PHẦN 1
12:02 SÁNG THỨ BA
CHƯƠNG 4

     ó là những cái chết thật khủng khiếp.
Amelia Sachs từng chứng kiến rất nhiều, hay ít ra cô cũng nghĩ thế. Nhưng đó là những biện pháp giết người độc ác nhất mà giờ đây cô có thể nhớ lại.
Từ Westchester, cô đã trao đổi với Rhyme và anh yêu cầu cô nhanh chóng đến khu Hạ Manhattan, nơi cô sẽ khám nghiệm hiện trường hai vụ án mạng được thực hiện dường như vào hai giờ khác nhau bởi một kẻ tự xưng danh là Thợ Đồng Hồ.
Sachs khám nghiệm hiện trường đơn giản hơn trước – cái cầu tàu trên sông Hudson. Hiện trường này không mất nhiều thời gian khám nghiệm, không có ai và hầu hết dấu vết đã bị những cơn gió bạo liệt thổi dọc con sông quét đi hoặc làm bẩn. Cô chụp ảnh và quay video quang cảnh hiện trường từ mọi góc độ. Cô chú ý chỗ lúc trước đặt chiếc đồng hồ – điều phiền phức là hiện trường đã bị đội tháo bom làm xáo trộn khi họ lấy nó đi kiểm tra. Nhưng không có sự lựa chọn khác đối với một thứ có thể là một thiết bị phát nổ.
Sachs cũng thu lấy tờ ghi chú của sát thủ, một phần bám máu khô cứng lại. Sau đấy, cô lấy mẫu máu đã đóng băng. Cô chú ý vết móng tay trên cầu tàu nơi nạn nhân bám vào, treo người lủng lẳng bên trên mặt nước, rồi tuột xuống. Cô thu lấy một chiếc móng tay bị tước ra – nó to bè, ngắn và không sơn, cho thấy khả năng nạn nhân là nam giới.
Sát thủ lọt vào bằng cách cắt đứt dây hàng rào mắt cáo bảo vệ cầu tàu. Sachs lấy mẫu dây kẽm để kiểm tra dấu vết dụng cụ cắt. Cô không tìm thấy dấu vân tay, dấu chân hay vết bánh xe gần lối vào cũng như gần vũng máu đã đóng băng.
Chưa xác định được nhân chứng nào.
Nhân viên kiểm tra y tế báo cáo rằng nếu nạn nhân thực sự rơi xuống sông Hudson, theo như những chi tiết thấy ở hiện trường, anh ta sẽ chết trong vòng khoảng mười phút do giảm thể nhiệt. Các thợ lặn của Sở Cảnh sát New York cùng lực lượng Tuần tra Bờ biển vẫn đang tìm kiếm cái xác và bất cứ chứng cứ nào còn dưới nước.
Bây giờ, Sachs có mặt tại hiện trường thứ hai, con hẻm phố Cedar, gần Broadway. Theodore Adams, trạc ba mươi lăm tuổi, nằm ngửa, bị bịt miệng và trói hai chân hai tay vào với nhau bằng băng dính nhựa. Sát thủ đã tròng một sợi dây thừng vào một cầu thang thoát hiểm cách đất ba mét, và buộc một đầu sợi dây vào một thanh kim loại nặng gần hai mét có hai lỗ ở hai đầu trông giống lỗ kim. Thanh kim loại này được treo lơ lửng bên trên họng nạn nhân. Đầu kia sợi dây được đặt vào tay anh ta. Bị trói, Adams không thể trườn ra khỏi vị trí thanh kim loại buông xuống. Anh ta chỉ có thể hy vọng sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để giữ cho cái trọng lượng kia cứ treo lơ lửng cho tới khi ai đó tình cờ đi qua cứu.
Nhưng đã không có ai.
Adams chết đã khá lâu và thanh kim loại tiếp tục nén xuống họng anh ta cho tới khi thân thể đóng băng cứng lại trong cái giá lạnh tháng Mười hai. Cổ anh ta bị đè bẹp gí chỉ còn dày chừng 2,5 centimét bên dưới thanh kim loại. Trên gương mặt anh ta là vẻ bợt bạt, không biểu cảm của cái chết, nhưng Sachs hình dung được gương mặt anh ta trông như thế nào trong – bao lâu? – mười hoặc mười lăm phút vật lộn để sống, nó đỏ lên vì nỗ lực, rồi tím bầm lại, cặp mắt lồi ra.
Kẻ nào trên đời này giết người bằng những cách ấy, những cách rõ ràng được lựa chọn để đạt cái chết dai dẳng?
Mặc bộ đồ bảo hộ Tyvek[15] màu trắng phòng trường hợp dấu vết từ quần áo và tóc cô làm ảnh hưởng đến hiện trường, Sachs chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị thu thập chứng cứ trong khi bàn bạc về quang cảnh hiện trường với hai đồng nghiệp thuộc Sở Cảnh sát New York, Nancy Simpson và Frank Rettig, sĩ quan Đơn vị Khám nghiệm hiện trường đặt trụ sở tại Queens. Gần đó là chiếc xe phản ứng nhanh của đơn vị họ – một chiếc xe thùng lớn chất đầy các thiết bị cốt yếu phục vụ cho việc khám nghiệm hiện trường.
Sachs xỏ chân vào hai đai cao su để phân biệt dấu chân cô với dấu chân đối tượng. (Một ý tưởng khác trong số rất nhiều ý tưởng của Rhyme. “Nhưng tại sao phải phiền phức thế? Em mặc bộ đồ Tyvek có bao chân mà, chứ có đi giày bình thường đâu”, Sachs từng một lần lưu ý như vậy. Anh nhìn cô vẻ chán ngán. “Ồ, xin lỗi. Anh đoán rằng một đối tượng không bao giờ nghĩ tới việc mua bộ đồ bảo hộ Tyvek. Bao nhiêu tiền hả Sachs? Bốn mươi chín đô la chín mươi lăm xu à?”)
Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là những vụ giết người này hoặc là kiểu hợp đồng thanh toán nhau của tội phạm có tổ chức hoặc là tác phẩm của một kẻ tâm thần. Kiểu hợp đồng thanh toán của tội phạm có tổ chức thông thường được dàn dựng như thế để gửi thông điệp đến các nhóm đối địch. Mặt khác, một kẻ tâm thần có thể sẽ tiến hành một vụ giết người cầu kỳ như thế vì chứng hoang tưởng hoặc vì cảm giác thích thú, cái cảm giác có thể mang tính chất bạo dâm – nếu nó có động cơ tình dục – hoặc đơn giản là sự độc ác. Sau những năm tháng trải qua thực tế nghề nghiệp, cô biết rằng bản thân việc gây ra nỗi đau đớn chính là một nguồn sức mạnh và có thể làm người ta nghiện.
Ron Pulaski trong bộ đồng phục và áo khoác da ngắn tiến đến. Chàng sĩ quan tuần tra tóc vàng của Sở Cảnh sát New York, thanh mảnh, trẻ trung, đã giúp đỡ Sachs trong vụ Creeley và được đề nghị hỗ trợ trong những vụ Lincoln Rhyme đang phải giải quyết. Sau thời gian dài điều trị ở bệnh viện do lần kkịch chiến với một đối tượng, anh được đề nghị nghỉ việc theo chế độ thương tật.
Chàng trai kể cho Sachs nghe rằng anh đã ngồi xuống với Jenny, cô vợ trẻ, và bàn bạc về vấn đề này. Liệu anh có nên quay lại làm việc không? Người anh em sinh đôi của Pulaski, cũng là một cảnh sát, góp thêm ý kiến. Cuối cùng, chàng thanh niên lựa chọn việc trải qua trị liệu và quay lại với lực lượng. Sachs và Rhyme rất ấn tượng trước nhiệt tâm tuổi trẻ của anh và gây sức ép để anh được phân công hỗ trợ cho mình bất cứ khi nào có thể. Sau này, anh thú nhận với Sachs (tất nhiên không bao giờ với Rhyme) rằng thái độ không chấp nhận để chứng liệt tứ chi loại bỏ mình khỏi đời sống và sự hăng hái tuân thủ chế độ trị liệu hàng ngày của Rhyme là nguồn cổ vũ lớn lao cho anh quay lại với nghề nghiệp đầy tính hoạt động.
Pulaski không mặc bộ đồ Tyvek nên dừng lại phía ngoài dải băng vàng căng đánh dấu hiện trường. “Lạy Chúa”, anh lẩm bẩm trong khi nhìn chằm chằm cảnh tượng đáng sợ.
Pulaski nói với Sachs rằng Sellitto và các sĩ quan khác đang thẩm tra những nhân viên bảo vệ và quản lý văn phòng ở các tòa nhà xung quanh con hẻm để xem liệu có ai nhìn thấy hay nghe thấy gì liên quan đến vụ tấn công, hoặc có biết Theodore Adams không. Anh bổ sung: “Đội dỡ bom vẫn đang kiểm tra mấy chiếc đồng hồ và sẽ chuyển chúng cho Rhyme sau. Còn tôi sẽ đi lấy tất cả các biển đăng ký của các xe đỗ xung quanh đây. Thám tử Sellitto bảo tôi làm việc này.”
Vẫn quay lưng lại với Pulaski, Sachs gật đầu. Nhưng cô thực sự không chú ý lắm đến thông tin ấy, bây giờ nó không hữu ích cho cô. Cô sắp sửa khám nghiệm hiện trường và đang cố gắng tập trung suy nghĩ. Mặc dù theo định nghĩa thì công việc khám nghiệm hiện trường liên quan đến những vật vô tri vô giác, vẫn có một mối quan hệ gần gũi kỳ lạ giữa chúng với người thực hiện công việc. Người cảnh sát khám nghiệm hiện trường, để đạt kết quả như mong muốn, phải trở thành đối tượng về mặt tinh thần và tình cảm. Toàn bộ kịch bản khủng khiếp tự nó diễn ra trong trí tưởng tượng của họ: kẻ sát nhân lúc đó đang nghĩ gì, hắn đứng chỗ nào khi giơ khẩu súng hay con dao hay chiếc gậy tày lên, hắn điều chỉnh tư thế ra sao, hắn còn nấn ná quan sát cơn giãy chết của nạn nhân hay bỏ trốn ngay lập tức, cái gì tại hiện trường khiến hắn chú ý, cái gì xúi giục hoặc đẩy lùi hắn, lộ trình bỏ trốn của hắn. Đây không phải sự mô tả tâm lý sơ lược – kiểu vẽ chân dung đối tượng đặc trưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi thoảng hữu ích – đây là nghệ thuật khai thác trong biết bao nhiêu thứ ngổn ngang trên hiện trường lấy được chút ít những manh mối quan trọng có thể dẫn đến cửa nhà của đối tượng.
Sachs giờ đây đang thực hiện điều này, trở thành một người khác – kẻ sát nhân đã sắp đặt cái kết thúc khủng khiếp đối với một đồng loại.
Cặp mắt quét xung quanh hiện trường, lên trên, xuống dưới, sang ngang: những viên sỏi, các bức tường, cái xác, thanh kim loại…
Mình là hắn… Mình là hắn… Những gì đã đến trong đầu óc mình? Tại sao mình muốn giết những người này? Tại sao bằng những cách thức này? Tại sao ở cầu tàu, tại sao ở đây?
Nhưng nguyên nhân của cái chết quá khác thường, những ý nghĩ của kẻ sát nhân quá cách xa những ý nghĩ của Sachs, tới nỗi cô không có câu trả lời cho các câu hỏi này, chưa có. Cô nhét tai nghe vào tai. “Rhyme, anh ở đó chứ?”
“Thế anh còn ở đâu nữa?”, anh hỏi, giọng có vẻ hơi buồn cười. “Anh đang chờ đợi đây. Em ở đâu? Hiện trường thứ hai hả?”
“Vâng.”
“Em đang kiểm tra cái gì, Sachs?”
Mình là hắn…
“Con hẻm, Rhyme ạ”, Sachs nói vào mic. “Nó là một con hẻm cụt để giao hàng. Nó không thông hai đầu. Nạn nhân nằm gần mặt phố.”
“Gần chừng nào?”
“Cách mặt phố chừng bốn mét rưỡi trong một con hẻm dài chừng ba mươi mét.”
“Làm sao anh ta ở đó được?”
“Không thấy vết bánh xe nhưng anh ta dứt khoát đã bị kéo lên đến chỗ bị giết, có muối và chất nhầy bám trên lưng áo vét tông cũng như mặt dưới quần anh ta.”
