Chương 6 (tt)

     hi Nga học với ông Trần Phong được sáu tháng, cảm thấy mình đã tiến bộ nhiều. Từ khi nàng đi học vẽ, cuộc sống gia đình vẫn yên vui, không có gì xáo trộn. Nàng vẫn săn sóc Dũng đầy đủ như trước. Nhiều hôm ở phòng vẽ của ông Trần Phong ra, Phi Nga ghé chợ Sài Gòn mua thức ăn, bánh trái mang về cho Dũng và nàng cùng ăn. Bà Quỳnh đến thăm Phi Nga và khi thấy nàng đã chịu khó đi học vẽ thì tỏ ý vui mừng, khen ngợi nàng không hết lời. Bà còn mua của Phi Nga mấy bức tranh. Phi Nga hiểu là bà muốn giúp nàng một số tiền để đi học. Ông Trần Phong cũng giới thiệu bán cho nàng mấy bức vẽ. Ông nói:
- Để cô có tiền tiêu xài thêm trong khi đi học. Kể ra bán những bức tranh ấy lúc này uổng lắm. Tranh của một họa sĩ chưa nổi tiếng với tranh của người đã nổi tiếng khác nhau rất xa. Cũng bức tranh này của cô bán bây giờ không được bao nhiêu tiền, nhưng để sau này, giá sẽ lên gấp đôi, gấp ba. Nhưng Phi Nga hiểu tại sao tôi bán dùm cô mấy bức tranh này không?
- Thầy nghĩ là tôi cần tiền?
Ông Trần Phong cười:
- Không phải thế. Tôi bán những bức tranh này để cô vẽ cái khác. Cô thấy cô đã vẽ được nhiều rồi thì không chịu cố gắng vẽ thêm nữa. Nhưng đến khi cô triển lãm tranh, tôi có thể đi mượn những tranh này lại cho cô triển lãm.
Phi Nga cười:
- Một khi tôi đã ham làm thì dù có vẽ mấy chục bức rồi, tôi cũng chưa thấy là nhiều. Có điều thưa thầy, cần cái phẩm hơn cần cái lượng. Vẽ thật nhiều mà không đẹp, không có gì đặc sắc thì cũng không ích gì.
Ông Trần Phong gật đầu mà không nói gì.
Lần nào cũng vậy, hễ đến phòng vẽ là Phi Nga cắm cúi làm việc, ít khi trò chuyện với ai. Ngay với ông Trần Phong cũng thế, Phi Nga chỉ hỏi những điều cần thiết, hay chỉ phát biểu ý kiến mỗi khi ông hỏi nàng về một họa phẩm của ông. Dục Tú thường tìm cách hỏi chuyện Phi Nga, nhưng Phi Nga không thích chuyện trò. Còn các anh Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh thấy Phi Nga quá lạnh lùng với họ, nên cũng ít khi trò chuyện thân mật với nàng. Mỗi khi Phi Nga vẽ xong và ra về rồi thì họ mới đến ngắm những gì Phi Nga vừa vẽ được.
Có lần Lê Thanh mời Phi Nga lên xe Vespa để đưa nàng ra Sài Gòn vì nghe nàng nói với ông Trần Phong là còn phải đi mua hàng:
- Sẵn đường xin cho phép tôi đưa chị ra Sài Gòn, đi xe buýt chen lấn phiền lắm.
- Cám ơn anh. Nhưng đi xe buýt cũng có cái thú riêng của nó. Mình có dịp được ngắm khách đồng hành và đó là những đề tài sống để mình thực hiện lên tranh sau này. Tôi lại không biết cách ngồi sau xe Vespa. Tôi sợ té lắm.
Cũng có lần Hà Nam mời các bạn đi ăn cơm rồi mời luôn Phi Nga:
- Chị đi dùng cơm với chúng tôi.
Phi Nga từ chối:
- Tôi không quen ăn cơm nhà hàng. Xin anh hiểu cho.
Một hôm, Phi Nga đang chuẩn bị vẽ thì nghe có tiếng người lạ nói chuyện với Lê Thanh ở phòng ngoài. Nàng nhận ra tiếng ông Malê, nhưng vẫn ngồi im chờ xem ông đến có việc gì.
- Ông Trần Phong có ở nhà không?
Lê Thanh trả lời:
- Dạ có, để tôi đi mời thầy tôi.
Ông Malê nói:
- Đây, tấm danh thiếp của tôi.
