Dịch giả: Trọng Khiêm
Chương 8
Làm gián điệp vì tình

     iên kết tình tự và điệp vụ không phải là một sáng chế của tôi. Từ thuở xa xưa, các cơ quan an ninh đã dùng trò chơi cặp lứa này để gần gũi với những nhân vật đáng chú ý. Nhưng nếu tên tuổi của tôi đi vào lich sử gián điệp, có thể là tôi làm hoàn hảo thêm việc dùng phái tính để thi hành điệp vụ. Những anh chàng Romeo điệp viên của tôi có danh tiếng khắp thế giới trong việc thu hút trái tim của phụ nữ để thu thập những bí mật quốc gia và chính trị mà những mục tiêu của họ có quyền tiếp cận. Khi mới bắt đầu, tôi không trông mong sẽ thu thập được thành quả. Về phần tôi, đó là một dụng cụ trong nhiều dụng cụ khác của một cơ quan tình báo thiếu tài chính và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, những tiền lệ lịch sử xem ra rất đáng khích lệ.
Trong quyển thánh kinh thứ tư của Moi-sen, chúng ta được biết Thượng Đế ra lệnh cho Moi-sen phái người đi đến vùng Canaan và thu thập tin tức về. Mười hai người được chọn, một người trong mỗi một bộ tộc, và một người mang tên giả - Joshua, tên thật là Hosea, con của Noon - hoàn toàn phù hợp với phương pháp làm việc của các cơ quan tình báo. Sau khi thu thập những tin tức về những người khổng lồ ở Canaan và chính sách nông nghiệp của xứ sở đầy sữa và mật này, họ đốn một gốc nho sai trái đến độ hai người trong nhóm điệp viên phải dùng đòn gánh để khiêng về. Khi Joshua kế vị Moi-sen, hai trong số những phái viên đi đến Jericho ngủ đêm tại nhà của Rahab, một người đàn bà nhẹ nết. Do đó hai nghề xưa nhất trên thế giới lần đầu tiên gặp nhau. Các thuộc hạ phản gián của Vua của thành Jericho báo cho ông biết là có hai kẻ lạ ngủ đêm tại nhà Rahab. Khi Rahab biết được các vệ binh đạo đức sắp đến nhà, cô giấu những anh gián điệp lên trên nóc nhà và nói với nhân viên điều tra là cô thực ra đã có tiếp hai người khách, nhưng họ đã đi rồi. Tôi mường tượng hình ảnh bà ra tay cứu mạng hai tay gián điệp cực kỳ hoảng sợ. Một trong những người thừa kế của Rahab trong nghiệp vụ tình ái và gián điệp là Mata Hari, một người đàn bà Hà Lan đã thực hiện những nghiệp vụ hữu dụng cho nước Đức trong Chiến tranh thế giới I, nhưng là một điệp viên kém cỏi và đã bị Pháp xử bắn năm 1917. Tôi chắc chắn không ghi cô nàng này vào sổ phát lương của tôi.
Vào thế kỷ thứ hai mươi, phụ nữ bắt đầu trở nên hữu dụng tại các cơ quan tình báo trong những vai trò khác ngoài vài trò bán chôn và quyến rũ nam phái. Họ nhận lãnh công việc trước đây của đàn ông, làm thư ký cho các ông tai to mặt lớn và nhờ phong trào giải phóng phụ nữ, họ trở thành những bộ trưởng, những cố vấn cho các chính trị gia, những giáo sư đại học và những người nắm giữ những bí mật quốc gia. Vì vậy không có gì là lạ khi đối tác nam phái của Mata Hari xuất hiện và trở thành gián điệp Romeo.
Anh chàng Romeo đầu tiên của tôi bắt đầu làm việc vào đầu thập niên 1950. Bí danh của đương sự là Felix và danh tính thật của đương sự vẫn được giữ kín cho đến ngày nay. Khi còn là sinh viên, anh đã gây sự chú ý của các sĩ quan cao cấp trong lúc họ trên đường rảo tìm tại các tỉnh lỵ những điệp viên tiềm năng. Những chuyến đi này giống hệt những sinh hoạt trinh sát cho đội thể thao Đông Đức - vào lúc đó nhóm này được một ban khác trong Bộ Công an điều khiển và họ đi lùng tài năng để tìm những vận động viên thể lực nhỏ bé và các lực sĩ khác tại các sân chơi trường học. Tôi lấy làm hãnh diện là cơ quan của tôi đã có những thành tích tương tự trên tầm vóc quốc tế về gián điệp Romeo.
Tiến trình tuyển lựa của chúng tôi rất khắt khe. Cứ trên một trăm thí sinh ban tuyển dụng chúng tôi tìm thấy trong Đảng, tại các đại học hoặc trong các tổ chức thanh niên, chúng tôi chỉ phỏng vấn mười người, sau khi chúng tôi đã nghiên cứu quá trình lý lịch và thành tích của họ. Mùa xuân 1952, tôi du hành với một đồng nghiệp cao cấp đến một thành phố nhỏ ở đông nam nước Đức, nơi đây Felix đang là kỹ sư. Anh là một nghiên cứu sinh thông minh và sốt sắng, nhưng khi chúng tôi tiết lộ chúng tôi là ai và chúng tôi muốn gì, anh ngạc nhiên và không hồ hởi lắm bởi vì anh lo lắng phải bở dở học trình. Nhưng chúng tôi rất cần người làm việc nguỵ trang ở Tây Đức và cố gắng thuyết phục anh là đời sống của một điệp viên không đến nỗi tệ. Chắc chắn anh sẽ được trả lương hậu hĩnh hơn là một một công việc nào đó trong guồng máy của nhà nước.
Giống như mọi tân binh, chúng tôi trao cho Felix một công tác để thi hành. Anh đến Hamburg. Chúng tôi báo cho anh biết đây là cơ hội thực tế để chúng tôi đánh giá khả năng phán đoán và hành dộng của anh trong lúc căng thẳng. Sau khi gặp gỡ sơ khởi với một giao liên tại nhà ga lớn, anh phải thu thập tài liệu trên sân ga. Chúng tôi đã dạy cho Felix những phương pháp để biết là mình có bị theo dõi không. Anh chăm chỉ học những sơ đồ chúng tôi vẽ để chỉ vẽ những góc độ nhìn từ đó dễ quan sát và làm sao tránh một vài vị thế trong đám đống. Lẽ cố nhiên, cho dù có nghiên cứu bao nhiêu sơ đồ đi nữa, không ai có thể quyết đoán được sự thể. Tôi đã biết có nhiều điệp viên có hàng chục năm kinh nghiệm bị thất bại vì họ đoan chắc họ không bị theo dõi khi họ đang trong tầm ngắm của địch. Nguyên tắc căn bản, ngay cả cho cả điệp viên kỳ cựu nhất, là không bao giờ cho rằng mình không bị theo dõi.
Nghiên cứu sinh của chúng tôi xuống toa xe hoả và lập tức nhận biết có người theo dõi anh. Anh toát mồ hôi lạnh nhưng lại không tài nào vứt bỏ cái đuôi này, một người mặc áo khoác xám xuất hiện mỗi khi anh rảo bước. Khi anh bước tới gần chiếc cầu, anh đoan chắc là một đội binh khoác áo xám đi theo sau anh. Sự thật là những trang phục chẳng lấy gì hấp dẫn này đang là thời trang vào lúc đó nhưng không làm cho anh ngừng suy nghĩ là bất cứ một người mặc áo khoác xám nào anh thấy có thể là nhân viên phản gián nguỵ trang của phía bên kia. Do đó anh ra tín hiệu cho người liên lạc đang chờ anh ở trên cầu một tín hiệu báo động đã thoả thuận trước, bằng cách thay đổi vị trí của tờ nhật báo anh cặp dưới nách sang một góc độ đặc biệt để báo là công tác phải được huỷ bỏ. Việc chuyển giao tài liệu đã không xảy ra.
Sau này, khi Felix đã trở thành một tay hoạt động lão luyện tại Bonn, chúng tôi cười đùa về buổi ban đầu hụt hẫng. Nhưng đây cũng là một bài học sinh tử cho tôi khi tôi phải giám định những buổi làm việc thử thách. Không phải điệp viên nào cũng điêu luyện như James Bond. Trong những trường hợp hiểm nghèo, chính điệp viên nào dày kinh nghiệm, cẩn thận và có phương pháp mới có nghị lực cần thiết để tỏ ra bình tĩnh và khôn ngoan cân nhắc lợi hại.
Felix lập nghiệp tại Tây Đức với những giấy tờ giả và làm đại diện thương mại cho một công ty có trụ sở ở Cologne bán dụng cụ làm tóc và mỹ phẩm. Chúng tôi muốn anh xâm nhập cơ quan phản gián của Tây Đức (Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp), có trụ sở tại Cologne. Những chuyến đi trình bán của đương sự tại Bonnchẳng bao lâu khiến chúng tôi chú ý đến Văn phòng Thủ tướng, lúc đó do Hans Globke cầm đầu. Hans Globke là một cựu đảng viên Quốc Xã và tái sinh thành dân chủ và là một người thân tín của Thủ tướng Adenauer và chống đối mãnh liệt chủ nghĩa cộng sản.
Chúng tôi không hài lòng với phẩm chất thông tin mà chúng tôi lấy ra từ giới thân cận Adenauer. Chúng tôi không có đầu mối xác thực, cũng không có dụng cụ căn bản để tìm hiểu bất cứ định chế nào của chính phủ, thư mục số điện thoại nội bộ văn phòng - chưa kể đến những thông tin liên quan đến những người nằm trong danh sách nào. Chúng tôi chưa nghĩ ra được cách làm thế nào một anh chàng bán thuốc gội đầu có thể xâm nhập một nơi canh gác cẩn mật như vậy, nhưng vì muốn hiểu biết Adenauer và vì thiếu thông tin nội bộ và đầu mối liên lạc nên chúng tôi không có lựa chọn nào khác để Felix thử thời vận.
Chính Felix đưa ra sáng kiến đầu tiên. Anh nói anh sẽ trà trộn vào trong đám đông ở một trạm xe buýt gần công thự nhất vào cuối ngày làm việc và thử xem có làm quen được với ai không. Sau một vài lần hụt cẳng, cuối cùng anh gặp được một cô thư ký tóc xậm làm việc trong văn phòng của thủ tướng, và chúng tôi đặt bí danh cho cô là Norma. Họ trở thành bạn và không bao lâu họ tình tứ và anh tìm hiểu được chút ít công tác của văn phòng thủ tướng.
Khi anh đã chính thức trở thành người bạn trai của Norma, Felix được mời đến gặp gỡ các đồng nghiệp của cô để chơi lăn bóng gỗ hoặc tham dự những cuộc du ngoạn thuyền trên sông Rhine do văn phòng tổ chức. Nhờ có được duyên dáng của người miền Nam, anh trở thành cột trụ và linh hồn của buổi liên hoan, kể chuyện hài hước, nhảy đầm với mấy bà và uống rượu vui vẻ với mấy ông. Norma vui sướng vì có được bạn trai. Cô không có nhan sắc và đối với chúng tôi cô là phương tiện để chúng tôi đạt mục đích. Nhưng bản chất con người khó tiên đoán. Felix thực tình yêu cô này.
Họ dọn nhà về chúng sống với nhau, nhưng vấn đề hôn nhân không thể có được vì bất cứ điệp của nào của chúng tôi cũng đều mang căn cước giả, thường là mượn từ những công dân đã chết hoặc di cư. Chính quyền Tây Đức kiểm soát ngày sinh và sổ rửa tội ky-tô giáo của những người muốn làm đám cưới và trong trường hợp của Norma, quy chế của cô tại phủ thủ thướng bắt buộc cô phải trải qua một cuộc điều tra an ninh về người chồng tương lai của cô. Vì vậy phần đông các điệp viên của chúng tôi phải nhấn mạnh họ không phải là loại để cưới hỏi, họ là những người đã có vợ hoặc bịa những chuyện tương tự như vậy.
Điệp vụ Romeo đầu tiên diễn tiến tốt đẹp trong nhiều năm. Felix không bao giờ nói công việc thực sự của anh vì có thể việc này sẽ làm chấm dứt mối liên hệ hoặc tệ hơn nữa. Một hôm chúng tôi được một điệp viên nằm vùng trong Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp là ban an ninh đang để ý đến người bạn của Norma và đang rà soát lý lịch về y. Chúng tôi phải triệu hồi Felix về Đông Đức. Một hôm cô trở về nhà sau công việc sở và thấy người tình biến mất không lời giải thích. Người phụ nữ xấu số chắc phải đau khổ vô cùng khi khám phá ra người tình đã ra đi, nhưng trong sự chọn lựa giữa việc cứu một nhân viên và một cuộc tình, tôi phải nhẫn tâm quyết định.
