Sơn và Hạnh

     i hỏi Sơn làm thế nào mà đi thoát và đi khó khăn làm sao, anh đều không nói hay nói rất ít. Những chuyện đó có nghĩa lý gì so với những nỗi day dứt trong lòng anh. Vì anh chỉ đi được có một mình. Anh đã bó buộc phải để vợ anh ở lại ngoài Bắc, giữa những thiếu thốn, bất trắc và thứ nhất là giữa sự cô độc trong một thời gian không ai biết ngắn dài.
Chính chị đã thúc anh đi, tuy rằng linh tính đã báo cho chị biết anh ra đi chị sẽ khổ lắm. Nhưng chị thấy không còn con đường nào khác, đi cả hai chắc không xong, mà anh ở lại còn nguy hiểm hơn.
Ở trong những tình cảm đó, người ta không có rộng đường để chọn lựa. Nhưng Sơn cũng mất một thời gian khá lâu mới quen dần với ý nghĩ mình phải ra đi.
Sau đó là những đêm hai vợ chồng bàn tán sửa soạn. Tiếng người nọ thì thầm tắt hẳn ở trong tai người kia, thế mà cũng có lúc họ rùng người bắt chợt tiếng mình giữa canh khuya trống trải. Có những lời nghẹn ngào không nói hết, có những tiếng thở dài não ruột, nhưng cũng có những dự tưởng rất lạc quan làm giảm bớt phần nào nỗi hãi hùng của hai người trước tương lai mịt mùng. Có lần Sơn đã bảo vợ: “Khi nào chúng mình gặp nhau, anh sẽ làm lễ cưới em lại”.
Nói vậy thì nói nhưng khi nắm lấy bàn tay khẳng khiu của vợ, anh thấy những đốt xương đâm nhói vào đến tận tim anh, và anh giữ chặt thật lâu không muốn buông ra nữa.
Cả hai người cùng thấy việc ra đi không trì hoãn được, nhưng cả hai đều muốn lùi xa ngày khởi hành để kéo dài thêm đôi chút những giây phút sống bên nhau. Rồi ngày khởi hành cũng đã tới. Đêm hôm trước, chị Sơn sắp một đĩa hoa quả, một ly nước trong, thắp hương khấn vái, mà nước mắt chạy quanh. Anh vốn không hay lễ bái, nhưng đêm đó cũng thấy lòng tràn ngập một niềm nhiệt tín. Anh cúi đầu thật thấp như muốn nép mình xin sự che chở rồi nhắc đi nhắc lại một lời cầu nguyện: “Lạy Trời, lạy Phật cho nhà con đủ can đảm”. Lúc ngẩng lên, anh thấy chị đang mếu máo trông đến thương hại, người chị vốn đã nhỏ nhắn nay càng thêm héo hắt. Bỗng chị khẽ lắc đầu như muốn xua đuổi một hình ảnh gì rồi bưng hai tay lên mặt khóc hu hu, không còn nghĩ giữ gìn kín đáo, mặc ai muốn nghe thấy thì nghe. Khi người ta đã đến chỗ khổ sở cùng cực này, chẳng còn cái gì đáng làm cho người ta sợ hãi nữa.
Sau những cơn xúc động mạnh mẽ đó, chị tự nhiên thấy bình thản lạ lùng và chị gối đầu lên cánh tay anh ngủ một giấc thật ngon lành trong đêm ly biệt.

* * *

Đặt chân lên miền Nam, mấy ngày đầu Sơn chỉ bận tiếp khách. Nghe tin anh vào, bạn bè thân thuộc kéo nhau đến hỏi thăm và thứ nhất là để nghe chuyện ngoài kia. Ông này bắt anh tả ngôi nhà cũ ở đường hàng Đẫy, bà nọ đòi anh kể cho thật đầy đủ chi tiết cách sinh sống của mấy đứa em ở phố hàng Đào. Không mấy người nghĩ hỏi đến chị Sơn, không mấy người hiểu rằng tuy mới vào Nam được vài bữa, Sơn còn nóng lòng muốn biết tin ngoài đó hơn những người đã đi trước anh mấy năm.
Những ý nghĩ về chị chiếm hết thì giờ của anh. Trước đây hai vợ chồng dựa vào nhau sống mà còn thấy xiêu vẹo, nay còn lại một mình chị chống đỡ, không biết rồi chị làm sao mà chịu nổi đây?
