---~~~mucluc~~~---

QUYỂN Hai
CHƯƠNG 22
Jamila Ca sĩ

     ó hóa ra là một khứu giác nhạy bén tới mức có thể nhận biết được mùi nồng nặc nhớp nháp của sự đạo đức giả đằng sau nụ cười hồ hởi mà bà bác không chồng Alia dùng để chào đón chúng tôi ở cầu cảng Karachi. Trở nên cay nghiệt không thể nào cứu vãn từ khi cha tôi bội bạc ngã vào vòng tay em bà nhiều năm trước, bà bác hiệu trưởng của tôi đã trở thành một hình hài đồ sộ, nặng nề của niềm ghen tuông chưa hề mờ nhạt; lớp lông đen, rậm của nỗi oán hận tua tủa mọc lên từ hầu hết mọi lỗ hở trên da bà. Và có thể bà đã lừa được cha mẹ tôi và Jamila bằng vòng tay dang rộng, bằng dáng chạy lạch bạch về phía chúng tôi, bằng tiếng reo vui “Ahmed bhai, đợi mãi! Nhưng thà muộn còn hơn không!”, bằng lời mời hiếu khách – và tất yếu sẽ được nhận lời – của con yêu nhền nhện; nhưng tôi, kẻ đã từng sống gần hết thời thơ bé trong mớ găng tay cay đắng và mũ quả bông của lòng đố kỵ của bà, kẻ đã bị nhiễm (mà không hề biết) căn bệnh thất bại từ những món đồ em bé có bề ngoài vô hại mà trong đó bà đã đan vào lòng thù hận của mình, và người, thêm vào đó, vẫn nhớ rất rõ cảm giác khi bị khát vọng trả thù ám ảnh, tôi, Saleem-bị-hút-kiệt, ngửi thấy ngay mùi phục hận rỉ ra từ các tuyến nội tiết của bà. Tôi, tuy vậy, hoàn toàn bất lực trong việc phản đối; chúng tôi bị lùa lên chiếc Datsun[1] của chí phục thù của bà rồi bị chở theo đường Bunder tới nhà bà ở Guru Mandir – như một bầy ruồi, nhưng còn ngu ngốc hơn, vì chúng tôi ăn mừng việc bị cầm tù.
[1] Một model ô tô do hãng Nissan sản xuất.
… Nhưng cái khứu giác ấy thật ghê gớm! Phần đông chúng ta bị giới hạn, từ lúc nằm nôi, chỉ có khả năng nhận biết một phổ mùi hẹp nhất có thể; tôi, tuy nhiên, trước nay chẳng hề ngửi thấy mùi gì, và bởi thể không hề biết đến mọi sự kiêng kỵ về mùi. Hệ quả là tôi có xu hướng không làm bộ thản nhiên khi ai đó phát trung tiện – điều làm tôi gặp phải không ít rắc rối với phụ huynh; tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự tự do khứu giác cho phép tôi hít được nhiều hơn rất rất nhiều so với những mùi có nguồn gốc thuần túy vật chất mà phần còn lại của nhân loại bằng lòng với việc ngửi thấy chúng. Vậy là, kể từ những ngày đầu tiên của tuổi thiếu niên trên đất Pakistan, tôi bắt đầu thu nạp những hương vị bí ẩn của thế gian, mùi thơm nồng nhiệt nhưng chóng phai của ái tình chớm nở, tới mùi cay âm trầm hơn, dai dẳng hơn của thù hận. (Không bao lâu sau khi đặt chân lên “Xứ Sở của những kẻ Thuần Khiết,” tôi đã phát giác trong bản thân sự nhơ bẩn tột cùng của tình yêu em gái; và ngọn lửa âm ỉ trong bác tôi đã xộc vào cánh mũi tôi từ sớm.) Mũi sẽ đem lại kiến thức, nhưng quyền-năng-tác-động-lên-sự-kiện thì không; cuộc xâm lăng Pakistan của tôi, vũ trang (nếu đó là từ phù hợp) chỉ bằng biến tướng mới của gien di truyền về mũi, đã cho tôi năng lực đánh-hơi-ra-sự-thật, ngửi-thấy-có-gì-trong-không-khí, và lần theo dấu vết; nhưng không cho tôi năng lực duy nhất mà kẻ xâm lăng cần đến; sức mạnh để chế ngự kẻ thù.
Tôi sẽ không phủ nhận: tôi chưa bao giờ tha thứ cho Karachi vì không là Bombay. Nằm giữa sa mạc và những con suối nước mặn ảm đạm, trên bờ lô nhô những rặng đước lùn, thành phố mới dường như có một bề ngoài xấu xí đến mức lu mờ cả sự xấu xí của tôi; do phát triển quá nhanh – dân số tăng gấp bốn lần từ 1947 – nó có hình thù dị dạng đầy u bướu của một gã lùn khổng lồ. Vào sinh nhật thứ mười sáu, tôi được tặng một chiếc xe tay ga Lambretta; cưỡi chiếc xe không cửa kính đi khắp phố phường, tôi hít thở mùi tuyệt vọng cam chịu số kiếp của cư dân khu ổ chuột và thái độ phòng thủ đầy tự mãn của đám nhà giàu; tôi bị hút theo dấu mùi của những số phận trắng tay và cả sự cuồng tín, bị lùa xuống một hành lang dài dưới lòng đất mà cuối đường là cánh cửa dẫn đến Tai Bihi, người điếm già nhất thế gian… nhưng tôi đang đánh mất sự tự chủ. Trung tâm của Karachi của tôi là nhà của Alia Azia, một tòa nhà lớn, cũ kỹ trên đường Clayton (bà hẳn đã dật dờ ở đây suốt nhiều năm như một hồn ma không có ai để ám), một kiến trúc của bóng tối và sơn đã ố vàng, chiều chiều lại nằm ở khu này. Kể cả khi, nhiều năm sau, ở ghetto của giới ảo thuật, sống dưới cái bóng của một thánh đường khác, cái bóng từng (ít ra trong một thời gian) là một vùng nửa tối chở che và không đe dọa, tôi chưa bao giờ đánh mất cái nhìn hình thành ở Karachi về bóng râm của các thánh đường, mà ở đó, tôi luôn thấy như ngửi thấy mùi hẹp hòi, căm hận, kết tội của bác tôi. Người ẩn nhẫn chờ thời: nhưng đòn báo thù, khi đã ra tay, thì trí mạng.
Đó là, hồi ấy, một thành phố của ảo ảnh; bị cắt đứt khỏi sa mạc, song nó không triệt để thành công trong việc phá vỡ quyền năng của sa mạc. Ốc đảo tỏa sáng trên mặt đường nhựa của phố Elphinstone, dịch trạm[2] lung linh giữa những túp lều lụp xụp quanh cây cầu đen, Kala Pul. Ở thành phố không mưa ấy (mà điểm chung duy nhất với thành phố nơi tôi ra đời là cả hai đểu khởi đầu từ một làng chài), sa mạc tuy ẩn mình nhưng vẫn giữ được quyền năng buôn-bán-ảo-tượng, mà hệ quả là người dân Karachi chỉ sở hữu một khả năng nắm bắt hiện thực cực kỳ trơn trượt, và do đó sẵn sàng tìm đến lãnh tụ của họ để được chỉ điểm cái gì là thật còn cái gì không. Bị bao vây giữa những cồn cát ảo tưởng và hồn ma các hoàng đế cổ đại, và cả ý niệm rằng tên của tín ngưỡng nền tảng của thành phố này nghĩa là “phục tùng”, các bằng hữu công dân mới của tôi tỏa ra mùi đồ luộc nhạt nhẽo của sự thuần phục, điều dễ gây trầm cảm cho một cái mũi từng ngửi – vào phút chót, và tuy chỉ trong chốc lát – mùi bất phục tùng cay nồng gia vị của Bombay.
[2] Nguyên văn: caravanserais, khách sạn dành cho các đoàn lữ hành (caravan) nằm dọc những tuyến đường thương mại xuyên lục địa như Con đường Tơ lụa.
Đến nơi không bao lâu – và, có lẽ, cảm thấy ức chế trong không khí phủ-bóng-thánh-đường của tòa nhà trên đường Clayton – cha tôi quyết chí xây một ngôi nhà mới. Ông mua một lô đất ở khu vực sành điệu nhất của “giới thượng lưu”, khu quy hoạch đô thị mới; và vào sinh nhật thứ mười sáu, Saleem không chỉ được một chiếc Lambretta – tôi còn biết đến quyền năng thần bí của dây rốn.
Thứ gì, ngâm trong nước muối, mười sáu năm nằm trong almirah của cha tôi, chỉ chờ một ngày như thế? Thứ gì, lơ lửng như rắn nước trong cái bình cũ, theo gia đình tôi vượt biển và kết cục là được chôn xuống đất Karachi cứng, cằn cỗi? Thứ gì từng nuôi dưỡng sự sống trong một tử cung – thứ gì nay bơm vào đất một sức sống phi thường, và cho ra đời một bungalow[3]hiện đại, lệch tầng, kiểu Mỹ?... Né tránh những câu hỏi hóc hiểm này, tôi xin giải thích rằng, vào sinh nhật thứ mười sáu của tôi, gia đình tôi (kể cả bác Alia) tề tựu trên lô đất trên đường Korangi; dưới sự theo dõi của những cặp mắt công nhân và một hàm râu giáo sĩ, Ahmed trao cho Saleem một cây cuốc chim; tôi bổ nhát cuốc khởi công vào đất. “Một khởi đầu mới,” Amina nói, “Inshallah[4], chúng ta giờ đã là những con người mới.” Được mong ước cao quý nhưng bất khả đạt của bà thôi thúc, một người thợ mau chóng khoét rộng cái lỗ tôi vừa đào; và giờ một bình ngâm được đưa ra. Nước muối được trút lên mặt đất khô hạn; và thứ-còn-lại-bên-trong được giáo sĩ ban phước. Sau đó, một sợi dây rốn – của tôi? Hay của Shiva? – được trồng xuống đất; và ngay lập tức, một ngôi nhà bắt đầu mọc lên. Có bánh kẹo và nước ngọt; vị giáo sĩ, biểu lộ một cơn đói ghê gớm, tiêu thụ hết ba mươi chín chiếc laddoo; và Ahmed Sinai không một lời phàn nàn về sự tốn kém. Tinh thần của sợi dây rốn mới chôn thôi thúc đội thợ; nhưng mặc dù móng được đào rất sâu, chúng vẫn không ngăn được ngôi nhà sụp đổ trước khi chúng tôi kịp đến sống ở đây.
