HỒI THỨ MƯỜI HAI
Hồng Lĩnh muôn trùng, xông pha trăm trận,
Bồ Điền một miếu, hương khói nghìn thu

    
ói về Lã Đại sau khi được lĩnh chức Giao Châu mục, cậy có quyền thế ở trong tay, thi hành toàn chính sách tàn khốc. Vì thế mà trong có hơn một năm, những đảng phản đối khởi lên tứ tung. Tại huyện Vô Biên có đảng cờ đỏ, chủ tướng là Lê Mai, khởi lên đánh phá thành huyện. Tại huyện Dư Phát có anh em Mục Hoàn, khởi lên giết quan Huyện lệnh, rồi chiếm lấy huyện, chiêu binh, mãi mã để mưu việc đại cử; tại Vô Thiết có bọn Chiếng Cầu, Chiếng Sao, tụ họp ở trong sơn động, đánh phá quân Ngô, giết hại được rất nhiều; tại Cư Phong có toán quân Lý Mão; tại Tư Phố, Nông Cống có toán quân của Vua Bà Lệ Hải…
Nói tóm lại, khắp trong hạt Cửu Chân, không một nơi nào là không có quân khởi lên phản đối, khiến cho Lã Đại trở tay không kịp, bao cái nhuệ khí mới sang, đến bây giờ đã tiêu tán hầu hết.
Tin tức ấy truyền báo đến triều đình Đông Ngô. Tôn Quyền nổi giận, hạ chiếu già giải172 Lã Đại về nước trị tội, rồi phong cho Lục Dận làm chức Giao Châu Thứ sử, lập tức đem theo một vạn quân thủy, bộ sang bình Nam.
Lục Dận vốn là con trai của Lục Tốn thật đã hấp thụ được cái chân truyền của cha rất nhiều. Các người thức giả đời bấy giờ, đều phải công nhận Dận là một vị thiếu niên danh tướng ở triều đình Đông Ngô.
Sau khi Lục Dận đã lĩnh ấn Thứ sử, phụng mệnh sang bình Nam, Dận có đem theo bốn viên mãnh tướng là: Khu Báo, Đỗ Kiệt, Quách Hùng, Mã Khải. Cả bốn người đều có sức tót núi, qua sông, người đời gọi là “Tứ Phàn”, tức là bốn ông Phàn Khoái.
Lục Dận sang đến Giao Châu, đem quân đuổi thẳng vào quận Cửu Chân.
Vừa mới đến quân hôm trước, hôm sau phái ngay 20 tên tế tác đi dò thám quân tình các nơi. Cách mấy hôm, bọn tế tác đã đều về báo hết cả tình hình.
Dận liền triệu tập các tướng tá đến trung quân, bảo rằng:
- Hiện ở trong địa hạt Cửu Chân, nơi nào cũng có đảng loạn. Nhưng duy có mấy nơi to là Dư Phát, Vô Biên, Vô Thiết, Cư Phong, Nông Cống. Tựu trung năm nơi ấy, chỉ có một đảng ở Nông Cống là đáng chú ý hơn hết. Ta nghe viên tặc tướng ở đấy là đàn bà, vừa có võ dũng, lại có mưu lược, không kém gì Trưng Trắc, Trưng Nhị ngày xưa. Bởi thế nên nó khởi binh lên có mấy ngày, mà đã lấy được cả Nông Cống, Đô Bàng, lại thừa thắng sang lấy cả huyện Cư Phong, hiện giờ quân của nó tuy là có ít nhưng thao luyện rất tinh… Đảng ấy, ta chỉ nên trí thủ mà không lực địch173… Còn đảng ở Cư Phong, thời nghe đâu nó đã về theo với đảng Nông Cống rồi. Giờ trước hết ta hãy trừ khử bỏ mấy đảng nhỏ kia. Vậy trong các ngươi, ai dám vì bản súy đi dẹp ba đảng Dư Phát, Vô Biên, Vô Thiết nào?...
Lục Dận hỏi dứt nhời, thời Khu Báo tình nguyện xin đi Dư Phát, Đỗ Kiệt tình nguyện xin đi lấy Vô Biên, Mã Khải tình nguyện xin đi lấy Vô Thiết…
Lục Dận đều cấp cho mỗi tướng là 1.000 quân vừa mã vừa bộ tức nhật khởi hành174.
Nói về Khu Báo, Đỗ Kiệt, Mã Khải, vốn là ba tay tướng giỏi, lại có kế sách của Lục Dận bày cho, nên chỉ trong vòng có hơn nửa tháng mà cả ba nơi loạn đảng đều đã dẹp yên. Ba tướng dẫn quân đắc thắng về Cửu Chân phục mệnh. Lục Dận thấy đã dẹp yên được ba đảng rồi, liền lấy của trong kho ra, cấp cho mấy viên du thuyết, đi dụ những đảng nhỏ. Hễ đảng nào chịu ra hàng thời ban thưởng rất nhiều. Không bao lâu, khắp trong hạt Cửu Chân, trừ toán quân của Vua Bà và Lý Mão ra không còn một đám loạn quân nào nữa. Bấy giờ Lục Dận lại họp chư tướng bảo rằng:
- Hiện giờ viên nữ tặc mà chúng ta quen gọi là Bà Vương, còn đóng quân tại Cư Phong. Vậy ta nên thừa hư đem quân thu phục lấy hai huyện Đô Bàng và Nông Cống. Tại hai nơi đó, chắc Bà Vương cũng có lưu mãnh tướng bảo thủ, nhưng nếu ta dùng kế “Tật lôi bất cập yểm nhĩ175” thời cũng có phần thắng lợi được. Sau khi đã lấy được hai nơi ấy, thời Bà Vương dẫu có tài hơn Quản, Nhạc176, cũng phải bị thua ở tay ta.
Các tướng nghe Lục Dận nói, đều lấy làm khâm phục, không còn ai dám dị nghị điều gì. Tức thời Lục Dận sai Mã Khải đem 500 quân đi lấy Đô Bàng, Khu Báo đem 500 quân đi lấy Nông Cống. Quách Hùng đem 1.000 quân tiến đánh thẳng vào đại dinh ở An Phổ. Lục Dận lại truyền cho các tướng: “Phàm tướng Nam nào hàng, phải kính đãi tử tế, quân Nam có tên nào hàng, cấp cho lương thực rất hậu. Quân đi đến đâu, phải nghiêm túc, cấm không được cướp bóc hà hiếp lương dân.”
Các tướng lĩnh mệnh đi rồi, Lục Dận tự thống lĩnh bốn vạn quân mã bộ, đến đóng trại ở dưới núi Hồng Sơn, đề phòng đại chiến với Vua Bà.
Nói về Phan Thái Tâm đóng quân ở Đô Bàng, bỗng nghe thám mã về báo: Lục Dận sai đại quân đến đánh. Thái Tâm giật mình mà rằng:
- Vua Bà đi vắng, mà địch binh thừa hư đến đánh, ta biết làm thế nào bây giờ?... - Nói rồi, vội vàng hội họp chư tướng lại để bàn kế công thủ. Sau một hồi bàn luận, Thái Tâm quyết kế cố thủ không ra đánh. Mã Khải đã dò thám biết trước là tướng Nam dùng kế cố thủ, liền hạ trại ngay từ ngoài xa cách thành hơn 10 dậm. Chập tối hôm ấy, Mã Khải truyền lệnh các quân sĩ đi vào trong các trang, trại xung quanh mua lấy 100 gánh rơm, rồi cứ đon177 lại từng bó nhỏ, vừa sức một người ôm, làm thành ba, bốn trăm bó. Nhưng việc hành động phải rất là bí mật. Vào khoảng hết canh một sang canh hai đêm hôm ấy, các việc làm đã tề tựu, Mã Khải liền truyền lệnh đem rơm ấy tẩm ướt đi, rồi cùng vác tất cả, ngầm tiến thẳng đến thành huyện Đô Bàng, lúc đi đường phải im cấm thì thào trò chuyện, khi đi đến nơi, hễ ai ném được bó rơm trước nhất vào chân thành thời được đầu công. Truyền lệnh rồi, Mã Khải tự thống suất 100 quân cảm tử, vùn vụt theo sau. Vào khoảng đầu trống canh ba thời toán quân của Mã Khải đã đến chân thành Đô Bàng. Một tiếng lệnh đánh lên, tức thời ngót 400 bó rơm đều ném tất cả vào chân thành. Chỉ một thoáng mắt, mà rơm đã chất cao bằng mặt thành, tức thời Mã Khải đem quân cảm tử theo chỗ rơm chất ấy mà đăng thành… Giữa lúc đó Phan Thái Tâm đương đem quân đi tuần tiễu trên mặt thành, bỗng nghe tiếng lệnh, rồi kế đến tiếng reo hò, biết là quân Ngô đánh úp, vột vàng đem quân đến chỗ góc thành có tiếng hò reo để cự địch. Đến lúc thấy chúng ném rơm vào chân thành, biết là quân Ngô dùng kế mạo hiểm để đăng thành, liền vội vàng sai quân đốt đuốc ném xuống. Nhưng vì rơm của quân Ngô đã tẩm ướt, nên đốt đước dầu ném xuống mà cũng không cháy được. Đương lúc luống cuống, chưa biết dùng cách đối địch ra sao thời vụt một cái Mã Khải đã nhảy lên tới nơi. Phan Thái Tâm không còn tâm can nào nữa, vội vàng xông lại cự địch. Nhưng chỉ đánh nhau được độ hơn mười hợp, thời cả toàn quân cảm tử của Mã Khải đã lên tới nơi. Chúng chia nhau ra, toán thời đánh nhau với quân Nam, toán thời xông ra phá cổng thành. Chỉ độ dập bã trầu, quân Ngô đã kép ùa vào thành như đê vỡ… Thái Tâm trông thấy tình thế như vậy, bất giác hoảng người lên, trùng tay lại, thương pháp thành ra rối loạn… Tức thời bị Mã Khải đâm cho một nhát vào sườn, ngã lộn xuống thành mà chết.