Lê Thanh đi qua trước mặt Phi Nga và nói nhỏ:
- Có ông Malê đến. Chị biết ông ấy chớ?
Phi Nga chỉ gật đầu. Một lát ông Trần Phong ra với Lê Thanh trong chiếc áo dài Thượng Hải, trông có vẻ đạo mạo và trịnh trọng lắm. ông Trần Phong hỏi Phi Nga:
- Không ra đón ông Ma Lê à?
Phi Nga nói:
- Ông ấy đến thăm thầy.
Ông Trần Phong mỉm cười, đi thẳng. Phi Nga nghe hai người chào nhau bằng tiếng Anh và họ cũng chuyện trò với nhau bằng thứ tiếng ấy. ông Trần Phong mời ông Malê vào nhà trong. Khi đi ngang qua phòng vẽ của Phi Nga, ông Malê ngạc nhiên khi:
- Hôm nay cô vẽ ở đây à? Sao cô không ra mừng tôi?
- Ông đến tìm ông Trần Phong...
Ông Malê nhìn Phi Nga bằng đôi mắt trách móc:
- Vì tôi không biết có cô ở đây. Tôi định ở đây ra là đi thăng lên Biên Hòa thăm cô, hay nói cho đúng là đề nghị với cô một việc.
Ông Trần Phong hỏi:
- Ông có thể nói chuyện với cô ấy ở đây không?
Ông Malê nói:
- Nếu cô ấy bằng lòng.
Phi Nga nói:
- Bây giờ ông là khách của thầy tôi.
Ông Trần Phong hiểu ý Phi Nga nên rước ông Malê vào phòng khách. Dục Tú chạy theo vào để pha trà. Phi Nga vẫn ngồi vẽ. Xong việc, Dục Tú ra nói với Phi Nga:
- Chị quen ông ấy à?
- Tôi quen với vợ ông ấy. Bà Malê đã mua của tôi nhiều bức họa.
- Tại sao lúc nãy chị không ra chào ông Malê?
- Ông ấy đến tìm thầy chớ nào phải tìm tôi.
Dục Tú ngạc nhiên:
- Chị câu nệ quá, mất cả sự thân mật.
- Thân mật thái quá, mất cả phép lịch sự.
Dục Tú nghe thế đi thẳng lại chỗ giá vẽ của mình và bắt đầu làm việc lại.
Ông Malê nói chuyện với ông Trần Phong một lúc lâu, mới trở ra ngoài, đi lại bên Phi Nga, nhìn bức tranh nàng đang hoàn thành và hỏi:
- Bao giờ thì cô về Biên Hòa?
- Một giờ trưa.
- Cô cho phép tôi đưa cô về nhé. Trén xe chúng ta có thể nói chuyện với nhau, như thế khỏi mất thì giờ của cô.
- Tôi không thích như vậy.
- Cô không thích thì thôi. Hôm khác tôi sẽ lên thăm cô. Thấy cô chịu đến học với họa sĩ Trần Phong, tôi mừng lắm. Lúc này cô vẽ khá hơn nhiều. Cô đã đọc những bài báo nói về bức tranh “Người gánh lúa” của cô rồi phải không?
- Tôi đã đọc rồi. Xin thành thật cảm ơn ông.
- Việc ấy không có gì đáng cám ơn. Tôi thúc giục cô bước vào con đường nghệ thuật bằng cách ấy. Tôi thấy chỉ có cách ấy là có hiệu quả thôi.
Phi Nga cười:
- Ông nghĩ với cái giải khuyến khích kia tôi sẽ mạnh dạn bước vào con đường nghệ thuật, không còn rụt rè, do dự nữa? Ông không thể nào hiểu tôi được.
Ông Malê cũng cười:
- Có lẽ tôi không thể nào hiểu con người của cô, nhưng về tài năng, cách ham làm việc của cô, tôi đoán hiểu cô sẽ đi đến đâu.
Xây lại ông Trần Phong, ông Ma Lê hỏi:
- Có phải cô ấy có tài lắm không?
Ông Trần Phong gật đầu:
- Có tài hơn cả bọn đàn ông. Cô ấy được Thượng đế biệt đãi quá.
Hai người đàn ông nhìn nhau cười. Phi Nga không để ý đến cái cười đầy ý nghĩa của họ và chỉ có họ hiểu riêng với nhau mà thôi.
Ông Malê hỏi:
- Thế còn ông giáo, chồng cô, ông ấy lúc này làm gì?
