CHƯƠNG 18
Tình đất tình người

     ôm nay là ngày giỗ ông Hoàng Kỳ Bắc, Yến Quyên bước trên con đường mòn ra cánh Mả Rốt thắp hương viếng mộ bố mẹ chồng. Con đường mòn in dấu chân người làng Đoài từ bao đời. Hai mươi năm về làm dâu gia tộc Hoàng Kỳ, Yến Quyên đã bao lần đi trên con đường này- Con đường hằn in trong tâm trí Yến Quyên bao tủi hờn chồng chất cao mãi lên theo năm tháng. Bắt đầu từ cái chết tức tưởi của ông bà Hoàng Kỳ Bắc, sau đến những tháng ngày trông ngóng chồng con đi vào nơi bom đạn chẳng biết sống chết ngày nào.Và giờ đây cái tin Hoàng Kỳ Trung bị địch bắt, Hoàng Kỳ Nam phải vào trại tăng gia sản xuất mãi trong rừng xanh núi đỏ làm Yến Quyên không chịu đựng nổi. Bản thân Yến Quyên giờ lại bị gạt ra khỏi ban chủ nhiệm chỉ vì tính trung thực của mình dám đấu tranh chống lại lối làm ăn sai trái của một số cán bộ trong bam chủ nhiệm. Bao năm lăn lộn với đồng đất làng Đoài, Yến Quyên những mong góp sức mình vào công cuộc đổi mới, lấy lại gia thế cho nhà chồng, chứng minh cho mọi người biết muồn có được bát cơm, người nông dân phải biết yêu đồng đất quê nhà như đời ông bà Hoàng Kỳ Bắc xưa vẫn làm. Hoàng Kỳ Bắc đã bao lần nói với Yến Quyên “Lòng người u mê tăm tối thì đất đai cũng khô cằn.” Phải thấm máu mồ hôi mới thấu hiểu sự tinh tuý của trời đất. Đất tạo nên vị ngọt của mía đường, đất tạo nên hương thơm cơm gạo. Và đất cũng tạo nên cả vị đắng cay của gừng của ớt. Chưa bao giờ Yến Quyên thấy thấm lời răn dậy của ông bà Hoàng Kỳ Bắc như lúc này. Lòng Yến Quyên xót xa, nhìn những tia nắng nóng đang rừng rực thiêu đốt cánh đồng làng Đoài. Hạn hán kéo dài mãi, dòng sông Đình  cạn kiệt. Đồng đất cằn khô nứt nẻ loang lổ màu vàng chua mặn. Những cây lúa héo rụi, báo hiệu lại một vụ mất mùa đói kém. Cây ruối già đầu cánh Mả Rốt thân gốc sần sì trơ ra những cành khô trụi lủi. Bọn chuột đồng  ngày đêm thậm thụt đào khoét quanh gốc ruối những hang hốc như những chiến hào nhằng nhịt. Một vài con quạ lượn lờ sà xuống cây ruối già rống lên những âm thanh nghe rờn rợn. Mắt Yến Quyên nhoà đi, người nóng hầm hập. Giữa đồng đất làng Đoài không bóng người, Yến Quyên nghe trong gió như có tiếng bước chân rập rịch dưới lòng đất tiếng các quan âm binh đi tuần trưa. Tiếng súng trường đội dân quân của Đào Kinh xử bắn Hoàng Kỳ Bắc năm nào váng vất bên tai Yến Quyên. Yến Quyên nhào vào gốc ruối nằm vật ra vạt cỏ nóng rẫy. Toàn thân Yến Quyên như đang bốc cháy, mắt hoa lên nhìn thấy từng đàn chuột đói từ trong hang hốc lũ lượt bò ra tranh ăn với bầy quạ trên cây ruối. Yến Quyên kinh hoàng nghĩ bọn quỷ dữ sẽ lao vào cắn xé thân thể Yến quyên ra từng mảnh. Nghe trong mơ hồ có tiếng người lao xao bên tai, Yến Quyên tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường ở trạm xá xã. Bóng Tuyết nhẹ nhàng bê bát cháo đến bên Yến Quyên.
