CHƯƠNG 24
Vườn xưa

     hận được quyết định ra quân để vào học trường viết văn Nguyễn Du, Hoàng Kỳ Nam leo lên chiếc xe khách chạy từ huyện lỵ miền núi về thành phố. Trước khi về Bắc, bằng mọi giá Nam phải nghé qua dinh thự Đức Cường thăm Thương Huyền. Con đường đất đỏ gập ghềnh làm chiếc xe nghiên ngả. Hành khách đứng ngồi chật các hàng ghế và lối đi trên xe, thỉnh thoảng lái xe phanh gấp làm hành khách dúi dụi vào nhau la lối om xòm. Suốt dọc đường xe liên tục dừng cho khách lên xuống khuân vác chồng chất đủ thứ hoa trái mít, dứa, chuối, chè xanh, mè, đậu phụng. Khi chiếc xe chạy tới chợ Gốc Mít thì dừng lại trước cửa hàng Bảy Hường đón khách. Nam nhảy xuống xe chaỵ vào cửa hàng Bảy Hường xem lại cái nơi Nam đã có bao kỷ niệm ngày tháng gian khổ. Cửa hàng Bảy Hường trước kia là nơi tập kết hàng hoá cuả Đơn vị Nam và đơn vị của chị Thu Cúc bây giờ đã trương lên tấm biển cửa hàng thương nghiệp huyện. Hỏi ra Nam mới biết, nhà thương gia Đức Cường đã hiến cửa hàng này cho huyện ngay từ ngày mới giải phóng. Nhân viên bán hàng chẳng còn biết ông Đức Cường là ai. Ngồi trên xe, Nam nhận ra khách toàn là những người buôn chuyến và vài ba người đi thăm người thân là lính nguỵ phải đi học tập cải tạo trên núi về. Duy nhất chỉ có mỗi mình Nam là bộ đội miền Bắc. Suốt cuộc đời làm lính, Nam đã gắn bó với miền đất này với bao kỷ niệm. Cuộc đời Nam bắt đầu từ hôm nay bước sang một trang mới, Nam không khỏi xúc động nghĩ tới Thương Huyền và con Ngọc Lan. Kể từ bữa cơm mừng chiến thắng tại dinh thự Đức Cường, Nam chưa gặp lại hai má con Thương Huyền. Mấy năm nay, mỗi lần nghĩ tới thân phận hai má con Thương Huyền, Nam lại thấy lòng không yên. Số phận Thương Huyền đã bị Đào Vương đưa đẩy vào con đường khốn cùng. Và tình cảnh Đào Vương bây gìơ còn bi đát hơn cả hai mẹ con Thương Huyền. Nhiều lúc Nam phải thừa nhận Nam yêu Thương Huyền, thương con Ngọc Lan như con đẻ, cho dù Nam đã cưới Tuyết. Số phận Nam gắn bó với gia đình nhà thương gia Đức Cường không ngờ lại chính là những sáng tác trong những ngày Nam cô đơn nằm trên trại tăng gia trên rừng. Nam đã viết một truyện ngắn có tên “Đêm chiến tranh” và một bài ký có tên“ Tấm lòng nhà thương gia Đức Cường” đăng trên báo văn ghệ giải phóng được dư luận khen ngợi. Ông Đức cường và chị Thu Cúc mấy lần nhắn Nam về chơi nhưng Nam không sao dứt ra để về được. Có lẽ tên tuổi Nam được bạn đọc biết đến và được đi học trường viết văn cũng xuất phát từ truyện ngắn và bài ký này. Mải mê về những kỷ niệm, xe đã về tới thành phố. Nam xốc lại chiếc ba lô bước xuống xe thấy người chếnh choáng, phải đứng lặng một lúc đầu óc mới tỉnh.  Từ trên rừng xuống, Nam ngơ ngác trước cảnh người đi lại nhốn nháo trong bến xe. Mấy tay xe ôm quây quanh Nam níu kéo mời lên xe nhưng Nam quyết định đi bộ về dinh thự Đức Cường. Nam vừa bước ra khỏi bến xe nghe có tiếng gọi tên mình, Nam quay lại nhận ra anh Đức Thịnh đang ngồi bán báo trên chiếc xe ba bánh.
- Cậu ngồi lên đây tôi đưa cậu về! Anh Thịnh vừa nói, tay thu những tập báo vào chiếc thùng dưới chân. Nam cảm động bước lên xe ngồi bên cạnh anh Thịnh. Tuy anh Thịnh bị cụt chân nhưng anh lái chiếc xe ba bánh thật thuần thục. Chiếc xe rùng rình chạy trên đường phố.
- Thương Huyền nó đang trông cậu về.
- Ông bà Đức Cường có khỏe không anh?
- Ba má tui chết rồi.