Thái Tâm đã chết, quân Nam đều rồi loạn, Mã Khải tiến thẳng vào trong thành, truyền lệnh đánh chiêng thu quân. Quân lệnh vừa truyền ra thời trời vừa tảng sáng. Mã Khải sai vời tất cả các quân sĩ đầu hàng đến cấp phát cho tiền lương rất tử tế.
Mã Khải lại khuyên bảo chúng rằng:
- Chúng bay về nhà, nên đem cái ân đức của quan lại Thiên triều mà báo cáo cho già trẻ đều biết. Quan lại Thiên triều lúc nào cũng thương yêu dân Giao Châu như xích tử178. Chỉ chăm lo cho dân Giao Châu được yên cư lạc nghiệp mới lấy làm vừa lòng. Chỉ những kẻ quá ác mới phải giết bỏ đi, để nó khỏi làm hại dân lành đấy thôi. Chúng bay thử ngẫm: như chúng bay hiện giờ, nếu không gặp được quan lại Thiên triều, thời đã đầu bêu ngọn cỏ hết rồi, chứ còn ai cấp phát cho tiền lương, để về vui sướng với vợ con nữa! Vậy chúng bay đã được sống mà về, nên đứa gần bảo đứa xa, đứa khôn bảo đứa dại, đừng nghe những lời siểm súc của quân cường bạo, nên mau mau quay đầu về thuận với Thiên triều, thiếu lương ta cấp cho lương, thiếu áo ta cấp cho áo. Chả hơn là cứ làm càn làm bậy, để đến lúc chịu chết chém cả nút hay sao?
Mã Khải dẫn dụ xong, lại sai mổ trâu, mổ bò, cho chúng đánh một bữa chén “túy lúy càn khôn” rồi mới cho về. Vì mấy lời nói ngon ngọt ấy, vì mấy quan, mấy đấu tiền lương ấy, vì bữa chén say no ấy… mà cái tiếng quan lại nhà Ngô là nhân đức, đã dồn đi khắp cả xa gần.
Bấy giờ Vũ Lăng Chấn trấn thủ ở Nông Cống, bỗng nghe thấy tin báo huyện Đô Bàng thất thủ, Phan Thái Tâm tuẫn nạn179, thời không còn hồn vía nào nữa. Vừa toan triệu tập các liêu thuộc lại để bàn việc quân cơ, bỗng thấy hai viên hiệu úy vào trình rằng:
- Bẩm chủ tướng, hiện số quân ở trong thành ta, cả mã, cả bộ có 810 người. vậy mà không biết vì cớ sao, buổi hiệu duyệt sáng nay, chúng tôi chỉ còn đếm được có 632 người. Vậy xin trình để chủ tướng xét.
Vũ Lăng Chấn nghe trình xong, càng tái cả người đi. Vội tự mình ra giáo trường điểm duyệt lại quân sĩ, quả nhiên thấy thiếu hẳn đi mất ngót 200 quân. Lăng Chấn liền mật sai mấy tên tâm phúc đi dò xét xem sao. Mãi rồi sau mới biết là vì sự khuyên dụ của quân Ngô, nên lòng quân ai nấy cũng đều có ý chán nản. Lăng Chấn nghĩ bụng: - Nếu mình không tìm cách nào để vãn hồi lại, thời có lẽ chỉ trong mấy ngày nữa là chúng bỏ trốn hết. Đến lúc ấy, lỡ quân Ngô kéo đến, mình dù có tài thánh cũng khó lòng chống cự được…
Nghĩ vậy liền lui về dinh, bàn với mấy người tâm phúc, rồi truyền lệnh giết trâu, mổ bò để khao thưởng quân sĩ. Lăng Chấn muốn nhân lúc đang chè chén, đem lời nghĩa khí ra để khuyến khích. Vì Lăng Chấn cho là cái kế sách ràng buộc quân chưng không gì bằng cho chúng tiền của dồi dào, ăn uống no say. Nếu hai thứ mồi ấy đã sẵn có trong tay, thời có thể sai chúng nhảy vào nước sôi, đâm vào lửa nóng, cũng dễ như chơi…
Chẳng ngờ, ôi, thật là một việc chẳng ngờ!... Đúng giờ Ngọ ngày hôm sau, chính đang lúc lính 600 quân cùng nhau chè chén vui cười, Lăng Chấn còn muốn đợi cho chúng ăn uống xong đã mới giảng giải nghĩa lý, bỗng có tên quân tế tác hốt hoảng về báo rằng:
- Đồn An Phổ đã vỡ, tướng trấn thủ là Trần Quý đầu hàng. Hiện viên tướng đánh An Phổ là Quách Hùng, đã hợp binh với viên tướng đánh Đô Bàng là Mã Khải, cùng hiệp với Khu Báo kéo thẳng đến đánh thành này. Cả ba toán quân có tất cả đến ngót 2.000, khí thế rất là hiệu đại…
Bọn quân sĩ đang uống rượu, nghe thấy nhời báo của tên quân tế tác, trước còn ngơ ngác trông nhau, sau thì rì rầm nói với nhau… Bỗng có mấy đứa – chả biết nó táo gan hay là nhát gan, đứng phắt ngay lên, nói mấy câu rõ gọn như đổ đẫy:
- Trốn mau, kẻo chết cả nút giờ!...
Dứt nhời, co cẳng chạy buột ra cổng thành. Viên đội trưởng vừa toan cản lại, thời lại thấy hai, ba mươi đứa ở dẫy bên kia đều ùa theo tháo chạy… Rồi toán năm đứa, toán mười đứa; toán ba, bốn mươi đứa cứ thoăn thoắt nhổm dậy, co cẳng tháo chạy…
Lăng Chấn ngồi trong nghe tiếng ồn ào vội chạy ra, thấy tình hình như vậy, nóng tiết tuốt gươm, chém luôn mấy đứa mà chúng càng chạy già. Lăng Chấn thở dài một tiếng, chống gươm xuống đất, đứng ngây người ra, như tượng gỗ…
Chỉ độ chín nồi mười cơm, lính 600 quân đều co vòi trốn sạch, chỉ còn sót lại có hơn 50 tên quân tâm phúc là vẫn còn đứng ở xung quanh Lăng Chấn. Vừa lúc đó, bỗng nghe thấy phía ngoài thành chiêng trống ầm ầm…
- Quân Ngô đã kéo tới nơi, ra đóng cổng thành mau lên các anh!...
- Đó là nhời bảo nhau của mấy tên quân tâm phúc. Dứt tiếng ấy, chúng đều chia nhau chạy đi đóng bốn cổng thành. Đóng xong, chúng lại chạy về chỗ Lăng Chấn đứng, một tên nói:
- Bẩm chủ tướng, quân Ngô đã bổ vây cả bốn mặt thành rồi, xin chủ tướng truyền kế cự địch…
Lăng Chấn bấy giờ mới hình như hồi tỉnh người lại, thở dài một tiếng, trên hai con mắt tròn xoe thấy gừng có hạt lệ… lắc đầu bảo chúng rằng:
- Còn đánh trác gì nữa! Thôi, ta đành chết thôi, các con ạ!...
Dứt nhời, giọt lệ liền chảy xuống ướt đằm cả hai gò má, không sao ngăn được.
Bọn quân tâm phúc đều cảm động sụt sùi khóc… Rồi một tên cất tiếng nói:
- Xin chủ tướng đừng vội nản chí. Hãy còn bọn 50 anh em chúng con đây. Chúng con xin liều chết đánh nhau với quân giặc, để trả nợ nước, đền ơn Vua Bà, đền ơn chủ tướng. Cứ mỗi chúng con, quyết gắng lên địch lại với mười tên giặc, thời cũng có thể bằng được 500 quân rồi. Vậy ở trong thành còn có 500 quân, thời việc gì chủ tướng phải nản?
Lăng Chấn nghe tên quân ấy nói xong, gật đầu mỉm cười, rồi ngồi phệt xuống đất, bắt vòng tròn chân lại, cất tiếng bảo:
- Nếu vậy, các con hãy ra mở toang cả cổng thành, rồi vào đây ta bảo…
Nghe bảo, chúng ngạc nhiên nói:
- Giặc đánh ngoài thành mà chủ tướng bảo chúng con mở toang cổng thành, lỡ quân giặc ùa vào, thời chống giữ sao kịp?