[3] Kiểu nhà nhỏ, một hoặc một tầng rưỡi, có hiên rộng, kiến trúc xuất xứ từ Ấn Độ.
[4] Còn có cách viết khác là Insha’Allah, nghĩa là theo Chúa.
Phỏng đoán của tôi về dây rốn: tuy chúng sở hữu quyền năng làm nhà cửa mọc lên, song hiển nhiên là một số sợi làm việc này tốt hơn các sợi khác. Thành phố Karachi đã minh chứng cho điều đó; rõ ràng là được xây dựng trên những dây rốn hoàn toàn không thích hợp, nơi đây đầy rẫy những căn nhà dị dạng, những đứa trẻ còi cọc gù lưng bởi sinh mạch thiếu dưỡng chất, những ngôi nhà bị mù một cách bí hiểm, không có một cửa sổ nào đủ lớn, những căn nhà nhìn như đài phát thanh hay máy điều hòa hay xà lim, những cao ốc điên rồ đầu nặng trịch, gục xuống một cách đều đặn đơn điệu, như những gã say xỉn; một cơn bùng nổ của những căn nhà điên dại, mà sự thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt chỉ thua kém sự xấu xí bất thường của chúng. Thành phố này che khuất sa mạc; nhưng dây rốn, hoặc là sự cằn cỗi của đất, đã khiến nó phát triển thành một thứ gì đó quái dị.
Có khả năng nhắm mắt ngửi thấy niềm vui và nỗi buồn, đánh hơi được thông minh hay ngu dốt, tôi đến Karachi và tuổi thiếu niên – với ý thức, lẽ tất nhiên, rằng những quốc gia non trẻ của tiểu lục địa và tôi đều đã bỏ tuổi thơ lại đằng sau; rằng những nỗi đau lớn dần và những biến đổi bối rối lạ lẫm của giọng nói đang chờ đợi tất cả chúng tôi. Hút xoang đã kiểm duyệt cuộc sống nội tâm của tôi; nhưng ý thức liên kết của tôi chưa bị hút kiệt.
Saleem xâm lược Pakistan với vũ khí duy nhất là cái mũi siêu sắc bén; nhưng; điều tồi tệ nhất là, gã đã đi nhầm đường! Mọi cuộc chinh phục thành công ở khu vực này của thế giới đều bắt đầu từ phương Bắc; mọi kẻ chinh phạt đều theo đường bộ. Vô tri giương buồm ngược chiều gió của lịch sử, tôi đến Karachi từ phía Đông Nam, theo đường biển. Những gì tiếp nối đáng lẽ phải không làm tôi bất ngờ mới phải.
Nhìn lại lịch sử, lợi thế khi tràn xuống từ phương Bắc là hiển nhiên. Hai tướng của Umayyad[5], Hajjaj bin Yusuf và Muhammad bin Qasim, đều từ phía Bắc xuống; người Ismaili[6]cũng vậy. (Biệt viện Honeymoon, nơi nghe nói Aly Khan[7] đã nghỉ lại với Rita Hayworth, nhìn xuống lô đất vùi dây rốn của nhà tôi; nghe đồn rằng minh tinh màn bạc này đã gây xôn xao dư luận khi đi dạo ngoài vườn trong một loạt váy ngủ kiểu Hollywood huyền bí, mỏng tang. Ôi tính siêu việt khó cưỡng của phương Bắc! Từ phương nào Mahmud xứ Ghazni đã tập kích bình nguyên sông Ấn[8], mang theo một ngôn ngữ sở hữu không dưới ba hình thái của ký tự S? Câu trả lời tất yếu: sé, sin và swad[9] là những kẻ xâm lăng phương Bắc. Và Muhammad bin Sam Ghuri[10], người lật đổ các Ghaznavid và lập nên Vương triều Delhi? Những đứa con của Sam Ghuri cũng hành quân Nam tiến.
[5] Một triều đại thống trị Bắc Phi và Tây Á sau khi Muhammad qua đời. Vào năm 711, Hajjai bin Yusuf khi đó là Tổng trấn thành Baghdad đã sai Muhammad bin Qasim dẫn quân sang Ấn Độ.
[6] Một nhánh của Hồi giáo dòng Shiite, xem Ismail là thủ lĩnh tinh thần (imam) thứ bảy. Vào thế kỷ 19, một bộ phận lớn của cộng đồng này đã chạy từ Ba Tư sang Ấn Độ.
[7] Hoàng tử và người đứng đầu dòng Hồi giáo Ismaili, chồng thứ ba của diễn viên Rita Hayworth.
[8] Sultan xứ Ghazni, thuộc Afghanistan ngày nay, người chinh phục vùng Bắc Ấn vào thế kỷ 11, và du nhập tiếng Ả Rập (ngôn ngữ có ba hình thái của chữ S) vào Ấn Độ.
[9] Ba âm trong tiếng Ả Rập, khi phiên âm sang bảng chữ cái Latin đều được thể hiện bằng chữ S.
[10] Sultan xứ Ghur, thuộc Afghanistan ngày nay, người đã đánh bại hậu duệ của Mahmud xứ Ghazni.
Rồi Tughlaq[11], rồi các Đại đế Mughal… nhưng tôi nói như vậy là rõ rồi. Chỉ cần bổ sung rằng tư tưởng, cũng như quân viễn chinh, đã tràn xuống phương Nam Nam Nam từ các cao nguyên phương Bắc: Sikandar But-Shikan huyền thoại, Kẻ Hủy hoại Thánh tượng của Kashmir, kẻ vào cuối thế kỷ 14 đã tàn phá mọi đền đài Hindu ở Thung lũng (tạo một tiền lệ cho ông tôi), đã từ trung du tiến xuống đồng bằng châu thổ; và năm trăm năm sau, phong trào mujahideen[12] của Syed Ahmed Barilwi cũng đi nẻo đường đã mòn dấu chân ấy. Tư tưởng của Barilwi: tiết chế, căm ghét tín đồ Hindu, thánh chiến… những triết lý và những ông hoàng (nói thế cho gọn) đều đến từ hướng đối lập với tôi.
[11] Một vương triều gốc Thổ, cai trị Delhi vào thế kỷ 14.
[12] Một phong trào du kích Hồi giáo cực đoan. Barilwi là một lãnh tụ đạo Hồi vào cuối thế kỷ 18 và đầu 19, đã khởi xướng cuộc thánh chiến (jihad) chống lại người Sikh ở bang Punjab.
Cha mẹ Saleem nói, “Chúng ta đều phải trở thành con người mới”; ở xứ sở của những kẻ thuần khiết, thuần khiết trở thành lý tưởng của chúng tôi. Nhưng Saleem đã vĩnh viễn bị vấy bẩn chất Bombay, đầu gã chứa đầy đủ thứ tôn giáo không phải của Allah (như những tín đồ đạo Hồi đầu tiên của Ấn Độ, các thương nhân Mopla[13] xứ Malabar, tôi sống ở một đất nước nơi dân số thần linh ngang ngửa số lượng con người, thế nên, trong cơn phản kháng vô thức chống lại cả bầy thánh thần sợ không gian hẹp, gia đình tôi đã đi theo đạo đức kinh doanh, thay vì tôn giáo); và cơ thể gã rồi sẽ bộc lộ sự ưa thích rõ rệt đối với người không thuần khiết. Như dân Mopla, tôi bị vận mệnh định sẵn là một kẻ trái đời; nhưng, cuối cùng, thuần khiết đã phát hiện ra tôi, và ngay cả tôi, Saleem, cũng được tẩy rửa mọi điều lầm lạc.
[13] Cộng đồng đạo Hồi ở bang Kerala, hậu duệ của những người Moor và Ả Rập kết hôn với những phụ nữ địa phương ở Malabar.
Từ sau sinh nhật thứ mười sáu, tôi theo học lịch sử ở trường trung học của bác Alia; nhưng kể cả học hành cũng không làm tôi cảm thấy mình là một phần của quốc gia thiếu vắng những đứa trẻ nửa đêm ấy, nơi các bạn đồng học của tôi xuống đường tuần hành đòi hỏi một xã hội khắt khe hơn, Hồi giáo hơn – chứng tỏ rằng họ chủ định trở thành phản đề của sinh viên mọi nơi khác trên thế giới, bằng cách đòi hỏi nhiều-luật-hơn-thay-vì-ít-đi. Cha mẹ tôi, tuy vậy, quyết tâm bám rễ tại đất này; mặc dù Ayub Khan và Bhutto đang tạo dựng liên minh với Trung Quốc (nước mới đây còn là kẻ thù của chúng tôi), Ahmed cùng Amina bỏ ngoài tai mọi lời phê phán quê hương mới của họ; và cha tôi tậu một nhà máy khăn tắm.
Ngày ấy, cha mẹ tôi toát ra một vẻ rạng rỡ mới mẻ; màn sương tội lỗi ở Amina đã tan đi, mụn cóc có vẻ không làm khổ bà nữa; trong khi đó Ahmed, dù vẫn trắng bệch, cảm thấy băng dưới dương căn ông tan dần dưới hơi ấm của tình yêu vừa tìm thấy của ông đối với vợ mình. Đôi khi sáng ra, Amina có vết răng trên cổ; chốc chốc bà lại bật cười khúc khích, như một cô học trò. “Hai anh chị, thiệt tình,” Alia chị bà nói, “Cứ như vợ chồng son, hay cái gì không biết.” Nhưng tôi có thể ngửi ra điều gì ẩn sau hàm răng của Alia; điều gì ở lại khi những lời lẽ thân thiện thốt ra… Ahmed Sinai lấy tên vợ đặt cho sản phẩm của mình,: Khăn tắm hiệu Amina.
“Mấy đại gia này là ai hả? Đám Dawood, Saigol, Haroon[14]này?” ông hào hứng, bỏ qua các gia tộc giàu có nhất xứ này. “Valika với Zulfikar là ai hả? Ta thừa sức ăn gỏi mười tên một lúc. Hãy chờ xem!”, ông hứa, “Trong vòng hai năm, cả thế giới sẽ lau người bằng khăn hiệu Amina. Loại khăn bông xù tốt nhất! Dây chuyền tiên tiến nhất! Chúng ta sẽ làm cả thế giới khô và sạch; nhà Dawood và Zulfikar sẽ phải năn nỉ xin bí quyết của ta; và ta sẽ bảo, phải, khăn này hảo hạng; nhưng bí quyết không nằm ở khâu sản xuất; chính tình yêu đã chinh phục tất cả.” (Tôi nhận ra, trong diễn văn của cha tôi, tác động dai dẳng của virus lạc quan.)