Nam lặng người. Chiếc xe ba bánh rồ lên chạy như điên. gío rin rít bên tai. Dinh thự Đức Cường im lìm hiện ra trước mắt Nam. Vòm cây năm xưa vẫn ngăn ngắt xanh. Nghe tiếng xe, má chị Thu Cúc chạy ra mở cổng. Bà nhận ra Nam ngồi trên xe, gương mặt bà thoáng buồn. Nam nhảy xuống xe chay tới ôm lấy má chị Thu Cúc. Anh Đức Thịnh lái chiếc xe chạy vòng ra sau nhà, con chó nhảy chồm chồm chạy theo xe anh Thịnh. Nam buông tay khỏi má chị Thu Cúc, bà chạy ra khép hai cánh cổng. Tiếng cổng sắt rít lên, Nam nghe gai gai người.
- Cậu vào thắp cho ông bà Đức Cường nén nhang. Lúc còn sống ông bà ấy cứ mong cậu hoài.
Bước tới trước ban thờ thắp hương, nhìn hai tấm ảnh ông bà Đức Cường, hai gương mặt sáng ngời phúc hậu trên ban thờ, Nam xúc động không sao cầm lòng. Bằng trực giác Nam cảm thấy cái chết của ông bà Đức Cường có gì đó không bình thường.
- Ông bà Đức Cường mất vì bệnh gì hả bà?
- Bệnh người già, tôi biết sao được.
- Chị Thu Cúc hồi này có khỏe không ạ?
- Khỏe, đã lấy chồng rồi, cả hai vợ chồng bận công tác tối ngày. Mẹ chị Thu Cúc nói, mặt u buồn nhìn ra khoảng sân. Anh Đức thịnh tập tễnh chống nạng đứng chờ Nam ở cửa phòng. Nam xin phép má chị Thu Cúc sang phòng anh Đức Thịnh. Anh Đức Thịnh lò cò nhảy loanh quanh trong nhà lấy tách chén, lục tìm trong tủ lấy lọ chè và gói bánh quy xốp đặt lên bàn.
- Tôi đi suốt ngày, con Ngọc Lan đi học nên chẳng có nước sôi. Anh Thịnh thanh minh. Cậu về thật đúng lúc, Thương Huyền nó đang mong cậu. Từ ngày ba má tôi mất, tinh thần Thương Huyền bị sa sút, không còn tin vào bất kì điều gì. Cô ấy không muốn tiếp xúc với ai.
- Sao anh Thịnh không lấy vợ? Sống độc thân mãi thế này buồn lắm.
- Hoàn cảnh tôi thế này, vợ con chi được. Anh Thịnh buồn rầu nói, gương mặt u uất hằn lên những nếp nhăn ở hai đuôi mắt trông khắc khổ. Gia đình tôi thế là mất hết cả rồi anh ạ.
- Ông bà Đức Cường mất rồi, anh là trưởng nam sao anh không dọn lên nhà trên ở trông nom hương khói cho cha mẹ?
- Tôi tàn tật thế này cần chi nhà cửa. Tôi ở dưới này tiện hơn. Với lại nhà trên ba má tôi đã cho hai má con chị Thu Cúc. Khách của chị Thu Cúc trên quận, trên thành phố đi về liên tục, tôi ở đấy làm sao được. Tôi là thằng lính Nguỵ ở trên ấy chướng lắm.
Nam nắm chặt bàn tay anh Thịnh. Anh luôn tự dày vò mặc cảm về thân phận mình. Nam đang muốn biết rõ về nguyên nhân cái chết của ông bà Đức Cường.
- Đằng nào thì ba má tôi đã mất rồi, anh Thịnh nói, điều làm tôi lo lắng nhất bây giờ là Thương Huyền. Nó cứ ru rú trong nhà mãi sẽ mắc lại căn bệnh trầm cảm như trước thì khổ. Lát nữa cậu gặp nó, cậu lựa lời nói cho nó hiểu. Tôi biết nó chỉ nghe lời cậu. Hồi cậu viết cái truyện ngắn trên báo, tôi thấy nó nhắc tới cậu hoài. Con Ngọc Lan thì luôn miệng bảo mẹ nó đi tìm ba Nam về cho nó. Tôi cứ ngỡ hai mẹ con nó lên vùng kinh tế mới thế nào cũng gặp được cậu.
- Hai mẹ con Thương Huyền không ăn chung cùng anh Thịnh sao?
- Không, tôi ngồi bán báo suốt ngày ngoài bến xe, đến bữa ăn cơm quán cho tiện. Còn cậu Vương hồi này ra sao rồi, hai cậu có còn ở với nhau không?
- Cậu ấy bị thương trên mặt trận Tây Nam rồi.
- Ôi, vậy sao, cậu ấy là người tốt. Buồn thật, hồi mới biết hai cậu, tôi không nghĩ cậu Nam lại là nhà báo, nhà văn.
- Tôi mới chỉ là người viết nghiệp dư thôi, bây giờ mới về đi học làm nghề văn chuyên nghiệp.
- Hồi bài báo cậu viết về ba má tôi, cán bộ từ phường cho đến thành phố rồi bạn bè chị Thu cúc đến thăm chúc mừng ba má tôi. Họ ca ngợi vận động ba má tôi cống hiến hết thảy tài sản của gia đình tôi cho nhà nước. Cậu không thể tưởng tượng nổi ngày ấy ba má tôi vui như thế nào đâu. Suốt ngày phóng viên báo đài phỏng vấn ba má tôi. Chính tôi cũng tự hào thấy ba má mình được mọi người trọng vọng, được đi dự hết cuộc họp này đến hội nghị kia. Tôi không ngờ cái ngày hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi. Và bây giờ thì cậu thấy đấy.
