HỒI THỨ BA
Nghe di chúc, giọt lệ thấm khăn hồng,
Thoảng phong văn, đường trường bay cát trắng

     ác con nên biết rằng: làm người cần phải có nước, vì có nước thời mới có nhà, có nhà rồi thời mới có mình. Dân nước ta bấy lâu là một hạng dân không có nước. Mỗi khi cha nghĩ đến, cha vẫn lấy làm đau lòng. Chỉ hiềm vì cha tài hèn, thế cô, cho nên đành phải ngậm đắng nuốt cay cho qua ngày đoạn tháng...”
Một ông cụ già ốm nằm sóng dọc92 ở trên chiếc giường tre. Từ cổ xuống đến chân phủ bằng một chiếc chăn vải nhuộm nâu. Giường ông cụ nằm, dưới chiếc chiếu, rải một lượt rơm rất dày, hễ hơi cất chân cất tay, là đã nghe thấy tiếng rơm kỵ vào nhau thành tiếng sột soạt, trông mặt ông cụ gầy gò hốc hác, ba chòm râu bạc xõa xuống qua ngang vai, mồm đã móm, má sâu hoắm hẳn vào, hai con mắt lờ đờ, chẳng những vì ốm yếu... Ông cụ cứ nói được vài tiếng thì lại thở, mà hơi thở cũng bợt bạt, hình như không còn đủ sức để nói lên những tiếng rõ ràng và gãy gọn. Bên cạnh giường nằm có một người con trai ước độ 17, 18 tuổi; người con gái độ 13 tuổi và một người con trai bé độ 10 tuổi. Cả ba người đều đứng im phăng phắc, đều chú ý để nghe ông cụ già nói, xung quanh nhà bấy giờ cũng đều im lặng, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy một trận gió thổi ra ào ào, rồi kế đến những tiếng lá rụng rơi xuống thềm hè. Cái cảnh tượng ở trong nhà lúc bấy giờ, có một cái vẻ u âm thảm đạm, không còn một chút gì là tốt tươi hoạt động!...
Sau khi ông cụ già đã thư hơi thở, lại cất tiếng uể oải lên nói:
- Cái đời cha bây giờ đã hết hy vọng rồi. Cha chỉ còn hy vọng ở các con. Cha biết trước rằng sau khi cha chết đi ít lâu, tất sẽ có người nó trọng dụng con. Lúc đó, dù xuất hay xử93; cần phải tùy thời. Nhưng cha khuyên con, con đừng quên lời dặn của cha, thù nước cũng như thù nhà; anh em đồng bào mình nhục, cũng như tấm thân mình nhục con đã nghe chưa!
Ông cụ nói đến đấy thời lại im, rồi dần dần thiếp hẳn đi; mà hồn mộng qua sang thế giới khác…
Ông cụ đó tức là ông thân sinh ra bà Triệu Ẩu, tức là Thị Trinh; người con trai nhớn tức là Triệu Quốc Đạt, anh Thị Trinh; người con trai bé tức là Triệu Quốc Thành, em Thị Trinh. Ông cụ vốn là một bực hào phú thuộc huyện Nông Cống. Lúc sinh thời ông giao du rất rộng, bạn đồng chí của ông có rất nhiều người hào hiệp. Trong lòng ông lúc nào cũng lấy cái nông nỗi mẹ gà con vịt làm đau đớn, nên chi đối với các quan lại Tàu sang cai trị, bất cứ là hiền lương hay tham tàn, ông đều mang sâu một tấm lòng ác cảm. Trong đám quan lại Tàu cũng có nhiều người biết tiếng ông. Họ sở dĩ biết tiếng ông cũng vì những người mình đã vì sự phú quý mà đi theo chân nấp bóng họ, đem cái hành tung của ông để cáo tố với họ. Những người ấy tưởng chừng như đem ông cáo tố với quan Tàu tất sẽ được quan Tàu họ siêu thăng94 và bạt trạc95 cho một địa vị cao quý. Chẳng ngờ bên ngoài họ cũng chỉ khen ngợi đôi ba câu và hứa rằng khi nào bắt được quả tang tên nghịch, bấy giờ mới thăng thưởng cho, mà bên trong thời họ rất là khinh bỉ. Họ thường nói thầm với nhau: “Những hạng người ấy dù đến trăm đời nghìn kiếp lúc nào nó cũng chỉ làm người hèn hạ…”
Tuy đã có người đem cái hành tung của ông mà cáo tỏ với quan Tàu, nhưng họ vẫn dùng hết cách dò xét mà vẫn chưa thấy cái gì là thực tang96. Nên họ vẫn đành để cho ông được phóng túng tự do. Đã nhiều phen họ muốn dùng kế lao lung97, vời ông đến quận tặng cho ông làm chức nọ chức kia. Nhưng ông nhất vị từ chối là tài hèn học ít không dám đương…
Chim hồng cất cánh bay cao, lưới kia dù tốt bắt sao được mà?
Ông chẳng những chỉ là người có chí khí và có võ dũng. Lúc sinh thời hễ được chút thì giờ nào rỗi là ông xem sách và luyện võ, các con ông mới từ mười tuổi trở lên, ông đều đem sở học ra để dạy. Đến năm ấy ông tạ thế đi, tuy các con hãy còn bé, nhưng chẳng ít thời nhiều ai cũng đều có học thức và võ nghệ.