Lăng Chấn mỉm cười mà rằng:
- Các con tưởng bốn cánh cổng ấy có sức chống được quân giặc hay sao? Lệ thường, giặc đến thời đóng cổng thành, nhưng cái chủ yếu là phải có quân cự thủ ở trên mặt thành, thời sự đóng cổng mới có hiệu lực. Giờ quân cự thủ không có, chúng chỉ thấy cứ đóng cổng không liền đổ xô vào để phá cổng, thời phỏng bọn 50 anh em chúng con chống lại được nổi chăng? Chi bằng ta cứ mở toang cổng ra, chúng thấy trên mặt thành không có quân phòng thủ, dưới cổng thành lại mở không đóng, tất chúng phải cho là ta dùng kế Thị nhược dĩ cường, tương thực tác giả đó180.
Chúng nghe xong, đều phục là phải, liền chia nhau đi mở toang cả bốn cổng thành, rồi về đứng cả xung quanh Lăng Chấn. bấy giờ Lăng Chấn mới ung dung cất tiếng nói:
- Bây giờ là cái lúc cuối cùng của thầy trò chúng ta cùng nhau họp mặt. Ta muốn đem cái tâm sự của ta để thuật cho các con nghe lại một lần: ta năm nay ngoài 30 tuổi, từ năm 16, 17 tuổi trở đi đã biết lấy cái nông nỗi nước mình phải phụ thuộc với nước Tàu là nhục. Bởi thế nên mới dốc chí luyện tập võ nghệ, xem học binh thư, để mong về sau rửa hổ nước, cứu nạn dân… may sao, gần đây lại gập có Vua Bà chúng ta dựng cờ khởi nghĩa, nên ta mới vội vàng truy tuỳ181 dưới trướng… Cứ kể cái chí khí, cái thao lược, cái can đảm anh hùng của Vua Bà chúng ta giờ, thật không kém gì Vua Trưng ngày xưa. Vua Bà vì tin chúng ta, nên mới ủy cho giữ những nơi trọng địa như thế này. Chẳng ngờ, gặp lúc Vua Bà viễn chinh, quân giặc kéo đến, anh Phan Thái Tâm vì thất cơ mà tuẫn nạn ở Đô Bàng, còn anh Trần Quý…
Lăng Chấn nói đến hai tiếng Trần Quý, thời nghiến răng trừng mắt, coi như khí căm giận đã nghẹn lên đến cổ… Mãi mãi rồi mới nói tiếp:
… Ta không biết là người hay là vật, mà lại đi đầu hàng quân giặc, để đến nỗi mất đồn An Phổ, là nơi căn bản từ lúc mới khởi quân! Bây giờ chỉ còn sót có một thành này, mà bọn quân ngu dốt, lại tin lời dụ dẫn của quân giặc mà trốn chạy hết, thầy trò ta dù có tài là thánh cũng không tài nào giữ được nữa. Thân ta dù chết, ta cũng không hối hận gì, chỉ có một điều là ba thành này mà mất tức là đã mất nơi căn bản, Vua Bà ta nay mai hoặc lỡ có khi nào thất thế, thời còn biết lui quân về đâu? Thế có khác gì ta đây tự làm tuyệt mất hậu lộ182 của Vua Bà. Vua Bà đáng lẽ không đến nỗi thua, vì ta đây mà thua… Cái tội của ta dù nhổ từng cái tóc cũng không kể sao cho hết.
Bọn quân sĩ nghe Lăng Chấn nói vậy thời đều bâng khuâng ngao ngán, thổn thức bồi hồi, không biết nói lại thế nào. Một lúc, bỗng Lăng Chấn đứng phắt dậy, cất tiếng lên nói:
- Thôi bây giờ các con hãy ở lại đây, để ta ra giết quân Ngô một mẻ, cho chúng biết tay, rồi ta có chết mới cam lòng…
Lăng Chấn nói dứt nhời, cả 50 tên quân đều nói:
- Chúng tôi xin theo chủ tướng chết cùng chết, quyết không ai ở lại.
Lăng Chấn thấy vậy, đành phải cho chúng đi theo, liền nhảy phắt lên ngựa, vùn vụt xông ra ngoài thành…
Nói về Mã Khải, Khu Báo, Quách Hùng, ba tướng đem quân đến vây đánh huyện thành Nông Cống, khi đã bổ vây xong, bỗng thấy các cổng thành đều mở toang, Quách Hùng toan kéo quân đánh thẳng vào, Mã Khải gạt đi rằng:
- Chết! Chết! Mạo hiểm thế! Thế nào được. Bây giờ tướng quân kéo quân vào, lỡ phục binh ở hai bên thành nó đổ ra, cổng thời nó đóng sập lại thời còn sống thế nào được chứ?
Quách Hùng lấy làm phải, liền cùng nhau truyền cho quân sĩ chỉ cứ reo hò và khiêu chiến chứ không ai dám bén mảng đến gần thành cả.
Mặt trời tà tà, quân đã ra chiều mỏi mệt, kẻ đứng người ngồi, hàng ngũ đều rối loạn. Mã Khải đương tuần tiễu ở cửa Đông, Quách Hùng thời đang trèo lên trên vọng viễn đài, Khu báo vì đêm hôm trước cảm sốt, nên ngày hôm ấy tuy ra nơi hàng trận mà tinh thần vẫn uể oải. Nhân thấy trong thành không ra đánh, liền xuống ngựa ngồi phệt xuống đất, bảo mấy tên quân lấy lá mộc che xung quanh cho đỡ nắng… Giữa lúc đó, bỗng nghe từ trong thành có tiếng reo hò xông ra, Khu Báo liền ngảnh đầu lại trông thấy một viên tướng tay cầm siêu đao, cưỡi trên con ngựa ô, vùn vụt từ trong thành xông ra, theo sau có một toán quân đều cầm đoản đao, khí thế rất hung mãnh. Khu Báo có ý ngạc nhiên, vì từ xưa chưa từng thấy toán quân nào xuất trận mà quân tướng ít ỏi đến thế bao giờ… nhưng vì thấy cái khí thế hung mãnh của viên tướng đi đầu, nên cũng không dám coi thường, liền vội vàng đứng dậy, gọi quân dắt ngựa. Vừa lúc rón rén toan nhẩy lên lưng ngựa, bỗng nghe thấy một tiếng quát vang như sấm:
- Ngô tướng! Mi đã biết mặt Vũ Lăng Chấn chưa?
Khu Báo nghe tiếng thét ấy, bất giác giật nảy mình lên, vội vàng quày đầu lại để trông, thời Lăng Chấn đã vụt tới trước mặt. Khu Báo chưa kịp trở tay thời một mũi siêu đao đã đưa ngay vào giữa ức Khu Báo chỉ kêu lên được một tiếng tức thời ngã gục xuống mà chết.
Sau khi Lăng Chấn đã giết chết Khu Báo, tức thời cử động siêu đao, vùn vụt xông vào giữa trận quân Ngô; toán quân thấy cái khí thế của Lăng Chấn hung mãnh quá, thời đều chạy đổ xô đi, kêu la rầm rĩ… Mã Khải, Quách Hùng nghe báo đều vội vàng quày lại. Mã Khải bắt gặp Lăng Chấn trước, liền khoa kích giao chiến, Quách Hùng lại sau, thấy hai tướng đánh nhau rất hăng, nhưng coi chừng quân Nam không có mấy, liền phất cờ truyền lệnh bổ vây, lại truyền quân cung thủ hễ quân Nam đi đến đâu thời bắn đến đấy… Sau khi truyền lệnh xong liền xông vào song chiến Lăng Chấn. Mã Khải đánh nhau với Lăng Chấn đã toan núng thế, bỗng được Quách Hùng trợ chiến thời khí thế lại thêm hăng. Hai bên lại cùng đánh nhau tới hơn 50 hiệp nữa, Lăng Chấn liệu thế không thể địch được, liền quày ngựa chạy. Mã Khải, Quách Hùng cứ để vậy cho chạy không đuổi, rồi lên trên cao để chỉ huy quân sĩ bắn tên.
Lăng Chấn phóng ngựa đi được một quãng độ tám, chín trăm thước, ngảnh lại trông quân mình, chỉ còn độ một nửa, liền dừng ngựa bảo chúng:
- Thôi các con đừng theo ta nữa! Hàng ngay đi, hàng ngay đi, kẻo không thể sống được đâu!
Lăng Chấn nói dứt nhời, cả toán quân đều kêu lên:
- Chết thì chết! Chúng tôi quyết không hàng!
Vừa lúc đó, thời một toán quân Ngô tới hơn 200, nghe hiệu chỉ huy áp tới, giương toàn nỏ cứng, nhằm thẳng vào Lăng Chấn mà bắn. Lăng Chấn vung thương quay tít để gạt tên, tên rơi xuống lỏa tỏa như mưa… Bỗng một mũi tên bắn trúng ngay vào mắt ngựa của Lăng Chấn, ngựa đau lồng lên, Lăng Chấn vội rún chân nhảy thót xuống đất. Rồi chân đi bộ, tay vung thương, đánh lộn vào trong quân Ngô, chỉ độ dập bã trầu, đã giết chết được tới bảy, tám tên. Tuy vậy quân Ngô vây bọc vẫn mỗi lúc một thêm đông, mà Lăng Chấn thời chân tay mỗi lúc một mỏi mệt dần, ngảnh lại trông quân mình, không còn sót một mống nào nữa, bất giác thở dài một tiếng ứa hai hàng nước mắt, ngửa mặt lên trời kêu lên một câu:
- Trăm lạy Vua Bà, không phải Vũ Lăng Chấn này không hết lòng báo chúa, nhưng sức kiệt mất rồi, xin Vua Bà cũng thấu tình cho!
