Hồi 101


Hồi 15
Cứu Người Nên Nổi Phải Lo Âu

Lão đạo trưởng cười đáp:
-Kẻ tu hành lấy từ bi làm gốc. Bần đạo đã phát giác ra tiểu thí chủ mắc phải tuyệt chứng, có lý nào lại không chữa?...
Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:
-Huống chi tam tuyệt âm mạch của thí chủ phát ra do tiên thiên cố tật, không phải ai cũng chữa được.
Tiêu Lĩnh Vu đứng bên giường ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
-Tiểu tử không tin được lão đạo trưởng chỉ vì tấm lòng từ bi mà cứu mạng cho tiểu tử.
Vô Vi đạo trưởng dường như không ngờ Tiêu Lĩnh Vu đột nhiên đề cập tới vấn đề này, lão chẳng khỏi ngạc nhiên, trầm ngâm hồi lâu rồi chẩm rãi đáp:
-Bần đạo lưu tiểu thí chủ ở núi Võ Ðương nếu có dụng tâm nào khác thì nguyên nhân trọng đại nhất vẫn là trị tuyệt chứng cho tiểu thí chủ...
Ðột nhiên lão trầm giọng hỏi:
-Ai đó?
Ngoài cửa có thanh âm trầm trầm đáp lại:
-Ðệ tử có việc cần bẩm báo.
Vô Vi đạo trưởng hơi nhíu cặp lông mày hiền từ mà vẫn ngồi yên không nhúc nhích nói:
-Vào đi!
Cánh cửa kẹt mở. Một đạo nhân thân thể cao lớn vào hạng đứng tuổi, râu đen phất phơ, tiến vào.
Ðạo nhân nầy coi bộ cũng vào trạc tuổi Vân Dương Tử, song cách cử động đối với Vô Vi đạo trưởng có phần kính cẩn hơn. Còn ở đằng xa, đạo nhân đã chấp tay nghiêng mình tiến lại trước giường rồi cúi đầu xuống nói:
-Có kẻ dạ hành lên núi...
Vô Vi đạo trưởng hơi biến sắc hỏi:
-Ðó là hạng người nào?
Ðạo nhân đứng tuổi đáp:
-Người tới đây võ công không phải tầm thường. Vân Dương sư thúc đã truyền lệnh dụ cho năm vị đại hộ pháp trong chùa chuẩn bị động thủ để tìm ra gốc ngọn, nhưng sợ kinh động cuộc tĩnh tu của sư phụ, bây giờ mới dám vào bẩm.
Vô Vi đạo trưởng trở lại vẻ mặt trấn tĩnh vẩy tay một cái đáp:
-Ta đã biết rồi.
Ðạo nhân đứng tuổi hai tay chắp để trước ngực khom lưng lui ra rồi khép cửa lại.
Tiêu Lĩnh Vu trầm tư một lúc rồi đột nhiên rảo bước chạy ra ngoài.
Vô Vi đạo trưởng chau mày hỏi:
-Hài tử ngươi định đi đâu?
Tiêu Lĩnh Vu đáp:
-Tiểu tử ra coi thử xem có phải Khâu tỷ tỷ đến tìm tiểu tử không?
Rồi chàng mở cửa rảo bước ra ngoài.
Tiêu Lĩnh Vu ngửng đầu trông lên thì chỉ thấy trên trời đầy sao, lúc này đêm đã khuya mà không có trăng.
Một cơn gió lạnh thổi tới, khiến cho Tiêu Lĩnh Vu rét run.
Ðột nhiên bên mình chàng, một thanh âm trầm trầm vọng lên:
-Canh khuya giá lạnh, mời tiểu thí chủ vào nhà đi thôi.
Tiêu Lĩnh Vu ngảnh đầu nhìn lại thì thấy bên mình có một đạo nhân lưng đeo bảo kiếm đứng đó, không hiểu đạo nhân đến từ hồi nào?