Riêng nói về Thị Trinh, từ sau khi cha mất đi, mỗi khi nghĩ đến lời di huấn của cha lúc lâm chung, thời lại giọt châu tuôn rơi lã nhã, thường tự nghĩ một mình: “Những nhời của cha ta dặn lại chúng ta, thật là mỗi nhời nói một giọt máu. Nếu sau này hoặc anh ta không có chí cố noi theo, ta cũng quyết noi theo cho bằng được.”
Lần lần, ngày gió đêm trăng, chưa bao lâu Thị Trinh đã mãn tang. Năm ấy Thị Trinh vừa 16 tuổi, một hôm bỗng nghe thấy ở hạt huyện Cư Phong có xẩy ra một việc rất lạ lùng, vì tấm lòng hào hiệp và hiếu kỳ, Thị Trinh liền nói với anh thắng ngựa ra đi…
Thuộc huyện Cư Phong, có một trái núi đá rất to, tên gọi là núi An Quyết. Xung quanh núi cây cối um tùm, đường lối quanh co hiểm trở, hàng năm, trừ mấy anh kiếm củi liều lĩnh, hay là phường săn bắn gan già, mới dám len lỏi vào trong núi ấy. Sườn núi có một cái miếu thờ, tuy trên lợp tranh mà ở trong kèo, cột, dằm98, xà toàn làm bằng gỗ lim, cách kiến trúc rất là kiên cố. Hỏi những người vùng đấy thời cũng chỉ nói là miếu thờ Sơn thần, hỏi đến tên vị Sơn thần là gì, từ già tới trẻ thảy đều không biết.
Hôm đó là ngày mồng 1 tháng năm, sau một trận mưa gió tầm tã, có tên Mão người làng cạnh vào núi kiếm củi. Mão năm ấy đã 18 tuổi, con nhà nghèo, tính nết ngoan ngoãn và khôn khéo, được rất nhiều người trong làng yêu mến. Đã yêu nên hay tin. Hễ Mão nói ra câu gì, không còn mấy ai nỡ phản đối lại bao giờ. Hôm đó Mão đeo dao và vác đòn càn99 đi từ mờ sáng đến mặt trời gần gác bóng mới thấy lủi thủi về, sắc mặt thời tái mét đi, mà đi không lại về rồi, chẳng hề được một nửa que củi. Mão vừa về đến cổng làng, bỗng nghe có tiếng hỏi:
- Kìa, anh Mão đi củi về đấy à? Nào củi đâu? Sao mà mặt tái đi thế?
Mão nghe tiếng hỏi, biết ngay người hỏi ấy là Huân, bạn chí thân của Mão, Mão liền lắc đầy uể oải nói:
- Tôi suýt nữa thời chết khiếp mất anh ạ!
- Sao thế?
Mão vừa đi vừa nói thủng thẳng:
- Tôi không thể nói ở đây được, anh muốn nghe, thời vào nhà tôi, tôi nằm nghỉ một lát đã, sẽ nói cho anh nghe.
Huân không hề từ chối, cùng về nhà Mão.
Sau khi Mão đã được nằm nghỉ một lát, trở dậy, hút một hơi thuốc rõ dài, ngồi bó gối, ung dung nói chuyện với Huân:
- Lạ quá anh ạ! Thật từ khi bố cái100 đẻ ra đến giờ, tôi chưa từng thấy ai nói đến một chuyện kỳ lạ như chuyện ấy bao giờ. Mà có lẽ từ đời tạo thiên lập địa đến giờ cũng khi nào có cái chuyện lạ đến như thế!
Huân ngồi bên sốt ruột hỏi:
- Thì chuyện gì? Anh hãy nói tôi nghe đã nào?
Mão ung dung nói:
- Anh phải để tôi nói câu chuyện có thứ tự thời nghe mới rõ được. Giờ tôi hãy hỏi anh: “Ở đời có gì biết nói?
- Người chứ gì?
- Người thì ai chả biết? Còn gì nữa?
- Vẹt biết nói!... Gì nữa?
- Quạ biết nói!.. Yểng101 biết nói…
- Gì nữa?
Huân trầm ngâm nghĩ ngợi một lát nói:
- Chỉ còn có chim sáo nữa thôi. Ngoài ra thật là hết nhẵn.
Mão lắc đầu nói:
- Còn! Còn! Thế mới lạ chứ!
- Anh bảo còn giống gì biết nói?
Mão lẳng lặng, lại hút một điếu thuốc, hút xong, vơ lấy cái ấm tay nước ở bên cạnh tu một hồi, rồi cất tiếng lên nói:
- Giờ tôi hãy tạm hỏi anh: “Loài đá có tri giác hay không?”
Huân lắc đầu nói:
- Đá mà lại có tri giác?
- Thế mà có đấy.
- Vô ý! Anh nói vô lý lắm.
- Không có tri giác sao nó lại biết nói?
- Anh nói lại càng vô lý nữa. Thiên, vạn cổ có đời nào đá lại biết nói nữa!
- Chả thế lại chả phải chuyện lạ! - Huân lắc đầu nói: - Anh nói hàm hồ lắm, tôi chẳng hiểu ra thế nào cả!