- Vẫn đi dạy học.
Ông Trần Phong nói:
- Lúc nào cô ấy cũng nói đến chồng con. Tôi bảo chuyện sanh con đẻ cái, bất cứ người đàn bà nào cũng làm được, nhưng cô Phi Nga cười tôi nói nhảm.
Phi Nga đứng lên, chỉ về bộ bàn ghế gần đó để ông Trần Phong và ông Malê khỏi đứng sau lưng nàng mà chuyện trò:
- Xin mời thầy, mời ông ngồi.
Ba người ngồi quây quần bên cái bàn. Ông Ma Lê nói:
- Họa sĩ Giang sắp về đây rồi. Ông ấy nóng lòng được gặp cô. Hình như họa sĩ Giang chưa quen nhiều với cô.
- Họa sĩ Giang là bạn thân với một người bạn của tôi. Tôi chỉ được gặp anh ấy có một lần và khi ấy anh không biết tôi vẽ. Sau này bạn tôi nói lại anh ấy mới biết. Và để biết qua về cái tài vẽ của tôi, anh Giang có nhờ bạn hỏi mua của tôi hai bức tranh, lúc ấy tôi không chịu bán.
Ông Trần Phong nói:
- Cô Phi Nga tự ái lắm.
Ông Malê nói:
- Cô ấy chỉ ao ước những chuyện thật cao.
Rồi ông gật đầu nói tiếp:
- Nhưng mà rồi cô ấy đạt được, vì như tôi đã bảo với ông, Thượng đế đã thiên vị người đẹp, đến nỗi trao cả kho thiên tài cho cô ấy nắm.
Ông Trần Phong thở dài:
- Vậy mà cô khinh thường không chịu dùng kho tài năng mà Thượng đế ban cho để phục vụ nghệ thuật.
Ông Malê hỏi:
- Cô vẽ được mấy bức tranh rồi?
Ông Trần Phong nói:
- Cô ấy vẽ nhanh lắm. Có nhiều bức khá đẹp. Cô ấy mà chịu khó đến đây học độ một năm thì chắc chắn sẽ nổi tiếng.
Ông Malê nói với Phi Nga:
- Ông Trần Phong là một giáo sư dạy vẽ. Một họa sĩ vào bậc thầy, ở các nước người ta gọi là Maitre đó. Ông Giang mà về đây cũng sẽ đến học vẽ trên lụa với ông Trần Phong. Ông Giang thạo tranh sơn dầu.
Phi Nga nói:
- Tôi không hiểu có thể học lâu được không? Tôi bận nhiều việc khác.
Ông Trần Phong ngạo:
- Lại nói đến chuyện chồng con rồi.
Ông Malê đứng lên cáo từ ông Trần Phong, rồi nói với Phi Nga:
- Tôi sẽ lên Biên Hòa thăm cô.
Lúc ông Malê đi rồi, ông Trần Phong nói:
- Coi bộ ông ấy phục tài cô lắm.
- Ông ấy chỉ khuyến khích chớ không phải phục tài vì tôi chưa có gì đáng gọi là tài. Nếu tài, tôi không đến đây học với thầy. Thầy khen tôi nhiều quá khiến tôi ngượng.
Hôm ấy Phi Nga về nhà thì thấy Dũng không được vui và có vẻ mệt. Phi Nga vội vàng hỏi:
- Anh nghe trong người thế nào?
Dũng vỗ nhẹ đầu:
- Anh nghe nhức đầu.
Nhìn đồng hồ thấy gần hai giờ rồi, Phi Nga hỏi:
- Anh đi dạy được không? Hay xin nghỉ một hôm?
- Để anh đi dạy. Ở nhà cũng nằm vậy thôi.
- Nằm cho khỏe. Hôm nay vì có ông Malê đến thăm ông Trần Phong nên em về hơi trễ. Anh dùng cơm chưa?
Dũng lắc đầu:
- Anh chưa ăn gì hết vì nghe mệt.
Phi Nga vội vàng thay áo:
- Vậy để em làm sữa cho anh, chúng ta cùng ăn luôn thể. Rồi chiều nay anh đi bác sĩ.
- Anh thấy anh có đi bác sĩ rồi cũng vậy, không bớt chút nào. Ông ấy cứ cho uống thuốc bổ, mà nào anh có lên được cân nào đâu.