Đây không phải là lần cuối tôi phải đóng vai một ông chú đau khổ. Tội nghiệp cho Felix, anh ở trong tình trạng khốn khổ khi anh trở về Đông Berlin. Cả hai chúng tôi cạn hai chai vodka trong một đêm tại một trong những nhà an toàn trong khi anh giải bảy hết tâm sự của mình. Nhưng trong khi trái tim anh đau khổ, đầu óc của anh may thay vẫn làm việc. Anh mách cho chúng tôi đầu mối liên quan đến một phụ nữ mà anh nghĩ sẵn sàng chấp nhận liên hệ với chúng tôi, một phụ nữ trung niên, vui đời, làm thư ký văn phòng của Globke tại phủ Thủ tướng.
Chúng tôi không thấy một lý do hiển nhiên nào để đoan chắc người đàn bà này sẽ làm việc với chúng tôi. Nhưng nhờ tiếp xúc trực tiếp nên Felix có cảm nghĩ một người đàn ông bảnh trai với một lý lịch nguỵ trang tốt có thể gây ảnh hưởng đến cô này. Chúng tôi đang ở vào thập niên 1950, và cảnh trai thiếu thời hậu chiến được cảm nhận rõ ràng nơi các cô thư ký trung niên, cô đơn, mong mỏi tìm kiếm một tấm chồng, một thiếu sót trên thị trường mà chúng tôi giúp khoả lấp với những anh chàng độc thân của chúng tôi.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng một số các thí sinh, chúng tôi chọn Herbert Söhler, bí danh Astor. Anh là một phi công tài tử, đã từng nằm trong đội ngũ của Thống chế Kesselring thời chiến. Sau khi bị bắt làm tù binh của Xô viết, ông đã chuyển hướng đi theo chủ nghĩa cộng sản. Vì ông là đảng viên của Đảng Quốc Xã và những mối liên hệ của với các sĩ quan khác đã làm việc cho Kesselring, con đường sự nghiệp của ông bị ngăn chặn ở nước CHDC Đức, do đó ông chấp nhận xâm nhập Tây Đức vì chúng tôi với lòng vui vẻ và tính chuẩn xác của quân đội.
Một vài người bạn của ông đã an cư ở Bonn khi Tây Đức bắt đầu tính đến việc tái vũ trang. Đây là lúc thuận lợi để cho các cựu quân nhân quyết định mình đứng phía bên nào cuộc chiến trên đất nước phân chia của họ. Chúng tôi không gặp khó khăn khi đưa ông về hướng này, đặc biệt là sau cuộc binh biến bất thành năm 1953 đã cho thấy mức độ kiểm soát của Xô viết tại Đông Đức và đã đẩy một số người do dự chạy sang Tây Đức.
Söhler di chuyển về Bonn và tìm được việc làm trong ngành địa ốc. Ông gia nhập câu lạc bộ phi công tại Hangelar gần đó. Những thành viên ở đây bao gồm những nhân viên chính phủ đì tìm phiêu lưu cuối tuần. Không bao lâu ông bắt được liên lạc với Gudrun, bí danh chúng tôi đặt cho cô thư ký mà Felix đã nói đến. Lòng mong ước của chúng tôi mau chóng được toại nguyện. Cô bắt nhãn với Söhler, trong khi đó Söhler khám phá những sổ ghi chép những mối liên hệ của Adenauer với Reinhard Gehlen, giám đốc tình báo, đi ngang qua bàn làm việc của Gudrun. Sau một thời gian, ông đề nghị ông sẽ thử kết nạp cô trong vai trò của một sĩ quan tình báo Xô viết. Việc này quả là lạ, nhưng chúng tôi nhận thấy ông có trực giác bén nhạy. Gudrun công nhận Liên Xô là một cường quốc có tầm vóc quốc tế trong khi đó cô không xem yêu sách của CHDC Đức muốn mình trở thành một quốc gia - nhà nước là một việc chính đáng. Söhler kể lại những kinh nghiệm thời chiến: Những tàn phá do quân đội Hitler gây ra và sĩ quan người Nga có văn hoá cao đã thuyết giảng cho ông nghe trong trại tù về mối quan hệ giữa nhân dân Nga và nhân dân Đức.
Chúng tôi quyết định chính thức kết nạp cô tại một địa điểm nghỉ hè hẻo lánh trên vùng núi Alps ở Thuỵ Sĩ để lo toan việc chúng tôi có thể rút lui mau chóng với Söhler nếu cô phản ứng không thuận lợi với đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi luôn cố gắng tránh trực tiếp đề nghị kết nạp một người Tây Đức trên lãnh thổ của nước Cộng hoà Liên bang Đức, vì cơ quan phản gián Tây Đức dở trò xưa cũ theo dõi một kẻ tình nghi là kết nạp viên, gài mục tiêu của đương sự làm mồi nhử, và sau đó quay phim việc kết nạp để có tang chứng sinh hoạt gián điệp và bằng cớ để bắt tức khắc. Việc mời một đối tượng kết nạp đến gặp gỡ những sĩ quan cao cấp tại Đông Đức hoặc ở nơi nào khác cũng là một lối thử nghiệm cuối cùng để xem đối tượng kết nạp đã sẵn sàng chấp nhận mối liên hệ điệp viên chưa. Vào thời điểm này, người tăm tối đến mấy đi nữa cũng hiểu bản chất của lời mời mà không cần phải nói điều gì cả.
Trong trường hợp này, kế hoạch kỹ lưỡng của chúng tôi để o bế Gudrun, đưa cô đến một quán ăn đắt tiền Thuy Sĩ hoá ra thừa thãi. Söhler có lẽ là bậc thầy trong nghệ thuật thuyết phục, bởi vì việc kết nạp cô trở thành một thủ tục. Điều này chứng minh cho tôi thấy nhiều phụ nữ được người đàn ông họ thương yêu tuyển dụng thường cảm nhận người đối tác làm việc cho phía bên kia, mặc dù trong thâm tâm họ không chấp nhận sự kiện này trong một thời gian dài. Sau vụ này, chúng tôi không bao giờ đánh giá thấp sự kiện các cô thư ký có thể nghi ngờ người chúng tôi là gián điệp, mặc dù điều này không được tiết lộ. Điều này cũng có nghĩa là anh chàng Romeo phải có đường thoái lui nhanh chóng và an toàn về Đông Berlin nếu đối tượng Juliet dở chứng.
Không may Söhler bị chứng đau phổi trầm trọng nên kết thúc cộng tác với chúng tôi. Chúng tôi triệu hồi đương sự về Đông Đức và không bao lâu qua đời vì bệnh này. Tất cả mọi cố gắng để dẫn dụ Gudrun vào một cuộc tình điệp báo khác đều thất bại. Có một vài phụ nữ bám víu vào ngành điệp báo - lòng phấn chấn và thân mật cùng chia sẻ một bí mật - và họ có thể chuyển hướng sang một đối tác khác nếu người đầu tiên biệt tích vì lý do an ninh. Nhiều phụ nữ chỉ thích một người duy nhất, và chúng tôi không tài nào nài ép họ được. Gudrun là một trong những phụ nữ này. Nguy cơ họ trở về với Tây Đức, với lòng đầy ân hận và đem theo với họ những câu chuyện thích hợp cho tuyên truyền, quá lớn, và chính vì vậy chúng tôi chào tạm biệt cô Godrun.
Tuy nhiên, với những thông tin mà cô cung cấp, cuối cùng chúng tôi đã tung ra được chiến dịch đánh phá Globke. Việc này dẫn đến sự từ chức của y năm 1963, một thắng lọi lớn cho chúng tôi trong việc khử trù một địch thủ ngoan cố của Đông Đức đồng thời tạo được sự chú ý của phương Tây về mức độ xâm nhập của các cựu đảng viên Quốc Xã phục vụ trong chính quyền Tây Đức.

*

Mỗi lúc tôi thêm tin tưởng là các phụ nữ được những Romeo của chúng tôi kết nạp có thể cung cấp những thông tin chất lượng cao, nhưng càng dùng chiến thuật này càng nhiều thì nguy cơ bị khám phá càng cao. Sớm hay muộn gì quả bóng phải nổ, nhưng lạ lùng thay, nó chỉ xảy ra vào năm 1979. Ingrid Garbe, một cô thư ký trong phái đoàn Tây Đức làm việc tại NATO ở Brussels, bị Tây Đức bắt vì tội làm gián điệp cho Đông Đức. Giới truyền thông ở đây trình bày sự việc như một trường hợp phản bội trầm trọng nhất trong lịch sử của nước Cộng hoà Liên bang Đức. Sự thật là, về mặt tình báo, Garbe là một thành tố quan trọng nhưng không phải là thiết yếu. Chúng còn có những điệp viên khác. Nhưng bởi vì cô là phụ nữ nên đã đánh động những hồi ức xa mờ của Mata Hari. Hình ảnh cố hữu của “gián điệp vì tình” xuất hiện và báo chí không ngớt nói đến.
Tháng Ba, các hãng thông tấn báo tin Ursel Lorenzen, một nhân viên trong văn phòng Tổng Thư ký NATO, đã đào thoát sang Đông Đức. Trước sự ngỡ ngàng của những đồng nghiệp của cô tại NATO, cô thình lình xuất hiện trên đài truyền hình Đông Đức, giải thích là cô đã chọn tiết lộ những hiểu biệt về nội bộ tổ chức này.
Ursel làm việc cho NATO được mười hai năm, gần đây nhất trong Cục Công tác, tại đây cô tiếp cận với những tài liệu định hoạch và những chi tiết trong cách quản lý khủng hoảng tại bộ tư lệnh. Những điều đáng chú ý mà cô cung cấp cho chúng tôi là những thông tin liên quan đến những thủ tục tại văn phòng tư lệnh khẩn, nơi đây tất cả những báo cáo chính trị, quân sự và tình báo được tập trung và thẩm định và NATO soạn thảo những báo cáo quan trọng nhất, những hồ sơ Nghiên cứu về Đông Tây.
Sau khi Ursel đào tẩu, Imelda Verrept, một cô thư ký Bỉ tại NATO, cũng xin tị nạn tại Đông Đức. Trong khi cấp lãnh đạo Đông Berlin lên mặt với những vụ đào thoát này, tôi hết sức phiền lòng vì những chuyện này. Những vụ xuất hiện đột ngột của những cô thư ký này ở Đông Berlin, mặc dù làm lợi cho đường lối tuyên truyền của cấp lãnh đạo, trên thực tế là một mất mát thông tin cho cơ quan chúng tôi. Thắng lợi vì có được những nhân viên của NATO xin tị nạn ở Đông Đức, cho dù sự thay đổi có thú vị và có khác với việc người Đông Đức xin tị nạn ở Tây Đức, xem ra thật mờ nhạt so với sự hữu ích có được họ trong lòng địch và cung cấp những bí mật tình báo có giá trị.
Vào mùa xuân năm 1979, trong lúc tôi đi nghỉ trượt tuyết, một báo cáo khác lại đến cho biết một cô tên là Ursula Höfs, một cô thư ký làm trong bộ tham mưu của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Lúc đầu tôi không đoán ra cô là ai, vì tại bộ tư lệnh chúng tôi chỉ dùng tên nguỵ trang của các điệp viên và cất giấu tên thật của họ trên căn bản phân cách. Vì không muốn liều lĩnh điện thoại về Đông Berlin để xem cô là điệp viên nào của chúng tôi, tôi vội vã trở về, nghe báo cáo trên đài phát thanh Tây Đức và cố đoán xem người nào đã bị bại lộ.
Một tuần lễ sau khi Ursula Höfs mất tích, việc đào thoát của hai cô thư ký nữa ở Bonn xuất trên trang nhất của báo chí. Inge Goliath đã làm việc cho Werner Marx, một đầu não của đảng CDU chuyên về chính sách ngoại giao, quốc phòng, châu Âu, và liên Đức. Cô đã cung cấp những tài liệu chiến lược về quốc phòng và chính sách thời Chiến tranh Lạnh trong mười năm nay, và trong bầu không khí căng thẳng này, chúng tôi nghĩ an toàn hơn hết là rút cô về. Ngày hôm sau, tờ Bild-Zeitung đăng trên trang nhất: BÂY GIỜ THƯ KÝ CỦA BIEDENKOPF’S CŨNG CHẠY LUÔN. Một bức hình của Kurt Biedenkopf, chủ tịch nổi danh của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và là dân biểu lãnh đạo của đảng, đang tươi cười chụp chung với người phụ tá, cô Christel Broszey. Christel đã hành xử một cách tuyệt vời khi nhận được lệnh phải rời bỏ nhiệm sở. Cô không để lộ sự sợ hãi, vui vẻ vẫy chào chủ nhân của mình với những lời sau: “Tôi đi tiệm uốn tóc. Hẹn gặp ông ngày mai”. để rồi không bao giờ trở lại.
