Chương IX


Chương IV
Khai trí dạy học

     uốt thân sĩ ba kỳ Nam Bắc.
Bỗng giật mình, sực thức cơn mê.
Năm 1907 là năm phong trào duy tân lên mạnh nhất. Sau này cụ Tây Hồ nhớ lại thời đó, nói với một đồng chí:
- Chúng mình lúc ấy như bọn người ngủ mê, sực tỉnh dậy, thấy ai làm cái gì thì làm ngay cái đó, làm hăng quá, cơ hồ như trong mắt không còn có người Pháp nữa.
Ta cứ xét công việc của hội viên trong Nghĩa thục thì biết lời đó rất đúng.
Mục tiêu chính của trường là khai trí. Từ khi có phép của phủ Thống sứ, số học sinh tăng lên nhiều nhưng cũng không được như lời cụ Nguyễn Quyền nói với Đào Trinh Nhất [1] là bốn chục lớp và trên ngàn học sinh, mà chỉ được độ già nửa số đó.
Muốn mở cả ba ban: tiểu, trung và đại học, trường phải mướn thêm nhà ông Cống Sùng. Tuy chia ra ba ban như vậy, nhưng sự thực chương trình không được hoạch định rõ ràng. Đại loại, tiểu học để dạy những người mới học quốc ngữ, trung học và đại học dạy những người lớn đã thông chữ Hán hoặc muốn học chữ Pháp. Các môn học thì có sử ký, địa lý của nước nhà, toán học, vẽ, một chút khoa học. Không chia ra từng năm học như ngày nay, cứ tùy trình độ hiểu biết của học sinh mà sắp thành từng lớp, trong một lớp tuổi học sinh cũng không đều. Lớp truyền bá quốc ngữ của ta ngày nay ra sao thì những lớp trong Đông Kinh Nghĩa Thục hồi xưa cũng gần gần như vậy.
Lối dạy cốt đào tạo những người có sáng kiến, có óc thực tế ngược hẳn với lối huấn hỗ, lối “Tử viết, Thi vân”, bảo thủ của nhà Nho. Đoạn dưới đây trích trong Văn minh tân học sách (một bài nghị luận viết bằng chữ Hán năm 1904, không rõ của ai), có thể tóm tắt được đường lối của Nghĩa thục:
“Tưởng nên đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người khéo tay, nhanh trí khôn để cho vào học, rồi triều đình thường săn sóc mà dạy dỗ họ. Lại hạ lệnh khắp nước hễ ai học được kiểu mới, chế được đồ mới thì cũng theo lối Âu châu cấp cho bằng khen làm lưu chiểu, thưởng cho phẩm hàm để ngợi khen họ, cấp lương bổng để khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo để hậu đãi họ. Những ai giỏi về khoa cách tự, khí học, hóa học thì làm cho họ được vẻ vang sang trọng hơn những người đỗ đại khoa...” [2]
Muốn đào tạo hạng người như vậy, lối thi cử tất phải khác trước:
“... cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà. Không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó, mấy bài về toán pháp, về chữ quốc ngữ, để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm, như thế thì cũng đã là tàm tạm đúng vậy”.
Tư tưởng thực là cách mạng. Ngày nay, ở khắp thế giới, chưa chắc đã có nước nào theo đúng được như vậy, còn riêng ở nước ta thì mặc dầu sau bao nhiêu lần hô hào cách mạng này cách mạng nọ, tinh thần tôn sùng bằng cấp đại khoa vẫn y như thời cũ, thời mà Nghĩa thục mạt sát.

