Dịch giả: Phùng văn Tửu
Chương VI
Ông chú - Leni

     ột buổi chiều, vào giờ nhận thư tín và K. đương rất bận, anh thấy ông chú của anh tới, một điền chủ nhỏ từ nhà quê lên và lách vào văn phòng của anh giữa hai gã đầy tớ lúc ấy đương mang tới các giấy tờ. Thấy ông chú đến, K. không sợ hãi bằng cách đây ít lâu khi anh nảy ra ý nghĩ là chú anh sắp tới. Từ một tháng nay K. vẫn ngờ là ông chú tất yếu phải đến. Ngay lúc đó, anh tưởng như đã nhìn thấy ông, lung hơi còng, nằm bẹp rúm chiếc mũ pa-na-ma trong bàn tay trái, và cố vươn bàn tay phải ra cho cháu - ông văng bàn tay ấy phía trên bàn giấy một cách hấp tấp hung hãn và gạt đổ tất cả. Ông chú lúc nào cũng vội vã vì cái ý nghĩ vớ vẩn muốn giải quyết tất cả những công việc dự định sẽ làm trong một ngày duy nhất lưu lại thủ đô, thêm vào đó còn muốn không bỏ lỡ bất cứ cuộc trò chuyện, công việc kinh doanh hay thú tiêu khiển nào xảy đến trong dịp này. K. vốn chịu ơn ông rất nhiều vì ông là giám hộ của anh, nên anh phải giúp đỡ ông trong mọi việc trên, ngoài ra ban đêm còn phải thu xếp chỗ cho ông ngủ. Vì vậy anh gọi ông một cách kinh hãi là “bóng ma thôn dã”.
Ngay từ những phút sôi nổi tình cảm đầu tiên - ông chú không có thì giờ ngồi xuống chiếc ghế bành mà K. mời - ông xin anh cho được tiếp chuyện riêng dăm bảy phút.
“Điều nay cần thiết, - Ông vừa nói vừa nuốt vào một cách khó nhọc - cho sự thanh thản của tao”.
K. liền đuổi bọn đầy tớ ra và cấm chúng không được để cho bất cứ ai vào.
“Tao nghe được tin gì, hả Joseph?” - Ông chú thốt lên ngay khi chỉ còn có hai người, và ông ngồi lên trên bàn, kê vào đít cho êm đủ thứ giấy tờ mà ông chẳng buồn nhìn nữa.
K. chẳng nói chẳng rằng; anh biết chuyện gì sắp đến, nhưng bỗng được trút bỏ một công việc nhọc nhằn, anh bắt đầu thả mình vào tình trạng bải hoải dễ chịu một cách không chú tâm, và nhìn qua cử sổ sang bên kia phố, mà từ chỗ anh ngồi chỉ thấy được một mảng tường nho nhỏ hình tam giác trống trơn giữa hai tủ kính bày hàng.
“Mày lại nhìn ra ngoài cửa sổ! - Ông chú giơ cả hai cánh tay lên nói - Joseph, có Trời trên cao, mày hãy trả lời tao đi! Xin mày hãy nói cho tao biết đi, chuyện ấy có thật không? Nó lại có thể đúng là như thế thật ư?”
- Thưa chú, - K. dứt ra khỏi tình trạng lơ đãng và nói - cháu chẳng hiểu chú muốn gì cháu cả.
- Joseph! - Ông chú nói bằng một giọng cảnh cáo - Tao biết xưa nay mày vẫn có sao nói vậy. Mấy lời mày vừa nói đó báo hiệu với tao một sự thay đổi chăng?
- Cháu phần nào đoán được ý nghĩ của chú, - K. liền nói một cách từ tốn - chắc là chú nghe nói đến vụ án của cháu. Mà ai nói với chú thế?
- Erna viết thư cho tao, mày chưa đến thăm con bé bao giờ, chà! Mày chẳng băn khoăn nhiều đến nó, nhưng nó vẫn cứ biết chuyện, tao nhận được thư nó hôm nay; tất nhiên tao lên đây ngay; tao chẳng có lý do nào khác, nhưng tao cho lý do thế là đủ rồi. Tao có thể cho mày xem cái đoạn - Ông rút lá thư trong ví ra - đoạn này đây, nó viết cho tao: “Lâu lắm con chưa gặp anh Joseph; tuần trước con đến tìm anh ấy ở nhà ngân hàng, nhưng anh bận việc quá nên người ta không cho con vào. Con đã đợi hơn một tiếng đồng hồ, rồi buộc lòng phải quay về nhà vì bài học đàn dương cầm. Con rất mong được nói chuyện với anh, nhưng sắp tới đây chắc là sẽ có cơ hội. Nhân ngày sinh của con, anh đã gửi cho con một hộp sôcôla to tướng, anh ấy tử tế thật đấy. Trong thư trước, con quên chưa kể với ba chuyện đó, bây giờ ba hỏi đến con mới nhớ ra. Là vì sôcôla biến mất ngay lập tức ở ký túc xá, chua kịp biết là nhận được sôcôla thì sôcôla đã bay biến đi rồi. Nhưng liên quan đến anh Joseph, con muốn kể ba nghe chuyện khác; như con đã viết trên kia, con đã không thể gặp được anh ấy ở nhà ngân hàng, bởi vì anh đương đàm luận với một ông. Sau khi đã lặng lẽ chờ đợi, con hỏi một anh đầy tớ là cuộc tiếp chuyện liệu còn kéo dài lâu nữa không; hắn bảo con rất có thể lâu đấy, vì chắc là về ‘vấn đề vụ án người ta khởi tố ngài đại diện’. Con đã hỏi hắn vụ án ấy là thế nào và hắn có nghe nhầm không, nhưng hắn đã khẳng định với con là hắn không nghe nhầm, và đúng là một vụ án thật, thậm chí nghiêm trọng, nhưng hắn không biết được gì hơn nữa. Hắn bảo rằng hắn rất muốn giúp đỡ ngài đại diện là người tốt bụng và công bình, nhưng hắn không biết làm thế nào và hắn mong có những nhân vật thế lực cáng đáng cho chuyện này ngoài ra nghĩ rằng sự việc chắc chắn sẽ diễn ra như thế là tất cả đều đi đến kết thúc tốt đẹp, nhưng xét đoán qua tính khí của ngài đại diện, thì tình hình hiện nay có vẻ không khả quan lắm. Tất nhiên, con không coi những lẽ đó là quá quan trọng, và con đã tìm cách làm yên lòng con người ngây thơ ấy; con đã cấm hắn không được mang chuyện này đi kể, theo con tất cả chỉ là lời đồn đại ác hiểm. Tuy nhiên, ba ơi, có lẽ cũng hay nếu ba chú tâm đến việc ấy trong chuyến đi tới của ba; ba sẽ dễ dàng tìm hiểu các chi tiết, và nếu có thể thì can thiệp; ba có những bạn bè quyền thế. Nếu điều đó là không cần thiết, theo con có lẽ đúng thế thật, thì chí ít đây cũng là một dịp để con gái ba ôm hôn ba khiến ba sẽ rất hài lòng”.