- Có lẽ chính vì bài báo hay ho của tôi đã làm hại cả cái gia đình này.
- Cậu đừng tự trách mình thế. Cái chính là ba má tôi bị sốc khi cuối đời trắng tay, cả hai đứa con đều phải khổ. Tôi thì tàn phế thân xác, què quặt về tinh thần, phải đi bán báo rong. Còn Thương Huyền phải lên rừng rú khai hoang thì ba má tôi làm sao chịu nổi. Bao nhiêu tài sản to lớn là hai cái nhà máy ông hiến cho nhà nước thì lại bị phá sản...
Nam bước ra khỏi phòng anh Thịnh trong tâm trạng hoang mang. Bóng mẹ chị Thu Cúc ẩn hiện trước ban thờ ông bà Đức Cường như bị ma ám. Anh Đức Thịnh lọc cọc chiếc nạng gỗ đi ra sau nhà leo lên chiếc xe ba bánh của anh đựng đầy thùng báo chưa bán hết. Nam ngẩn ngơ nhìn theo anh Thịnh ngất ngư trên xe chạy ra khỏi cổng. Nam nhìn sang bên kia khu vườn phía tây, dòng sông vẫn lặng lẽ trôi như cái đêm nào Vương và Nam vượt qua khu đóng quân Đồng Hoà của địch để về dinh thự này gặp Thương Huyền. Thời gian cũng lăng lẽ trôi như dòng sông kia. Nam nhận ra từ ngày ông bà Đức Cường mất đi, trong cái dinh thự to lớn này chỉ còn lại ba cái bóng lặng lẽ là hai anh em Đức Thịnh, Thương Huyền và u già. Khu vườn hoang vắng thâm u, những dây leo cằn cỗi, rêu xanh mốc meo loang lổ bám đầy lối đi. Lá khô phủ đầy hàng ghế đá. Bước chân Nam rờn rợn, người ớn lạnh nghe như tiếng chạm cốc lanh canh, lời chúc tụng ngọt ngào của quan khách trong bữa tiệc năm nào ông bà Đức Cường tổ chức ăn mừng chiến thắng dưới vòm cây này vẫn vang váng trong tâm trí Nam. Nam choáng váng nghe u u tiếng gió rít, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt mùi thuốc súng khét lẹt. Gian phía tây dinh thự này bị sập môt mảng tường trong đêm mậu Thân 68. Nam đã chứng kiến sức sống mãnh liệt tuổi hai mươi của Thương Huyền trong bom đạn chiến tranh. Và lúc nay Nam đang chứng kiến sự mòn mỏi chết dần đi của Thương Huyền trong hoà bình. Sự Suy tàn của dinh thự Đức Cường. Từ lúc trở lại dinh thự này, Nam bị ám ảnh mãi ánh mắt hai ông bà Đức cường trong bức ảnh trên ban thờ- ánh mắt nhìn thấu cuộc đời. Nỗi mặc cảm to lớn hành hạ suốt cuộc đời anh Thịnh, người phế binh của chính quyền Nguỵ Sài Gòn. Sự trái ngang của thời đại, sự tráo trở của lòng người khiến Nam kinh hoàng. Cái chết của hai ông bà Đức Cường lúc này đã đánh thức nỗi đau đớn về cái chết của ông bà nội Nam xưa. Cứ như thể trời đất xui khiến cho cả Vương và Nam cùng gặp Thương Huyền trong cái đêm bom đạn mù trời xưa. Hình ảnh người con gái trắng trong quằn quại trong vòng tay Vương. Ôi tất cả bi kịch có lẽ bắt nguồn từ đấy, từ  khoảng trống lặng yên của bom đạn chiến tranh, Vương đã chiếm đoạt lòng trinh trắng của Thương Huyền. Cho tới bây giờ, Thương Huyền vẫn lầm lẫn anh chảng giải phóng quân đã chiếm đoạt nàng chính là Nam. Thực lòng, Nam cũng đã run rẩy trước người con gái đẹp như thiên thần trong cái đêm chết chóc ấy. Và lúc này Nam phân vân không biết có nên nói ra điều bí mật này để Thương Huyền hiểu hay vẫn đóng trọn vai là kẻ đã cưỡng bức nàng. Nam biết, cho dù nàng có bị cưỡng bức nàng vẫn chấp nhận như một sự tự nguyện dâng hiến và tha thứ bởi lá thư Nam để lại cho nàng. Nàng mong Nam trở về cũng bởi con Ngọc Lan. Bao năm nay, nàng đã vẽ ra cho Ngọc Lan hình ảnh cha Nam của nó là người lính giải phóng quân mà nó đã một vài lần được gặp trên chợ Gốc Mít và trong bữa tiệc mừng chiến thắng năm nào.
Nam chếnh choáng bước lên bậc thềm định vào phòng Thương Huyền thì con Ngọc Lan đi học về, vừa nhìn thấy Nam, con Ngọc Lan đã nhận ngay ra Nam.