“Có những cửa ra vào gần cái xác chứ?”
“Có. Anh ta gần như nằm phía trước một trong những cửa ấy.”
“Anh ta vốn làm việc trong tòa nhà đó à?”
“Không ạ. Em có danh thiếp của anh ta. Anh ta là nhà văn tự do. Địa chỉ nơi làm việc của anh ta cũng chính là địa chỉ căn hộ.”
“Anh ta có thể đã có khách hàng ở tòa nhà đó hoặc ở một trong những tòa nhà kia.”
“Lon đang kiểm tra.”
“Tốt. Cánh cửa gần nhất ấy, xem liệu có phải là vị trí đối tượng đã chờ anh ta không?”
“Vâng”, Sachs đáp.
“Hãy đề nghị một nhân viên bảo vệ mở cánh cửa ấy và anh muốn em khám xét phía bên trong.”
Lon Sellitto gọi từ phía ngoài dải băng vàng căng đánh dấu hiện trường: “Không nhân chứng. Tất cả mọi người đều mù tịt hết cả. Ôi chà, và điếc nữa… Và phải tới bốn, năm mươi văn phòng xung quanh con hẻm. Nếu có ai biết anh ta, chắc phải lâu mới phát hiện ra được”.
Sachs truyền đạt lại yêu cầu của nhà hình sự họ là mở cánh cửa hậu gần cái xác.
“Sẽ thực hiện đúng như vậy.” Sellitto vừa xăm xăm bước đi vừa hà hơi ấm vào hai bàn tay khum lại.
Sachs quay video và chụp ảnh hiện trường. Cô tìm kiếm và không phát hiện ra chứng cứ nào về hành động tình dục trên cái xác hoặc gần đó. Cô bắt đầu bước đi theo đường bàn cờ – bước đi qua mỗi phân vuông của hiện trường hai lần, tìm kiếm các vật chứng. Không giống như nhiều chuyên gia khám nghiệm hiện trường, Rhyme khăng khăng đòi chỉ một người khám nghiệm – trừ trường hợp thảm họa lớn, tất nhiên – và Sachs luôn luôn bước đi ngang dọc hiện trường một mình.
Nhưng kẻ nào thực hiện tội ác này đã hết sức cẩn thận chẳng để lại đằng sau dấu vết gì rõ ràng, ngoài lời ghi chú, chiếc đồng hồ, thanh kim loại, những đoạn băng dính nhựa và sợi dây thừng.
Cô nói với Rhyme điều đó. Anh nói: “Những thứ thuộc loại ấy không khiến chúng ta thấy dễ dàng hơn, phải không Sachs?”
Tâm trạng vui vẻ của anh làm cô khó chịu. Anh đâu ở ngay bên cạnh một nạn nhân đã phải chịu một cái chết tàn tệ như thế này. Cô phớt lờ lời bịnh luận và tiếp tục công việc tại hiện trường: tiến hành xử lý cơ bản cái xác để nó có thể được chuyển cho nhân viên kiểm tra y tế, thu nhặt tài sản cá nhân của người chết, lấy dấu vân tay, in tĩnh điện dấu giày, thu thập dấu vết bằng một con lăn có bôi chất dính, giống loại dùng để nhặt lông chó, mèo bám vào quần áo.
Xét theo trọng lượng của thanh kim loại, có khả năng là đối tượng đã lái xe đến đây, nhưng không thấy vết bánh xe. Khoảng giữa con hẻm được rải đầy muối mỏ để làm tan băng và các hạt muối khiến người chết không tiếp xúc hẳn xuống lớp sỏi.
Rồi Sachs nheo mắt nhìn. “Rhyme, chỗ này có cái gì lạ lùng lắm. Xung quanh cái xác, gần một mét xung quanh cái xác, có cái gì đó trên mặt đất.”
“Em nghĩ nó là cái gì?”
Sachs cúi xuống kiểm tra bằng kính lúp một thứ có vẻ như cát mịn. Cô nói vậy với Rhyme.
“Để rắc lên băng chăng?”
“Không. Chỉ có xung quanh anh ta thôi. Những chỗ khác trong con hẻm không có. Người ta sẽ sử dụng muối cho băng, tuyết.” Rồi Sachs bước lùi lại. “Nhưng chỉ còn một ít hạt mịn thôi. Trông giống như… vâng, Rhyme. Hắn đã quét. Bằng một cái chổi.”
“Quét ấy à?”
“Em có thể nhìn thấy những cọng rơm. Trông giống như hắn đã vãi hàng vốc cát ra và rồi quét đi… Nhưng có thể hắn không làm vậy. Không có gì giống như thế này ở hiện trường thứ nhất, trên cầu tàu.”
“Có cát trên nạn nhân hay trên thanh kim loại không?”
“Em không biết… Khoan, có đấy.”
“Vậy thì hắn đã làm việc ấy sau khi giết chết nạn nhân”, Rhyme kết luận. “Nó có thể là một cách xóa dấu vết.”
Những đối tượng cẩn thận đôi khi sử dụng các chất dạng bột hoặc dạng hạt – cát, vật liệu lót ổ cho mèo con hoặc thậm chí bột mì – rắc trên mặt đất sau khi thực hiện tội ác. Rồi chúng quét đi hoặc dùng máy hút bụi để hút, xóa hầu hết các dấu vết.
“Nhưng tại sao nhỉ?”, Rhyme tự nói với mình.
Sachs đăm đăm nhìn cái xác, đăm đăm nhìn con hẻm rải sỏi.
Mình là hắn…
Tại sao mình phải quét hiện trường?
Đối tượng thường lau dấu vân tay và mang đi những chứng cứ rõ ràng nhưng hãn hữu mới có kẻ mất công xóa dấu vết bằng cách này. Sachs nhắm mắt lại và, thật là khó khăn, hình dung ra bản thân mình đứng nhìn xuống chàng trai trẻ đang cố gắng giữ cho thanh kim loại khỏi nén xuống họng.
“Có thể hắn đánh đổ cái gì đó.”
Nhưng Rhyme nói: “Điều ấy không có khả năng xảy ra. Hắn không thiếu thận trọng đến thế.”