Báo chí nói cô là “siêu thư ký”, vì cô thường đứng trong số năm người đầu trong những giải vô địch nghề nghiệp trong ngành đánh máy và tốc ký. Những đức tính này gây ấn tượng nơi ông Biedenkopf và hai người tiền nhiệm và hoá ra cũng cực kỳ hữu dụng cho chúng tôi. Bởi vì Christel đã làm việc cho ba vị chủ tịch của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo trong một thời gian dài, cho nên chính quyền Tây Đức không thể hình dung ra được mức độ hiểu biết của cô và những tổn hại do cô gây ra một cách chính xác. Một tuần lễ sau Helga Rödiger, thư ký của ông Manfred Lahnstein, một công chức cao cấp trong Bộ Tài chính, cũng đã giã từ chủ nhân và chạy sang Đông Berlin. Rödiger là một nguồn tin giá trị, vì Lahnstein là một chuyên gia cố vấn cho Helmud Schmidt khi ông này rời chức Bộ trưởng Tài chính để lên làm Thủ tướng.
Con đường để cho những điệp viên chúng tôi đào thoát đã được chuẩn bị từ trước. Điệp viên được lệnh bay qua những quốc gia được xem là ít nguy hiểm, chẳng hạn như Bỉ, Hà Lan hoặc Thuỵ Sĩ và đến một trạm kiểm soát biên giới Đông Đức với bìa giấy thông hành Tây Đức không có ruột. Các viên chức tại biên giới biết dấu hiệu thoả thuận này. Người lính biên phòng gọi cấp trên đến và cấp trên này vẫy gọi người kia bước qua biên giới, rồi đưa những điệp viên đào thoát sang một phòng bên cạnh và liên lạc với chúng tôi bằng đường dây điện thoại đặc biệt.
Tôi bàng hoàng và mất hẳn tinh thần. Phần lớn các cô thư ký chỉ giống nhau ở một điểm là chồng hoặc người đàn ông họ sống chung đều là những điệp viên mang tên giả ở Tây Đức. Có thể những người đàn ông này đã ghi danh ma và lấy tên của những người Tây Đức đã di cư nước ngoài. Có thể các cô Juliet nghĩ rằng nguỵ trang của các cô đã bị lộ. Nhưng làm thế nào chính quyền lại có thể khám phá tên thật của các điệp viên của chúng tôi.
Tôi thấy rõ chính quyền Tây Đức đã khám phá những phương pháp xâm nhập của chúng tôi. Từ trước đến nay chúng tôi ngạo mạn cho rằng những phương pháp này an toàn, nhưng tôi nhanh chóng quyết định chúng tôi phải làm lại từ đầu. Chúng tôi đi đến một quyết định đau đớn nhưng cần thiết là triệu hồi một vài điệp viên nữ nữa về cùng với những chàng Romeo. Lệnh này đến quá trệ với Ursula Höfs và người chồng. Họ bị xét xử và kết án hai năm tù giam.
Những cuộc lùng bắt năm 1979 là do hậu quả của việc bác sĩ Richard Meier lên thay thế Günther Nollau nắm giữ vai trò lãnh đạo Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp (Cơ quan phản gián Tây Đức). Ông nâng cơ quan lên một mức độ chuyên nghiệp cao - quá cao để tôi có thể vừa ý - và cho mọi người thấy rằng lòng trung thành với cơ quan quan trọng hơn những môi liên hệ với đảng hoặc hệ phái chính trị. Ông phát động cái gọi là Chiến dịch Đăng ký, một cuộc khảo sát tỉ mỉ lý lịch của tất cả những kẻ khả nghi.
Lúc đầu tôi không tài nào thấy được những thất bại của chúng tôi có điểm gì chung. Tôi ghi trong sổ nhật ký của tôi.:
Việc rà soát lại tường tận tất cả những cuộc tái định cư và thăm viếng từ hải ngoại về đã được cơ quan tình báoTây Đức khởi động, một điều cho đến nay chúng tôi nghĩ khó xảy ra hoặc không thể thực hiện được. Điều này làm cho ta điên đầu. Dù sao đi nữa, chúng ta phải chấp nhận một phần thất bại và kiềm chế bớt việc đưa người xâm nhập, hoặc, trong một vài trường hợp, chấp nhận rủi ro lớn. Đây là một cuộc đấu tranh sống chết thực sự và địch thù đang hà hơi lên trên gáy của chúng ta. Bên ngoài không ai thấy có gì bi thảm cả, nhưng sự việc này tạo nên sự căng thẳng và bất an trong nội bộ. Ta phải có tinh thần mạnh mẽ để sinh tồn, nhưng ta không nên quá chai lì.
Tôi không bao giờ quên đằng sau mỗi một trường hợp là một con người đã đặt tin tưởng nơi chúng tôi và đem tính mạng của mình ra chiến tuyến. Một giám đốc tình báo nhẫn tâm hy sinh điệp viên của mình để theo đuổi mục đích riêng chẳng bao lâu mất đi lòng kính trọng và lòng tin tưởng của những người xông pha trong mặt trận vô hình.
Tôi vẫn bối rối và tiếp tục nghi vấn về phương pháp điều tra của chính quyền Tây Đức trong lúc những tổn thất của chúng tôi gia tăng. Thường sau khi một điệp viên bị bắt ở Tây Đức, chúng tôi bắt đầu điều tra tại bộ tham mưu vì tình nghi có kẻ nằm vùng đang hoạt động trong lòng của ban ngành phụ trách làm giấy thông hành giả. Những nghi ngờ như vậy là một loại độc dược nguy hại nhất trong cơ quan tình báo, phá hoại sự tin tưởng mà tất cả công tác đặt lên trên đó và đôi khi làm nó khựng lại. Việc bắt giữ những nguồn tin giá trị do sự bại lộ và thẩm vấn của các cán bộ điều khiển mà chúng tôi đã cài vào Tây Đức đặc biệt gây nhiều thiệt hại. Chúng tôi phải triệu hồi nhiều điệp viên về Đông Đức, nhưng vẫn chưa đoán được làm cách nào Tây Đức khám phá ra được những bí mật của chúng tôi.
Trước tiên chúng tôi phải xem xét những đầu mối do một trong những nguồn tin cung cấp về một cuộc khảo sát tỉ mỉ của phản gián tại Cologne về tất cả những chuyến du lịch qua biên giới để vào Tây Đức. Chúng tôi được thông báo có một đội ngũ làm việc văn phòng, phần lớn là những người về hưu, đã lập bản doanh tại các văn phòng kiểm soát những khách viếng thăm ngoại quốc hoặc những người di chuyển từ vùng này sang vùng khác buộc phải ghi tên nơi trú ngụ mới. Đội ngũ các ông cụ này phối hợp cẩn thận các hồ sơ theo một số tiêu chuẩn. Chúng tôi không hình dung ra được họ tìm kiếm cái gì, mặc dù danh từ “thanh tra lý lịch” tiếp tục xuất hiện trên tất cả những báo cáo từ Tây Đức về. Tôi thành lập một nhóm làm việc trực tiếp báo cáo cho tôi, để tìm xem Tây Đức dùng tiêu chuẩn nào để loại bỏ những thành phần khả nghi.
Chúng tôi đã biết những du khách phái nam độc thân vào khoảng hai mươi lăm đến bốn mươi lăm đều có thể bị hỏi nếu họ mang một số ít hành trang hoặc nếu cách ăn mặc và kiểu cắt tóc không ăn khớp hoàn toàn với giấy căn cước của họ. Điều chúng tôi không biết, chỉ mãi sau này mới biết là tình báo Tây Đức để phát hiện một vài nét đặc thù của người Đông Đức. Vào lúc phong trào híp-pi lan rộng khắp Tay Âu nhưng lại bị ngăn cấm tại Đông Âu, các chàng trai híp-pi, đặc biệt nếu phải đi đây đó, có khuynh hướng để tóc dài. Những tân binh của chúng tôi, thường là giáo viên, đầu tác cắt ngắn, và ngay kiểu tóc ngắn cũng khác biệt giữa hai nước Đức. Đối với các giáo viên Đông Đức, việc tập luyện có thể cải thiện họ nhiều, nhưng biến họ thành một anh chàng híp-pi chân chính gần như không thể thực hiện được.
Một khi được nhân viên bảo an xe lửa báo cho biết, những nhân viên nguỵ trang nằm tại các trạm xe lửa theo dõi hành tung của kẻ khả nghi sau khi y rời trạm. Ví dụ, rất ít người Đông Đức có thể tự kiềm chế không đánh một vòng qua các cửa hàng nằm bên cạnh trạm xe lửa để ngắm nhìn những sản phẩm không thông thường bày bán ở tủ kính, mà người Tây Đức chẳng mấy ai để ý. Nhũng điểm dị biệt nhỏ này được quan sát một cách kỹ lưỡng.
Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra những mưu mẹo này của Chiến dịch Đăng ký sau nhiều năm bối rối. Một cách oái oăm, chính Meier là người đã tiết lộ trò chơi này. Ông giới tự thiệu mình là người lãnh đạo mới của tổ chức phản gián một cách khoa trương và tuyên bố đã bắt được mười sáu điệp viên Đông Đức đã luồn lọt vào Tây Đức qua ngõ các nước thứ ba. Báo chí đề cập tổng số bốn mươi vụ điều tra tiếp theo. Những tin tức này chấm dứt những suy đoán của chúng tôi xét xem Tây Đức làm cách nào để sàn lọc con số chính xác người của chúng tôi đang trà trộn trong hàng trăm ngàn du khách. Meier do đó chính thức xác nhận phương pháp ông đang dùng để khám phá những điệp viên của chúng tôi. Mặc dù thất bại của chúng tôi đau đớn thật, nhưng chúng tôi đã triệu hồi được một số những điệp viên đang lâm nguy về và đình chỉ việc xâm nhập. Nếu ông giữ im lặng chiến thắng của ông, có thể ông buộc chúng tôi phải đoán mò trong một thời gian dài phương pháp của ông. Bằng cách khoanh vùng mục tiêu để bắt giữ cẩn thận hơn hoặc chờ đợi cho đến khi kẻ khả nghi móc nối với một loạt các nguồn tin xong rồi ông mới ụp tới, có lẽ ông gây thiệt hại cho chúng tôi nhiều hơn nữa. Tính khoa trương của cấp lãnh đạo cơ quan có chiều hướng tạo nên một hình ảnh mỹ miều nhưng có nguy cơ hy sinh những thành quả của mình.
Như thói thường trong những chiến dịch chiến tranh tâm lý, Bộ Nội vụ Tây Đức nhanh chóng yêu cầu các điệp viên của chúng tôi ra đầu thú trước khi bị bắt - một trò lừa bịp thông thường trong trò chơi gián điệp giữa hai nước Đức. Tuy nhiên, thủ đoạn này không có ảnh hưởng gì lớn. Việc cộng tác với chúng tôi là một phần lẽ sống của phần lớn các nguồn thông tin và các điệp viên nguỵ trang, và nói chung họ miễn nhiễm với những lời mời như vậy. Đối với phần lớn các điệp viên của tôi, tính miễn nhiễm này là do sự pha trộn giữa thành ý chính trị, một sức đề kháng - do chúng tôi nuôi dưỡng - chống lại chiến tranh tâm lý, và ác cảm tự nhiên không muốn ra đầu thú. Tất cả mọi con người đều muốn sống với hy vọng là mình, dù là đàn ông hay đàn bà, sẽ không phải uống chén đắng. Và tình hình vẫn không thay đổi, ít ra cho phần lớn và nếu không được như vậy, làm gì đi nữa cũng đã quá muộn để rút lui.
Hansjoachim Tiedge, một viên chức cao cấp làm việc trong Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp, đã đào thoát sang phía chúng tôi năm 1985, nói cho chúng tôi biết là Cologne đã khám phá ra không dưới hai trăm người tình nghi măng căn cước giả trong vòng mười năm. Giữa những năm 1972 và 1982, con số tổng kết, theo sự hiểu biết của tôi, lến đến khoảng ba mươi điệp viên của chúng tôi bị lộ, có nghĩa là bị bắt tại Tây Đức, và gấp ba con số điệp viên này đã được chúng tôi triệu hồi về Đông Đức kịp thời. Vì các điệp viên một khi được kéo về không thể nào được dùng lại trên lãnh thổ cũ một lần nữa, Chiến dịch Đăng ký đã làm cho chúng tôi phải mất khoảng một trăm điệp viên giá trị - một thiệt hại lớn.