Sơn thấy như anh mới đi thoát có nửa người, còn một nửa nữa mắc kẹt bên kia. Nửa đó đau đớn làm sao, ê chể làm sao đều xót xa thấm thìa sang đến cả bên này.
Cái gì cũng tạo cho anh cảm giác thương vợ. Một gia đình người bạn mời anh đến dùng cơm, vốn biết sở thích của anh đã cho làm món bún chả. Đã lâu lắm anh không được dùng món này. Chả nướng thật khéo, bún thật ngon lành, lại thêm đủ các rau thơm, gia vị. Có lẽ lúc khác có thể một mình ăn hết những đĩa đã bày ra. Nhưng bỗng chạnh nhớ tới vợ đã có lần giữa một bữa cơm đạm bạc ước ao được ăn một bữa bún chả thỏa thích, Sơn tự nhiên thấy chua xót lạ và anh nói với vợ chồng bạn: “Bún chả khéo quá nhưng xin lỗi anh chị, dạo này bụng tôi yếu lắm không dùng được bún”.
Bất cứ một tin tức gì ở ngoài kia lọt vào đều làm anh chú ý. Nhận được tin đời sống khó khăn, công trường nặng nhọc, anh thương chị đến thẫn thờ cả người. Nhưng nếu có một tin nào hừng lên như một tia sáng trong cái viễn tưởng của cuộc tái hợp, như khi đồn sẽ trao đổi mấy trăm gia đình, anh lại thấy lòng tràn trề hy vọng.
Nhiều tối, Sơn ngồi bên máy thu thanh theo dõi mục “nhắn tin về Bắc” nghe lời người khác mà tưởng chính tâm sự mình.
Đôi khi có chuyến máy bay đưa từ Lào về một số đồng bào đã tìm được đường vượt qua biên giới, anh hối hả chạy lên phi trường, biết là không có vợ mình, mà vẫn thấy hồi hộp.
Thỉnh thoảng anh cũng nhận được thư chị. Thư chỉ ghi mấy câu về sức khỏe hay cho tin tức người trong họ, nhưng sao đọc lên có một cái gì u uất nặng nề như nói chẳng nên lời.
Nghĩ đến những thiếu thốn chị phải chịu đựng, nhiều khi sắp tiêu một món anh lại thôi. Tiền để dành được anh cất cùng với những thư của chị vào một cái hộp riêng. Đó là một cái hộp bích quy bằng sắt thường, nhưng đối với anh hộp này là cả một kỷ niệm. Hôm anh đi, chị đã xếp vào trong hộp mấy bức ảnh của chị, giấy giá thú, một hộp dầu cù là, một ít tăm tre vót thật kỹ, một cuộn chỉ gai và cả một nhíp nhổ râu cùng một cái móc tai bằng đồng.
Sơn nghĩ thầm: “Khi nào cô ta vào, khoe cái hộp này chắc cô ta thích lắm”.

*

Hơn một năm qua mà cũng chưa có gì báo hiệu anh sẽ gặp được chị. Sự nóng nảy ban đầu bây giờ đã thành một thứ bồn chồn âm ỷ. Cái buồn nhớ chị cũng không nhức nhối như trước nữa, y như người bị kẹp tay lâu, qua những phút đau đầu tiên, chỉ còn thấy tê tê.
Trước đây buồn, anh ngồi một mình với mối ưu tư, không cần phải kiếm cách giải trí. Bây giờ buồn, anh đã cần phải làm một cái gì khác. Anh sắm một cái cần câu, ngồi để nhìn phao nhiều hơn để câu cá, nhưng được vài buổi lại xếp cần vào một xó.
Sách báo mua về, nhiều khi anh đọc chỉ thấy chữ mà không thấy nghĩa.
Anh ra biển hóng gió, nhìn sóng nước mênh mông mà ghê rợn cho sự lẻ loi của mình.
Càng tìm cách giải trí anh càng thấy hiu quạnh. Không, anh cần một cái gì khác hơn là sự giải trí, cái gì như một bóng mát cho một mảnh đất khô cằn. Có lúc tai anh tự nhiên vang lên một tiếng cười xinh xinh và anh tự hỏi: “Tiếng cười này mình đã nghe thấy ở đâu nhỉ?” Nhiều đêm, qua những mi mắt nhắm, anh thấy hiện ra một gương mặt thật lờ mờ nhưng rất khả ái, chẳng giống một ai mà anh đã từng gặp cả. Thôi anh biết rồi, anh thèm khát cái gì anh sợ là anh đã biết rồi.
