Chương 4 (tt)

     ột hôm Dũng đi thăm vài người bạn, khi về có vẻ không vui. Phi Nga đưa bé Hoàng cho Dũng ẵm thì Dũng nói:
- Anh không được khỏe. Ẵm nó, nó nhảy mệt lắm.
- Anh đi đâu về mà anh không được khỏe?
Dũng nói cộc lốc:
- Không được khỏe nên đi một vòng cho vui, té ra không có gì vui mà còn bực mình nữa.
- Bực mình vì lẽ gì? Ai đã làm anh bực mình?
Dũng cau mày:
- Có gì mà em phải hỏi lôi thôi như vậy? Hãy để yên cho anh.
Phi Nga đặt bé Hoàng vào nôi và đi dọn cơm. Lúc ngồi vào bàn ăn, nàng vẫn giữ giọng nhẹ nhàng:
- Anh đến thăm ông Châu?
- Anh đến để đáp lễ, ông ấy đến thăm chúng ta mấy lần rồi.
- Ông ấy nói chuyện gì mà anh không được vui? Ông ấy tính lấy lại nhà à?
- Chuyện nhà cửa ông ấy nói dứt khoát rồi, em biết mà.
- Vậy thì chuyện gì? Có phải ông Châu khuyên anh cho em đi học vẽ với bà Châu không?
Dũng càu nhàu:
- Việc ấy can gì đến ông Châu? Học hay không là quyền của em. Đến anh đây còn không có quyền gì trong việc riêng của em, nữa là ông Châu.
Nghe Dũng nói thế, Phi Nga chỉ cười:
- Hôm nay anh nói năng buồn cười thật! Đã là vợ chồng thì không có chuyện quyền của người này, người kia. Làm việc gì chúng ta cũng bàn với nhau cả mà.
Ngừng một lát, Phi Nga nói bằng một giọng cứng rắn:
- Nếu anh có chuyện gì bất bình em thì cứ nói cho em biết, đừng để trong lòng... Hay có ai dèm pha, nói xấu em với anh? Nếu anh ôm lấy một mình rồi hiểu lầm em thì anh có khổ cũng ráng mà chịu.
Dũng nói, nhấn mạnh từng tiếng:
- Anh có khổ cũng ráng mà chịu... Đúng rồi, anh có bắt em phải khổ với anh đâu...
Phi Nga nghe nói thế tức lắm, nhưng chỉ nói:
- Anh không muốn nói thì thôi.
Sau bữa cơm, Dũng bỏ đi ngủ. Phi Nga dọn dẹp xong rồi dỗ cho bé Hoàng ngủ và ngồi bên giường của bé Hoàng đọc sách. Dũng thấy mình giận hờn như thế có phần vô lý mà Phi Nga cũng không tỏ gì là khó chịu, nên chờ nàng vào ngủ để làm lành. Nhưng khi nàng vào thì Dũng đã ngủ ngon từ bao giờ...
Sáng ra, Dũng vẫn còn cau có vì thái độ tự nhiên của Phi Nga. Dũng nghĩ:
- Phi Nga làm như không hề xảy ra việc gì...
Phi Nga pha cà phê sữa, lấy bánh mì nướng sắp vào dĩa và hỏi:
- Còn mệt hết? Đêm qua anh ngủ ngon quá.
Dũng bẽn lẽn:
- Em không giận anh sao?
- Việc gì mà giận? Người đàn ông thường có những lúc cau có vô lý như thế.
- Sao em biết rõ tâm lý đàn ông như vậy?
Nhận thấy đôi mắt soi mói của Dũng, Phi Nga đoán hiểu được cơn sóng gió trong lòng Dũng, liền nói:
- Ủa, sao hôm nay anh lại có cái giọng ấy? Anh thấy em quen với bao nhiêu người đàn ông? Cấm anh không được thốt những lời nói úp mở ẩn ý nghi ngờ như thế.
Phi Nga nói lớn tiếng. Dũng nhìn nàng, thấy nét mặt tức giận của nàng thì không dằn được:
- Thế em có quen với Đình không? Mấy lâu nay anh không nghe em nói về Đình, nhưng bây giờ thì anh hiểu vì lẽ gì mà em không nói đến người ấy.
- Vì lẽ gì?
Phi Nga hét lên, Dũng cũng hét lại:
- Sao lại la lớn lên như vậy?
- Anh cũng la lối om sòm thì sao? Đâu, anh muốn nói gì thì cứ nói huỵch tẹt ra đi, đừng úp mở nữa. Tôi tuy là đàn bà, nhưng không phải thứ đàn bà muốn không nói có, muốn có nói không. Anh hiểu tôi quá mà.
Dũng bỗng thấy hối hận vì sự tức giận vô lý của mình, nên vội vàng nói:
- Không có chuyện gì úp mở hết... Tại em bảo em không quen với ai là đàn ông ngoài anh, nên anh bỗng nhớ đến anh Đình.
Phi Nga không chịu thua, hỏi cho ra lẽ:
- Em quen với anh Đình thì đã sao? Trước đây, em không từng nói anh biết về việc ấy sao? Nhưng em không hề yêu anh ấy, nếu em yêu anh Đình thì ai ngăn cấm em nhận lời làm vợ anh ấy chứ? Anh còn lạ gì chuyện ấy nữa. Nói ra, anh đừng giận, anh Đình là một sinh viên gần đậu bác sĩ, nhà anh ấy lại giàu, tánh tình dễ chịu mà tướng mạo cũng khá khôi ngô, tuấn tú...
Dũng sững sờ ngồi nhìn Phi Nga, và bỗng có mặc cảm mình thua Đình về mọi phương diện... Phi Nga không để cho Dũng hiểu lầm, nên nói tiếp:
- Anh Đình lại còn ngỏ lời với em trước chớ không phải im lặng, lạnh lùng như anh. Vậy thì nếu em thích anh Đình, em đã nhận lời rồi, đàng này em trả lời ngay với anh ấy là em không thể làm một người vợ như ý của anh ấy được. Trả lời dứt khoát với anh Đình để rồi tự em phải ngỏ ý với anh về chuyện lập gia đình. Như vậy mà anh còn nghi ngờ gì nữa?