Mặc dù ông thích làm nổi đình đám, tôi phải phục tài Meier đã biết khôn khéo điều khiển chiến dịch phá vỡ hệ thống điệp báo và các trung tâm điều khiền của chúng tôi tại Tây Đức. Kế tiếp đó ông quay sang đánh phá cá nhân tôi và tung tin đồn tôi “sắp bị cất chức”. Tờ International Herald Tribune in ở trang đầu cột tin “MISCHA ĐÃ MẤT TAY NGHỀ?” Một tờ báo phương Tây khác nằm trên bàn tôi có ghi ở trang nhất WOLF LÀM VIỆC QUÁ ĐỘ.
Nhưng sự thật xem ra không lấy gì làm ngoạn mục lắm; công việc vẫn tiếp tục và trong khi chúng tôi tìm phương pháp để ứng phó với Chiến dịch Đăng ký, chúng tôi không ngừng cố gắng. Tôi xét đến trường hợp của Helga Rödiger, bí danh Hannelore. Người đàn ông đã kết nạp cô phải bị triệu hồi bởi vì anh lo cho sự an toàn của anh. Vì không muốn mất cô, chúng tôi tìm trong hồ sơ và kiếm ra được một thí sinh Romeo khác, một điệp viên trẻ có bí danh là Gert đã được gài sâu trên lãnh thổ Cộng hoà Liên bang Đức. Anh đã lấy căn cước của một công dân Tây Đức đã di cư sang New Zealand.
Tôi quyết định đích thân giám sát cặp này, một phần bởi vì tôi tò mò muốn gặp Helga, công việc cô làm cho chúng tôi thật là xuất sắc, và một phần vì cô cho chúng tôi biết cô đang lưỡng lự không biết chọn giữa việc thuyên chuyển cùng với cấp chỉ huy của cô sang Bộ Tài chính và việc ở lại văn phòng của thủ tướng. Cô gửi một lá thư mã hoá đến Đông Berlin qua một giao liên hỏi chúng tôi cô phải làm thế nào: Một sự bối rối bất thường của kẻ có nhiều tài vật. Một mặt, một nguồn tin tại phủ Thủ tướng đối với chúng tôi rất là quan trọng. Mặt khác cô đã tạo được một mối liên hệ làm việc mật thiết với cấp trên của cô; ông tin tưởng trao phó cho cô những thông tin mật liên quan đến tài khoá và chính sách nội bộ. Chúng tôi không nghĩ rằng cô có thể đạt được những thành quả như vậy ở tại phủ Thủ tướng.
Thế vận hội mùa Đông tại Innsbruck, ở nước Áo, năm 1976 tạo một lý cơ tốt để gặp gỡ. Helga thuê một căn nhà nghỉ mát bun-ga-lô gần làng này. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, cô tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một trong những điệp viên của chúng tôi làm người trung gian của cô ở Tây Đức. Chúng tôi nhanh chóng giới thiệu Gert. Chúng tôi quan sát họ vào buổi ăn tối, lòng đầy hy vọng, nhưng không thấy có chỉ dấu sớm họ thu hút nhau. Dù gì đi nữa, chúng tôi đi đến quyết định Bộ Tài chính là một lựa chọn an toàn hơn cho cô, và do đó cô thuyên chuyển và tiếp tục chuyển tài liệu mật cho chúng tôi.
Với thời gian, mối tình giữa Helga và Gert chớm nở. Và sau đó là một mối tình chân thật và lâu bên. Sau này, vào năm 1979 chúng tôi phải kéo cô về, Gert cũng được triệu hồi về Đông Đức, nơi đây cuối cùng họ được tự do cưới hỏi. Lễ cưới được tổ chức tại thành phố đầy màu sắc Wernigerode ở trên núi và tôi trở thành thượng khách danh dự, vì tôi đứng ra làm ông mai.

*

Như mọi người có thể dự đoán, các điệp viên Romeo của tôi đã trở thành đề tài nghiên cứu loạn xạ của thế giới tình báo phương Tây. Họ cũng gây hình ảnh ấn tượng nơi quần chúng. Tờ Bild-Zeitung đã ghép hình của mười hai phụ nữ làm việc cho chúng tôi và đăng ở cột nhất hàng chữ NHỮNG CÔ THƯ KÝ LÀM GIÁN ĐIỆP VÌ TÌNH. Trang bìa của một tuần báo đăng hình một cái mông trần truồng có gắn huy chương Đông Đức. Tôi cảm nhận là các cơ quan tình báo phương Tây lo sợ về mức độ thành công của chúng tôi và rõ ràng đang bỏ thời giờ và tiền bạc để xây dựng cho mình hình ảnh của một nạn nhân trong giới truyền thông. Các cô thư ký lúc nào cũng được mô tả như những nạn nhân đáng thương, bị lợi dụng, tất cả đều đứng tuổi, độc thân và thèm khát tình yêu, tứ cố vô thân rơi vào vòng tay bất hạnh.
Để gia tăng áp lực ngăn chặn, công an Tây Đức luôn cho rằng các gián điệp Romeo lợi dụng lòng yêu thương của đối tượng chinh phục một cách lạnh lùng, sau đó biệt tích khi đánh hơi thấy nguy hiểm rập rình. Nhưng một bản báo cáo nội bộ do Herbert Hellenbroïch thảo, lúc đó là phó giám đốc cơ quan phản gián Tây Đức, huỵch toẹt thú nhận “Phần lớn những môi liên hệ chớm nở không hề có áp lực hay có tính hăm doạ. Tiền bạc cũng không đóng một vai trò quan trọng. Thông thường là một cuộc đối thoại về ý thức hệ hoặc chỉ là sự mến mộ đã thú hút những phụ nữ này”.
Sụ thực là chúng tôi hiếm khi chấm mục tiêu những Cô Gái Choàng Khăn Đỏ yếu duối và chỉ đặc biết nhắm họ khi - như trường hợp của Söhler - chúng tôi được một trong những nhân viên của chúng tôi mách nước. Phương thức làm việc thông thường diễn tiến như sau: Khi chúng tôi gửi một điệp viên nam sang Tây Đức với điệp vụ đặc biệt, chúng tôi nói với đương sự “Được rồi, anh sẽ có một cuộc sông riêng như mọi người, nhưng nếu anh rơi vào một cô thư ký, và cô thư ký này ở vị trí tốt đẹp, điều này càng có lợi cho chúng ta”. Những việc còn lại là do anh này quyết định. Lẽ cố nhiên không phải anh đàn ông nào cũng tự động để các cô thư ký thu hút, nhưng quý vị phải nhớ rằng những điệp viên của chúng tôi là những người tuyệt đối trung thành với lý tưởng, họ quen thuộc với những hy sinh và chấp nhận những gò bó cá nhân để thực hiện điều mà họ tin tưởng.
Trái với những lời đồn đại, họ không được huấn luyện trong nghệ thuật yêu đương khi họ trở về Đông Berlin. Một vài người giỏi hơn người khác trong vấn đề này. Họ là những người hoạt động, ý thức được tình dục có thể làm nên nhiều chuyện. Điều này đúng trong kinh doanh và trong nghề điệp báo bởi vì nó mở những đường dây liên lạc nhanh hơn những lối tiếp cận khác.

*

Tuy nhiên tôi không diễn tả trung thực hình ảnh của họ nếu tôi không tiết lộ chi tiết những công tác kỳ lạ và ngoạn mục trong đó các nhân viên của tôi tham dự vào. Họ là những siêu Romeo, mỗi người một vẻ và ở những địa bàn hoạt động khác nhau. Người thứ nhất là Roland G., ông vua bi kịch.
Roland G. là giám đốc của nhà hát nhỏ nhưng nổi tiếng ở Đông Đức tại Annaberg trên dãy núi Erzgebirge, một nơi mà các nghệ sĩ có tài muốn đáp an toàn khi họ thấy làm việc tại các nhà hát lớn ở các thành phố quá nhiều rủi ro về mặt chính trị. Anh nổi tiếng nhờ kiệt tài diễn xuất về Faust trong vở kịch của Goethe nói về một người thèm khát trên hết mọi sự có được kinh nghiệm quyến rũ và ruồng bỏ một cô gái tên là Margarete. Là một người rất thông minh, nét mặt khôi ngô và có tài thay đổi hình dáng của một nghệ sĩ, anh đúng là một thí sĩ Romeo tuyệt hảo. Tôi có một văn phòng chi nhánh địa phương tại Karl-Marx-Stadt (sau ngày thống nhất đổi tên là Chemnitz), nổi tiếng vì tài thiết kế những kế hoạch táo bạo và những dự án kỳ dị, và những sĩ quan tại đây nhận diện tài năng của Roland G. và lòng yêu sống của y. Năm 1961, anh được phái đi Bonn để tiếp cận một phụ nữ tên Margerete, một thông dịch viên tại Tham mưu tối cao Lực lượng Đồng minh châu Âu (SHAPE = Supreme Headquarters Allied Powers Europe), trung tâm chỉ huy của NATO, lúc đó đặt tại Fontainebleau gần Paris.
Vì muốn công tác có tầm vóc quốc tế, Roland G khoác căn cước của một người ngoại quốc. Không bao lâu anh thủ một cách hoàn hảo vai trò Kai Petersen, một ký giả Đan Mạch, nói tiếng Đức giỏi có pha giọng nói của người vùng Scandinavia. - không có vấn đề đối với một kịch sĩ giỏi. Margerete, một cô gái dễ thương, độc thân và rất mực tôn sùng Thiên Chúa giáo, làm việc cần mẫn tại NATO và sống một cuộc đời bình thản. Ba trong số các điệp viên của chúng tôi đã thử thời vận nhưng không tài nào chinh phục được trái tim cô. Roland G. thuộc loại rắn rỏi. Anh tìm cách dàn xếp để đi du lịch với cô sang Vienna, chứng tỏ mình là một người đàn ông biết chăm sóc, giới thiệu cho cô gái nhút nhát này những hình ảnh khoả thân khêu gợi của các danh hoạ Ý trưng bày tại Kunsthistorisches Museum (Viện bảo tàng Lịch Sử Nghệ Thuật), đưa cô đến Trường Huấn Luyện Ngựa Tây Ban Nha, và cuối cùng đến quán cà-phê đắt tiền Dehmel để ăn bánh hảo hạng và uống cà-phê Vienna - tất cả, lẽ cố nhiên, do sự đài thọ của cơ quan tình báo chúng tôi. Đôi khi số tiền chi tiêu của đương sự làm cho cán bộ điều khiển phải sửng sốt vì quá cao, ngay cả đối với một đối tượng như vậy, nhưng cán bộ này là một người khôn ngoan biết rằng ngành điệp vụ cung cấp cho Roland G. một tài khoản rộng rãi và kếch sù để y có thể hưởng những hàng thượng lưu mà y không có tại nước Đông Đức khắt khe.
Một đêm, sau một buổi dạ hội thành công tại Burgtheater, cô đền bù công lao chăm sóc của đương sự với một nụ hôn và những lời: “Tôi chưa bao giờ được hưởng những giây phút đẹp đẽ như thế này với bất cứ ai trước đây”. Họ qua đêm lần đầu tiền với nhau và sáng hôm sau anh thổ lộ hết tâm sự của mình cho cô - một vài điều thôi. Anh kể cho người tình mới biết anh là một sĩ quan trong ngành tình báo của quân đội Đan Mạch, và giải thích những nước như Đan Mạch thường bị cho ra rìa trong khối NATO và cần có những thông tin để dùng trong nội bộ.
Margerite chấp nhận chuyện này và rất lấy làm sung sướng khi anh nói, trong lúc công tác, anh thường đi ngang qua Paris và mong muốn gặp gỡ nàng ở đây. Cô chấp nhận cung cấp cho anh những tài liệu mật của NATO. Đôi lúc, anh gặp cô tại một khách sạn nhỏ và cô tiết lộ một số chi tiết trong công việc làm, đặc biệt là những chuẩn bị và ước tính về các vận động quân sự của liên minh. Điều này cho chúng tôi có một cái nhìn chính xác về cách tổ chức này tự xem xét sức lực và khuyết điểm của mình, một hiểu biết có tính cách sinh tồn cho kế hoạch của khối Hiệp ước Warsaw. Cô cũng cung cấp cho chúng tôi những thông tin hữu dụng về hậu cần của hải quân và lực lượng bộ binh nơi cô đôi lúc đến làm thông dịch viên.
