THẾ UYÊN dịch và chú giải
CHƯƠNG 2(tt)
Ý thức hệ chính trị

    
uyên truyền loại quảng cáo thường giới hạn trong các chiến dịch cách nhau lâu hay mau, mà điển hình là chiến dịch tranh cử. Đó là một cuộc trình bày giá trị của một số ý tưởng hay một sốngười nào đó bằng cách phương thức giới hạn rõ rệt, là cách biểu lộ thông thường của hoạt động chính trị. Sự hòa lẫn ý thức hệ với chính trị mang lại một loại tuyên truyền khác, có khuynh hướng độc tài, liên hệ chặt chẽ với tiến diễn chiến thuật, điều động tất cả các động lực con người - không phải bằng một hoạt động cục bộ và nhất thời nữa nhưng lộ trình ngay sự biểu lộ của chính trị đang vận hành, như một ý chí muốn cải cách, chinh phục và khai thác. Thứ tuyên truyền này liên hệ với sự gia nhập của các ý thức hệ chính trị lớn có tính chất xâm lược vào lịch sử hiện đại (chủ nghĩa dân chính [4], chủ nghĩa Mác, phát xít) cũng như liên hệ với sự đối nghịch của nhiều quốc gia hay nhiều khối quốc gia trong các cuộc chiến tranh mới.
Chính cuộc cách mạng Pháp đánh dấu thực sự mở đầu của thứ tuyên truyền chính trị này: danh từ tuyên truyền được sử dụng kể từ năm 1795; tại Alsace có hình thành một hội lấy tên là “tuyên truyền” có mục tiêu phổ biến các ý tưởng cách mạng. Các câu lạc bộ, các hội nghị, các ủy ban cách mạng đã là nơi phát xuất các bài diễn văn tuyên truyền đầu tiên, các đợt tấn công tuyên truyền đầu tiên. Chính các tổ chức này đã lao vào cuộc chiến tranh đầu tiên về tuyên truyền và mở ra cuộc tuyên truyền chiến tranh đầu tiên. Đây là lần đầu tiên một quốc gia tự giải phóng và tổ chức nhân danh một chủ thuyết được tức khắc coi như có giá trị phổ quát. Đây cũng là lần đầu một chính sách đối nội và đối ngoại đi đôi cùng với sự lan tràn của một ý thức hệ và do đó tự nhiên làm phát xuất ra tuyên truyền. Bài ca La Marseillaise, chiếc mũ chỏm cao, ngày lễ kỷ niệm phá ngục Bastille, lễ Thượng đế (Être suprème), các hệ thống câu lạc bộ Jacobin, cuộc diễu hành về Versailles, các cuộc biểu tình của quần chúng chống lại các quốc hội, đoạn đầu đài đặt tại các công trường, các bài đả kích của tờ L’Ami du peuple, các lời nguyền rủa của tờ Père Duchêne, tất cả các phương lược phương kế của tuyên truyền hiện đại đều đã được khai trương vào lúc ấy.
Từ cuộc cách mạng cũng làm phát sinh ra một loại chiến tranh mới. Tất cả các năng lực của quốc gia lần lần bị động viên tới mức độ chiến tranh toàn diện, mức độ Ernst Junger tưởng đã đạt vào năm 1914 nhưng thực ra chỉ đạt tới vào lúc Đệ nhị Thế chiến. Từ năm 1791, ý thức hệ liên hệ với vũ khí trong việc chỉ đạo các cuộc chiến tranh, và tuyên truyền trở thành phương tiện phụ lực cho chiến lược, thành vấn đề phải giải quyết để tạo ra đoàn kết và hăng hái bên phía mình, gây hỗn loạn và sợ hãi cho bên phía địch. Mỗi ngày một phá tan thêm sự phân biệt hậu phương với tiền tuyến, chiến tranh toàn diện mang lại môi trường hoạt động cho tuyên truyền không những ở trong quân đội mà còn ở cả trong dân chúng. Lý do bởi vì có lẽ ta chắc chắn phá được quân đội bằng cách nhắm vào dân chúng, ta có thể còn làm ngay chính dân chúng nổi loạn và tạo ra tại hậu phương địch những loại lính mới mẻ, đàn ông, đàn bà, trẻ con, gián điệp, đặc công phá hoại hay du kích quân. Ta chẳng bao giờ nhấn mạnh đúng mức chiến tranh hiện đại đã chuẩn bị chiến trường cho tuyên truyền ra sao bằng sự sôi nổi bồng bột, tính dễ tin và tính ưa thiện ác phân minh một cách quá tình cảm. Kiểu “nhồi sọ” của những năm 1914-18 đã mở đường cho những lời nói dối thô tục của chủ nghĩa Quốc xã. Tất cả một ngữ vựng đe dọa, tất cả một huyền thoại về sự đi chinh phục đều trực tiếp thoát thai từ những cuộc chiến tranh mới đây. Cũng như đối với các máy móc cơ khí, chiến tranh đã là phòng thí nghiệm cho các kỹ thuật tuyên truyền. Tuyên truyền liên hệ chặt chẽ với chiến tranh đến mức độ nó thay thế một cách tự nhiên cho chiến tranh: kể từ sau năm 1917 tuyên truyền đã nuôi dưỡng “chiến tranh lạnh” cũng như nó đã nuôi dưỡng “chiến tranh cân não” năm 1939... Tuyên truyền hiện nay, chính là chiến tranh được theo đuổi bằng những phương tiện khác.