Sachs tiếp tục suy nghĩ: Mình thận trọng, chắc chắn rồi. Nhưng tại sao mình lại phải quét?
Mình là hắn…
“Tại sao?”, Rhyme thầm thì.
“Hắn…”
“Không phải hắn”, nhà hình sự học sửa lại. “Em là hắn đấy, Sachs ạ. Nhớ nhé. Em.”
Em là một kẻ cầu toàn. Em muốn rõ bỏ chứng cứ hết mức có thể.”
“Chính xác, nhưng em được gì bằng cách quét?”, Rhyme nhận xét. “Em chẳng được gì vì phải lưu lại hiện trường lâu hơn. Theo anh có một lý do khác.”
Tư duy sâu hơn, cảm giác được mình nâng thanh kim loại lên, đặt sợi dây thừng vào bàn tay chàng trai, cúi nhìn chằm chằm gương mặt anh ta trong cơn nỗ lực, cặp mắt anh ta lồi ra. Mình đặt chiếc đồng hồ bên cạnh đầu anh ta. Nó đang kêu tích tắc, tích tắc… Mình quan sát anh ta chết.
Mình chẳng để lại chứng cứ nào, mình quét…
“Hãy suy nghĩ, Sachs. Hắn phụ thuộc vào cái gì?”
Mình là hắn…
Rồi Sachs buột thốt lên: “Em sẽ quay lại, Rhyme.”
“Cái gì?”
“Em sẽ quay lại hiện trường. Ý em nói hắn sẽ quay lại. Đó là lý do tại sao hắn phải quét. Bởi vì hắn tuyệt nhiên không muốn để lại bất cứ thứ gì khiến chúng ta mô tả được hắn: không một sợi vải, không một sợi tóc, dấu giày, bụi bẩn bám dưới đế giày. Hắn không sợ chúng ta sẽ sử dụng những dấu vết ấy để lần đến hang ổ của hắn – hắn quá cao thủ nên không đời nào để lại những dấu vết như vậy. Không, hắn sợ chúng ta sẽ tìm thấy thứ gì khiến chúng ta nhận ra hắn khi hắn quay lại.”
“Được, đó có thể là lý do đấy. Hắn có thể là kẻ thích rình rập quan sát người khác, thích quan sát người ta chết, thích nhìn cảnh sát làm việc. Hay có thể hắn muốn xem ai sẽ săn đuổi hắn… để chính hắn có thể bắt đầu một cuộc săn đuổi.
Sachs cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Cô nhìn xung quanh. Như thường lệ, một đám những kẻ hiếu kỳ đang đứng giương mắt lên bên kia phố. Kẻ sát nhân đang ở giữa bọn họ, theo dõi cô ngay lúc này chăng?
Rồi Rhyme nói thêm: “Hay có thể hắn đã quay lại. Hắn đến từ sáng sớm xem nạn nhân đã chết thật chưa. Điều đó có nghĩa là…”
“Là hắn hẳn để lại chứng cứ nào đấy ở chỗ khác, bên ngoài hiện trường. Trên vỉa hè, trên phố.”
“Chính xác.”
Sachs chui qua dải băng vàng ra bên ngoài khu vực được đánh dấu là hiện trường và nhìn sang bên kia phố. Rồi đoạn vỉa hè phía trước tòa nhà. Ở đó cô tìm thấy nửa tá dấu giày in trên tuyết. Cô chẳng làm sao biết được liệu trong số ấy có dấu giày của Thợ Đồng Hồ không, nhưng mấy dấu giày – loại giày cao cổ đế rộng dùng khi đi bộ địa hình – cho thấy khả năng một người nào đấy, có lẽ là một người đàn ông, đã đứng ở đầu hẻm vài phút, chốc chốc lại đổi chân. Cô ngó nghiêng xung quanh và đi đến kết luận là không có lý do gì để ai đứng đó – không có điện thoại công cộng, hòm thư hay cửa sổ nào ở gần.
“Có mấy dấu giày cao cổ khác thường ở đầu hẻm, gần lề đường phố Cedar”, Sachs nói với Rhyme. “Dấu giày to.” Cô cũng xem xét khu vực này, đào vào một đống tuyết. “Có cái gì nữa ấy.”
“Cái gì?”
“Một cái kẹp tiền bằng kim loại màu vàng.” Những ngón tay Sachs buốt nhói vì lạnh bên dưới đôi găng cao su, cô đếm số tiền mặt trong cái kẹp. “Ba trăm bốn mươi đô la, tiền hai mươi đô la còn mới. Ngay bên cạnh các dấu giày.”
“Trên người nạn nhân có tiền không?”
“Sáu mươi đô la, cũng còn khá mới.”
“Có thể đối tượng đã rút cái kẹp tiền ra rồi đánh rơi nó khi bỏ đi.”
Sachs cho cái kẹp tiền vào một cái túi đựng chứng cứ, và kết thúc việc lục soát các khu vực khác của hiện trường mà không tìm thêm được gì nữa.
Cửa hậu của tòa nhà văn phòng mở ra. Sellitto và một người bảo vệ mặc đồng phục thuộc số nhân viên an ninh của tòa nhà đứng đó. Họ đứng lùi lại trong khi Sachs xử lý chính cánh cửa – chụp ảnh cái mà cô mô tả cho Rhyme là hàng triệu dấu vân tay (anh chỉ cười thầm) và dãy hành lang tối lờ mờ đằng sau cánh cửa. Cô chẳng tìm thấy cái gì có liên quan rõ ràng đến vụ án mạng.
Bỗng nhiên, một giọng phụ nữ hốt hoảng xé qua bầu không khí giá lạnh. “Ôi, lạy Chúa, không!”
Một người phụ nữ tóc nâu chắc nịch ở tuổi ba mươi chạy nhào đến dải băng vàng, ở đó chị ta bị một cảnh sát tuần tra chặn lại. Chị ta lấy hai bàn tay ôm mặt và khóc nức nở. Sellitto bước tới. Sachs cũng đến chỗ họ. “Thưa chị, chị có biết anh ta không?”, viên thám tử to béo hỏi.
“Chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì đã xảy ra? Không… ôi, Chúa ơi…”
“Chị có biết anh ta không?”, viên thám tử nhắc lại.