- Thế anh đã chịu là chuyện lạ chưa?
- Ừ. Chịu rồi! Nếu quả đá biết nói thời lạ thực! Nhưng anh phải nói cho rành mạch thời tôi mới có thể hiểu được, chứ cứ nói hàm hồ thế thời đến trời cũng chịu.
Huân nói xong, Mão trầm ngâm ra lối ngẫm nghĩ, một lát mới lại cất tiếng lên nói se sẽ:
- Tôi bị yếu ngót một tháng nay, bấy lâu câu cóp được đồng nào, đều bòn mót để đong gạo hết sạch. Đấy, anh trông người tôi thời biết, tôi mới tạnh sốt được ba hôm nay thôi đấy anh ạ. Hôm qua nghiêng cóng102 gạo lại xem, thấy chỉ còn có độ ba, bốn thưng103. Vì con ma đói nó bắt buộc, bất đắc dĩ sáng nay phải vác dao vào núi An Quyết kiếm củi, định về bán chợ chiều, có được đồng nào thời đong gạo. Chẳng ngờ khi vào đến chân núi, thấy đã mệt lử cả người, đành phải lóp ngóp lên “mỏm sấu” để ngồi nghỉ. Chắc anh cũng còn nhớ “mỏm sấu” đấy chứ?
- Phải, vì cái hòn đá đỏ ra như đầu con sấu104 ở chỗ sườn núi, nên người ta mới gọi là mỏm sấu. Độ tháng giêng tôi với anh chả ngồi đánh cờ mất cả một buổi đấy ư?
- Ừ, ừ, ừ phải, anh nhớ lâu đấy. Thế mà hôm nay tôi vừa đặt đít ngồi xuống, bỗng có một điều quái gở hiện ra, làm cho tôi bủn rủn cả người, suýt nữa thời ngã lăn ra…
Huân nghe đến đấy thời sửng sốt vội hỏi:
- Cái gì? Anh thấy gì?
Mão tỏ ra vẻ mặt sợ hãi, cất tiếng nói sẽ sẽ:
- Hòn đá ấy nói anh ạ!
Huân trừng mắt lên vội hỏi:
- Nó nói?
- Phải! Chính nó nói!
Huân trông trước trông sau lắc đầu nói:
- Lại có đá mà biết nói thế là cái quái gì?
Mão nói tắt ngang:
- Ấy chỉ vì thế mà tôi bủn rủn cả người, suýt nữa thời ngã lăn đùng ra, phải vịn vào góc cây bồ đề ở đấy, mới đứng lại được vững...
- Thế nó nói thế nào?
Mão trợn mắt lắc đầu nói:
- Câu nói của nó lại càng lạ lắm, mà nó cứ nói đi nói lại mãi, suốt từ sáng đến chiều, đến lúc tôi về nó vẫn chỉ nói có một câu, có lẽ đến giờ nó vẫn còn nói cũng nên…
- Thế nó nói làm sao?
Mão lắc đầu nói:
- Câu nói của nó lạ lùng lắm, tôi không thể nhớ hết mà thuật ra đây được. Nếu anh muốn chứng nhời tôi nói là thực hay hư, thời đến sáng mai anh lại cùng tôi đến núi mà nghe…
Huân ngẫm nghĩ nói:
- Nhưng không biết đến mai thời nó còn nói nữa không.
- Thì hãy cứ đến tận nơi xem đã.
Huân nghe lời, rồi hẹn hò với Mão thế nào đến sáng mai phải cùng đi, thời mới trở ra về.
Sách Tàu có câu nói: “Muốn người chẳng biết, chi bằng đừng nói; muốn người chẳng hay, chi bằng đừng làm”. Câu nói ấy nghĩa tuy tầm thường mà sự thực thì rất đúng, muôn việc ở đời, dù bí mật đến đâu cũng mặc dầu, nhưng nếu đã có một người biết thời tất sẽ có lúc đến muôn nghìn người biết. Câu chuyện của Mão nói với Huân tuy là bí mật, nhưng đã nói với Huân, thời quyết không thể giữ bí mật được mãi.
Tối hôm ấy, câu chuyện bí mật đã do Huân mà tiết lộ ra mấy người hàng xóm; sáng hôm sau lại do mấy người hàng xóm mà tiết lậu ra với ba, bốn mươi người khác nữa.
Sáng hôm sau, lúc Mão vừa mới ngủ dậy, ở trên giường bước chân xuống đất, đã thấy một toán người kéo đến cửa, đòi Mão đưa đến núi An Quyết để nghe đá nói. Mão không hề từ chối, vui vẻ tự nhận là một viên quan hướng đạo, để đi đưa bọn hiếu kỳ.
Một đoàn kẻ trước người sau, đi dày105 lên trên những bờ cỏ hãy còn đằm106 sương buổi sáng, người nói câu này, kẻ bàn chuyện nọ, mỗi người một câu om sòm suốt dọc đường.