[14] Những gia tộc kinh doanh giàu có và thế lực bậc nhất ở Ấn Độ thời kỳ đó.
Nhãn hiệu Amina có chinh phục cả thế giới nhân danh sự sạch sẽ (điều đứng ngay sau…)? Nhà Valika và Saigol có đến hỏi Ahmed Sinai, “Chúa ơi, tụi tôi mù tịt đấy, ờ, anh làm thế nào thế?” Thứ khăn bông hảo hạng, mẫu mã được Ahmed Sinai đích thân thiết kế - hơi lòe loẹt một tí, nhưng không sao, sản phẩm của tình yêu mà – có quét sạch hơi ẩm trên người dân Pakistan cũng như các thị trường xuất khẩu? Dân Nga Hoa Kỳ Anh Cát Lợi có quấn quanh người cái tên được bất tử hóa của mẹ tôi?... Chuyện về Nhãn hiệu Amina phải chờ một chút; bởi vì sự nghiệp của Jamila Ca sĩ sắp sửa cất cánh; và căn nhà dưới bóng thánh đường trên đường Clayton vừa được Bác Puffs viếng thăm.
Tên thật của bác là Thiếu tá (đã về hưu) Alauddin Latif; bác nghe nói về giọng hát của em gái tôi từ “anh bạn chí cốt Đại tướng Zulfikar; từng ở chung với hắn hồi ‘47 trong Lực lượng Biên phòng.” Bác xuất hiện ở nhà Alia Aziz không lâu sau sinh nhật thứ mười lăm của Jamila, rạng rỡ và đầy sinh lực, phô ra cái miệng đầy răng vàng nguyên chất. “Tính tôi đơn giản,” bác giải thích, “như Tổng thống đáng kính của chúng ta. Tôi giữ tiền ở đâu an toàn.” Như Tổng thống đáng kính của chúng ta, đầu ngài Thiếu tá là một hình cầu hoàn hảo; không như Ayub Khan, Latif rời quân ngũ để gia nhập ngành giải trí. “Ông bầu số một vô đối ở Pakistan, ông bạn ạ,” ông bảo cha tôi. “Chẳng có bí quyết gì ngoài tính tổ chức; cái nết Nhà binh từ xưa, đánh chết chưa chừa.” Thiếu tá Latif có một đề xuất: ông muốn nghe Jamila hát, “Và nếu cô bé hát hay bằng hai phần trăm những gì tôi nghe kể thôi, thưa ngài tôn kính, tôi sẽ làm cô nổi tiếng! Ồ, vâng, sau một đêm, chắc chắn! Quan hệ: chỉ cần có thế; quan hệ và tài tổ chức; và Thiếu tá (đã về hưu) Latif tôi đây có tất cả.Alauddin Latif,” ông nhấn mạnh, cười lấp lánh vàng với Ahmed Sinai, “Ông biết chuyện đó chứ? Tôi chỉ cần chà xát cây đèn cũ kỹ, thế là thần Đèn hiện ra mang theo danh vọng và tiền tài. Con gái ông sẽ ở trong những bàn tay cực tốt. Cực tốt.”
May mắn cho đội quân fan hâm mộ của Jamila Ca sĩ là Ahmed Sinai là một người chồng đang yêu; mềm lòng vì hạnh phúc của bản thân, ông không thể từ chối Thiếu tá Latif ngay tại chỗ. Ngày nay tôi cũng cho rằng bố mẹ tôi đã đi đến kết luận rằng năng khiếu của con gái họ quá phi thường không thể giữ riêng cho mình; ma thuật siêu phàm trong tiếng hát thiên thần của Jamila bắt đầu dạy họ về nhu cầu cấp thiết tất yếu của tài năng. Nhưng Ahmed và Amina có một băn khoăn. “Con gái chúng tôi,” Ahmed nói – tự đáy lòng ông luôn là người truyền thống hơn trong hai vợ chồng – “là con nhà gia giáo; vậy mà ông muốn mang nó lên sân khấu, trước mặt có Chúa mới biết bao nhiêu gã đàn ông lạ…?” Viên Thiếu tá tỏ ra phật ý. “Thưa ngài,” ông nghiêm giọng, “ngài nghĩ tôi là người kém nhạy cảm ư? Bản thân tôi cũng có con gái, ông bạn ạ. Bảy đứa, ơn Chúa. Mở cho chúng một đại lý du lịch nho nhỏ; nhưng giao dịch hoàn toàn qua điện thoại. Thực ra, là đại lý qua điện thoại lớn nhất vùng. Thực tế, chúng tôi gửi lái tàu hỏa sang Anh; tài xế xe buýt nữa. Ý tôi là,” bác vội vàng bổ sung, “con gái ngài sẽ được tôn trọng y như con tôi. Chính ra còn hơn thế; cô ấy sẽ là một ngôi sao!”
Các cô con gái của Thiếu tá Latif – Sana và Rafia và năm –afia khác – được gọi chung, bởi phần còn lại của con Khỉ trong em tôi, là “các Puffia”; đầu tiên bố các cô có biệt danh “Bố-Puffia,” và sau đó là Bác – một cách gọi xã giao – Puffs. Bác không hề nói ngoa; trong vòng sáu tháng Jamila Ca sĩ sẽ có đĩa hát ăn khách, một đội quân hâm mộ, mọi thứ; tất cả, như tôi sắp giải thích, mà không cần lộ mặt.
Bác Puffs trở thành một gương mặt quen thuộc trong cuộc sống của chúng tôi; hầu như tối nào bác cũng đến ngôi nhà ở đường Clayton, vào lúc tôi vẫn coi là giờ cocktail, để uống nước lựu và đề nghị Jamila hát đôi chút. Em, giờ đã trở thành một thiếu nữ rất mực dịu hiền, luôn chiều ý bác… sau đó bác sẽ đằng hắng như bị mắc gì ở cổ rồi bắt đầu thân mật trêu tôi về chuyện lập gia đình. Những nụ cười hai bốn karat làm tôi lóa mắt trong khi bác, “Đến tuổi cưới vợ rồi đấy, chàng trai. Nghe bác: kiếm một con bé sáng dạ nhưng sâu răng; cháu sẽ có bạn đời và két sắt cả hai trong một!” Con gái Bác Puffs, bác cam đoan, cô nào cũng đáp ứng tiêu chuẩn trên… Tôi, ngượng ngịu, ngửi thấy rằng bác chỉ nói đùa một nửa, sẽ thốt lên, “Ôi, BácPuffs!” Bác biết cái biệt danh này; khá thích nó là khác. Vỗ đùi tôi, bác thốt, “Làm cao, hử? Được lắm. OK, cậu trai: cháu lấy quách một đứa nhà bác, bác đảm bảo sẽ nhổ sạch răng của nó; khi cháu cưới nó về, nó sẽ có một nụ cười bạc triệu làm của hồi môn!” Ngay sau đó mẹ tôi thường cố tình chuyển chủ đề; bà không hào hứng với ý tưởng của Bác Puffs, bất kể hàm răng giả kia đắt tiền đến đâu… vào tối đầu tiên ấy, cũng như rất thường xuyên sau này, Jamila hát cho Thiếu tá Alauddin Latif nghe. Giọng em lướt qua cửa sổ và làm tiếng xe cộ lặng im; chim ngưng hót và, ở tiệm bánk kẹp bên kia đường, đài bị tắt đi; đường phố đầy người đứng yên bất động, và giọng em tôi tràn qua họ… khi em kết thúc, chúng tôi nhận thấy Bác Puffs đang khóc.
“Một viên ngọc,” bác nói, xịt còi hơi vào chiếc mùi soa, “Thưa Ông Bà, con gái hai vị là một viên ngọc. Tôi xin ngả mũ kính phục. Cực kính phục. Cô bé đã cho tôi thấy rằng một giọng ca vàng còn đáng giá hơn một miệng răng vàng.”
Và khi tiếng tăm của Jamila Ca sĩ lên cao đến mức em không thể né tránh một buổi công diễn, chính Bác Puffs đã tung tin em bị một tai nạn ô tô khủng khiếp, làm em bị biến dạng; chính Thiếu tá (đã nghỉ hưu) Latif đã chế ra tấm chadar lụa trắng lừng danh, giấu-đi-tất-cả của em[15], tấm rèm hoặc màn, thêu kim tuyến và thư pháp tôn giáo, mà em e lệ ngồi sau mỗi lần công diễn. Tấm chadar của Jamila Ca sĩ được hai nhân vật dẻo dai, cơ bắp, cũng quấn khăn (song đơn giản hơn) từ đầu đến chân, chăng lên sân khấu – thông tin chính thức nói họ là tùy nữ của em, nhưng xác định giới tính của họ sau lớp burqa[16] là điều bất khả; và chính giữa tấm vải, viên Thiếu tá khoét một cái lỗ. Đường kính: tám xăng ti mét. Chu vi: được viền chỉ vàng tinh xảo. Lịch sử gia đình tôi một lần nữa trở thành vận mệnh của một quốc gia như thế đấy, bởi vì khi Jamila hát với cặp môi áp vào lỗ hổng thêu kim tuyến, Pakistan đã phải lòng một cô bé mười lăm tuổi mà đất nước này mới được thoáng nhìn qua một tấm vải khoét lỗ vàng-và-trắng.
[15] Loại khăn trùm đầu và thân trên, chỉ để lộ mặt của phụ nữ theo đạo Hồi.
[16] Một loại áo choàng trùm kín đầu và toàn thân được phụ nữ đạo Hồi mặc khi ra nơi công cộng.
