HỒI THỨ TƯ
Anh cùng em bàn mưu tính kế,
Thầy với tớ tham của quên ơn

     ói về Thị Trinh đang nằm ở trên giường, bỗng thấy cửa sổ mở toang, rồi có một người lực lưỡng nhẩy vụt vào, giơ dao nhằm thẳng vào mình để chém.
Nhanh như cắt, lúc lưỡi dao vừa xuống gần đến giường, Thị Trinh đã lăn mình một cái rơi ngay xuống đất phía trong rồi nhổm phắt ngay dậy. Giữa lúc lưỡi dao của người kia chém xuống đến giường, tức là lúc Thị Trinh đã đứng được lên. Thừa thế, Thị Trinh nhẩy thót lại đá hất một cái vào cánh tay tên địch. Tên địch bị cái đá ấy đau quá, buột mất dao ở trong tay, vội lùi ngay lại mấy bước chực tìm đường trốn chạy. Chẳng ngờ chính đương lúc hai chân giật lùi, bị ngay Thị Trinh đấm luôn cho một cái rất mạnh vào mạng mỡ, tên ấy đau quá ngã phục ngay xuống không thể nào nhổm lên được nữa. Thị Trinh thấy vậy cười khanh khách mà mắng rằng:
- Cha đồ chó chết! Thế mà cũng học đòi đi làm thích khách. Dứt nhời liền nắm ngay lấy đụm tóc của tên ấy trói ghì vào cột nhà. Một mặt gọi nhà hàng đốt lửa mang lên, một lát, chủ quán xách chiếc đèn quang lên, thấy Thị Trinh ngồi tròn xoay ở trên giường, tay lăm lẳm119 cằm con dao quai sáng quắc như mây tuyết… Chủ quán giật mình sợ hãi bủn rủn cả người. Thị Trinh mỉm cười chỉ vào tên thích khách mà bảo chủ quán rằng:
- Kìa! Ta mới bắt được tên kẻ trộm. Chủ nhà cứ đứng đấy, để ta sẽ tra xem nó là người ở đâu và ai bảo nó đến đây?
Chủ quán nghe Thị Trinh nói xong, dạ dạ một hồi, rồi ngồi tựa vào cái cột ở ngoài hè, để ngắm xem cách hành động của Thị Trinh.
Lúc đó, Thị Trinh cầm con dao để vào gần cổ tên thích khách, rồi mỉm cười mà rằng:
- Mi muốn chết hay muốn sống hử?
Tên thích khách run lẩy bẩy nói:
- Bẩm… bẩm lạy cô nàng, chó cũng còn muốn sống một ngày để ăn dơ, xin cô nàng sinh phúc cho…
Thị Trinh gật đầu mỉm cười mà rằng:
- Đã sợ chết, sao dám làm liều?
- Bẩm… bẩm người ta sai tôi.
- Ai sai mày?
- Bẩm… bẩm chủ tôi ạ!
- Chủ mày là ai?
- Bẩm… xin cô nàng tha chết cho, tôi không dám nói…
- Mày muốn sống thời phải nói, muốn chết sẽ không nói.
Dứt nhời cầm con dao sẽ lia vào cổ tên thích khách vừa nói:
- Nói mau! Nói mau!
- Bẩm… bẩm, xin… xin nói, xin… xin cô nàng bỏ dao đi tôi xin nói.
Thị Trinh mỉm cười rụt dao lại, quát lên rằng:
- Ta đã bảo nói thì phải nói mau. Chủ mày là ai?
Tên thích khách toan nói lại cứ ngoảnh đi ngoảnh lại, trông trước trông sau, ấp úng mãi mới nói được thành câu:
- Bẩm… bẩm chủ tôi là… là Bình Ngô Thống tướng ạ!
Thị Trinh nghe tên thích khách nói xong, bất giác ngạc nhiên mà rằng:
- Ô! Lạ chưa? Bình Ngô Thống tướng thật à? Mày nói bậy!
- Bẩm quả thật ạ!
Thị Trinh lẳng lặng ngẫm nghĩ một hồi, bỗng dịu sắc mặt lại, sẽ hỏi:
- Mày nói rằng Bình Ngô Thống tướng sai mày, vậy mày có biết tại sao y lại sai mày hại ta?