Dũng lúng túng:
- Thôi, anh xin nhận lỗi.
Phi Nga gạt ngang:
- Anh đừng nói cái giọng ấy, em không chịu được đâu. Anh đừng tưởng cứ nói bậy cho sướng cái miệng, cho đã cơn giận rồi nhận lỗi là yên chuyện. Với em không dễ dàng như vậy đâu.
Dũng cười làm lành:
- Chớ em bắt anh phải làm sao bây giờ?
- Anh phải nói cho em biết vì lẽ gì hôm nay anh lại khoác bộ mặt khó chịu ấy khi ở nhà ông Châu về. Ai đã nói với anh về chuyện gì? Nếu anh không nói rõ cho em biết thì em không bao giờ tha thứ cho anh.
- Không tha thứ thì em làm gì?
Phi Nga đắn đo một lát rồi nói:
- Em sẽ bồng bé Hoàng lên Sài Gòn học vẽ.
Dũng cười lạt:
- Tưởng em phạt anh cách gì chớ phạt cách đó thì anh càng vui.
- Có thật anh vui không?
Dũng làm thinh. Phi Nga hỏi thêm lần nữa:
- Có thật anh vui không? Hãy thành thật đi...
Dũng khó chịu:
- Em bắt buộc anh phải nói thật. Thì đây anh xin nói, em nói phải đó, không nên để có sự hiểu lầm giữa chúng ta. Em thẳng thắn như vậy thì tại sao anh lại không thẳng thắn. Nhưng nghe xong, nếu anh nghe lầm hay hiểu lầm thì em cũng đừng giận anh nữa.
Phi Nga dịu giọng:
- Anh cứ nói, em không giận đâu. Em chỉ muốn biết vì lẽ gì mà hôm nay anh lại có giọng nói ghen tương ấy. Từ trước đến giơ anh không bao giờ có kia mà.
Dũng hỏi:
- Em vẫn nuôi cái ý định đi học vẽ?
- Em có bảo là em bỏ cái ý định ấy đâu? Rồi sao nữa?
Dũng thở dài:
- Tại anh hiểu lầm... Thì ra em vẫn nuôi cái ý định học vẽ. Bây giờ anh mới hiểu. Không phải em không nghe lời khuyên của ông Malê. Em không tìm thầy học thêm vì em đang đợi một người bạn đang học ở ngoại quốc... Đâu phải tại em bận con nhỏ, đâu phải em muốn sống hoàn toàn cho con và cho anh.
Phi Nga nhìn Dũng không nháy mắt. Vẻ mặt Dũng hơi buồn, đôi môi mím lại. Đợi Dũng nói xong, Phi Nga liền nói:
- Thôi, em hiểu rồi. Có phải bà Châu đã nói với anh như thế không? Ừ, thì cứ nói rõ cho em nghe để em giảng giải cho anh hiểu có phải là hay hơn không? Bà Châu làm sao hiểu em được, với bà ấy mà em gây được cảm tình là quá nhiều rồi, còn muốn cho bà hiểu nữa, em không đủ sức. Bà ta định đi học vẽ với họa sĩ Trần Phong, nhưng ông ấy đòi nhiều tiền, lại không chịu nhận bà vì bà chưa biết vẽ, chưa có một bức tranh nào. Vì thế bà Châu mới rủ em cùng đi học với bà, em từ chối nhiều lần nhưng bà cứ đi theo thuyết mãi, em bực quá. Rồi bà còn dèm pha, bảo tại anh ngăn cản không cho em đi học vẽ, nào là anh ích kỷ chỉ muốn em lo cho anh... Không muốn bà nói mãi, em liền bảo là em có một người quen hiện đang học ở Rome, bao giờ người ấy về nước thì sẽ dạy em. Lúc đầu em nói là để bà Châu không còn phá rầy em nữa, nhưng bà ấy cứ hỏi phăng tới. Khiến em phải nhớ đến anh Giang, anh ấy hiện đang học ở Rome thật đấy. Anh biết anh Giang chớ, anh ấy là bạn anh Đình, cả hai học chung một trường từ nhỏ, và cùng đậu tú tài rồi anh Đình thi vào trường thuốc, anh Giang thi vào trường Mỹ thuật. Anh Giang được học bổng đi ngoại quốc. Em chỉ quen anh Đình, nhưng anh Giang là bạn thân của anh Đình nên nhiều lần anh Đình đưa anh Giang lại chơi. Anh Giang có vợ rồi. Trước đây em cũng đã nói anh biết là Đình có hỏi mua hai tấm tranh của em để tặng anh Giang, trước khi anh ấy đi ngoại quốc, nhưng em không chịu bán... Từ ngày nhận lời anh đến giờ, em không còn gặp lại anh Đình nữa, và không có tin tức gì về anh Giang. Em nói với bà Châu như thế đó. Em tưởng đâu anh hiểu em, không ngờ anh lại nghi ngờ một cách vô lý quá.
- Nhưng nếu anh Giang về đây thì em cũng có thể học vẽ với anh ấy, anh đâu có ngăn cản em.
Phi Nga nói, giọng vẫn còn tức giận:
- Em muốn học thì học với ai cũng được và học lúc nào cũng không sao, nhưng lúc này em chưa định học, không phải chờ anh Giang mà là chờ khi nào em có hứng thú cầm cọ trở lại. Anh còn thắc mắc gì nữa không? Hãy nói đi cho em giải thích luôn thể.
Dũng lắc đầu
- Thôi, anh hiểu rồi. Nhưng bây giờ bà Châu cũng sẽ đợi anh Giang về rồi cùng học với em luôn.