Chàng định thần đáp:
-Tại hạ không về.
Thiếu niên đạo nhân vào cở 18, 19 tuổi, mày xanh mắt sáng, áo đạo bào phất phới. Gã ngó Tiêu Lĩnh Vu rồi cất giọng lạnh như băng nói:
-Tiểu thí chủ có biết đây là đâu không? Tiểu thí chủ không thể chạy bừa bãi được. Nếu tiểu thí chủ không chịu tự động trở về thì bần đạo đành bồng thí chủ về.
Gã nói rồi vươn tay ra cắp Tiêu Lĩnh Vu.
Tiêu Lĩnh Vu rụt tay về lớn tiếng quát:
-Ta không về thì ngươi làm gì?
Thiếu niên ra tay nhanh như chớp, Tiêu Lĩnh Vu tránh làm sao được? Chàng cảm thấy tay trái tê dại, huyệt mạch tay trái đã bị thiếu niên nắm lấy.
Bỗng nghe tiếng thở dài trầm trọng, tiếp theo thanh âm của Vô Vi đạo trưởng khàn khàn cất lên:
-Ngươi không được bức bách tiểu thí chủ. Ðể y tự động trở vào.
Thiếu niên thấy Vô Vi đạo trưởng nói vậy vội buông tay ra. Gã dạ luôn mấy tiếng rồi lui về phía góc cây tùng lớn.
Tiêu Lĩnh Vu cử động tay trái vẫn còn thấy tê chồn. Chàng cất bước tiến về phía trước. Chàng thấp thoáng nhìn thấy đầy sân hoa cỏ. Ngọn gió đêm thổi lay động bông hoa tỏa ra mùi hương ngào ngạt. Lác đác những cây tùng xanh chen vào giữa những khóm hoa. Thật là một cảnh tượng thanh u.
Bóng đêm lờ mờ, Tiêu Lĩnh Vu nhìn không rõ và chàng chẳng còn lòng nào để ngắm nghía cẩn thận. Chàng rảo bước tìm cửa di ra.
Tòa đình viện nầy rất rộng, Tiêu Lĩnh Vu không thuộc địa thế, cứ len vào những khe cây hoa mà đi.
Chàng bản tính cương nghị, tuy người rét run mà vẫn nhận định phương hướng tiến về phía trước không hề nản chí.
Bỗng thấy hai con Bạch hạc cao lớn đi vào những khe cây hoa. Chúng thấy Tiêu Lĩnh Vu gần tới nơi mà vẫn không né tránh.
Cảnh vật tân kỳ này cũng không thể làm cho Tiêu Lĩnh Vu vui thú. Lòng chàng chỉ nghĩ tới Khâu tiểu San và chàng tin chắc nàng đến đây kiếm mình. Chàng không nhịn được lớn tiếng gọi:
-Khâu tỷ tỷ! Khâu tỷ tỷ!
Chàng hết sức gọi la. Giữa lúc đêm khuya tiếng dội vang lên.
Chàng vừa la gọi vừa chạy về phía trước. Ði hết vườn hoa rộng lớn đến chân bức tường xây bằng đá xanh xếp lên. Một khuôn cửa tròn đã mở ra.
Tiêu Lĩnh Vu thân thể hư nhược, sau một lúc vừa chạy vừa hô hoán trán toát mồ hôi.
Chàng vén áo lên lau trên mặt rồi lách mình xuyên qua cửa ra ngoài.
Ngoài khuôn cửa tròn, hiện ra những nẻo đường giải đá trắng đi về các ngã.
Tiêu Lĩnh Vu nhìn trong bóng đêm thì chỉ thấy lờ mờ những lầu các đứng sững.
Chàng ngó hình thế, bốn mặt rồi chọn nẻo đường đi về phía trống không.
Lúc này chàng như người điên, vận dụng toàn lực chạy về phía trước. Ðồng thời chàng không ngớt tiếng la gọi Khâu tỷ tỷ.