Tin đồn tai nạn đã chính thức xác lập vị thế của em trong lòng người hâm mộ; những buổi hòa nhạc của em ken đầy khán giả trong nhà hát Bambino ở Karachi và lấp kín Shalimar-bagh ở Lahore; đĩa hát của em liên tục đứng đầu bảng doanh thu. Và khi em trở thành tài sản quốc gia, “Thiên thần của Pakistan”, “Giọng ca của Đất nước”, “Bullbul-e-Din” hay là họa-mi-của-đức-tin, và bắt đầu nhận được một ngàn lẻ một lời cầu hôn quả quyết mỗi tuần; khi em trở thành đứa con cưng của cả nước và trở thành một hiện tượng đe dọa lấn át vị thế của em trong chính gia đình tôi, em cũng đồng thời biến thành con mồi của loài virus song sinh của danh vọng, con thứ nhất biến em thành nạn nhân của chính hình ảnh của mình trong mắt dư luận, bởi vì tin đồn tai nạn buộc em luôn phải quấn burqa vàng-và-trắng, kể cả ở trường của bác Alia, nơi em tiếp tục theo học; trong khi con virus thứ hai làm em mắc bệnh cường điệu và đơn giản hóa bản thân, một hiệu ứng phụ khó tránh đối với các ngôi sao, khiến lòng sùng tín mù quáng và gây mù quáng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã nhen nhóm ở em thì nay bắt đầu chi phối tính cách em, tới mức gần như loại trừ mọi thứ khác. Danh vọng cầm tù em trong túp lều vàng; và, là tân nhiệm ái-nữ-của-quốc-gia, cá tính em bắt đầu chịu nhiều ảnh hưởng từ những khía cạnh khắc nghiệt nhất trong tính cách của dân tộc hơn là từ thế giới trẻ thơ của những năm em còn là con Khỉ.
Giọng hát của Jamila Ca sĩ liên tục xuất hiện trên Đài Tiếng nói Pakistan, vì thế với các làng quê của cả Cánh Tây lẫn Đông[17], em trở thành như một siêu nhân, chẳng biết đến mệt mỏi, một thiên thần hát cho đồng bào mình ngày cũng như đêm; trong khi Ahmed Sinai, mà chút âu lo sót lại về sự nghiệp của con gái đã được còn hơn cả được trấn an bằng thu nhập hoành tráng của em (tuy ông từng là một người Delhi, song giờ thì ông đã là một người đạo Hồi Bombay đích thực, đặt tiền bạc lên gần như trên hết), bắt đầu thích thú bảo em tôi: “Thấy không, con gái: đoan trang, thuần khiết, nghệ thuật và đầu óc kinh doanh có thể hoàn toàn đồng nhất với nhau; khôn ngoan như bố già của con mới giải quyết được vụ này.” Jamila mỉm cười ngọt ngào và tán đồng… em từ một cô gái gầy gò như con trai đang hóa thành một mỹ nhân mảnh mai, mắt một mí, da vàng óng, có mái tóc dài gần đủ để ngồi lên; kể cả mũi em cũng đẹp. “Ở con gái tôi,” Ahmed Sinai kiêu hãnh bảo Bác Puffs, “chính những gien quý tộc của đằng nhà tôi lại trội hơn.” Bác Puffs ném một cái liếc nhìn nghi vấn, kỳ cục về phía tôi và hắng giọng. “Một thiếu nữ cực xinh xắn, thưa ngài,” bác bảo cha tôi, “Đỉnh cao, hết sảy.”
[17] Thời điểm này Pakistan vẫn bao gồm hai phần lãnh thổ nằm phía Đông và phía Tây Ấn Độ. Năm 1971, Đông Pakistan mới ly khai và trở thành Bangladesh.
Tiếng sấm rền của những tràng pháo tay chưa bao giờ tắt bên tai em tôi; ở buổi hòa nhạc đầu tiên, nay đã thành huyền thoại tại Bambino (ghế của chúng tôi do Bác Puffs lo – “Chỗ oách nhất ở nhà hát!” – cạnh bảy Puffia của bác, ai nấy đều đeo mạng… Bác Puffs huých tôi, “Này, nhóc – chọn đi! Cứ thoải mái! Nhớ nhé: món hồi môn!”, còn tôi đỏ bừng mặt và chăm chú nhìn lên sân khấu), tiếng reo “Oaa! Oaa!” đôi khi át cả giọng Jamila; và sau buổi diễn chúng tôi tìm thấy Jamila sau cánh gà ngập trong một biển hoa, tới nỗi chúng tôi phải đánh vật để len qua vườn long não đang bừng nở của tình yêu từ cả quốc gia, để tìm thấy em đang gần như ngất lịm, không phải vì kiệt sức, mà vì hương thơm quá mãnh liệt của lòng ái mộ từ biển hoa kia đã lấp kín căn phòng. Tôi cũng thấy đầu bắt đầu bồng bềnh; đến khi Bác Puffs bắt đầu ném từng ôm hoa qua cửa sổ - chúng được một đám đông người hâm mộ nhặt lại – trong lúc bác rên lên, “Hoa thì tốt thôi, bố khỉ, nhưng một anh thư dân tộc thì cũng phải thở chứ!”
Tiếng vỗ tay cũng vang lên, trong buổi tối Jamila Ca sĩ (và gia đình) được mời đến Dinh Tổng thống để hát cho vị tổng chỉ huy của các lọ gia vị. Phớt lờ những tin tức trên báo nước ngoài về những khoản tiền tham nhũng và tài khoản tại nhà băng Thụy Sĩ, chúng tôi kỳ cọ đến khi sáng bóng lên; một gia đình kinh doanh khăn tắm dứt khoát phải sạch không tỳ vết. Bác Puffs dành cho hàm răng vàng một màn đánh bóng đặc biệt kỹ càng; và trong một đại sảnh nằm dưới tầm mắt những chân dung đeo vòng hoa của Muhammad Ali Jinnah, người sáng lập Pakistan, Quaid-i-Azam[18], và của bạn và người kế nhiệm bị ám sát của ông – Liaquat Ali, một tấm vải khoét lỗ được trương lên cho em tôi hát. Tiếng hát của em cuối cùng cũng tắt; một giọng nói của tua ngù vàng tiếp nối bài hát viền kim tuyến của em. “Jamila, con ta,” chúng tôi nghe, “giọng hát của con sẽ là lưỡi gươm của sự thuần khiết; là vũ khí của chúng ta để thanh tẩy tâm hồn con người.” Tổng thống Ayub là, như tự ông thừa nhận, một người lính đơn giản; ông ta tiêm nhiễm vào em tôi những phẩm chất nhà binh, giản đơn về trung-thành-với-lãnh-tụ và tin-vào-Chúa; và em, “Ý nguyện của Tổng thống là tiếng lòng của cháu.” Qua ô tròn trên tấm vải khoét lỗ, Jamila Ca sĩ cống hiến hết mình cho lòng yêu nước; và diwan-i-khas, tòa ngự khán phòng này, vang dậy tiếng pháo tay, song lịch thiệp, không phải tiếng oaa oaa ồn ã của biển người tại Bambino mà là sự tán thưởng chính quy từ đội mề-đay-và-sao đeo tua ngù cùng tràng vỗ tay hân hoan từ bậc cha mẹ đang ứa lệ. “Tôi nói!” Bác Puffs thì thầm, “cực đỉnh, hả?”
[18] Lãnh tụ vĩ đại.
Những gì tôi ngửi thấy, Jamila có thể hát lên. Sự thật cái đẹp niềm vui nỗi đau: mỗi thứ đều có hương riêng, có thể phân biệt được qua mũi tôi; mỗi thứ, trong màn trình diễn của Jamila, có thể tìm được tiếng nói lý tưởng của mình. Mũi tôi, giọng em: chúng đích thực là những thiên khiếu bổ sung cho nhau; nhưng chúng lại ngày một xa nhau. Trong khi Jamila hát những bài ca yêu nước, mũi tôi hình như lại lưu luyến những mùi xấu xí hơn xâm nhập vào nó: nỗi cay đắng của Bác Alia, mùi thối hoăng bất biến từ đám bạn học đầu óc thủ cựu của tôi; thế nên khi em thăng hoa tới trời cao, tôi rơi vào cống rãnh.
Tuy nhiên, nhìn lại, tôi nghĩ khi ấy tôi đã yêu em rồi, từ lâu trước khi có người bảo tôi… có bằng chứng gì cho tình yêu em gái không thể thổ lộ của Saleem không? Có đấy. Jamila Ca sĩ có chung một đam mê với con Khỉ Đồng đã tan biến; em khoái bánh mì. Chapati, paratha, tandoori nan? Đúng, nhưng. À, vậy thì: men nở có được chuộng hơn[19]? Có; em tôi – bất chấp lòng yêu nước – không ngớt thèm thuồng bánh mì ủ men. Và, ở khắp Karachi, đâu là nguồn bánh mì men nở chất lượng duy nhất? Không phải hàng bánh; thứ bánh mì ngon nhất thành phố được trao tay qua ô cửa sập duy nhất trên một bức tường kín như bưng, vào mỗi sáng thứ Năm, bởi các xơ của dòng tu kín Santa Ignacia. Mỗi tuần, cưỡi chiếc Lambretta, tôi mang về cho em những ổ bánh nóng hổi tinh khôi của các xơ. Bất chấp những dòng người xếp hàng rồng rắn; coi nhẹ mùi cay, nồng, ngộp hơi phân của những phố hẹp quanh tu viện; phớt lờ mọi công việc khác vào thời điểm đó, tôi đi lấy bánh mì. Tư tưởng phê bình hoàn toàn vắng bóng trong tim tôi; chưa một lần tôi hỏi chẳng lẽ em không thấy cái di tích cuối cùng này của đoạn tình duyên cũ giữa em với Thiên Chúa giáo có chút không hay với vai trò mới Họa mi của Đức tin của em.
[19] Bánh mì trộn men nở (yeast) là kiểu bánh mì của châu Âu. Các loại bánh mì kiểu Ấn như chapati, paratha và tandoori nan không dùng men này.
Có thể nào truy nguyên một tình yêu trái luân thường? Có phải Saleem, người hằng khao khát một vị trí trung tâm của lịch sử, đã mê đắm những gì gã thấy ở cô em gái, người hội tụ những hy vọng của chính gã vào cuộc đời? Có phải thằng Thò-Lò-nhưng-giờ-hết-rồi khắp người thương tích, một thành viên của Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm toàn thân tan nát không khác gì cô gái ăn xin Sundari đầy mặt sẹo dao, đã phải lòng sự toàn thiện toàn mỹ mới mẻ của đứa em? Từng là Mubarak, Kẻ được Ban phước, có phải tôi ái mộ ở em sự trọn vẹn của những mộng ước thầm kín nhất đời tôi?... Tôi sẽ chỉ nói rằng tôi chưa ý thức được điều gì xảy ra với mình cho đến khi, với chiếc scooter giữa cặp đùi mười sáu tuổi, tôi bắt đầu theo hơi những ả làng chơi.