Chính quyền Xô viết - chúng tôi đương nhiên chia sẻ những thông tin này cho họ - không hài lòng với kết quả này. Họ rất muốn chiếm đoạt giải tối thượng: Các kế hoạch dàn trải của NATO và điểm đích cùng với thời điểm chính xác của những vũ khí hạt nhân khi họ phát động đợt đầu tiên tấn công Tây Âu. Thống tướng Koshevoi, tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Đông Đức, đã có lúc vuốt ve lòng tự ái của tôi khi ông dỗ ngọt để tôi trao kế hoạch chiến tranh hạt nhân của NATO.
“Các anh, người Đông Đức, rất giỏi. Có thể nào các anh lấy cho chúng tôi thêm toạ độ không?” ông vừa nói vừa ám chỉ địa đồ chính xác các căn cứ của NATO, mà người Xô viết muốn triệt hạ trước tiên trong cuộc xung đột hạt nhân. Với giọng nói đầy thiện cảm nhưng hãi hùng ông nói: “Chúng tôi chẳng cần những giấy tờ của các ông. Chúng tôi chỉ cần những toạ độ đó, và chúng ta có thể thả một quả bom lên đầu chúng và xẻ đường đi vào Tây Âu”.
Tôi buồn phiền về chuyền này, vì tôi vẫn tự hào là cơ quan của tôi có khả năng cung cấp những thông tin phân tích có chiều sâu hơn những đường vạch chằng chịt trên sơ đồ. Tuy nhiên, lúc trong chúng tôi muốn giúp Moscow có được hầu hết những toạ độ này, chúng tôi không tài nào thiết lập được toàn bộ sơ đồ, có lẽ bởi vì Lầu Năm Góc khôn ngoan không để cho đồng minh Tây Đức nắm giữ những dữ liệu quan trọng này, vì họ nghĩ rằng Tây Đức không ngăn ngừa được việc tiết lộ - và họ làm việc này không phải không có lý do chính đáng.
Trong khi đó, Margerete đau khổ vì lương tâm bị giằn vật giống như nhân vật cùng tên trong vở kịch của Goethe. Cô không còn bình tâm nữa, trái tim của cô bị cấu xé, như nhà bi kịch nổi tiếng người Đức đã biên soạn. Chúng tôi đã phải mất một thời gian dài để thuyết phục cô trao tài liệu chúng tôi cần ngay cả cho người cô yêu và cũng là người của cái gọi là cơ quan tình báo Đan Mạch vô hại kia. Và lòng sùng bái Thiên Chúa giáo La Mã đã khiến cho cô bứt rứt không an tâm để tiếp tục một cuộc tình đi ra ngoài vòng tôn giáo.
Điểm các điệp viên của chúng tôi giống những anh hùng trong những quyển tiểu thuyết gián điệp là cái thú mến mộ những phụ nữ xinh đẹp và những địa điểm đài các, do đó cặp uyên ương này hú hí với nhau nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới 1962-1963 trong khách sạn Arosa, ở Thuỵ Sĩ. Nơi đây cô nói với anh ta là cô không muốn tiếp tục làm gián điệp và cuộc tình lãng mạng này nếu cô không gặp được một vị linh mục để được giải tội và có lời cầu hôn chính thức. Roland G, suy nghĩ thực tế, nói rằng việc hôn nhân không thể thực hiện được bởi vì công việc của y ở Copenhagen buộc y phải đi xa bất cứ lúc nào trong một thời gian dài.
Để đáp ứng ước nguyện của Margarete được xưng tội, mặc dù Roland G. biết rõ luật lệ của Toà Thánh La Mã về tính cách tuyệt đối cẩn mật của toà giải tội, anh cũng biết rõ một điệp viên tốt không thể chấp nhận rủi ro. Vì vậy anh nói với Margarete đợi cho đến lúc anh kiếm ra được một vị linh mục Đan Mạch. Để làm điều nay lẽ cố nhiên anh không kiếm ở Đan Mạch nhưng tại một chi nhánh của bộ tư lệnh cơ quan tình báo của chúng tôi tại Karl-Marx-Stadt. Tại đây lời yêu cầu của anh đã hầu như gây náo động. Chúng tôi phải sắn tay áo, nhưng sản xuất theo yêu cầu những linh mục nói tiếng Đan Mạch không phải là công việc của họ. Nhưng vì Roland G. đã hứa nên cơ quan tình báo, như một trượng phu, luôn cố gắng giữ lời hứa cho một trong những nhân viên của mình.
Chúng tôi dàn xếp để tạo nên một kiểu “hôn phối Potemkin” - trên bề mặt - biến một nhân viên của chúng tôi thành một linh mục tuyên uý. Người này được huấn luyện để đóng vai linh mục giải tội, nhưng giọng Đan Mạch của đương sự không có, vì vậy chúng tôi phải gửi anh đi học một khoá cấp tốc để học một vài chữ chào hỏi và tiễn đưa cho phù hợp với sự thực và quan trong hơn nữa là thay giọng mũi phổ cập của người dân miền Saxony của Đức bằng một giọng người miền Bắc Âu thích hợp hơn. Chúng tôi tìm ra được một ngồi nhà thờ nhỏ và ít người đến trong một làng ở Jutlandvà chờ lúc vắng vẻ, người của chúng tôi luồn vào trong toà giải tội và cô Margerete được mời vào để phơi bày tâm hồn cho đương sự nghe. Không có gì đáng ngạc nhiên là ông linh mục này tỏ ra thông cảm hết mức và nói nàng cứ tiếp tục làm gián điệp với phúc lành của Thượng Đế.
Tôi lo sợ tất cả màn kịch này có thể kết thúc một cách lố bịch, nhưng tôi ngạc nhiên thấy nó thành công. Đôi lúc trong trò chơi gián điệp, những mưu chước quái gở lại thành công trong khi đó một chước tầm thường lại thất bại. Về mặt đạo đức, tôi thường được hỏi là tôi có cảm thấy có tội hoặc xấu hổ đã dàn dựng lên những trò ma giáo này. Xét cho cùng, câu trả lời lương thiện là không. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi đã không kềm hạm được một số việc, nhưng vào lúc đó chúng tôi nghĩ rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Mối liên hệ của chúng tôi với Margarete chấm dứt khi chúng tôi triệu hội Roland G ra khỏi Tây Đức vì chúng tôi lo ngại anh đang bị điều tra tại đây. Trong một thời gian ngắn cô tiếp tục làm việc với một Romeo kế tiếp, nhưng sự phối hợp này không đem lại kết quả mong muốn. Việc tham gia điệp vụ của cô chỉ là vì yêu Roland G.. Khi anh này đi, cô không còn động lực để tiếp tục.
Một Romeo cao thủ khác, không giống Roland G., là một người không ai nghĩ rằng anh có vóc dáng thích hợp với vai trò này. Tên của đương sự là Herber Schröter, một tên Đức không lấy gì làm lịch sự, tướng ta của anh là của một người đô vật: Vạm vỡ, mặt vuông vức, vai rộng và tiếng nói oang oang. Tôi vẫn không hiểu đương sự có điều gì để quyến rũ đàn bà đến như vậy, nhưng anh ta phải có một điểm gì đặc biệt, bởi vì trong suốt quá trình hoạt động của anh, anh đã xoay xở và thuyết phục hai cô thư ký ở vị trí cao và đầy tài năng làm gián điệp cho chúng tôi. Nhưng tiếc thay đương sự không đem may mắn đến cho những phụ nữ có liên hệ với y. Mặc dù không phải lỗi của đương sự, cả hai người này đều bị bắt, và mỗi lần như vậy anh lại thoát thân. Câu chuyện của anh cho thấy những điệp vụ Romeo là những trò may rủi ngẫu hợp. Đôi lúc chiến thuật này dẫn đến những mối tình thành thực và lâu bền, đôi lúc nó dẫn đến thảm cảnh.
Chúng tôi phái Herbert đến Alliance Française tại Paris vào đầu thập niên 1960. Cơ sở này là nơi tuyển dụng chúng tôi ưa chuộng, nổi tiếng là nơi tập trung các cô thư ký vì các công chức được gửi tới đây để học Pháp ngữ. Tại đây đương sự làm quen với một cô mười chín tuổi tên Gerda Osterrieder, một cô gái hoạt bát và mảnh khảnh. Họ thân mật với nhau và đúng thời điểm đương sự tiết lộ lý lịch thực sự của mình. Cô chấp nhận thuyên chuyển sang Văn phòng Hải ngoại và trở thành nguồn cung cấp tin tức cho chúng tôi, một công tác cô thực hiện một cách hoan hỉ và hiệu quả. Đầu năm 1966 cô làm việc tại Telco, trung tâm giải mã của Văn phòng Ngoại giao Bonn, nơi đây tất cả các điện tín từ các Toà đại sứ ở các nước khác gửi về để giải mã. Nguỵ trang của Herbert tại Bonn là nhân viên thương mại.
Phương pháp làm việc tại Telco, của đáng tội, thật là cẩu thả. Lúc đó, các báo cáo đều được gửi về bằng băng giấy của máy in điện báo. Gerda đã bỏ vào túi sách to của cô cả mấy cuộn băng và đem ra ngoài cơ quan mà không hề có một ai kiểm soát. Năm 1968, cô được gửi đi Washington ba tháng để xả hơi và cô làm việc giải mã tại Toà đại sứ Tây Đức, tại đây cô đã nỗ lực làm việc cho chúng tôi và chuyển những báo cáo về tình trạng liên hệ giữa Bonn và Washington cũng như những nhận xét của đại sứ về chính sách nội bộ và ngoại giao của Hoa Kỳ. Sau này cũng cùng năm đó, Gerda và Herbert tiếp tục nỗ lực làm việc cho chúng tôi tại Bonn. Năm năm sau, cô được thuyên chuyển sang Warsaw. Mối liên hệ với Herbert bị gián đoạn và cô đau khổ phải xa cách, và bắt đầu say sưa rượu chè, nhưng chúng tôi phải giữ Herbert ở lại Tây Đức, vì một cuộc di chuyển về hướng Ba Lan sẽ gây nên nghi ngờ.
Không may cho chúng tôi, cô tìm an ủi nơi một ký giả Tây Đức, và người này được tiết lộ là một nhân viên phản gián nguỵ trang của Bonn. Cô tiết lộ cho người này là cô chuyển thông tin cho chúng tôi, và y thuyết phục cô nên đầu thù. Ít ra sự trung thành của cô đối với cá nhân Herbert vẫn còn nguyên vẹn nên cô đã điện thoại cho Herbert đúng lúc. Câu nói - “Hãy đến tìm gặp những bạn bè của chúng ta. Quan trọng lắm” - là một tín hiệu báo động đã hội ước trước để đương sự đào thoát sang Đông Berlin trước khi lưới bủa sập vào.
Những gì xảy ra sau đó là một loại thảm kịch thường xảy ra trong tiểu thuyết gián điệp giả tưởng nhưng ít khi xảy ra trong công tác tình báo thực sự. Herbert trở về với chúng tôi, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Gerda bị giam giữ trong một ngôi biệt thự của đại sứ Tây Đức tại Warsaw để không còn cơ hội tiếp xúc với các chủ nhân ông cũ. Chúng tôi nhận được tin là hai sĩ quan tình báo Tây Đức đến đây để thẩm vấn cô.
Đêm hôm đó những đường dây điện thoại khẩn cấp của tôi không ngừng reo bởi vì tôi vẫn hy vọng là Gerda sẽ thay đổi ý nghĩ và chạy về với chúng tôi. Tôi liên lạc với các đồng nghiệp ở bên tình báo hải ngoại Ba Lan và họ đồng ý với tôi là họ sẽ làm mọi cố gắng để ngăn trở sự ra đi của cô. Công tác này không đơn giản. Tôi luôn cảm thấy phiền phức khi một quốc gia xã hội chủ nghĩa khác bị lôi cuốn vào chuyện điệp báo của hai nước Đức, đặc biệt là Ba Lan, vì lòng tự ái quốc gia của họ không chấp nhận sự kiện chúng tôi giám sát mối liên hệ của họ với Tây Đức. Ngay cả trước khi công đoàn Đoàn kết nổi dậy, mối quan hệ giữa Đông Berlin và Warsaw rất nhạy cảm, và tôi đoán không sai là nếu công tác chúng tôi thất bại, tôi sẽ nhận được một bài học lên lớp của đồng nghiệp Miroslav Milevski, một người quốc gia cực đoan và là giám đốc của cơ quan tình báo hải ngoại của Warsaw, sau này trở thành Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan.
Chúng tôi thiết lập một “đường dây cứu cấp” cuối cùng. Trong lúc ông trưởng phái đoàn Tây Đức đưa nguồn tin của chúng tôi ra phi trường và đi qua trạm kiểm soát cuối cùng, một nhân viên tình báo Ba Lan nguỵ trang bước ra và mời cô đi tị nạn. Trong một thoáng chốc Gerda do dự và nhân viên ngoại giao khựng lại, lòng hoảng hốt vì sẽ đi vào lich sử ngoại giao như người đã đánh mất ngay tại đây trên phi đạo một điệp viên làm việc cho Cộng sản, đã đầu thú. Tuy nhiên cuối cùng, Gerda lắc đầu và bước lên phi cơ của Lufthansa.
