THẾ UYÊN dịch và chú giải
CHƯƠNG 5
Các quy tắc và kỹ thuật tuyên truyền

Các quy tắc và kỹ thuật

    
hư vậy tuyên truyền đã có một lịch sử. Cách thế Cộng sản và Quốc xã đã sử dụng tuyên truyền, dĩ nhiên bằng những kiểu rất khác nhau, rất quý giá cho ta trong việc rút ra một số quy luật tuyên truyền. Chúng ta sẽ làm việc đó sau đây một cách khách quan nhất có thể được, tránh tất cả mọi e thẹn giả dối. Nếu có người tức giận vì thế, chúng tôi xin phép được nhắc lại rằng trong một thời kỳ chưa xa đây lắm - thời kỳ các nghiên cứu này đã được áp dụng ngay trước khi soạn thảo - một thời kỳ mà tuyên truyền là một cuộc đấu tranh thường nhật, chứ chưa thành một đề tài gây tò mò hay một hoạt động thứ yếu như bây giờ. Vào thời kỳ ấy [1] chúng ta đã bị ở trong mạng lưới của tuyên truyền và đi từ các lời nói tới hành động rất nhanh: hoàn toàn bị thuyết phục tin tưởng ở “trật tự mới” [2], tất cả những ai nghe Philippe Henriot chính đều là những kẻ tố giác chính cống. Nhưng cứ làm cho một người theo kháng chiến là lại lấy đi được của địch một người lính và thêm cho quốc gia một chiến binh [3]. Như vậy vấn đề đầu tiên là thuyết phục để chiến thắng chứ không phải là ngồi lý luận. Cái thứ tuyên truyền mà những người tế nhị đã khinh bỉ ấy, đã trở thành vô cùng hiệu lực trong tay dân Quốc xã và người Pháp hồi đó dù muốn hay không cũng đã phải học để chống lại kẻ địch. Thời kỳ đó của lịch sử chúng ta đã biện minh cho sự kiện ta chú trọng tới các hình thái của tuyên truyền, kể cả những hình thái quá độ và đồi trụy nhất. Dù rằng hiện nay là đang trải qua tại Tây Âu một thời kỳ tuyên truyền giới hạn và nhẹ, cũng chẳng vìthế mà ta không nên biết cái gì đã biết, hay tránh được cho ta nỗi hiểm nguy có thể lại phải trải qua một thời kỳ tuyên truyền toàn diện mới.
Chẳng ai có thể thu hẹp tuyên truyền vào trong một số định luật. Tuyên truyền có tính cách đa hình và sử dụng các phương sách phương tiện kể như vô hạn định. Như Goebbels đã nói: “Tuyên truyền là mang ý tưởng di dời khắp nơi, đến tận cả xe điện ngầm. Các biến thái, tính chất mềm dẻo dễ thích ứng cùng các hậu quả của tuyên truyền đều vô giới hạn”. Nhà tuyên truyền đích thực, kẻ muốn thuyết phục ấy, áp dụng tất cả mọi phương kế tùy theo tính chất của ý tưởng cùng những người nghe. Nhưng trước hết, hắn tác động bằng sự lan truyền của niềm tin cá nhân, bằng các đức tin riêng về khả năng gây cảm tình và hùng biện. Đó không phải là các yếu tố ta có thể đem ra đo lường dễ dàng, dầu rằng tuyên truyền quần chúng sẽ ít hiệu lực nếu không được yểm trợ bằng một nỗ lực kiên trì cùng bằng nhiều cố gắng tuyên truyền cá nhân.
Tuyên truyền cá nhân bao gồm: đối thoại đơn giản, phân phối truyền đơn và báo chí, hay hệ thống hóa hơn bằng cách đến từng nhà, nghĩa là lần lượt đến gõ cửa lần lượt tất cả các nhà trong một khu phố để giới thiệu các báo chí hay các bản kiến nghị, và nếu có thể thì lấy đó làm cớ bắt chuyện.