- Mẹ bị cảm nặng rồi! May mà bác Cảo chăn vịt đưa mẹ về. Mẹ dậy ăn bát cháo cho nóng rồi uống thuốc.
Yến Quyên cảm động, cố ngồi dậy ăn hết bát cháo. Người làng Đoài bảo Yến quyên bị ngất xỉu bên gốc ruối ngoài cánh đồng làng Đoài vào giữa giờ Ngọ gặp quan âm binh đi tuần bắt.
Từ ngày Yến Quyên thôi chức chủ nhiệm, Tuyết được bầu vào ban quản trị. Trước sau gì nó cũng là dâu con nhà mình. Yến Quyên  đã nghe cô Cam bóng gió “mẹ chồng với con dâu tương lai sao giống nhau thế! Đàn bà con gái có chút nhan sắc lên nhanh như diều gặp gió” Chờ Yến Quyên ăn xong, Tuyết mang bát đi rửa rồi vào rót nước lấy thuốc cho Yến Quyên uống.
 - Con phải đi họp trên xã, mẹ nằm đây nghỉ cho khoẻ, chiều tối con về đón mẹ. Mẹ đã biết tin chú Đào Kinh nhà cô Cam bỏ nhà đi giờ về trông oách lắm! Chú Kinh mua được bao nhiêu thứ. Tuyết nói rồi vội vã đạp xe đi.
Yến Quyên một mình từ trạm xá dò dẫm về tới ngõ đã nghe tiếng Đào Kinh cười hơ hớ! Mấy đứa con gái nhà bà Cháo và cả cô Lùn đang đứng ngoài cửa hóng hóng hớt nghe chuyện Đào Kinh. 
- Xin chào đồng chí chủ nhiệm. Mời đồng chí vào uống nước cái đã! Vừa nhìn thấy Yến Quyên, Kinh chạy ra sân vồn vã chào mời.
- Tôi bây giờ không còn là chủ nhiệm nữa rồi, Yến Quyên nói, vừa phải đi trạm xá về đang còn ốm đây.
- Mời cô Yến Quyên cứ vào nhà uống nước đã, Kinh nhiệt tình dắt Yến quyên bước lên thềm nhà.
Đào Kinh được dịp thể hiện sự phong lưu của mình trước mặt Yến Quyên và mọi người. Chính Yến Quyên cũng không ngờ Đào Kinh thay đổi nhanh đến thế, áo sơ mi trắng, quần âu mầu hạt dẻ là ly thẳng tắp. Kinh đi giầy mõm ngoé đen bóng, tay đeo chiếc đồng hồ Ra Đô, mắt mang kính Cơn gọng vàng, bút máy kim tinh sáng bóng cài trước ngực trông như một đại gia giàu có. Trên bàn chất đầy thuốc lá Tàu, bánh kẹo đủ loại, ai muốn ăn muốn hút bao nhiêu tuỳ thích. Ông Khi vừa nhai kẹo vừa ngậm thuốc lá phì phèo nói:
- Chú Kinh cứ như người đi tân thế giới về! Cả làng này đã ai được sang Trung Quốc làm ăn như chú Kinh. Đến như Hoàng Kỳ Trung nhà Yến Quyên mang tiếng đi Trung Quốc bao năm đã sắm được gì.
- Các người nói mà không biết nghĩ. Cô Lùn đốp chát, anh Hoàng Kỳ Trung đi theo con đường binh nghiệp chứ có đi buôn đâu mà có tiền.
- Cô Lùn này rõ lạc hậu, Đào Kinh nói, đi buôn là xấu sao? Phi thương bất phú, các cụ ta xa xưa đã nói thế. Phải đi ra khỏi đất làng này mới mở mày mở mặt ra được. Tôi về lần này ai muốn đi làm ăn, tôi sẽ đưa đi lo công việc chu đáo.