Chị Tâm dọn cơm xong ra mời Phi Nga:
- Ở nhà tôi có thưa để tôi nấu cháo cho thầy dùng nhưng thầy không chịu.
Dũng có vẻ giận:
- Chị không biết là tôi sợ cháo lắm hay sao? Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi đau mà mẹ tôi nấu cháo dọn lên là tôi ngồi dậy, hết bệnh.
Phi Nga hỏi chị Tâm:
- Tại sao chị không khuấy sữa cho thầy?
- Thầy bảo đợi cô về.
Khi ăn xong, chị Tâm nói riêng với Phi Nga:
- Lúc mười hai giờ rưỡi, thầy ra bến xe đón cô đón mãi không thấy cô về thầy bực mình lắm. Vì thế mà thầy nghe nhức đầu. Mọi ngày cũng đến giờ này cô mới về chứ đâu phải sớm hơn. Thầy dường như có chuyện gì lo nghĩ.
Phi Nga thở dài. Nàng nhớ lại lúc nãy có cho Dũng biết là có ông Malê đến nhà ông Trần Phong, vậy mà nàng không nghe Dũng hỏi gì về việc ấy.
Đến ba giờ, Dũng sửa soạn đi dạy. Phi Nga hỏi:
- Anh không ở nhà nghỉ à? Để em đi xin phép ông hiệu trưởng.
- Để anh đến xin phép nghỉ một tuần. Anh đi bác sĩ xin giấy xác nhận sức khỏe.
Phi Nga nhìn theo Dũng rồi chờ Dũng ra khỏi cửa, đi ngay vào phòng vẽ. Nàng dọn dẹp lại căn phòng, treo thêm những bức tranh đã vẽ xong lên vách. Nàng cũng lấy bức tranh của ông Trần Phong tặng treo ngay giữa phòng. Nàng làm việc cho đến lúc Dũng ở trường về.
Nghe tiếng Dũng ở phộng ngoài, Phi Nga đi ra, đã thấy bé Hoàng ngồi trong lòng Dũng thỏ thẻ:
- Cha bệnh phải không? Cha nằm đi Hoàng đấm lưng cho.
Phi Nga hỏi:
- Bác sĩ bảo thế nào?
- Bác sĩ cho anh nghỉ một tuần. Ông ấy bảo anh bị sốt rét. Có lẽ tại anh không hạp khí hậu ở đây.
Phi Nga ngồi xuống bên Dũng. Dũng nói:
- Anh hay nông nỗi này thì không xin đổi về đây làm gì. Bây giờ mình lỡ mua ngôi nhà này rồi.
- Anh không muốn ở đây nữa thì chúng ta bán cho người khác, xin đổi về chỗ cũ.
- Như thế cũng phiền lắm. Công việc của em đang tiến hành một cách khả quan. Ở đây, em đi Sài Gòn học được.
- Việc của em không quan hệ đâu. Anh hãy lo sức khỏe của anh trước đã. Anh không chịu được khí hậu ở đây thì cứ xin đổi về chỗ cũ, chỗ nào mà anh thích.
Dũng chán nản nói:
- Anh không biết thích chỗ nào. Chỗ nào đối với anh bây giờ cũng vậy. Được nghỉ một tuần, anh định về quê thăm cha mẹ và các em.
- Anh không được khỏe, đi làm gì?
- Anh muốn về thăm nhà, sợ rồi đây không có dịp đi nữa.
Câu nói của Dũng làm Phi Nga lo lắng. Dũng hiểu ngay sự lo lắng ấy nên nói:
- Đi để đổi không khí luôn thể. Em cứ yên lòng để anh đi ít hôm. Về phần em cứ tiếp tục đi học vẽ như thường, em nhé.
Nói đến đây, giọng của Dũng dịu hẳn lại, vẻ mặt thật hiền lành dễ mến.
- Về nhà cha mẹ, ai lo ăn uống cho anh?
Dũng cười:
- Thì anh mang sữa theo uống. Lúc này anh cũng chẳng ăn uống được bao nhiêu.
Thế là ngày hôm sau Phi Nga thu xếp đồ đạc cho Dũng về quê. Dũng nói lần này chàng sẽ ở với cha mẹ đúng năm ngày mới về.
Khi Dũng đi rồi, Phi Nga không giấu được sự lo lắng, nói với chị Tâm:
- Thầy không được khỏe mà đòi về quê thăm ông bà nội của Hoàng, tôi lo quá.
