Chương 3 (tt)

     aul đến chở bức họa từ tuần trước. Bà Quỳnh cũng đã sai người đến lấy bức tranh “Người gánh lúa”, và đưa tiền đến cho Phi Nga. Bà có viết cho Phi Nga mấy dòng, bảo khi ở Sài Gòn về, bà sẽ ghé tặng quà cho nàng và cho nàng biết ý kiến của ông Malê...
Với số tiền bán tranh, Phi Nga mua một ít hàng vải, chỉ thêu, chỉ len để lúc rảnh sẽ thêu may và đan áo cho đứa con tương lai. Mỗi tối sau bữa cơm, Dũng chấm bài thì Phi Nga ngồi đan bên chàng. Khung cảnh ấy làm Dũng vui sướng nhất, tin rằng những công việc ấy sẽ làm Phi Nga quên giá vẽ. Phi Nga cũng không muốn vẽ gì nữa cả. Nàng may, thêu một cách say sưa. Những chiếc áo nhỏ, đôi vớ, chiếc nón... bé xíu tạo cho Phi Nga một niềm vui mới mẻ, niềm vui mà chỉ có ai sắp làm mẹ mới hưởng được. Phi Nga vừa may vừa nghĩ đến đứa con. Nàng muốn nó giống Dũng nhưng tánh tình thì phải giống mình, nghĩa là cương quyết và khi làm một việc gì là đeo đuổi đến cùng để gặt được thành công.
Một hôm đang may bỗng nghe có tiếng còi xe trước cửa, Phi Nga đứng lên nhìn ra cửa sổ thì thấy ông Malê và bà Quỳnh cùng đi vào.
Phi Nga ra đón hai ông bà. Ông Malê vui vẻ bắt tay Phi Nga:
- Tôi phải thân hành đến đây khen cô và cảm ơn cô về bức tranh cô vẽ thằng Paul. Tôi sợ nhắn qua nhà tôi, nhà tôi sẽ không diễn đạt hết ý.
Bà Quỳnh nói:
- Tôi mang quà cho cô đây. Trái cây và hàng vải để cô may áo quần cho cháu...
Ông Malê ngắt ngang lời vợ:
- Cô vẽ rất đúng với “hình dáng về tinh thần” của thằng Paul. Nó như thế đó. Cô tả đúng nội tâm của nó, bồng bột, tinh nghịch, nhưng lại chịu ghép mình trong kỷ luật. Còn bức tranh “Người gánh lúa”, tôi gởi về Pháp để dự một kỳ thi vẽ tranh tự do. Nếu bức tranh ấy được giải thưởng, dù chỉ là giải an ủi, thì cuộc đời của cô sẽ thay đổi ngay.
Ông Malê nói xong, đưa ra cho Phi Nga một cái gói nãy giờ vẫn cầm trên tay:
- Đây là quà tôi tặng riêng cô. Những dụng cụ về nghề vẽ. Không phải là trái cây hay hàng vải...
Vừa nói ông Malê vừa nhìn vợ cười:
- Bà ấy chỉ nghĩ đến việc ăn mặc, thường lắm. Cô không phải là hạng người ấy.
- Bà thiết thực lắm. Ông không thấy tôi đang may những chiếc áo kia sao?
Vừa nói Phi Nga vừa chỉ mớ áo quần đã cắt và chưa may xong.
Phi Nga mời hai ông bà ngồi vào phòng khách rồi đi pha trà. Bà Quỳnh lật từng cái áo, cái nón Phi Nga vừa may xong, trầm trồ:
- Chà, thêu đẹp quá...
Khi Phi Nga đặt khay nước trà trước mặt ông Malê thì ông hỏi:
- Bây giờ nhất định may thêu và lo cho đứa bé sắp ra đời à?
- Đó là công việc quan trọng nhất.
- Phải, nhưng tôi thấy không phải vì thế mà cô không còn vẽ được. Cô thử vẽ xem. Vẫn tài như thường.
- Chưa chắc. Lại nữa, tôi muốn nghỉ vẽ một lúc để đem hết tâm trí vào việc lo cho đứa con đầu lòng.
Ông Malê nói:
- Thằng Paul nhờ đến đây ngồi cho cô vẽ mà nảy ra sự ham thích vẽ. Cô thấy tấm vẽ hai con bướm của nó chưa? Nó cho màu nổi lắm. Nó chịu ngồi yên cho cô vẽ là một việc hy hữu đó.