- Con biết thế nào ba Nam cũng về. Nó líu ríu reo lên, nó chạy lên bậc thềm đập cửa thình thình, má ơi ba Nam đã về, ba Nam đã về.
Cánh cửa bật mở, nhận ra Nam, ánh mắt Thương Huyền ngời sáng lên trong khoảnh khắc rồi tắt lịm với nét mặt buồn rượi. Nam bàng hoàng nhận ra nỗi niềm của cả hai mẹ con Thương Huyền lâu nay vẫn mong chờ Nam trở lại. Con Ngọc Lan mới ngày nào còn bé tý gìơ đã lớn ngang vai mẹ. Càng lớn nó càng giống mẹ, từ cặp mắt long lanh của nó cũng chất chứa nỗi u hoài của mẹ nó lâu nay.
- Ba đi mô mãi không về, má con mong hoài. Giọng nó nghe buồn mà dễ thương.
- Bây giờ ba đã về với con đây. Nam  ôm gọn con Ngọc Lan trong vòng tay.
- Bác Vương sao không về chơi hả ba?
- Bác Vương phải đi làm nghĩa vụ quốc tế mãi bên Căm Phu Chia  rồi con à.
- Ngọc Lan, con để ba nghỉ đã, con đi chợ mua đồ ăn, má ở nhà làm cơm mừng ba Nam về.
Con Ngọc Lan nhanh nhảu xách chiếc túi mây nhẩy tâng tâng ra cửa đi chợ. Nam đối diện với Thương Huyền. Nỗi buồn thăm thẳm trong mắt nàng nhức nhối Nam không sao tự chủ được. Lần nào đứng trước Thương Huyền, Nam đều bị ám ảnh bởi ánh mắt đen huyền đầy ma lực của nàng. Dù ánh mắt Thương Huyền có cuốn hút đến đâu Nam vẫn chưa lần nào dám vượt qua cái rào cản vô hình giữa Nam và Thương Huyền. Rào Cản bây giờ lại càng lớn hơn bởi Nam đã có vợ. Đành rằng Nam cưới Tuyết cũng là sự ràng buộc bởi cái lễ trầu cau phạt vạ từ cái vụ Nam và Vương nấp trên cây sung nhìn trộm Tuyết tắm đêm trên ao đình Đoài. Có một điều Nam cảm nhận rõ ràng, rào cản càng cao bao nhiêu, sức cuốn hút ở Thương Huyền càng lớn. Nhất là lúc này, Nam muốn nhào tới ôm ghì lấy Thương Huyền, muốn bù đắp cho nàng tất cả những mất mát Vương đã gây nên cho nàng. Cảm nhận nỗi khát khao tình cảm của nàng, Nam muốn sưởi ấm trái tim cô đơn lạnh giá của nàng lâu nay. Nàng đang run rẩy bối rối thấy Nam nhìn nàng đắm đuối. Nam nhào tới ôm Thương Huyền vào lòng.
- Thương Huyền, anh không chịu nổi nữa rồi. Anh có lỗi với hai mẹ con em.
Thương Huyền bỗng khóc nấc lên. Tiếng khóc bật từ con tim đang rỉ máu. Niềm xúc cảm cao độ Nam không kìm nén nổi.
- Anh yêu em Thương Huyền ơi, anh Thương em ngay từ cái đêm đạn bom mịt mù ấy.
- Em nghe tin chị ở ngoài ấy đã là chủ tịch xã?
- Vậy là em cũng biết cả rồi sao?
- Ba Hoàng Kỳ Trung của anh đã cố tình nhắn tin cho em qua mấy người ở đội thanh niên xung phong. Ông sợ em làm hư hỏng anh, ảnh hưởng tới uy tín gia đình anh. Em nói thế nhưng không giận ông đâu. Ông có lý lẽ của ông. Ngày ấy em đã tận mắt chứng kiến cảnh ông phải sống những ngày trong nhà giam Mỹ Nguỵ. Em vừa kinh hoàng, vừa kính nể ông có tấm lòng kiên trung với cách mạng và có sức chịu đựng phi thường trước những đòn tra tấn của kẻ thù. Ông không thể chấp nhận mối quan hệ của anh đối với em cũng là lẽ thường tình. Anh còn nhớ bữa liên hoan mừng chiến thắng ông đã đùng đùng nổi giận khi nhận ra em. Phải là những người đã trải qua những đòn tra tấn nhục hình mới căm hờn kẻ thù sâu sắc đến vậy.
- Anh không ngờ em lại có thể hiểu và thông cảm cho ba anh đến vậy. Nam xiết chặt bàn tay Thương Huyền.
- Em hiểu được ba anh bởi vì chính em cũng là nạn nhân trong cuộc chiến tranh tàn khốc này.
Nam nhân ra Thương Huyền nói đúng, cuộc chiến tranh này nó đã huỷ hoại đời Thương Huyền, huỷ hoại cả gia đình nàng. Cứ nhìn vào sự mất mát của gia đình Nam, của gia đình Thương Huyền, cũng nhận ra những lỗi lầm to lớn của của thời đại.