Rũ rượi vì khóc lóc, người phụ nữ quay đi khỏi cảnh tượng khủng khiếp. “Anh trai tôi… Không, có phải anh ấy đấy không… ôi, Chúa ơi, không, anh ấy không thể…” Chị ta quỳ sụp xuống trên mặt băng.
Đây là người phụ nữ đã thông báo việc anh trai mất tích đêm hôm qua, Sachs hiểu ra thế.
Lon Sellitto có tính cách của một chú chó bull khi tiếp cận những kẻ bị tình nghi. Nhưng đối với các nạn nhân và người nhà họ, ông ta bày tỏ sự dịu dàng đáng ngạc nhiên. Bằng giọng nhẹ nhàng, hơi lè nhè do lối kéo dài các nguyên âm của người Brooklyn, ông ta nói: “Tôi rất lấy làm tiếc. Anh ấy đã mất, phải.”
Ông ta giúp người phụ nữ đứng dậy và chị ta tựa vào bờ tường của con hẻm.
“Kẻ nào làm việc này? Tại sao?” Chị ta kêu lên thất thanh khi chị ta nhìn chằm chằm cái chết khủng khiếp của  người anh trai. “Kẻ nào làm một việc thế này? Kẻ nào?”
“Chúng tôi không biết, thưa chị”, Sachs nói. “Tôi rất tiếc. Nhưng chúng tôi sẽ tìm ra hắn. Tôi hứa với chị.”
Chị ta vừa thở hổn hển vừa quay sang. “Xin đừng để con gái tôi nhìn thấy.”
Sachs nhìn qua chị ta đến chỗ một chiếc ô tô đỗ một nửa lên lề đường, nơi chị ta bỏ nó trong cơn hoảng hốt. Một cô bé độ mười mấy tuổi ngồi trên xe đang nghiêm trang nhìn chằm chằm vào Sachs, đầu nghểnh sang bên. Nữ thám tử bước đến đằng trước cái xác, không cho cô bé nhìn thấy bác cô.
Người em gái, tên là Barbara Eckhart, nhảy khỏi xe mà không mặc áo khoác và giờ đang co ro vì lạnh. Sachs dẫn chị ta đi qua cánh cửa mở vào bên trong dãy hành lang cô vừa kiểm tra. Người phụ nữ trong cơn cuồng loạn xin phép vào nhà vệ sinh, khi trở ra vẫn run rẩy và tái nhợt, tuy đã nén khóc.
Barbara không biết động cơ của kẻ sát nhân có thể là gì. Anh trai chị ta, sống độc thân, là nhà văn tự do, chuyên viết bài cho các đoạn phim quảng cáo. Anh ta được nhiều người yêu quý, và theo như chị ta biết thì không có kẻ thù. Anh ta chẳng dính dáng tới bất cứ chuyện tình tay ba nào – tức là không có những đức ông chồng nổi máu ghen – và chưa từng sử dụng ma túy, cũng chưa từng làm gì phạm pháp. Anh ta chuyển đến thành phố này cách đây hai năm.
Thực tế là anh ta không có mối liên hệ rõ ràng nào với loại tội phạm có tổ chức khiến Sachs lo lắng. Nó đẩy yếu tố tâm thần lên hàng đầu, nguy hiểm cho cộng đồng hơn một băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp nhiều.
Sachs trình bay quá trình xử lý cái xác. Thi thể sẽ được nhân viên khám nghiệm y tế chuyển cho thân nhân trong vòng hai mươi tư đến bốn mươi tám tiếng. Gương mặt Barbara trở nên sắt đá. “Tại sao hắn lại giết Teddy như thế? Lúc đó hắn nghĩ gì?”
Nhưng đấy là một câu hỏi mà Amelia Sachs không có câu trả lời.
Dõi theo người phụ nữ với sự giúp đỡ của Sellitto, đang chậm chạp bước trở về xe mình, Sachs chẳng thể nào rời mắt khỏi cô con gái, cô bé cũng đăm đăm nhìn lại Sachs. Ánh mắt khó mà chịu đựng nổi. Cô bé tới bấy giờ hẳn đã biết người đàn ông kia thực tế là bác cô và ông chết rồi, nhưng Sachs có thể thấy dường như là một chút hy vọng mong manh trên gương mặt trẻ thơ ấy.
Hy vọng để sắp sửa thất vọng.

*

Đói khát.
Vincent Reynolds nằm trên chiếc giường mốc meo trong căn nhà tạm thời của bọn gã, vốn là một nhà thờ, và cảm thấy cơn đói khát nơi tâm hồn, nó đang lặng lẽ bắt chước tiếng sôi réo của cái bụng phệ.
Ngôi nhà thờ Cơ Đốc giáo cũ kỹ này, tại một khu vực hoang vắng của Manhattan gần sông Hudson, chính là đại bản doanh cho các hoạt động giết người sẽ tiến hành. Gerald Duncan từ vùng khác đến, còn Vincent thì có căn hộ ở New Jersey. Vincent đã bảo rằng có thể ở chỗ gã nhưng Duncan nói không, bọn gã không đời nào lại làm thế. Bọn gã không nên giữ bất cứ liên hệ gì với chỗ ở thật của mình. Nghe như gã đang lên lớp vậy. Nhưng theo một cách chấp nhận được. Kiểu một người cha dạy dỗ đứa con trai.
“Một nhà thờ à?”, Vincent đã hỏi. “Tại sao?”
“Tại vì nó được rao bán mười bốn tháng rưỡi rồi. Không phải là tin mới rao. Và sẽ chả ai dẫn khách tới xem vào thời gian này trong năm.” Một cái nhìn nhanh sang Vincent. “Yên tâm. Nó chẳng còn là thánh đường nữa.”
“Thế hả?”, Vincent hỏi, trong thâm tâm nghĩ mình đã phạm đủ tội lỗi để đảm bảo được đưa thẳng xuống địa ngục rồi, nếu có một lối dẫn xuống đấy. Việc xâm nhập một nhà thờ, là thánh đường hay chẳng còn là thánh đường nữa, đối với gã dù sao cũng là sự xúc phạm nhẹ nhàng nhất.