Giữa lúc đó thì anh gặp Hạnh.
Hai gia đình Hạnh và Sơn quen nhau đã lâu, lại ở cùng một đường ngoài Hà Nội, nên nghe nói Sơn vào, Hạnh tới hỏi thăm tin nhà.
Hạnh lấy chồng sớm. Buổi đi ăn cưới Hạnh, Sơn ngồi ngắm Hạnh xúng xính trong bộ quần áo cô dầu rồi nghĩ thầm: “Mình đến thật đoảng, con gái cùng phố xinh thế này mà để cho một anh ở đâu đến cướp mất”.
Đã lâu lắm rồi hai người mới gặp nhau. Mắt Hạnh có buồn thêm đôi chút nhưng vẫn cái sắc đẹp ngày xưa, thêm cái đậm đà mà chỉ cuộc sống mới mang lại cho người đàn bà. Trong lúc nói chuyện, họ không ngờ đã có một thời gian họ hững hờ với đời sống của nhau quá. Chồng Hạnh đã mất mà Sơn cũng chẳng biết, Sơn đã lấy vợ mà Hạnh cũng chẳng hay. Lúc tiễn Hạnh ra về, Sơn nói một câu như để an ủi: “Cô thấy không tôi có vợ mà y như một người góa bụa”.
Sau đó họ gặp nhau nhiều lần nữa. Họ nhắc lại những kỷ niệm ngày còn nhỏ và có lần Sơn nói với Hạnh: “Tôi hay chạy sang bên nhà chơi. Vui quá, đến bữa ăn cũng chẳng nhớ về”. Bác gái một hôm đã phải bảo tôi:
- Tao cho mày con Hạnh đấy!
Hạnh khẽ cúi đầu mỉm cười, và Sơn bỗng thấy lòng mình xôn xao.
Hôm giỗ chồng, Hạnh mời anh sang chơi ăn cơm thường. Nhìn Hạnh đứng vái trước ảnh chồng, anh thấy lờ mờ như mình có lỗi gì trong cuộc đời dang dở của Hạnh. Hạnh ở chung nhà với gia đình một người bạn. Bữa ăn có cả hai vợ chồng người này và người chồng cười nói với Hạnh một cách thiếu ý tứ làm Sơn hơi khó chịu. Anh nghĩ thầm: “Hạnh không thể ở đây lâu được”.
Về đến nhà anh hãy còn bực. Tự nhiên anh thấy ghét Hạnh lạ, không muốn gặp nữa.
Nhưng Hạnh lại tới, vừa mới hỏi anh một câu, anh đã hết cả giận hờn - Mầu áo của Hạnh hôm đó sao mà đẹp vậy. Anh cầm lấy tay Hạnh, nhìn sâu vào đáy mắt Hạnh mà tưởng nghe thấy nhịp tim Hạnh đập. Từ đó họ không nghĩ che đậy tình cảm nữa, Hạnh trông hây hây như cây non gặp nắng ấm và Sơn lăng xăng như một chàng trai quấn quít tình đầu.
Mấy vợ chồng người bạn thân đã bắt đầu biết chuyện - Anh chờ đợi, nhất là ở nơi các bà, những lời cảnh báo thân mật hay ít nhất cũng vài câu bóng gió nhắc anh tới nghĩa vụ với người vợ đang bấu víu vào hy vọng gặp chồng mà cắn chịu mọi tê tái. Nhưng không ai nói chi cả. Hình như các bà, tuy vẫn liên kết chặt chẽ với nhau trong việc bảo vệ gia đình, nay cũng tỏ ra hiểu biết trước cảnh ngộ anh, và sẵn sàng có một vài nhân nhượng.
Với các bạn giai anh đã ướm hỏi: “Có lẽ tôi sắp nhờ anh làm phù rể đấy”.