 Cái Muôi, cái Thìa nhà bà Cháo há hốc mồm nghe Đào Kinh nói. Xem ra chuyến này chúng nó quyết theo Kinh ra biên giới làm ăn. 
- Giữ chúng ở nhà thì ế chồng suốt đời. Làng này còn thằng đàn ông nào ra hồn đâu. Bà Cháo đồng tình với Kinh.
Cô Cam từ  khi chồng về cứ lăng xăng, hết xuống bếp lại ra vào nước non chào mời khách. Cả đời cô chưa bao giờ được đeo chiếc đồng hồ trên tay. Chiếc đồng hồ Kinh cho, dây vàng choé, ba cái kim cũng mầu vàng, thỉnh thoảng cô Cam lại đưa tay lên xem giờ. Cô tự hào trước ánh mắt thèm thuồng của cái Muôi cái Muỗng cái Thìa nhà bà Cháo. Yến Quyên đứng dậy ra về. Kinh đưa tặng Yến Quyên chiếc túi xách tay nhỏ màu đen trông rõ xinh. Yến Quyên từ chối không nhận.
- Chút quà nhỏ đáng gì, cô đừng ngại, Kinh nói, còn cái này tôi gửi cho Trần Tăng nhờ cô chuyển giúp. Kinh lấy trong túi du lịch ra một khẩu súng lục màu trắng bạc, bấm cò tách một cái, nòng súng phụt ra ngọn lửa xanh lét.
- Đây là bật lửa chứ không phải súng đâu. Kinh cười hô hố, tôi lại thèm đấu súng với Trần Tăng á?
- Trần Tăng bây giờ thăng chức lên tỉnh rồi, Yến Quyên từ chối khéo.
- Cô đưa cho con Tuyết nhờ nó chuyển giúp tôi. Kinh khẽ nheo mày nhíu mắt, tôi vừa nghe nói con Tuyết sắp đi học lớp cán bộ gì đó ở trên tỉnh. Cô Quyên rõ khéo chọn được con dâu tương lai giỏi giang nhất nhì làng Đoài ta đấy. Thằng Đào Vương nhà tôi bao giờ mới lại được như anh Hoàng Kỳ Nam nhà cô.
Yến quyên đành phải nhận món quà từ tay Đào Kinh nhờ gửi cho Trần Tăng.
Về đến nhà, Yến Quyên đã thấy mẹ đẻ từ làng Đông sang.
- Mẹ mang cho con mấy quả cam. Giọng mẹ xót xa, uống thuốc kháng sinh phải ăn cam cho mát con ạ! Mẹ đã bảo con chẳng chịu nghe. Làm thân đàn bà phận mỏng cánh chuồn, đương đầu với gió bão thì chết con ạ. Thôi! Bây giờ không phải lo việc làng việc nước nữa, yên phận làm ăn, giữ gìn sức khoẻ.
- Mẹ! Con chỉ cảm qua loa thôi mà.
 Hai mẹ con đang chuyện thì Tuyết đến. Tuyết chào bà và mẹ, cứ như thể cô đã về làm dâu nhà này từ lâu lắm.
- Thưa bà và mẹ, hôm nay con xin thưa với bà và mẹ, con đã có quyết định đi học lớp chính trị trên tỉnh, bà và mẹ cho phép con đi.
Yến Quyên sững người! Hoá ra mọi chuyện cô Cam nói bóng gió là đúng.
- Thằng Nam còn đi xa! Công việc của con do con quyết định, bà và mẹ chỉ mong con tiến bộ. Yến Quyên dịu dàng nói.