- Bà ấy muốn nói gì thì nói. Hơi đâu mà nghe... Bà ấy tưởng vẽ tranh cũng dễ dàng như làm bánh, làm mứt và làm theo một hình thức, một kiểu mẫu có sẵn, bao nhiêu bột, bao nhiêu đường, ai cũng làm như thế, không đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo. Còn vẽ tranh, tay làm việc, nhưng đầu óc là phần quan trọng để thực hiện thành bức tranh. Có màu, có dụng cụ đầy đủ, nhưng đâu phải là chép lại một bức vẽ của kẻ khác. Bà Châu thấy em chỉ cách cho bà tô màu những hàng chữ kẻ trên vải để treo trong buổi lễ phát phần thưởng, là tự hào mình biết vẽ. Em cứ để bà ta ba hoa cho vui, rồi bà in trí là bà đã trở thành một họa sĩ vì ai cũng khen bà. Hạng người như bà Châu ở xã hội này thiếu gì. Nhưng anh đã nghe ông Châu nói rồi chứ. Bà ấy đâu còn tranh hơn thua với ai đâu mà học vẽ nữa. Em sẵn lòng tránh trong bóng tối, cho bà chường mặt lên sân khấu tự khoe khoang đã mất suốt bảy ngày để trang hoàng cho buổi lễ kia mà. Giá em làm mặt bảnh không nhường bà Châu phần vinh dự ấy, thì ngày nay bà đã nhảy lên Sài Gòn học rồi, không học được với ông Trần Phong thì học với anh thợ vẽ quảng cáo hay anh chàng chuyên vẽ hình tiểu thuyết kiếm hiệp cũng không sao, miễn sao có tiếng đi học và biết sử dụng cây cọ và hộp màu là được rồi!
Đây là lần đầu tiên Dũng nghe vợ nói với cái giọng kiêu căng ngấm ngầm ấy. Dũng nghĩ:
- Hạng người có tài phần đông ít khi khiêm tốn, ngày hôm nay ta mới hiểu rõ Phi Nga. Phi Nga phách nhưng là phách ngầm. Nhưng tại sao nàng lại chịu đựng được thái độ của bà Châu? Có phải tại nàng khinh bà Châu không? Hay là nàng nể bà Châu vì ta, vì không muốn mất ngôi nhà này?
- Anh hiểu rồi, thôi em đừng phiền anh nữa.
Phi Nga biết Dũng vẫn chưa yên lòng về chuyện này, mà Dũng chưa yên lòng thì gia đình làm sao yên vui như những ngày đã qua. Phi Nga vẫn nói:
- Anh thật chưa hiểu em. Anh vừa bảo là anh đã hiểu rồi chỉ là miễn cưỡng để tránh sự cãi cọ mà thôi. Anh cứ nhìn ngôi nhà của chúng ta, cứ nhìn bé Hoàng, cứ xem xét từng cử chỉ, từng việc làm của em cũng biểu hiện giờ em đang sống cho ai, em có luyến tiếc chuyện vẽ tranh, có đặt nặng vấn đề đi học vẽ để trở thành một họa sĩ không? Anh không cần nghe lời ai hết, nhất là nghe lời bà Châu lại càng không nên.
Sau khi có sự cãi cọ ấy, Phi Nga trở nên buồn bã. Nàng làm lụng suốt ngày để quên sự bực mình, nhưng vẫn không thể dùng hết thì giờ. Nàng đùa giỡn với bé Hoàng suốt ngày. Vì là nghỉ hè, nên Dũng ở nhà không đi dạy, hai vợ chồng ra vô gặp nhau luôn, Dũng thấy Phi Nga không được vui thì biết Phi Nga còn giận mình về chuyện hôm nọ, nhưng Dũng không muốn nhắc tới nữa, Dũng bàn với Phi Nga nên đưa con về thăm cha mẹ chồng và ở lại đó vài tuần, nhưng Phi Nga nói:
- Về bên cha mẹ, nhà cửa chật chội, không thể ở lâu được. Tốt hơn anh về thăm cha mẹ và nếu anh muốn ở chơi vài hôm thì cứ ở, bao giờ con lớn rồi chúng ta sẽ mang nó về thăm ông bà.
Thế là Dũng đi một mình. Dũng nghĩ chàng đi vắng một tuần, khi trở về, Phi Nga sẽ không còn phiền trách về chuyện cũ nữa. Còn Phi Nga thì nghĩ:
- Để cho Dũng sống xa ta vài ngày thì chàng mới coi cái tổ ấm này rất cần thiết cho chàng.
Phi Nga thu xếp đồ đạc cho Dũng lên đường về quê thăm cha mẹ. Còn mấy hộp bánh mà bà Quỳnh cho nàng trước đây, nàng cũng gói lại gởi về cho cha mẹ chồng. Khi Dũng đi rồi, Phi Nga cảm thấy dễ chịu lắm. Nàng làm những bữa cơm đơn giản hơn để có thì giờ suy nghĩ hay bồng bé Hoàng đi dạo ngoài vườn.
Phi Nga tự nhủ:
- Người ta bảo vợ chồng cần có những lúc sống xa nhau đôi ngày để tìm thấy sự yên tĩnh của tâm hồn và sống với bản ngã của mình.
Trưa hôm ấy, dùng cơm qua loa, Phi Nga cho bé Hoàng ngủ, rồi đi ra xưởng vẽ... Đã mấy tháng nàng không đặt chân ra đây, ngoài cái hôm đưa bà Châu vào xem mấy bức tranh. Thấy bụi bặm đóng đầy, Phi Nga lấy chổi quét dọn, lau chùi, rồi ngồi ngắm tranh. Tâm hồn của nàng lúc ấy gởi về bà Quỳnh, cậu Paul và ông Malê.
- Lâu quá ta không nhận được tin tức gì của ông Malê cả. Còn bà Quỳnh và cậu Paul sao ở mãi trên Đà Lạt như thế.
Bỗng Phi Nga có ý muốn vẽ chân dung của Dũng.
- Tại sao ta không vẽ? Ta hứa với Dũng sẽ vẽ hình của Dũng kia mà.
Thế là Phi Nga say mê bắt tay vào việc. Nàng họa những nét chính, ngắm nghía một lúc, rất hài lòng:
- Dũng như thế đó, ngày mai bức vẽ sẽ hoàn thành.