Con Ngọc Lan đi chợ về, không muốn quấy rầy ba má, nó lúi húi làm cơm đãi ba Nam. Thời gian trôi quá nhanh. Tiếng máy nổ tành tành ngoài cổng, anh Thịnh đã di bán báo về ngất ngư trên chiếc xe ba bánh chạy vào trong sân vòng ra sau vườn.
- Bữa nay ba Nam về nên bác Thịnh về sớm đó, con Ngọc Lan reo lên, mọi ngày tối khuya bác Thịnh mới về.
Má chị Thu Cúc ngấp ngó bên cánh cổng trông chờ chị Thu cúc. Có tiếng còi toe toe, cô gái giúp việc chạy ra mở rộng hai cánh cổng, chiếc xe mầu đen bóng loáng lao vào đỗ trước dinh thự Hoa Cúc Vàng. Chị Thu Cúc cắp cặp bước ra, chiếc xe lùi lại quay đầu lao vút ra khỏi cổng. Cánh cổng lại rít lên lành lạnh. Chi Thu Cúc bước từng bước lên bậc tam cấp vào phòng. Má chị Thu Cúc tất tả chạy vào phòng chị Thu Cúc.
- Cúc à, cậu Nam về rồi, đang ở phòng Thương Huyền.
- Má mời cậu Nam sang đây cho con.
Vẫn giọng nói quan toà lành lạnh mà lần đầu tiên Nam nghe chị luận tội nghi ngờ Vương làm gián điệp lần mò vào lán trại nữ bộ đội dò la tin tức năm nào. Nam sang phòng khách gặp chị Thu Cúc. Nam sững sờ thấy chị Thu Cúc dạo này vừa trẻ vừa đẹp khác thường. Chỉ có giọng nói cử chỉ của chị vẫn oai quyền. Chị ngước mắt nhìn Nam, những ngón tay chị liên tiếp gõ lách cách lách cách lên mặt bàn lúc nhanh lúc chậm lúc dồn dập như nhịp trống.
- Tôi cũng không ngờ cậu lại viết được báo làm được văn hay ra trò nhỉ.
- Âu cũng là do cái thời vận ngày ấy, cấp trên lo sợ bố tôi, lo sợ luôn cả tôi phản bội nên đã phải đưa tôi lên trại tăng gia trên rừng. Chị không thể tưởng tượng nổi đêm đêm nằm trong cái lán tranh giữa rừng nó buồn đến mức nào đâu. Ai vào hoàn cảnh ấy không có tâm trạng gì mới là lạ. Nếu chiến tranh còn kéo dài, tôi có thể viết cả cuốn tiểu thuyết, hoặc trở thành người rừng.
- Cũng may mà cấp trên luôn nhìn xa trông rộng giữ gìn cho cậu, nếu không cách ly cậu ngày ấy chắc gì cậu được như ngày nay. Tôi biết, thường những người có chút máu văn chương là lập trường chông chênh lắm. Tôi còn lạ gì tư tưởng yêú đuối tiểu tư sản của cậu. Cậu làm sao có được tính kiên gan như cha cậu. Cậu về đây từ một giờ chiều đến giờ mà vẫn mê mết ở trong phòng cô Thương Huyền. Nếu tôi không gọi cậu, chắc cậu ngủ luôn ở đó đến sáng mai chắc. Cậu nên nhớ cậu đã có vợ.
- Cảm ơn chị Thu Cúc đã nhắc nhở.
- Tôi giữ là giữ cho cậu thôi. Vừa qua cha cậu đã cho chúng tôi bài học quý giá về sự đề cao cảnh giác đối với những âm mưu thâm độc của bọn phản cách mạng. Cậu nên nhớ, để giành được nền độc lập chúng ta đã phải đổ bao xương máu.
- Tôi hiểu, thưa chị Thu Cúc
- Vậy từ nay xin đồng chí chấm dứt mọi quan hệ với Thương Huyền.
- Chị thông cảm, cháu Ngọc Lan là con gái tôi.
- Cho dù Ngọc Lan là con cậu thì Thương Huyền vẫn không thể là vợ cậu. Cậu tưởng cậu nhận con Ngọc Lan, và nhận luôn cả mẹ nó chắc. Mà sao cậu cứ tự làm mất nhân cách của cậu. Cậu đang có một gia đình ấm êm, cha thì anh hùng lừng danh khắp thiên hạ, vợ thì làm chủ tịch xã, thế mà cậu không biết giữ gìn cho họ. Với lại tôi nói cho cậu biết, bằng chứng đâu cậu nhận con Ngọc Lan là con. Cậu tưởng cứ thích là nhận cha con được sao?
- Thì tôi nhận cháu là con nuôi.
- Ai cho phép cậu nhận con nuôi. Cậu đang còn có vợ cậu, gia đình bố mẹ cậu. Nhận con nuôi cũng phải có phép tắc thủ tục đơn từ hồ sơ lý lịch, chính quyền gia đình cha mẹ vợ cậu đồng ý chứ đâu nhận bừa mà được sao. Cái cậu này cũng rõ là nông nổi.