Có bà ngoại sang, Tuyết vui vẻ đon đả đi vo gạo nấu cơm. Yến Quyên ngồi nhìn Tuyết lo lắng, không biết thằng Nam về rồi sẽ ra sao khi con Tuyết lên tỉnh học. Thân gái một mình sống giữa phố phường biết đâu mà lường! Thằng Nam còn biền biệt phương trời nào. Lúc ăn cơm, Yến Quyên đưa cho Tuyết chiếc bật lửa súng.
-  Chú Kinh tặng Trần Tăng cái này nhờ con đưa hộ.
 Tuyết cười rõ tươi, cầm khẩu súng bật xoè một cái, ngọn lửa xanh lét lại phụt ra.
- Ôi tài thế! Tuyết thốt lên thích thú.

 ***

 Yến Quyên ốm nằm nhà mấy hôm đã có biết bao chuyện đổi thay. Làng Đoài nhốn nháo chuyện Đào Kinh về đưa cả ba cô con gái nhà bà Cháo, với con Đậu nhà bà Chè, cái Na nhà chú Thoan ra biên giới làm ăn. Cô Cam hồi này lại được dịp vênh vang, đi đâu cũng xắn tay áo rõ cao khoe chiếc đồng hồ vàng choé đeo trên cổ tay. Chẳng hút thuốc lào, nhưng trong túi cô Cam luôn có chiếc bật lửa ga hình cô gái, thỉnh thoảng cô Cam lại bỏ ra xoè một cái thích thú cười nhìn ngọn lửa phụt ra xanh lét. Dạo này cô Cam thường mở đài rõ to nghe ca nhạc. Tối thứ bảy nào cô cũng đặt chiếc đài giữa sân nghe chương trình sân khấu truyền thanh. Cô Cam cố thể hiện cho Yến Quyên, cho dân làng Đoài biết đời cô bây giờ sung sướng hơn khối kẻ khác.
Mấy ngày nay Yến Quyên nóng lòng nghe tin chiến thắng liên tiếp từ chiếc đài cô Cam mở oang oang giữa sân. Bản tin thời sự quân và dân ta đã giải phóng Buôn Mê Thuột, thành phố Huế và các tỉnh Nam Trung bộ. Yến Quyên hiểu cô Cam cũng đang ước ao mong ngày chiến thắng, thằng Vương mà về thì gia đình cô Cam cứ gọi là oai nhất làng này. Thằng Vương lơ ngơ vậy mà khá! Tiến được lên chức đại đội trưởng mà thằng Hoàng Kỳ Nam vẫn lẹt đẹt lính quèn.
Trưa nay cô Cam vừa đi làm đồng về, quăng cái nón xuống thềm, vào nhà mở đài nghe thời sự. Bất chợt cô Cam reo toáng lên:
- Bớ làng nước ơi, Giải phóng Sài Gòn rồi! Quân ta chiến thắng rồi...
Yến Quyên đang dọn cơm nghe tiếng cô Cam reo, chạy ra nhìn cô Cam ngỡ ngàng như không tin vào tai mình. Ngày thường Yến Quyên chỉ lặng lẽ nghe tin tức mà không biểu hiện vui buồn gì trước mắt cô Cam, nhưng cái tin giải phóng miền Nam đến quá bất ngờ làm Yến Quyên quá sung sướng chạy sang ngồi ôm lấy chiếc đài cô Cam để trên chiếc ghế đặt giữa sân. Cô Cam bỏ nhà, xông sang hàng xóm đưa tin chiến thắng.
- Bà con ơi giải phóng Sài Gòn rồi. Tiếng cô Cam vang lên trong lối ngõ. Loáng cái, nhà cô Cam đã chật cứng người vây quanh cái đài nghe tin chiến thắng. Cô Cam sung sướng bóc ra hai gói chuối khô Đào Kinh mang về chiêu đãi cả làng ăn mừng chiến thắng.
- Nay mai thằng Vương nhà tôi về, tôi đãi bà con làng mình bữa cơm rượu đàng hoàng. Cô Cam cười sung sướng.