Phi Nga quên cả thời gian, chỉ biết có tấm giấy trước mặt. Bỗng nàng nghe có tiếng gọi ngoài cổng inh ỏi:
- Chị Nga đâu rồi? Sao chị để cháu khóc ầm lên như vậy?
Phi Nga như người rớt từ cung trăng xuống, chợt nhớ ra nàng còn bị ràng buộc với cái thực tế là Dũng, là bé Hoàng. Hai tay còn lấm mực đen, Phi Nga vội vàng chạy vào bồng bé Hoàng:
- Mẹ ham vẽ quên cả con. Ôi chao. Mẹ xin, đừng khóc nữa.
Một tràng cười nổi lên từ bên ngoài cửa, Phi Nga bồng con đi ra:
- Ai đó?
Phi Anh xuất hiện, cười to:
- Em đây chứ ai. Nếu em không đến thì chắc bé Hoàng khóc khan cả tiếng. Chị vẽ tranh à? Thế anh Dũng đâu rồi? Anh ấy nghỉ hè sao không trông con cho chị vẽ?
Phi Nga ngồi xuống cho con bú, rồi chỉ chiếc ghế cho Phi Anh:
- Anh Dũng về thăm cha mẹ rồi.
Phi Anh mừng rỡ:
- Anh ấy đi được mấy hôm rồi?
- Mới đi sáng nay. Anh ấy bảo đi độ một tuần.
Phi Anh tiếc rẻ:
- Em mà hay việc này thì rủ Phi Yến qua ở đây với chị cho vui.
- Thì hôm nay em ở lại đây với chị.
- Em không thưa trước cha mẹ biết. Chị vẽ cái gì ngoài ấy?
Phi Anh chạy qua xưởng, một lát sau trở về nói:
- Chị vẽ anh Dũng à? Anh ấy đi vắng làm sao chị vẽ giống được?
Phi Nga mỉm cười:
- Chị quen anh ấy cả chục năm, lẽ nào không thuộc làu từng nét mặt? Nhưng thế nào, em thấy chị vẽ anh có giống không?
Phi Anh do dự rồi nói:
- Em nói chị đừng giận nhé. Sao trông anh ấy... bư quá.
- Bư quá nghĩa là thế nào?
Phi Anh nói không thương xót:
- Là tầm thường, không thông minh chút nào.
Phi Nga cúi xuống nhìn bé Hoàng, đổi tay cho thằng bé bú tiếp và nói:
- Từ trước đến giờ em cứ chê anh Dũng tầm thường...
Phi Anh sợ chị buồn, nói sang chuyện khác:
- Từ hôm đẻ cháu Hoàng, bây giờ chị mới lại cầm bút? Tại sao chị đợi anh Dũng đi chị mới làm việc?
- Anh Dũng ở nhà thì chị phải lo cho anh ấy. Chỉ có thế mà em cũng thắc mắc.
Cho bé Hoàng bú no rồi, Phi Nga trao nó cho Phi Anh:
- Em ẵm cháu để chị đi tìm cái gì hai chị em mình ăn cho vui.
Phi Anh nghe chị nói mới sực nhớ cái giỏ ở ngoài hè:
- Mẹ gởi quà cho chị đó. Chuối khô, kẹo chuối, bánh phồng... Mẹ cặm cụi làm mất mấy ngày đó. Ba nhắc chừng tụi em đi thăm chị, ba bảo chị có chồng có con rồi quên cả cha mẹ.
- Làm sao quên được.
Phi Nga soạn những cái gói trong chiếc giỏ mây ra, đặt lên bàn:
- Bây giờ đi pha trà uống với những thứ này thì thích lắm. Chị cũng còn nhiều thứ bánh ngọt.
Một lát sau, hai chị em ngồi trước mâm trà. Phi Anh ngần ngừ một chút rồi nói:
- Em đến nhờ chị một việc.
- Việc gì?
- Chị đưa cháu về thăm ba mẹ và xin ba mẹ cho em đi học đánh máy, kế toán để đi làm.
- Anh Dũng đi vắng, chị phải chờ anh Dũng về.
- Tại sao lại phải chờ? Anh đi vắng, chị về thăm mẹ thì đã sao? Chị đi sáng thì chiều về rồi.
Phi Nga lắc đầu:
- Chị không muốn thế. Nhưng tại sao em lại muốn đi học? Chị nghe nói có ai muốn đi hỏi em kia mà.
Phi Anh cười:
- Em chưa muốn có chồng lúc này. Em không giống chị, bao giờ em ba mươi tuổi, em mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng chưa lập gia đình lúc này thì phải tìm một việc gì để làm chứ không thể ở nhà ra vô mãi được, buồn lắm. Về việc hôn nhân, em không quan niệm như chị. Em thấy chị chưa biết yêu, chưa biết sống.
Phi Nga nhìn em không khỏi ngạc nhiên:
- Chị chưa biết yêu, chưa biết sống?
- Chị kết hôn với anh Dũng không phải vì ái tình thúc đẩy, chị cần một mái nhà để sống theo ý muốn, nhưng chị quên rằng làm thế là chị lệ thuộc vào một người khác. Rồi đây chị sẽ ăn năn về sự lựa chọn này. Người như chị không thế có một người chồng như anh Dũng.
Nói đến đây như nhớ ra điều gì, Phi Anh nói:
- Cách đây mấy hôm, em có gặp anh Đình.
- Thế à?
- Anh Đình có hỏi thăm chị. Nghe em nói chị đã có cháu trai, anh ấy có vẻ buồn.
- Đáng lẽ anh ấy nên mừng cho chị. Nếu chị kết hôn với anh Đình thì cả chị và anh ấy đều khổ.
- Tại sao vậy?
- Tại anh Đình không hiểu chị. Anh Dũng hiểu chị hơn.
Phi Anh hỏi vặn lại:
- Có thật anh Dũng hiểu chị không?