- Cô cứ để thầy đi cho vui. Nghề dạy học bộ mệt nhọc lắm hay sao mà trông thầy lúc nào cũng không được khỏe.
- Dạy học cũng mệt thật, nhưng với ai yêu nghề thì sẽ không thấy mệt.
- Cô nói phải đó, làm việc mà không thích thì dễ chán lắm.
Phi Nga vào phòng làm việc. Nàng định hoàn thành bức tranh “Ngày mùa” đã vẽ hai tuần nay. Nhưng nàng vừa ngồi vào giá vẽ thì có tiếng còi xe trước cửa. Một lát chị Tâm đi vào và nói:
- Có một người ngoại quốc đến tìm cô. Ông ấy nói được tiếng Việt.
Phi Nga nói:
- Chắc là ông Malê đó.
Phi Nga vào thay áo và ra tiếp ông Malê.
- Chào cô, tôi tìm mãi mới ra nhà cô. Cô đang vẽ à?
- Tôi định hoàn thành bức vẽ đã hai tuần nay. Ông Malê kéo ghế ngồi:
- Thế tôi có phá rầy cô không?
- Ông đến chắc có việc gì dạy bảo tôi. Xin để tôi pha trà đã, ông đi nắng cũng mệt.
- Xin cô ngồi đây nói chuyện đã. À, cô đã có người giúp việc rồi phải không? Có vậy cô mới học được chớ.
Chị Tâm đã mang ấm tách lên. Phi Nga pha trà trong khi ông Malê nói:
- Ở đây các họa sĩ sắp mở một cuộc triển lãm chung các tác phẩm đặc sắc nhất của họ. Tôi định đem bức tranh cô được giải thưởng ở Pháp đến dự cuộc triển lãm ấy. Nếu cô có những bức tranh nào khác ưng ý thì cũng nên gởi dự luôn thể.
Phi Nga do dự một chút rồi nói:
- Họ là những họa sĩ đã có tên tuổi. Tôi chưa được ai biết đến, triển lãm tranh chung liệu họ có bằng lòng không?
- Đây là một nhóm họa sĩ tự do. Ai có tranh cũng có thể dự được.
- Gởi tranh đến dự lúc này hơi sớm. Vả lại tôi mới học được mấy tháng, chưa tiến bộ nhiều.
Uống xong chén trà, ông Malê đứng lên:
- Cô cho tôi xem qua những bức tranh của cô.
Phi Nga đưa ông Malê vào phòng vẽ cho ông xem từng bức tranh, ông Malê nói:
- Cô tiến bộ nhiều lắm. Tôi thấy có nhiều bức đem ra triển lãm được. Dù sao thì đây cũng là một dịp đua tài, không nên do dự, mạnh dạn một chút.
Khi thấy bức tranh của ông Trần Phong, ông Malê nói:
- Ông ấy mến cô lắm nên mới tặng cô bức này. Tôi hỏi mua mấy lần mà ông ấy không bán, bảo đó là một kỷ niệm.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Một kỷ niệm à?
- Ông Trần Phong bảo ông vẽ bức tranh này lúc mẹ ông mới mất được mấy hôm.
Phi Nga không giấu được sự cảm động khi nghe ông Malê nói. Nàng không ngờ ông Trần Phong lại tử tế với nàng đến thế.
- Tôi khen bức tranh này đẹp. Mà đúng thế. Mỗi khi có chuyện bực mình, ngắm bức tranh này, tôi thấy người như nhẹ ra.
- Có những bức họa mà khi mình nhìn đến, nếu có bệnh sẽ khỏe hơn, nếu có chuyện đau khổ, chuyện đau khổ nhẹ bớt. Tôi có đọc một bài hồi ký của một nhà văn Mỹ. Ông này sau một chuyến di chuyển nhọc nhằn, được đưa vào một khách sạn ở Tokyo. Lúc ấy ông vừa đói, vừa mệt, vừa cảm thấy xa nhà, lạ chỗ. Vậy mà sự trang trí của căn phòng khách sạn khiến ông nghe nhẹ người. Chỉ cần vài bức tranh đơn sơ nhưng tuyệt bút treo trên vách của một họa sĩ Nhật đã làm người du khách mệt mỏi quên tất cả để sống với những cảm giác mới mẻ, đẹp đẽ. Khi trở về nước ông ta đã viết: “Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm êm đềm của chuyến viếng thăm nước Phù Tang”. Cô thấy đó, hội họa có một sức quyến rũ khá quan trọng và cũng như âm nhạc, nó làm cho tâm hồn con người êm dịu lại.
