Kết truyện

     hôn cất Dũng xong, ông Minh khuyên Phi Nga đưa hai con về sống với ông bà, nhưng Phi Nga không chịu đi. Thấy Phi Nga buồn rầu quá, bà Minh bịn rịn không nỡ ra về. Ông Minh liền nói:
- Đang lúc ngày mùa, cha mẹ phải về trông nom việc đồng áng. Cha mẹ để Phi Yến ở lại đây cho con đỡ buồn. Cha mẹ cũng đã dặn Phi Anh mỗi chủ nhật sẽ lên đây với con.
Cha mẹ Dũng chỉ đến dự đám tang rồi về ngay.
Suốt ngày Phi Nga nằm trong phòng, không khóc mà cũng không nói năng gì cả.
Hôm cử hành đám tang Dũng, ông Malê, ông Trân Phong và các môn đệ đều có đi đưa và chia buồn với Phi Nga. Riêng bà Châu ở lại bên Phi Nga mấy hôm mới về. Những ngày ấy, Phi Nga không còn biết ai là ai, ngồi đâu cứ như kẻ mất hồn. Ông Trần Phong thấy thế đã nói với Dục Tú:
- Coi bộ Phi Nga không còn nghĩ đến chuyện vẽ vời gì nữa.
Ông Malê thì không nghĩ như thế. Ông nói:
- Hãy để yên cô ấy với sự tang tóc. Không lâu đâu. Một năm là nhiều. Rồi cô ấy sẽ bắt đầu làm việc lại.
Nhiều đêm Phi Nga ngồi sững sờ không sao ngủ được. Tâm trí nàng để tận đâu đâu. Nàng cũng không thiết gì đến con cái. Nhiều lần Hoàng chạy đến đứng bên nàng, nàng cũng không hay biết. Phi Nga có cảm giác tất cả đều sụp đổ và nàng không muốn xây dựng lại, để mặc cho sự chán nản xâm chiếm người nàng.
Phi Yến không biết phải khuyên chị như thế nào. Hai chị em thường ngồi bên nhau, không ai nói với ai lời nào. Chị Tâm cũng thế, chị thương cho cảnh Phi Nga, mỗi khi thấy Phi Nga ngồi khựng trước mâm cơm mà chị đã nấu nướng hết sức kỹ lưỡng, ngon lành, chị chỉ biết nói:
- Cô ráng ăn vài chén.
Phi Yến đợi chị Tâm nói, mới dám nói tiếp:
- Chị bỏ ăn, ai lo cho mấy cháu?
Trước đây, Phi Yến và Phi Anh thường công kích cuộc hôn nhân giữa chị và Dũng. Bây giờ Dũng chết, Phi Yến cũng như Phi Anh không dám đá động đến chuyện ấy nữa vì thấy chị thất vọng quá sức, chứng tỏ chị đã yêu thương một cách chân thành, không phải như hai cô thường bảo là Phi Nga đã vội vàng trong sự lựa chọn.
Phi Nga khổ nhất là những giờ tan học. Những lúc ấy nàng không thể không nhớ đến Dũng, đến sự chờ đợi, đến những công việc nhỏ nhặt mà nàng đã dành cho Dũng, như lấy sẵn áo quần cho Dũng thay, để sẵn chiếc ghế bố chờ Dũng về nằm nghỉ lưng, bảo chị Tâm đổ nước ở nhà tắm, hâm nóng các thức ăn, bày bàn... vắng Dũng, Phi Nga không biết dùng thì giờ vào việc gì, không biết sống cho ai. Cái trung tâm của sự sống của nàng không còn nữa. Nàng dường như chơ vơ, như mất phương hướng. Không làm vợ thì làm mẹ, ai cũng nghĩ như thế, nhưng Phi Nga vẫn không thể tìm thấy ở hai con một niềm an ủi.
Nhiều lúc ôm bé Hồng trong lòng mà Phi Nga quên rằng mình đang bồng con. Có lúc Hoàng đến quàng đôi tay nhỏ bé qua đôi vai của mẹ mà Phi Nga cũng không hay biết. Những lúc ấy Hoàng hỏi:
- Mẹ buồn vì ba không còn nữa phải không?