“Con bé ngoan quá!”, ông chú nói khi đọc xong và ông chùi vài giọt nước mắt.
K. lắc đầu tư lự; sau những chuyện phiền muộn vừa qua, anh đã quên bẵng Erna; thậm chí anh đã lơ là không chúc mừng sinh nhật cô. Câu chuyện sôcôla rõ ràng chỉ là bịa đặt ra để cho anh khỏi bị ông chú và bà thím trách móc. Đó là một điều hết sức cảm động, dù anh có gửi đều đặn các phiếu xem kịch cho Erna, mà từ nay anh sẽ gửi đều đặn, thì chắc chắn anh cũng không thể nào đền bù cho được xứng đáng. Nhưng trong tình trạng của anh hiện nay, anh cảm thấy không thể nào đến ký túc xá thăm một cô gái mười tám tuổi và trò chuyện với cô được.
- Nào, bây giờ mày bảo sao? - Ông chú hỏi, lá thư đã làm cho ông quên đi mọi nỗi hấp tấp, mọi điều xúc động, và hình như ông vẫn còn đương đọc đi đọc lại.
- Thưa chú, quả thực đúng là như thế. - K. nói.
- Đúng u? - Ông chú thốt lên - Cái gì đúng? Điều đó có thể là đúng hay sao? Vụ án ấy là thế nào? Dầu sao đó cũng không phải một vụ án hình sự chứ?
- Một vụ ánh hình sự đấy. - K. nói.
- Và mày bình thản ngồi ở đây khi có một vụ án hình sự trên đôi vai ư? - Ông chú thốt lên, mỗi lúc một thêm kích động.
- Cháu càng bình tĩnh thì càng tốt hơn, - K. mệt mỏi nói - chú đừng lo sợ gì cả.
- Tao yên tâm thế nào được, mày hãy nghĩ đến bản thân mày, đến cha mẹ mày, đến thanh danh của chúng ta, từ trước đến nay mày là niêm vinh dự của chúng ta, mày không thể trở thành nỗi nhục nhã của chúng ta được. Thái độ của mày - Ông nghiêng đầu nhìn K. chăm chú - tao không ưng; một người vô tội bị kết án không xử sự như thế khi còn đương sung sức. Hãy mau mau nói cho tao biết là chuyện gì để tao có thể giúp đỡ mày. Về chuyện ngân hàng hẳn thôi?
- Không ạ, - K. đứng dậy nói - nhưng chú hét to quá chú ơi; chắc chắn là có đầy tớ nấp sau cửa nghe ngóng đấy; cháu khó chịu về chuyện đó lắm; chú cháu ta nên đi khỏi đây, lúc đó chú hỏi gì cháu cũng sẽ tó lời tất; cháu biết rất rõ là cháu phải có nghĩa vụ với gia đình.
- Phải lắm! - Ông chú hét - Phải lắm, nhanh lên, Joseph, nhanh lên!
- Cháu chỉ còn phải ban vài mệnh lệnh. - K. nói, và anh gọi điện thoại cho người đến thay anh, người đó đến ngay.
Ông chú vẫn đương hết sức nóng nảy, giơ tay bảo cho người thay thế biết là K. cho gọi y đến, điều mà ai cũng thừa hiểu. K. đứng trước bàn giấy, chỉ trỏ các giấy tờ khác nhau và nhỏ nhẹ giải thích cho chàng thanh niên, y lắng nghe một cách lạnh lùng nhưng chăm chú những việc còn phải làm trong khi anh vắng mặt. Mới đầu ông chú thật là phiền hà đứng trơ trơ ra đó với đôi mắt ngạc nhiên, răng cắn cắn vào môi, chẳng nghe gì, nói của đáng tội, nhưng cứ nhìn bề ngoài cũng đủ. Tiếp đó, ông đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng dừng lại nhìn qua cửa sổ hoặc ngắm một bức tranh, và mỗi lần thốt lên những câu khác nhau như: “Tôi chẳng hiểu mô tê gì hết!”, hoặc: “Tôi hỏi các người một chút cái gì sắp từ chỗ kia buớc ra!”. Chàng thanh niên làm như không thấy gì cả, y ung dung lắng nghe đến đầu đến đũa các mệnh lệnh của K. ghi chép vài điều rồi biến đi sau khi khẽ gật đầu chào thủ trưởng của y và ông chú, nhưng chẳng may lúc đó ông đương quay lưng lại với y vì mải nhìn ra ngoài cửa sổ, hai bàn tay vò nát nhàu cả những tấm rèm che. Cửa vừa đóng lại, ông chú đã kêu lên:
“Rồi! Thế là thằng cha đã tếch! Chúng ta sắp có thể làm như nó”.
Anh thật khổ là chẳng có cách nào thuyết phục ông khoan hãy đưa ra những câu hỏi về vụ án ở hàng hiên nơi các nhân viên, các đầy tớ qua lại và đúng lúc ấy ông phó giám đốc đi ngang.
“Nào, Joseph! - Ông chú vừa khẽ gật đầu đáp lễ mọi người vừa bắt đầu - Bây giờ mày hãy thẳng thắn nói cho tao biết vụ án ấy là thế nào”.
K. nêu lên vài điều vụn vặt, rồi khi xuống cầu thang anh giải thích cho ông chú rõ là lúc nãy anh không muốn nói trước mặt mọi người.
“Tốt lắm, - Ông chú bảo - nhưng bây giờ thì mày nói đi!”.
Rồi ông lắng nghe, đầu cúi xuống, miệng hút điếu xì gà từng hơi nhỏ vội vàng.
“Chú ạ, - K. nói - trước hết đây không phải là một vụ án trước cái tòa án thông thường”.
- Thế thì gay đấy! - Ông chú nói.
- Sao cơ? - K. nhìn ông, hỏi.
- Tao bảo là gay đấy. - Ông chú nhắc lại.
Lúc đó hai người đương ở bậc thềm và vì bác gác cổng hình như lắng tai nghe, K. liền kéo vội ông chú đi nhanh xuống. Họ hòa vào trong dòng người nhộn nhịp ở ngoài phố. Ông chú bám lấy cánh tay K. mà đi, và không còn hỏi cháu dồn dập nữa; có lúc thậm chí họ chẳng nói năng gì.