Khi đọc đến câu đề tặng của ông Trần Phong, ông Malê cười:
- Lời đề tặng hay lắm đấy!
Rồi ông xem lại các bức tranh một lần nữa, chọn lấy hai bức “Chợ chiều” và “Hoàng hôn ở thôn quê”:
- Cô cho tôi mượn hai bức tranh này. Tôi lấy ngay bây giờ. Cô hãy yên lòng về việc triển lãm này, cứ để tôi lo cho. Tôi quen gần hết các họa sĩ nổi tiếng ở đây.
Thấy Phi Nga có vẻ do dự, ông Malê nói:
- Cô không nên do dự. Mạnh dạn mà bước vào con đường danh dự, cô sẽ thành công. Hãy tin tôi.
Ông Malê ôm hai bức tranh đi ra ngoài, vẫn còn có vẻ luyến tiếc:
- Còn mấy bức tranh có thể mang đi triển lãm được.
Phi Nga mỉm cười:
- Mở màn để tôi bước ra trình diễn trên sân khấu đời.
Ông Malê sửa lại:
- Trình diễn trên sân khấu nghệ thuật. Tôi tin chắc sau cuộc triển lãm này, người ta sẽ chú ý đến cô. Cô không thấy các báo bên Pháp đã nói về cô hay sao? Mấy lần tôi viết thư xin cô một tấm ảnh, cô không chịu cho, nếu không thì ảnh của cô đã được đăng trên các báo rồi.
- Chưa phải lúc, ông ạ. Bao giờ tôi vẽ được nhiều đã. Tôi chưa tin mình bằng những họa sĩ khác. Thật ra tôi cũng chưa thấy những họa phẩm của ông Giang. Tôi không biết ông ấy vẽ như thế nào.
- Thế cô thấy ông Trần Phong hơn cô ở chỗ nào?
Phi Nga liền kể ông Malê nghe chuyện nàng đã chê một bức tranh của ông Trần Phong làm ông này tức giận như thế nào. Ông Malê cười:
- Ông Trần Phong không thích ai chê ông ta. Vì ông ta tự hào mình là bực thầy rồi. Cô khen ông ấy thì không sao, chớ cô chê thì liệu hồn.
Nhưng ông Malê vội vàng nói tiếp:
- Cũng may cô là phái đẹp. Người ta bao giờ cũng nể người khác phái. Với người đẹp không ai nỡ làm dữ.
- Lúc đầu ông ấy giận lắm, nhưng rồi ông đã nhận là ông vẽ sai. Theo lời các bạn cùng học trong lớp kể lại thì ông Trần Phong đã xé bức tranh đang vẽ lỡ dở sau khi bị tôi chê. Tuy vậy, ông Trần Phong là người hết lòng phụng sự cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Đôi khi ông xem tôi như người bạn cùng phái, không còn nhớ tôi là học trò của ông hay tôi là một phụ nữ. Có hôm say sưa sáng tác, ông ấy không còn biết có tôi ở đó... Tôi chỉ phân vân có mỗi một chuyện này.
- Chuyện gì?
- Ông Trần Phong không chịu nhận học phí của tôi, ông ấy bảo dạy không cho tôi, nếu phải dạy hết những gì ông biết về nghệ thuật hội họa, ông cũng không tiếc. Ông chỉ tôi cách pha màu, cách tô và những bí quyết để vẽ tranh lụa. Ông tiết lộ là ông chưa dạy ai những bí quyết ấy và chỉ dạy cho tôi. Nếu ông chưa kịp dạy đến mà gặp tai nạn thì ông cũng đã viết sẵn trên một tờ di chúc để lại cho tôi.
Ông Malê nghe thế hết sức ngạc nhiên:
- Ông Trần Phong bảo như thế à?
Phi Nga gật đầu. Ông Malê nhìn Phi Nga một lúc lâu, bỗng thở dài quay lưng lại, giả vờ nhìn một bức tranh.
Phi Nga chỉ bức tranh gia đình và hỏi ông Malê:
- Ông nghĩ thế nào về bức tranh này?
- Đẹp lắm, nhưng là tranh gia đình của cô, triển lãm chắc không được.
- Nhà tôi không thích bức tranh này.
Ông Malê cười lớn:
- Ông ấy đâu phải là một họa sĩ mà bảo thích tranh.