Nói dứt nhời quay thương đâm cổ mà chết.
Vũ Lăng Chấn chết, quân Ngô vẫn chưa biết, nên chi chúng vẫn cứ vây bọc mãi, ước tới hơn một giờ sau, Mã Khải, Quách Hùng không thấy ở trong có người đánh nữa, liền sai quân đi lùng, một lát, có mấy tên quân khiêng xác Lăng Chấn đến nộp. Mã, Quách hai người trông thấy mặt Lăng Chấn, tuy là đã chết, mà sắc giận vẫn hầm hầm rất lấy làm cảm phục, bất giác buột miệng đồng thanh nói lên rằng:
- Người này mới thật là trung quân ái quốc, thật đáng là bực anh hùng. Không ngờ nơi rợ mọi mà lại có người như thế.
Nói rồi, truyền quân sĩ làm lễ mai táng rất là tử tế. Sau Mã Khải lại dựng bia thân đề mấy chữ vào giữa lòng bia rằng: “Giao Châu nghĩa sĩ Vũ Lăng Chấn chi mộ”
Sau khi Mã Khải, Quách Hùng đã thu phục được Nông Cống liền bàn nhau chia quân đóng giữ rồi tức nhật khởi binh kéo về Cửu Chân để trình mọi việc quân sự với Lục Dận. Khi tới nơi thời Lục Dận đã dẫn đại binh đến đóng ở Hồng Lĩnh. Hai tướng lại đến Hồng Lĩnh vào yết kiến Lục Dận. Lục Dận rất lấy làm khen ngợi, rồi bảo các tướng:
- Chắc thế nào chỉ mấy ngày nữa, Bà Vương sẽ kéo quân tới đây. Ta nghe nói người ấy vừa có cơ mưu, lại có vũ dũng, quyết không thể coi thường được. Vừa rồi y sở dĩ bỏ An Phổ, Nông Cống, Đô Bàng vội vã kéo đại binh sang Cư Phong, chỉ vì một là y nóng lòng cứu anh, không kịp nghĩ gần nghĩ xa; hai là y coi thường quan Mục trước, chắc không phải là tay đối đầu được với y. Đến giờ nếu cái tin nơi sào huyệt đã bị ta chiếm đoạt tất y phải liều chết mà đánh lại… Ta chắc trong hàng tướng tá của ta không có tay nào ngang sức với y. Vậy các ngươi phải tuân theo mệnh lệnh của ta lúc nào nên đánh lâu, lúc nào nên đánh chóng, lúc nào nên dụng đoản kích trường, lúc nào nên dùng trường kích đoản… Ta đã vẽ ra bản đồ, lập thành kế sách sẵn. Hễ ai trái lệnh, chiểu quân pháp ta quyết không dung.
Các tướng nghe lệnh đều dạ ran, rồi lui ra, ai ở đâu về đấy, chỉ chờ đợi ngày giờ để nghinh địch.
***
Nói về Vua Bà, vừa sắp sửa chỉnh bị binh mã để đi đánh Cửu Chân, bỗng có quân tế tác đến báo ba nơi căn bản đều đã bị mất, Phan Thái Tâm, Vũ Lăng Chấn tử nạn, Trần Quý đầu hàng,…
Đức bà nghe báo xong, giậm chân xuống đất, thở dài mà rằng:
- Chúng nó làm lỡ mất cả đại sự của ta rồi!
Nói rồi, truyền hội họp tất cả các tướng đến trung quân bàn việc tiến binh. Một lát, các tướng đã đều đến. Vua Bà cất tiếng nói:
- Hiện giờ Nông Cống, Đô Bàng, An Phổ đã đều mất về tay Lục Dận. Nơi căn bản của ta không còn. Liệu một thành huyện Cư Phong này, cũng không sao chống nổi với quân địch. Vậy giờ ta muốn đem đại quân thu phục lấy ba nơi căn bản kia đã. Rồi sẽ tiến lên đánh Cửu Chân sau, các ngươi nghĩ sao?
Các tướng đều vâng lời y nghị. Vua Bà lại gọi Lý Mão đến bảo:
- Ta vì nhà ngươi mà mới đem quân đến đây, nay nơi căn bản của ta đã mất, thế tất ta phải hồi quân thu phục. Nhà ngươi vốn là dân thổ chước ở vùng này, vậy ta cho đem quân bản bộ, đóng giữ huyện Cư Phong. Mỗi năm ngày một lần phái quân đem lương thực theo cho đại quân ta ăn dùng. Vì ta chắc quân ta trở về Đô Bàng, dọc đường còn phải chinh chiến nhiều, chưa hẳn một tháng có thể về tới nơi… Lại vì sự bận việc xung kích nên không thể đem kèm lương đi theo được. Việc ấy là một việc rất hệ trọng, bao nhiêu tính mệnh của quân ta, đều trông cả vào đấy, nhà ngươi phải hết sức giúp ta…
Lỹ Mão vâng lời.
Mờ sáng ngày hôm sau, Vua Bà truyền lệnh Triệu Quốc Thành làm tiên phong, đem 500 quân tiến đi trước, Vua Bà từ thống trung quân, Triệu Quốc Đạt đem quân bản bộ đi đoạn hậu.
Chiều tối ngày hôm ấy, trung quân đi tới địa hạt Phúc Mê, Vua Bà truyền hãy dừng quân hạ trại. Lệnh vừa truyền xong, bỗng thấy một tên quân tiền bộ tiên phong, phi ngựa trở lại trình rằng:
- Phía dưới Tùng Sơn có một dãy trại quân Ngô án ngữ. Vậy xin Vua Bà truyền cho cứ đánh thẳng vào trại quân Ngô lấy đường đi, hay là lùi quân, đi sang đường khác?...
Vua Bà nghĩ bụng: - Muốn đi đường khác, thời phải lui quân tới binh 30 dậm đường nữa. Chắc đâu toán quân Ngô ấy nó lại không đuổi theo. Nếu vậy thời hóa ra chưa đánh nhau mà hình như đã bại trận mất rồi!
Vì nghĩ vậy nên Vua Bà truyền lệnh cho toán quân tiên phong, cứ việc đánh ngay vào trại quân Ngô, rồi sẽ có trung quân tiếp ứng chứ không phải lùi đi lối khác…
Triệu Quốc Thành tiếp được lệnh ấy, thời ngày đã tối, nhưng vì nóng lòng muốn được thành công, nên sau khi cho quân sĩ ăn uống cơm tối xong vào khoảng hết canh một sang canh hai, Quốc Thành truyền lệnh cho quân sĩ: ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm, kéo thẳng đến đánh úp trại quân Ngô. Khi còn cách độ 40 thước, Quốc Thành truyền quân sĩ, đánh trống, đốt đuốc, hò reo xông vào. Chẳng ngờ khi quân sĩ vừa mới sát gần tới nơi, một hồi lệnh ở trong trại nổi lên, tức thời nỏ bắn ra như mưa. Quốc Thành tự xông vào trước để thúc quân, nhưng vì tên bắn nhiều quá quân ta cứ lui ra lại vào, tới ba bốn lượt bị trúng tên mà chết tới lính một trăm, vẫn không thể sao sát gần được. Bất đắc dĩ Quốc Thành lại phải hô quân về bản trại. Lúc về đến trại đã hầu sang canh tư, quân sĩ vì đã đi mất suốt ngày, đến đêm lại phải kéo đi đánh, chắc nên ai nấy đều mệt lử cả đi, vừa cởi bỏ áo giáp ra đặt mình nằm xuống là ngủ thiếp ngay đi như chết. Quốc Thành cũng vì mỏi mệt quá, không kịp nghĩ chi đến việc canh phòng, cũng đặt mình nằm xuống ngủ ngay. Đến lúc vừa giao đầu canh năm, bỗng quân Ngô kéo đến ầm ầm như đê vỡ. Quốc Thành giật mình tỉnh dậy, thời đã thấy quân Ngô phá tan được cửa trại mà xông vào rồi. Dưới ánh đuốc như ban ngày, trông thấy quân mình, thảy đều đầu tóc rũ rượi, chạy trốn tán loạn… Quốc Thành không còn kịp tìm ngựa chỉ cầm chiếc hoạch kích đánh tháo lấy đường chạy. Trong khi còn lưởng vưởng ở trong trại, Quốc Thành thấy ở dưới chân mình, giày lên toàn những thây chết ngổn ngang… Phải hết sức đánh tới một nửa giờ, mới thoát ra ngoài vòng liền cắm đầu chạy miết một mạch ra bãi Lũng, rồi ngoảnh lại trông nơi trại cũ của mình, thấy ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt… Bất giác thở dài một tiếng, ứa ra hai hàng nước mắt, lầm bẩm nói một mình:
- Ta làm tướng tiên phong, vừa mới giao chiến có một trận mà đã táng bại đến nhường này, thời còn mặt mũi nào mà trông thấy chị ta nữa!