- Nhưng chuyện xảy ra làm sao? - Cuối cùng ông hỏi và đứng sững ngay lại khiến những người đi sau ông sợ hãi quay đầu nhìn - Mọi chuyện đó hẳn là không ập đến bất thình lình! Mà được chuẩn bị từ lâu! Mày chắc là phải thấy nó kéo tới chứ? Tại sao mày không viết thư cho tao? Mày thừa biết là tao sẽ làm tất cả cho mày; tao còn ít nhiều là giám hộ của mày nữa và cho đến nay tao vẫn luôn luôn lấy làm tự hào. Tất nhiên, tao luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mày, duy có điều bây giờ vụ án đã khởi sự rồi thì rất khó khăn. Tốt hơn hết là mày nên nghỉ phép ít ngày về quê ở với tao. Tao nhận thấy mày có phần hơi gầy đi đấy. Ở nhà quê, mày sẽ lấy lại sức khỏe, đó là một điều tốt, bởi vì nhiều nỗi mệt nhọc đương còn chờ đợi mày. Vả chăng kỳ nghỉ ấy sẽ lôi mày ra khỏi tổ chức tư pháp một chút. Ở đây, chúng có đủ mọi phương tiện có thể được; mày không tránh khỏi trở thành nạn nhân: tất cả điều đó diễn ra một cách tự động. Ở nhà quê, chúng sẽ buộc phải bắt đầu bằng cách sai phái người đi hoặc gửi thư, đánh điện, gọi dây nói đòi mày đến. Như thế tất nhiên hiệu lực không mãnh liệt bằng và nếu chẳng phải nhờ đó mà mày được thoát nạn, thì dẫu sao mày cũng có thời giờ để mà thở.
- Nhưng họ có thể ngăn không cho cháu đi! - K. nói, hơi xiêu xiêu vì lời lẽ của ông chú.
- Tao không tin là họ sẽ làm thế, - Ông chú tư lự đáp - họ nắm giữ khá đủ quyền lực, dù có để cho mày đi đây đi đó.
- Cháu cứ tưởng chú xem chuyện này còn ít quan trọng hơn cả cháu kia, - K. vừa nói vừa xốc cánh tay ông để ngăn không cho ông dừng lại - nhưng cháu thấy là chú nhìn vấn đề còn tệ hại hơn.
- Joseph! Joseph! - Ông chú vừa kêu vừa tìm cách gỡ tay để có thể dừng lại, nhưng K. không buông ông ra - Mày vẫn là người xét đoán đâu ra đấy, thế mà bây giờ đầu óc mày bỏ đi đâu; thế mày muốn thua vụ này hay sao? Mày biết điều đó có nghĩa là gì không? Điều đó đơn giản chỉ muốn nói là mày bị xóa tên khỏi xã hội, và cả họ hàng bà con của mày nữa; dù thế nào thì đó cũng sẽ là điều nhục nhã tệ hại nhất. Joseph, tao xin mày hãy tỉnh táo lại đi, sự dửng dưng của mày làm tao phát điên lên được. Cứ nhìn mày, người ta hầu như tin vào câu cách ngôn: “Vướng vào vụ kiện như thế, coi như đã thua kiện rồi”.
- Chú thân mến, - K. nói - chú nóng nảy quá; nóng nảy có được việc gì đâu; với cháu hay với chú cũng thế. Đâu phải cứ nóng nảy là người ta thẳng các vụ kiện; cho phép cháu phát huy phần nào kinh nghiệm của cháu, chú biết rằng cháu vẫn luôn luôn lắng nghe kinh nghiệm của chú, ngay cả khi nó làm cho cháu ngạc nhiên. Bởi lẽ chú bảo rằng cả.gia đình sẽ phải chịu hậu quả của vụ án, điều mà về phần cháu cháu không hiểu; nhưng đó là thứ yếu, nên cháu rất muốn làm theo tất cả những điều chú chỉ bảo, nhưng cháu không tin là những ngày lưu trú ở thôn quê kia lại có lợi theo chiều hướng như chú nghĩ, vì trốn tránh cũng tương đương với thú nhận. Vả chăng, nếu ở lại đây cháu dễ bị rầy rà hơn thì cháu cũng bảo vệ được tốt hơn.
- Được lắm, - Ông chú nói bằng một giọng tỏ ra thông cảm hơn - tao vừa đề nghị với mày như thế chỉ là vì tao thấy thái độ dửng dưng của mày ở đây làm hỏng công hỏng việc và tao cáng đáng thay cho mày thì hơn, nhưng nếu mày muốn tự mày dốc hết sức lực vào đấy, thì đương nhiên là tốt hơn nhiều.
- Thế là chúng ta nhất trí với nhau về điều ấy, - K. tuyên bố - và bây giờ chú có thể nói cho cháu biết trước hết cháu phải làm gì không?
- Phải để cho tao có thì giờ suy nghĩ đã, - Ông chú bảo - mày nên nhớ rằng đã hai chục năm nay tao rời thành phố, óc nhạy bén cùn đi, chẳng còn biết phải đi gõ cửa nào nữa. Những mối quan hệ tao từng duy trì với các nhân vật có lẽ giúp ích được cho mày trong vụ này tự nó đã trở nên lỏng lẻo. Tao phần nào bị bỏ rơi ở nhà quê, mày biết đấy, chỉ trong những dịp như dịp này người ta mới nhận ra. Vụ việc của mày đến với tao một cách khá bất ngờ, tuy rằng lá thư của Erna đã ít nhiều chuẩn bị tinh thần cho tao và thái độ hiện nay của mày hầu như xác nhận những điều tao linh cảm. Nhưng chẳng hề gì; điều cốt yếu bây giờ là không để mất một phút nào.
Mồm vẫn còn đương nói, ông đã kiễng chân và ra hiệu gọi một cái ô-tô; rồi vừa tuôn ra địa chỉ cho người tài xế, ông vừa đẩy K. lên xe.
- Chúng ta đi ngay đến nhà luật sư Huld,- Ông nói - đó là một trong số những bạn học cũ của tao; chắc mày có nghe tên; mày bảo không à? Lạ đấy! Thế nhưng ông ấy khá nổi tiếng là luật sư bào chữa cho những kẻ nghèo khổ. Song đặc biệt nhân cách của ông ấy đã khiến cho tao tín nhiệm.
- Chú định tiến hành ra sao, cháu đồng ý tất. - K. nói, mặc dầu ông chú của anh xử sự vội vã và bộp chộp.
Đối với một bị cáo, đi chạy luật sư của người nghèo chẳng có gì thú vị lắm.
- Cháu không biết trong một vụ án như loại này có cần nhờ luật sư không. - Anh nói.
- Ơ kìa, đó là chuyện đương nhiên! - Ông chú bảo - Sao lại không nhờ luật sư? Và bây giờ mày hãy kể tất cả những gì đã xảy ra cho tới nay để tao nắm được sự việc.
K. lập tức thuật lại chuyện của anh, không sót điều gì, vì chỉ bằng cách hoàn toàn thành thực, anh mới có thể bác được ý kiến của ông chú cho rằng vụ án này là một điều hết sức nhuốc nhơ. Anh chỉ nhắc qua đến tên cô Bürstner một lần; nhưng như thế cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự trung thực của anh, vì cô gái không có gì liên quan tới vụ án. Vừa nói anh vừa nhìn ra ngoài cửa xe; anh nhận thấy đã ra gần đến vùng ngoại ô nơi có các văn phòng tư pháp, anh nói cho ông chú biết, nhưng ông thấy sự trùng hợp này chẳng có gì lạ lùng đáng chú ý. Xe dừng trước một ngôi nhà tối tăm. Ông chú kéo chuông ngay phòng đầu của tầng dưới; ông mỉm cười phô những chiếc răng bàn cuốc trong lúc chờ đợi trả lời và thì thầm với cháu:
“Tám giờ... thực ra đâu phải giờ tiếp khách hàng! Nhưng ông Huld sẽ chẳng giận tao”.
