Lời ngỏ

    
uyển tập truyện “Cái bong bóng lợn” của nhà văn Phan văn Tạo được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961 bởi nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, là những tác phẩm đặc sắc đã đăng trên tạp chí Bách Khoa.
Vậy là đã hơn năm mươi năm qua kể từ khi cuốn sách ra đời. Thế nhưng, những độc giả đã từng đọc tác phẩm vẫn mong mỏi việc cuốn sách được in lại. Một phần bởi sự quý mến nhà văn lúc sinh thời, và một phần có lẽ vì tác phẩm đã tái hiện lại cho họ một bức tranh con người và xã hội Việt Nam xưa. Những truyện ngắn trong tuyển tập là những hoàn cảnh, tình tiết, hay trò chơi trẻ em đã gắn bó với bất cứ gia đình người Việt nào thời đó, bởi lẽ ấy mà qua tác phẩm, người đọc thấy được cả một thế giới vẫn sinh tồn trong ký ức và tâm niệm của họ.
Qua bao nhiêu biến cố đất nước, qua những trải nghiệm của tác giả, thì tình gia đình, bằng hữu lại như càng gắn bó hơn theo thời gian. Tác phẩm cũng thể hiện điều đó. Nếp sống êm đềm, tính mộc mạc của thôn quê miền Bắc Việt Nam với những nét văn hóa dân gian, vừa bình dị, vừa tinh túy được đọng lại trong từng trang viết, và lan trong tâm thức người đọc.
Nhà văn Phan văn Tạo yêu những câu chuyện đời thường, như yêu cái bong bóng lợn, quả bóng đá mà những bạn bè, anh em ngày bé vẫn thường chơi trong những ngày Tết. Ông cũng yêu tha thiết cái cầu ao, một hình ảnh rất thanh bình là biểu tượng cho đời sống và tình yêu gia đình từ thuở Cha Ông để lại.
Văn chương và con người của Phan văn Tạo yêu đời một cách mãnh liệt, đến viết về chính đám ma của mình mà ông vẫn làm cho độc giả thấy được ông còn sống.
Với bạn bè, gia đình và những con người sống xung quanh, thì ai cũng nhớ tới ông - một con người hết sức bình dị. Ông hòa vào một cách tự nhiên với những con người đời thường như chuyện ông đi coi bóng đá, dù có vé mời khán đài danh dự trước mặt thì ông vẫn chỉ thích mua vé ngồi khán đài bình dân mà thôi.
“Cái bong bóng lợn” là ghi chép của một thời kỳ lịch sử, là hình ảnh trung thực của nước Việt Nam muôn thuở. Phan văn Tạo đã sáng tác với con gái thứ ngồi trên đùi ông, trong không gian gia đình rất đỗi đầm ấm cùng vợ hiền và hai con trai mà cùng chia một đĩa đu đủ đạm bạc nhưng ngon lành.
Nhà văn Phan văn Tạo sinh năm 1920 tại Tranh Xuyên, Hải Dương, vào Nam năm 1954, sang Pháp năm 1975, và mất năm 1987 tại Paris. Ông là trưởng nam của một gia đình đông anh em. Do cảnh nghèo, các em đã phải hy sinh không được đi học để dốc hết tiền cho anh cả ở trọ trên tỉnh lỵ rồi được học đến nơi đến chốn. Sự hy sinh của các em, nếu không nói tới sự hy sinh của cả cha mẹ, đã để lại một dấu vết nặng trĩu trên tâm khảm của ông, ông đã từng nguyện sẽ đến bù cho các em đích đáng. Nhưng thời cuộc đã không cho phép ông gặp lại một số anh em ruột, vết thương và nỗi niềm của món nợ tinh thần không bao giờ được hàn gắn.
Càng thân tình ruột thịt, lại càng phải tạ ơn.
Cuốn sách trên tay độc giả như là lời cảm tạ chân thành nhất mà nhà văn Phan văn Tạo mong dành tới anh em, gia đình.
Không chỉ thể hiện tình yêu quê hương đất nước qua những trang sách, mà trong cách dạy dỗ con cái, nhà văn cũng truyền cho các con ông lòng yêu thương đồng bào thật thống thiết, cũng như cái tâm thanh bạch, bất khuất trước mọi hoàn cảnh. Lời ông thường dặn dò con cái rằng: “Qua bao nhiêu sự đổi thay, con người Việt Nam vẫn giữ đậm nét trong sáng, nhân bản và chân thật”.
Gia đình nhà văn PHAN VĂN TẠO
Lời cảm ơn
Chắc chắn rằng hương linh của cố nhà văn Phan văn Tạo sẽ ấm áp vô ngần khi biết cuốn sách được trở lại với độc giả trong và ngoài nước.
Để có được duyên văn chương tái ngộ này, gia đình cố nhà văn Phan văn Tạo gửi lời cảm tạ chân thành tới các anh chị em văn nghệ trong nước, đặc biệt là đối với nhà văn Tuệ An và các anh chị biên tập viên, họa sĩ, kỹ thuật viên của nhà xuất bản Trẻ.
Đại diện gia đình
 
PHAN VĂN TRƯỜNG