Mối liên hệ giữa ý thức hệ và chiến tranh ấy được xét lại, mang đến một bình diện khác và được hoàn thiện bởi chủ nghĩa mác xít Lê-ni-nít. Chủ nghĩa Mác cũng thay thế dần dần chủ nghĩa Blanqui [5] và loại nổi dậy tự phát kiểu những ngày tháng Sáu bằng chiến lược cách mạng quần chúng. Một yếu tố quyết định khác của thế kỷ 19 là phong trào thợ thuyền đã tạo ra một cộng đồng siêu quốc gia được khích động bởi huyền thoại của chính mình. Chúng ta không được quên rằng đảng của quần chúng (parti de masse) là do phe dân chủ xã hội phát triển ra và chính phe này đã thử dùng một số kỹ thuật tuyên truyền (diễu hành, biểu tình...) được sử dụng thông thường sau này. Nhưng Lénine còn đi xa hơn: các quần chúng dân chủ xã hội ấy đã bị rơi vào tay các chính trị gia bị tư sản hóa nên ông muốn tạo sinh động cho các quần chúng bằng sách động và tuyên truyền. Phối hợp nổi loạn với tuyên truyền, ngay giữa khi có chiến tranh. Lénine và Trotsky [6] đã thành công trong việc làm tan rã quân đội và chính quyền, và thiết lập một cuộc cách mạng bôn-sê-vích, Như J. Monnerot đã viết về vấn đề này: “Như vậy có thể sử dụng được các sức mạnh phá hoại chứa chất trong cái tình tự và hận thù của con người. Các chuyên viên có thể điều động được các sức mạnh phá hoại ấy một cách tập trung tương tự như các chất nổ vật chất vậy”. Bài học này không bị bỏ uổng. Nền chính trị của Nga sô đã giữ được bài học ấy cũng như Hitler đã biết lấy ý rất nhiều từ đó.
Chủ nghĩa dân chính (Jacobisme) và các ý thức hệ lớn hiện đại đã thế tục hóa tuyên truyền như vậy đó. Liệu tuyên truyền, tới một khúc rẽ nào đó, sẽ trở ngược về nguồn gốc của nó không? Đây chính lại là vấn đề có một niềm tin để truyền bá đi hay không - de fide propaganda - một niềm tin dĩ nhiên rất là trần tục, nhưng cách thế biểu lộ và phổ biến ắt mượn rất nhiều ở tâm lý học và các kỹ thuật của các tôn giáo. Nền tuyên truyền đầu tiên của Kitô giáo căn cứ rất nhiều ở huyền thoại ngày tận thế. Các tuyên truyền chính trị mới cũng căn cứ nhiều vào một huyền thoại về giải phóng và cứu rỗi, nhưng liên hệ với bản năng ham quyền lực và thích chiến đấu - một huyền thoại vừa hiếu chiến vừa cách mạng. Danh từ “huyền thoại” ở đây chúng tôi sử dụng theo nghĩa của Sorel đã cho: “Những người tham dự vào các biến cố xã hội lớn lao thường trình bày hành động của mình dưới hình thức các hình ảnh các trận giao tranh bảo đảm sự thành công của chính nghĩa họ. Tôi đề nghị gọi các sự sắp xếp xây dựng này là huyền thoại”. Các huyền thoại tiếp cận được tới phần sâu thẳm nhất của vô thức con người này thường là các trình bày có tính cách lý tưởng và vô lý liên quan tới sự đấu tranh. Chúng có một giá trị kích động và tạo đoàn kết mạnh mẽ đối với quần chúng.
Các nền tuyên truyền lớn đều khai thác sâu đậm từ cùng những nguồn ấy. Cũng một lịch sử quân sự và cách mạng - nghĩa là lịch sử của Âu châu - ấy, cũng một nguyện vọng về một cộng đồng đã mất ấy đều đã khởi hứng cho chúng. Nhưng dị biệt là ở cách thế chúng điều hợp và hướng dẫn các giấc mơ cũ kỹ đã bị xã hội tân tiến dồn ép và khích động.
Chú thích:
[1] César: quý tộc cổ La Mã (110-44 trước Công nguyên), chính khách và tướng có tài, sau khi chiến thắng tất cả kẻ địch, lên nắm quyền cai trị đế quốc La Mã. Bị một nhóm quý tộc khác ám sát tại Nguyên lão nghị viện.
[2] Charlemagne: một vị vua Âu châu (742-814) có tài cầm quân, tung hoành nhiều nơi, cũng là một nhà lập pháp có tài, cai trị Pháp và một phần Âu châu.
[3] Louis XIV; vua nước Pháp (1638-1715), một trong những vị vua Âu châu đã thành lập được một triều đại huy hoàng nhất, đã cho xây cất cung điện Versailles.
[4] Chủ nghĩa dân chính, Jacobinisme: chủ thuyết của đảng cực đoan trong hội nghị Quốc ước thời cách mạng Pháp, ủng hộ nhiệt thành chế độ dân chủ và nhiệt liệt chống việc thành lập liên minh Âu châu. Những người theo chủ thuyết này đã ủng hộ Robespierre tới cùng.
[5] Chủ nghĩa Blanqui: chủ thuyết do hai anh em Blanqui đề ra ở đầu thế kỷ 19, Blanqui anh là kinh tế gia, Blanqui em là cách mạng gia đã tham dự vào cách mạng 1848 của Pháp.
[6] Trotsky: nhà cách mạng gia Nga, người cộng sự của Lénine năm 1917, ủy viên chiến tranh của chế độ bôn-sê-vích từ 1918 đến 1925 cha đẻ của Hồng quân Nga. Bị Stalin tranh quyền, trục xuất sang Mehico và bị ám sát ở đó năm 1939. Ông là lý thuyết của học thuyết cách mạng thường trực và là sáng lập viên của Đệ tứ Quốc tế Cộng sản.