Lời phán quyết của chị Thu Cúc khiến đầu óc Nam cứ căng ra từng sợi mong manh- một bên là nỗi kinh sợ chị Thu Cúc, bên là lòng yêu quý Thương Huyền. Những người lạnh lùng như chị Thu Cúc cũng rất cần trong chiến tranh, nhưng trong cuộc sống hiện nay có những người lãnh đạo như chị Thu Cúc thì cuộc sống này thật đáng sợ. Ngồi trước Thương Huyền thấy yên bình bao nhiêu, đứng trước chị Thu Cúc thấy toàn những hoài nghi hiểm hoạ. Sự đề phòng cảnh giác cao độ luôn thường trực từng giây từng phút không ngơi nghỉ, chuyện gì chị Thu Cúc cũng có thể nâng quan điểm lập trường giai cấp. Tuy chế độ Nguỵ đã bị tiêu diêt, nền kinh tế tư bản tư nhân đã suy sụp, tài sản nhà thương gia Đức Cường đã quốc hữu hoá hết, nhưng chị Thu cúc vẫn nhìn Thương Huyền như một loài độc dược, ai động vào sẽ chết. Còn anh Đức Thịnh, chị Thu Cúc vẫn luôn cảnh giác có ngày anh nổi loạn, phần tử như anh là mầm hoạ nằm sâu trong lòng đất, chờ gió mưa là đâm chồi nảy lộc. Dinh thự Thu Cúc Vàng lúc này như một căn hầm cố thủ, chị sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ kẻ nào làm trái ý chị. Chị không chịu nổi ánh mắt sâu thăm thẳm của Thương Huyền nhìn chị đầy ẩn ý. Chị vẫn nhìn Thương Huyền như loại gái nhảy trong sở Mỹ quen ăn trắng mặc trơn, lười lao động, sống thác loạn không chí hướng. Mặt chị Thu Cúc đanh lại, giọng rít lên nhìn Hoàng Kỳ Nam mỉa mai:
- Tôi nói để cậu biết, cô ấy đã một thời làm gái nhẩy ăn trắng mặc trơn quen rồi, dính đến lao động là ngán ngẩm, lên vùng kinh tế không chịu nổi đã bỏ về. Giờ chỉ nằm ngóng đứa con lai của bọn đế quốc sài lang bên Mỹ gửi tiền về. Còn cậu Thịnh nữa, cũng phải đề phòng canh chừng cậu ta hồi này hay tụ vạ với những phần tử nguỵ quân nguỵ quyền đi cải tạo về vẫn không chịu giác ngộ nuôi âm mưu chống đối lật đổ chính quyền. Thật là chẳng còn biết phân biệt tốt xấu thì nguy.
Má chị Thu Cúc mang vào đĩa trái cây chín đủ loại chôm chôm, soài, nhãn đặt lên bàn.
- Trái cây chín tôi thắp hương ông bà Đức Cường xong rồi, mời cậu Nam hưởng lộc.
- Đấy cậu thấy, ngay đến cả má tôi dạo rầy cũng mụ mị, ngày nào cũng hương khói trên bàn thờ ông bà Đức Cường. Không tin Đảng, tin chính quyền cách mạng, lại mê muội tin vào thần thánh. Chị Thu Cúc được dịp trút cơn giận, má đã hầu hạ người ta cả đời chưa đủ khổ sao? Giờ má lại còn cầu mong cho giai cầp tư sản sống lại để được làm nô lệ nữa sao?
- Con ơi là con, sao con lại ăn nói bạc lòng đến vậy. Mắt má chị Thu cúc tối lại, cố nén giận, ai chả biết có được ngày nay là nhờ vào chính quyền cách mạng, nhưng cách mạng thành công cũng một phần nhờ vào những người như ông bà Đức Cường đây con ạ. Con phải nên biết, đời má con mình nếu không được ông bà Đức cường che chở bao năm thì chắc chi còn sống được đến ngày nay.
- Má nói năng mất cả lập trường, không phân biệt đâu là giai cấp bóc lột, đâu là giai cấp bị bóc lột. Rõ là mình bị bóc lột cả đời mà vẫn không biết mình bị bóc lột. Bi kịch...bi kịch...Thôi tôi chỉ nói thế, cậu liệu đấy mà giữ gìn. Tối nay cậu ở đây bảo má tôi mở cửa phòng khách trên lầu để cậu ngủ. Vợ chồng tôi tối nay còn bận cuộc họp không ở nhà tiếp cậu được, mong cậu thông cảm.
Chị Thu Cúc đứng dậy bước lên lầu. Căn phòng lặng đi. Má chị Thu Cúc vào ngồi xuống cạnh Nam an ủi:
- Cậu thông cảm, suốt ngày bận rộn công việc, tính tình chị Thu Cúc nóng nảy, đến như tôi là má đẻ mà cũng có bao giờ được nghe lời ngon ngọt. Cũng may từ ngày lấy chồng, chị ấy thoái mái hơn nhiều đấy, chứ như trước mà thấy cậu ở trong phòng cô Thương Huyền, chị ấy đã gọi du kích bắt trói cậu giải đi rồi.
- Khiếp quá, Chị ấy cứ làm như cháu với Thương Huyền đang hoạt động gián điệp không bằng.