Dứt nhời cầm kích đâm lên cổ toan tự tử… Giữa lúc đó, bỗng có một viên từ đằng xa chạy vụt đến, giật lấy hoạch kích của Quốc Thành mà nói to lên rằng:
- Ô! Kìa sao tướng quân lại nóng nảy thế? Thua, được là việc thường của nghề dùng quân. Có hề chi cái đó mà đã vội quyên sinh, chẳng hóa ra lại gây thêm nỗi thương tâm cho Vua Bà hay sao?...
Dứt tiếng nói, Quốc Thành sửng sốt quày lại, nhận ra là Trần Hiu, Quốc Thành vội hỏi:
- Kìa, ông Trần! Sao ông lại tới đây?
Trần Hiu nói:
- Vì lúc nửa đêm, Vua Bà vẳng nghe tiếng trống trận, đoán chắc là tướng quân đánh úp trại quân Ngô, sợ tướng quân thất bại, nên ngài vội sai tôi đem quân tiếp ứng. Ngờ đâu khi tôi đem quân tới nơi thời tướng quân đã thua chạy rồi. Tôi theo dõi, tìm mãi mới ra tới đây… Thôi, tướng quân nên nguôi lòng, quày lại, thu nhặt tàn binh, lập lại dinh trại, chờ có mệnh lệnh của Vua Bà đến sẽ tiến binh. Vua Bà dặn tôi bảo tướng quân: “Lục Dận là một viên tướng trí mưu, không như mọi tướng khác, ta phải dè dặt từng bước mới khỏi sa vào cạm bẫy của nó.”
Quốc Thành nghe nói, đành quày lại, cùng Trần Hiu lập lại dinh trại để chờ mệnh lệnh Vua Bà.
Nói về Vua Bà sau khi nghe tin Quốc Thành bị thất bại, liền bàn định với Triệu Quốc Đạt, chia quân ra làm hai đảng, Vua Bà tiến quân về phía bên hữu, Quốc Đạt tiến quân về phía bên tả, còn Quốc Thành và Trần Hiu thời tiếp ứng cả hai nơi.
Đúng giờ Thìn ngày hôm sau, thời cả hai tướng đều tiến quân. Ngày hôm ấy Vua Bà đầu đội khăn xanh, mình mặc áo giáp vàng, chân dận đôi dép ngà, ngồi trên lưng con voi trắng, coi nghi vệ rất là oai nghiêm. Vào khoảng cuối giờ Ngọ sang giờ Mùi thời quân ta đã sát tới trại Ngô. Vua Bà truyền lệnh đánh trống reo hò xông vào. Trong trại quân Ngô vẫn chỉ có một mực dùng tên nỏ bắn ra như mưa. Quân ta cứ chùn cả lại không sao tiến được. Vua Bà nổi nóng, truyền quân sĩ phải hết thảy lấy mộc mà che tên, rồi tự bỏ voi xông vào trước. Các tướng tá và quân sĩ thấy Vua Bà đã xông đi trước, thời dù chết cũng phải cố gắng liều vào theo. Chỉ độ dập bã trầu là quân ta đã phá tan được dẫy hàng lũy của quân Ngô, rồi tiến ập lại, thế mạnh như đê vỡ. Quân Ngô đến lúc đó, dù có nỏ cứng tên sắt cũng không còn làm gì được nữa, đành quăng nỏ mà ôm đầu chạy trốn tán loạn. Giữa lúc đó, thời toán quân của Triệu Quốc Đạt vì thấy quân của Vua Bà đã xông được vào trước, nên cũng phải cũng nhau liều chết xông vào, chỉ độ thoáng mắt là đã phá tan.
Nói về bọn tướng Ngô mà Lục Dận phái ra án ngữ ở đấy là Mao Tài, Trình Bân, Hạng Liệt, Lý Sung đều là những tay chiến tướng rất giỏi, vốn đã chắc dùng cái kế mai phục bằng kính nỗ có thể hãn ngữ được quân Nam, chẳng ngờ chỉ có một lát mà bao nhiêu doanh trại đều đã bị quân Nam phá tan, thời đều nổi giận đùng đùng. Tức thời cả bốn người đều nhảy phắt lên ngựa, xông đi tìm tướng Nam để cự chiến. Mao Tài, Trình Bân, hai tướng vừa đi được một quãng ngắn, thời đã gặp ngay Vua Bà, cưỡi voi xồng xộc đến, Mao Tài trông thấy quát to:
- Bớ nữ tặc! Ta khen mi cũng to gan thực! Giờ ta cho mi sẽ biết tay!
Dứt nhời, một người vung hoạch kích, một người khoa trường thương, đều nhằm thẳng vào Vua Bà mà đâm lại.
Vua Bà thấy hai tướng đã đến gần liền trừng mắt quát:
- Ngô tặc! Chớ có coi thường, hãy xem đao của mỗ đây…
Dứt nhời, tay trái cầm siêu đao gạt bỏ ngọn thương của Mao Tài, tay phải cầm lao nhắm Trình Bân mà lao xuống. Lúc đó Trình Bân trông thấy Vua Bà rút lao, đã để ý tránh nhưng không kịp, một mũi lao đã đâm phập ngay vào giữa vai. Trình Bân kêu rú lên một tiếng, ngã lộn nhào xuống ngựa. Bọn quân Ngô vừa toan xông lại cứu, thời nhanh như chớp, cái vòi voi của Vua Bà đã cuốn ngay lấy Trình Bân mà tung lên cao tới một trượng gieo xuống đất mà chết. Giữa lúc voi tung Trình Bân, thời Mao Tài dùng phi tiêu nhắm thẳng vào cổ Vua Bà mà ném. Vua Bà quát lên một tiếng:
- Ngô tặc! Mi lại dám dùng ám khí à?
Vừa dứt tiếng thời chiếc phi tiêu đã vùn vụt tới ngang mặt. Vua Bà nhanh tay bắt ngay được, tức thời dùng ngay phi tiêu đó nhằm thẳng vào đầu Mao Tài mà ném, Mao Tài thấy vậy vừa toan dùng hoạch kích để gạt bỏ phi tiêu, nhưng hoạch kích chưa kịp quay thời chiếc phi tiêu đã đâm thẳng vào mặt ngựa của Mao Tài. Ngựa bị phi tiêu nhảy lồng lên, vật lộn Mao Tài xuống đất. Giữa lúc Mao Tài từ trên lưng ngựa lộn xuống mình chưa sa xuống đến đất, thời lưỡi siêu đao của Vua Bà đã chém phập vào gáy Mao Tài, đầu đứt ra lăn như củ chuối. Sau khi đã giết chết Trình Bân và Mao Tài, Vua Bà vừa toan bổ voi xông thẳng về phía bên hữu nhác thấy bên trái có một tướng đầu tóc rũ rượi, phóng ngựa chạy rất gấp. Ở phía sau có hai viên tướng Ngô đang cùng ráng sức để đuổi. Vua Bà nhận rõ viên tướng chạy ấy là Quốc Đạt liền cất tiếng gọi to lên:
- Huynh trưởng! Đã có em đây không phải chạy nữa. Dứt nhời, giương cung nhằm thẳng viên tướng Ngô đi trước mà bắn.
Viên tướng đi trước ấy tức là Lý Sung còn viên tướng đi sau là Hạng Liệt. Chính đang lúc hai người còn trổ tài đuổi đánh Quốc Đạt, bỗng nghe tiếng Vua Bà quát thời đều giật nảy mình vội dừng ngựa lại. Lý Sung tinh mắt trông thấy Vua Bà giương cung thời vội vàng quát:
- Nữ tặc! Chớ có bắn tên, hãy xem thần kiếm của bản tướng đây!
Dứt nhời, vừa múa kiếm vừa xông lại sát tận bên voi. Cả Hạng Liệt cũng đồng thời áp tới. Rồi hai người cùng hợp sức lại để đánh nhau với Vua Bà. Vua Bà một mình cự chiến với hai viên tướng tới hơn bốn, năm mươi hợp, sức khỏe càng ngày càng hăng. Lý, Hạng hai tướng thấy mồ hôi đã ướt đầm cả áo, cùng đều rối loạn. Hai tướng biết thế không thể địch được, liền cùng nhau cắm đầu tháo chạy. Vua Bà vì thấy mặt trời đã gác núi, liền truyền lệnh đánh chiêng thu quân không đuổi nữa, rồi hạ trại ngay ở giữa chỗ trại quân Ngô đóng trước.
Sẩm tối ngày hôm ấy, Vua Bà bỗng gọi các tướng vào trung quân để truyền lệnh. Trước hết sai Triệu Quốc Thành đem 100 quân ra phục ở phía bên tả trại, Trần Hiu đem 100 quân ra phục ở phía bên hữu trại, rồi tự mình cùng Triệu Quốc Đạt, tự thống đại binh ra phục ở phía sau trại. Truyền lệnh xong, Vua Bà lại dặn: hễ thấy ở đại trại lửa bốc lên và tiếng reo hò, thời tức là quân Ngô đến cướp trại đó. Quân phục ở các nơi phải nhất tề đổ về giáp công thời thể nào cùng được toàn thắng.