*

Phần Hán văn giao cho cụ Kép [3] làng Hương Canh, các cụ Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm; cụ Đào Nguyên Phổ tuy không dạy nhưng thường góp ý kiến.
Lối văn khoa cử bỏ hẳn, Tứ thư, Ngũ kinh vẫn còn giảng, nhưng giảng theo một tinh thần mới, những sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được đem ra bàn nhiều nhất.
Dưới đây tôi xin giới thiệu qua hai cụ Đào và Dương, còn các cụ khác, sau sẽ có dịp nhắc tới.
Cụ Dương Bá Trạc là con một cụ đồ ở làng Phú Thị (Hưng Yên), anh cụ Dương Quảng Hàm, rất thông minh, mau nhớ, môn đệ của cụ Đinh Gia Trăn, văn tài rất mẫn tiệp sở trường về kinh nghĩa, 17 tuổi đậu cử nhân, nhưng cũng như Lương Khải Siêu nhận ngay thấy những cái hủ bại của cổ học, nên hô hào cái học thực nghiệp để cứu quốc. Gặp bạn nào còn ham tập văn khoa cử, cụ cũng bảo: “Anh còn muốn cái cử nhân ư? Này, tôi bán cho anh, một xu thôi”.
Cụ cũng làm nhiều thơ hô hào quốc dân, hiện nay chúng tôi mới tìm được bài:
VÌ SAO GIẬN ĐỜI
...........................
Ôi những kẻ dân ta nghèo đói,
Có biết rằng nông nỗi bởi ai.
Cả năm đòn gánh trên vai,
Mồ hôi nước nắt không tài kiếm ra.
Nào lĩnh phái các tòa các sở,
Nào thu tiền các chợ các ti
Mấy lần thuế lại thuế đi,
Kiếm không đủ thuế lấy gì mà ăn?
Con với vợ mặt nhăn vì đói,
Mà thuế sưu cứ trói lấy tiền.
.............................
Cụ Đào Nguyên Phổ, lúc đó làm chủ bút tờ Đại Việt tân báo, là người rất có chí khí. Cụ lỡ mắc tật nghiện thuốc phiện, gặp phong trào mới, cụ khảng khái nói:
- Ai cũng biết duy tân, sao tôi còn thủ cựu, chẳng khiếp nhược lắm ư?
Rồi cụ đập bàn đèn. Thuốc phiện hành cụ dữ, cụ đau ốm cả tháng. Nhiều người ái ngại cho cụ, khuyên cụ hút lại, cụ giận:
- Tử sinh hữu mạng. Con đĩ phù dung dám làm ma bắt tôi sao?
Ngừng một chút, cụ rầu rầu nét mặt, giọng rất cảm động:
- Tôi chỉ vì lúc nhỏ đậu sớm [4], nên đâm ra chơi bời hút xách, rượu chè đủ tật. Cổ nhân nói: thiếu niên cao khoa, nhất bất hạnh dã [5] thật đúng vậy.
Cụ nghỉ để lấy hơi - lúc đó cụ đau nặng, bạn bè tới thăm đông - rồi nhìn cụ Lương văn Can tiếp:
- Các ông gắng hô hào bỏ được lối học cử nghiệp đi và giúp thanh niên xuất dương du học, sau tất ích quốc. Tiếc rằng tôi già rồi sợ không thấy được ngày thành công.
Nói xong cụ ôm mặt khóc, cụ Lương cũng sa lệ. Một lát sau, cụ lại hổn hển dặn dò cụ Lương:
- Tôi còn thằng nhỏ này - Cụ chỉ Đào Trinh Nhất - tư chất nó cũng được, xin ông chỉ bảo dùm nó cho tôi.
Do đó, Đào Trinh Nhất thành một học sinh của trường và sau cưới một người cháu cụ Lương.