- Bẩm có, nhưng xin cô nàng đừng giết tôi.
Thị Trinh gật đầu nói:
- Không, không khi nào, nếu mày cứ nói thực cho được rành mạch, chẳng những ta không giết mà ta lại cho thêm tiền nữa.
Nói dứt nhời, lấy ra một nén bạc để trước mặt tên thích khách mà rằng:
- Đây, mày cứ nói cho thật, ta sẽ cho mày nén bạc này.
Tên thích khách trông thấy nén bạc thời hoa cả mắt sướng quá, quên mất cả tấm lòng sợ chết, liền vội vàng nói:
- Bẩm, chủ tôi sở dĩ sai tôi giết bỏ cô nàng, chỉ vì có một cớ thế này: nguyên cái tiếng nói ở mỏm sấu bấy lâu, là do chủ tôi sai người chui vào trong ấy mà nói ra. Chủ tôi làm như thế cốt để mưu việc khởi binh cho dễ, quả nhiên chỉ vì cái kế khôn khéo, mà có mấy ngày hôm nay đã được quân theo rất đông. Chiều hôm qua bỗng dưng thấy cô nàng cưỡi ngựa đến, đứng ngắm mỏm đá, rồi lại ném mạnh vào mỏm đá mà mỉm cười. Có người đem chuyện ấy mà báo với chủ tôi. Chủ tôi cho rằng cô nàng đã khám phá ra cái thâm mưu ấy. Sợ cô nàng sẽ đem mà tuyên bố ra công chúng thời những người theo chủ tôi, tất họ bỏ mà tan đi hết… Ấy cái cớ mà chủ tôi sai tôi đi giết cô nàng thực chỉ bởi một tiếng cười của cô nàng. Lúc chủ tôi sai tôi đi, tôi có hỏi cặn kẽ thời chủ tôi bảo tôi như vậy. Đó toàn là những điều tôi nói thực, xin cô nàng lượng xét cho.
Thị Trinh nghe tên thích khách ấy nói xong, gật đầu mỉm cười mà rằng:
- Đã có cái mưu sâu giả làm đá nói, mà đến lúc gặp được nhân tài lại không biết tìm kế đón dùng, thời cái kiến thức cũng còn hẹp hòi lắm.
Nói rồi cầm nén bạc trao cho tên thích khách, mà bảo thêm nó rằng:
- Mi khá cầm nén bạc này trao cho vợ con làm vốn riêng. Còn mi thời cứ đến nói với chủ mi rằng đã giết được ta và chôn lấp kỹ càng rồi, chắc mi sẽ được thưởng thêm, chứ đừng có nói rằng không giết được ta mà thường lại bị nó giết chết đó, tên thích khách cầm lấy nén bạc thích quá, nhổm phắt ngay dậy chực chạy, chẳng ngờ vừa mới nhấc chân lên đã hình như có người đập đầu xuống, đau quá méo cả mặt lại, té ra tóc vẫn còn buộc vào cột chưa cổi120… Thị Trinh thấy vậy bất giác phì cười mà rằng:
- Thời đi đâu mà vội vàng thế nào! Tiền đã cầm trong tay, còn ai người ta lấy lại nữa mà hấp tấp đến thế, đồ chúng bay thật là sống chết cũng chỉ vì tiền!
Dứt nhời, đứng dậy cổi tóc cho tên thích khách. Tên thích khách lạy tạ cảm ân luôn mấy điều rồi bèn ra ngoài cửa đi mất.
Chủ quán trông thấy cách hành động của Thị Trinh như vậy, thời sợ hãi coi như một vị thiên thần. Tuy ngồi xa tận bên ngoài hè mà vẫn cứ run rẩy lên như cầy sấy.