Trong lúc Alia âm ỉ cháy; vào buổi ban đầu của khăn bông Hiệu Amina; ở thời kỳ thánh hóa của Jamila Ca sĩ; khi căn nhà lệch tầng, mọc lên theo lệnh của dây rốn, còn lâu mới hoàn thành; trong giai đoạn tình yêu muộn đơm hoa của cha mẹ tôi; bị bao vây giữa những tín niệm có phần cằn cỗi ở miền đất của những kẻ thuần khiết, Saleem Sinai bắt đầu chấp nhận chính mình. Tôi không nói rằng gã không buồn; từ chối kiểm duyệt quá khứ, tôi thừa nhận gã cũng lầm lì, cũng thường xuyên bất hợp tác, và chắc chắn là đầy trứng cá như hầu hết các cậu trai cùng lứa. Những giấc mơ của gã, bị tước bỏ những đứa trẻ của nửa đêm, chìm trong một nỗi hoài nhớ đến độ buồn nôn, khiến gã bật dậy ọc ọe vì mùi xạ nặng nề của cơn hối tiếc đè nén các giác quan; có những ác mộng về những con số đều bước một hai ba, về một cặp đầu gối linh hoạt như tay[20], siết chặt, bóp nghẹt… nhưng cũng có một năng khiếu mới, một chiếc Lambretta, và một tình yêu khiêm nhường, nhu thuận (tuy còn vô thức) dành cho em gái… Bứt cặp mắt người kể chuyện khỏi quá khứ đang được trần thuật, tôi nhấn mạnh rằng Saleem, hồi-ấy-và-bây-giờ, đã thành công trong việc hướng sự chú ý của bản thân vào tương lai đến-nay-vẫn-chưa-được-kể. Trốn khỏi, bất cứ khi nào có thể, căn nhà nơi hơi cay gắt từ sự ghen tị của bà bác biến cuộc đời thành quá sức chịu đựng, và một trường trung học tràn ngập những mùi khó chịu không kém, tôi nhảy lên con thiết mã và khám phá những nẻo đường mùi ở thành phố mới của tôi. Và sau khi biết tin về cái chết của ông tôi ở Kashmir, tôi càng thêm quyết tâm nhấn chìm quá khứ vào món mùi-hầm đặc quánh, sôi sục của hiện tại… Ôi những buổi đầu váng vất trước khi có cơ chế phân loại! Chẳng có hình thù gì (trước khi tôi khởi sự định hình chúng), đủ thứ mùi vị tràn vào trong tôi: mùi phân hủy thê lương của phân súc vật trong những khu vườn của bảo tàng trên đường Frere, mùi hơi người mưng mủ của những gã trai mặc quần thụng nắm tay nhau tối tối ở Sadar[21], mùi sắc như dao của những tia bã trầu và vị đắng ngọt lẫn lộn của trầu và nha phiến: tôi có thể đánh hơi thấy “trầu tên lửa” từ những con hẻm đông nghịt hàng rong giữa phố Elphinstone và đường Victoria. Mùi-lạc-đà, mùi-ô-tô, mùi hăng như muỗi mắt của khói xe tuk-tuk, hương thuốc lá lậu và “tiền đen”, xú khí cạnh tranh của đám tài xế xe buýt và mùi mồ hôi đơn thuần của hành khách bị lèn như cá hộp. (Một gã tài xế, hồi ấy, quá cay cú vì bị địch thủ ở hãng khác vượt mặt – mùi buồn nôn của thất bại trào ra từ tuyến nội tiết của gã – nên đã đánh xe đến nhà đối thủ vào buổi đêm, bóp còi đến khi anh bạn khốn khổ kia ló ra, rồi cán qua anh ta dưới hàng lốp xe sặc mùi, như bác tôi, phục hận.) Các thánh đường rót vào tôi mùi tinh dầu của sự sùng đạo; tôi ngửi thấy mùi quyền lực nồng đậm phát tán từ đoàn mô tô cắm cờ Quân đội; từ áp phích ở rạp chiếu bóng tôi nhận ra mùi hào nhoáng rẻ tiền từ những phim Viễn Tây[22] nhập khẩu và những phim võ thuật bạo lực nhất từ trước đến giờ. Có một thời gian, tôi như người say thuốc, đầu tôi quay mòng mòng trước sự phức tạp của mùi; nhưng rồi niềm khát khao mãnh liệt với hình thái của tôi đã lên tiếng, và tôi đã sống sót.
[20] Nguyên văn: prehensile, nghĩa đen là có khả năng cầm nắm. Tính từ này được dùng miêu tả các loài động vật có chi hoặc đuôi có khả năng cầm nắm như khỉ, vượn.
[21] Khu trung tâm thương mại của Karachi.
[22] Nguyên văn: spaghetti Western, một dòng phim Viễn Tây kinh phí thấp vào thập niên 1950-60, tiêu biểu nhất là những phim của Sergio Leone như A Fistful of Dollars.
Quan hệ Ấn-Pakistan ngày càng xấu đi; biên giới bị đóng cửa, khiến chúng tôi không thể đi Agra viếng ông tôi; chuyện Mẹ Bề trên di cư sang Pakistan cũng bị chậm lại ít nhiều. Trong lúc này, Saleem đang phát triển một lý thuyết tổng quát về mùi: quy trình phân loại đã bắt đầu. Tôi coi cách tiếp cận khoa học này là cách bày tỏ lòng tôn kính của riêng mình với linh hồn ông tôi… để bắt đầu, tôi hoàn thiện kỹ năng phân loại, cho đến khi tôi có thể phân biệt số lượng vô tận các loại cau và (khi nhắm mắt) mười hai nhãn hiệu đồ uống có ga trên thị trường. (Từ lâu trước khi nhà bình luận người Mỹ Herbert Feldman đến Karachi để bất bình trước việc thành phố này có tới một chục thứ nước ngọt có ga nhưng chỉ có ba nhà cung cấp sữa đóng chai, tôi có thể bịt mắt mà phân biệt Pakola với Hoffman’s Mission, Cirra Cola với Fanta. Feldman coi những đồ uống này là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc tư bản; còn tôi, ngửi ra được đâu là Canada Dry và đâu là 7-Up, tách biệt chính xác Pepsi với Coca, lại quan tâm hơn đến việc vượt qua bài test khứu giác tinh tế chúng đặt ra. Double Kola và Kola Kola, Perri Cola và Bubble Up đều được bịt mắt nhận diện và gọi tên.) Chỉ khi chắc chắn nắm vững các mùi vật chất tôi mới chuyển sang những mùi khác chỉ mình tôi ngửi thấy: hương vị của cảm xúc và một ngàn lẻ một động cơ làm nên con người: tình yêu và sự chết, lòng tham và khiêm nhường, đã-từng và chưa-từng được dán nhãn và sắp xếp chỉn chu trong các ngăn kéo của tâm trí tôi.
Những nỗ lực sắp xếp đầu tiên: tôi thử phân loại mùi theo màu – quần lót đun sôi và mực in trên tờ Daily Jang có chung một chất màu xanh, trong khi gỗ tếch lâu năm và rắm mới đều màu nâu sẫm. Ô tô và nghĩa địa được tôi xếp chung màu xám… ngoài ra còn có cách phân loại theo hạng cân: mùi hạng ruồi (giấy), mùi hạng gà (cơ thể vừa tắm xà phòng, cỏ), hạng bán trung (mồ hôi và hoa quỳnh); shahi-korma và dầu xe đạp xếp hạng bán nặng trong hệ thống của tôi, trong khi hoắc hương, tức giận, phản trắc và phân nằm trong số những mùi hạng nặng của trần thế. Và tôi có cả hệ thống hình học: sự tròn trịa của niềm vui và góc cạnh của tham vọng; có mùi hình elip, rồi thì ôvan và hình vuông… một nhà từ điển học của khứu giác, tôi du ngoạn đường Bunder và khu P.E.C.H.S[23]; một nhà hồ điệp học, tôi đánh bẫy những làn hơi như bẫy bướm vào mành lưới của lông mũi tôi. Ôi kỳ diệu thay những cuộc du hành trước buổi ra đời của triết lý!... Bởi tôi sẽ sớm nhận ra rằng, công việc của tôi, nếu muốn có chút giá trị nào, phải có một khía cạnh đạo đức; rằng sự phân loại duy nhất quan trọng là phân cấp chi tiết đến vô hạn những mùi tốt và xấu. Nhận rõ bản chất cốt lõi của đạo đức, ngửi được mùi gì là thiêng liêng hoặc báng bổ, tôi đã phát minh ra, trong sự cô lập của những cuộc rong ruổi bằng xe máy, môn khoa học của luân lý mũi.
[23] Một khu dân cư khá giả ở Karachi.
Thiêng liêng: mạng purdah, thịt halal, tháp của muezzin, và thảm cầu nguyện; báng bổ: đĩa hát của Tây, thịt lợn, rượu. Giờ tôi mới hiểu, tại sao các giáo sĩ (thiêng liêng) từ chối lên máy bay (báng bổ) vào đêm trước Id-ul-Fitr, thậm chí không chịu lên những chiếc xe tỏa ra thứ mùi bí hiểm đối lập với lòng kính Chúa, để chắc chắn mình có thể nhìn thấy trăng non[24]. Tôi học được sự tương khắc về mùi giữa đạo Hồi và chủ nghĩa xã hội, cũng như mâu thuẫn cố hữu giữa hương nước hoa cạo râu của các thành viên câu lạc bộ Sind và mùi nghèo khổ của đám ăn mày vạ vật ở cổng câu lạc bộ… tuy nhiên, càng ngày tôi càng bị thuyết phục bởi một sự thật xấu xí – nghĩa là cái thiêng liêng, cái tốt, rất ít thu hút tôi kể cả khi những mùi hương ấy vây phủ em tôi khi em hát; trong khi mùi hăng nơi cống rãnh dường như sở hữu một sự hấp dẫn khó cưỡng, chết người. Ngoài ra, tôi mới mười sáu; có những thứ đang sôi sục dưới thắt lưng, sau lớp quần vải thô màu trắng; và không một thành phố nhốt phụ nữ trong nhà nào lại thiếu gái điếm. Trong khi Jamila hát những điều thần thánh và tình-yêu-tổ-quốc, tôi khám phá sự báng bổ và dục vọng. (Tôi dư tiền để đốt; cha tôi đã trở nên không những yêu thương mà còn hào phóng).