Đôi mắt to đen lay láy ló ra phía sau ô cửa nhỏ, nhìn khách một lúc rồi lại biến mất; nhưng cửa không mở. Ông chú và K. đều xác nhận với nhau là đã nhìn thấy đôi mắt.
“Đó là con ở mới, nó sợ người lạ”, ông chú nói và gõ cửa nữa.
Đôi mắt lại hiện ra, trông có vẻ buồn buồn, nhưng có lẽ đó chỉ là một ảo thị gây nên bởi ngọn đèn khi tháp đương cháy xèo xèo phía trên đầu họ, nhưng lại chỉ tỏa ra một ánh sáng yếu ớt.
- Mở cửa ra! - Ông chú vừa hét vừa nắm tay đấm vào cửa - Bạn bè của ông luật sư đây.
“Ông luật sư ốm”, có người thì thầm sau lưng họ.
Đó là một ông bận chiếc áo dài mặc trong nhà, đứng trên ngưởng cửa một phòng ở đầu bên kia hành lang, người ấy nói thế bằng một giọng lí nhí. Ông chú đương bực vì phải đợi lâu, liền quay phắt lại thét lên:
“Ốm à? Bác bảo ông ấy ốm à?”, và ông tiến đến, vẻ dọa dẫm, như thế người đó là hiện thân của chính bệnh tật.
“Họ mở cửa cho các ông kia kìa”, người ấy nói và chỉ cửa phòng ông luật sư, rồi khép vạt áo dài lại và biến đi.
Cửa đã mở ra thật. Một thiếu nữ, K. nhận ra đôi mắt đen ở ô cửa nhỏ, đó là những con mắt hơi lồi - một thiếu nữ mặc tạp dề trắng dài, tay cầm nến, đứng ở phòng ngoài.
- Lần sau mở cửa sơm sớm một chút nhé. - Ông chú nói trước khi chào cô ta, trong khi cô hơi khúm núm chào - Joseph, vào đây.
- Ông luật sư ốm. - Cô gái nói khi nhìn thấy ông chú khép cửa. Cô có khuôn mặt mũm mĩm và tròn trĩnh; không những đôi má tai tái và cái cằm tròn, mà thái dương cũng tròn, trán cũng tròn.
“Joseph!”, ông chú lại gọi, rồi ông hỏi cô gái: “Chắc là bệnh tim?”
“Có lẽ là thế”, cô gái nói, cô đã quay trở lại cầm nến dẫn đường cho hai người và mở cửa phòng.
Ở một góc trong căn phòng ấy, nơi ánh nến chưa dọi vào, một bộ mặt có râu dài nhổm đậy trên giường:
- Ai tới đấy, Leni? - Luật sư hỏi, lóa mắt vì ánh sáng.
- Albert đây, ông bạn già của bác đây. - Ông chú nói.
- Ôi bác Albert. - Luật sư thốt lên và lại ngả người xuống gối, như thể ông chẳng có gì phải giấu diếm người khách đó cả.
- Đau đến thế kia ư? - Ông chú vừa hỏi vừa ngồi xuống thành giường - Chẳng sao đâu, đây là một con yếu tim như bác vẫn thườttg bị luôn và rồi cũng sẽ qua khỏi như mọi lần.
- Cũng có thể - Luật sư khe khẽ nói - nặng hơn tất cả những lần trước. Tôi thở mệt nhọc lắm, ngủ không được và ngày càng yếu dần đi.
- Chà chà! - Ông chú nói, bàn tay hộ pháp của ông tì chiếc mũ panama trên đầu gối - Khổ thật! Thế ít nhất bác có được chăm sóc chu đáo không? Ở đây tối lắm, rầu rĩ quá. Đã lâu tôi không đến chơi, nhà bác trước kia có vẻ vui hơn nhiều. Ngay cả con bé giúp việc của bác tôi thấy cũng ủ ê, trừ phi nó đóng kịch ra thế.
Cô gái vẫn cầm nến đứng ở gần cửa; căn cứ vào cái nhìn có vẻ mơ hồ của cô thì dường như cô nhìn K. hơn là nhìn ông chú, ngay cả khi ông nói về cô.
K. đẩy một cái ghế đến gần cô và đứng vịn thành ghế.
“Ốm như tôi thì cần nghỉ ngơi, - Luật sự nói - sự yên tĩnh này có gì buồn đối với tôi đâu”.
Một lát sau ông nói thêm:
“Với lại, Leni săn sóc tôi chu đáo lắm, nó rất ngoan”.
Nhưng ông chú không tin, rõ ràng ông có ác cảm đối với cô y tá trẻ; tuy không trả lời luật sư, ông vẫn không ngừng đưa mắt nghiêm khắc theo dõi cô khi thấy cô bước đến cạnh giường, đặt cây nến trên chiếc bàn để đèn đêm, cúi xuống luật sư Huld và vừa xếp lại mấy cái gối vừa thì thầm với luật sư.
Hầu như quên hết mọi ý tứ đối với người ốm, ông đứng dậy và đi đi lại lại sau lưng cô, tỏ vẻ bực dọc đến nỗi K. sẽ chẳng lấy làm lạ nếu nhìn thấy ông túm áo người phụ nữ và đẩy cô ra xa giường; còn anh thì vẫn bình thản đứng nhìn; anh không hoàn toàn khó chịu khi thấy luật sư ốm, bởi vì không thể nào phản đối nhiệt tình của ông chú muốn ra tay giúp đỡ anh, anh rất hài lòng thấy nhiệt tình ấy bị bẻ quẹo đi mà không cần anh phải can thiệp. Ông chú nói, có lẽ cốt nhằm làm cho cô hộ lý mếch lòng:
“Này chị, xin chị ra ngoài một lát cho, tôi có câu chuyện riêng muốn bàn bạc với ông bạn tôi”.
Cô y tá lúc ấy đương cúi sát trên người luật sư và mải tém khăn trải giường phía bên tường, chỉ quay đầu lại và trả lời bằng một giọng điềm tĩnh tương phản một cách lạ thường với những lời lẽ của ông chú, khi thì dằn từng tiếng vì tức giận, khi thì liến láu tràng giang:
“Ông xem đấy, ông cháu ốm lắm, không thể bàn bạc bất cứ chuyện gì lúc này được đâu”.
Cô lặp lại từ ngữ của ông chú chắc chỉ vì lý do tiện lợi, nhưng bất cứ ai nghe đều có thể tưởng rằng cô châm biếm, vì vậy ông chú giật bắn người như bị kim châm:
“Đồ quỷ cái!”, ông thét lên trong con xúc động, giọng lạc đi hầu như nghe không rõ.