Khi vừa đến chân núi, Mão rảo chân đi trước mấy bước, bỗng đứng dừng lại lắng tai hình như nghe ngóng. Bỗng lấy tay vẫy vẫy bọn cùng đi, sẽ nói:
- Đương nói! Đương nói các anh ạ! Đi mau lên để nghe!…
Cả bọn chừng bốn mươi người đều hớn hở đi theo. Một lát đã tới gần mỏm sấu, Mão xua tay ra hiệu cho những người đứng dừng lại, liếc mắt, chỉ bảo:
- Đấy! Anh em nghe đi. Tôi không nói ngoa chứ?
Dứt nhời Mão nói, ai nấy đều đứng lẳng lặng, chú chú chăm chăm để nghe. Quả nhiên có tiếng nói ra ở trong mỏm sấu, tiếng the thé như tiếng trẻ con nói rằng:
Mau khởi nghĩa binh,
Mà cứu nạn nước;
Ai người biết trước,
Sẽ được làm đầu,
Hết hạ sang thâu,
Dựng xong nghiệp nhớn.
Nói đi nói lại mãi cũng chỉ có sáu câu ấy. Cả bọn nghe một lúc lâu, Mão cất tiếng lên nói rằng:
- Thôi, chúng ta đi xuống dưới bãi cỏ này ngồi nghỉ mát một lát đi, chứ đứng đây mãi cũng vô ích.
Mão nói dứt nhời, cả bọn đều nghe theo, cùng kéo nhau xuống cả bãi cỏ ở sườn núi. Bấy giờ, dù không bảo nhau, mà ai nấy trong bụng cũng ngẫm nghĩ đến câu của đá nói; trên mặt ai nấy cũng hiện ra cái vẻ ngơ ngác nghi hoặc. Khi cả bọn đều ngồi ngả nhiêng ở trên bãi cỏ, có người tên là Nguyễn Điềm, anh ta cũng mới độ ngót 30 tuổi, có học thức ít nhiều, tính nết cư xử ở trong dân làng cũng khá. Nguyễn Điềm đương ngồi lê la nhổ từng cái cỏ lông may ở gấu quần, bỗng quay lại cất tiếng lên nói:
- Này các anh em ạ, cứ ý tôi đoán thời những nhời nói đó, không phải là đá biết nói ra đâu, mà chính là trời đất và quỷ thần, thác107 vào đá, để báo cáo cho bọn ta đó. Chúng ta giờ đã được nghe nhời nói ấy, chúng ta nên bàn nhau để tuân theo cái mệnh lệnh của trời đã ủy thác cho chúng ta…
Nguyễn Điềm vừa nói đến đấy, một người trong bọn là Trần Đông, nói phắt ngay lên rằng:
- Chính phải! Ta nên theo như lời nói của bác Điềm. Này mà các anh thử cứ ngẫm ngay cái thời thế bây giờ, dân mình thật khổ không biết đến thế nào mà nói. Từ đầu năm đến cuối năm, làm ăn đầu tắt mặt tối, vẫn không đủ được mà ăn, thế mà nay họ hạch điều này, mai lại hành điều nọ. Hơi động một việc gì không được xứng ý họ, tức thời họ giết đến hàng đàn hàng lũ. Như thế mà chúng ta không khởi lên để đánh quân Tàu, chẳng hóa ra mình hèn lắm ru108?
Trần Đông nói dứt nhời, cả bọn đều nhao nhao lên rằng:
- Ừ mà thật đấy! Chúng ta chẳng khởi nghĩa bây giờ thời khởi nghĩa lúc nào! Khởi nghĩa! Chúng ta quyết chí khởi nghĩa.
Chính đương lúc cả bọn đều nhao nhao, Nguyễn Điềm vội đứng phắt lên, xua tay nói át đi rằng:
- Chết chưa! Các bác rồ cả hay sao đấy? Các bác đã chắc ở trong khu rừng này lại không có đứa nào nó dòm dỏ109 hay sao? Im ngay! Mọt gông cả với nhau bây giờ.
Nguyễn Điềm nói dứt nhời, ai nấy đều ngơ ngác trông nhau, rồi cùng im lặng. Bấy giờ Nguyễn Điềm lại ung dung cất tiếng lên nói:
- Ở phía sau núi này có một cái hang rất rộng, xung quanh lại có suối sâu bao bọc đường lối rất là hiểm trở. Bây giờ anh em hãy cùng theo tôi vào trong hang ấy, ta sẽ cùng nói chuyện.
Nói xong, cả bọn đều nghe nhời, rồi đi theo Nguyễn Điềm đi thẳng vào trong hang. Lúc đứng dậy bước chân để cùng đi, Nguyễn Điềm bấm Mão ra một chỗ vắng nói thì thầm mấy câu, Mão gật đầu, rồi chạy theo bấm Huân và bấm thêm hai người bạn thân nữa là Đặng Xuân, Đinh Cúc. Mão thì thầm bàn tán với ba người một hồi, cả ba người đều gật đầu tỏ ý vui vẻ, rồi cùng vùn vụt đi vào trong làng bên cạnh. Sau khi Huân, Cúc, Xuân đã đi khỏi, Mão lại nhập bọn cùng đi vào trong hang. Khi tới nơi, quả nhiên có một cái hang rất rộng, xung quanh có suối bao bọc, nước chảy róc rách nghe rất êm tai. Điềm bảo cả bọn rằng:
- Cái hang này, anh em chắc ít người đi đến. Giờ ta hãy đi ngắm xem phong cảnh; lát nữa sẽ cùng nhau nói chuyện.