Đại lý nhà đất khóa hết các cửa, tất nhiên, nhưng kỹ năng của một thợ đồng hồ về bản chất là kỹ năng của một thợ khóa (theo Duncan thì những người thợ đồng hồ đầu tiên chính là những người thợ khóa) và gã đàn ông này dễ dàng tháo khóa một cánh cửa hậu rồi tự thay vào đó chiếc khóa móc, thế là bọn gã có thể đi đi về về, không bị người đi trên phố hay người đi trên vỉa hè nhìn thấy. Gã cũng thay chiếc khóa ở cửa trước và bôi lên nó ít sáp để phòng trường hợp cả bọn đi vắng mà có ai vào sẽ biết ngay.
Nơi nay tối tăm, gió lùa thông thống và đầy mùi nước tẩy rửa rẻ tiền.
Phòng Duncan vốn là phòng ngủ của linh mục ở tầng hai, trong khu vực được dành riêng cho linh mục. Đối diện bên kia sảnh là phòng Vincent, nơi lúc này gã đang nằm – cái văn phòng cũ. Trong phòng có một cái võng, một cái bàn, bếp nấu, lò vi sóng và tủ lạnh (tất nhiên, Vincent Đói Khát chiếm căn bếp với các vật dụng như vậy). Nhà thờ vẫn còn điện phòng trường hợp những người môi giới cần bật đèn, và hơi nóng vẫn còn nên các ống nước không bị nổ, tuy bộ ổn nhiệt đặt ở mức rất thấp.
Khi lần đầu tiên đến xem xét nơi này, biết nỗi ám ảnh về thời gian của Duncan, Vincent nói: “Tệ quá, chẳng có cái tháp đồng hồ. Giống Big Ben ấy.”
“Đó là tên cái chuông, không phải tên cái đồng hồ.”
“Trên Tháp London à?”
“Trong cái tháp đồng hồ”, gã đàn ông lớn tuổi hơn sửa lại lần nữa. “Ở điện Westminster, nơi họp Quốc hội. Đặt theo tên ngài Benjain Hall. Vào cuối những năm 1850 nó là cái chuông lớn nhất nước Anh. Trong những cái đồng hồ thuở ban đầu, những cái chuông là thứ duy nhất cho người ta biết giờ. Lúc đó đồng hồ chưa có mặt hay kim chỉ giờ.”
“Ồ.”
“Từ clock (đồng hồ) xuất phát từ từ clocca trong tiếng Latin, có nghĩa là cái chuông.”
Gã đàn ông này biết mọi thứ.
Vincent thích điều đó. Gã thích rất nhiều điều ở Gerald Duncan. Gã cứ tự nhủ không biết hai kẻ lạc lõng với xã hội này có thể trở thành bạn bè thực sự hay không. Vincent không có nhiều bạn bè. Thi thoảng gã đi uống cùng với phụ tá luật sư và những nhân viên xử lý văn bản khác. Nhưng thậm chí Vincent Láu cũng có xu hướng không nói quá nhiều bởi vì gã e rằng sẽ lỡ lời nói điều gì không phải với một cô phục vụ hoặc một cô gái ngồi bàn gần bên. Cái đói khát khiến người ta thiếu thận trọng (hãy nhìn chuyện đã xảy ra với Sally Anne).
Vincent và Duncan đối lập nhau ở nhiều điểm nhưng bọn gã có một điểm chung: những bí mật đen tối trong trái tim. Và bất cứ ai chia sẻ những điều ấy đều biết nó bù đắp cho những khác biệt to lớn về phong cách sống và chính trị.
Ồ, phải. Vincent dứt khoát sẽ nỗ lực vì tình bạn của bọn gã.
Gã lúc này đang rửa bát đĩa và lại nghĩ đến Joanne, cô gái tóc nâu bọn gã chuẩn bị tới thăm hôm nay: cô gái bán hoa ở chợ, nạn nhân tiếp theo.
Vincent mở chiếc tủ lạnh nhỏ. Gã lấy ra một ổ bánh mì vòng cứng, cắt làm đôi bằng con dao săn của mình. Nó có cái lưỡi dài khoảng hai mươi phân và rất sắc. Gã phết kem pho mát trắng lên ổ bánh và ăn kèm hai lon Coke[16]. Mũi gã nhoi nhói vì lạnh. Gerald Duncan thận trọng khăng khăng đòi phải đi găng tay cả ở đây, thật là cái của nợ, nhưng hôm nay, vì trời lạnh quá thế này, Vincent chẳng buồn đi găng tay nữa.
Gã lại nằm xuống giường, hình dung xem thân thể Joanne trông ra sao.
Cuối ngày hôm nay…
Cảm thấy thèm khát, thèm khát đến chết đi được. Bụng Vincent đang cạn kiệt vì sự thèm khát. Nếu gã không sớm có thể “tâm tình” chút ít với Joanne gã sẽ hết tất cả hơi sức.
Gã lại uống một lon Dr Pepper, chén một túi khoai tây chiên. Rồi bánh quy xoắn.
Đói khổ đói sở…
Đói…
Tự Vincent Reynolds sẽ không thể đi đến cái ý kiến rằng mỗi ham muốn tấn công phụ nữ về tình dục là một cơn đói. Ý kiến ấy do bác sĩ đã trị liệu cho gã, Tiến sĩ Jenkins, đưa ra.
Khi gã bị giam vì vụ Sally Anne – lần duy nhất gã bị cảnh sát bắt giữ – ông bác sĩ đã bảo gã phải chấp nhận việc những nỗi thôi thúc gã cảm thấy đó sẽ không bao giờ ngưng.
“Anh không thể rũ bỏ chúng. Ở một khía cạnh nào đấy, chúng là một cơn đói… Chúng ta biết gì về cái đói? Nó rất tự nhiên thôi. Chúng ta không thể không cảm thấy đói. Anh có đồng ý như vậy không?”
“Thưa vâng.”
Ông bác sĩ nói thêm rằng mặc dù người ta không thể chặn cảm giác đói lại hoàn toàn, người ta có thể “thỏa mãn nó một cách đúng đắn. Anh hiểu ý tôi chứ? Với thức ăn, anh sẽ có một bữa ngon miệng khi tới giờ ăn, anh không thể nào lại chỉ suốt ngày ăn vặt được. Với con người, anh có một mối quan hệ lành mạnh, có cam kết, dẫn đến hôn nhân và cuộc sống gia đình”.
“Tôi hiểu ạ.”
“Tốt. Tôi cho là chúng ta đang có tiến bộ. Anh có đồng ý như thế không?”