Mờ tảng sáng hôm ấy, Thị Trinh trả tiền cơm tiền trọ xong, lên ngựa ruổi thẳng về nhà, đem những chuyện xảy ra hôm trước thuật lại cho anh là Triệu Quốc Đạt nghe. Triệu Quốc Đạt nghe đến đoạn bị thích khách, thời nghiêm sắc mặt lại mà rằng:
- Việc đó, tuy là do bởi bọn kia ngu hẹp, nhưng thực ra thời em cũng có lỗi. Phàm người ta càng khôn biết bao nhiêu lại càng phải giấu kín sự khôn biết bấy nhiêu. Nhất là đối với kẻ tiểu nhân ta lại càng phải giữ cái thái độ bao dung, cái hành tung bí ẩn của chúng, mà mình khám phá ra được, nếu có cần phải bảo ban, thời ta nên dẫn chúng đến nơi vắng vẻ mà dần dà khuyên nhủ; chứ đừng có đương trước mặt công chúng mà bộc bạch sự bí ẩn của nó. Nó bị mình làm vỡ lở sự bí mật, có đứa vì xấu hổ mà sinh ra làm liều. Cũng có đứa vì xấu hổ mà sinh ra ghen ghét. Tức như cái việc của em như hôm qua đó, ấy cũng may em là người có võ lực, mà cũng may kẻ thích khách của nó tầm thường. Nếu dịch địa mà tên thích khách ấy lại có tài như Chuyên Chư, Nhiếp Chính121 ngày xưa thời phỏng em còn an toàn làm sao được? Thế có phải chỉ vì một cái mỉm cười mà đến nỗi thiệt mạng không?
Thị Trinh nghe anh nói bấy nhiêu lời, rất là cảm phục, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Mấy năm nay quân tướng nhà Ngô nó giết hại dân ta nhiều lắm. Bởi thế nên bọn ấy nó mới khởi lên có mấy ngày, mà đã được rất nhiều người theo nghĩa…
Quốc Đạt nói:
- Con giun giẫm lắm cũng phải quằn, huống chi là người. Cứ như ý anh hồi này, chắc còn nhiều đám khác khởi lên chứ chẳng chỉ có một đám ấy…
- Anh liệu những đám ấy có thể thành công được chăng?
- Phàm mưu tính những công việc nhớn, tuy do bởi ý nghĩ của người, mà thực một phần lớn là ở cơ trời. Cơ trời đến lúc đã đổi thay thời những bọn cầm cần câu, đẵn122 gậy trúc, cũng có thể vọt lên mà dẹp yên thiên hạ; nếu cơ trời hãy còn bĩ tắc, vận nước hãy còn nguy nan, thời dù có tài vá trời lấp biển, nâng đỉnh bạt sơn, cũng chỉ đành cái dã tràng xe cát! Đó em chẳng xem như đức vua Trưng ta ngày xưa đó. Anh hùng mưu lược đến nhường bao, mà rút cục cũng phải đến thua cơ trời, chịu bỏ mình dưới dòng nước bạc!
Thị Trinh nghe anh nói đến đây, bất giác ngậm ngùi mà rằng:
- Đức vua Trưng tuy phải gieo mình giữa dòng nước bạc, nhưng tiếng thơm còn được lưu truyền trên sử sách, khiến cho người đời sau nghe đến tên ngài cũng phải sinh lòng sùng bái và phấn khởi, vậy em thiết tưởng người ta ở đời hễ gặp việc nên làm thời cứ làm, miễn là hãy biết sức người đã, còn thành hay bại sau này, cái đó sẽ nên tùy ở cơ trời, ta không cần phải kính mến. Cứ như nhời anh nói, người ta việc gì cũng phải tùy ở cơ trời, thời chẳng hóa ra người ta cứ đành chịu bỏ đấy rồi mặc theo cơ trời rủi may hay sao?
Quốc Đạt nghe em nói xong cười mà rằng:
- Em nói rất phải. Anh sở dĩ nói phải tùy theo cơ trời là chủ ý muốn khuyên người ta phàm việc cần phải cẩn thận, chứ không nên vọng động đấy thôi…
Cách ít lâu, nhân một lúc nhàn hạ, Quốc Đạt liền đem chuyện gia thất ra để khuyên em. Và nói thêm rằng:
- Ít lâu nay có rất nhiều người đến hỏi anh để cầu hôn với em nhưng anh nghĩ em bây giờ đã nhớn, mà việc hôn nhân không thể coi thường. Vậy anh muốn để tự em kén chọn, rồi anh sẽ định liệu sau.