Ðêm khuya tĩnh mịch ở chốn thâm sơn, tiếng la của chàng vọng lên như sóng vổ.
Không hiểu chàng đã chạy bao nhiêu đường đất, sau chàng mệt quá thở hồng hộc. Trước mắt chàng lay động từng đám mây ngũ sắc. Trong mỗi đám đều có người đẹp như ngọc đứng nhởn nhơ. Ðó là ảo ảnh hiện ra vì chàng quyến luyến
Khâu tỷ tỷ. ảo ảnh này làm cho lòng chàng khích động kịch liệt. Chàng vừa gọi vừa tiếp tục chạy về phía trước.
Tiêu Lĩnh Vu chạy thục mạng cho đến lúc sức cùng lực kiệt mới dừng lại.
Chàng chuyển động mục quang ngó thấy Vân Dương Tử đang ngồi xếp bằng cách đó vài thước. Còn chàng đang nằm trên một đám cỏ mềm mại. Bốn mặt tùng xanh trúc biếc, cảnh vật xinh tươi.
Ngoài mấy chục thước là một hang sâu trăm trượng. Một giải thác lớn từ ngọn núi phía đối diện chảy xuống coi như một tấm lụa trắng treo lơ lửng lưng trời. Nước tuôn vào lạch sâu bật lên tiếng ầm ầm như sấm nổ.
Bỗng trên môi Vân Dương Tử nở một nụ cười hiền hòa hỏi:
-Hài tử! Ngươi tỉnh dậy rồi ư?
Tiêu Lĩnh Vu dụi mắt ngồi dậy hỏi lại:
-Ðây là địa phương nào?
Vân Dương Tử cười đáp:
-Ðây là chùa Tam Nguyên ở sau phía núi.
Tiêu Lĩnh Vu ngững đầu nhìn lại, quả nhiên thấy phía sau có điện các đứng sững, cách chỗ chàng chừng ba bốn dặm.
Chàng nghĩ tới chuyện đêm qua chạy như điên, bây giờ hai chân chàng hãy còn ngâm ngẩm đau.
Vân Dương Tử từ từ đứng dậy, tiến lại gần chàng hỏi:
-Hài tử! Ngươi còn thấy khó chịu lắm không?
Tiêu Lĩnh Vu thở phào một cái, chàng cảm thấy khí huyết lưu thông khoan khoái chỉ đau đớn bề ngoài mà thôi, trong lòng chẳng có chi khó chịu liền đáp:
-Tiểu tử khá lắm rồi. Hỡi ơi! Ðạo trưởng có gặp Khâu tỷ tỷ ở đâu không?
Vân Dương Tử cười nói:
-Không gặp y đâu. Chắc lệnh tỷ tỷ cũng nhớ tiểu thí chủ và chẳng bao lâu sẽ tìm đến đây.
Tiêu Lĩnh Vu hỏi:
-Người đến đây đêm qua không phải là Khâu tỷ tỷ ư?
Rồi chàng lược thuật những bước đường nguy hiểm mà Khâu Tiểu San đã trải qua trong mấy ngày vừa rồi.
Vân Dương Tử cười đáp:
-Không phải đâu. Hài tử! Chưởng môn sư huynh của bần đạo tuy y đạo thông thần, bụng chứa huyền cơ, nhưng trước nay người vẫn ẩn cư lánh đời. Ngay bọn đệ tử trong chùa cũng khó được gặp người lấy một lần. Vậy mà người lại yêu mến ngươi, tận tâm chữa tuyệt chứng...
Tiêu Lĩnh Vu ngắt lời:
-Cái đó có chi là lạ? Khâu tỷ tỷ của tiểu tử cũng biết cách trị bệnh cho tiểu tử.