Trở về Düsseldorf, cô bị xử vị tội gián điệp “trong một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” và bị kết án ba năm tù, ngắn hơn thời hạn bình thường vì cô đã khai cho Tây Đức những chi tiết công việc cô đã làm trong quá khứ. Chúng tôi đã táo bạo thử cứu cô nhưng đã thất bại. Tôi phiền muộn vì tất cả những sự kiện này và nghĩ rằng chúng tôi đã để vuột mất cuộc tình giữa Gerda và Herbert vì chúng tôi quá ngạo mạn. Hơn thế nữa, chúng tôi bây giờ bị kẹt với Herbert, một kẻ lừa phỉnh và vụng về. Đương sự không bao giờ có thể thích hợp với công việc ở bộ tư lệnh và đã bại lộ tung tích gián điệp vì Gerda đã trở về Tây Đức. Để có thời giờ suy nghĩ, chúng tôi cho hắn đi nghỉ hẻ ở vùng biển Hắc Hải ở Bulgaria.
Một vài tuần sau y trở về, trông có vẻ rất là tự mãn. “Tôi nghĩ là tôi đã tìm ra được một cô bạn gái hữu dụng khác”. Tôi ngạc nhiên vô cùng.
Trên bãi biển, y đã gặp được một cô gái tóc nâu cực kỳ hấp dẫn tên là Dagmar Kahlig-Scheffel. Y tự giới thiệu với một tên giả khác (y thay đổi tên quá nhiều lần trong nhiều năm, tôi tự hỏi không biết y có nhớ hết những tên đó không). Bây giờ y tên là Herbert Richter. Dagmar nói với y là cô đi nghỉ hè để lấy lại tinh thần sau khi đã phải đau khổ ly dị. Ông Richter nói rằng đương sự cũng là người đã từng ly dị và thông hiểu nỗi đau này. Sau đó hai người tình tứ nghỉ hè với nhau. Một buổi trưa tại phòng của cô, y lần dở một tạp chí trong tuần và rầu rĩ nhìn thấy một bài phóng sự dài viết về vụ xử án của Gerda. Và trên đó có hình của đương sự đứng sát bên cạnh Gerda và đương sự xuất hiện rất rõ nét. Người yêu của cô được mô tả qua những chi tiết khủng khiếp như là một con quỷ hiện thân, phá hoại đời của các phụ nữ. Đương sự không còn lựa chọn nào khác là thú nhận đương sự là điệp viên Đông Đức Schröter với cô bạn gái mới này.
(Lời dịch giả: Margarete tên thật là Margarethe Lubig và Roland G. tên thật là Roland Pandt
http://archiviostorico.corriere.it/1997/marzo/30/spie_dell_Est_missione_speciale_co_0_97033013773.shtml)%5D
May thay, cô lại thán phục tính chất lương thiện của y và hai người vẫn tiếp tục tình tứ. Vì Herbert là người bất hảo tại Cộng hoà Liên bang Đức, chúng tôi phải mời cô sang Đông Berlin vào cuối tuần. Cô đang làm phụ tá cho một ký giá ở Munich, việc này đối với chúng tôi chẳng khai thác được gì. Thời gian trôi qua, cô muốn bày tỏ lòng biết ơn vì đã trải qua những cuối tuần êm ấm ở Đông Đức và cô không từ chối làm việc cho chúng tôi. Chúng tôi đề nghị cô nên học tiếng Pháp và tốc ký, trả lệ phí cho cô, và ngay cả đài thọ cho đứa bé gái của cô vào học trong một trường nội trú ở Thuỵ Sĩ.
Dagmar di chuyển về Bonn theo lời yêu cầu của chúng tôi, nhưng việc huấn luyện của cô vẫn chưa hoàn tất để cô kiếm được việc làm trong chính phủ. Nhưng chúng tôi không chịu thua - tôi nghĩ lòng kiên nhẫn của chúng tôi vượt xa tất cả những cơ quan tình báo khác. Cô nhận một chân phụ tá cho một giáo sư đại học. Nhờ sự gửi gắm nồng nhiệt của ông, sau một năm làm việc với ông, cô kiếm được việc làm tại văn phòng của Thủ tướng Helmut Schmidt vào mùa thu năm 1975.
Những tuần lễ đầu trong một cuộc dàn trận như vậy luôn luôn căng thẳng đối với chúng tôi ở tại Đông Berlin. Vòng đai an ninh đã được xiết chặt và lúc đó thời hạn thử thách mười tuần được thực hiện, trong thời gian này lý lịch của nhân viên mới và những người quen biết được sưu tra kỹ lưỡng. Dagmar vượt qua thử thách này một cách tốt đẹp. Lẽ cố nhiên, chúng tôi phải ngưng những chuyến đi của cô sang Đông Berlin và thu xếp cho cô gặp Herbert tại Vienna, Geneva và Innsbruck.
Chúng tôi đặt bí danh cho cô là Inge và cô làm việc cho chúng tôi nhiều năm, chuyền cho chúng tôi những thông tin về những công việc nội bộ của nhóm ông Schmidt và tinh thần của cấp lãnh đạo tại Bonn. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những báo cáo của cô về không khí căng thẳng vào lần tiếp xúc đầu tiên của ông Schmidt với Tổng thống Carter để bàn về an ninh của châu Âu. Cô là một thư ký siêng năng, được các đồng nghiệp mến chuộng vì cô sẵn lòng giúp và ở lại trễ nếu công việc đòi hỏi và để thay thế vào giờ phủ chót hoặc đổi ngày nghỉ cho những đồng nghiệp bận bịu với gia đình. Trong những giờ yên tĩnh này, cô bận rộn làm việc tại phòng sao chụp, chuẩn bị những bản sao cho chúng tôi hoặc chụp vi phim những tài liệu quan trọng lúc không có ai dòm ngó.
Mối quan hệ của cô với Herbert rất là chặt chẽ, mặc dù họ xa cách nhau trên phương diện địa lý. Dagmar rất mong muốn làm đám cưới. Nhưng theo luật lệ thông thường của chúng tôi, chúng tôi muốn tránh việc này, nhưng e rằng cô sẽ rời bỏ tổ chức của chúng tôi, chúng tôi lại dàn dựng một đám cưới Potemkin khác. Chúng tôi làm căn cước Đông Đức cho cô với tên thời con gái của cô và đưa cô từ Bonn sang Vienna để đến Đông Berlin, ở đây cô được đưa đến phòng hộ tịch ở quận Lichtenberg cách không xa bộ tư lệnh của bộ chúng tôi tại Normannenstrasse.
Tất cả mọi thủ tục đều được tiến hành. Viên chức hộ tịch hỏi Dagmar và Herbert họ có tự do để làm đám cưới không và đọc một bài diễn văn về sự ràng buộc trong suốt cuộc đời và tính chất hệ trọng của đời sống vợ chồng. Họ trao đổi nhẫn cho nhau và nhạc khúc hôn phối trỗi lên. Mặc dù hai người đều ký vào sổ hôn phối, cả hai đều không biết trang này đã bị lấy ra khỏi sổ và bị tiêu huỷ sau khi họ rời cao ốc. Mãi sau này khi Dagmar khám phá, sau khi cô bị bắt, là hôn phối của cô, vì không được ghi rõ ràng vào sổ bạ nên không có giá trị, cô lấy làm phẫn nộ.
Sự nghiệp của cô chấm dứt vào năm 1977 mặc dù không phải do lỗi của cô. Người ta tình nghi Peter Goslar, cán bộ điều khiển của cô ở Tây Đức, được chúng tôi cài và cho định cư ở Düsseldorf với người vợ tên Gudrun với căn cước giả. Vợ chồng Goslar được đưa vào Cộng hoà Liên bang Đức qua ngã London, ở đây họ được cấp căn cước Anh với tên vợ chồng Anthony Roge. Nhưng trong một cuộc sưu tra với máy vi tính về những vụ định cư bất bình thường từ ngoại quốc vào Tây Đức, cặp vợ chồng này đã bị phản gián Tây Đức để ý đến. Họ bị theo dõi một thời gian, và, khi căn phòng của họ bị lúc soát, các viên chức nhà nước tìm thấy tài liệu giấu trong giỏ trái cây và trong phòng tắm. Những tài liệu này gồm có những ghi chú của Schmidt về một cuộc đối thoại mật với Thủ tướng Anh James Callaghan, và vị này đã than phiền Toà Bạch Ốc không nắm vững tình thình ở châu Âu và dùng danh từ “ngạo mạn” và “ngu xuẩn” để mô tả chính quyền Hoa Kỳ.
Đội điều tra không bao lâu khám phá những ghi chú này phát xuất từ đâu. Họ quay phim những cuộc gặp gỡ của vợ chồng Goslar với Dagmar. Kế tiếp đó khi hai vợ chồng vắng mặt, họ lục lọi căn phòng lần nữa, tìm thấy những tài liệu tang chứng của văn phòng Thủ tướng Schmidt về vị thế của Tây Đức tại hội nghị kinh tế thượng đỉnh tại London năm 1978. Dagmar bị bắt, bị xử và bị kết án bốn năm và ba tháng tù giam. Trong lần xét xử chính bản thân tôi, tôi gặp một linh gác thâm niên tại Toà án Düsseldorf đã từng gặp một số cô thư ký gián điệp. Cô Dagmar nổi trội hơn những người trong ký ức của ông, và ông nói với tôi: “Cô ấy là một người đàn bà đẹp tuyệt vời từ trước tới nay tôi chưa từng thấy”. Về phần Schröter, những ngày vinh quang đã chấm dứt. Đương sự phải buộc trở về sống một cuộc sống bình lặng ở Đông Đức, không còn những ngày nghỉ thơ mộng nới xứ lạ nữa.

*

Cô Gabriele Gast là một nhân vật hiếm có trong môi trường phần đông là đàn ông và đã trở nên người phụ nữ có địa vị cao nhất trong Cơ quan Tình báo Liên bang (BND), lên đến chức vụ chuyên viên phân tích cao cấp về Liên Xô và Đông Âu. Những báo cáo sâu sắc của cô về sự phát triển của khối Đông Âu thường nằm trên bàn làm việc của Thủ tướng Helmut Kohl. Điều mà cả ông Thủ tướng lẫn các cấp chi huy của cô trong sở BND đều không biết là chúng cũng nằm trên bàn làm việc của tôi.
Trường hợp của Gaby bắt đầu bằng một mối tình Romeo, tuy nhiên tôi miễn cưỡng mô tả cô là một Juliet vì cô là một người phụ nữ xuất sắc, đã hành động theo thâm tín và ý nghĩ của bản thân. Xuất thân từ một gia đình trung lưu bảo thủ, cô là thành viên của Phong trào Thanh niên Dân chủ Thiên Chúa giáo, một tổ chức cực hữu, và năm 1968 sang thăm viếng Đông Đức để soạn một tiểu luận về vai trò chính trị của phụ nữ tại nước Cộng hoà Dân chủ Đức.
Tại Karl-Marx-Stadt, cô gặp một công nhân cơ khí tên là Karl-Heinz Schmidt; phải mất hai mười năm cô mới biết tên thật của đương sự là Schneider. Việc gặp gỡ này không có gì là ngẫu nhiên. Schmidt/Schneider làm việc cho Bộ Công an tại Saxony và sau này được thăng cấp thiếu tá. Là một con người mộc mạc dễ dãi, anh có nét duyên dáng của kẻ vô sản đặc biệt gây sự thu hút đối với các phụ nữ trung lưu được cưng chiều. Cô thấy tên công giáo cũ kỹ của anh quá cứng rắn và trìu mến gọi anh là Karlizcek. Anh tận tình ve vãn và đưa cô đi du ngoạn ở vùng quê, và hưởng thụ một mùa hè thơ mộng với nhau. Sau đó anh tiết lộ thân phận thực sự của anh và giới thiệu cô lên cấp trên của mình, một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm tên là Gotthold Schramm.
Gaby choáng ngộp vì bất ngờ thấy được tận nguồn công tác nội bộ của Đông Đức. Khi những người mới quen biết này yêu cầu cô hợp tác với họ, cô do dự cho đến lúc họ nói cô sẽ không còn được gặp Karlizcek nếu cô từ chối. Sau đó cô chấp nhận và trở về Tây Đức để tiếp tục học vấn tại Aachennhưng cô sang Đông Đức mỗi ba tháng để được huấn luyện điệp báo và gặp người bạn trai.