Sau khi Quốc Thành, Trần Hiu kéo quân đi khỏi, Triệu Quốc Đạt hỏi nhỏ Vua Bà:
- Vì cớ chi mà hiền muội biết là có quân Ngô đến cướp trại?
Vua Bà nói:
- Cứ theo thói thường của người đời, thời cái xu hướng của người trên thế nào, người dưới cũng hay bắt chước mà theo một cái xu hướng ấy. Hiện giờ tên đứng đầu quân Ngô là Lục Dận vốn la một viên tướng mưu trí, đối với việc chinh chiến, phần nhiều chỉ dùng mưu chắc các bọn tùy tướng của nó cũng bắt chước mà theo một giuộc như thế. Chúng thấy trận đánh của ta lúc ban trưa, ta phải dùng cách thí thân mới phá tan được doanh lũy của nó. Chắc nó phải đoán là quân tướng ta đã mệt nhoài cả ra, tối đến thời ngủ thiếp đi còn nghĩ gì đến việc phòng bị nữa. Bởi thế nên chắc thế nào đêm nay nó cũng đem quân đến cướp trại.
Quốc Đạt nghe Vua Bà nói xong rất lấy làm phải rồi cáo từ lui ra lập tức đem quân ra phía sau trại để mai phục.
Vào khoảng nửa đêm hôm ấy, quả nhiên nghe thấy ở trong đại trại đã có tiếng hò reo và đuốc lửa bật sáng lên như sao sa. Tất cả hai toán quân tả hữu và toán quân phục ở đằng sau trại đều đánh ập cả lại. Một trận đánh ấy quân Ngô mười phần chết mất đến sáu, bảy phần. Lý Sung bị tên bắn chết ở trong loạn quân, còn Hạng Liệt cũng bị Triệu Quốc Thành chém chết. Thế là chỉ đánh có hai trận mà cả bốn viên tướng Ngô đều bị chết. Ngày hôm sau Vua Bà vừa toan truyền lệnh lại cất quân kéo đi, thời Trương Tảo vào trình rằng:
- Xin Đức Vua hãy lui lại cho vài ngày để chờ lương ở Cư Phong đưa đến đã, kẻo giờ ở trong quân chỉ còn có hơn một ngày lương, nếu lỡ đi xa, lương đến không kịp thì rầy183.
Vua Bà y lời liền truyền lệnh hãy tạm đóng quân tại đó. Một mặt sai mấy tên kỵ binh về Cư Phong giục Lý Mão đem lương.
Vua Bà đóng quân ở đấy hai ngày nữa, thời mới thấy Lý Mão phái đem được hơn 50 gánh lương đến, Vua Bà truyền đòi viên quản coi việc dẫn lương ấy vào hỏi:
- Sao lại đem được có bấy nhiêu lương thời phỏng dùng được mấy ngày?
Viên quản coi lương nói:
- Lý chủ tướng tôi có dặn tâu với Đức Vua rằng: vì mấy ngày hôm nay tiết trời u ám, thóc thu được phần nhiều là ẩm ướt nên xay giã không kịp, xin Đức Vua hoãn cho hai ngày nữa thời mới có thể đem đến đủ được.
Vua Bà nghe nói thời có ý buồn rầu, đã toan phái người đi tống lương ở các trang trại xung quanh. Nhưng lại sợ nếu làm thế thời hại dân. Vả khắp vùng quanh đấy, bấy lâu đã bị tàn bại về quân Ngô chắc cũng chẳng còn gì nữa… Tuy vậy, vì việc tiến quân không thể nào trì hoãn nên đến sáng ngày hôm sau Vua Bà cũng cứ truyền lệnh tiến quân…
Nói về bên quân Ngô, bại binh chạy về đến đại trại ở Hồng Lĩnh. Đem hết tình hình thất bại trình bày với Lục Dận. Lục Dận thất kinh mà rằng:
- Chết thật! Ta không ngờ tên nữ tặc ấy mà nó lại dũng mãnh đến thế!
Lục Dận vừa nói dứt nhời, Mã Khải, Quách Hùng, Đỗ Kiệt, cả ba người đều đứng lên nói rằng:
- Xin chủ tướng đừng vội nói thế mà ngã lòng quân của ta. Nếu mai, tặc quân có đến đây, anh em chúng tôi xin nhất tề ra trận, để đánh cho bằng được toàn thắng mới cam tâm…
Lục Dận nghe ba người nói xong, trầm ngâm một lát rồi ra vẻ trịnh trọng cất tiếng nói:
- Ba ngươi nếu muốn đánh nhau với nó, thiết tưởng đừng nên đồng thời đến đánh một lúc, phải nên luân lưu mà đánh, chờ khi nào nó thật mỏi rồi, ta sẽ chia làm tả hữu hai bên đánh ập lại thời mới mong toàn thắng được.
Ba tướng được Lục Dận cho ra đánh thời đều hớn hở vui mừng rồi lui ra để chờ bao giờ quân Nam đến thời xuất trận.
Nói về Vua Bà tiến quân, đi mất hơn một ngày mới gần tới Hồng Lĩnh.
Thời thấy quân Ngô đã đóng trại san sát cả ở hai bên sườn núi, Vua Bà liền truyền lệnh hạ trại, rồi tự mình đem mấy tên kiện tốt thẳng tiến lên trên một trái đồi cao, ngắm xem cách hạ trại của quân Ngô… Chính đương lúc ngắm nghía, thời vụt thấy một con ngựa từ sườn đồi lên, Vua Bà nhận ra người ấy là Triệu Quốc Thành. Còn cách xa ước chừng 200 thước, Vua Bà đã vẫy tay gọi:
- Em, em đi đâu mà vội thế?
Không kịp trả lời, Triệu Quốc Thành phới ngựa tới gần sát Vua Bà, xuống ngựa khoanh tay nói:
- Thưa chị, vì em thấy chị đi lên đây không có ai là đại tướng đi theo, em sợ lỡ có xẩy ra việc gì bất trắc.
Vua Bà mỉm cười mà rằng:
- Sao độ rầy em cẩn thận thế? Ừ, nhưng cũng may, em đã lên đây, chị sẽ chỉ bảo cái cách hạ trại của quân Ngô cho em xem…
Nói dứt nhời, Vua Bà dắt Quốc Thành lại bên cạnh, rồi vừa chỉ trỏ vào trại quân Ngô vừa nói:
- Kìa, em trông đông, tây, nam, bắc bốn phương đều có hạ trại, ở giữa thời đóng một đại doanh; tiếp luôn một khu này ước chừng trong vòng năm dặm, mà nó chia ra hạ trại một cách đều giống nhau như thế cả…
Nói đến đấy, Vua Bà chỉ vào một ngọn cờ đại ở giữa trại mà bảo Quốc Thành:
- Kìa, em trông ngọn cờ kia, rõ ràng là cờ của chủ tướng nó chứ? Nhưng, em phải biết, thằng Lục Dận nói không đóng ở đấy đâu… Ở đây xa, không trông thấy được rõ những ngọn cờ ở đàng kia, nhưng chắc ở trại nào cũng có một lá cờ chữ “Nguyên súy” cả… Em cứ trông đó thời biết là cách hạ trại của Lục Dận theo lối Ngũ hoa trận ở trong binh pháp, ấy là cách hạ trại mà nó còn cẩn thận như thế, thời đủ biết đến mức lâm trận nó còn cẩn thận đến nhường nào…
Vua Bà nói đến đấy, thời Quốc Thành bất giác thở dài lên một tiếng… Vua Bà mỉm cười ngoảnh lại hỏi Quốc Thành:
- Ô hay! Em sợ nó à?
Quốc Thành nói:
- Thưa chị, em không sợ nó, nhưng em trộm nghĩ thằng Lục Dận này đối với ta thật là một tay kình địch.
Vua Bà gật đầu nói:
- Ừ, em nói cũng phải, nhưng cứ nghĩ như sức chị, thời dù đến mười cái Ngũ hoa trận thế chị phá cũng tan, nhưng không biết lòng trời có tựa chị em mình không? Em nhỉ?
Vua Bà nói đến đấy thời bất giác cũng xúc động đến cảm tình riêng của mình, nét mặt cũng rầu rầu kém tươi. Chính đương lúc bồi hồi nghĩ ngợi, bỗng có một toán quân tới hơn 100 người vùn vụt từ dưới chân đồi đi lên, Vua Bà nhận ra là Triệu Quốc Đạt, tức thời Vua Bà vừa cười vừa nói:
- Vì có mình tôi lên đây, mà đến nỗi làm phiền cả anh lẫn em…
Triệu Quốc Đạt ngồi trên lưng ngựa ung dung nói:
- Ngày đã chiều lắm rồi, xin hiền muội trở về dinh thôi…
Dứt nhời, Vua Bà không hề từ chối, liền cùng Quốc Đạt, Quốc Thành trở về dinh.
Mờ sáng ngày hôm sau, Vua Bà truyền lệnh, chia quân ra làm năm đạo, nhất tề tiến đánh cả năm trại của quân Ngô. Vua Bà tự thống trung quân, đánh thẳng vào trại giữa. Các tướng nghe lệnh đạo nào, chia đi đạo ấy.