Phi Nga cúi đầu trước câu hỏi của em. Sự thật Dũng cũng không thể hiểu Phi Nga. Phi Anh nói tiếp:
- Anh ấy cưới chị vì thấy chị mến anh hơn những người bạn trai khác, anh ấy hãnh diện chiếm được tình cảm của chị. Bây giờ thì anh ấy còn vui mừng vì được một cái gì ngoài sự mong muốn của mình. Nhưng lần lần anh ấy sẽ nhận ra mình không đủ sức, đủ tài để giữ được cái hạnh phúc ấy.
Phi Nga nhìn em, không ngờ Phi Anh suy nghĩ được như vậy. Phi Anh nói tiếp:
- Anh Dũng yếu đuối nên không dám nói thật cho chị hiểu sự lo nghĩ của anh. Cái này mới là điều tai hại. Anh Đình sắp ra trường, một bác sĩ trong tương lai.
- Chị biết chị không thể tạo hạnh phúc cho anh Đình.
- Thế chị nghĩ chị có thể tạo hạnh phúc cho anh Dũng sao? Sống với anh ấy, chị chỉ sống có một phân nửa.
Uống trà xong, Phi Anh ra về:
- Em tưởng đến đây rủ chị về chơi được. Chị không về thì em còn ở lại làm gì. Bao giờ anh Dũng về, em lại đến thăm chị, chị hứa sẽ giúp em chị nhé.
Phi Anh đi rồi, Phi Nga tự hỏi:
- Có thật ta chỉ mới sống có một phân nửa không? Phi Anh bảo ta chưa biết yêu, chưa biết sống. Chớ thế nào mới là yêu? Không yêu mà ta có thể quên tất cả vì Dũng.
Những lời của Phi Anh còn văng vẳng bên tai, Phi Nga lại nghĩ:
- Có thật ta chưa biết sống không? Chưa biết sống cho tình yêu hay chưa biết sống cho ta?
Ngày hôm sau, Phi Nga vừa vẽ xong bức hình của Dũng thì Dũng về tới, vẻ mệt nhọc bơ phờ. Vừa bước vô cửa, Dũng đã liệng cái cặp trên bàn và chạy lại ôm lấy bé Hoàng hôn lên đầu lên mặt nó:
- Nhớ con quá phải bò về.
Bé Hoàng đang ngủ, bị ẵm xốc dậy, ngơ ngác nhìn Dũng, nhưng rồi cũng nhoẻn miệng cười và đưa tay sờ mặt Dũng.
Không chút thẹn thùng, Dũng nói với vợ:
- Tưởng về được một tuần, ai ngờ mới ngủ một đêm đã thấy bực bội, chịu không được. Có đi xa nhà mới thấy cái tổ ấm của mình êm đềm như thế nào. Em tha lỗi cho anh và cũng đừng cười anh, không có em và con chắc anh không còn thiết gì nữa. Em đã lo cho anh đầy đủ và chu đáo quá. Chưa ai lo cho anh được như thế. Tại sao anh lại hiểu lầm, lại quá ích kỷ để em phiền anh. Thôi, hãy quên chuyện đáng tiếc ấy đi em nhé...
Dũng còn nói nhiều lắm, nhưng Phi Nga chỉ mỉm cười mà không nói gì, đứng yên nghe chồng phân trần. Dũng trao con lại cho vợ:
- Anh đi tắm đã. À, mẹ có gởi mấy gói bột cho em làm bánh... Mẹ chỉ có những món quà ấy, vì ở nhà quê có được quày chuối, dăm trái dừa khô, vài chục quả trứng là đem ra chợ bán, lấy tiền mua thứ khác.
Phi Nga nói:
- Mẹ em cũng vừa gởi chuối cho anh đây. Tha hồ mà ăn...
Dũng sung sướng đi qua đi lại khắp nhà như vừa đi vắng lâu lắm mới về. Phi Nga nhìn chàng, lòng bỗng vui vẻ, quên tất cả chuyện bực mình.
Lúc ngồi vào bàn ăn, Phi Nga nói:
- Anh ăn tạm vậy, tưởng anh còn ở bên nhà, nên em không mua thức ăn.
Dũng nhìn đĩa chả trứng và tô canh tôm khô nấu với bún tàu:
- Ăn thế này còn sướng chán, về nhà, mẹ chỉ cho anh ăn cá lóc kho. Một con cá kho ăn hai ngày. Hâm đi hâm lại mà ba vẫn thấy ngon.
Dũng vừa ăn vừa nhìn vợ, cố ý tìm thử Phi Nga có còn giận chàng không nhưng Phi Nga vẫn nói cười luôn miệng, nàng chỉ không nói cho Dũng biết là nàng đã vẽ xong bức hình của Dũng và còn để bên xưởng. Có lẽ Dũng yên trí là Phi Nga không làm việc gì khác ngoài chuyện săn sóc bé Hoàng trong lúc Dũng đi vắng.
Phi Nga nói:
- Anh đi vắng chớ không em đã theo Phi Anh về thăm cha mẹ rồi.
- Tại sao em không đi?
- Tại... anh đi vắng.
Nói xong Phi Nga cười:
- Phi Anh muốn đi học, nhưng ba không cho, nên Phi Anh đến đây nhờ em nói giúp.
- Cô ấy định học môn gì?
- Học đánh máy, kế toán để đi làm.
Dũng ngạc nhiên:
- Phi Anh muốn đi làm à? Trước đây em có nghĩ như Phi Anh không?
Phi Nga lắc đầu. Dũng mỉm cười hài lòng:
- Nhưng em thì cần gì phải đi làm, với tài vẽ của em, em dư sức kiếm được tiền, nếu muốn.
- Nếu em muốn...
Phi Nga lặp lại câu ấy rồi tiếp:
- Nhưng bây giờ thì em chưa muốn.
Tối lại, Dũng tâm sự với Phi Nga:
- Nguy quá em ạ, chắc từ nay không có em thì anh không sao sống được. Em đã tập cho anh quen cuộc sống nhàn hạ này rồi. Xa con, anh nhớ nó quá. Không biết giữa anh và em, ai yêu thằng bé nhiều hơn ai?
- Có lẽ anh yêu nó nhiều hơn em.