Các cán bộ điều khiển của cô tại Đông Đức chưa có kế hoạch rõ rệt cho cô lúc ban đầu nhưng dự định hướng nghiệp cô về Bonn, có lẽ vào làm việc tại một bộ nào đó. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chúng tôi phó thác cho số mạng. Chúng tôi không phải là những người duy nhất chú ý đến Gaby. Người đỡ đầu luận án của cô là một giáo sư nổi tiếng với những nghiên cứu về các quốc gia Đông Âu, ông Klaus Mehnert. Ông Mehnert có liên hệ với cơ quan tình báo BND và ai cũng nghĩ rằng ông là một trong những người kết nạp cho họ trong giới đại học. Gaby là một sinh viên sáng giá của ông và khi cô trình luận án năm 1973, cô được mời nhận một chức vụ ai cũng thèm muốn là chuyên viên phân tích chính trị tại học viện Pullach của BND gầnMunich, một học viên rất được ngưỡng mộ.
Chúng tôi lẽ cố nhiên sung sướng với chuyển biến này. Chúng tôi giữ lời hứa và cho phép cô tiếp tục thăm viếng Karlizcek. Không bao lâu họ tổ chức lễ đính hôn tại một nhà an toàn ở Đông Âu. Schramm nhận trách nhiệm khui rượu Champagne Nga và đem theo một băng cassette với những lời chúc mừng của giám đốc tình báo địa phương. Chúng tôi luôn luôn quan tâm đến khía cạnh thơ mộng của những mối liên hệ này.
Việc làm của Gaby không thể chê chỗ nào được. Cô cung cấp cho chúng tôi một bối cảnh chính xác về sự hiểu biết của phía Tây và những phán đoán của họ về toàn bộ khối Đông Âu. Điều này có tầm quan trọng sinh tử đối với chúng tôi để xử lý đà tiến của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan vào đầu thập niên1980. Nhờ có óc quan sát tinh tế để nhận diện những tài liệu đáng chú ý, cô là một chuyên viên phân tích xuất sắc và không ngần ngại tìm tòi trong những núi tài liệu mật của Tây Đức nói về sự phát triển chính trị và kinh tế trong khối Đông Âu và Liên Xô, và tóm tắt lại những điểm mà cô nghĩ chúng tôi cần ở Đông Berlin.
Nếu chúng tôi muốn có bản chính, cô chụp vi phim và cất giấu chúng trong những chai khử mùi hôi nách giả. Chúng tôi lúc ban đầu dạy cho cô cách cất giấu trong những bồn nước trong nhà tiêu trên toa xe lửa di chuyển từ Munich qua biên giới để tới Đông Đức. Sau này chúng tôi xét thấy việc này quá mạo hiểu và bất tiện để theo kịp lượng thông tin cô cung cấp cho chúng tôi. Một người đàn bà làm giao liên sẽ đến gặp cô tại hổ tắm ởMunichvà hai người sẽ trao đổi thông tin cho nhau trong phòng thay quần áo. Những phòng này đã được ấn định qua những điện thư mã hoá được chuyển qua đài vô tuyến chúng tôi gửi đi từ Đông Berlin.
Trong nhiều năm cô cộng tác với chúng tôi, Gaby rất hài lòng với những gì cô làm trên phương diện nghề nghiệp. Cô vẫn tiếp tục gặp người tình Karliczek vào những lần nghỉ hè. Chúng tôi chăm sóc kỹ lượng cho đôi uyên ương này, cho họ đi nghỉ ở vùng núi Alp hoặc trên bờ biển Địa Trung Hải. Nhưng với thời gian mối liên hệ đã được cài đặt ban đầu không còn quan trọng đối với cô. Tôi nghĩ cô bám víu vào con người chẳng lấy gì làm đặc biệt của Karliczek bởi vì cô thích tiện nghi xuất phát từ mối liên hệ này và cô là một phụ nữ kiên quyết và độc lập, không thích có mối liên hệ thông thường tại quê nhà.
Cô cũng mang theo một gánh nặng tình cảm phụ trội. Chị dâu của cô nhận nuôi một đứa bé khuyết tật nặng, nhưng xem ra quá sức chịu đựng của họ. Vì không muốn gửi đứa bé vào một cơ quan từ thiện, Gaby chịu chăm sóc thằng bé mặc dù việc này đòi hỏi thời giờ và năng lực của cô. Cô cũng tỏ ra lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đứa bé nếu cô bị phát hiện. Cô có những cơn sốt lo âu và đôi khi cô nói đến việc cắt đứt liên lạc với chúng tôi.
Tôi quyết định phải giữ cô lại và năm 1975 bất thường đích thân đến gặp cô tại Yugoslavia. Ban đầu bầu không khí xem ra căng thẳng, bởi vì chưa có một hình ảnh nào của tôi xuất hiện ở phương Tây và đối với cô, tôi là một cấp lãnh đạo không chân dung của tình báo Đông Đức. Nhưng không bao lâu cô lấy lại phong độ và thảo luận với rất nhiều nhiệt huyết về chính sách Ostpolitik và tình hình nội bộ của Đông Đức, một thực trạng mà cô không nuôi ảo tưởng. Tôi thăm hỏi tình trạng cá nhân và đời sống của cô tại sở làm - lẽ cố nhiên Karliczek cũng có mặt tại đó - và chúng toi cũng bàn thảo về phương cách để cô có thể tiến thân trong cơ quan BND. Tôi cam đoan với cô là tôi sẽ giữ tuyệt đối bí mật danh tính của trong cơ quan và hỗ trợ cho cô tối đa. Sau đó, chúng tôi gặp gỡ nhau ở những nơi khác chẳng hạn như tại một ngôi nhà sinh sắn ở Split trên bờ biển Dalmatia của Yugoslav, một địa điểm nghỉ mát không nghi ngại cho các điệp viên của chúng tôi ở Tây Đức và cũng không nguy hiểm cho tôi.
Những chiến dịch của báo giới Tây Đức nhằm đánh phá tôi và đe doạ phơi bày những những điệp viên của chúng tôi chỉ làm cho cô quyết tâm hơn nữa và sự dấn thân về ý thức hệ của cô mỗi lúc mạnh mẽ thêm với thời gian. Giống như nhiều thanh niên Tây Đức đã kinh qua những phong trào phản kháng năm 1968, cô quả quyết nghĩ rằng nước Cộng hoà Liên bang Đức đã không thực tâm giải quyết quá khứ Quốc xã. Cô có lần gửi cho tôi một quyển sách về toà án Nuremberg, nơi các đảng viên Quốc Xã đã tổ chức những cuộc tập họp quy mô và cũng là nơi sau này phe Đồng minh chiến thắng đã truy tố họ về tội ác của họ. Cô ghi trên quyển sách: “Đám cũ vẫn còn lấp ló đằng sau bề mặt của canh tân. Ba mươi năm sau vự xử Nuremberg, cuốc đấu tranh cho canh tân vẫn tiếp tục”.
Tôi không dám bạo miệng nói rằng, sau lần đầu hổ hởi gặp gỡ Karliczek, Gaby có thực sự yêu y không. Nhưng tôi biết chắc chắn là cô đã khai triển một loại mối tình với cơ quan của chúng tôi. Cô tỏ ra lãng mạng trong mối quan hệ với chúng tôi và cô cảm thấy hài lòng về mặt tình cảm cũng như trên mặt nghề nghiệp, tính chất lãng mạng này cô không tìm thấy trong quan hệ với những người đàn ông. Sự so sánh này có vẻ kỳ lạ, nhưng những xa xỉ cung cấp cho một gián điệp giỏi, những chăm sóc tận tình cho phúc lợi của các điệp viên có thể thay thế cho những mối liên hệ cá nhân. Trong trường hợp của Gaby, yếu tố con người đặc biệt quan trọng và chúng tôi quan tâm tới việc trọng thưởng công việc tốt của cô bằng cách đưa cô sang Đông Đức hội họp. Những việc này đã nâng đỡ mặt tình cảm của cô và do đó tạo nên nhiều thú vị cho cô.
Cô rất mến mộ hai sĩ quan cao cấp đã coi cô như con. Khi một trong hai người chết, cô thu xếp để gửi hoa đặt lên mộ của người này ở vùng quê Đông Đức. Cảm tình của cô đối với tôi xem ra khó phân biện hơn. Cô muốn cảm nhận tôi cần cô và tôi đích thân quan tâm đến cô. Tôi thực sự thích cô và sự khôn ngoan và sự nhạy cảm của cô thu hút cá nhân tôi. Đây là mối liên hệ chặt chẽ nhất tôi chưa từng có với một điệp viên.
Đôi lúc những thư tín của cô hàm chứa giọng điệu đau buồn của một tình nhân được xem như của trời cho. Nhưng những lần viếng thăm Đông Berlin tạo cho cảm giác liên thuộc một điều mà cô không tìm thấy ở chính đất nước mình. Cô đến gặp Karliczek ở Vogtland, một vùng đẹp đẽ không xa biên giớiBavaria. Đây là cảnh thơ mộng đồng quê pha với một ít lãng mạng của thế kỷ thứ mười chín đang phát triển mau chóng tại những vùng hẻo lánh của Đông Đức. Cô được bà chủ nhà tên Linda chăm sóc tận tình và cô thích món bánh bao mịn mượt vùng Vogtland và giọng địa phương khó hiểu của bà chủ nhà. Tại đây cô được nghe chính ngôn ngữ của cô như chưa bao giờ cô được nghe và cô được nếm món ăn Đức như chưa bao giờ cô được nếm. Những kinh nghiệm này thường quyến rũ những người Tây Đức được chúng tôi đưa sang Đông Đức. Chúng tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng để tổ chức những chuyến đi này vì nó cung cấp hỗ lực tình cảm nhưng mỗi lúc càng trở nên nguy hiểm hơn. Mỗi chuyến đi Đông Đức thật là nguy hiểm đối với nhân viên điệp báo không được phép đến đó do vị thế nhạy cảm của họ ở Tây Đức, đặc biệt là trong những tổ chức như BND. Lần hồi chúng tôi rút ngắn những viếng thăm này bởi vì có nguy cơ về mặt an ninh, và điều này làm cho cô đau khổ.
Đã có lần Gaby viết cho tôi để bày tỏ những lo ngại về những mối nguy cô có thể gặp đương khi cô được thăng tiến trong sự nghiệp tại cơ quan tình báo Tây Đức. Tôi cảm nhận cô đang cầu cứu để chúng tôi hỗ trợ cho cô được vững dạ hơn nữa và tôi mời cô sang thăm viếng Đông Đức thêm một lần nữa. Cô trả lời: “Một lần gặp gỡ và trò chuyện với ông ở một nơi ẩn náu đượm không khí gia đình thúc đẩy và sẽ luôn luôn thúc đẩy tôi để tôi đặc biệt hoàn tất công tác, cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy đi nữa”. Tôi phải đương đầu với một sự kiện là, với tất cả những đức tính của cô, cô không phải là một điệp viên dễ tính. Chúng tôi gặp nhau bảy lần trong suốt thời gian cô làm việc.
Tôi thường để ý thấy cảm giác liên thuộc với một cộng đồng đặc biệt, một nhóm ưu tú và một câu lạc bộ bí mật đấu tranh cho một lý tưởng cao đẹp có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người phương Tây thuộc giới thượng trung lưu có cá tính mạnh mẽ và phức tạp. Có lẽ điều này phần nào trả lời câu hỏi thiên hạ không ngùng đặt cho tôi về lý do tại sao những người như vậy kéo nhau vào làm việc cho chúng tôi. Những gì chúng tôi cúng hiến cho họ là cơ hội để họ hoà lẫn lý tưởng với sự dấn thân của cá nhân, một điều mà phần lớn những xã hội tân tiến không có.
Vào thập niên 1980, Gaby dồn hết nỗ lực trong việc phân tích và nghiên cứu Đông Tây của NATO và những hệ quả của chính sách chống cộng gây hấn của Ronald Reagan. Cô chia sẻ mối lo âu của tôi về sự trì trệ sâu đậm của khối Xô viết sau khi Andropov chết năm 1984. Vào lúc này Afghanistan đã trở thành gánh nặng cho Moscow. Cả hai chúng tôi đều thấy rõ những sai lầm trầm trọng trong chính sách của Xô viết và hậu quả của nó trên toàn thể cộng đồng xã hội chủ nghĩa.