Vân Dương Tử cười nói:
-Dù lệnh tỷ tỷ có thể điều trị tuyệt chứng cho ngươi, nhưng hiện giờ không rõ Khâu cô nương ở đâu. Bên trời mờ mịt trong lúc nhất thời khó lòng tìm thấy cô.
Tiêu Lĩnh Vu cúi xuống lẳng lặng không nói gì nữa.
Vân Dương Tử lại nói tiếp:
-Nếu tiểu thí chủ không nghe lời bần đạo, tuyệt chứng chưa khỏi đã thuận tiện cử động thì chẳng những bao nhiêu công phu của đạo chưởng môn sư huynh trôi theo dòng nước mà tuyệt chứng của ngươi lại phát tác trước thời kỳ. Khi đó dù
Khâu tỷ tỷ có kiếm thấy ngươi cũng không chữa được nữa.
Mấy câu này quả khiến cho Tiêu Lĩnh Vu động tâm. Chàng nghĩ thầm:
-Ðúng thế thật. Nếu ta bị trọng bệnh mà chết thì kiếp này không còn gặp Khâu tỷ tỷ nữa.
Chàng xoay chuyển ý nghĩ trong lòng rồi đáp:
-Ðạo trưởng muốn tiểu tử tuân lời khuyên giải cũng chẳng khó gì, chỉ xin đạo trưởng ưng chịu một điều kiện của tiểu đệ.
Vân Dương Tử đáp:
-Tiểu thí chủ thử nói nghe. Nếu là việc mà bần đạo có thể làm được quyết không từ chối.
Nguyên Vân Dương Tử chẳng những võ nghệ cao cường mà danh vọng cùng đạo đức cũng hơn các bậc tiền bối mấy đời trước. Chỉ vì trong lòng ngấm ngầm hỗ thẹn ở chỗ muốn lợi dụng thằng nhỏ chưa hiểu việc đời mà phải nhẫn nại trăm chiều đối với chàng.
Tiêu Lĩnh Vu ngưng thần ngẩm nghĩ một chút rồi nói:
-Tiểu tử ở lại đây cũng được, nhưng khi Khâu tỷ tỷ tìm đến nơi, xin đạo trưởng cho tiểu tử hay để tiểu tử rời khỏi nơi đây đi theo y.
Vân Dương Tử trầm ngâm hồi lâu đáp:
-Ðược rồi! Bần đạo ưng chịu điều kiện của tiểu thí chủ.
Tiêu Lĩnh Vu từ từ cất bước tiến về phía trước. Chàng vừa đi vừa nói để mình nghe:
-Ta biết Khâu tỷ tỷ thế nào cũng đến tìm ta.
Vân Dương Tử nghe nói ngấm ngầm hổ thẹn trong lòng. Lão tiến lên hai bước ôm chàng lên cười nói:
-Hài tử! Ðêm qua ngươi chạy như người điên để kiệt lực ngất đi. Thế là hao phí nội lực của bần đạo mất mấy giờ mới cứu ngươi tỉnh lại được. Bây giờ thể lực ngươi chưa phục hồi, chớ nên làm cho mệt sức. Vậy bần đạo bồng ngươi.
Tiêu Lĩnh Vu vừa đi được mấy bước đã cảm thấy hai chân mỏi nhừ thì biết là đạo nhân nói thật, không dám bướng bỉnh để cho lão bồng về.
Vân Dương Tử phóng chân chạy lẹ. Chỉ trong khoảnh khắc đã vào chùa.
Tiêu Lĩnh Vu gục đầu xuống vai Vân Dương Tử ngó quanh thì thấy rất nhiều đạo nhân qua lại trên những lối đi lát đá xanh. Chúng gặp Vân Dương Tử liền chắp tay cúi đầu tránh sang bên đường để nhường lối. Tên nào cũng lộ vẻ rất cung kính.
Xuyên qua mấy tòa đại viện rộng lớn, chàng thấy bức tường xây bằng đá xanh bao quanh một tòa viện.