Phi Nga giật mình ôm lấy nó. Phi Nga biết thằng bé nhớ Dũng lắm. Suốt ngày nó chạy nhảy ngoài vườn là để nhớ đến Dũng. Thường ngày, Dũng hay thích ngồi nhìn Hoàng chạy nhảy, vui đùa.
Những hôm chủ nhật có Phi Anh lên thăm và ở chơi, Phi Nga cũng không chuyện trò gì với em hết. Nhưng Phi Anh không phải như Phi Yến chỉ ngồi yên kính nể sự buồn rầu của chị. Nàng tìm đủ cách để cho Phi Nga phải chuyện trò:
- Cậu Paul, em tinh thần của chị, buồn cười lắm. Cậu ấy cứ đeo đuổi, tán tỉnh em mãi.
Nghe nói đến Paul, Phi Nga nhìn Phi Anh mà không nói gì.
- Paul rủ em đi xem hát, đi ăn uống, nhưng em không nhận lời. Nó còn trẻ con quá. - Phi Anh nói tiếp.
Phi Yến hỏi:
- Paul không về Pháp à?
- Nó bảo nó ở đây thêm vài năm nữa là vì chị đó.
Phi Yến nhún vai:
- Trẻ con thật đấy. Chị nghĩ thế nào về chuyện này hả chị Phi Nga?
Phi Nga lắc đầu không nói gì.
Phi Yến đưa mắt nhìn Phi Anh:
- Chị Phi Nga mà cứ buồn cái kiểu này thì tội nghiệp cho hai cháu thật.
Nghe nói thế, Phi Nga thở dài. Phi Anh nói:
- Vậy mà mình tưởng chị ấy thương con chớ. Mấy tuần nay, hai cháu thật đáng thương. Cháu Hoàng thì lẩn quẩn bên chị Tâm chạy nhảy ngoài vườn. Còn cháu Hồng thì nằm trong phòng, trông cho có ai hỏi đến là đưa tay đòi bê. Con bé chưa hiểu gì nhưng mặt nó lúc nào cũng buồn xo.
Nghe hai em nói thế, Phi Nga bỗng tỉnh ngộ. Bắt đâu từ hôm ấy, nàng săn sóc hai con, dùng thì giờ vào việc tắm rửa, chăm nom chúng nó. Nhưng rồi Phi Nga vẫn đau khổ ngấm ngầm, không sao nguôi được. Có hôm, Phi Nga nói với hai em:
- Chị buồn quá.
Phi Yến đánh bạo nói:
- Tại chị vội vàng quá trong việc hôn nhân.
Phi Nga cau mày nhìn em thì Phi Anh nói thêm:
- Đã có lần em bảo với chị, việc hôn nhân của chị và anh Dũng chỉ là vấn đề giai đoạn. Em nói thế mà đúng đó chị ạ. Bây giờ chị phải nghĩ cách gì để có tiền nuôi hai cháu chớ. Hay là chị gởi hai cháu về cho cha mẹ nuôi?
Phi Nga chưa bao giờ nghĩ đến việc này từ hôm Dũng chết. Nghe Phi Anh nói, nàng giật mình tự hỏi:
- Tại sao ta lại không nghĩ đến chuyện này? Tại sao ta chỉ thấy có sự đau buồn?
Phi Yến nói:
- Dường như chị chỉ biết đau khổ, chứ không còn biết có ai nữa. Ngay cả hai con chị, lẽ sống duy nhất của chị hiện giờ, mà chị cũng không thiết. Em không thể ở mãi đây với chị, em còn phải về để xin cha đi học. Em thấy chị cứ để cái chết của anh Dũng ám ảnh mãi như thế này thì rồi ai lo cho hai cháu, thì rồi còn gì là sự nghiệp của chị?
- Chị không thiết gì nữa cả.
- Thì chị gởi hai cháu về cho cha mẹ.
Phi Nga lắc đầu, Phi Anh nói:
- Chị phải sắp xếp lại mọi việc đi. Con người của chị đâu phải yếu đuối như thế này. Chị đâu có chịu khoanh tay chịu thua một cách dễ dàng như thế. Từ trước đến giờ, chị lo tất cả. Anh Dũng tuy là chồng nhưng chỉ đóng vai phụ. Thế mà mất anh ấy, chị làm như thuyền không lái, như ngựa không cương thì cũng lạ thật.