Thị Trinh nghe anh nói thời mỉm cười mà rằng:
- Xin anh hãy đừng nói việc ấy với em vội. Chắc anh cũng còn nhớ bà Trưng Nhị ngày xưa nào đã có chồng đâu, mà đến bây giờ ai cũng còn biết tiếng, vậy làm người con gái, cần chi cứ phải có chồng mới gọi là người hoàn toàn?
Thị Trinh vừa nói đến đấy, bỗng có tên người nhà đi xa về báo rằng:
- Vừa rồi ở huyện Dư Phát có một toán tới 300 quân khởi nghĩa. Chúng đã giết chết được viên Huyện lệnh, giữ lấy thành trì, sau bị Lã Đại dùng kế lừa, đương đêm đem quân đến lấy thành, giết chết hết…
Quốc Đạt, Thị Trinh nghe vậy, đều kinh ngạc, vội hỏi duyên do chuyện ấy thế nào. Tên người nhà ung dung nói rằng:
- Nguyên viên huyện lệnh Dự Phát tên là Lã Trạch, có tính rất là tham lam tàn nhẫn, mà lại hay ngờ. Thường khi chỉ một việc trộm cắp nhỏ mọn, mà Lã Trạch bắt bớ, dây dưa đến ba, bốn mươi người. Sau khi đã bắt về huyện, dùng đủ độc hình để tra tấn, lắm người tội chỉ đáng phạt giam độ ba, bốn ngày mà bị y dùng trượng đánh chết ngay ở giữa sân công đường. Chỉ vì Lã Trạch bạo ngược quá như thế, nên lòng dân rất là oán giận. Bấy giờ có ông tù trưởng trại Bà Lai tên là Uông Cầu, nhân lòng dân oán giận, dựng cờ khởi nghĩa chỉ trong vòng có mười ngày, mà toàn quân của Uông Cầu đã có tới 300 người. Uông Cầu liền tự làm Thống tướng dẫn quân lên đánh huyện.
Trận thứ nhất, Lã Trạch sai hai viên quan du kích đem quân ra đối địch, bị Uông Cầu giết chết cả đôi.
Trận thứ hai, Lã Trạch sai viên Huyện úy là Hoàng Úc ra đánh, Hoàng Úc vốn có võ lược hơn người, lúc được lệnh đem quân ra thành, đã chắc mười mươi là giết được Uông Cầu như móc tiền trong túi. Đến lúc hai bên đánh nhau đã tới ba, bốn mươi hợp123; Uông Cầu biết thế không lực địch được, liền giả thua, quày ngựa tháo chạy. Hoàng Úc không hiểu là mưu, cắm cổ đuổi theo. Vừa mới đuổi được ước hơn ba dậm đường, bỗng Uông Cầu quài124 tay phóng một cái lao, trúng ngay vào giữa ngực Hoàng Úc, suốt từ đàng trước ra đàng sau, lăn nhào xuống ngựa chết tươi!... Lã Trạch thấy mới có hai ngày mà đã chết mất ba viên tướng, liền đóng cổng thành không dám ra đánh, viết thư sai người mang lên quận thành Cửu Chân cáo cấp. Chẳng ngờ tên mang thư ấy, lại bị Uông Cầu bắt được. Uông Cầu xem thư, liền viết một bức thư giả làm lời của Lã Đại. Nói trong vòng ba ngày nữa thì đem quân cứu viện, lại hẹn khi nào thấy quân cứu viện đến nơi, thời lập tức đem quân trong thành ra tiếp ứng, trong ngoài cùng giáp công v.v... Rồi lột lấy quần áo của tên mang thư, thay đổi dấu hiệu giả làm như quần áo của tên mang thư, thay đổi dấu hiệu giả làm như quần áo của quân Cửu Chân, sai người tâm phúc mặc quần áo ấy, gọi cổng thành, vào đưa thư cho Lã Trạch. Lã Trạch vốn là người không am hiểu việc quân nên tiếp được thư thời tin ngay, không hề ngờ vực chi cả. Cách ba hôm sau, Lã Trạch quả nhiên thấy có quân ở Cửu Chân đến cứu, vội mở cổng thành, đem toàn