Phi Nga vội vàng giải thích:
- Nhà tôi không thích cách tôi trình bày bức tranh.
- Trình bày? À, tôi hiểu rồi. Tại cô không ngoảnh mặt về phía ông ấy? Một người như cô không ngoảnh mặt nhìn ai hết. Cô đang sống với nội tâm của cô, hơn nữa lúc vẽ, cô đáu có nghĩ đến chồng con mà chỉ nghĩ đến đề tài của mình. Chồng cô không thể hiểu cô được. Nhưng chịu cho cô đi học vẽ là ông ấy cũng đã nhượng bộ phần nào rồi.
Ông Malê ôm những tấm tranh ra xe rồi cáo từ ra về:
- Hôm nào khai mạc triển lãm tôi sẽ cho xe lên rước cô.
Phi Nga quay vào, chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ như hôm ấy. Nàng đi ngay vào phòng vẽ và tiếp tục làm việc.
Tuần sau, khi Phi Nga đến lớp vẽ của ông Trần Phong thì ông này hỏi:
- Ông Malê mang hai bức vẽ của cô đi dự triển lãm phải không?
- Tôi bảo để hỏi ý kiến thầy nhưng ông ấy nhất định gỡ xuống và mang đi.
- Ông ấy sợ bị từ chối. Nhưng không sao, thế nào cô cũng được vài giải thưởng...
Phi Nga cười:
- Có hai bức tranh mà được vài giải thưởng?
- Ông ấy đến đầy lấy thêm hai bức tranh của cô để đây nữa...
- Sao thầy lại để ông ấy mang đi?
Ông Trần Phong cười:
- Tôi có quyền gởi tranh của học trò tôi dự thi mà! Cô không cho phép à?
Rồi ông hỏi tiếp:
- Nếu không được giải thưởng thì cô có thất vọng không? Nếu các báo chê ầm lên, hay các họa sĩ trong ban giám khảo phê bình còn kém thì cô thấy thế nào? Có vì thế mà cô chán nản không muốn vẽ nữa không?
- Không bao giờ. Con người của tôi chưa biết chán nản lần nào. Một khi tôi thích cái gì thì khó ai làm tôi bỏ sự ham thích ấy. Tôi đã thích vẽ, thì nhất định suốt đời phải vẽ.
Ông Trần Phong cười lớn:
- Tốt lắm! Đừng vì sự thất bại này mà bỏ cả ý nguyện lớn. Tôi chỉ nói đề phòng như thế, chớ chắc gì cô đã thất bại.
- Nếu lần này mà tôi thất bại trong việc gởi tranh dự thi, thì sự thất bại này là của thầy, của ông Malê chớ không phải của tôi.
- Sự thất bại của tụi tôi?
- Vì các ông quá tin tưởng vào tôi nên mới gặt lấy sự thất bại ấy...
Ông Trần Phong gật đầu:
- Cô nghĩ trước như vậy để sau này khỏi phải buồn, cũng hay lắm đó.
Phi Nga liền hỏi:
- Thầy có gửi tranh của bà Châu đi dự thi không?
- Không... Làm gì mà trúng thưởng. Tôi định gởi vài bức tranh của tôi.
Phi Nga nhún vai:
- Thầy nói đùa.
- Tôi không nói đùa. Nhưng các họa sĩ không cho phép tôi dự thi, sợ tôi chiếm hết các giải thưởng. Sự thật họ quá lo xa. Hậu sanh khả úy, trò hơn thầy là chuyện rất thường và con hơn cha là nhà có phúc. Thôi, chúng ta làm việc vậy.
Phi Nga ngồi vào giá vẽ thì ông Trần Phong như nhớ ra điều gì, hỏi:
- Ông Malê thấy tấm tranh tôi tặng cô phải không?
- Trước đây ông ta đòi mua mà tôi không bán.
Phi Nga nhìn ông Trần Phong vì nhớ đến lời nói của ông Malê, bức họa ấy ông Trần Phong vẽ sau ngày mẹ ông ấy mất, đó là một kỷ niệm. Đôi mắt nàng gặp ngay đôi mắt sáng ngời của ông Trần Phong, nét mặt ông như tươi trẻ hẳn ra:
- Tôi vẽ sau khi mẹ tôi mất được một tuần. Lúc ấy tâm hồn tôi xao xuyến vì quá thương tiếc mẹ tôi.