- Em săn sóc cho con nhiều. Anh không làm được những việc ấy. Như thế làm sao mà bảo anh yêu con nhiều hơn em được...
Nhân dịp nghỉ hè, Phi Nga muốn nhắc Dũng về chuyện ghi tên học thêm ở một lớp hàm thụ, nhưng thấy Dũng không đề cập đến chuyện ấy từ ngày có bé Hoàng, nên Phi Nga phải đợi Dũng khơi ra trước, Phi Nga không hiểu rồi đây Dũng sẽ dùng thì giờ vào việc gì để khỏi phải ngồi không nhìn ra đường hoặc khoanh tay nghĩ vơ vẩn.
Dũng đi ra đi vào, Phi Nga cũng cảm thấy bực bội lây. Phi Nga thì làm lụng suốt ngày, ở không một giờ cũng không chịu được, còn Dũng có thể nằm hai, ba giờ dưới bóng cây, nhìn trời nhìn mây, hay lim dim đôi mắt, giống như một con mèo phơi nắng, không còn biết xung quanh xảy ra những gì.
Mà Dũng có mặt ở nhà thì Phi Nga không thể ra xưởng vẽ, chỉ quanh quẩn bên Dũng và bé Hoàng. Câu chuyện giữa hai người cũng chỉ lấy đầu đề quanh bé Hoàng.
Một tuần sau, Phi Yến lại đến thăm Phi Nga. Khi bước vào vườn thấy Dũng nằm dài trên ghế bố, bên cạnh là bé Hoàng nằm trên xe đẩy, Phi Yến ngừng lại chào chàng:
- Chị đâu rồi mà anh phải trông chừng cháu?
Dũng mừng rỡ chào cô em vợ:
- Chị làm bếp. Em qua thăm anh chị và cháu đấy à?
Phi Yến nói:
- Em qua thăm anh chị. Tuần trước chị Phi Anh có qua nhưng anh đi vắng. Nghỉ hè rảnh sao anh không đưa chị đi chơi? Nằm nhà mãi thế này anh chịu được à?
- Anh không thích đi đâu hết, anh lười lắm.
- Thế mấy tháng hè anh làm gì cho hết thì giờ?
- Anh giữ cháu cho chị làm việc.
- Chị làm việc gì? Thì cũng làm việc bếp núc, may vá. Những việc ấy mọi khi anh đi làm chị vẫn làm được mà bé Hoàng có sao đâu.
Phi Yến thấy Dũng cau mày liền nói:
- Xin lỗi anh, em vào gặp chị đã nhé.
Phi Nga đã nghe em nói chuyện với chồng ngoài vườn, nên vừa thấy em, liền trách:
- Em làm anh Dũng buồn rồi. Một năm mới được mấy tháng hè để anh ấy nghỉ ngơi cho lại sức.
Phi Yến cười:
- Em có bảo anh ấy phải làm việc đâu. Em muốn anh đưa chị đi chơi mà thôi. Anh Dũng cưới chị gần hai năm rồi mà chưa hề đưa chị đi nghỉ mát. Đi hưởng tuần trăng mật cũng không có, mà đi nghỉ hè cũng không, chán chết được.
Phi Nga vỗ nhẹ vào đôi má phúng phính của em:
- Nhưng chị không chán thì sao? Ở đây khí hậu tốt như thế này, còn đi đâu làm gì cho mệt. Lại nữa cháu Hoàng còn nhỏ quá, đi đâu cũng phiền lắm.
- Ở mãi một chỗ chán lắm, thỉnh thoảng phải thay đổi không khí, thay đổi khung cảnh sống thì cuộc đời mới khỏi buồn tẻ.
- Không hiểu tại sao hai cô em gái của tôi độ rày hay lý luận với tôi về hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời quá. Lúc chị còn ở nhà, các em không bao giờ đề cập đến chuyện này.
Phi Yến không thấy đó là một lời trách khéo của chị nên nói tiếp:
- Tại chị đi lấy chồng nên chúng em mới nghĩ về vấn đề ấy. Chị Phi Anh cứ lo là chị không thể tìm thấy hạnh phúc khi đi lấy chồng. Mà nhất là đi lấy anh Dũng.
Phi Nga trỏ tay ra vườn:
- Đừng quên anh Dũng ở ngoài kia nghe. Anh ấy nghe được lại buồn. Chị yêu anh Dũng, anh Dũng yêu chị. Như thế là có hạnh phúc rồi. Nhưng thôi, đừng nói đến chuyện ấy nữa. Ba mẹ có khỏe không?
Phi Yến nói một cách bất đắc dĩ, vì phải bỏ dở một vấn đề chưa đi sâu vào được:
- Ba mẹ vẫn khỏe. Mẹ gởi chị mấy gói tôm khô và bột nếp, gì nữa trong giỏ em cũng chả hiểu.
- Em gái tôi giỏi thật, mang quà cho chị mà không biết trong ấy có gì. Trưa nay ở lại đây dùng cơm với chị.
Phi Yến đi thay áo rồi xuống bếp ngồi chơi với chị. Phi Nga hỏi:
- Thế nào, ba đã bằng lòng cho Phi Anh đi học chưa?
- Chị Phi Anh đợi chị về để xin ba việc này. Ở nhà mãi, không biết dùng thì giờ vào việc gì, buồn lắm. Em cũng muốn xin đi học.
Phi Nga nói đùa:
- Thì hãy bắt chước chị, lập gia đình cho có công chuyện mà làm.
Phi Yến nhún vai:
- Lúc nãy chị không cho em nói về vấn đề này nữa sao bây giờ chị lại khươi trở lại? Đừng mở máy cho em nói, vì thế nào em cũng bị chị rầy.
- Lát nữa ăn xong, anh Dũng và bé Hoàng ngủ rồi, chị em chúng ta ra ngoài vườn nói chuyện. Lúc ấy, chị sẵn lòng nghe em lý luận.
- Được, trưa hãy nói tiếp về chuyện này...
Bỗng Phi Yến hỏi:
- Chị vẽ xong tấm hình của anh Dũng chưa?