Trong chùa Tam Nguyên rộng lớn, tòa viện này có một cách kiến trúc đặc biệt.
Bỗng thấy một tên đạo đồng áo xanh đứng trước khuôn cửa rất rộng và mở toang ra.
Vân Dương Tử đặt Tiêu Lĩnh Vu xuống rồi đi vào.
Không ngờ đạo đồng áo xanh lại lạng người ra cản đường khẽ nói:
-Tam sư thúc hãy dừng bước. Chưởng môn sư tôn đang có khách.
Vân Dương Tử trừng mắt nhìn thẳng vào mặt đạo đồng, chẩm rải hỏi:
-Khách nào mà đến cả ta cũng phải lánh?
Ðạo đồng áo xanh ngẩm nghĩ một chút rồi đáp:
-Ðệ tử không biết, chỉ thấy chưởng môn sư tôn đối với vị khách này cực kỳ lễ mạo. Chưởng môn còn sai đệ tử đứng giữ nơi đây và dặn đệ tử nếu không được lão nhân gia cho phép trước thì bất cứ ai cũng không được thiện tiện tiến vào. Nếu sư thúc có việc xin chờ lại một chút cho đệ tử vào bẩm bạch.
Vân Dương Tử nói:
-Không cần đâu. Ðể ta chờ một chút cũng được.
Lão dắt Tiêu Lĩnh Vu thong thả đi ra trong lòng ngấm ngầm buồn phiền.
Nên biết Vân Dương Tử vốn được sư huynh trọng vọng. Vô Vi đạo trưởng bản tính điềm đạm lại ưa thanh tĩnh. Nhất thiết mọi việc trong chùa Tam Nguyên đều giao cho Vân Dương Tử đại diện thi hành. Mấy chục năm nay bất cứ việc gì cũng đều do Vân Dương Tử đảm đương. Hiện giờ không biết ai đến khiến cho Vân Dương tử cũng phải lánh mặt.
Tiêu Lĩnh Vu chậm chạp đi theo Vân Dương Tử đến một viện nhỏ tỉnh mịch.
Trong viện này Vân Dương Tử đã trồng hoa khắp nơi. Ba mặt viện đều có nha thất rất sạch sẽ. Tuy nó không bằng căn nhà dưỡng tĩnh của Vô Vi đạo trưởng,nhưng cũng là một nơi kiến trúc rất khéo.
Vân Dương Tử dẫn Tiêu Lĩnh Vu vào nha thất mĩm cười nói:
-Hài tử! Ngươi tùy tiện muốn ngồi hay muốn xem ngắm vật gì cũng được,nhưng nhất thiết đừng đụng tay vào.
Tiêu Lĩnh Vu chuyển động mục quang thấy trên vách có treo thanh trường kiếm,một cái túi gấm. Trên chiếc bàn áp vách phía sau có đặt ba mủi tên vàng dài bảy tám thước. Ngoài ra còn có hai cái bàn bằng bạch ngọc. Mặt bàn phủ tấm lụa trắng. Chàng không hiểu bên trong để vật gì.
Vân Dương Tử dường như cực kỳ nhọc mệt. Lão ngồi xếp bằng trên giường nhắm mắt lại, không hỏi gì đến Tiêu Lĩnh Vu nữa.
Tiêu Lĩnh Vu lẩm bẩm:
-Những đồ vật trong phòng này ai lấy làm kỳ thì ta không biết, nhưng ta chẳng muốn ngó tới để lão khinh bỉ ta.
Dù sao chàng hãy còn tính trẻ, không ngăn nổi tính hiếu kỳ, chàng càng không muốn coi bao nhiêu thì tâm trí chàng càng xúc động bấy nhiêu. Sau chàng không nhịn được đứng dậy đi gần tới bên bàn trên có đặt ba mủi tên vàng, mủi nào cũng khắc đồ án rất tinh sảo coi thật đẹp mắt. Chàng không khỏi nghĩ thầm:
-Nhân vật dùng kim tiển (tên vàng) nhất định là một vị cao nhân nên mới khắc đồ họa tinh vi vào mủi tên.