K. phát sợ, mặc dầu anh vẫn ngờ là sẽ xảy ra chuyện đại loại như thế, liền chạy lại chỗ ông chú, định bụng dùng cả hai ngón tay bịt miệng ông, nhưng vừa may lúc ấy người ốm nhổm dậy, bóng dáng nổi lên sau lưng cô gái; ông chú nhăn mặt như vừa nuốt phải vật gì kinh tởm, rồi nói một cách bình tĩnh hơn.
“Tôi chưa mất trí đâu chị ơi. Nếu tôi yêu cầu điều gì mà không thể được thì tôi đã chẳng yêu cầu. Bây giờ thì xin chị ra ngoài cho”.
Cô y tá đứng thẳng dậy, ở đầu giường, mặt quay hẳn về phía ông chú; K. thấy hình như cô vuốt ve bàn tay luật sư.
“Bác có thể nói mọi chuyện trước mặt Leni cũng được” - Người ốm nói, giọng khẩn khoản.
“Chuyện không liên quan gì đến tôi, - Ông chú nói - không phải là vấn đề chuyện bí mật của tôi”. Và ông quay đi như để tỏ ra rằng ông không muốn bàn bạc nữa, nhưng vẫn còn để cho luật sư suy nghĩ thêm giây lát.
“Vậy là chuyện của ai thế?” - Luật sư lại nằm xuống và hỏi thều thào.
- Của cháu tôi, tôi đã đưa nó đến đây - Và ông giới thiệu - Ông đại diện Jozep K.
- Ồ! - Người ốm nói nhanh nhẩu hơn và chỉ bàn tay về phía K.
- Xin lỗi, nãy giờ tôi không nhìn thấy anh.
- Leni, ra ngoài nhé. - Sau đó ông nói với cô y tá, cô nghe theo ngay, và ông bắt tay cô làm như cô sẽ đi lâu lắm.
- Thế ra bác đến đây không phải vì người ốm mà vì công việc. - Ông nói với ông chú lúc này đã thân mật ngồi nhích lại gần.
Nãy giờ ông lệt bệt có lẽ vì tưởng rằng do mình ốm nên khách đến thăm, bỏi từ lúc này ông có vẻ khỏe khắn hẳn ra. Ông năm chống trên một khuỷu tay, tư thế ấy chắc khá mệt, và rứt rứt liên tục dăm ba sợi của bộ râu to tướng.
- Bác có vẻ tỉnh táo hơn, - Ông chú nói - từ lúc con mụ phù thủy đã “xéo đi”.
Ông ngừng lại để thì thầm: “Tôi cuộc với bác con bé nó nghe trộm”, và nhảy phốc ra cửa.
Nhưng ngoài cửa không có ai, ông chú trở lại, không thất vọng, nhưng bực bội, vì không có mặt cô y tá, ông cảm thấy còn ngán hơn.
“Bác hiểu lầm con bé”, luật sư nói, không bào chữa cho cô thêm nữa - có lẽ để tỏ ra rằng cô chẳng cần ai bào chữa.
Rồi ông nói tiếp bằng một giọng thân tình hơn:
“Còn như việc của anh cháu bác đây, giá sức lực của tôi đủ gánh vác nhiệm vụ nặng nề như thế thì tôi sung sướng quá chừng; tôi rất lo sức lực tôi không đảm đương nổi, nhưng tôi sẽ chẳng nề hà gì; nếu một mình tôi đương đầu không xuể, tôi sẽ nhờ thêm một bạn đồng nghiệp. Thành thực mà nói, tôi rất quan tâm đến vụ này nên không thể chưa chi đã khước từ đích thận lo toan giải quyết. Nếu trái tim tôi bỏ rơi tôi quá sớm thì ít nhất cũng đã tìm được cơ hội xứng đáng để bỏ tôi mà đi”.
Những lời lẽ ấy, K. nghe như chẳng hiểu gì cả, anh cứ nhìn chăm chăm ông chú để cố tìm lấy một ý nghĩa, nhưng ông vẫn tay cầm nến ngồi trên chiếc bàn con để đèn đêm làm cho một lọ thuốc đã lăn xuống thảm từ bao giờ; ông gật đầu tán thành từng câu từng tiếng của luật sư, tỏ ra đồng ý về tất cả mọi điểm, và chốc chốc lại nhìn cháu một cái như khuyên nhủ anh cũng nên tán thành. Ông chú đã nói đến vụ án rồi chăng? Nhưng không, không có lý, mọi diễn tiến vừa rồi bác bỏ giả thiết này. Vì vậy anh nói:
“Cháu không hiểu”.
- Có lẽ tôi hiểu lầm chăng? - Luật sư hỏi, cũng ngạc nhiên và bối rối như K. - Chắc vì tôi hấp tấp nên chuyện nọ ra chuyện kia? Bác muốn nói với tôi về chuyện gì nhỉ: tôi cứ tưởng là chuyện vụ án.
- Chính thế. - Ông chú nói, và ông hỏi K.: “Thế mày muốn gì?”.
- Nhưng do đâu mà luật sư biết chuyện này chuyện nọ về cháu và về vụ án của cháu? - K. nói.
- À! Ra thế! - Luật sư mỉm cười nói - Thì ra anh cũng biết tôi là luật sư: tôi giao du với các viên chức tư pháp, họ toàn nói những chuyện kiện cáo, và người ta nhớ những chuyện nào tác động đến mình hơn cả, nhất là khi lại có liên quan đến cháu của một ông bạn. Theo tôi, nào có gì đáng ngạc nhiên đâu.
- Mày còn muốn gì nữa? - Ông chú bảo K. - Mày có vẻ lo lắng.
- Luật sư giao du với các viên chức tư pháp ư! - K. hỏi.
- Chứ sao! - Luật sư đáp.
Và ông chú bảo:
- Mày hỏi như trẻ con.
- Chẳng gặp gỡ với những người trong phạm vi nghề nghiệp của tôi thì còn với ai nữa? - Luật sư nói thêm.
Ông nói bằng một giọng rất cả quyết đến nỗi K. không trả lời được gì.
“Dầu sao ông cũng làm việc cho loại tư pháp ở pháp đình chứ không phải cho loại tư pháp ở tầng nóc phải không?” - Anh vốn định nói như vậy và trên thực tế không thể không nói toạc ra.
- Anh nên biết, - Luật sư nói tiếp bằng giọng như để nhân tiện giải thích một chuyện hoàn toàn đương nhiên - những quan hệ giao thiệp ấy có lợi cho khách hàng của tôi nhiều lắm, và về nhiều phương diện. Lẽ ra tôi không nên thổ lộ điều này. Dĩ nhiên giờ đây bệnh tật cản trở tôi nhiều lắm, nhưng tôi luôn có nhiều bạn bè tốt bên ngành tư pháp, họ đến thăm, tôi vẫn nắm được các tin tức. Có lẽ còn nhanh hơn cả vô khối kẻ suốt ngày có mặt ở tòa. Chính vì thế mà đương lúc này tôi cũng có ở đây một ông bạn rất thân thiết với tôi đấy.
Và ông trỏ vào một xó tối.
“Đâu nào?”, K. hỏi có vẻ lấc cấc do ảnh hưởng của giây phút ngạc nhiên ban đầu.