Cả bọn đều lấy làm phải, rồi chia nhau thành từng tốp hoặc ba, hoặc bốn người. Tốp thời rúc ráy vào trong hang, tìm tổ dơi dơi, bắt chim sáo sậu, tốp thời ra ngồi ngoài ven suối, ngắm xem cá lội, cua bò. Cả một bọn ngót 40 người, lúc bấy giờ đã biến hình như một hạng người thái cổ110, tinh thần thấy mát mẻ, thư sướng, lâng lâng như không còn nhiễm chút bụi trần. Ngày đã gần trưa, ai nấy trong bụng đã thấy như hơi đoi đói, toan rủ nhau sắp sửa ra về. Bỗng nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc ở đằng xa, hết thẩy đều bảo nhau:
- Quái! Ở chốn rừng sâu này làm gì có lợn, chẳng lẽ ông “ba mươi” đi vớ được ở đâu về chăng?
Nói chưa dứt nhời, tiếng lợn kêu lại càng gần, một lát Cúc và Xuân hai người ì ạch khiêng một con lợn rất to, còn Huân thời quẩy một gánh rất nặng theo sau. Xuân nhác trông thấy người cùng bọn, liền cười ha hả nói to lên rằng:
- Hôm nay mát trời, các bác đi ghe đá nói, xem hang sâu, anh em tớ làm hàng cơm để bán cho các bác đây. Các bác bảo nhau đừng về xúm lại cả mỗi người một tay, cho chóng xong, để cùng nhau đánh chén. Hà hà hà!...
Quách Đại, người trong bọn thấy vậy thời cười híp mắt lại, toét miệng ra mà rằng:
- Thật à? Thú lắm nhỉ? Anh… anh… anh này thật hóm quá! Nào chúng ta cùng làm mau lên! Kiến bò bụng rồi!
Dứt nhời cả bọn đều xúm xít nhau lại người chọc tiết, kẻ cạo lông. Chỉ thoáng mắt, lợn đã chín, chúng liền lấy lá chuối băm thịt và lòng bốc thành từng mô111, rồi bày la liệt khắp trong hang. Lê Huân ôm ra hai ba hũ rượu đầy ăm ắp để ở giữa dòng. Nguyễn Điềm đứng ở cửa hang gọi to lên rằng:
- Anh em ơi! Chúng ta cùng vào đánh chén đi. Đến bữa rồi! Mau lên! Mau lên! Kẻo đói.
Dứt nhời gọi ấy, cả bọn đều xô nhau vào, ngồi xúm xít lại uống rượu ăn thịt, chuyện trò rất là vui vẻ.
Sau khi rượu đã say, cơm đã no, ai nấy đều ngồi vắt chân uống nước chè tươi, hút thuốc lào. Cũng có người hai mắt lim dim hầu như sắp muốn ngủ gật. Bấy giờ Nguyễn Điềm ung dung ra đứng ở giữa, cất tiếng lên nói rằng:
- Bây giờ anh em đều đã no say cả rồi, tôi xin bàn với anh em một chuyện…
Nguyễn Điềm chưa nói dứt nhời, cả bọn đều nói nhao nhao:
- Vâng! Bác cứ nói. Bác cứ nói. Bảo sao anh em tôi cũng xin nghe.
Nguyễn Điềm nói:
- Chắc anh em cũng biết, hiện nước ta bây giờ đương bị quan lại nhà Ngô nó cai trị, mà suốt người trong nước ta đều phải khoanh ta bó gối ở dưới chân nó. Bọn quan lại nhà Ngô đối với mình đã không phải là người cùng một nước, bởi thế nên họ coi cái tính mệnh của dân mình không bằng cỏ rác. Các anh em thử xem mới có hơn một năm nay, mà duy một quận Cửu Chân ta đã bị tên Lã Đại nó giết mất hàng mấy vạn. Nếu chúng mình bây giờ không khởi lên mà đánh đuổi Lã Đại đi, chắc không bao lâu nữa nó sẽ giết cả đến bọn anh em mình chứ chẳng không. Vì chính tên Lã Đại nó đã nói ra miệng: “Nó coi giống dân Giao Châu như con cá nằm trên thớt, nó muốn băm lúc nào thì băm, mổ lúc nào thì mổ” kia mà...
Nguyễn Điềm vừa nói đến đấy, suốt cả bọn ai nấy cũng hầm hầm nổi giận, phồng mồm trợn mắt, coi bộ rất hăng hái dữ tợn.
Nguyễn Điềm nói tiếp:
- Vậy tôi khuyên anh em nên kíp cùng nhau đồng tâm hợp lực khởi lên mà giết bỏ thằng Lã Đại ấy đi, trước là báo thù cho nước, sau là tránh khỏi cái vạ nó sẽ đem mình ra làm cá thịt. Các anh em nghĩ sao?
Nguyễn Điềm chưa nói dứt nhời, cả bọn đều đứng phắt dậy nói to lên rằng: - Chúng tôi quyết! Quyết cùng nhau khởi nghĩa…
Nguyễn Điềm nói gạt ngay đi:
- Anh em nên nghĩ cho chín. Nếu quả có lòng tốt như vậy, thời hãy thề ngay đi.