Nói về bên quân Ngô, Lục Dận thấy cái thế lực của Vua Bà rất mạnh, nên trước kia đã toan cho Mã Khải, Quách Hùng, Đỗ Kiệt lũ lượt nhau đánh với Vua Bà, rồi đem quân ra bao vi. Nhưng sau lại nghĩ thêm ra một cách bày thành Ngũ hoa trận để đối địch, đó tức là một cái thâm tâm của Lục Dậu. Vì Lục Dận là một người rất sính cơ mưu, chỉ muốn đánh một trận ấy bắt sống được Vua Bà mới cam tâm. Nên chi mới vừa lập ra Ngũ hoa trại, lại dùng cả cái kế hoạch của bọn Đỗ Kiệt trước.
Mờ sáng ngày hôm sau, tức là trong khi quân Ngô đã xếp đặt sẵn, thời vừa lúc Vua Bà đốc thúc năm đạo quân sang đánh. Thoạt tiên, Đỗ Kiệt xông ra đốn đánh nhau với Vua Bà. Chẳng ngờ không gặp Vua Bà lại gặp ngay Triệu Quốc Thành. Đỗ Kiệt đánh nhau với Triệu Quốc Thành mới được hơn mười hợp, bỗng một mũi tên từ đàng xa bắn thẳng vào cánh vai Đỗ Kiệt. Vì bị tên, Kiệt suýt nữa thời bỏ rơi mất hoạch kích, phải vội vàng quày ngựa tháo chạy… Mã Khải thấy Đỗ Kiệt bị thương, vội vung thương xông ra tiếp chiến với Quốc Thành, chưa đánh nhau được dăm hợp, thời Triệu Quốc Đạt xồng xộc tới nơi, nói to lên:
- Em Thành! Để tặc tướng đấy cho ta. Em khá mau mau đi tiếp ứng Vua Bà…
Dứt tiếng, Quốc Thành gạt ngang ngọn kích, nhằm thẳng phía trận trung ương vụt đi. Mã Khải thấy tình hình như vậy, biết là cái kế hoạch của mình không thành, lại sợ bọn Lưu Uyên, Đằng Giao giữ ở trận trung ương không vững, toan quay lại báo tin ấy với Lục Dận… Nhưng bị Quốc Đạt đánh cản lại, không thể nào thoát thân đi được. Nói cho đúng thời thương pháp của Mã Khải gấp hơn Quốc Đạt nhiều, nhưng vì lúc ấy, tự biết thế mình đã núng, nên thương pháp cũng thành rối loạn, chỉ mới được hơn mười hợp, thời đã không địch được, đành phải gạt thương tháo chạy…
Quốc Đạt thấy Mã Khải chạy thời vung thương vẫy ra đằng sau, toàn quân đều đuổi áp sang nhanh như nước chảy…
Giữa lúc đó, toán quân của Vua Bà đã đánh tới trại trung ương, Lưu Uyên, Đằng Giao vội vàng ra tiếp chiến. Chỉ độ dập bã trầu, Vua Bà đã dùng lao đâm chết Lưu Uyên, Đằng Giao luống cuống trốn chạy. Vua Bà bắn luôn một phát tên trúng vào giữa gáy… Quân Ngô thấy tướng đã chết thời đều ôm đầu trốn chạy tán loạn.
Quân ta thừa thắng chém giết như bổ dưa chẻ nứa… Vua Bà ngồi trên lưng voi, tay cầm cờ lệnh, phất ngang phẩy dọc, quân ta cứ theo lệnh mà ùa sang. Bọn Trương Tảo, Trần Hiu, Phi Quỳ, Uông Lân, Hoàng Lan, Lê Dương, người đao, kẻ kiếm, xông xáo tung hoành như một đàn hổ dữ nhảy vào giữa đàn dê. Chỉ có từ sáng đến trưa, cả năm nơi doanh trại đóng thành thế trận Ngũ hoa của Lục Dận đã tan tành như hoa trôi bèo dạt…
Lục Dận ở trên đỉnh núi Hồng Lĩnh trông xuống thấy quân ta dũng mãnh như vậy, bất giác buột miệng nói:
- Chà giỏi! Chà giỏi! Đàn bà mà đến thế, thật bên Trung Quốc ta từ xưa cũng chưa từng có, không ngờ ở nơi rợ mọi mà lại nảy nòi ra được người như thế.
Nói rồi, tự thấy tinh thần uể oải, ruột gan nóng nảy, lầm bẩm nói một mình: - Có lẽ cái oai danh của ta bị trụy liệt về người con gái Giao Châu này đây!
Tối hôm ấy, Lục Dận cứ trằn trọc suốt đêm, không sao chợp mắt được.
Vào khoảng gần gà gáy, rảo bước ra ngoài trướng phòng, rồi một mình lủi thủi đi vòng quanh các trại. Đi đến một nơi, nghe có mấy tên quân đang thì thào nói chuyện, liền lắng tai nghe, nghe rõ một đứa nói:
- Tôi không ngờ chỉ đánh nhau có vài trận mà quân ta chết mất nhiều quá.
Tên khác nói:
- Cứ như ý tôi thời bọn ta nên liệu tìm đường mà trốn về nước quách đi là hơn. Chứ còn ở rốn lại ngày nào là chết ngày ấy. Chả đánh thế nào được với họ đâu…
Vì nó giỏi lắm kia...
Tên nữa nói:
- Ừ, mà nó nói giỏi quá thật! Chẳng biết chủ tướng ta có tìm đường mà tháo chạy, không thời chết hết!...
Một tên nữa nói:
- Nếu vài hôm nữa mà chủ tướng không trốn thời chúng ta cũng trốn, chẳng tội gì ở lại để chịu chết…
Chúng nói đến đấy thời tiếng nhỏ dần đi, nghe không rõ nữa. Lục Dận nghe vậy, thời càng thêm lo lên bội phần, liền lại lủi thủi quay gót về trướng, ngồi bên cạnh bàn, chống tay vào cằm để nghĩ… Bỗng nghĩ ra được một kế, bất giác vẻ mặt hớn hở, liền truyền lệnh đòi mấy viên mặc khách vào để bàn. Sau khi Lục Dận đã cùng với mấy viên mặc khách bàn luận kỹ càng, tức thời một mặt truyền treo “Miễn chiến bài” ở khắp các trại, một mặt ủy người đi thi hành mật kế…
Nói về Vua Bà đánh một trận ngày hôm ấy, giết được quân Ngô có tới hàng vạn, bắt được áo giáp và khí giới không biết bao nhiêu mà kể. Sau khi đã đánh chiêng thu quân, Vua Bà truyền lệnh hạ trại ngay ở áp núi Hồng Lĩnh, cách trại quân Ngô chỉ độ nửa dậm, ở trại bên này, có thể gọi to một tiếng, trại bên kia cũng nghe thấy tiếng. Sáng hôm sau, vừa toan cất quân ra khiêu chiến, bỗng có tên quân vào báo rằng:
- Khắp các trại quân Ngô, trại nào cũng treo “Miễn chiến bài”.
Vua Bà nghe xong, chưa nói gì, Triệu Quốc Thành đã phì cười mà rằng:
- Ừ thế chứ! Xem phen này quân Ngô chúng nó có mất mật không?
Vua Bà lắc đầu mà rằng:
- Em đừng vội mừng. Ta chắc Lục Dận nó lại dùng cách hoãn binh để bày mưu kế gì đấy thôi… Tuy vậy, nó đã muốn miễn chiến, thời ta cũng miễn chiến mấy hôm xem sao?
Vừa nói đến đấy, bỗng thấy viên quan coi lương vào tâu: gần hết lương…
Vua Bà liền sai mấy tên kỵ binh đi về huyện dụ Lý Mão tải lương.
Cách đó hai ngày, chính đang lúc trong quân nao nao184 về lương, bỗng thấy mấy tên quân sai đi đốc lương mấy hôm trước hất hơ hất hải về báo rằng:
- Lục Dận sai người đến dụ Lý Mão đầu hàng, hiện ở Cư Phong đã cắm dát dạt toàn kỳ sĩ của quân Ngô. Chúng tôi đến nơi, suýt nữa bị giết chết… phải nhanh chân mới trốn thoát… Vua Bà nghe xong tái người đi thở dài mà rằng:
- Ta đã biết mà. Quân Ngô nó sở dĩ treo miễn chiến bài là cốt để thi hành mật kế đấy thôi, chứ có phải nó sợ hãi thật đâu!
Quốc Thành bấy giờ mặt đỏ bừng bừng, day tay mắm miệng cất tiếng lên nói:
- Xin chị cho em đem quân bản bộ quày về Cư Phong, giết chết bỏ thằng giặc phản chúa ấy đi.
Vua Bà lắc đầu nói:
- Vô ích! Vả nếu mình dẫn quân đi, Lục Dận nó lại dại gì mà không mai phục trước để yêu kích185 hay sao?...