quân trong thành ra tiếp ứng. Đến lúc hai quân vừa gặp nhau, Lã Trạch đang ngơ ngác nhìn xem Lã Đại ở đâu để chào hỏi, bỗng vụt một viên tướng phóng ngựa lại tận nơi quát to lên rằng: - Lã Trạch! Mi đã biết mặt Uông Cầu chưa? - Vừa dứt tiếng thét thời Uông Cầu đã giơ thẳng mã tấu chém đứt đầu Lã Trạch lăn xuống đất. Sau khi Lã Trạch đã chết, tức thời Uông Cầu vẫy quân kéo ùa vào thành, thế là chỉ độ nửa buổi mà Uông Cầu đã lấy lại được huyện thành Dự Phát. Uông Cầu đã lấy lại được huyện thành Dự Phát thời ngày đêm luyện tập binh sĩ, chực ít lâu nữa sẽ tiến quân đánh lấy huyện Đô Bàng. Chẳng ngờ chưa bao lâu tin ấy đã truyền đến tai Lã Đại. Lã Đại liền đem đại binh đến vây đánh. Uông Cầu thấy thế quân của Lã Đại rất to, nên đóng chặt cổng thành, định dùng kế Dĩ dật đãi lao125, chờ bao giờ quân của Lã Đại mỏi mệt đã, sẽ đem quân ra đánh úp. Uông Cầu có một người đầy tớ tên là Ba Bủng, năm ấy cũng đã ngoài 20 tuổi, tuy là người không có học thức gì, nhưng mà có rất nhiều khôn vặt, nên chi bạn bè thường đặt cho anh ta một cái biệt hiệu là “Ba dỏm”. Ba Bủng vốn là một đứa trẻ con mồ côi cha mẹ từ thuở bé; đến năm 16, 17 tuổi vì sự đói khó khổ sở, sinh ra ăn cắp ăn trộm.
Trong thời kỳ Bủng làm nghề ăn cắp, Bủng ăn cắp lắm chuyến rất tài tình. Anh em “đồng liêu” của Bủng đều phải cảm phục, mà suy tôn Bủng lên làm ông trùm. Cũng lại thường có người thấy cách hành động của Bủng thời tỏ lời chế giễu, Bủng cười mà rằng: “Đói ăn vụng, túng làm càn. Đó là lẽ thường, nếu nay mai mà tôi cũng có được ruộng ngang dọc đồng, thời dù các ông mời tôi đi ăn cắp tôi cũng chả đi, mà chắc bấy giờ cũng sẽ có chán vạn người khen tôi là quân tử, là từ bi, phúc hậu. – Các ông nên biết rằng: các ông sở dĩ không đến nỗi phải đi ăn cắp như tôi, là nhờ ở cái hoàn cảnh của các ông, chứ cũng chẳng phải các ông có cái đặc tính gì quý hóa hơn tôi cả…” Ai nghe Bủng nói vậy, cũng biết là Bủng cãi bướng, nhưng thực ra cũng không tìm ra được nhời gì để bẻ lại, nên đành phải nín thinh, mà từ đó không ai dám chế giễu nó nữa. Tuy vậy, hay đi đêm cũng phải có lần gặp ma, một đêm kia, Bủng vào ăn cắp một nhà, bị chủ nhà bắt được, đánh cho một trận thật là nhừ tử, họ lại nhét dơ vào mồm, trói chặt cả chân tay, đem vất bỏ ra ngoài tha ma. Cứ kể thời Bủng cũng là còn nặng kiếp phong trần, ông hóa công còn muốn lưu cái đời “giá trị” của Bủng lại để cho thêm vẻ vang bộ “khi tâm bội đức sử” về sau này… Nên chi, Bủng nằm ở tha ma mới từ nửa đêm đến tảng sáng thời gặp ngay ông Uông Cầu đi qua, Cầu trông thấy thương tình, sai gia nhân khiêng về, thuốc thang cơm cháo cho, ròng rã một tháng trời mới khỏi. Sau khi Bủng đã được lành mạnh như thường, Cầu biết y không phải là người chính đính126, bảo đi nơi khác tìm công việc làm ăn. Bủng nằn nì xin ở lại hầu hạ, để đền cái ân đức nuôi nấng bấy lâu. Cầu nể lời, không nỡ đuổi, từ đó Bủng ở luôn làm