Anh bối rối nhìn quanh: ánh sáng của cây nến nhỏ soi không thấu tới bức tường trước mặt. Nhưng đúng là có cái gì bắt đầu động đậy trong góc phòng. Ông chú lúc này giơ cây nến lên, và ai nấy nhìn thấy một ông đã đứng tuổi ngồi cạnh chiếc bàn nhỏ. Có lẽ ông ta đã phải nín thở nên mới im hơi kín tiếng được lâu đến thế; ông ấy trịnh trọng đứng dậy, rõ ràng là khó chịu vì thấy người ta lôi cuốn sự chú ý đến ông, và xua xua hai bàn tay như đôi cánh nhỏ để tỏ ý không muốn giới thiệu, chào hỏi gì hết, không muốn làm phiền những người khác tí nào và van nài mọi người cứ để mặc ông ngồi trong xó tối và hãy quên đi sự có mặt của ông. Nhưng điều đó không thực hiện được.
“Các vị đến lúc chúng tôi đương trò chuyện”, luật sư nói để giải thích.
Và ông ra hiệu bảo người đó cứ lại gần, ông ta vừa thong thả bước tới vừa nhìn xung quanh hết sức ngần ngại, nhưng chẳng phải là không đường hoàng.
“Ngài trưởng phòng... - À! Xin lỗi! Tôi chưa giới thiệu các vị - Đây, là Albert K., ông bạn tôi, và cháu ông, vị đại diện Jozep K.; và đây là ngài trưởng phòng. Ngài trường phòng có nhã ý đến thăm tôi. Người ngoài không thể nào lường hết giá trị việc đến thăm này; muốn lường được thì phải là người am hiểu, phải biết rõ công việc đương đè nặng trên vai ngài thân mến đây. Vậy là ngài đã chẳng nề hà đến thăm và chúng tôi đương lặng lẽ trò chuyện với nhau trong chừng mực sức khỏe yếu ớt của tôi cho phép. Chúng tôi đã không giao hẹn với Leni đừng để cho ai vào, vì chúng tôi không ngờ lại có khách đến thăm, cứ tưởng chì có hai chúng tôi với nhau mà thôi. Đúng lúc ấy, bác Albert thân mến ạ, có tiếng đấm cửa thình thình, và ngài trưởng phòng liền lánh vào trong xó với chiếc ghế tựa và cái bàn; nhưng bây giờ thì tôi thấy rằng, nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ có chuyện để nói chung với nhau; nào, ngài trường phòng, ta lại quây quần trò chuyện...” - Ông nói thêm, nghiêng đầu mỉm cười xun xoe và trỏ mệt cái ghế bành ở gầm giường.
- Ủa! Tôi chỉ có thể ngồi lại vài phút nữa thôi. - Ngài trưởng phòng thả mình xuống ghế bành, xem đồng hồ và nói dịu dàng - Công việc bận lắm. Nhưng tôi không muốn bỏ lỡ dịo làm quen với một người bạn của ông bạn tôi.
Và ngài cúi đầu chào, còn ông chú có vẻ rất hài lòng về người bạn mới ấy; nói đúng ra, tính khí của ông ngăn trở ông biểu lộ các tình cảm, nhưng ngài trưởng phòng vừa dứt lời, là ông cười theo, cái cười vừa ồn ào vừa ngượng nghịu. Một cảnh tượng kinh khủng! K. có thể tha hồ nhìn ngắm vì chẳng ai quan tâm đến anh cả. Từ lúc được mời tham gia và cuộc trò chuyện, ngài trưởng phòng, theo thói quen, lại trở thành người chủ trì. Lúc nãy luật sư làm ra bộ ốm yếu có lẽ là để cho những người khách mới đến mau mau ra về, bây giờ ông khum bàn tay lên tai chăm chú lắng nghe, còn ông chú tay vẫn không rời cây nến, vung va vung vẩy trên đùi khiến luật sư chốc chốc lại đưa mắt nhìn có vẻ lo lắng, chẳng mấy nỗi, ông chú quên hết ngượng nghịu, say sưa nghe ngài trưởng phòng thao thao bất tuyệt, vừa nói vừa hoa chân múa tay. K. đứng tựa vào thành giường, bị ngài trường phòng hoàn toàn không chú ý tới, có thể là do cố tình, và anh chỉ đóng vai trò thính giả của ba ông già kia. Vả lại, anh hầu như chẳng biết họ nói chuyện gì, anh nghĩ vẩn vơ, khi thì nghĩ đến cô y tá và cách cư xử lỗ mãng của ông chú đối với cô ta, khi thì tự hỏi phải chăng đã trông thấy bộ mặt của ngài trưởng phòng ở đâu rồi. Có lẽ ở giữa đám đông trong buổi hỏi cung anh lần đầu chăng? Cũng có thể là anh nhầm; dù sao đi nữa, ngài trưởng phòng mà ở trong đám các cụ già có chòm râu lưa thưa trên hàng ghế đầu ở tòa án thì thật là hợp quá.
K. đương miên man như thế thì chợt có tiếng như tiếng bát vỡ làm cho ai nấy dỏng tai nghe.
“Để tôi ra xem chuyện gì”, anh nói và bước ra một cách chậm chạp như muốn để mọi người giữ anh lại.
Anh vừa bước ra phòng ngoài, đương định thần trong bóng tối thì một bàn tay nhỏ nhắn đặt lên bàn tay anh lúc chưa kịp buông quả đấm cửa. Bàn tay nhỏ nhắn khép cửa lại hết sức nhẹ nhàng. Đó là bàn tay cô y tá, cô đã nghe tiếng anh bước ra.
“Có chuyện gì đâu, - Cô nói - chỉ là em choang một cái đĩa vào tường để làm cho anh ra đấy thôi”.
K. bối rối nói:
- Tôi cũng thế, tôi nghĩ đến cô.
- Càng hay! Anh lại đây!
Đi được vài bước, họ đứng trước một cửa ra vào lắp kính mờ và cô gái mở ra cho anh.
“Anh vào đi”, cô nói.
Chắc đấy là phòng làm việc của luật sư. Cố nhìn kỹ dưới ánh trăng lờ mờ chiếu sáng sàn nhà một khoảng hình chữ nhật nho nhỏ giữa hai chiếc khung cửa sổ lớn có thể phân biệt được trong phòng kê những đồ đạc cổ nặng nề.
“Ngồi đây”, cô y tá nói và trỏ một cái ghế tôi tối có chỗ tựa lưng bằng gỗ chạm.
Ngồi xuống rồi, K. tiếp tục xem xét; anh đương ngồi trong một phòng cao, khách hàng của ông luật sư bào chữa cho những người nghèo khổ mà đứng giữa nơi đây thì hoàn toàn lọt thỏm. Anh tưởng chừng như nhìn thấy họ đương ren rén bước lại gần cái bàn giấy rộng thênh thang. Nhưng anh quen ngay ấn tượng ấy; anh còn mải nhìn cô gái ngồi sát bên cạnh và hầu như ép sát anh vào chỗ tì khuỷu tay.