[24] Ngắm trăng sau khi kết thúc tháng Ramadan là một nghi lễ thiêng liêng của người đạo Hồi.
Bên ngoài Lăng Jinnah vĩnh viễn không hoàn thiện, tôi kiếm gái làng chơi. Tụi thanh niên đến đây để cưa cẩm các cô gái Mỹ, dắt họ vào khách sạn hoặc bể bơi; tôi thích trả tiền và duy trì sự độc lập của mình. Và cuối cùng tôi đánh hơi ra người gái điếm trong gái điếm, người sở hữu một tài năng là tấm gương cho tài năng của tôi. Tên ả là Tai Bibi, và ả nói mình đã năm trăm mười hai tuổi.
Nhưng mùi của ả! Thứ mùi nồng đậm nhất mà gã, Saleem, từng ngửi thấy; gã bị mê muội vì một thứ gì trong đó, một thứ khí độ đế vương lưu dấu trong sử sách… gã thấy mình nói với sinh vật không răng ấy: “Tuổi tác của bà không quan trọng; quan trọng là cái mùi.”
(“Lạy Chúa,” Padma ngắt lời, “Gớm quá đi mất – sao ông có thể?”)
Mặc dù ả chưa bao giờ hé lộ mối liên hệ nào với một người lái đò Kashmir, cái tên ả tạo ra lực hút mãnh liệt nhất trong mọi lực hút; mặc dù ả có lẽ chỉ bỡn Saleem khi nói, “Cậu trai, ta năm trăm mười hai tuổi rồi,” cảm quan lịch sử của gã vẫn bị khêu gợi. Nghĩ gì về tôi tùy quý vị; tôi đã trải qua một chiều nóng, ẩm trong căn phòng trọ với một tấm nệm đầy rận và một ngọn đèn trần trụi và ả gái điếm già nhất thế gian.
Rốt cuộc điều gì làm tôi không cưỡng nổi Tai Bibi? Ả có tài câu dẫn gì mà khiến những gái điếm khác phải hổ thẹn? Thứ gì làm cánh mũi mới trở nên nhạy cảm của Saleem phát điên? Padma: người gái điếm cổ đại của tôi sở hữu khả năng kiểm soát tuyến nội tiết toàn diện đến mức có thể biến đổi mùi cơ thể cho giống bất kỳ ai trên đời. Các tuyến eccrine và aporine tuân theo chỉ thị của ý muốn cổ xưa của ả; và dù ả bảo, “Chớ hy vọng ta đứng dậy làm với cậu, cậu không đủ tiền trả đâu,” thuật tỏa hương của ả vẫn vượt quá sức chịu đựng của Saleem.
(… “Chhi-chhi,” Padma bịt tai lại, “Lạy Chúa, người đâu mà bẩn thỉu tởm lợm thế. Thật tôi không ngờ!”…)
Vậy là hắn ở đó, gã trai xấu xí dị dạng này, cùng với mụ khọm già, người bảo, “ta sẽ không đứng dậy, ta bị mụn cóc,” và nhận ra hai chữ mụn cóc có vẻ đã kích thích gã; thì thào bí mật về khả năng điều khiển tuyến eccrine-và-apocrine, ả hỏi gã có muốn ả thử bắt chước mùi của ai không, gã có thể tả và ả có thể thử, cứ vừa thử vừa sửa như vậy họ có thể… đầu tiên gã rụt lại, Không không không, nhưng ả dỗ dành gã bằng giọng nói như tiếng vò giấy, cho đến khi, bởi gã chỉ có một mình, cách biệt với thế gian và mọi thời gian, một mình với lão nương thần bí hoang đường này, gã bắt đầu miêu tả các mùi với sức thấu cảm của cái mũi kỳ diệu, còn Tai Bibi bắt đầu phỏng theo miêu tả của gã, và làm gã kinh hoàng khi bằng cách thử-và-sửa, ả thành công trong việc tái tạo mùi cơ thể mẹ gã các cô dì gã, ô hô cậu thích thế phải không sahibzada bé bỏng, tiếp tục đi, cứ thoải mái dí mũi sát vào đi, cậu là một anh chàng rất ngộ đây… cho đến khi đột nhiên, vì vô tình, phải, tôi thề rằng mình không bảo ả làm thế, đột nhiên trong quá trình thử-và-sửa mùi hương vạn lần không được phép nói ra ấy lan ra từ cơ thể già nua cũ kỹ nhăn nheo nứt nẻ của ả, và giờ gã không thể che giấu điều ả nhìn thấy, ô hô, sahibzada bé bỏng, ta vừa chạm phải cái gì đây, cậu không cần nói cô ta là ai nhưng chắc chắn đây là người ấy rồi.
Và Saleem, “Thôi đi thôi đi.” Nhưng Tai Bibi, với sự tàn nhẫn của tuổi lão niên cười hăng hắc, truy vấn. “Ô hô, phải, chắc chắn rồi, ý trung nhân của cậu, sahibzada bé bỏng – ai thế? Em họ cậu chăng? Hay em gái…” Tay Saleem siết chặt thành nắm đấm; bàn tay phải, bất chấp một ngón tay tàn khuyết, nghĩ đến bạo lực… và giờ Tai Bibi, “Lạy Chúa đúng rồi! Em gái cậu! Nào, đánh ta đi, cậu không thể giấu cái điều đang chễm chệ trong đầu cậu đâu!...” Và Saleem thu dọn quần áo quýnh quáng xỏ chân vào quần Câm đi mụ già Trong khi ả Đi đi, cứ đi đi, nhưng nếu cậu không trả tiền ta sẽ, ta sẽ, rồi cậu xem ta có từ việc gì, và giờ từng tờ rupee bay vung vãi trong phòng lả tả rơi xuống quanh ả kỹ nữ năm trăm mười hai tuổi, Cầm cầm đi và đừng ló cái mặt xấu xí của mụ ra, trong khi ả Cẩn thận đấy tiểu vương tử cậu cũng chẳng đẹp đẽ gì lắm đâu, giờ đã mặc đồ và chạy bổ khỏi căn hộ, chiếc Lambretta đang chờ nhưng lũ ranh con đã đái lên yên, cậu phóng đi thật nhanh, nhưng sự thật vẫn bám theo, và giờ Tai Bibi thò đầu ra cửa sổ và hét lên, “Ê, bhaenchud! Ê, chú bé ngủ với em gái, định chạy đi đâu? Sự thật vẫn là thật là thật…!”
Quý vị có thể hỏi rất hợp lý rằng: Chẳng lẽ chuyện xảy ra đúng như… Và chắc mụ ta không thể đã năm trăm… nhưng tôi đã thề thú nhận tất cả, và tôi khẳng định rằng tôi biết bí mật không thể nói ra về tình yêu của mình với Jamila Ca sĩ từ miệng và tuyến mùi của người gái điếm vô tiền khoáng hậu nọ.
“Bà Braganza nói đúng,” Padma rầy la tôi, “Bà nói trong đầu lũ đàn ông chẳng có gì ngoài đất.” Tôi tảng lờ cô; Bà Braganza, và bà Fernandez em gái bà ta, sẽ được xử lý khi đến lượt; tạm thời, người sau phải bằng lòng với vai trò kế toán nhà máy trong khi người trước chăm sóc con trai tôi. Trong lúc tôi, nhằm giành lại sự say mê chú ý từ Padma Bibi nổi loạn của tôi, kể một chuyện cổ tích.
Ngày xửa ngày xưa, tại tiểu quốc Kif phương Bắc xa xôi, một vị tiểu vương có hai cô con gái xinh đẹp, một cậu con trai cũng đẹp trai không kém, một chiếc Rolls-Royce mới coóng, và quan hệ chính trị tuyệt vời. Vị tiểu vương, tức Nawab này, tin tưởng nhiệt thành vào sự tiến bộ, và vì thế đã dàn xếp cho con gái lớn đính hôn với con trai Đại tướng Zulfikar giàu sang danh tiếng; phần cô thứ hai ông kỳ vọng cuộc hôn phối với quý tử của chính Tổng thống. Về chiếc ô tô, chiếc đầu tiên xuất hiện ở thung lũng núi non bao quanh của ông, ông yêu nó gần như yêu con đẻ; ông xót xa khi thấy thần dân của mình, những người đã quen lấy đường sá ở Kif làm nơi giao tế xã hội, cãi cọ và chơi phụt-ống-nhổ, dứt khoát không chịu nhường đường cho xe. Ông ban một chỉ dụ giải thích rằng chiếc xe đại diện cho tương lai, vì thế người dân phải tránh đường cho xe đi; dân tình phớt lờ cáo thị, cho dù nó được dán lên tường, mặt tiền cửa hàng và thậm chí, theo lời đồn, lưng bò. Cáo thị thứ hai có tính cưỡng bức hơn, lệnh cho dân chúng phải dẹp đường khi nghe tiếng còi xe; dân xứ Kif, tuy vậy, tiếp tục hút thuốc và nhổ bã trầu và cãi cọ trên đường. Cáo thị thứ ba, có minh họa là một bức vẽ máu me, cảnh cáo rằng chiếc xe sẽ chẹt qua bất cứ ai không nghe còi. Dân Kif liền bổ sung những hình vẽ rất phỉ báng vào bức tranh trên thông báo; và thế là vị Nawab, một người tử tế nhưng lòng kiên nhẫn không phải là vô hạn, đã dọa sao làm thế thật. Khi ca sĩ nổi tiếng Jamila đến đây cùng gia đình và ông bầu để biểu diễn tại lễ đính hôn của cậu em họ, xe đưa em thẳng từ biên giới tới tận hoàng cung mà không gặp phiền toái gì; và Nawab tự hào, “Khỏi lo; chiếc xe nay đã được tôn trọng. Tiến bộ đã đến nơi này.”