gia nhân nhà Uông Cầu. Bủng đã khôn, nên lại ngoan, hầu hạ và làm lụng một cách rất chăm chỉ. Không bao lâu, được cả hai vợ chồng Uông Cầu rất là yêu mến tin dùng. Uông Cầu thường nói chuyện với vợ: “Thằng Bủng ngoan lắm, không ngờ vì một trận đòn mà nó đã đổi được hết tính nết cũ. Nay mai tôi sẽ lấy cho nó một con vợ và cho nó mấy sào ruộng mà sinh cơ lập nghiệp…” Bà vợ nghe ông nói rất lấy làm phục tấm lòng nhân đức của chồng. Cách câu chuyện ấy ít lâu, Uông Cầu vì sự kích thích mà khởi binh, lấy lại được huyện Dự Phát. Trong thời kỳ ấy, Bủng cũng có đi theo. Sau khi Lã Đại vây thành được bốn, năm ngày; Uông Cầu sợ số lương trong huyện thiếu, không thể cố thủ được mãi, liền viết thư định sai người sang Cư Phong cầu cứu với Lý Mão. Thư đã viết rồi, nhưng lại chưa kén được người đi. Bủng biết vậy, liền quả quyết xin đi. Uông Cầu thấy Bủng bấy lâu đã đổi hẳn tính nết, nên cũng không ngờ, liền ưng lời cho đi. Bủng đã được Uông Cầu giao cho bức thư, bèn khâu vào trong tràng áo127, nai nịt gọn ghẽ, đương đêm trèo thành đi ra…
Thị Trinh nghe tên người nhà nói đến đấy vội hỏi:
- Thế toán quân của Lý Mão có đến cứu không?
Tên người nhà cau mày lại mà rằng:
- Nào họ biết đâu mà đến cứu kia chứ!
- Ô hay! Thế ngỡ thằng Bủng đem thư sang?
- Nào nó có sang!...
- Thế nó đi đâu?
- Xin cô nàng hãy cứ để tôi nói cho có thứ tự thời nghe mới rành mạch được.
- Ừ, thế thời mày cứ nói đi…
Tên người nhà ung dung nói tiếp:
- Thằng Bủng đã đi khỏi thành, lần đến một cái miếu cổ để nghỉ, định sáng hôm sau đi sang Cư Phong. Chẳng ngờ chỉ vì có vài trống canh nằm nghỉ ấy mà cái tâm tình của Bủng đã thay đổi rất chóng.
Thị Trinh vội hỏi:
- Thay đổi thế nào?
Tên người nhà nói:
- Những sự biến đổi ở trong tâm tính Bủng, mà tôi nói sau đây, đều do một người bạn thân của Bủng nói lại với tôi; người ấy nói chính Bủng đã đem tâm sự mình mà thuật với bạn. Chứ thực thời chẳng những tôi, đến cả người bạn của Bủng nữa, có ai nằm ở trong bụng Bủng đâu mà biết được tâm tính thay đổi của Bủng… Người bạn Bủng thuật với tôi rằng: “Bủng nằm một mình ở trong miếu, nghĩ thẩm dẩm128 một mình: ông Uông Cầu tuy rằng có thao lược tài bộ, nhưng trông chừng chỉ có 300 quân, lại không có một người nào có tài ngang với mình giúp sức. Phương ngôn đã nói: “Khôn độc không bằng ốc đàn”, chắc khó thoát được với tay Lã Đại. Bủng nghĩ vậy, rồi lại nghĩ: ta mà cứ theo mãi ông lão này, lỡ đến lúc ông ta bị thất bại, thời mình cũng khó lòng mà thoát được. Chi bằng nhân dịp này, ta tìm ngay lấy một cách thoát thân… Bủng nghĩ thế, liền tính đến cách đem bức thư của Uông Cầu đến thú với Lã Đại. Chắc thế nào cũng được một món thưởng to, may lại được làm nên ông nọ ông kia cũng chưa biết chừng. Sáng hôm sau, quả nhiên Bủng đem bức thư ấy thú với Lã Đại. Đại thưởng cho 30 lạng bạc, rồi sai Bủng vào thành làm nội ứng. Đại lại dặn nhỏ Bủng rằng: “Uông Cầu là người rất tinh tế, ngươi phải nói năng làm sao cho trôi chảy thời nó mới khỏi nghi. Sau khi đã phá được thành ta sẽ thưởng thêm cho trăm lạng bạc nữa và cho làm chức quan Du kích…”