- Tôi đưa giấy bút cho cậu Paul vẽ tôi.
- Nó vẽ cô? Tấm giấy ấy đâu rồi?
- Cậu ấy tặng tôi.
Phi Nga đi lại bàn lấy tấm giấy vẽ của Paul và nói:
- Nhà tôi bảo cậu ấy vẽ giống tôi lắm, giống những lúc tôi làm việc, say sưa với công việc.
Ông Malê nhìn qua bức vẽ:
- Khá lắm! Đã có khiếu rồi đó. Cám ơn cô đã khơi nguồn cảm hứng ở thằng bé. Tôi chẳng biết nó ham thích cái gì. Học thì lười, chơi thì hăng, chỉ thích cái mới lạ, ở mãi một chỗ không chịu, làm một việc gì chưa lâu đã chán. Thật tôi không biết dạy dỗ nó như thế nào. Nhưng bây giờ thì tôi yên lòng rồi...
Phi Nga thấy ông Malê vui vẻ thật tình thì không khỏi vui lây:
- Cậu Paul chắc có nhiều tài.
Bà Quỳnh nói:
- Nó phục cô hết sức. Hôm nay nó đòi đi thăm cô, đem tấm vẽ đôi bướm cho cô xem nhưng nhà tôi không cho nó đi.
Phi Nga hỏi:
- Ông sợ phải khen con trước mặt à?
Ông Malê ngạc nhiên:
- Ồ, cô thông minh quá!
Phi Nga cười:
- Nhưng ông lại khen tôi nhiều quá, ông không sợ tôi kiêu căng phách lối vì những lời khen tặng của ông sao?
Ông Malê nói:
- Cô đã lớn rồi, đâu phải nhỏ như nó. Cô khiêm tốn quá, phải khuyến khích cô mới được. Cô lại không chịu đeo đuổi chí nguyện của cô. Cô cứ mãi sống cho một ông chồng, mà không chịu sống cho nghệ thuật, cho đời. Thượng đế không phân biệt trai hay gái đã trao gởi ở cô cái kho thiên tài ấy thì cô phải đem nó ra mà dùng cho đời. Tại sao cô lại dẹp nó qua một bên để lo cho một người đàn ông? Công việc hầu hạ một ông chồng, ai làm không được?
Bà Quỳnh xen vào:
- Nhà tôi nói phải đó, cô ạ.
- Thế tại sao bà không đeo đuổi nghề hát của bà?
- Tại tôi không thật có biệt tài. Người ta nâng đỡ tôi vì thấy tôi có chút ít nhan sắc, còn trẻ, giá lúc ấy mà tôi trải qua vài đời chồng, hay xấu xí một chút thì ai thèm lăng xê tôi làm gì cho tốn công?
Ông Malê nói:
- Tuần tới tôi rời Sài Gòn rồi, tôi sẽ viết thư cho cô để nói về cuộc thi tranh vẽ. Hôm nay tôi đến chào cô, từ giã cô.
Rồi ông đứng lên nói với vợ:
- Thôi chúng ta về. Chúc cô khỏe mạnh và không bao giờ bỏ sự ham thích vẽ.
Bà Quỳnh đứng lên theo:
- Lần này tôi sẽ xa cô một thời gian khá lâu đó. Nay mai thằng Paul cũng đến chào cô. Mẹ con tôi lên Đà Lạt nghỉ mát trong lúc nhà tôi về Pháp.
Khi khách đi rồi, Phi Nga vội mở gói quà của ông Malê ra. Nàng vui mừng thấy những hộp màu đắt tiền, những cuộn giấy, cây cọ đủ cỡ, tất cả những dụng cụ của một họa sĩ... Phi Nga nghĩ:
- Nhưng lúc này ta chưa dùng đến.
Phi Nga gói lại cẩn thận và để nguyên cái gói lên đầu tủ. Còn giỏ trái cây và những gói vải đủ màu mà bà Quỳnh cho thì Phi Nga không buồn rờ đến. Nàng cứ đi qua đi lại trong phòng, đầu óc bấn loạn vì những lời nói vừa rồi của ông Malê.