Nó rồi, Vua Bà cứ ngồi lặng im trầm ngâm suy nghĩ: lương thực là tình mệnh của ba quân. Lương thực mà hết thời dù dũng mãnh cũng bằng thừa. Vậy ta biết lấy vào đâu cho được lương thực cho quân ăn bây giờ? Càng nghĩ càng thấy khó, càng thấy khó càng lo. Bỗng viên quan coi lương vào tâu: “Lương thực chỉ còn đủ ăn bữa tối nay…” Vua Bà gật đầu cho lui ra. Bấy giờ tất cả bọn Quốc Đạt, Quốc Thành, Trần Hiu… đều tỏ ra vẻ lo lắng, nhưng ai nấy cũng đều vô kế khả thi. Cái tiếng “hết lương” bấy giờ làm náo động cả ba quân. Chỗ nào cũng có tiếng rì rầm bàn tán… Bỗng có một tin đồn từ bên trại quân Ngô truyền sang: “Lục Dận đã cho người đi điều tra quê quán các tên quân đi theo Vua Bà, rồi phái quân đi đến từng nơi để đào mả tổ tiên những tên quân khởi loạn ấy…” Tiếng đồn ấy do một người truyền sang mười, do mười truyền sang trăm. Không bao lâu mà cả toàn quân đều biết. Rồi không ai bảo ai, ai cũng lấy mồ mả tổ tiên làm trọng, đều ngấm ngầm cuốn xéo chạy trốn. Chỉ có một đêm mà số quân của Vua Bà đã sút xuống mất quá một nửa. Biết tin ấy, Vua Bà bỗng dập tay xuống bàn kêu lên rằng:
- Chà! Thằng Lúc Dận này độc ác thật! Độc ác thật!...
Tiếng kêu ấy vang động cả ra bên ngoài, các tướng tá đều chạy xô cả vào, Vua Bà gọi Quốc Thành, Quốc Đạt lại gần bảo rằng:
- Quân ta bấy lâu tuy vẫn được, mà cái cơ thất bại đến nơi rồi! Huynh trưởng với hiền đệ liệu tìm lấy cách mà đào sinh186, còn như tôi thời tấm thân này đã phó thác với non sông, đành cùng với non sông cùng tuẫn táng, quyết không còn chịu sống giằng dai làm gì nữa đâu!
Vua Bà nói đến đấy, thời nét mặt bỗng đỏ bừng lên, hai mắt phượng long lanh như muốn nảy lửa. Quốc Đạt vừa toan nói lại, thời ngoài cửa trại đã nghe tiếng trống trận vang lừng, quân Ngô kéo đến đông như kiến cỏ… Vua Bà đứng phắt ngay dậy, tay cầm bảo kiếm, tay xách điêu cung, rảo bước ra sân, nhảy phắt lên lưng voi, vừa cất tiếng nói:
- Thôi lúc này là lúc sống chết giao đầu, xin ai nấy có thân thời liệu đừng theo tôi nữa!...
Dứt nhời thúc voi xông ra trước trại, nhằm thẳng đám quân Ngô mà tràn sang. Quân Ngô thấy khí thế của Vua Bà hăng hái quá, cứ phải giãn cả ra, không ai dám đối địch. Lục Dận truyền lệnh bắc loa gọi quân Nam: “Hễ ai hàng thời được cấp cho lương thực, cho về quê quán; ai còn ở lại, tức thời phải đào mồ mả tổ tiên đổ bỏ xuống sông…”
Tiếng loa gọi vang rầm cả lên như sấm động. Quốc Thành, Quốc Đạt bấy giờ vẫn phóng ngựa theo riết phía sau Vua Bà. Bỗng đằng trước mặt có hai viên tướng Ngô chặn đường đón đánh. Vua Bà nhận ra là Quách Hùng, Mã Khải, tức thời nóng tiết quát lên:
- Ngô tặc! Mi muốn dùng độc kế, hãy xem lao của ta đây!...
Dứt nhời, vùn vụt ném luôn sáu, bảy cái lao. Mã, Quách cũng đã nhanh tay gạt luôn được hai, ba cái; sau vì cuống quá không kịp nên Mã Khải bị ngay một lao trúng suốt ngực, chết ngay lập tức…
Quách Hùng bị một lao trúng vào đầu ngựa, ngã lộn xuống đất, quân sĩ xô lại cứu, nhưng bị Quốc Thành nhảy xổ lại chém đứt đầu…
Vừa lúc đó, nghe có tên quân kêu:
- Tướng quân Trương Tảo bị tên độc bắn chết rồi!...
Vua Bà ngồi trên lưng voi, trông ra xung quanh quân Ngô vây đặc cả như hàng rào sắt. Ngửa trông lên dãy Mao Sơn, thấy Lục Dận đang đứng trên đỉnh núi, cầm cờ chỉ huy quân sĩ… Máu nóng nổi lên, Vua Bà không hề trù trừ187 thúc voi xông thẳng lên núi.
Nói về Lục Dận đương lúc chỉ huy quân sĩ, bỗng thấy Vua Bà cưỡi voi vùn vụt xông lên, thời bủn rủn cả người, vừa toan tìm đường trốn chạy, thời vụt một mũi tên bắn trúng ngay vào cánh tay… Lục Dận vừa nghiêng mình ngã xuống, thời voi của Vua Bà đã áp tới, Vua Bà vừa cất siêu đao toan chém, thời đến hơn mười viên tướng Ngô đều xông cả ra đánh chẹn188, cứu thoát Lục Dận.
Vua Bà căm tức, múa tít siêu đao; đâm chém một hồi; lại chết bảy, tám viên tướng Ngô nữa…
Chính đang lúc chém giết túi bụi, bỗng một hồi loa đồng thét vang, tên nỏ từ phía dưới núi bắn lên như mưa… Bất đắc dĩ Vua Bà phải thúc voi trở xuống. Khi xuống đến chân núi, ngoảnh lại trông quân theo sau chỉ còn không được 100, hỏi đến các tướng, thời Lê Dương, Hoàng Lan, đều đã tử trận, còn Trần Hiu, Uông Lân thời không biết thất lạc ở đâu. Quốc Đạt cũng bị tên, mấy tên tâm phúc cõng đi trốn, không biết là đi về nẻo nào… Trông về phía trước, thấy Quốc Thành đang một mình đánh nhau với bốn, năm viên tướng Ngô.
Vua Bà liền thúc voi xông lại trợ chiến. Còn cách ước hơn 20 thước, đã thấy Quốc Thành bị tên ngầm bắn trúng giữa cổ, lăn xuống ngựa mà chết. Vì thương em quá, Vua Bà không thể cầm lòng, kêu lên mấy tiếng:
- Trời ơi! Em tôi chết rồi! Em tôi chết rồi!...
Dứt tiếng kêu, vụt lại chỗ Quốc Thành chết, lại giết chết ba viên tướng Ngô. Ngảnh lại đằng sau, quân Ngô đuổi theo ầm ầm như đê vỡ. Vì không muốn chết về tay quân Ngô, nên Ngài liền thúc voi nhằm thẳng về vùng Nông Cống mà chạy…
Tối hôm ấy, Vua Bà về tới xã Bồ Điền, tiến thẳng lên một tòa miếu cổ trên đỉnh ngọn Phương Sơn. Rồi đến đêm khuya, Ngài “chết theo nước”, năm ấy Ngài mới 23 tuổi…
Thưa các ngài, sử tích Vua Bà khởi nghĩa, ký giả thuật đến đây đã vừa hết. vậy ký giả xin nhắc lại để quốc dân ta cùng ghi nhớ:
“Vua Bà chính tên là Triệu Thị Trinh, sử Tàu họ xưng là Triệu Ẩu. Bà sinh ra ở huyện Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa bây giờ. Hiện ở xã Phú Điền189 thuộc Thanh Hóa còn có đền thờ. Vua Lý Nam Đế đã từng truy tôn bà là: Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân. Ngài là một bực nữ anh hùng sẵn lòng hi sinh vì nước, ngang sánh với Vua Trưng ở trong lịch sử nước ta. Đến ngày nay mà non sông ta còn, nòi giống ta còn, chúng ta còn phải ghi nhớ đến ơn đức Vua Trưng tức là cũng phải ghi nhớ đến ơn Đức Vua Bà. Đồng nhân ngoài Bắc, Phú Điền trong Thanh, nghìn năm hương khói, muôn kiếp anh linh. Nén hương xin đạt tấc thành, quốc dân ai hỡi đồng tình ấy chăng?”

HẾT
Ghi chú
172. Đem gông cổ rồi áp giải đi.
173. Ý là nên dùng mưu, không thể dùng sức.
174. Khởi hành ngay trong ngày.
175. Sấm nhanh không kịp bịt tai, xuất kỳ bất ý, hành động bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay.
176. Quản Trọng, Nhạc Phi hai nhà quân sự nổi tiếng Trung Quốc.
177. Lượm lúa nhỏ được buộc gọn lại.
178. Con đỏ.
179. Chết do giặc giết.
180. Lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu khắc cương, thật thật giả giả.
181. Đi theo, theo về.
182. Đường lui.
183. Rầy rà, phiền phức.
184. Lo lắng.
185. Chặn đánh.
186. Chạy trốn tìm đường thoát chết.
187. Do dự, chưa quyết định dứt khoát.
188. Đánh chặn ngang.
189. Nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa

Xem Tiếp: ----