Nguyễn Điềm nói dứt nhời. Trần Đông chạy đứng ngay ra giữa hang, cầm con dao bầu chỉ lên trên không mà nói to lên rằng:
- Trên trời, dưới đất, quỷ thần soi xét, tôi là Trần Đông, thề quyết khởi nghĩa. Sau này nếu hối, trời chu đất diệt.
Nói dứt nhời chém một nhát thật mạnh xuống đất, rồi đứng lui ra một bên. Cả bọn đều nói nhao nhao lên rằng: - Chúng ta nên cũng thề như anh Đông. - Rồi cũng nhau mỗi người ra đứng giữa hang thề một lượt. Cả bọn thề xong Nguyễn Điềm liền bảo ngồi chia ra hai hàng ở trong hang, rồi lại đứng ra giữa cất tiếng lên nói:
- Anh em đã cùng nhau thề cùng theo một công cuộc khởi nghĩa, vậy từ nay trở đi anh em ta phải coi nhau như ruột thịt, yên vui cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia, thời mới mong giết được kẻ thù mà lập nên nghiệp nhớn. Duy có một điều này, tôi xin nói ra để anh em chước lượng112. Làm nhà thời phải cần phải có nóc, vì có nóc mới có thể thành được nhà, trong một đám quân cũng cần phải có tướng, vì có tướng thời mới có người chỉ huy cắt đặt, giữ mực cầm cương. Bây giờ trong anh em chúng ta đây, tất cả đã có tới 40 người. Chắc nay mai còn có đông người theo nữa. Nếu giờ ta không kén lấy một người lập làm chủ; thời lấy ai là người chủ trương sai phái. Điều đó anh em nên mau mau chước lượng mới được.
Nguyễn Điềm nói dứt nhời, Lê Huân đứng lên nói rằng:
- Cứ theo như đá nói: “Ai người biết trước thời được làm đầu”,… làm đầu tức là làm đầu bọn, là người đứng chủ… Xét trong bọn ta chỉ có anh Mão là người biết trước nhất. Vậy cứ như ý tôi thời xin lập ngay anh Mão làm chủ. Anh em nghĩ có nên chăng?
Lê Huân nói xong cả bọn đều cất tiếng lên nói:
- Phải rồi! Anh Mão bấy lâu vốn là người tử tế, làng xóm ai cũng sẵn lòng tin yêu anh. Bây giờ lập anh Mão lên làm chủ thời rất đích đáng, chúng tôi tình nguyện xin tuân theo mệnh lệnh.
Mão bấy giờ ngồi mãi ở phía cuối, nghe thấy cả bọn nói vậy, thời vội vàng đứng lên nói rằng:
- Chết chửa! Tôi tài đức gì mà anh em lại ủy thác cho tôi việc to lớn như thế? Đã đành rằng: thù chung của nước, làm người con trai phải biết nên quyết chí để rửa thù. Nhưng việc là việc nhớn không thể coi thường. Vậy xin anh em phải lựa chọn lấy người có đức để chủ trương, chứ hèn kém như tôi, tôi quyết không dám nhận.
Mão nói xong, Huân, Xuân, Điềm đồng thanh nói to lên rằng:
- Nhời đá đã nói rành rành: “Hễ ai biết trước sẽ được làm đầu”, mà người biết trước lại chính là anh, đó là lòng trời chứ không phải ý riêng của người. Lòng trời đã định, nếu trái thời sẽ bị tai vạ ngay. Vậy thể nào anh cũng phải tuân theo mệnh trời, để cho chúng tôi có người chủ trương…
Ba người vừa nói dứt nhời, Quách Đại chạy ngay lại ôm lấy Mão, kéo nhấc bổng để ngồi lên một bệ đá cao ở giữa rồi đứng ra vái luôn ba vái nói to lên rằng:
- Chúng tôi xin tôn ông Lý Mão lên làm chủ, để thống suất chúng tôi dựng cờ khởi nghĩa đánh quân Ngô. Từ nay muôn việc chúng tôi đều xin tuân theo mệnh lệnh để thi hành.
Quách Đại nói dứt nhời cả bọn đều xô vào vái lạy Lý Mão và cùng nói một lời như Quách Đại.
Mão thấy cả bọn đã đồng tâm quyết định như vậy, biết không thể từ chối, liền đứng dậy vái một cái, ung dung cất tiếng lên nói:
- Anh em đã cố chí bắt buộc tôi, tôi đành xin vâng nhận. Nhưng tôi tài kém sức yếu, muôn việc đều trông nhờ anh em, hết lòng giúp giặm cho, thời công việc mới mong chóng thành được.