- Cậu thì đi một lẽ, nhưng cô Thương Huyền rõ ràng cũng dính dáng nhiều đến kẻ thù cậu không biết sao. Dù sao cũng cần đề phòng. Cậu đã nghe cô ấy nói tới tay Hall người Mỹ đang muốn cả hai má con cô ấy sang Mỹ đấy thôi.
Chị Thu Cúc từ trên lầu cắp cặp bước xuống.
- Vợ chồng con bữa nay không ăn cơm tối ở nhà, má và cậu Nam ở nhà ăn cơm vui vẻ nghe.
Chị Thu Cúc đưa tay xem giờ, vội bước xuống bậc tam cấp thì chiếc xe mầu đen bóng của chị đã kịp đỗ xịch ngoài cổng đón chị.
- Má ngồi tiếp cậu Nam giúp con, con phải đi ngay bây chừ.
 Chị Thu Cúc vừa ra xe thì anh Đức Thịnh lọc cọc lạng gỗ bước vào nói:
- Nhân tiện có Cậu Nam về, tôi bảo hai má con cháu Ngọc Lan nấu cơm, mời u và cậu Nam sang ăn cơm cho vui.
- Chị Thu Cúc dặn tôi phải nấu cơm tiếp cậu Nam, Cậu Thịnh làm tôi khó xử quá, chị Thu Cúc mà biết thì rầy to. Nhưng thôi, cậu Nam cứ sang đấy ăn cơm rồi về bên ni nghỉ sớm, đừng để chị Thu Cúc biết là được.
Bữa cơm hiếm hoi này có canh cá lóc, cua biển, thịt heo rán, con Ngọc Lan đi chợ mua về. Anh Đức Thịnh mang sang mấy lon bia và lon nước ngọt. Nam cảm nhận rõ được tình cảm của hai mẹ con Thương Huyền và anh Đức Thịnh dành cho Nam trong bữa cơm ấm áp này. Trong niềm vui xốn xang, Nam vẫn nhận ra nét buồn chơi vơi của Thương Huyền và sự mặc cảm đáng thương của anh Thịnh. Phải là người trong cuộc mới hiểu rõ tâm trạng Thương Huyền. Từ một tiểu thư cành vàng lá ngọc bỗng nhiên trở thành con mồi của mọi âm mưu toan tính nghiệt ngã xô đẩy Thương Huyền rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Nam hiểu hơn ai hết chiến tranh đã chôn vùi cướp đi bao khát vọng mơ ước của một sinh viên văn khoa Sài Gòn nổi tiếng một thời như Thương Huyền.
Chỉ có Ngọc Lan là vô tư, nó líu ríu hỏi Nam đủ chuyện. Nam chăm chú nhìn kỹ gương mặt nó có nét nào giống Vương. Nó đúng là con gái Vương, tuy khuôn mặt hoàn toàn giống mẹ nhưng cặp mắt sáng, hơi đượm buồn kia là của Vương. Anh Thịnh luôn tiếp bia cho Nam. Mặt đỏ lựng men bia, anh Thịnh chân tình nói:
- Bữa nay thì tôi nói thiệt, ba má tôi và Thương Huyền có phần nào chưa tin, nhưng riêng tôi, ngay từ lần đầu tiên cậu Nam xuống hầm băng rửa vết thương cho tôi là tôi biềt cậu là người tốt. Chả phải tôi nịnh cậu, nhưng người tốt nhìn là biết liền. Cậu uống đi, bữa nay cậu phải uống hết mình với anh em tôi. Ba má tôi mất rồi, anh em tôi và cháu Ngọc Lan trông cậy vào cậu. Tôi thông cảm, hiểu rõ hoàn cảnh của cậu còn nhiều ràng buộc về gia đình, xã hội, công danh sự nghiệp, nhưng tôi chỉ mong cậu nghĩ tới cái tình với chúng tôi.
Nam cảm động trước tấm lòng thiệt tình của anh Thịnh. Anh đưa tay với chiếc nạng gỗ đứng dậy ngất ngư, giọng đầy hưng phấn nói trong cơn say.
- Con Ngọc Lan ăn xong rồi, dìu bác về nào. Mang cả sách vở sang phòng bác mà học để cho ba mà cháu nói chuyện. Bao năm nay ba má cháu không được gặp nhau. Ôi, một đời người chỉ mấy lần gặp nhau...
Nam và Thương Huyền ngồi lặng nhìn hai bác cháu Ngọc Lan loạng choạng dắt dìu nhau bước ra cửa. Vườn cây trước nhà che mờ bóng trăng. Bác Thịnh khua chiếc nạng vào bóng tối thậm thọt bước theo con Ngọc Lan ra cửa. Nam và Thương Huyền bước ra khu vườn cây lúc chiều Nam đã ngẩn ngơ trước cảnh hoang lạnh của nó. Hàng ghế đá im lìm phủ đầy lá khô. Bên kia khu vườn là dòng sông êm đềm. Trăng loang loáng nhào lặn  lúc ẩn hiện lúc lửng lơ đáy nước. Tiếng máy con tầu phành phành chạy xuôi rền vang mặt sông trong chốc lát rồi không gian lại lặng đi. Bước chân Thương Huyền bối rối, Nam nghe như tiếng dòng sông rì rào với vầng trăng đáy nước. Nam nắm chặt bàn tay Thương Huyền cảm nhận hạnh phúc tràn đầy như dòng sông đang trôi âm thầm kia. Thương Huyền lúc này là Vầng trăng trong vời vợi. Vầng trăng ấm áp lạ lùng mà bóng đêm như quỷ dữ luôn rình rập cuộc đời Thương Huyền.