Tôi ngạc nhiên khi bắt đầu cuối thập niên 1970 cô nói đến viễn tượng các phong trào cải tiến tự trị lan rộng ra ngoài Ba Lan và lây sang các quốc gia chư hầu khác. Đây là một quan điểm gây chấn động nơi tôi nhiều hơn hết bởi nó phản ánh những nhận thức mới chớm nở trong trí óc của tôi, và tôi chưa sẵn sàng hoặc có khả năng đẻ bày tỏ mạch lạc. Thực tế mỗi lúc một xa rời với những lời tuyên bố của chính quyền và đi trái ngược hoàn toàn với lý thuyết Mác xít. Một cảm giác khó chịu đang xâm chiếm lòng tôi nhưng tôi vẫn tiếp tục đè nén nó.
Sự nghiệp của Gaby tiến triền nhảy vọt. Lòng tin cậy cô tạo được có thể đo lường qua sự kiện năm 1986 cô nhận trọng trách thảo một báo cáo rất nhạy cảm cho Thủ tướng về việc các công ty Tây Đức dường như dính líu trong việc xây cất một xưởng chế tạo vũ khí hoá học tại Lybia. Một năm sau cô được phong phó giám đốc ban nghiên cứu chính trị Xô viết của cơ quan BND, một vị thế cao choáng váng đối với một phụ nữ. Chúng tôi để cho cô tự ý quyết định những gì cô gửi cho chúng tôi. Giống như các đồng nghiệp của cô ở Tây Đức, chúng tôi tin tưởng hoàn toàn nơi chuyên viên của chúng tôi.
Một câu hỏi được đặt ra trong thế giới gương phản chiếu: Cô là chuyên viên phân tích của ai đây? Tôi có thể nói là cô cung cấp cho chúng tôi và cơ quan BND những phân tích hoàn toàn khách quan. Cô biết những điều chúng tôi quan tâm và tóm tắt những thông tin chúng tôi cần vào những câu ngắn gọn trong những báo cáo dài bốn hoặc năm trang. Cô lẽ cô đền bù sự thiếu vắng tình cảm bằng cách đem hết trí tuệ và năng lực vào công việc trước mắt của cô cho dù là cho chúng tôi hay cho kẻ thù của chúng tôi. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là những gì chúng tôi tìm hiểu qua cô cơ quan BND nghĩ gì về khối Đông Âu và về chúng tôi, nhờ đó chúng tôi có thể thấy giới qua con mắt của họ. Gaby làm việc cho chúng tôi vì lòng thâm tín ở một lý tưởng, nhưng - cũng như những trường hợp của các nguồn tin giá trị khác - công việc hoàn bị cho phía bên kia là điều kiện cần có để có thể tiếp cận những thông tin chúng tôi muốn có.
Qua những báo cáo, chúng tôi cũng bắt được đầu mối tìm ra những điệp viên có thể do BND gài ở Đông Đức, mặc dù đây chỉ là chuyện thứ yếu. Điều quan trọng hơn là chúng tôi có một tầm nhìn thế giới rộng rãi hơn nhờ cái mà BND gọi là thông tin “băng vàng”, mà cho đến nay ít ai biết đến. Đây là kết quả của việc cơ quan BND dòm ngó chính những đồng minh của nước Cộng hoà Liên bang Đức, phần lớn phát xuất từ đài nghe mang bí danh là “Eismeer” (biển băng giá) gần Conil và Cadiz trên bờ biển Đại Tây Dương. Sự có mặt của đài nghe là do mối liên hệ mật thiết giữa nước Đức Quốc Xã và nước Tây Ban Nha của Franco vào những thập niên 1930; chiến dịch có bí danh là “Delikatesse” (điều tinh tế), giám sát những đường giây liên lạc từ châu Âu sang Tây Phi Châu và Bắc và Nam Mỹ được các Toà đại sứ Hoa Kỳ và các trạm của CIA sử dụng. Tất cả những bản chuyển mã của BDN liên quan đến những đồng minh của Tây Đức đều được đánh dấu bằng một vạch vàng để không chuyển lộn cho người khác, tiết lộ cho đồng minh biết những gì Tây Đức đã nghe lóm. Tây Đức, với những sĩ quan điệp báo và cảnh sát đã được huấn luyện kỹ thuật, trên lý thuyết có thể giải mã những tín hiệu của mười bốn nước đồng minh. Họ có mối liên hệ chặt chẽ với tình báo Turkey, và trong cuộc chiến Falklands năm 1982 là cơ quan duy nhất giải mã được lượng thông tin vô tuyến của Argentina cho chính quyền Anh. Tay nghề của Tây Đức và khả năng của chúng tôi cài đặt vào đây nhờ tay của Gaby và các nguồn tin khác đã cho phép chúng tôi giảm thiểu những cố gắng thu thập tin tình báo. Tây Đức dở trò bẩn thỉu dòm ngó đồng minh Hoa Kỳ và chúng tôi ăn cáp những thông tin này.
Mãi sau này, sau khi nước Cộng hoà Dân chủ sụp đổ và Gaby bị lộ, tôi thường mong ước cô ấy sớm rời chúng tôi để chúng tôi - và cô ấy - có thể tẩy xoá vết tích của cô một cách hoàn hảo hơn. Cho đến giờ phút chót cô không phạm một sai lầm nào. Đầu năm 1990, khi chúng tôi nhận biết việc thống nhất không thể tránh được, người thừa kế của tôi mời cô đến họp tại Salzburg để nói với cô là chúng tôi chấm dứt công tác và tất cả những tài liệu ghi chép những cộng tác của cô đã bị tiêu huỷ.
Nhưng trên đường đi đến thống nhất, một số nhân viên cũ trong cơ quan của chúng tôi tìm cách để được miễn truy tố bằng cách bán rẻ người khác. Sự phản bội tệ hại nhất là do một trong những sĩ quan cao cấp của chúng tôi, Đại tá Karl-Christoph Grossmann (không nên lẫn lộn với người kế vị tôi làm giám đốc tình báo hải ngoại Werner Grossman). Mặc dù đương sự không biết trực tiếp danh tính của Gaby hoặc sinh hoạt của cô, đương sự đã nghe lỏm được trong một cuộc đối thoại là cơ quan chúng tôi cài được một người đàn bà rất giỏi có chức vị cao trong cơ quan tình báo Tây Đức và cô này có một đứa con khuyết tật.
Bấy nhiêu cũng đủ để tố cáo đích danh cô, và sau này cô bị bắt vào năm 1990 khi cô đi qua biên giới Đức Áo để gặp lần cuối cùng các cán bộ điều khiển. Tôi nghĩ rằng họ chuẩn bị trao cho cô một phần thưởng danh dự vì công cộng tác lâu năm. Cho đến giờ phút chót, những dấu hiệu biết ơn có nhiều ý nghĩa đối với cô.
Đã có nhiều bình luận và có nhiều sách báo phân tích tại sao những phụ nữ này đã hành xử như họ đã hành xử. Tất cả đều là những công dân của Tây Đức làm việc cho cơ quan của nhà nước trước khi họ nhận làm việc cho chúng tôi. Một vài người chấp nhận lý tưởng xã hội chủ nghĩa vì lòng thâm tín. Nhưng phần đông thực sự yêu đương và gắn liền với chúng tôi vì đã gắn liền với một người đàn ông. Họ biết họ phải hy sinh mối liên hệ gia đình và mức sống cao sang ở Tây Đức để được sống an toàn tại Đông Đức, một quốc gia ít người biết đến và hình ảnh của quốc gia này đối với quần chúng không lấy gì làm đẹp. Nhiều người đã lập cuộc đời mời ở đây sau khi đã chấm dứt công tác gián điệp.
Ursel Höfs đã phải thi hành toàn bộ án lệnh của Cộng hoà Liên bang Đức bởi vì cô đã từ chối thu hồi đơn xin sang Đông Đức của cô sau khi cô được trả tự do. Christel Broszey và chồng sang định cư ở vùng Thuringia ở Đông Đức và nuôi một đứa con nuôi. Sau này cô sung sướng vì hai vợ chồng cũng sanh được một đứa con ruột. Inge Goliath cuối cùng đã về sống bình thản với người chồng ở vùng quê ngoại ô Berlin. Helga Rödiger đã di chuyển cùng với chồng đến ở Berlin và ở lại đây sau khi chồng chết. Tôi chỉ gặp cô có một lần tại một buổi liên hoan sinh nhật mùa hè năm 1996.
Cuộc chuyển đổi sang một hệ thống xã hội khác phải công nhận là khó đối với các phụ nữ này. Phương sách của chúng tôi là giúp họ sống một cách thoải mái nhưng lại bình lặng tối đa. Sau những năm phấn khởi phục vụ cho một cơ quan tình báo, điều này xem ra là một phần cảm hứng trong cuộc đời của họ. Cô Christel Broszey là một trong những người từ chối cuộc sống bình lặng. Cô nài ép giới lãnh đạo đảng ở địa phương để họ tìm cho cô một công việc đầy thách đố trong ban thiết kế của một xưởng dệt. Tại đây cô chỉ trích dữ dội lề lối vô hiệu quả của lối quan trị xã hội chủ nghĩa và cải tiến phương thức làm việc trong xưởng theo kinh nghiệm của cô ở Tây Đức.
Tôi không nghĩ là phương thức để đạt thành công của cơ quan chúng tôi khác với phương thức làm việc của các cơ quan tình báo hải ngoại Tây Đức. Chúng tôi không độc quyền về việc sử dụng gián điệp Romeo. Chính quyền Tây Đức cài một điệp viên ở Hoa Kỳ mang tên là Karl Heinz Stohlze. Năm 1990 đương sự tiếp xúc một cô thư ký kỳ cựu làm việc cho một công ty quốc phòng ở Boston, quyến rũ cô và có ý định kết nạp cô để hy vọng lấy thông tin cho Bonn về kỹ thuật phân cách di tố của Hoa Kỳ. Đương sư lén thu băng những mẩu đối thoại trong đó cô nói rằng cô sẵn sàng làm gián điệp kỹ nghệ cho Tây Đức. Khi cô mất bình tĩnh, đương sự hăm doạ sẽ phanh phui chuyện này với những cuộn băng thâu lén. Sự việc kết thúc một cách hỗn loạn vì cô này dự tính tự tử.
Một chàng Romeo của cơ quan BND được phái đến Paris năm 1984 và được lệnh quyến rũ một vị phu nhân của một viên chức Đông Đức tại UNESCO và hăm doạ để buộc bà phải chuyển thông tin về chinh sách của Đông Berlin và ý định đầu phiếu của họ tại Liên Hiệp Quốc. Những viên chức an ninh ở Toà đại sứ chúng tôi biết được chuyện này, và cả hai vợ chồng đều được triệu hồi trước khi xảy ra chuyện không lành cho chúng tôi. Một trường hợp đặc biệt khác xảy ra tại Oslocũng vào thời điểm này. Cơ quan phản gián Na Uy khám phá qua đường dây nghe lén điện thoại bà vợ của một đại sứ Đông Đức dính líu trong một mối liên hệ đồng tính luyến ái với một phụ nữ Na Uy. Qua những nguồn tin khác chúng tôi khám phá ra Tây Đức đã có kế hoạch hăm doạ tố giác bà vợ của ông đại sứ. Cặp vợ chồng này được hối hả triệu hồi về nước.
Những chàng Romeo tôi đã mô tả trong chương này không phải là những tay Don Juan có kinh nghiệm, cũng không hẳn là những Adonis (Lời dịch giả: Adonis là một vị thần trong huyền thoại Hy Lạp, rất đẹp trai, được hai nữ thần Aphrodite và Perséphone mến mộ giành giựt lẫn nhau. Vị chúa tể các thần là Zeus, để giải quyết mối tranh chấp này đã quyết định để cho Adonis một phần ba tháng ở với Aphrodite, một phần ba ở với Perséphone và phần còn lại ở với người mà ông thích). Họ là những người tầm thường có thể đi trên đường phố mà chẳng ai ngoái nhìn lại. Khi tôi ngẫm nghĩ về những đóng góp của họ cho công trình của chúng tôi và một vài hệ quả liên luỵ đến họ, tôi phải thú nhận là trong nhiều trường hợp, giá phải trả về thương tổn nhân lực quả là cao vì có những cuộc đời bị phân ly, những trái tim tan nát và những sự nghiệp bị tiêu huỷ. Tôi cũng hối hận vì đã để mối liên hệ giữa Roland G và cô Margarete của anh trở nên quá sâu đậm và kéo dài quá lâu. Cứu cánh không phải lúc nào cũng biện minh được cho những phương tiện mà chúng tôi đã dùng. Nhưng tôi phiền lòng là người Tây Đức lại có giọng điệu chát chúa dạy đời với tôi trong vấn đề này. Bao lâu còn gián điệp, bấy lâu sẽ còn những Romeo quyến rũ bất kể những cô Juliet nào tiếp cận với những điều bí mật. Dù sao đi nữa, tôi điều khiển một cơ quan tình báo chứ không phải một câu lạc bộ của những trái tim cô đơn.