lâu dài.
Ít tháng sau, cụ Sào Nam cũng ở Nhật về lần thứ nhì cốt ý gặp mặt Hoàng Hoa Thám, xin Hoàng cắt đất lập đồn để thu dụng những đảng viên Nghệ, Tĩnh, chờ thời bạo động.
Nhân cơ hội đó, hai cụ Phan, cụ Lương, cụ Tăng họp nhau ở phố hàng Đào, và trong cuộc hội họp ấy, Đông Kinh Nghĩa Thục được quyết định mở, gây nổi một phong trào duy tân trong nước.
Theo nhà văn Nguyễn văn Xuân [18], phong trào này thật sự đã phát sinh ở Quảng Nam trước hết. Năm 1906 ba nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức các cuộc nói chuyện, các lớp tân học để đả đảo khoa cử, bài trừ hủ tục, hô hào cắt tóc ngắn...; lại lập một cơ sở kinh doanh lấy tên là Thương học công ti ở huyện Thăng Bình nơi cụ Trần Quý Cáp đương giữ chức giáo thụ.
Phong trào được nhân dân hưởng ứng: các trường học (hình như có cả một lớp riêng cho nữ sinh) và các hội buôn mở ra khá nhiều, nhưng vì thiếu kinh nghiệm tổ chức, hoặc vì Quảng Nam là một tỉnh nhỏ, nên không có tiếng vang lớn trong toàn quốc, và đúng lúc phong trào bắt đầu xuống thì Đông Kinh Nghĩa Thục nổi lên.
Nhưng có người lại nói năm 1907, khi Đông Kinh Nghĩa Thục đã thành lập ở Hà Nội rồi, cụ Tây Hồ mới về Quảng Nam cổ động nhân dân mở các lớp học duy tân. Chưa rõ thuyết nào đúng.
Nguyễn quân hiện đương sưu tầm về phong trào đó và trong bài Văn học miền Trung Tân Văn số 2, năm 1968), ông mong sẽ có dịp công bố kết quả.
Chú thích:
[1] Tiếng vong mạng thời đó còn dùng theo nghĩa gốc là kẻ phải trốn đi để giữ lấy mạng mình; sau này, nghĩa đó đổi lần và bây giờ hạng người vong mạng là hạng người liều lĩnh, làm càn.
[2] Chưa rõ cụ Tăng sanh năm nào, có lẽ hồi 1905 cụ đã ngoài bốn chục tuổi, năm 1905 cụ về nước, bị kiết lị, mất ở Huế (1906). Vì vụ khóc lớn ở triều đình Nhật nên cụ Sào Nam điếu cụ như vầy: “Quân khởi ký sinh tác hí ư thế da, dụng binh ngũ tải, khứ quốc trấp dư niên, ký khốc vu Xiêm, ký khốc vu Thanh, hốt hốt nhiên đại khốc vu Đông, thùy linh tứ nhập thu phong, hưởng ngã Thần châu mai cổ kiếm”. (Vế sau nói về cụ Sào Nam, xin lược bỏ).
“Bác há sống nhờ làm trò cho đời ư, năm năm làm tướng,bỏ tước lên hai chục thu, đã khóc ở Xiêm, đã khóc ở Thanh, lại hốt nhiên khóc lớn ở Đông,ai khiến gió vàng nổi lên, nhắm đất Thần châu chôn kiếm cổ”.
Trong cuốn Phong trào đại Đông du của Phương Hữu (NXB Nam Việt 1950) có trích một bài lục bát (khuyết danh) nói về việc khóc ở triều đình Nhật đó:
Thân phiêu bạt đã đành vô lại
Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân.
Chinh Nga nhân buổi hoàn quân,
Tủi mình bô bá theo chân khải hoàn.
Nâng chén rượu ơn ban hạ tiệp
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu.
Trời Nam mù mịt ngàn dâu,
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh.
[3] Sau Khuyển Dưỡng Nghị giữ lời hứa, thành một bạn thiết của cụ Sào Nam, nên khi Khuyển mất, cụ điếu một đôi câu đối chữ Hán mà chính cụ dịch ra như sau:
“Đời chính trị hơn bảy mươi năm, một khối hùng tâm, Đông Á Tây Âu lừng lẫy sấm,
Thân bôn đào ngoài muôn dặm, mấy ai tri kỷ, Biển Hoàng, Non Phú mịt mù tăm”.
[4] Cũng có tên là Nguyễn Hàm, hiệu Tiểu La, người làng Thành Mỹ (Quảng Nam), vừa là sáng lập viên Duy Tân hội, vừa là người phụ trách phong trào Đông du - Năm 1908 bị đày ra Côn Đảo, năm 1911 mất ngoài đảo.
[5] Lúc đó cụ Nguyễn Quyền làm huấn đạo Lạng Sơn.
[6] Cụ đốc Đinh Trạch đã từng giúp Tôn Thất Thuyết trong Phấn nghĩa quân.
[7] Coi tiểu sử cụ Lương ở sau.
[8] Hội này lập ở Bắc Kỳ ngay sau khi có tờ hịch Cần vương của vua Hàm Nghi.
[9]Một thành ngữ, nghĩa là: Kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế tră m năm không gì bằng đào tạo người.
[10] Lúc đó cụ Lương cũng đã trên ngũ tuần.
[11] Không cha đó thì không sinh được con đó.
[12] Bản dịch của Đào Trinh Nhất - Tân Việt xuất bản, NXB Văn Hóa TT tái bản, 2000.
[13] Lúc đó, mùa đông năm 1905, chín nhà ái quốc ở trong một phòng ở Hoành Tân, vừa đói vừa rét.
[14] Xưa có tang cha mẹ thì không được đi thi. Lúc đó, cụ có tang mẹ nuôi nên được phép thi.
[15] Thiếu năm chữ.
[16] Lương Nghị Khanh là con thứ tư của cụ Lương văn Can, rất thông minh, 17 tuổi đã đậu Tú tài, người quen thường gọi là Tú con.
[17] Bản dịch của Đào Trinh Nhất, NXB Văn Hóa-TT tái bản, năm 2000.
[18] Năm 1970 Nguyễn văn Xuân có sách Phong trào Duy tân (NXB Lá Bối) viết rõ về năm ra đời của phong trào Duy tân tại Quảng Nam từ trước năm 1905. Năm 1971 Nguyễn Q. Thắng có trình bày rõ về năm ra đời phong trào này ở Quảng Nam trong các cuốn: Huỳnh Thúc Kháng con người và thơ văn (Phủ quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa XB, 1971) và Phan Châu Trinh con người và tác phẩm (NXB TP.HCM, 1986) thì phong trào Duy tân ra đời ở Quảng Nam từ năm 1902-1904 chớ không phải từ năm 1906-1907 rất bề thế ở hai lĩnh vực giáo dục và kinh tế (thương mãi) (BT).