Bủng thấy Lã Đại nói vậy thời sung sướng vô cùng, liền cứ y theo kế sách của Đại để thi hành. Bủng ở lại trong trại Lã Đại hai hôm nữa mới về thành, Bủng đứng trước mặt Uông Cầu thuật những công việc chiến tranh ở bên Cư Phong, nào là: Lý Mão đối đãi quân tướng rất là trung hậu… Quân sư Nguyễn Điềm thật là người mưu sâu tài rộng, Lý Mão tôn trọng như bực cha chú… Nào là Lý Mão cũng đã lấy được huyện Cư Phong, đầu của Huyện lệnh Cư Phong hãy còn bêu ở cổng thành. Hiện giờ trong thành đã có 3.000 binh mã, v.v… Kết cục câu chuyện Bủng nói: quan Bình Ngô Thống tướng hẹn chỉ trong ba ngày nữa sẽ đem quân đến cứu, tiện thể ngài còn muốn tiến quân lấy cả huyện Vô Biên… Ông ấy lại dặn Chúa công cứ chịu khó cố thủ lấy mấy ngày nữa, đừng vội vàng nản chí mà hỏng mất công việc lớn…
Đấy, cô nàng và đức ông nghe cái gọng của thằng Bủng nó nói đến như thế, thời còn ai là người không tin kia chứ! Thế mới biết: “Mật ngọt thời chết ruồi”, câu tục ngữ nói rất đúng.
Tên người nhà nói đến đấy, Thị Trinh vội hỏi:
- Thế rồi sau công việc ra sao, mày nói mau lên, lại còn cứ phải chêm lời cho rườm chuyện…
- Vâng, tôi vẫn nói, sao cô nàng nóng thế?
- … Quả nhiên Uông Cầu nghe nó nói xong thời tin ngay là thực, liền thưởng cho nó mấy lạng bạc và bảo nó xuống dưới nhà yên nghỉ dưỡng sức, đề phòng hôm có quân cầu cứu thời ra trận tiếp ứng. Thằng Bủng đã đắt mưu gian của nó, nó rất lấy làm đắc chí. Đến ngay đêm hôm ấy, nó liền dùng kế mở cổng thành cho Lã Đại kéo ùa quân vào…
Thị Trinh nghe đến đấy, thở dài mà rằng:
- Khốn nạn! Thế thời bấy giờ Uông Cầu đâu? Có trốn thoát không?
Tên người nhà nói:
- Nào có trốn thoát! Cái thằng chết đâm chết chém ấy, nó đã làm cho chủ nó mất thành, nó còn thừa ngay lúc chủ nó bối rối, chạy trốn, xuất kỳ bất ý chặt ngay lấy đầu chủ nó, đem nộp cho Lã Đại…
Tên người nhà vừa nói đến đấy, Thị Trinh đập tay xuống bàn, quát to lên rằng:- Chà! Chà! Quân phản ác tán tận lương tâm đến thế là cùng. Sau này, ta có lúc nào gặp nó, ta phải băm xác nó ra làm trăm mảnh mới cam tâm...
Thị Trinh nói xong, vẻ mặt vẫn hầm hầm tức giận. Tên người nhà gạt đi mà rằng:
- Xin cô nàng bất tất phải giận, vì sau khi nó giết chủ nó, thời đã có người giết ngay nó đi rồi. Chứ nó có còn đâu nữa mà để cho cô nàng băm xác...
Thị Trinh và Quốc Đạt nghe tên người nhà nói vậy, thời đều ngạc nhiên vội hỏi:
- Ai giết? Ai giết?
Ghi chú
119. Nắm thật chặt, không buông.
120. Cởi.
121. Hai thích khách nổi tiếng bậc nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc.
122. Chặt bằng vật có lưỡi sắc.
123. Hiệp.
124. Vươn dài để với.
125. Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt.
126. Ngay thẳng, đứng đắn.
127. Vạt trước áo.
128. Lẩm bẩm.