Trong giây phút ấy Phi Nga quên tất cả, quên những chiếc áo, những xấp hàng, những cuộn chỉ mà mấy hôm nay, mỗi khi sờ đến nàng đều cảm thấy nảy nở một mối tình mới mẻ và vô cùng êm đẹp.
Nhưng rồi những cử động yếu đuối trong người nàng như nhắc nhở nàng nhớ đến cái bào thai, đến đứa con mỗi ngày mỗi lớn dần trong người nàng. Phi Nga trở lại ngồi trước giỏ may, với tay lấy chiếc áo đang đan dở ra, hai tay thoăn thoắt cử động...
Phi Nga chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ, sung sướng như hôm nay. Hôm bước lên xe hoa về nhà chồng, lòng Phi Nga cũng không thấy hân hoan rạo rực như bây giờ. Lúc còn đi học, mỗi kỳ nhà trường tổ chức những buổi lễ phát phần thưởng cuối năm, trước bao nhiêu quan khách, nhà tai mắt trong tỉnh, trước bao nhiêu giáo sư, phụ huynh học sinh, với giải thưởng danh dự, cả chục lần xướng danh, Phi Nga vẫn không có được niềm vui ngày nay. Phi Nga cố phân tích và tìm hiểu niềm vui ấy từ đâu đến, có phải do Phi Nga vừa được ông Malê khen ngợi về tài vẽ của nàng, hay do Phi Nga tìm thấy ở việc mình sắp làm mẹ với những bổn phận mới. Cũng có thể Phi Nga hãnh diện nhận thấy mình có thể xem thường chuyện nổi tiếng, chuyện được đời ca tụng tài vẽ để bằng lòng với cuộc sống tầm thường, tăm tối của một người vợ, người mẹ...
Chính Phi Nga cũng không hiểu được tâm trạng của mình lúc ấy. Nhưng điều chắc chắn là Phi Nga đã đặt hết tâm trí trở lại công việc thêu những chiếc áo bé nhỏ...
Mấy hôm nay Phi Nga thấy Dũng thay đổi hẳn, trông Dũng trẻ ra, nhất là những khi Dũng nói đến đứa con đầu lòng của chàng. Dũng nhìn từng chiếc áo Phi Nga đã may xong và hỏi có vẻ ngớ ngẩn:
- Con của chúng ta nhỏ như thế này sao?
Phi Nga cười:
- Anh làm như anh không có đứa em nào cả. Mẹ có đến mấy người con kia mà.
- Lúc ấy anh khờ dại lắm, lại nữa anh cũng không để ý đến chuyện đó. Anh không bao giờ bồng ẵm em nhỏ lúc nó mới được năm, sáu tháng. Anh chỉ đùa giỡn với nó khi nó bắt đầu biết đi.
- Chắc các em nhỏ không yêu anh?
Dũng cười:
- Yêu anh lắm.
Phi Nga không tin:
- Anh có thèm để ý đến chúng nó đâu. Anh không có vẻ gì là yêu thương trẻ con cả. Ngay bây giờ, anh cũng chả yêu thương học trò của anh.
Dũng gật đầu:
- Em nói có phần đúng.
Phi Nga phì cười:
- Vẫn không chịu bỏ câu nói “có phần đúng”! Em đã bảo, em nói là đúng...
Những lúc ấy, Dũng vui lắm và chàng đã hứa với Phi Nga là chàng sẽ yêu thương con.
- Có con thì phải yêu thương, lo lắng, dạy bảo nó, đó là bổn phận của anh, việc gì anh phải hứa. Anh lẩm cẩm thật!
Nghĩ đến nét mặt hớn hở của Dũng lúc ấy, Phi Nga không còn muốn làm gì hết ngoài các việc nội trợ, lo cho Dũng và đứa con trong tương lai. Chuyện ông Malê đến thăm chỉ là một xáo trộn nho nhỏ, không quan hệ gì. Phi Nga tự nói với mình như vậy, và để đầu óc mình không còn nghĩ vẩn vơ đến những lời khuyến khích hay khen tặng của ông Malê, thỉnh thoảng Phi Nga nói lớn:
- Lúc này chưa cần nghĩ đến việc ấy!
Nhưng thỉnh thoảng Phi Nga lại đưa mắt nhìn về cái gói để trên đầu tủ, những món quà quý giá mà ông Malê đã cho nàng.
Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, Phi Nga đem những món quà của bà Quỳnh ra, mở từng gói và nói với Dũng:
- Bà Quỳnh cho em đây, mãi tới bây giờ em mới nhớ.
Dũng thấy nào hàng vải, nào bánh kẹo, trái cây thì hỏi:
- Cho nhiều đến thế à? Bây giờ em mới soạn?
- Em thêu say sưa, có còn nhớ gì đâu. Bà ấy ra về là em lại bắt tay vào việc.
- Bà Quỳnh đến một mình à?
- Có cả ông Malê nữa. À, ông ấy tặng em cái gói lớn kia. Những dụng cụ để vẽ. Lúc này em chưa cần đến nên cất ở trên đầu tủ. Hàng vải này thì cần vì may áo quần cho con. Bánh kẹo để đãi khách. Trái cây là phần của chúng ta.
Dũng không hỏi ông Malê đã nói gì vì thấy Phi Nga không muốn đá động đến chuyện hội họa nữa. Dũng sợ nếu hỏi đến thì Phi Nga thế nào cũng nhớ đến và biết đâu nàng không nghĩ ngợi vẩn vơ như mấy lần trước...
Phi Nga vừa gọt táo vừa nói:
- Ông Malê sắp về Pháp rồi. Bà ấy thì sắp đi Đà Lạt và ở luôn trên ấy cho đến khi chồng bà ở ngoại quốc qua.
Dũng mừng rỡ:
- Thế à? Lần này là lần chót họ gặp em?
- Họ từ giã em. Nhưng rồi có lẽ sẽ trở lại nếu chúng ta còn ở đây.
Dũng lặp lại:
- Nếu chúng ta còn ở đây...
Dũng muốn hỏi “Em có muốn gặp lại họ không?”, nhưng không dám.
- Khi họ trở lại thì em đã là mẹ rồi. Lúc ấy biết em có còn thích vẽ như lúc còn con gái không? Chuyện ngày mai biết sao mà nói - Phi Nga nói.
Dũng không tin Phi Nga có thể thay đổi một cách dễ dàng như thế. Dũng biết rõ tánh Phi Nga vì chàng đã sống gần Phi Nga bảy tám năm. Suốt thời gian đi học, Phi Nga chỉ thích mỗi một màu là màu xanh da trời. Không ai có thể làm Phi Nga thay đổi ý kiến, thích màu nào khác. Tất cả những quyển tập của Phi Nga đều được bao màu xanh da trời. Và cả những bìa sách, cây viết, cây thước cũng màu xanh da trời. Phi Nga thường rnặc chiếc áo dài xanh nhạt. Nhiều bạn gái rủ Phi Nga may màu hồng, màu tím, Phi Nga đều lắc đầu:
- Nga không thích những màu ấy.
Các cô bạn muốn Phi Nga thích màu tím hay màu hồng như họ, mỗi khi họ thấy nàng mặc áo màu xanh là xúm lại chê:
- Phi Nga mặc áo màu xanh trông xấu quá, da đen xạm lại và người gầy hẳn đi.
Ai chê thế nào cũng mặc, Phi Nga vẫn không thay đổi ý muốn của mình.
Vì thế nghe Phi Nga bảo biết đâu sau này khi đã làm mẹ rồi, Phi Nga sẽ không còn thích gì ngoài sự nuôi dạy con cái, trông nom nhà cửa, chăm lo việc bếp núc, Dũng không khỏi hoài nghi. Tuy Dũng vẫn thấy có nhiều người đàn bà chịu lìa bỏ những ham thích, nghề nghiệp để quay về sống hoàn toàn cho chồng con.
Dũng nghe Mai, một cô bạn cùng dạy ở trường, kể về trường hợp của Phương, chị nàng. Phương là một cử nhân vạn vật, có chồng là kỹ sư. Gia đình của Hoàng, chồng Phương, rất giàu có lại chỉ có một mình Hoàng. Phương đã có một đứa con trai lên ba tuổi, đứa cháu đích tôn mà cả gia đình bên chồng đều yêu quý, nâng niu. Gần đây Phương được một học bổng qua Mỹ học và được theo một phái đoàn gồm những nhà bác học đi khảo cứu về các loại cây cỏ, chim cá khắp các nước trên hoàn vũ. Đó là một cuộc phiêu lưu đầy thích thú. Phương sẽ được lội khắp hang cùng ngõ hẻm, khi đi tàu thủy, khi đi máy bay, khi trèo núi băng rừng, miền tuyết đông giá lạnh cũng như vùng rừng nhiệt đới... Đây là cái mộng lúc còn là một nữ sinh Phương đã từng ôm ấp, ao ước và giờ đây dịp may ấy đã đến. Nhưng khi Phương đem tin mừng ấy về cho chồng và gia đình chồng biết thì nàng gặp trở ngại: Đứa con. Cha mẹ Hoàng cũng như Hoàng đều lấy cớ Phương không thể bỏ con ở nhà mà đi làm một chuyện mạo hiểm như thế.