“Em cứ nghĩ là tự anh đến đây chứ không cần em gọi. Kể cũng lạ thật đấy: thoạt đầu, lúc mới đến, anh cứ nhìn em hoài, thế mà bây giờ anh bắt em phải chờ đợi. Gọi em là Leni”, cô hối hả nói thêm, như thể không một lúc nào được sao nhãng tên gọi ấy.
- Rất vui lòng, - K. trả lời - còn như điều lạ lùng cô vừa nói thì dễ giải thích thôi, Leni ạ. Thoạt đầu tôi phải nghe mấy ông bạn già ba hoa, tôi không thể vô cớ bỏ đi được hơn nữa tôi không phải là đứa trơ tráo, tôi có tính nhút nhát nữa là khác, và cô cũng có phải là bồng bột ngay từ phút đầu đâu.
- Không phải thế, - Leni vừa nói vừa đặt cánh tay lên tay ghế và nhìn vào mắt K. - mà là vì lúc ấy anh không thích em và chắc chẳng bao giờ anh thích em cả.
- Thích ư, - K. nói khống chế - dùng từ thích thì nhẹ quá...
- Ồ! - Cô mỉm cười nói.
Ý nghĩ của K. kèm theo tiếng cảm thán ấy đem lại cho Leni một chút ưu thế; vì vậy K. nín lặng một lát không nói năng gì. Vì đã quen với bóng tối của căn phòng nên bây giờ anh có thể nhìn được khá chi tiết mọi thứ. Anh chú ý hơn cả đến một bức tranh lớn treo ở phía bên phải cửa ra vào và ngả hẳn người ra phía trước để xem cho rõ. Tranh vẽ một người mặc áo quan tòa ngồi trên cái ngai cao ma vàng lộng lẫy tòa khắp bức tranh. Điều kỳ lạ của bức chân dung ấy là thái độ của vị pháp quan; quan không ngồi trầm tĩnh uy nghi, mà cánh tay trái tì mạnh vào lưng ghế và tay ghế, còn cánh tay phải không tì vào đâu cả, chỉ có bàn tay vịn vào tay ghế, nên quan tòa trông như đương tức tối sắp bật dậy để nói một điều quyết định, cũng có thể là để đọc lời phán quyết ghê gớm. Bị cáo chắc là đứng dưới chân thềm, bức tranh chỉ vẽ mấy bậc trên cùng phủ thảm vàng.
- Có lẽ quan tòa xử tôi kia phải không? - K. trỏ bức tranh nói.
- Em biết ông ta, - Leni nói và cũng nhìn bức tranh - ông ta đến chơi luôn; bức tranh vẽ từ thời ông còn trẻ, nhưng chắc chắn là vẽ không giống; ông quan tòa thật người bé tí xíu. Song ông vẫn cứ muốn được thể hiện là ngưởi cao lớn mênh mông, bởi vì ông hợm hĩnh ơi là hợm hĩnh, mà mọi người ở đây ai cũng thế cả. Bản thân em cũng hợm hĩnh, em rất bực vì đã không được anh thích!
K. chỉ đáp lại cái ý nghĩ sau cùng ấy bằng cách quàng tay quanh người Leni và kéo cô sát lại gần anh. Cô lặng lẽ tựa đâu vào vai anh. Nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến quan tòa, anh hỏi:
- Ông ấy cấp bậc gì?
- Ông ấy là dự thẩm. - Cô vừa nói vừa nắm lấy bàn tay K. (anh đã ôm ngang người cô) và ve vuốt các ngón tay anh.
- Lại vẫn chỉ là một viên dự thẩm quèn! - K. thất vọng nói, các viên chức cao cấp toàn giấu mặt. Thế mà hắn cũng ngồi trên một cái ngai!
- Tất cả chỉ là bịa đấy! - Leni nói, mặt cúi xuống bàn tay K. - Thực ra, ông ấy ngồi ở một cái ghế làm bếp, trên phủ tấm chăn ngựa cũ gập tư. Nhưng anh chỉ có thể nghĩ đến vụ án của anh thôi ư? - Cô chậm rãi nói thêm.
- Không, không hề, - K. nói - có lẽ tôi nghĩ đến quá ít nữa là khác.
- Chẳng phải đấy là tội lỗi của anh đâu. - Leni nói - Em nghe nói là tại anh ngoan cố lắm kia.
- Ai nói thế? - K. hỏi.
Anh cảm thấy thân thể Leni áp vào ngực anh và nhìn bím tóc màu sẫm vừa to vừa chắc của cô.
- Em không thể nói tỉ mỉ được. - Leni đáp - Đừng hỏi em tên người nọ người kia, mà anh nên sửa lỗi đi, đừng cố chấp quá thế; không có vũ khí nào đối chọi được với tổ chức tư pháp này đâu chỉ còn cách thú nhận. Anh nên thú nhận ngay từ đầu, sau đó, mới có thể tìm cách thoát tội; mà ngay cả lúc ấy anh cũng chỉ thoát được nếu có người giúp đỡ, nhưng anh đừng lo, bản thân em sẽ giúp đỡ anh.
- Cô có vẻ biết rõ cái tổ chức tư pháp ấy lắm và ở đấy cần phải ăn gian nói dối ra sao. - K. nói và đặt Leni ngồi lên đầu gối, vì cô ép vào người anh mạnh quá.
- Đúng như thế đấy. - Cô vừa nói vừa thu xếp ngồi lại cho thoải mái sau khi đã sửa sang các nếp áo choàng và áo dài cho ngay ngắn.
Rồi cô bíu cả hay tay lên cổ anh, ngửa đầu ra và nhìn anh rất lâu.
- Và nếu tôi không thú nhận, cô sẽ không giúp đỡ tôi được ư? - Anh hỏi thử xem sao.
“Sao lắm người định giúp đỡ mình thế, anh nghĩ ngợi hầu như lấy làm lạ; thoạt đầu là cô Bürstner, rồi đến chị vợ viên mõ tòa, và cuối cùng là cô y tá nhỏ nhắn, cô ta hình như cần đến mình một cách kinh khủng. Cô ta ngồi trên đầu gối mình chẳng khác nào như thấy chính là chỗ ngồi thật sự của cô ta vậy”.
- Không, - Leni thong thả lắc đầu trả lời - em không thể giúp được anh nếu anh không thú nhận. Nhưng anh có thiết gì em giúp đỡ đâu, anh hoàn toàn xem khinh, anh cứng đầu cứng cổ và chẳng chịu nghe ai... Anh có người yêu không? - Ngừng một lát cô hỏi.
- Không. - K. nói.
- Ồ! Có chứ! - Leni bảo.
- Có, đúng thế. - K. nói - Tôi bỏ nàng rồi song tôi vẫn mang theo bên mình tấm ảnh của nàng.