Phi Yến cũng nói:
- Chị can đảm lắm kia mà. Vậy mà mấy tuần nay ở gần bên chị, em thấy chị còn thua những người đàn bà tầm thường khác.
Phi Nga thở dài:
- Các em làm sao mà hiểu được chị. Anh Dũng yếu đuối như vậy nhưng sự có mặt của anh cần thiết cho chị lắm.
Phi Yến nói:
- Lúc nào thì chị cũng bảo các em không thể hiểu chị được. Tại sao hai em lại không thể hiểu chị?
Phi Anh nói:
- Em hiểu chị lắm chứ.
Và Phi Anh muốn nói tiếp:
- Chị là người đam mê, vì thế chị muốn có anh Dũng bên chị để chị có thể chế ngự con tim và những ham muốn của chị.
Nhưng Phi Anh sợ nói ra thì Phi Nga buồn, nên nói:
- Ông chủ của em sắp đi ngoại quốc, có lẽ em phải đi theo ông ấy.
Phi Yến hỏi:
- Ông ấy chịu tốn kém cho chị đi theo sao?
- Ông ấy năn nỉ hết sức chị mới bằng lòng đi theo đó chớ. Em tưởng chị xin đi theo sao?
Phi Nga nhìn em. Từ hôm Dũng chết, đây là lần đầu tiên nàng góp ý kiến vào câu chuyện của hai em:
- Đi như thế nguy hiểm lắm. Ông chủ của em là người như thế nào?
Phi Anh cười:
- Chị bao giờ cũng nghĩ như thế. Ông chủ của em lớn tuổi lắm rồi, hơn em trên hai mươi tuổi, hai lần lập gia đình, hai lần ly dị vợ. Bây giờ ông ta sống độc thân.
- Vậy mà em dám đi ngoại quốc với ông ấy?
- Đâu có sao! Chị sợ em bị ông ấy lợi dụng? Em không lợi dụng ông ấy thì thôi, chớ ông ấy làm sao lợi dụng em được?
Phi Nga nhìn em với đôi mắt đượm buồn nhưng chứa chan tình thương:
- Chị không muốn em lợi dụng người ta cũng như cầu mong sao cho người ta đừng lợi dụng em. Em đã thưa việc này cho cha mẹ biết chưa? Theo chị thì em nên xin phép cha mẹ.
Phi Anh nhún vai:
- Chị lúc nào cũng vậy, đầy đủ bổn phận, khép mình trong khuôn khổ. Nhưng rồi chị có được hạnh phúc không?
Phi Nga thở dài:
- Chị van các em, hãy để yên cho chị.
Nhưng lúc không có Phi Anh ở đó, Phi Nga đã nói với Phi Yến:
- Chị không muốn em giống Phi Anh.
Phi Yến cười và nói:
- Không phải chị không muốn hay muốn là được. Vả lại, em không thích lối sống của chị Phi Anh. Tuy vậy em cũng đồng ý với chị Phi Anh là trước khi bằng lòng ghép cuộc đời của mình vào cuộc đời một người đàn ông nào thì ít ra mình cũng phải quen và hiểu nhiều người để còn lựa chọn. Chị chỉ quen một mình anh Dũng, chị nhận lời anh ấy mà không có một người thứ hai để lựa chọn.
- Chị hiểu anh Dũng nhiều lắm. Chị không lầm lẫn trên sự lựa chọn đâu.
- Em không muốn cãi với chị về việc này vì anh Dũng không còn nữa. Cho rằng chị không lầm lẫn thì Thượng đế cũng đã nhận thấy để cho chị sống với anh Dũng là một sự lầm lẫn đáng tiếc.
Phi Yến ở với chị được một tháng, xin về để đi học, còn Phi Anh thì vì đi ngoại quốc không lên thăm chị được. Phi Nga sống với con trong ngôi nhà đầy kỷ niệm của Dũng một cách buồn bã và đau khổ. Chị Tâm cố khuyên lơn nhưng Phi Nga vẫn bỏ ăn, bỏ ngủ.