Con trai của Nawab, Mutasim, người đã chu du nước ngoài và để kiểu tóc tên gọi “đầu bọ dừa”, là một nguồn lo lắng của cha mình; bởi mặc dù cậu đẹp trai đến mức, mỗi khi cậu ra phố ở Kif, các cô gái mũi đính châu báu đều ngất xỉu trước hơi nóng từ vẻ đẹp của cậu, cậu dường như không để tâm đến mấy chuyện đó, và thỏa mãn với bầy ngựa polo và cây guitar mà với nó cậu chơi những bài hát phương Tây kỳ lạ. Cậu mặc bush-shirt in hình nốt nhạc và biển tên đường ngoại quốc chen chúc trên cơ thể nửa kín nửa hở của những cô gái da hồng. Nhưng khi Jamila Ca sĩ, giấu mặt sau tấm burqa thêu kim tuyến, đến cung điện, Mutasim Anh tuấn – người mải chu du ngoại quốc nên chưa biết tin đồn về ngoại hình biến dạng của em – đâm ám ảnh về chuyện xem mặt em; cậu tương tư lăn lóc trước cái nhìn của đôi mắt e lệ mà cậu được thấy qua tấm vải khoét lỗ.
Những ngày ấy, Tổng thống Pakistan đã ra sắc lệnh bầu cử; dự kiến sẽ diễn ra một ngày sau lễ đính hôn, theo một hình thức bỏ phiếu có tên là Dân chủ Đại diện. Một trăm triệu người Pakistan được chia làm một trăm hai mươi phần xấp xỉ bằng nhau, mỗi phần do một Đại Cử tri đại diện. Đoàn bầu cử, gồm một trăm hai mươi nghìn “ĐCT” này sẽ bỏ phiếu bầu ra Tổng thống. Ở Kif, 420 Đại Cử tri gồm giáo sĩ, thợ quét rác, tài xế của Nawab, và nhiều nông dân trồng hashish[25] nộp tô ở đồn điền của Nawab, và các thần dân trung thành khác; Nawab đã mời tất cả họ dự lễ henna của con gái[26]. Ông, tuy vậy, buộc phải mời hai gã badmash, hai sĩ quan xuất ngũ của Đảng Liên minh Đối lập. Hai gã badmash này không ngớt mồm cãi cọ nhau, nhưng Nawab vẫn nhã nhặn và hiếu khách. “Tối nay các vị là quý khách của tôi,” ông bảo chúng, “còn ngày mai là chuyện khác.” Hai gã badmash ngấu nghiến như chưa bao giờ nhìn thấy đồ ăn, nhưng mọi người – kể cả Mutasim Anh tuấn, vốn kém cha cậu về khoản nhẫn nại – đều được dặn phải thết đãi chúng tử tế.
[25] Một dạng cây thuốc phiện phổ biến ở Ấn Độ và Trung Đông.
[26] Nghi thức vẽ hoa văn bằng phẩm màu (làm từ cây henna) lên người cô dâu.
Quý vị sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng, Đảng Liên minh Đối lập (C.O.P) quy tụ toàn những kẻ lưu manh và vô lại nhất hạng, đoàn kết với nhau chỉ bởi quyết tâm lật đổ Tổng thống và quay về thời kỳ tồi tệ trước kia khi chính quyền dân sự, thay vì quân sự, là những kẻ móc túi công khố; nhưng chẳng rõ vì đâu, chúng lại kiếm được một thủ lĩnh đức cao vọng trọng. Đó là Phu nhân Fatima Jinnah, em gái của người sáng lập quốc gia, một phụ nữ già nua khô héo đến mức Nawab ngờ rằng bà đã chết lâu rồi và được nhồi rơm bởi một nghệ nhân bậc thầy – một phán đoán được sự ủng hộ của cậu con, người từng xem một bộ phim tên là El Cid, trong đó một người chết đã dẫn đoàn quân ra trận… nhưng dù thế nào thì bà ta vẫn ở đó, tham gia tranh cử vì bất mãn trước việc Tổng thống bất lực trong việc hoàn thành ốp cẩm thạch lăng của anh bà; một địch thủ đáng gờm, vì miễn nhiễm mọi vu khống và hiềm nghi. Người ta còn bảo việc bà phản đối Tổng thống đã lung lay niềm tin của dân chúng ở ông – ông há chẳng phải là, nói cho cùng, sự tái sinh của các anh hùng vĩ đại của đạo Hồi năm xưa? Của Muhammad bin Sam Ghuri, của Iltutmish[27] hay các Đại đế Mughal? Ngay ở Kif, Nawab thấy đề can của C.O.P xuất hiện ở những nơi kỳ quái; thậm chí còn có kẻ cả gan dán một tấm lên cốp chiếc Rolls-Royce. “Loạn rồi,” Nawab bảo con trai. Mutasim đáp, “Đó là những gì bầu cử đem lại – bọn cọ nhà xí và phó may phải bỏ phiếu bầu ra người cầm quyền?”
[27] Shams-ud-din Iltutmush, Sultan thứ ba của vương triều Mamluk gốc Thổ ở Delhi.
Nhưng hôm nay là một ngày vui; trong khuê phòng, chị em vẽ những hoa văn henna tinh tế lên bàn tay và chân của con gái Nawab; Đại tướng Zulfikar cùng công tử Zafar sẽ sớm xuất hiện. Giới cai trị tại Kif gạt bỏ cuộc bầu cử ra khỏi đầu, từ chối nghĩ đến hình hài rệu rã của Fatima Jinnah, mader-i-millat hay là người mẹ của dân tộc, người quá đỗi lạnh lùng lựa chọn con đường làm phức tạp thêm việc lựa chọn của các con bà.
Nơi diễn ra bữa tiệc của Jamila Ca sĩ, niềm vui cũng đang ngự trị. Cha em, một nhà sản xuất khăn tắm, người dường như không thể xa lìa bàn tay mềm mại của vợ mình, kêu lên, “Thấy chưa? Con gái ai đang biểu diễn kia? Có phải con nhà Haroon không? Là con gái nhà Valika? Hay khuê nữ nhà Dawood hay Saigol? Còn khuya!” … Nhưng Saleem con ông, một gã trai bất hạnh có gương mặt như tranh biếm họa, dường như bị bóp nghẹt trong một nỗi bất an sâu kín, có lẽ bị ngợp trước việc mình luôn có mặt ở những sự kiện lịch sử lớn lao; gã liếc cô em gái tài năng với một vẻ gì đó nhìn như nỗi hổ thẹn trong ánh mắt.
Chiều hôm đó, Mutasim Anh tuấn dắt Saleem anh trai Jamila ra một góc và cố gắng làm thân với gã; cậu dắt Saleem đi xem đàn công nhập từ Rajasthan trước khi Chia cắt và bộ sưu tập sách bùa chú quý giá của Nawab, từ đó cậu lấy ra những lá bùa và thần chú sẽ giúp cậu trị vì một cách anh minh; và trong lúc Mutasim (vốn dĩ không phải mẫu người trẻ thông minh hay thận trọng gì lắm) đưa Saleem đi quanh sân polo, cậu thú nhận mình đã viết một đạo bùa-yêu lên một tấm da, với hy vọng áp được nó lên tay nàng Jamila nổi danh và làm nàng phải lòng mình. Đến lúc này Saleem bắt đầu có hơi hướm một con chó cắm cảu và toan bỏ đi; nhưng Mutasim quay sang nài nỉ muốn biết Jamila Ca sĩ thật sự trông ra sao. Saleem, dù vậy, giữ im lặng; cho đến khi Mutasim, nổi một cơn si mê cuồng dại, xin được gã đưa đến gần Jamila để ấp lá bùa lên tay nàng. Giờ Saleem, với một ánh mắt giảo hoạt mà chàng Mutasim trúng tia sét ái tình không nhận thấy, bảo, “Đưa lá bùa đây”; và Mutasim, người, tuy am hiểu địa lý các thành phố châu Âu, nhưng lại ngây thơ về ba chuyện ma thuật, bèn giao lá bùa cho Saleem, tưởng rằng nó vẫn sẽ linh nghiệm nhân danh cậu, kể cả khi do người khác dán.
Bóng tối buông xuống hoàng cung; đoàn xe chở Đại tướng và Begum Zulfikar, công tử Zafar, và các bạn hữu của họ, đều đã tới. Nhưng giờ gió bỗng đổi chiều, bắt đầu thổi từ phương Bắc: một trận gió lạnh, cũng là một trận gió làm say người, vì ở phía Bắc của Kif có những đồng hashish phì nhiêu nhất, và vào mùa này trong năm, cây cái đã chín và đến kỳ phát dục. Không khí tràn ngập hương dục vọng nồng nàn của loài cây này, và ai hít phải đều bị phê thuốc đến một độ nào đó. Cơn cuồng hỉ ngây ngô của hashish đã tác động lên các tài xế của đoàn hộ tống, vốn phải nhờ vận may cùng cực mới đến được cung điện, sau khi đã hất tung một cơ số hiệu cắt tóc vỉa hè và đột nhập ít nhất một quán trà, để lại người dân xứ Kif lo âu không biết những cỗ xe không ngựa tân kỳ này, sau khi đã đánh cắp đường phố, giờ có tịch biên nốt nhà họ không.
Trận gió Bắc xâm nhập cái mũi khổng lồ và nhạy cảm cao độ của Saleem, anh trai Jamila, và làm gã đờ đẫn đến nỗi ngủ quên trong phòng; và bởi vậy bỏ lỡ những sự kiện của một buổi tối mà, về sau gã nghe kể lại, trận gió hashish đã biến đổi thái độ của quan khách trong lễ đính hôn, làm họ cười rũ rượi và đắm đuối nhìn nhau đầy khiêu khích bằng những cặp mắt nặng trĩu; các viên Tướng đeo tua ngù ngồi giạng chân trên ghế thếp vàng và mơ tới Thiên Đường. Lễ mehndi[28] diễn ra trong một bầu không khí phủ phê hết sức buồn ngủ đến nỗi không ai hay biết chú rể đã hoàn toàn thả lỏng đến mức tè ra quần; và cả hai gã badmash hay hục hặc của C.O.P cũng nắm tay nhau hát dân ca. Và khi Mutasim Anh tuấn, bị ngấm tinh lực dồi dào của cây hashish, toan lao vào sau tấm màn lụa thêu kim tuyến với duy nhất một cái lỗ, Thiếu tá Alauddin Latif đã kiềm chế cậu với vẻ tươi cười hoan hỉ, ngăn cậu nhìn mặt Jamila Ca sĩ mà thậm chí chưa cần cho cậu chảy máu mũi. Buổi tối kết thúc với toàn bộ quan khách ngủ gục tại bàn; riêng Jamila Ca sĩ được ngài Latif cười toe toét và ngái ngủ hộ tống về phòng.