Leni van nài, anh liền đưa cô xem một tấm ảnh của Elsa; đó là ảnh chụp chớp nhoáng; Elsa được chụp khi nhảy gần xong một điệu nhảy quay tít mà cô rất thích nhảy tại quán rượu nơi cô phục vụ; áo dài của cô xoáy tròn quanh thân, cô đặt đôi bàn tay trên hông chắc nịch và vừa nhìn sang bên vừa cười; nhìn trên ảnh không thể biết được đấy là cô cười với ai.
- Chị ấy thắt lưng bó chặt quá, - Leni vừa nói vừa trỏ vào chỗ đó trong ảnh - em không ưa chị ta; chị ta thô lỗ và vụng về. Nhưng chắc đối với anh, chị ấy lại dịu dàng và tử tế, cứ xem ảnh thì biết. Những cô gái cao lớn, chắc nịch ấy thường chỉ biết dịu dàng và tử tế; nhưng thử hỏi chị ta có khả năng hy sinh cho anh không?
- Không, cô ấy chẳng dịu dàng mà cũng không có khả năng hy sinh cho tôi. Vả chăng, tôi chưa bao giờ ngắm tấm ảnh này chăm chú như cô.
- Vì anh chẳng thiết gì cô gái ấy lắm, vậy chị ta không phải người yêu của anh ư?
- Có chứ, tôi không rút lại lời nói của mình.
- Rất có thể bây giờ chị ta vẫn là người yêu của anh, nhưng anh sẽ chẳng tiếc lắm đâu nếu mất chị ta hoặc đổi lấy một cô khác, như em chẳng hạn.
- Tất nhiên ý nghĩ ấy có thể đến, - K. mỉm cười nói - nhưng Elsa có ưu thế hơn cô rất nhiều; nàng không biết tí gì về vụ án của tôi, và nếu có biết chút nào đi nữa, nàng cũng chẳng bao giờ nghĩ tới. Chẳng bao giờ nàng tìm cách thuyết phục tôi phải nhượng bộ.
- Đó không phải là một ưu thế, nếu chị ta không có ưu thế nào khác thì em chẳng nản lòng. Chị ta thân thể có tật gì không?
- Tật về thân thể ư?
- Vâng, em có một tật nhỏ đấy, đây này.
Cô xòe ngón giữa và ngón đeo nhẫn của bàn tay phải, giữa hai ngón có da dính liền đến tận đốt thứ hai.
K. không nhìn thấy ngay lập tức trong bóng tối cái tật ấy: cô liền hướng dẫn cho bàn tay anh sờ vào chỗ kẽ tay.
- Hiện tượng lạ nhỉ! - K. thốt lên.
Và sau khi đưa mắt nhìn toàn bộ bàn tay, anh thêm:
- Bộ móng vuốt xinh đẹp quá!
Leni tỏ vẻ kiêu hãnh trước sự ngạc nhiên của K. và thấy anh cứ mở ra rồi khép lại hoài hai ngón tay ấy; cuối cùng, anh hôn hai ngón tay truớc khi buông ra.
- Ôi! - Cô lập tức kêu lên - Anh đã hôn em.
Cô hối hả leo lên đầu gối anh, miệng há ra; K. nhìn cô, sửng sốt. Lúc này, cô ở sát bên anh, anh nhận thấy cô toát lên một hương vị hăng hắc và nồng nồng như mùi hạt tiêu. Cô vít đầu K. vào ngực mình, cúi người lên trên, rồi cắn và hôn cổ anh, cô còn nhá nhá cả tóc anh nữa.
“Anh đã đổi lấy em rồi, - Leni chốc chốc lại thốt lên - bây giờ anh thấy đấy, anh đã đổi lấy em rồi!”.
Nhưng lúc ấy, đầu gối anh xoài ra, cô khẽ kêu lên một tiếng và gần như ngã phịch xuống thảm; K. túm ngang người cô để giữ lại, nhưng anh bị ngã theo.
“Bây giờ anh là của em rồi. Chìa khóa nhà đây, anh muốn đến khi nào cũng được”, cô thì thầm với anh để kết thúc.
Và cô còn gửi theo một cái hôn khi anh đi ra. Lúc anh ra khỏi nhà, trời mưa lất phất; anh muốn ra giữa lòng đường để nhìn Leni ở cửa sổ một lần chót thì vừa lúc ông chú xuất hiện từ một chiếc xe ô-tô đợi trước cửa nhà, nhưng K. quá đãng trí nên không nhìn thấy; ông chú nắm lấy cánh tay cháu và giúi vào cánh cửa của tòa nhà như muốn găm chặt anh vào đấy.
“Sao mày lại có thể xử sự như thế được? - Ông hét lên - Mày đến làm hỏng bét cả cái việc của mày đương có chiều thuận lợi! Mày chui vào một xó với con ranh con, tệ hại hơn nữa nó rõ ràng là nhân tình nhân ngãi của ông luật sư, và mày ở hàng mấy tiếng đồng hồ không trở lại, cũng chẳng viện lý do lý trấu gì ráo, mày chẳng giấu diếm, mày hành động công khai, mày biến đi gặp nó và ở lì bên cạnh nó! Và mày bỏ mặc cả ba chúng tao; ông chú mệt phờ vì mày, ông luật sư là người cần phải tranh thủ, và nhất là ông trưởng phòng, nhân vật rất có thế lực nắm quyền sinh quyền sát trong vụ án của mày khi đương ở vào giai đoạn hiện nay! Chúng tao cố tìm ra một cách nào đó để giúp đỡ mày; tao phải đối xử hết sức thận trọng với luật sư lại phải nhã nhặn tử tế với ông trưởng phòng, và trước bao nhiêu khó khăn ấy, lẽ ra ít nhất mày cũng phải cố hết sức hỗ trợ tao! Nhưng không, mày ở lì bên ngoài! Nhất định đến một lúc mọi việc vỡ lở! Đã đành đó là những con người lịch sự, họ không nói đâu, họ nể tao, nhưng cuối cùng không thể tự chủ được, họ không nói được chuyện ấy ra, thì họ cũng không thở ra một tiếng nào nữa. Chúng tao ngồi mười lăm phút không nói năng gì và nghe ngóng xem mày có quay trở lại không. Vô ích. Cuối cùng, ông trưởng phòng ngồi đã quá lâu, ông đứng dậy ra về, ông ấy rõ ràng tỏ vẻ ái ngại cho tao, nhưng không thể làm gì để giúp tao được; ông ấy còn hết sức nhã nhặn đứng ở cửa đợi thêm một lúc lâu nữa, rồi ra đi. Mày nghĩ xem ông ấy đi rồi tao nhẹ người như thế nào, trước đó tao thở không được nữa. Ông luật sư đương ốm, vì chuyện này càng ốm thêm, con người tuyệt vời đó nói chẳng ra lời khi tao chào từ biệt. Có lẽ mày đã góp phần làm cho ông ấy suy sụp hẳn, mày đãđẩy vào cõi chết con người duy nhất thể cứu giúp mày. Còn tao, chú của mày, mày bỏ mặc tao đợi giữa trời mưa hàng mấy tiếng đồng hồ ở đây; mày sờ mà xem, tao ướt đẫm cả”.