Mão nói dứt nhời, cả bọn đều reo hò vui vẻ, vang động cả trong hang. Bấy giờ mặt trời đã xế chiều, ánh nắng của vừng thái dương đã soi chéo vào giữa trong hang, trên mặt các thung lũng ở xung quanh núi, đã thấy có một làn khói nhạt, tỏa lên dần dần. Luồng gió chiều thổi rít vào trong hang từng cơn, có lúc như tiếng mưa dội trên mái nhà, có lúc như lớp sóng dồn ngoài góc biển. Chim sáo sậu từng đàn, bay hết hòn đá nọ sang mỏm đá kia, tiếng hót réo rắt luôn tai hình như cũng nhau hòa một khúc Nghiêu ca để chúc mừng một bọn sắp vì dân nước mà dựng cờ khởi nghĩa…

*

Sau khi cả bọn bàn tán nhau một hồi, do Nguyễn Điềm quyết định tôn Lý Mão lên làm “Bình Ngô Thống tướng”, Lê Huân làm “Bình Ngô Phó tướng”, Nguyễn Điềm làm “quân sư”, Đặng Xuân, Trần Đông, Trần Túc, Liêu Cung, Trịnh Sĩ, Giang Phổ, Đinh Cúc, Quách Đại, Hoàng Câu, Bạch Văn Mao, cộng mười người đều làm Hổ oai tướng quân. Còn các người khác, cũng mỗi người giữ một chức riêng. Tướng tá cắt đặt đã xong, liền lấy ngay hang ấy làm nơi chính trại. Rồi định từ sáng hôm sau trở đi sẽ lập ban lên thờ ở trước “mỏm sấu” và để tỏ ý tuân theo mệnh lệnh của trời đất quỷ thần. Lại phái người đi khắp các vùng xung quanh tuyên truyền lời nói của đá và yết bảng113 chiêu mộ quân sĩ.
Công cuộc của đảng “Bình Ngô” thiết lập nên mới được năm hôm. Chiều hôm ấy là chiều ngày thứ sáu, chính đương lúc khói hương ở trên ban trước mỏm sấu đương nghi ngút bay tỏa lên trên không, bỗng có một người con gái mình mặc áo lụa mầu huyền, đầu bịt khăn mỏ quạ trắng, ngực vận chiếc yếm vàng, lòi ra hai bên một đôi dải đào, cổ và tai đều đeo mấm114 và vòng vàng, chân giày lên chiếc dép gai ngoài bọc bằng vải xanh, cưỡi trên một con ngựa trắng đi vụt đến trước ban, rồi xuống ngựa, hai tay chống vào sườn, lẳng lặng ngắm trước ngắm sau. Người con gái ấy tức là Triệu Thị Trinh. Bởi vì hôm trước,Thị Trinh nghe người đồn ở hạt Cư Phong có đá biết nói, vì tính hiếu kỳ nên Thị Trinh muốn thân hành đến xem tận nơi cho đích xác. Lúc sắp đi, Triệu Quốc Đạt đã báo cho mấy con thị tì đi theo hầu, nhưng Thị Trinh nhất vị không nghe, nói rằng: - Cho chúng nó đi chỉ đồ bận chân, thực không ích lợi gì.
Nói rồi quyết chí đi một mình, khi gần đến địa hạt Cư Phong, nghe tiếng người đồn lại rầm rã cả lên. Thị Trinh lấy làm nghi lạ. Nghĩ thầm trong bụng: ở đời khi nào lại có đá biết nói, chắc lại có anh nào giả thác để dụ dẫn lòng người. Cũng như truyện Hồ nói ở đời Tiền Hán, chứ quyết không phải là sự thật. Bụng tuy nghĩ vậy, nhưng ngoài mặt vẫn cứ điềm nhiên không hề nói lộ ý chế giễu ra với ai cả. Đến khi Thị Trinh đã tới hẳn bên cạnh mỏm đá, quả nhiên nghe thấy tiếng ở trong mỏm đá nói ra, Thị Trinh đứng ngắm nghía một hồi, rồi trông sang bên cạnh thấy môt cái bảng bằng cói quét vôi trắng, viết một bài văn cáo thị rằng:
Kính cáo các người gần xa đều biết: nước ta bị quan lại Ngô áp chế, đã mấy mươi năm nay, dân tình khổ cực muôn phần. Nay nhân lòng trời run rủi, thác ra đá nói, khuyên bảo khởi binh. Chắc vận nước có cơ hưng phục, nên mới hiện ra điềm trời linh dị như vậy.
Anh em chúng tôi vì thương nạn nước và thể cơ trời, nên kết hợp đồng chí, quyết dựng cờ khởi nghĩa để trừ khử giặc Ngô. Hiện nay bản đảng115 đã lập ông Lý Mão lên làm Bình Ngô Thống tướng, ông Lê Huân làm Bình Ngô Phó tướng, ông Nguyễn Điềm làm quân sư cùng mười vị hổ oai tướng quân đều là những người trí dũng hơn người, sẵn lòng yêu nước, quyết liều gan óc, cứu nạn muôn dân. Vậy có lời bố cáo cho gần xa ai nấy đều biết, nên mau mau vào đảng cho đông. Người giúp của kẻ giúp công, cho chóng được gây nên nghiệp nhớn. Mấy lời bố cáo cho ai nấy đều hay.
Thị Trinh xem xong lời bố cáo ấy, lại ngắm đi ngắm lại hòn đá. Bỗng nhặt lấy một cục đá rất to ở bên cạnh, giơ tay giáng mạnh lên mỏm sấu, chỉ nghe thấy một tiếng “Cồ..ồng” từa tựa như tiếng cồng bằng đồng, của trong các trang trại thường đánh. Thị Trinh nghe vậy bất giác mỉm cười, rồi dắt ngựa quay xuống chân núi, nhảy lên ngựa đi thẳng về phía Tây.