[28] Tức là lễ vẽ henna.
Vào nửa đêm, Saleem tỉnh dậy thấy mình vẫn nắm chặt lá bùa ma thuật của Mutasim Anh tuấn trong tay phải; và vì cơn gió Bắc vẫn đang thổi nhè nhẹ vào căn phòng, gã đi đến quyết định sẽ, đi dép và mặc áo ngủ, lẻn qua những hành lang tối tăm của cung điện đẹp đẽ này, qua tập hợp mọi phế tích của một thế giới đang mục nát: những bộ giáp gỉ sét và những tấm thảm lâu đời cung cấp hàng thế kỷ thức ăn cho cả tỷ con nhậy trong cung điện, cá chép khổng lồ bơi trong đại dương thủy tinh, và vô số chiến lợi phẩm đi săn trong đó có một con gà gô vàng đã xỉn màu đậu trên chân đế gỗ tếch, kỷ niệm ngày một Nawab tiền nhiệm, trong cuộc đi săn cùng Nam tước Curzon[29] và đoàn tùy tùng, đã hạ 111, 111 con gà gô trong một ngày; gã lẻn qua những bức tượng chim chết đến khu khuê phòng nơi phụ nữ trong cung điện đang ngủ, rồi, hếch mũi đánh hơi, gã chọn một cánh cửa, xoay nắm đấm lẻn vào.
[29] Toàn quyền Anh tại Ấn Độ vào đầu thế kỷ 20.
Một chiếc giường đồ sộ mắc màn chống muỗi đón luồng ánh sáng không màu từ vầng trăng nửa đêm đầy kích động; Saleem bước về phía nó, rồi dừng lại, bởi gã vừa thấy, ở cửa sổ, hình dáng một người đàn ông đang cố leo vào phòng. Mutasim Anh tuấn, bị cơn cuồng si và trận gió hashish biến thành trơ trẽn, đã quyết tâm xem mặt Jamila, bằng mọi giá… Và Saleem, vô hình trong bóng tối của gian phòng, quát lên: “Giơ tay lên! Nếu không ta bắn!” Saleem chỉ bốc phét; nhưng Mutasim, tay vẫn bám vào bậu cửa sổ và chịu toàn bộ trọng lượng của cậu, không biết điều đó, và rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: cứ bám và bị bắn, hay buông tay và ngã? Cậu cố gắng phản bác, “Cả cậu cũng không được ở đây,” cậu bảo, “tôi sẽ mách Amina Begum.” Cậu đã nhận ra giọng kẻ uy hiếp mình; nhưng Saleem bèn chỉ ra thế yếu của cậu, và Mutasim, sau khi nài nỉ “Được rồi, nhưng đừng có bắn,” được phép tụt xuống theo đường cậu đã leo lên. Sau hôm đó, Mutasim thuyết phục cha cậu đưa ra lời cầu hôn chính thức với cha mẹ Jamila; nhưng em, được sinh ra và nuôi lớn thiếu vắng tình yêu, vẫn giữ nỗi căm ghét cũ với tất cả những kẻ nói yêu em, nên từ chối cậu ta. Cậu bỏ Kif đến Karachi, nhưng em vẫn không đoái hoài những lời cầu hôn dai dẳng của cậu ta; rốt cuộc cậu nhập ngũ và hy sinh trong cuộc chiến tranh năm 1965.
Bi kịch của Mutasim Anh tuấn, dầu vậy, chỉ là một tình tiết thứ yếu trong câu chuyện của chúng ta; bởi lúc này Saleem và em gái còn lại một mình, và em, bị cuộc trao đổi giữa hai gã trai đánh thức, bèn hỏi, “Saleem? Có chuyện gì thế?”
Saleem lại gần giường em; tay gã lần tìm tay em; và lá bùa được áp lên da em. Chỉ đến lúc này Saleem, lưỡi mềm ra bởi ánh trăng và cơn gió thấm đẫm dục vọng, mới phế bỏ mọi ý niệm về sự thuần khiết và thú nhận tình yêu của mình cho cô em đang há miệng ngỡ ngàng.
Một khoảnh khắc im lặng; rồi em thốt, “Ôi, không, sao anh có thể…”, song ma thuật của lá bùa đang tranh đấu với mãnh lực của lòng căm ghét tình yêu trong em; nên mặc dù cơ thể em cứng lại và co giật như một đô vật, em vẫn nghe gã giải thích rằng không có tội lỗi gì cả, gã đã nghĩ thông rồi, xét cho cùng, họ không phải là anh em thực sự; máu chảy trong huyết quản của gã và em không phải là một; trong cơn gió của cái đêm rồ dại ấy gã cố gắng tháo gỡ mọi nút thắt mà kể cả lời thú nhận của Mary Pereira cũng không làm nổi; nhưng ngay trong lúc nói gã đã có thể nghe thấy lời mình trống rỗng, và nhận ra mặc dù điều gã nói là sự thật rành rành, nhưng còn có những sự thật khác đã trở nên quan trọng hơn bởi chúng đã được hợp pháp hóa theo thời gian; và mặc dù không việc gì phải hổ thẹn hay kinh hãi, gã nhìn thấy hai cảm xúc đó trên trán em, gã ngửi thấy chúng trên da em, và, tồi tệ hơn, gã cảm thấy và ngửi thấy chúng trong và trên chính bản thân mình.Vậy là, cuối cùng, kể cả tấm da ma thuật của Mutasim Anh tuấn cũng không đủ quyền năng mang Saleem Sinai và Jamila Ca sĩ lại bên nhau; gã rời phòng em mà đầu cúi gằm, theo sau là ánh mắt như con nai hoảng hốt của em; và sẽ tới lúc hiệu lực của câu thần chú hoàn toàn tan biến, và em giáng một đòn trả thù khủng khiếp. Khi gã rời phòng những hành lang của cung điện đột nhiên tràn ngập tiếng hét hãi hùng của nàng quận chúa mới hứa hôn, người vừa bừng tỉnh khỏi giấc mơ về đêm tân hôn trong đó chiếc giường cưới của nàng bỗng nhiên và không rõ vì đâu đầm đìa một thứ chất lỏng khai khai màu vàng; sau đấy, nàng bắt đầu dò hỏi, và khi biết được sự thật có tính tiên tri của giấc mơ này, liền hạ quyết tâm không bao giờ dậy thì chừng nào Zafar còn sống, nhờ đó nàng có thể ở lại tẩm cung và tránh được nỗi kinh hoàng khai nồng của sự yếu hèn của hắn.
Sáng hôm sau, hai tên badmash của đảng Liên minh Đối lập tỉnh giấc thấy mình đã trở về giường tự bao giờ; nhưng khi mặc xong quần áo, chúng mở cửa phòng và thấy hai trong số những người lính đô con nhất Pakistan bên ngoài, đứng hòa bình ở đó với hai cây súng bồng chéo, bịt kín lối ra. Hai tên badmash hết la hét lại phỉnh phờ, nhưng hai người lính trấn thủ ở đây đến khi các hòm phiếu được niêm phong; rồi họ lặng lẽ rút lui. Hai tên badmash đi tìm Nawab, thấy ông ta trong vườn hồng đẹp hiếm có của mình; chúng hoa tay múa chân và to tiếng; những lời lẽ như nhạo-báng-công-lý được nói ra, và trò-bầu-cử-dối-trên-lừa-dưới; rồi thì thủ đoạn hèn hạ; nhưng Nawab chỉ cho chúng thấy mười ba giống hồng Kin do chính tay ông lai tạo. Chúng tiếp tục lèm bèm – cái-chết-của-dân-chủ, bạo-chúa-chuyên-quyền – cho đến khi ông ta cười điềm đạm, điềm đạm, rồi nói, “Các bạn ạ, hôm qua con gái ta đính ước với Zafar Zulfikar; không bao lâu, ta hy vọng, đứa kia sẽ cưới chính quý tử của Tổng thống. Thử nghĩ xem – ta sẽ mất thể diện thế nào, ta sẽ ô danh ra sao, nếu như có dù chỉ một lá phiếu ở Kif chống lại thông gia tương lai của ta! Các bạn, ta là một kẻ coi trọng danh dự; cho nên cứ ở nhà ta, ăn, uống; chỉ đừng hỏi xin điều ta không thể cho.”
Và tất cả chúng tôi sống hạnh phúc… dù gì đi nữa, dù thiếu cái kết hư cấu truyền thống của cổ tích, câu chuyện của tôi quả thật vẫn kết thúc một cách hoang đường; bởi khi các Đại Cử tri hoàn thành nhiệm vụ, các báo Jang, Bình minh, Thời báo Pakistan đều loan báo thắng lợi áp đảo của đảng Liên đoàn Hồi giáo của Tổng thống trước đảng Liên minh Đối lập của Mader-i-Millat; và qua đó chứng minh cho tôi rằng tôi chỉ là kẻ tung-hứng-sự-thật khiêm nhường nhất; và rằng ở một đất nước mà sự thật là cái được người ta chỉ đạo là sự thật, hiện thực đúng nghĩa gần như đã ngừng tồn tại, thế nên điều gì cũng có thể là thật trừ cái mà người ta bảo ta là thật; và có lẽ đây chính là khác biệt giữa tuổi thơ Ấn Độ và tuổi thiếu niên Pakistan của tôi – rằng ở thời kỳ thứ nhất tôi bị bao vây bởi một vô hạn những hiện thực khác nhau, trong khi ở thời kỳ thứ hai tôi trôi dạt, mất phương hướng, giữa một số lượng cũng bất tận như thế những giả tạo, phi hiện thực và lừa dối.
Một chú chim nhỏ thì thầm vào tai tôi: “Phải công bằng chứ! Không ai, không nước nào, độc quyền về sự giả dối hết.” Tôi chấp nhận lời phê bình; tôi biết, tôi biết. Và, nhiều năm sau, mụ Góa phụ biết. Và Jamila: người mà với em điều-được-hợp-pháp-hóa-là-sự-thật (bởi Thời gian, bởi thói quen, bởi tuyên bố của người bà, bởi sự thiếu trí tưởng tượng, bởi sự đón nhận của người cha) đã chứng tỏ xác tín hơn điều em vẫn biết là sự thật.