Phi Nga chỉ tay ra vườn, ra dấu cho Phi Yến im:
- Đừng nói cho anh Dũng nghe. Anh ấy chưa biết chuyện này.
Phi Yến ngạc nhiên:
- Tại sao chị phải giấu anh ấy?
Phi Nga nói nhỏ vào tai em:
- Chị muốn dành cho anh ấy một sự ngạc nhiên.
Phi Yến hóm hỉnh:
- Có thật vậy không? Hay là chị làm việc nhưng không muốn cho anh ấy biết.
Hôm ấy Phi Yến vui vẻ, líu lo như một con chim sơn ca. Phi Nga nhìn em, bỗng nhớ đến thời gian mình còn ở với các em. Lúc bấy giờ các em không bàn luận với nàng tự do như ngày nay. Phi Nga tự hỏi:
- Tại sao có sự thay đổi ấy? Hay là tại ta lập gia đình với Dũng mà các em ta đã có dịp bàn tán với nhau?
Rồi nàng thở dài, nói với Phi Yến:
- Thôi, em đi bày bàn dùm chị đi. Xong tất cả rồi. Bày bàn xong thì đi ra vườn mời anh Dũng vào.
- Đứng đây gọi anh ấy vào không được sao mà phải kiểu cách như vậy? Anh chị là tân học lại cũng trẻ trung cả, học chi cái thói các ông đồ xưa?
- Vợ chồng phải kính nể nhau, người ta bảo vợ chồng mà lờn mặt nhau thì khó sống đời được. Có em, chị còn phải tỏ ra kính nể anh ấy. Đàn ông họ thích như vậy đó.
- Và chị bằng lòng với chuyện đóng kịch ấy?
- Sao lại đóng kịch? Chị kính nể anh ấy thật sự mà.
Phi Yến nhún vai rồi đi bày bàn. Rồi cũng chiều ý chị, Phi Yến đi ra mời Dũng:
- Chị bảo em mời anh vào dùng cơm. Em đẩy cháu vào anh nhé.
Ngồi vào mâm, Dũng nói cười luôn miệng. Phi Nga thỉnh thoảng nhìn chàng, mỉm cười. Phi Yến ít nói, chỉ trả lời những câu anh chị hỏi. Dũng hỏi vợ:
- Có phải em yêu Phi Yến hơn Phi Anh không?
Phi Nga trả lời:
- Em thương hai đứa như nhau, nhưng Phi Yến dễ chịu hơn Phi Anh.
- Dễ chịu là nghĩa làm sao?
- Nghĩa là biết nghe lời em.
Ngừng một lát, Phi Nga nói tiếp:
- Trước kia thì vậy nhưng bây giờ không biết sao... Đi lấy chồng, người chị gái thường mất hết quyền lực với các em. À, Phi Anh nhờ Phi Yến nhắc em về chuyện Phi Anh đã nhờ em hôm nọ.
Dũng hỏi:
- Về xin phép cha mẹ cho cô ấy đi học? Tại sao Phi Anh lại thích đi học đánh máy, kế toán?
Phi Yến vội nói:
- Học cho biết nghề để đi làm chớ sao lại thích? Anh thử nghĩ ở nhà mãi không buồn sao? Mất hết cả tuổi trẻ. Em chỉ chờ chị Anh đi được là em cũng xin đi.
Dũng hỏi:
- Hai em đi cả thì ai ở nhà với cha mẹ?
- Nếu tụi em đi lấy chồng như chị Nga thì ai ở nhà với cha mẹ?
Dũng vội nói:
- Tôi sợ cô rồi, nói gì cô cũng bắt bẻ được hết. Thà là các cô đi lấy chồng, như thế cha mẹ được yên lòng hơn. Vì nếu đi lấy chồng, ít ra các cô cũng được ông chồng giữ gìn dùm. Còn các cô đi học xa, rồi đi làm, làm sao cha mẹ yên lòng được?
Phi Yến mỉa mai:
- Như vậy chắc chị Phi Nga cần anh giữ dùm nên mới đi lấy chồng.
Phi Nga đưa mắt lườm em. Phi Yến hiểu ý chị, từ đó ngồi yên, và khi ăn xong lãnh phần dỗ bé Hoàng ngủ. Dũng nói:
- Để đó cho anh, nó quen ngủ trưa với anh rồi. Em giúp chị dọn dẹp rồi chị em cứ tự do nói chuyện cho vui. Lâu lâu mới có dịp gặp nhau.
Phi Yến nhìn chị mỉm cười. Một giờ sau, hai chị em ra vườn ngồi dưới bóng một cây xoài rợp mát. Phi Nga lấy tay vuốt tóc em và hỏi:
- Nếu Phi Anh được cha mẹ cho đi học thì em nên ở nhà với cha mẹ. Em mà đi nữa thì cha mẹ sẽ buồn.
- Sự thật, hiện giờ em cũng chưa biết mình muốn gì. Nhưng sống cho một người như chị, chắc em không làm được. Còn nếu em làm được, nghĩa là em có thể sống cho một người, thì ít ra người đàn ông ấy cũng phải hơn hẳn em.
Biết Phi Yến lại sắp nói đến Dũng, Phi Nga liền đón trước:
- Mỗi người mỗi ý. Em chưa yêu nên muốn nói gì chẳng được. Một khi đã yêu thì quan niệm về cuộc sống của em sẽ thay đổi hẳn.
Phi Yến nhìn chị:
- Chị muốn nói là chị đã yêu?
Phi Nga ngạc nhiên:
- Lẽ dĩ nhiên.
Phi Yến cười lớn:
- Em không tin. Anh Đình cũng không tin là chị yêu anh Dũng.
Phi Nga đang đuổi theo những ý nghĩ thầm kín tự đáy lòng nên không để ý là Phi Yến vừa nhắc đến Đình, người sinh viên đã yêu Phi Nga và muốn lập gia đình với nàng.
Phi Yến bất chợt hỏi:
- Chị còn nhớ anh Đình không?
Phi Nga giật mình:
- Cái gì mà có anh Đình trong ấy nữa?