*

Phần Việt văn và Pháp văn do sáu bảy nhà tân học đảm nhận: Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối...
Cụ Trần Đình Đức, một nhân viên sở Địa lý lãnh môn dạy vẽ. Chính cụ vẽ cho trường một bản đồ Việt Nam bằng vải trắng, cao độ thước rưỡi, ghi rõ tên núi, sông, châu thành, thổ sản... bằng chữ Hán và chữ Việt. Chẳng những học sinh mà ngay tới các giáo sư nhà nho cũng trầm trồ khen ngợi, đứng nhìn hoài rồi về nhà khoe với bà con, bè bạn:
- Hôm nay mình mới được biết rõ non sông của tổ tiên. Đây này - vừa nói, vừa chấm ngón tay vào một chén nước vẽ lên mặt án thư - đây này, bờ biển cong cong như hình chữ S, này Bắc, này Trung, này Nam, Tam Đảo là đây, Hồng Lĩnh là đây, Bạch Đằng Giang đại phá quân Nguyên ở đây, Trường sơn nhất đái, vạn đại dung thân của nhà Nguyễn ở đây, và cái mũi nhọn ở phía Nam này là hạ du sông Cửu Long đấy, nơi mà xưa là của Miến, nay là của mình, nơi mà lúa chất thành núi, cá lội đầy sông... Cái ông giáo Đức ấy có công với nghĩa thục quá, vẽ tuyệt khéo, thật là có hoa tay. Muốn coi không, hôm nào tôi dắt lại?
Cụ Phạm Đình Đối nhận môn toán. Cụ rất có khiếu môn ấy, tự học môn hình học trong cuốn Kỷ hà tắc cổ [6] của Trung Hoa dịch trong sách Anh. Gặp nhà nho nào còn trẻ, cụ cũng khuyên:
- Toán dễ học lắm ông ạ. Thông minh như các ông thì chỉ sáu tháng là giỏi. Cái học của người Tây minh bạch và thiết thực khác cái học của mình xa quá. Tôi mò một mình còn ra, huống hồ là các ông được tôi chỉ bảo cho. Mà môn học đó ích lợi lắm ông ạ: muốn đạc điền phải dùng nó, muốn cất nhà, xây cầu phải dùng tới nó. Để tôi chỉ ông coi...
Nhưng hầu hết các nhà nho chiều lòng mà coi qua loa chứ vẫn không thích. Cái nọc độc thơ phú đã nhiễm từ sáu bảy thế kỷ rồi mà.
Sau khi Nghĩa thục bị đóng cửa, cụ Phạm Đình Đối theo cụ Nguyễn Hải Thần qua Trung Quốc, thi đậu vào trường Đại học Canh nông Nam Kinh, rồi mất tin.
Pháp văn chỉ dạy buổi tối vì các giáo sư hầu hết là công chức. Ai muốn học, phải đóng mỗi tháng năm hào (bên Việt và Hán thì miễn phí. Có hội viên phản đối, cho như vậy không đúng với tên là Nghĩa thục, nhưng phản đông đều tán thành vì quỹ của trường còn eo hẹp, mà những người muốn học Pháp văn đều đủ sức trả học phí.
Do đề nghị của cụ Nguyễn văn Vĩnh, trường lập một sân thể dục tại hoa viên, cũng sắm được vài quả tạ, dựng được vài cây cột leo. Các nhà tân học lãnh dạy môn đó, nhưng giáo sư đã không thạo mà học sinh cũng không ham, rốt cuộc môn thể dục hữu danh mà vô thực.
Giáo sư dạy đều không công, ai bận công việc, không tiện về nhà thì ở lại trường ăn bữa trưa với một số học sinh bán ký túc. Riêng khoản đó, cũng là một món chi phí lớn cho trường rồi.