- Nhưng bức vẽ ấy lại có được cái nhiệm mầu làm dịu tâm hồn đang đau khổ. Chính bức tranh này đã khuyến khích tôi nhiều lắm. Tôi thành thật cảm ơn thầy.
Ông Trần Phong quay lưng vào nhà trong chốc lát rồi đi trở ra, cầm một khung ảnh nhỏ đưa cho Phi Nga:
- Đây là ảnh của thân mẫu tôi. Thân mẫu tôi mất cách đây ba năm, thọ bảy mươi hai tuổi. Mẹ tôi hiền lắm, nhưng cũng như tất cả những người mẹ khác, mẹ tôi không thích tôi làm một nghệ sĩ. Mẹ thường nói với tôi: Mẹ muốn cho con học trường y, sau này khi mẹ già yếu, con chữa cho mẹ. Tôi đã không làm toại nguyện mẹ tôi. Tôi nhất định học vẽ. Nhưng đến khi tôi nổi tên tuổi thì mẹ tôi rất hãnh diện có được một đứa con làm họa sĩ. Lúc còn sinh thời, mẹ tôi rất thích những bức tranh lụa. Vì thế khi mẹ tôi mất, mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, là tôi lại vẽ tranh lụa.. Tôi sẽ nhờ cô một việc.
Phi Nga vội vàng hỏi:
- Thưa thầy việc gì?
Ông Trần Phong do dự một lúc rồi mới nói:
- Đợi khi nào triển lãm xong đã. Nói bây giờ hơi sớm.
- Ai lo việc triển lãm ở đâu chớ tôi có bận gì đâu. Thầy có việc gì thì cứ dạy.
Ông Trần Phong nghiêm nghị:
- Tôi muốn nhờ cô họa ảnh mẹ tôi cho lớn hơn. Để làm kỷ niệm luôn thể. Cô là đàn bà, nét bút thế nào cũng dịu dàng, vì thế thích hợp với việc vẽ chân dung phụ nữ. Nhất là mẹ tôi có nét mặt hiền lành quá.
Phi Nga cảm động thấy ông Trần Phong nhờ nàng việc ấy, nên nói:
- Thầy tin tôi vẽ được và muốn giao tôi việc ấy thì tôi xin nhận lãnh, tôi chỉ sợ phụ lòng tin cậy của thầy mà thôi.
Vừa nói Phi Nga vừa cầm khuôn ảnh của thân mẫu ông Trần Phong, nhìn kỹ một lúc lâu. Ông Trần Phong nhìn Phi Nga chăm chú với đôi mắt đã dịu hẳn lại:
- Tôi thấy cô có một nét gì rất giống mẹ tôi. Có lẽ đó là sự hiền thục của người phụ nữ.
Phi Nga để khuôn ảnh lại trên bàn:
- Tôi vẽ xong bức tranh này sẽ vẽ bức ảnh của cụ bà.
Ông Trần Phong nhắc lại:
- Đợi có kết quả cuộc thi tranh này đã.
- Tại sao vậy?
Ông Trần Phong mỉm cười:
- Cô thông minh mà không hiểu nổi ý tôi sao?
Phi Nga suy nghĩ một chút rồi nói:
- Tôi hiểu rồi. Thầy chờ có kết quả, nếu tôi được giải thưởng, lúc ấy tôi là một họa sĩ có tên tuổi ký tên dưới bức ảnh của bà, bức ảnh ấy có thêm giá trị.
- Cô hiểu rồi đó. Thật sự dù không có cuộc thi này, tôi đã thừa nhận cô là người có tài. Tôi muốn làm thêm vinh dự cho mẹ tôi.
Phi Nga không bằng lòng:
- Giá trị của một bức họa là ở nét vẽ, không phải ở tên người vẽ.
Ông Trần Phong gật đầu:
- Đúng vậy.
Phi Nga cắm cúi làm việc, không còn nghe ông Trần Phong nói gì nữa. Ông cứ ngồi gần đó và nhìn Phi Nga làm việc suốt mấy giờ như vậy.
Khi Phi Nga ngẩng đầu lên, ông Trần Phong nói:
- Lạ thật, khi cô làm việc hăng say, trông cô trẻ làm sao ấy.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Nãy giờ thầy vẫn ngồi đây sao?
- Cô không hay biết là tôi nhìn cô vẽ à?
Phi Nga đứng lên, sửa soạn ra về, không nói năng gì...