Hoàng than thở:
- Em đi như thế, rủi có chuyện gì thì sao? Anh và con sẽ mất em...
Cha mẹ của Hoàng nói:
- Người đàn bà không thể có sự nghiệp nào khác ngoài bổn phận làm mẹ. Có một đúa con như vậy, con nỡ lòng nào bỏ nó mà đi? Dù có lên cung trăng để gặp Hằng Nga hay qua một nước nào đó để làm hoàng hậu...
Phương nghẹn họng. Nhà Hoàng giàu, Phương đi thì có vú, huống chi mẹ của Hoàng còn trẻ, bà có thể trông nom đứa cháu nội một thời gian. Phương đi độ ba năm thì về. Ba năm ngó vậy rồi cũng mau qua...
Nhưng rốt cuộc, Phương không đi đâu hết. Giữa chồng con và chuyến đi ấy, Phương đã chọn vế thứ nhất mà bỏ đi mộng ước của tuổi thanh xuân...
Khi Phương đến trả lời với cấp trên là mình không thể đi được, ai nấy đều tỏ ý tiếc rẻ Phương đã bỏ qua một dịp may hiếm có, một cơ hội để lập danh, tạo sự nghiệp. Các bạn của Phương đều cho Phương dại, yếu đuối, không đủ can đảm nắm lấy cơ hội.
Nhưng nhờ vậy mà gia đình Phương ấm cúng. Phương tìm thấy tình yêu và hạnh phúc giữa gia đình của chồng.
Kể xong câu chuyện, Mai kết luận:
- Thế là tan vỡ giấc mộng thanh xuân.
Dũng bỗng dưng nhớ lại chuyện Phương và tự nhủ:
- Biết đâu Phi Nga cũng sẽ như Phương. Chồng con là tất cả...
Chính Phi Nga cũng đã kể Dũng nghe chuyện cô Minh Nguyệt, giáo sư dạy việt văn của Phi Yến. Cô Nguyệt đậu tú tài văn chương và được bổ dạy Việt văn ở các lớp đệ thất, đệ lục. Dạy được ba năm thì cô Nguyệt lấy chồng và sau bốn năm đã có hai con. Vì phải đi dạy, không có thì giờ săn sóc con cái, cô thường than thở với bạn bè:
- Giao cho chị vú, con sen, mình không yên tâm chút nào. Người đàn bà theo tôi chỉ sung sướng hoàn toàn khi được ngồi nhà săn sóc con cái, đùa giỡn với chúng nó. Nhưng chúng tôi nhà nghèo không thể ngồi nhà, phải đi dạy, thật là một cái khổ.
Thế rồi cô Nguyệt lập chí, cô vừa đi dạy vừa đi học ở trường dược. Cô Nguyệt làm việc không ngừng, cô nhất định thi đậu cái bằng dược sĩ để mở một con đường tương lai sáng sủa hơn, nhất là có cơ hội sống bên con, chăm lo cho chúng nó.
Cô Nguyệt đã đạt được ý muốn, cô thi đậu cử nhân dược khoa và hợp tác với một người có vốn mở một nhà thuốc tây. Từ đó, cô không đi dạy nữa, ở nhà ẵm con và cho đó là một hạnh phúc lớn lao của đời cô.
Khi kể chuyện cô Nguyệt cho Dũng nghe, Phi Nga đã nói:
- Không hiểu khi em có con thì em có thay đổi nhiều về tư tưởng không? Bây giờ thì em cảm thấy em chưa dùng hết thì giờ. Lúc có con chắc em bận rộn nhiều.
Những câu này Phi Nga đã nói với Dũng lúc hai người mới cưới nhau...