*

Các giáo sư tân học dạy có lẽ hơi có phương pháp, còn các nhà nho thì cứ tùy hứng, có chương trình hàng tháng hàng năm gì đâu, mà cũng chẳng thi cử gì cả, nên ai muốn giảng gì thì giảng.
Chẳng hạn, giảng về câu “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương” trong Hiếu kinh, thì các cụ cao thanh chỉ trích lối giải thích kinh, thư một cách cau nệ:
- Đức Khổng nói vậy thì ta phải hiểu là hồi nhỏ không nên chơi dao, leo cao cho ngã mà sinh ra vết tích, lớn lên thì đừng làm việc sái phép cho bị hình phạt; còn những chất dơ, chứa thừa trong mình bài tiết ra, như tóc như móng tay mà cũng không cắt nữa, để làm cái tổ chấy, cái chỗ chứa ghét, thì không phải là hiếu, mà là ngu, chí ngu. Anh em nghĩ tôi nói phải không?
Cả lớp cười rộ lên, rồi các cụ thao thao bất tuyệt chê cái tục để búi tóc củ hành, đề móng tay lá lan, và liên tưởng tới những hủ tục khác như nhuộm răng, chọn những ngày tốt để tắm vân vân... Cứ như vậy ý nọ gợi ý kia, rốt cuộc tới cuối giờ, có lẽ các cụ quên hẳn đầu giờ đã nói những gì nữa.
Hoặc trong giờ Việt sử, muốn dạy về đời Trần, mới mở một cuốn sách cổ ra, thấy có hai chữ thiên triều để chỉ Trung Hoa, thì một cụ giận dữ lấy bút chấm mực bôi kín hai chữ đó rồi thuyết một thôi một hồi về tinh thần tự cao của Trung Quốc và tinh thần tự ti của mình, rồi vạch cái nhục bị liệt cường xâu xé của nhà Thanh, tán dương chí cương quyết, óc sáng suốt của người Nhật, và lần lần cụ không đoái tưởng gì tới nhà Trần nữa mà vui miệng kể lại tỉ mỉ trận Nga Nhật, cuộc đại chiến trên eo biển Đối Mã, để rồi kết luận rằng ta phải bỏ cái tinh thần tự ti đối với Trung Hoa, mà cũng đừng nên có cái thói tự cao mù quáng như họ, chê Âu Tây là mọi rợ, chỉ mình mới văn minh (nội hạ, ngoại di).
Tóm lại mỗi giờ học trong các ban Trung học và Đại học gần như một cuộc diễn thuyết, bài làm chắc các cụ ít khi ra mà bài học cũng ít khi bắt trả. Lối dạy học đó không hợp khoa sư phạm chút nào, nhưng có lẽ hợp với thời đó nhất, với mục đích của trường nhất, vì các cụ không cần đào tạo các ông tú, ông cử, ông phán, ông thông, mà chỉ muốn mở cái óc mê muội, muốn gõ những tiếng chuông duy tân, muốn gây một thế hệ cách mạng trong quần chúng. “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”, các cụ muốn làm cái việc “thụ nhân” đó để lo cái “kế bách niên” kia. Chính nhờ vậy mà học sinh mới hăng hái nghe và phong trào mới có ảnh hưởng lớn.
Chú thích:
[1] Đông Kinh Nghĩa Thục - Đào Trinh Nhất - Mai Lĩnh - 1938.
[2] Bản dịch của Đặng Thái Mai. Tôi cho in ngả - Đoạn sau cũng vậy.
[3] Đậu hai lần Tú tài thì gọi là Kép.
[4] 17 tuổi, cụ đậu cử nhân, vì người bé nhỏ, người nhà phải lên gấu áo thụng cho khỏi quét đất. Sau cụ đậu đình nguyên. Cụ quê ở Thái Bình.
[5] Nhỏ tuổi mà đậu cao là một điều bất hạnh. Lời của Trình Y Xuyên đời Tống chép trong cuốn Lã Thị Đồng mông huấn.
[6] Hình học, người Trung Hoa gọi là Kỷ hà học, mới đầu ta bắt chước họ, gần đây mới đổi là Hình học. Hồi đó Bắc Việt còn một người nữa, cụ Hàn Toản cũng có khiếu về Khoa học, tự học mà chế được một chiếc tàu thủy nhỏ, dài độ năm tấc, đủ bộ phận,chạy bằng dầu lửa trên một bể nước. Chiếc tàu ấy đem tiến trình vua Thành Thái và triều đình ân tứ cho cụ chức Hàn lâm nên cụ có tên là Hàn Toản. Tiếc thay triều đình chỉ thưởng cụ như vậy mà không giúp cụ qua nước ngoài học thêm. Khi Nghĩa thục mở, cụ đã trên lục tuần nên không dạy giúp được.