Và gã thanh niên đã vô cùng tin tưởng vào thông điệp của ông bác sĩ, tuy nó được hiểu hơi khác so với ý của con người tốt bụng kia. Vincent đi đến lập luận là gã sẽ sử dụng sự so sánh về hai cái đói như một lời hướng dẫn hữu ích. Từ nay gã sẽ chỉ ăn, có nghĩa sẽ chỉ “tâm tình” chút ít với một cô gái, khi thấy thực sự cần thiết. Theo cách ấy, gã sẽ không trở nên liều lĩnh – và bất cẩn, cái cách gã làm đối với Sally Anne.
Thật thông minh.
Ông có đồng ý như thế không, Tiến sĩ Jenkins?
Vincent xơi hết chỗ bánh quy xoắn và soda, rồi viết một lá thư cho em gái. Vincent Láu vẽ vài cái hình biếm họa ở lề giấy. Những cái hình mà gã nghĩ em gái chắc sẽ thích. Vincent không phải một họa sĩ tồi.
Có tiếng gõ cửa.
“Vào đi.”
Gerald Duncan đẩy cửa bước vào. Hai gã chào nhau. Vincent liếc nhìn sang phòng Duncan, nó ngăn nắp đến hoàn hảo. Mọi vật dụng trên bàn đều được sắp xếp đối xứng. Quần áo được là phẳng và treo trong tủ cái nọ cách cái kia chính xác năm phân. Đây có thể là trở ngại cho tình bạn giữa bọn gã. Vincent thì lười biếng, nhếch nhác.
“Anh ăn cái gì nhé?”, Vincent hỏi.
“Không, cảm ơn.”
Đó là lý do tại sao Thợ Đồng Hồ gầy nhẳng. Gã hãn hữu mới ăn, gã chẳng bao giờ đói. Đây có thể là một trở ngại nữa. Nhưng Vincent đã quyết định phớt lờ khuyết điểm này. Suy cho cùng, em gái Vincent cũng chẳng bao giờ ăn nhiều và gã vẫn yêu em.
Kẻ sát nhân tự pha cà phê. Trong lúc đun nước, gã lấy lọ cà phê ra khỏi tủ lạnh và đong chính xác hai thìa. Những hạt cà phê kêu lách tách khi gã đổ chúng vào cối xay tay và quay cối mười hai vòng cho tới khi không còn âm thanh ấy nữa. Gã thận trọng đổ bột cà phê vào cái lọc bằng giấy hình chóp đặt bên trong một cái phễu nhỏ giọt. Gã vỗ vỗ để chắc chắn là bột cà phê được dàn đều. Vincent cực kỳ thích quan sát Gerald Duncan pha cà phê.
Cẩn thận, tỉ mỉ…
Duncan nhìn chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng của mình. Gã xoay cái ví nén rất cẩn thận. Gã uống hết chỗ cà phê – uống nhanh như uống thuốc vậy – rồi nhìn Vincent. “Con bé bán hoa của chúng ta”, gã nói. “Joanne ấy. Mày sẽ đi kiểm tra con bé nhé?”
Một cái gì nện đánh thịch trong bụng Vincent. Tạm biệt, Vincent Láu.
“Tất nhiên rồi.”
“Tao sẽ đến con hẻm ở phố Cedar. Cảnh sát lúc này đã có mặt tại đó. Tao muốn xem chúng ta sắp sửa phải đương đầu với ai.”
Ai…
Duncan mặc áo khoác và đeo túi lên vai. “Mày sẵn sàng rồi chứ?”
Vincent vừa gật đầu vừa mặc chiếc áo khoác da có mũ trùm màu kem, đội mũ và đeo kính râm.
Duncan đang nói: “Hãy cho tao biết người ta sẽ đến xưởng hoa lấy đơn đặt hàng hay con bé sẽ làm việc một mình.”
Thợ Đồng Hồ biết rằng Joanne thường xuyên ở xưởng hoa, cách cửa hiệu bán lẻ của cô mấy khối phố. Xưởng yên tĩnh và tối. Hình dung ra cô gái, mái tóc quăn màu nâu, khuôn mặt dài nhưng xinh xắn. Vincent Đói Khát không thể gạt cô ra khỏi tâm trí.
Bọn gã xuống gác và đứng trong con hẻm đằng sau nhà thờ.
Duncan móc khóa. Gã nói: “Ồ, tao có chuyện này. Mục tiêu cho ngày mai ấy hả? Con bé cũng là một phụ nữ. Sẽ là hai phụ nữ liên tiếp. Tao không biết bao lâu thì mày lại thích… mày gọi việc đó như thế nào nhỉ? Một chút tâm tình?”
“Phải.”
“Tại sao mày gọi như thế”, Duncan hỏi.
Kẻ giết người này, Vincent nhận ra, có một trí tò mò không biết mệt mỏi.
Những từ ấy cũng là của Tiến sĩ Jenkins, ông bác sĩ thân thiết ở trung tâm giam giữ, người đã bảo gã có thể đến văn phòng mình bất cứ khi nào gã muốn để nói về những cảm xúc trong lòng. Chính họ từng có một cuộc tâm tình tốt đẹp.
Vì sao đó mà Vincent thích những từ ấy. Nghe cũng hay hơn từ “cưỡng hiếp” nhiều.
“Tôi không biết. Chỉ là tôi gọi như thế thôi.” Vincent nói thêm rằng đối với gã hai phụ nữ liên tiếp chẳng thành vấn đề gì cả.
Đôi khi ăn vào làm người ta thậm chí càng đói hơn, Tiến sĩ Jenkins ạ.
Ông có đồng ý như thế không?
Trong lúc thận trọng bước qua những mảng băng đóng trên vỉa hè, Vincent hỏi: “Ờ, anh sẽ làm gì với Joanne?”
Khi giết người, Duncan có một nguyên tắc. Cái chết không thể diễn ra nhanh chóng được. Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực ra khá khó khăn, gã giải thích bằng giọng rõ ràng, không xúc động. Duncan có một cuốn sách mang tựa đềNhững kỹ thuật thẩm vấn cao nhất[17]. Nó viết về các cách làm cho tù nhân khiếp sợ mà cung khai, đó là các biện pháp tra tấn cuối cùng sẽ kết liễu họ nếu họ không thú nhận: nén vật nặng xuống họng, cứa cổ tay để máu chảy dần dần và hàng chục cách khác.