- Bao năm nay em mới lại có những giây phút này.
Tiếng Thương Huyền nhỏ nhẹ như hơi thở bên tai Nam. Một cơn gió mơn man lan toả mùi thơm của mái tóc, mùi thơm thân thể Thương Huyền. Đã bao lần Nam muốn nói ra sự thực về Ngọc Lan không phải là con anh, nhưng đứng trước Thương Huyền anh không sao nói được. Bất chợt Thương Huyền nắm chặt lấy bàn tay Nam kéo amh vào lòng.
- Em biết giữa anh và em là một vực sâu ngăn cách qua lớn, không sao lấp đầy. Anh yên tâm đừng lo cho em. Em sẽ không gục ngã đâu. Em đã có con Ngọc Lan, nó là cả cuộc đời em.
Có tiếng lá khô lạo xạo vỡ vụn trong mảnh vườn phía tây. Dưới lùm sầu riêng lấp ló bóng người thoắt ẩn thoắt hiện chập chờn như bóng ma. Bất ngờ cái bóng lao thẳng tới đứng sững trước mặt Nam và Thương Huyền. Vẫn cái giọng quan toà của chị Thu Cúc:
- Các người làm cái trò hay ho nhỉ, không còn coi ai ra gì. Cái bóng nói, cậu Nam về phòng khách ngay, tôi có chuyện muốn nói với cậu. Còn cô Thương Huyền thật quá thể, người ta đã có vợ mà còn cố tình đem thân xác nhơ nhuốc của mình vấy bẩn mà không biết xấu hổ.
Thương Huyền lao ra khỏi lùm cây. Nam vùng chạy đuổi theo Thương Huyền ra bờ sông. Nam nhìn bóng Thương Huyền chao đảo dưới trăng. Tiếng Nam gọi Thương Huyền âm vang mãi tận trời cao. Bóng trăng trên dòng sông vỡ ra từng mảnh vụn ngập chìm trong nước. Bầu trời đêm ngàn vạn ngôi sao nhấp nháy. Ngàn vạn ngôi sao kia cũng giống ngàn vạn ngôi sao của dân làng Đoài thả lên trên bầu trời từ ngàn đời nay.
- Thương Huyền ơi! Không việc gì em phải sợ. Nam vừa gọi vừa chạy. Trên bầu trời ngàn vạn ngôi sao đang chaý rực lên. Nam chạy như bay lên. Và xa xa cái bóng Thương Huyền cũng bay lên chấp chới...
Sáng hôm sau chiếc xe zep của bố Hoàng Kỳ Nam đã đỗ trước cổng dinh thự Hoa Cúc Vàng rúc lên hồi còi tu tu. Đại Tá Hoàng Kỳ Trung từ trong xe bước ra với vẻ mặt giận dữ. 
- Báo cáo đồng chí đại tá, chị Thu Cúc trịnh trọng, tôi xin trao trả Hoàng Kỳ Nam cho đồng chí xử lý.
Nam chào má chị Thu Cúc khoác ba lô bước lên xe. Chị Thu Cúc bắt tay đại tá Hoàng Kỳ Trung.
- Tôi đã làm tròn nhiệm vụ đồng chí giao. Chị Thu Cúc nghiêm mặt nhìn đại tá Hoàng Kỳ Trung.
Chiếc xe đưa hai cha con Hoàng Kỳ Nam lao ra khỏi cổng. Từ ô cửa căn nhà phía tây, hai má con Thương Huyền đứng ngẩn ngơ nhìn hút theo làn khói xe cuộn lên. Trên bậc tam cấp gian nhà phía đông bóng anh Đức Thịnh chơ vơ bên chiếc nạng gỗ ngơ ngẩn nhìn ra dòng sông. Ngoài cổng tiếng còi xe toe toe, chị Thu Cúc nhìn đồng hồ, xách cặp đứng chờ chiếc xe lao vào sân đón chị. Chiếc xe lượn một vòng quay đầu lao vút ra khỏi cổng. Má chị Thu Cúc bước những bước chân run rẩy với tay kéo hai cánh cổng khép lại. Suốt cuộc đời người đàn bà như má chị Thu Cúc đã đóng- mở hai cánh cổng này không biết bao nhiêu lần, nhưng từ bữa đưa tang hai ông bà Đức Cường, mỗi lần nghe tiếng hai cánh cổng rít lên, bà lại thấy rờn rợn. Bà chính là người cảm nhận rõ mọi điều xảy ra trong dinh thự này. Bà đóng kín hai cánh cổng dinh thự và muốn đóng kín nỗi suy tư trong lòng bà.