Mỗi ngày những người xung quanh càng làm quen thêm với câu chuyện anh sẽ chung sống với Hạnh. Có lẽ khi chuyện tới thật, sẽ có người nói vào nói ra, nhưng hiện giờ thì họ để cho Sơn liệu mà xử sự, ai biết đâu mai sau thế nào mà tự dưng mang trách nhiệm đã đồng tình hay phản đối. Nhưng đối với Sơn, đó là dấu hiệu chắc chắn bạn bè đã tán thành. Chỉ còn sự thừa nhận của họ hàng nữa là xong.
Việc này có lẽ cũng dễ. Họ hàng ở đây chỉ có một bà chị ruột. Ông anh rể thì đã là một đồng lõa rồi, ông ta chả vẫn lái xe cho Sơn sang chơi nhà Hạnh là gì? Đối với bà chị, anh sẽ có một lý lẽ mà không có một người đàn bà nào nặng lòng gia tộc có thể bác bỏ được. Anh tưởng tượng ra cảnh anh đứng trước mặt bà chị, nói bằng giọng buồn buồn: “Thầy mẹ được có hai chị em mình. Chị lấy chồng phải trông nom nhà chồng. Còn em bốn mươi mấy tuổi đầu rồi, có vợ cũng như không, con cái cũng chưa có nốt. Cho là hai vợ chồng em sẽ gặp nhau, không biết nhà em còn ở tuổi sinh nở nữa không?” Chắc chắn bà chị sẽ hỏi dồn: “Nào thế bây giờ cậu tính sao, cậu muốn chị giúp cậu như thế nào?”
Anh hẹn với Hạnh chủ nhật tới, cả hai người sẽ cùng lại thăm bà chị, dò xem phản ứng ra sao. Lâu lắm anh mới sống một ngày rộn ràng như ngày chủ nhật đó. Mười giờ Hạnh mới tới, nhưng ngay từ sáng sớm anh đã chạy ra chợ, chọn mua một ký trái dâu để biếu bà chị, gần như một thứ lễ ra mắt. Rồi anh về nhà thờ. Anh đứng lên ngồi xuống, đi vào đi ra.
Nhưng thấy gói dâu anh chợt nghĩ: “Nhà bà chị ít người làm sao mà ăn hết cả ký. Thôi gói cho Hạnh một ít”.
 Gọi là một ít nhưng tay anh cứ bốc ở túi giấy nọ bỏ thêm vào túi giấy kia cho đến khi thấy hai túi bằng nhau anh mới thôi. Bây giờ phải gói lại mới khó đấy, sao nhà hàng làm thì gọn gàng thế! Tay anh lóng cóng, túi giấy lùng bùng, được đầu này thì đầu kia lăn ra mấy trái, mạnh tay lại sợ nát hết dâu, giá có một sợi dây nào thì tốt quá. À anh nhớ ra rồi, trong cái hộp bích quy đựng thư và giấy má, có một cuộn dây gai.
Anh lại bên tủ, lấy hộp ra. Vừa mở nắp anh bỗng để ý tới một gói bọc giấy trắng. Anh giở xem thì ra là mấy chục viên thuốc sốt rét rừng. Thuốc này từ lâu chị đã có thư xin anh tìm cách gửi ra để chị mang theo mỗi khi phải đi dân công. Anh mua rồi, nhưng bận những việc gì đã quên khuấy đi không gửi.
Anh lục thêm trong hộp sắt.
Hộp dầu cù là chị xếp cho anh hôm anh đi vẫn nằm bên mấy cái tăm tre vót kỹ, cái nhíp vẫn buộc vào cái móc tai bằng đống.
Rồi đến món tiền mà anh để dành chờ chị vào.
Rồi đến những thư của chị mà mỗi chữ đọc lên nghe như một tiếng nức nở.
Rồi đến giấy giá thú, trên mười hai năm rồi qua bao nhiêu biến cố mà giấy vẫn nguyên lành.
Rồi đến những ảnh của chị, mắt trông u uất, miệng mếu máo y như bữa chị khấn Trời, Phật cho anh đi bình yên.
Sau lưng bức ảnh hai người chụp chung, có một dòng chữ chị chép lại câu anh đã nói, nét chữ rung rung như toàn thân một người đang khóc:
“Khi nào chúng mình gặp nhau, anh sẽ làm lễ cưới em lại”.
Cả một cái gì như sụp đổ trong lòng Sơn. Anh nằm vật ra giường.
Có tiếng gõ cửa.
Anh vẫn nằm yên. Chẳng dậy mở cửa. Mà cũng chẳng cất tiếng thưa.