Chàng chuyển động mục quang ngó tới cái bàn phủ lụa bạch. Chiếc bàn này cũng điêu khắc những nét vẽ rất đẹp. Chàng tự hỏi:
-Không hiểu trong đó để thứ gì, tại sao lại che đậy bằng tấm lụa bạch? Ta chỉ cần hé mở một góc là nhìn rõ cái gì ngay chứ không phải đụng đến nó.
Lòng hiếu kỳ lên cao tột độ, Tiêu Lĩnh Vu bất giác thò tay mặt ra toan mở tấm lụa bạch đậy trên bàn thì đột nhiên có thanh âm lạnh lùng quát lên:
-Chớ có đụng vào!
Tiêu Lĩnh Vu vội rụt tay về ngảnh đầu trông ra thấy một tên đạo đồng chừng 15,16 tuổi đứng ngay ở trước cửa. Vẻ mặt rất nghiêm nghị, gã dương cặp mắt tròn xoe lên nhìn chàng chầm chập.
Vân Dương Tử bỗng mở bừng mắt ra mĩm cười nói:
-Hài tử, trong chiếc mâm phủ lụa bạch để trên bàn đó toàn để những vật thuốc độc nên gã không để ngươi đụng vào chỉ là vì hảo tâm, chứ không có ý gì khác.
Tiêu Lĩnh Vu hỗ thẹn, mặt nóng bừng. Chàng từ từ lui về ghế ngồi.
Tên đạo đồng kia chắp tay nói.
-Chuởng môn sư tôn mời sư phụ ra.
Vân Dương Tử hỏi:
-Khách đi rồi ư?
Ðạo đồng đáp:
-Ðệ tử được Thanh Hạc sư huynh nói là chưởng môn sư tôn truyền dụ mời sư phụ, nhưng y không nhắc tới chuyện khách đã đi hay chưa?
Vân Dương Tử quay lại ngó Tiêu Lĩnh Vu chưa kịp lên tiếng thì tên đạo đồng đã nói tiếp:
-Chưởng môn sư tôn còn xin sư phụ dẫn cả Tiêu thí chủ ra theo.
Vân Dương Tử khẻ gật gật rồi dẫn Tiêu Lĩnh Vi đi ngay.
Hai người đến Ðan thất của Vô Vi đạo trưởng thấy lão hai tay chấp để sau lưng đứng trước lò luyện đan. Cặp mắt lão chú ý nhìn lửa cháy bốc khói xanh. Giữa hai mí mắt bao phủ một làn uất khí lo buồn.
Vân Dương Tử hơi chấn động tâm thần chắp tay nghiêng mình nói:
-Tiểu đệ ra mắt chưởng môn sư huynh.
Vô Vi đạo trưởng từ từ ngửng đầu lên ngó Vân Dương Tử rồi nói:
-Sư đệ bất tất phải đa lễ. Hãy ngồi xuống đó.
Vân Dương Tử ngồi xuống rồi kính cẩn hỏi:
-Chưởng môn sư huynh kêu tiểu đệ, không hiểu có điều chi dạy bảo?
Lão đã nhìn thấy tình thế nghiêm trọng lộ ra nơi khóe mắt Vô Vi đạo trưởng.
Vô Vi đạo trưởng tuy mình mang võ công thượng thặng, đã luyện được tuyệt kỹ của phái Võ Ðương. Nhưng lão bản tính điềm đạm, không muốn tranh giành danh lợi trong võ lâm. Lão đã hạ lệnh cho bọn đệ tử bản phái không được gây thù gây oán với ai và nếu không có chuyện khẩn yếu không được xuống núi. Vì thế mà sau khi lão lên tiếp thụ chức chưởng môn, bọn môn hạ phái Võ Ðương rất ít người qua lại giang hồ mà cũng chẳng mấy khi đi lại với các môn phái lớn. Gặp trường hợp vì sự thù tiếp không tiện chối từ, lão đành để Vân Dương Tử đi đại diện cho mình. Vì thế mà thanh danh của Vân Dương Tử có phần được tôn trọng hơn cả chưởng môn sư huynh.