Việc lên tiếng đưa chúng ta vào con đường tuyên truyền quần chúng. Đó là phương thức ưa dùng nhất của người “xách động” Cộng sản, kẻ lợi dụng bất cứ một biến cố nào đó để thốt ra một bài diễn văn càng ngắn và càng rõ bao nhiêu càng tốt.
Các rường cột về kỹ thuật của tuyên truyền thì rất nhiều và rất mạnh. Chúng tôi không thể bàn luận chi tiết tất cả ở đây. Chúng tôi chỉ đưa ra một bản lược duyệt thôi.
Ấn phẩm
Sách, dù đắt tiền và đọc mất nhiều thì giờ, vẫn là một dụng cụ cơ bản. Xin hãy nghĩ tới mức độ quan trọng của bản Tuyên ngôn Cộng sản [4] (Manifeste communiste), các tác phẩm của Lénine và Staline, trong nền tuyên truyền Cộng sản, cũng như số ấn phẩm của cuốn Mein Kampt [5] tại nước Đức.
Các bài văn châm biếm, khí giới hảo hạng của tuyên truyền trong thế kỷ trước, nay được Cộng sản sử dụng, nhưng hầu như nhằm riêng cho giới trí thức.
Báo chí là dụng cụ chính của tuyên truyền bằng ấn phẩm, kể từ các nhật báo lớn đến báo khu phố hay xưởng máy, phổ biến thông thường hay dán lên tường (bích báo).
Sau hết, bích chương và truyền đơn, những thứ cần phải soạn thảo vắn tắt và mạnh mẽ; truyền đơn có lợi điểm là ít cồng kềnh và có thể phân phối dễ dàng, bí mật. Khi truyền đơn bị thu gọn lại còn một khẩu hiệu hay một biểu tượng, nó được gọi là truyền đơn loại nhỏ (papillon).
Lời nói
Hiển nhiên công cụ truyền bá chính của lời nói là vô tuyến truyền thanh (radio). Các đài phát thanh, nhất là loại làn sóng ngắn đã được sử dụng trong thời chiến và hiện đượcsử dụng cho các mục tiêu quốc nội hay đối ngoại. Người ta nhận thấy rằng giọng nói con người mang lại cho luận cứ một sức sống, một hiện diện không có trong bản văn chữ in, nên giọng nói đã làm cho luận cứ mạnh mẽ lên rất nhiều. Tại Hoa Kỳ, giọng nói các xướng ngôn viên được xét theo mức độ khả năng quyến rũ. Trong thời gian bầu cử, vô tuyến truyền thanh có thể để các đảng phái chính trị tạm thời sử dụng. Thông thường hơn, vô tuyến truyền thanh được các chính quyền dùng để yểm trợ các quan niệm và chính sách của mình trong các chương trình phát thanh nhằm vào dân tộc mình hay các dân tộc ngoại quốc. Ảnh hưởng của vô tuyến truyền thanh có thể tăng thêm bằng lối “nghe tập thể” [6].
Máy khuyếch âm (haut-parleur) được dùng trong các buổi họp công cộng. Nhưng cũng có thể di chuyển theo ý muốn: mọi người đã dùng cách này ngoài tiền tuyến những năm 1939-40 và trong cuộc nội chiến Trung Hoa. Loa thường được đặt trên xe vận tải: trong chiến dịch tuyển cử tháng 6-1950, Đảng Xã hội Bỉ đã dùng các xe trang bị như thế. Các xe này ngừng bất ngờ tại một thị xã, sau vài đĩa nhạc làm dân cư chú ý, một diễn giả lên tiếng trình bày tại máy vi âm. Phương pháp này có lợi điểm là tác động tại chỗ những người nào không muốn tới dự các buổi hội họp. Tại Việt Nam [7], chính phủ Pháp cũng đã sử dụng các xe phóng thanh, nhưng lôi cuốn sự chú ý của dân chúng bằng một cửa hàng tạp hóa lưu động.