Nhiều đêm đang ngủ, chị Tâm thức dậy vì nghe có tiếng động bên phòng Phi Nga. Chị nhè nhẹ bước qua thì thấy Phi Nga đi trong phòng, cũng có khi nàng đứng tựa cửa sổ nhìn ra đêm tối. Những lúc ấy nàng nhớ đến Dũng lúc buồn lo, sợ mất nàng. Bây giờ thì chính nàng mất Dũng.
Thế rồi một hôm không ngủ được, Phi Nga bước qua phòng vẽ vì đã nhớ đến lời trách móc của Dũng:
- Sao em lại vẽ em ngoảnh mặt đi nơi khác, không nhìn anh hay con?
Để làm vui lòng người chết, Phi Nga ngồi lại giá vẽ, định vẽ lại bức tranh khác. Lúc ấy là hai giờ đêm. Phi Nga vẽ cho đến khi trời sáng trắng mà nàng không hay biết. Khi xem lại những hình ảnh đang phác họa, nàng có cái cảm giác như nàng nhìn về phía Dũng là nhìn về một dĩ vãng xa xăm. Vì thế nàng xóa bỏ tất cả, hẹn đêm sẽ vẽ lại.
- Cô thức suốt đêm để vẽ à?
Chị Tâm hỏi như thế, nhưng rồi chị nghĩ:
- Thà cô ấy có công việc làm để khuây khỏa còn hơn. Cô ấy làm việc gì là làm say mê, thì say mê với công việc còn hơn là say mê với nỗi buồn tang tóc.
Nhưng cả một tuần thức đêm không ngủ, Phi Nga cũng không vẽ lại được bức tranh gia đình. Vì vẽ thế nào cũng không ổn được. Và không vừa ý, Phi Nga đành phải bỏ đề tài ấy, không nghĩ đến nữa.
Nhận thấy chỉ có những lúc ngồi trước giá vẽ là mình quên được sự cô đơn, Phi Nga liền lấy sự vẽ tranh làm phương thức chữa tâm bệnh của nàng. Phi Nga vẽ hết bức này đến bức khác và khi vẽ xong một bức tranh, nàng đứng ngắm hàng giờ, không vừa ý. Nàng so sánh những bức tranh vừa vẽ sau khi Dũng chết với bức tranh thủy mạc mà ông Trần Phong đã tặng nàng:
- Thầy Trần Phong vẽ bức tranh này sau khi thân mẫu thầy mất. Thật là một bức tranh tài tình. Thế tại sao sau cái chết của Dũng, ta lại không vẽ được bức tranh nào nói lên tâm trạng của ta lúc này là nghĩa làm sao? Hay là người đàn bà khi đứng trước một sự đau khổ quá lớn thì không còn tâm trí làm việc gì được? Hay là tình chồng vợ không cao cả, thiêng liêng bằng tình mẫu tử?
Tuy vậy, nhờ có việc làm mà ngày tháng trôi qua một cách bình thản. Tiền Phi Nga dành dụm nhờ những giải thưởng, mấy tháng nay nàng đem ra tiêu xài lần hồi. Khi nghe chị Tâm nhắc là đã hết tiền chợ, Phi Nga tính lại và ngạc nhiên thấy từ khi Dũng chết đến nay đã được sáu tháng.
- Thầy mất được sáu tháng rồi sao chị Tâm? Hết tiền rồi lấy gì mà xài?
- Cô còn thiếu gì tranh. Nếu cô bán thì xài đến bao giờ cho hết.
Phi Nga thở dài không nói thì chị Tâm hỏi:
- Lâu quá cô không đi Sài Gòn? Để thăm thầy của cô và những người bạn.
Phi Nga lắc đầu:
- Tôi không thích đi đâu nữa cả, không muốn gặp ai nữa cả. Chị Tâm à, tôi rất ân hận. Có phải tại tôi đi học vẽ mà thầy buồn và lâm bệnh không chị Tâm? Và tại tôi nghĩ đến sự nghiệp mà thầy chết không?
Chị Tâm được cơ hội liền nói đến số mạng, ai có số chết yểu thì sẽ chết, dù có thần y cũng không cứu nổi.