Vô Vi đạo trưởng đã coi đạm bạc mùi danh lợi lại biến thành tính hiền hòa. Vân Dương Tử nhớ rằng từ trước đến nay chưa bao giờ lão thấy chưởng môn sư huynh lộ vẻ lo buồn. Bất luận lúc nào và ở nơi đâu sư huynh lão cũng nỡ một nụ cười hiền hòa. Bây giờ lão thấy nỗi đau khổ lộ ra ngoài mặt thì biết ngay sư huynh gặp điều gì rất nghiêm trọng.
Vân Dương Tử thủy chung cực kỳ kính trọng đại sư huynh, bây giờ lão muốn nói mấy lời cho sư huynh yên lòng mà không thể mở miệng.
Vô Vi đạo trưởng đưa mục quang ngó Tiêu Lĩnh Vu nói:
-Bần đạo tuy không có ý định lấy bảo tàng trong cung cấm, nhưng di thể của tiên sư tổ chẳng thể bỏ đó mà không nhìn tới. Vì vậy bần đạo dù chẳng muốn dúng tay vào những chuyện thị phi trên chốn giang hồ mà vụ này không thể làm ngơ
được, nhưng bần đạo trước nay vẫn coi trọng chủ nhân, chẳng bao giờ ép uổng.Vậy vụ này tùy tiểu thí chủ quyết định.
Tiêu Lĩnh Vu ngơ ngác hỏi lại:
-Tùy tiểu tử quyết định ư?
Vô Vi đạo trưởng đáp:
-Ðúng thế! Bần đạo muốn tiểu thí chủ quyết định.
Tiêu Lĩnh Vu lại hỏi:
-Quyết định thế nào?
Vô Vi đạo trưởng thở dài đáp:
-Vừa rồi bần đạo tiếp kiến mấy vị cao thủ trong võ lâm cùng hai vị cao tăng chùa Thiếu Lâm...
Vân Dương Tử hơi biến sắc hỏi ngay:
-Bọn họ đến đây làm chi?
Vô Vi đạo trưởng đưa mắt ngó Tiêu Lĩnh Vu đáp:
-Vì vị tiểu thí chủ này.
Vân Dương Tử hắng dặng một tiếng rồi nói:
-Bọn họ không điều tra được Khâu vân Cô và Khâu Tiểu San lạc lõng nơi đâu nên nẩy ra chủ ý nhằm vào chú nhỏ này.
Vô Vi đạo trưởng cười mát nói:
-Ta không thể trách họ được. Chiếc chìa khóa cung cấm kia có liên quan rất rộng. Trong cung cấm ngoài báu vật trấn sơn của bốn phái lớn, còn di bảo tùy thân của sáu vị cao nhân tuyệt đại. Ngoài ra mười vị võ lâm tiền bối sống chết thế nào,lạc lỏng nơi đâu đều liên quan đến vụ này. Bao nhiêu lý do khiến họ đi tìm kiếm chiếc chìa khóa cung cấm.
Vân Dương Tử nói:
-Nhưng chú nhỏ này chẳng có liên quan mảy may gì đến chiếc chìa khóa cung cấm kia. Hơn nữa y đã chẳng hiểu võ công lại mình mang tuyệt chứng. Chúng ta chẳng thể điềm nhiên để họ hành hạ chú nhỏ này.