- Chị không nghe em nói à? Anh Đình cũng không tin chị yêu anh Dũng.
Phi Nga hốt hoảng la lên:
- Đừng nói nhảm như vậy! Ai mà hiểu chị được?
- Anh Đình bảo là anh có thể hiểu chị. Nghe nói chị đã có con, anh Đình tiếc lắm. Có lần anh ấy nói với em, chị không thể tìm thấy hạnh phúc bên người đàn ông nào hết. Anh Giang cũng nghĩ như thế và anh Giang nói với anh Đình, giá chị đừng lập gia đình thì hơn.
- Nói nhảm hết. Anh Giang thì biết gì, anh ấy chỉ biết có hội họa. Gia đình, vợ con đối với anh ấy đâu nghĩa lý gì.
- Như thế không có nghĩa là anh ấy không hiểu chị. Em gặp anh Giang nhiều lần, khi anh ấy về vẽ phong cảnh ở làng mình. Lúc ấy em hay đi theo xem anh vẽ. Chị kết hôn với anh Giang mới xứng.
Phi Nga đập mạnh lên vai em:
- Sao độ này em nói năng ẩu vậy? Anh Giang đã có vợ rồi.
- Vợ con gì anh ấy!
- Thế em gặp anh Đình bao giờ?
- Em gặp cách đây mấy tuần, liên tiếp ba bốn lần. Người ta bảo anh ấy về thăm bà Nhàn. Chị biết bà Nhàn chớ? Bà ấy là cô của anh Đình. Nhưng theo em hiểu, anh Đình về đây là để dò xét tin tức về chị. Gặp em hay chị Phi Anh, anh ấy mừng lắm, hỏi thăm chị không ngớt.
Phi Nga nói, vẻ mặt xa xăm:
- Hôm nọ Phi Anh cũng bảo là có gặp anh Đình. Anh ấy còn về đây làm gì kìa?
Ngừng một lát, Phi Nga hỏi em:
- Em có nghe anh ấy nói gì về anh Giang không?
- Em không hỏi nên anh ấy cũng không nói gì. Chị cần biết tin tức về anh Giang à? Hay chị muốn bán tranh cho anh ấy?
Phi Nga cười:
- Em làm như tranh của chị đẹp lắm. Chỉ có bà Quỳnh mua chớ họa sĩ như anh Giang thì mua làm gì.
Phi Yến không bằng lòng:
- Ai nói với chị như vậy? Có phải anh Dũng không? Nếu thật vậy thì anh ấy muốn ém tài của chị đó. Bà Quỳnh cũng đâu có biết gì về tranh mà mua, bà ta mua cho ông Malê là một nhà sưu tầm tranh, chẳng lẽ ông ta không biết gì về hội họa sao? Chị khiêm tốn là tốt, nhưng đừng vì những lời dèm pha của kẻ khác mà tự ti mặc cảm, không được đâu. Em hỏi thật chị, tại sao chị vẽ hình anh Dũng mà lại phải vẽ lén lút?
- Chị đã bảo là để làm gây ngạc nhiên cho anh ấy kia mà.
- Được rồi, em tin chị, nhưng chị chưa trả lời cho em về lời nói của anh Đình. Anh ấy không tin là chị có hạnh phúc.
- Mỗi người quan niệm hạnh phúc mỗi khác. Cái mà anh ấy cho là hạnh phúc thì với chị, chị cho là phiền phức thì sao? Chị cũng hiểu anh đang đau khổ vì chị, nhưng thà như thế còn hơn. Chị mà kết hôn với anh ấy thì anh ấy sẽ khổ nhiều hơn nữa. Anh Đình không phải như anh Dũng. Anh Dũng chỉ cần được sống yên thân, bên anh ấy có chị là đủ. Anh ấy không ao ước gì nữa, chị muốn sao anh ấy cũng chiều chị được. Chớ còn anh Đình, một khi anh ấy cưới được chị rồi thì một là lái chị, hai là bỏ chị vì bất đồng ý kiến. Mà con người của chị, em biết chớ, dễ gì chịu để cho ai lái đâu.
- Chị biết vậy cũng đỡ. Nhưng em vẫn thấy thương anh Đình làm sao ấy... À, chị có việc gì cần đến anh Giang sao?
- Bây giờ thì chưa. Nhưng rồi đây sẽ có lúc chị phải nhờ đến anh ấy.
- Chị muốn học vẽ với anh Giang? Anh ấy đi Rome chưa về mà. Chị Nga à, chị nên khuyến khích anh Dũng học thêm, sao chị cứ để anh ấy sống an phận như thế?
- Mỗi người có mỗi triết lý cuộc sống. Người này ham danh ham lợi, người khác an phận thủ thường. Mình làm sao ép họ được? Người ham danh ham lợi thích chen lấn với đời, thích được thiên hạ biết tên tuổi, còn người an phận thủ thường lại thích sống trong bóng tối. Cũng chưa biết ai là người có hạnh phúc hơn ai. Hiện giờ chị thích được sống như thế này, sống cho anh Dũng, cho bé Hoàng. Chị không nghĩ như em, chỉ sống cho anh Dũng khi nào anh ấy hơn chị mọi mặt. Nếu ai cũng nghĩ như em thì chẳng mấy ai lập gia đình được đâu...
Hai chị em bàn cãi với nhau rất lâu, nhưng rồi Phi Yến vẫn kết luận:
- Chị sống cho tình yêu cũng được rồi, nhưng em vẫn thấy anh Dũng tầm thường quá mà tình yêu chị nói đó dường như chưa đúng với ý nghĩa của nó. Chị yêu thương hơi vội vàng, hay như có lần chị tâm sự với chúng em: lập gia đình mới có thể vận dụng tất cả khả năng của người con gái. Chị muốn thoát ly khỏi áp lực của cha mẹ.
- Các em độ rày lý luận ghê thật! Hôm nọ Phi Anh đã quay chị một keo rồi, bây giờ đến lượt em. Chị phục các em quá.
Hai chị em cùng cười vui vẻ.