Ngay lúc Thị Trinh đi gần đến núi An Quyết; đã nhận ra về phía Tây cách núi ấy chừng sáu, bảy dặm; có một dãy phố nho nhỏ, có hàng bán cơm chứa trọ. Nên chi116 sau khi Thị Trinh đã xem ngắm một hồi ở mỏm sấu liền phóng ngựa đi thẳng về phía Tây. Một lát đến nơi, liếc mắt trông qua dãy phố, tuy chỉ có mươi nhà nhỏ hẹp, nhưng cũng sạch sẽ chỉnh tề. Thị Trinh liền tìm lấy một nhà sạch sẽ hơn cả, vào hỏi thuê trọ. Chủ hàng coi cách ăn mặc của Thị Trinh, đoán hẳn là một bực bà nàng, cô ả chi đây, nên chi đón rước một cách rất là ân cần, chu đáo.
Bữa cơm tối hôm ấy, Thị Trinh ngồi một mình trên buồng nhà trọ, vừa ngồi ăn vừa ngẫm nghĩ: - Không hiểu những bọn khởi nghĩa đó, có được quả là những bực anh hùng, sẵn lòng vì nước? Hay lại là những phường tiểu nhân gian giảo, muốn giả công để tế tư117?” Thị Trinh nghĩ đến đấy, bỗng lại gật gù nói một mình:
- Ừ, đích rồi! Đích là trong hòn đá ấy rỗng, có đứa chui vào được trong để nói… Nếu không thế sao ta ném vào hòn đá mà lại thấy tiếng kêu như tiếng cồng?... Nếu vậy thời người bày ra cái kế ấy kể cũng là tay khá, vì họ chẳng qua cũng chỉ là một người trong đám bình dân, bỗng nhiên muốn khởi lên để làm những việc chiêu binh mãi mã thời người đời hồ dễ đã có mấy ai theo. Vậy họ mới dựa theo lòng mê tín của nhân dân mà đặt ra cái kế đá nói, thực cũng đã là khổ tâm lắm đó…
Nàng cứ ngồi một mình, chán nghĩ ngợi lại nói lẩm bẩm, người bõ già118 của nhà quán trọ thấy vậy thời có ý nghi, lại thì thào với chủ:
- Cái cô nàng này có lẽ không khéo là người điên? Chẳng thế thì từ nãy đến giờ lại cứ gật gà gật gù nói một mình mà cũng chẳng ai hiểu là nói câu gì cả.
Chủ quán nghe bõ già nói dứt nhời, nguýt cho mụ một cái rõ bắn người đi, rồi cất tiếng lên bảo rằng:
- Liệu hồn đấy! Người ta nghe tiếng thì chết! Mụ trông bộ quần áo đấy thời biết, con nhà thường dân mà dám ăn mặc thế à?
Bõ già bị chủ mắng thời lui lủi xuống bếp, không dám nói gì nữa.
Thị Trinh cơm nước xong, mãi hết trống canh một mới cởi áo lên giường đi ngủ, nằm mãi đến quá nửa trống canh hai mới lim dim toan ngủ. Bỗng nghe phía ngoài cửa sổ có tiếng róc rách như chuột gặm, Thị Trinh liền lẳng lặng để nghe xem sao. Một lúc lâu, bỗng thấy cửa sổ mở toang ra, rồi nhảy vào một người lực lưỡng giơ thẳng tay dao nhằm giữa cổ Thị Trinh chém xuống một nhát thật mạnh…
Ghi chú
92. Nằm sóng sượt.
93. Xuất xử: kẻ sĩ ra làm quan hoặc lui về ở ẩn.
94. Thăng tiến nhanh.
95. Đề bạt, cất nhắc.
96. Chứng cứ thực.
97. Nơi giam hãm, ý ở đây là dùng kế để giam lỏng, giám sát.
98. Hay dầm đỡ (một dạng kết cấu trong xây dựng).
99. Dụng cụ làm bằng ống tre nhỏ, đẽo nhọn hai dầu để xóc lúa, rơm.
100. (từ cũ) Cha mẹ.
101. Chim cùng họ sáo, lông đen mượt, hai tai có vệt trắng, sau mắt có hai mẩu thịt vàng, bắt chước được tiếng người.
102. Đồ đựng bằng sành, hình trụ, thân hơi phình, đáy lồi.
103. Dụng cụ thời cũ dùng để đo lường chất hạt rời, phần mười của đấu, khoảng bằng một lít.
104. Cách nói tắt, ý nói con cá sấu.
105. (hay giày) giẫm đi giẫm lại.
106. Đẫm.
107. Ký thác, gửi gắm.
108. (từ cũ) biểu thị ý nghi ngờ.
109. Dòm ngó, nghe trộm.
110. Thời kỳ xa xưa nhất trong lịch sử loài người.
111. Từng đống.
112. Cân nhắc, đắn đo.
113. Thông báo.
114. Khuyên.
115. Ý nói đảng thuộc địa phương đứng ra khởi binh.
116. Vậy nên.
117. Lợi dụng việc công để mưu lợi.
118. Người đầy tớ già.