Vân Dương Tử ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
-Hởi ơi! Phần nhiều những nhân vật võ lâm đều thủ đoạn thâm độc. Nếu thằng nhỏ này mà lọt vào tay họ, tất họ sẽ dùng lại gã để uy hiếp Khâu Vân Cô hoặc Khâu Tiểu San phải lộ diện và đổi chiếc chỉa khóa cung cấm lấy mạng sống của gã. Việc nầy chúng ta không thể nghe họ được.
Vô Vi đạo trưởng thở dài đáp:
-Vì thế mà ta phải để cho Tiêu Lĩnh Vu tự quyết định nếu gã không muốn ở đây thì chính ta cũng đừng cưởng bách, làm khó dễ với gã.
Vân Dương Tử đã biết sư huynh là người chán chường danh lợi nhưng trong lòng lỗi lạc nên không dám nói nhiều. Lão đưa mắt nhìn Tiêu Lĩnh Vu nói:
-Hài tử! Vụ nầy để tùy ngươi quyết định. Nếu ngươi muốn đi theo người thì chúng ta cũng không tiện lưu lại. Bằng ngươi muốn ở đây thì phái Võ Ðương ta tự nhiên phải hết sức bảo vệ cho, không để người ngoài làm thương tổn đến thân thể ngươi.
Tiêu Lĩnh Vu nghĩ thầm:
-Võ Ðương là một môn phái lớn quả nhiên cách hành động khác xa với Trung Châu Nhị Cổ.
Chàng chuyển động mục quang ngó thấy Vô Vi đạo trưởng cùng Vân Dương Tử đang dương mắt lên nhìn chàng. Nhất là Vân Dương Tử lộ vẻ trông đợi lời quyết định của chàng.
Tiêu Lĩnh Vu trong lòng xoay chuyển ý nghĩ. Trong lúc nhất thời chàng không quyết được. Chàng biết Vô Vi đạo trưởng và Vân Dương Tử rất hết lòng với mình,ở lại đây tựa hồ hơn là lọt vào tay kẻ khác. Nhưng chàng lại sợ mình ưng chịu ở đây thì ngày sau Khâu Tiểu San tìm đến núi Võ Ðương, Vân Dương Tử cùng Vô Vi đạo trưởng không chịu buông tha mình xuống nữa...
Tuy chàng đi theo Khâu Tiểu San một thời gian chưa lâu, nhưng đã nhận ra những nhân vật võ lâm cực kỳ xảo trá nên lòng chàng rất đổi băn khoăn. Tuy Vô Vi đạo trưởng và Vân Dưong Tử không phải hạng người như bọn Trung Châu Nhị Cổ mà lòng chàng vẫn chưa tẩy hết nỗi hoài nghi nên không dám theo lời một cách khinh xuất.
Bỗng nghe Vân Dương Tử cất tiếng hỏi:
-Hài tử ngươi còn chưa quyết định ư?
Tiêu Lĩnh Vu lắc đầu đáp:
-Tiểu tử còn đang suy nghĩ.
Vô Vi đạo trưởng cất giọng hiền hòa nói:
-Hài tử! Ngươi nghĩ sao cứ vậy mà nói, không nên miễn cưỡng.
Tiêu Lĩnh Vu hỏi:
-Nếu tiểu tử chịu lời ở lại đây thì ngày sau khi Khâu tỷ tỷ đến kiếm tiểu tử có thể đi theo y được không?
Vô Vi đạo trưởng và Vân Dương Tử không ngờ chàng hỏi câu nầy, bất giác ngẩn người ra.
Tiêu Lĩnh Vu nói bằng một giọng kiên quyết:
-Hai vị đạo trưởng thật khác xa bọn người tệ hại. Mấy ngày tiểu tử ở đây trong lòng xiết bao cảm kích.
Nếu tiểu tử ở lại thì xin hai vị ưng cho tiểu tử một điều.

Truyện Hồi 101 Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 82 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172 Hồi 173 Hồi 174 Hồi 175 Hồi 176 Hồi 177