Duncan trình bày: “Trong trường hợp con bé này, tao không muốn lâu quá. Tao sẽ bịt mồm và trói tay nó ra đằng sau. Rồi cho nó nằm sấp xuống, quấn một sợi dây thừng xung quanh cổ và mắt cá chân nó.”
“Đầu gối cô ta sẽ phải gập lại?” Vincent có thể hình dung cảnh tượng ấy.
“Đúng. Nó được mô tả trong cuốn sách. Mày đã xem hình minh họa chưa?”
Vincent lắc đầu.
“Con bé sẽ không thể giữ chân gập lại như thế lâu. Khi chúng bắt đầu duỗi ra, chúng thít sợi dây thừng quấn xung quanh cổ và con bé tự thắt cổ mình. Tao nghĩ mất chừng tám đến mười phút.” Duncan mỉm cười. “Tao sẽ bấm giờ. Như mày gợi ý. Khi việc đã xong xuôi, tao sẽ gọi mày và con bé sẽ là của mày tất.”
Một cuộc tâm tình tốt đẹp xa xưa…
Bước ra khỏi con hẻm, một cơn gió mạnh lạnh cóng quất vào bọn gã. Chiếc áo khoác da có mũ trùm của Vincent không kéo khóa bị thổi phanh.
Gã dừng lại, sợ hãi. Trên vỉa hè, cách chỉ độ một mét, là một chàng trai trẻ. Cậu ta có bộ râu quai nón thưa thớt và mặc chiếc áo khoác ngắn đã sờn. Một cái ba lô đeo lủng lẳng ở vai. Một sinh viên, Vincent nghĩ. Cúi đầu, cậu ta vẫn không ngừng rảo bước.
Duncan liếc nhìn kẻ đồng lõa. “Sao thế?”
Vincent hất đầu về bên thân mình, phía có con dao săn bỏ trong bao đang giắt cạp quần. “Tôi nghĩ cậu ta trông thấy nó. Tôi… tôi xin lỗi. Đáng lẽ tôi đã phải kéo áo khoác lên, nhưng…”
Đôi môi Duncan mím chặt.
Đừng, đừng… Vincent hy vọng mình không làm Duncan bực bội.
“Tôi sẽ đi giải quyết cậu ta, nếu anh muốn. Tôi sẽ…”
Kẻ sát nhân nhìn về phía cậu sinh viên đang rảo bước xa khỏi bọn gã.
Gã quay sang Vincent. “Mày đã giết người bao giờ chưa?”
Vincent không chịu đựng được ánh mắt màu xanh lơ sắc lạnh. “Chưa.”
“Chờ đây.” Gerald Duncan xem xét con phố vắng tanh vắng ngắt, không có ai ngoài cậu sinh viên kia. Gã lấy ra khỏi túi áo khoác cái cắt hộp mà gã đã sử dụng để cứa cổ tay người đàn ông trên cầu tàu đêm hôm qua. Duncan rảo bước theo sau cậu sinh viên. Vincent quan sát cho tới lúc gã chỉ còn cách cậu sinh viên độ một mét. Họ rẽ ở góc phố, sang phía Đông.
Việc này thật khủng khiếp… Vincent đã không thận trọng. Gã đã đưa tất cả vào chỗ nguy hiểm: cơ hội cho tình bạn với Duncan, cơ hội cho những cuộc “tâm tình”. Tất cả vì gã đã bất cẩn. Gã muốn thét lên, gã muốn khóc.
Vincent thò tay vào túi áo khoác, tìm thấy một thanh KitKat, ăn ngấu nghiến, nuốt cả một ít giấy gói cùng với kẹo.
Duncan quay lại sau năm phút căng thẳng nặng nề, cầm một tờ báo nhăn nhúm.
“Tôi xin lỗi”, Vincent nói.
“Không sao. Ổn rồi.” Giọng Duncan nhẹ nhàng. Bên trong tờ báo là cái cắt hộp nhuốm máu. Gã dùng tờ báo lau lưỡi dao và bấm cho lưỡi dao thụt vào. Gã ném tờ báo dính máu và đôi găng tay đi. Gã xỏ đôi găng tay mới. Gã khăng khăng rằng bọn gã lúc nào cũng phải mang theo hai hay ba đôi găng.
Duncan nói: “Cái xác nằm trong một thùng Dumpster[18]. Tao đã lấy rác phủ lên nó. Nếu chúng ta may mắn, nó sẽ được đổ vào bãi chôn rác hoặc đổ ra biển trước khi ai đó chú ý đến chỗ máu chảy.”
“Anh không sao chứ?” Vincent cho rằng có một vết đỏ trên má Duncan.
Gã đàn ông nhún vai. “Tao đã bất cẩn. Hắn chống trả. Tao phải rạch mắt hắn. Hãy nhớ điều ấy. Nếu ai đó kháng cự, phải rạch mắt nó. Như thế sẽ khiến nó ngừng kháng cự ngay tức khắc và mày có thể kiềm chế nó theo bất cứ cách nào mày muốn.”
Rạch mắt…
Vincent chậm chạp gật đầu.
Duncan hỏi: “Mày sẽ cẩn thận hơn chứ?”.
“Ồ, vâng. Xin hứa. Thật đấy.”
“Bây giờ hãy đi kiểm tra con bé bán hoa và gặp tao ở bảo tàng lúc bốn giờ mười lăm phút.”
“Được, chắc chắn rồi.”
Duncan quay ánh mắt màu xanh lơ nhạt sang Vincent. Gã nở nụ cười hiếm hoi. “Đừng bối rối. Đã có một vấn đề. Và nó đã được giải quyết. Cứ cái đà tốt đẹp này, chuyện đó chả nhằm nhò gì.”
Ghi chú
[15] Tyvek: Một dòng sản phẩm của công ty DuPont (nhà máy sản xuất đặt tại bang Virginia, Mỹ, vàLuxembourg), bao gồm bộ đồ bảo hộ áo liền quần kèm mũ và bao chân, thường là màu trắng.
[16] Coke: Một cách gọi thông thường cho nước ngọt Coca-Cola.
[17] Extreme Interrogation Techniques.
[18] Dumpster: Một loại thùng chứa rác lớn của Mỹ.