- Cô đừng nghĩ quẩn vậy. Cô lo cho thầy như vậy là quá đầy đủ bổn phận. Cô không việc gì phải ăn năn. Bây giờ cô nên nghĩ làm sao cho có tiền để nuôi hai em ăn học thành tài. Cô nên vẽ tranh và sống với nghề này, nếu không muốn nhờ vào ông bà và chôn vùi tài năng của cô. Cô nên thương hai em. Mấy lúc nay hai em khổ nhiều rồi.
Phi Nga cúi đầu suy nghĩ thì chị Tâm xô bé Hoàng và bé Hồng lại bên Phi Nga. Nàng ôm bé Hồng vào lòng và đặt tay lên đầu Hoàng, vuốt tóc nó. Bé Hoàng chụp lấy tay của mẹ đưa lên môi hôn và nói:
- Mẹ đừng buồn nữa nghe mẹ. Mẹ thương các con nghe mẹ.
Phi Nga hôn hai con:
- Mẹ thương hai con lắm. Từ nay mẹ sẽ sống cho các con.
Từ hôm ấy, Phi Nga vẽ suốt ngày, hết bức tranh này đến bức tranh khác. Chị Tâm đã bán những món nữ trang của chị để lấy tiền đi chợ, không cho Phi Nga biết. Một hôm gặp bà Châu đến thăm, chị nói cho bà nghe là Phi Nga đã bắt đầu làm việc say mê lại, đến nỗi quên rằng nhà hết tiền, hết gạo. Bà Châu đem việc này nói lại cho ông Trần Phong nghe thì ông mừng lắm:
- Dũng chết được bao lâu rồi Ngọc Diệp nhỉ?
- Gần bảy tháng rồi.
- Hãy đợi đúng một năm đã nhé.
- Để làm gì? Thầy muốn nói gì?
- Khoan đến gặp Phi Nga đã, cứ để Phi Nga tìm nguồn vui trong sự làm việc đã. Nếu Ngọc Diệp giỏi thì cứ kiếm tiền đưa chị Tâm lo cho mẹ con Phi Nga khỏi thiếu thốn, được ăn uống đầy đủ.
Bà Châu nói:
- Việc ấy dễ lắm, tôi sẽ đến nhà cha mẹ Phi Nga, thuyết phục ông bà giúp Phi Nga.
Một năm đã trôi qua. Phi Nga quên cả ngày tháng. Chị Tâm nhắc:
- Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày giỗ đầu của thầy.
Phi Nga giật mình:
- Vậy sao? Chết chưa!
Rồi Phi Nga đi lại đếm số tranh đã vẽ được:
- Một năm đã trôi qua. Thảo nào tôi vẽ được nhiều tranh quá.
- Cô mới vẽ sáu tháng sau này.
Bỗng Phi Nga như nhớ ra, giật mình hỏi:
- Chị Tâm, mấy lúc nay chị lấy tiền ở đâu mà lo việc cơm nước, chợ búa?
Chị Tâm nhìn Phi Nga cười:
- Tôi bán những món nữ trang.
- Của chị? Trời ơi! Chị tốt quá! Thế tôi đã thiếu của chị tất cả là bao nhiêu?
- Không bao nhiêu, mà cô cứ yên trí đi, cô sắp giàu đến nơi rồi.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Tại sao chị biết tôi giàu đến nơi rồi?
Chị Tâm cười:
- Với mấy chục bức tranh cô đã vẽ xong đó, thế nào rồi đây cũng có người hỏi mua. Và nếu ông Trần Phong về đây thăm cô, ông ấy sẽ mang đi triển lãm.
Phi Nga cúi đầu suy nghĩ. Hơn một năm đã trôi qua, từ ngày nàng đi Sài Gòn dự cuộc triển lãm tranh và được giải thưởng. Hôm nay nàng mới có dịp nghĩ đến cái ngày vinh dự ấy. Cái chết của Dũng đã làm nàng quên tất cả, quên luôn cái ngày đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời mình.
Chị Tâm hỏi:
- Không biết đến ngày giáp năm của thầy, có ai đến đây không cô nhỉ?
Phi Nga nói giọng buồn bã:
- Chắc là không có ai. Ai mà nhớ đến chuyện của mình?