Bài hát cũng là một phương tiện chuyên chở tuyên truyền, nếu là những bài hát cách mạng, chính trị, anh hùng ca hay châm biếm (loại chót này là một võ khí ưa dùng nhất của các phe đối lập). Hãy nhớ lại các bài La MarseillaiseL’Internationnale [8], cũng như sự thành công của các bài ca châm biếm trong các buổi phát thanh tiếng Pháp của đài BBC [9].
 
Hình ảnh
Hình ảnh có rất nhiều loại: ảnh chụp, ký họa và tranh châm biếm, huy hiệu và biểu tượng chân dung các lãnh tụ. Hiển nhiên hình ảnh là khí cụ tuyên truyền hiệu lực và gây xúc động mạnh nhất. Việc tiếp nhận hình ảnh rất nhanh và không vất vả gì hết.
Đi kèm với một chú giải ngắn, hình ảnh thay thế rất lợi cho bất cứ một bài văn hay diễnvăn nào. Tuyên truyền thường thích tóm lược nội dung của mình bằng các hình ảnh như thế, như chúng ta sẽ có dịp thấy khi bàn về các biểu tượng.
Trình diễn (Spectacle)
Sau hết, trình diễn là một yếu tố chính yếu của tuyên truyền. Cuộc cách mạng Pháp, đã từng làm David trở thành một “bậc đại sư của các ngày lễ Cộng hòa” [10], đã có năng khiếu về các cuộc biểu tình của quần chúng, được tổ chức và dàn cảnh vĩ đại: (Ngày lễ Liên bang, ngày lễ Đấng tối cao). Napoléon đã nhớ bài học đó. Còn về phần Hitler, ông ta đã biết tổ chức rất khéo léo các cuộc biểu tình khổng lồ theo kiểu vừa có tính cách trang nghiêm của tôn giáo vừa có tính cách thể thao: Hội nghị đảng tại Nuremberg, rước đuốc (tất cả cái gì là lửa và ánh sáng trong bóng đêm đều tác động đến phần sâu thẳm nhất của huyền thoại con người).
Tuyên truyền còn len lỏi đến tận các nghi lễ mai táng. Không có một quang cảnh nào gây xúc động sâu đắm đến tâm hồn người hiện đại và mang lại được nhiều thứ tình tự cảm thông tôn giáo bằng nghi lễ mai táng. Như Péguy [11] đã ghi nhận, đó là điều duy nhất chế độ Cộng hòa dân chính và thế quyền của chúng ta đã thực hiện được với một vẻ huy hoàng nào đó. Goebbels tổ chức kỹ lưỡng và theo một cách thế kích động lớn lao đám tang của các cấp lãnh đạo đảng; Plievier trong cuốn Stalingrad kể lại là Goebbels đã đi tới mức tổ chức nghi lễ quân táng tập thể cho tất cả lộ quân thứ 6 của Đức trong khi một phần của lộ quân này còn tiếp tục chiến đấu tại Stalingrad [12]. Dù không còn làm những vụ dàn cảnh kiểu Hitler huy hoàng lãng mạn, ngày nay ít có cuộc biểu tình chính trị nào lại không bao gồm một phần trình diễn, không những để lôi cuốn và giải trí đám đông, nhưng còn để thầm kín đáp lại lòng tiếc nuối của quần chúng về một nghi lễ tập thể đã mai một.
Tuồng kịch (théâtre) đã giữ một vai trò lớn trong cách mạng Pháp, đã lại tìm thấy hiệu lực tuyên truyền trong cuộc Cách mạng Bôn-sê-vích. Các hài kịch (sketches) giản dị, thích ứng với các cử tọa dị biệt (quân đội, nông dân...) đã tr&!!!15511_5.htm!!! Đã xem 9961 lần.

Đánh máy : Nguyễn Học
Scan et Hiệu Đính: HuyTran
Nguồn: HuyTran - VNthuquan.net - Thư viện Online
Nhà xuất bản THÁI ĐỘ
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 11 tháng 5 năm 2015