Đến ngày hôm ấy, Phi Nga ngạc nhiên thấy chị Tâm đi chợ mua thật nhiều thức ăn, rồi nhờ mấy người hàng xóm sang giúp nấu nướng. Và đúng mười hai giờ trưa, ngoài cổng chợt vang lên tiếng còi xe. Phi Nga nhìn ra thấy bà Châu, bà Quỳnh đi vào. Và sau đó lại có một chiếc xe khác, chở ông Trần Phong và các môn đệ. Ngày giỗ của Dũng lại hóa thành một ngày họp mặt đông đủ của các người bạn thật tâm muốn đưa Phi Nga lên đài danh dự.
Bà Quỳnh nói:
- Nhà tôi và thằng Paul đi Pháp rồi. Trước khi đi nhà tôi dặn tôi phải âm thầm đến giúp cô cho đến ngày cô chịu quên nỗi buồn để làm việc lại.
Ông Trần Phong thì nói:
- Cô biết mấy lúc nay Ngọc Diệp đi chạy tiền để cho chị Tâm lo cho cô không?
Phi Nga đã hiểu, cúi đầu thầm cám ơn lòng tốt của mọi người.
Dục Tú nói:
- Mấy lúc nay em nhớ chị quá nhưng thầy cấm không cho em và mấy anh Lê Thanh, Hà Nam và Vũ Minh đi thăm chị. Thầy đoan chắc thế nào đến ngày này chị cũng qua khỏi cơn sốt yêu thương để đem hết tâm trí phục vụ cho nghệ thuật.
Sau khi ăn uống vui vẻ, Phi Nga đưa ông Trần Phong và mọi người đi xem những bức tranh nàng đã vẽ được. Ông Trần Phong xiết đỗi vui mừng khi thấy Phi Nga vẽ rất tiến bộ nên đề nghị sẽ đem tranh Phi Nga triển lãm riêng trong ngày đầu xuân.
Phi Nga đã chấp thuận. Ông Trần Phong hỏi:
- Họa sĩ Giang đến thăm Phi Nga chưa? Sau cuộc triển lãm này, tên tuổi Phi Nga sẽ nổi như cồn và Phi Nga có còn nghĩ đến chuyện học vẽ tranh với thầy không?
- Ngày mai, con sẽ bắt đầu đi học vẽ lại với thầy. Lần này thì học mỗi tuần ba ngày. Họa sĩ Giang đã về nước rồi sao thầy?
Ông Trần Phong nhìn Phi Nga với đôi mắt chứa chan cảm tình:
- Họa sĩ Giang đã về đây rồi, nhưng bây giờ tôi tin Phi Nga sẽ không bận tâm về bất cứ chuyện gì ngoài sự nghiệp. Phi Nga nên nhớ ái tình và sự nghiệp là những con đường một chiều. Từ nay, ai làm cho cô rời bỏ con đường sự nghiệp, người ấy sẽ có tội với đất trời và nhân loại. Cô hiểu ý tôi không? Nghĩa là không ai có quyền làm cho cô yêu họ hơn hội họa, cô biết chưa?
Hạ thấp giọng, ông Trần Phong tiếp:
- Tôi đã nói với họa sĩ Giang như vậy. Tôi biết họa sĩ Giang yêu cô lắm. Cũng như tôi, ngoài sự mến phục tài cô, nhiều khi tôi cũng không ngăn cấm nổi con tim tôi yêu cô. Nhưng tôi đã đặt nghệ thuật lên trên hết, không dám nói chuyện yêu thương với cô mà chỉ thành thật xem cô như một người bạn thân, một người bạn đi tìm cái đẹp cho nhân loại, phụng sự cho nghệ thuật. Chỉ thế thôi. Họa sĩ Giang rồi cũng phải nghĩ và làm như tôi. Tôi nhân danh nàng nghệ thuật, sẽ ngăn cấm cô không được yêu ai hết dù người đó có đẹp và có tài như họa sĩ Giang.
Phi Nga mỉm cười:
- Con rất cám ơn thầy. Và chỉ có cách ấy con mới không còn hối hận về cái chết của Dũng. Con sẽ chọn con đường nghệ thuật và sống cho ngành hội họa. Bên con còn có hai con để nhắc con nhớ nếu con tim con cần yêu thương thì hãy trút hết tình thương cho chúng nó...
Viết xong ngày 3-11-1972 tại Sài Gòn

HẾT

Xem Tiếp: ----