CHƯƠNG 12
QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO CON NGƯỜI

     hoạt đầu, tuyên bố được người Sumer ghi chép và truyền lại rằng “Con người” được tạo ra nhờ bàn tay của người Nefilim dường như đã dội một gáo nước lạnh vào cả Thuyết Tiến hóa lẫn các giáo lý Do thái-Cơ đốc giáo dựa trên Kinh thánh. Nhưng thực tế, những thông tin chứa đựng trong các ghi chép của người Sumer – và chỉ có những thông tin đó – mới có thể chứng nhận cho giá trị của Thuyết Tiến hóa và tính xác thực của các câu chuyện trong Kinh thánh và chỉ ra rằng giữa Kinh thánh và Thuyết Tiến hóa không hề tồn tại bất cứ một mâu thuẫn nào.
Trong thiên sử thi “When the gods as men” (Khi các vị thần như con người), trong một số ghi chép khác và trong những tư liệu ngẫu nhiên, người Sumer đều mô tả Con người vừa là một sản phẩm có chủ đích của các vị thần vừa là một mắt xích trong chuỗi tiến hóa bắt đầu bằng các sự kiện diễn ra trong vũ trụ được thể hiện trong “Thiên sử thi Sáng tạo”. Với niềm tin vững chắc rằng Con người xuất hiện sau thời kỳ chỉ có người Nefilim ở trên Trái đất, nên các ghi chép của người Sumer ghi lại hết sự kiện này đến sự kiện khác (chẳng hạn như vụ việc giữa Enlil và Ninlil) diễn ra “khi Con người còn chưa được tạo ra, khi chỉ có các vị thần ngự trị ở Nippur”. Đồng thời, các ghi chép này cũng mô tả quá trình hình thành Trái đất và sự phát triển của đời sống động thực vật trên hành tinh này hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết tiến hóa đương đại.
Các ghi chép của người Sumer khẳng định rằng khi những người Nefilim đầu tiên đổ bộ xuống Trái đất, các kiến thức về trồng lúa, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc vẫn chưa xuất hiện trên Trái đất. Tương tự, Kinh thánh cũng đặt sự xuất hiện của Con người vào “ngày” hay giai đoạn thứ sáu trong quá trình tiến hóa. Cuốn Sáng Thế Ký cũng khẳng định rằng vào giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa:
Chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên Mặt đất,
Chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên…
Và không có người canh tác đất đai.
Tất cả các ghi chép của người Sumer đều khẳng định rằng các vị thần làm ra Con người để làm việc cho họ. Lý giải nguyên do bằng những lời nói của Marduk, Thiên sử thi Sáng tạo kể lại quyết định đó như sau:
Ta sẽ tạo ra một sinh vật Nguyên thủy thấp kém;
“Con người” sẽ là tên của hắn.
Ta sẽ tạo ra một Nhân công Nguyên thủy;
Hắn sẽ đảm đương công việc của các vị thần,
để họ nghỉ ngơi.
Thuật ngữ mà người Sumer và Akkad dùng để gọi “Con người” đã thể hiện vị trí và mục đích của anh ta: Anh ta là một lulu (“sinh vật nguyên thủy”), một lulu amlu (“Nhân công Nguyên thủy”), một awilum (“lao công”). Việc Con người được tạo ra để làm nô bộc cho các vị thần không hề khiến người cổ đại cảm thấy có gì khác thường. Trong Kinh thánh, vị thần đó được gọi là “Đức Chúa”, “Đấng Tối cao”, “Vua”, “Đấng Cai trị”, “Ông chủ”. Thuật ngữ avod thường được chúng ta dịch ra là “thờ phụng” trong thực tế lại là “lao động”. Con người cổ đại và Con người trong Kinh thánh không phải “thờ phụng” thần linh mà là làm việc cho thần linh.
Ngay sau khi Thiên Chúa trong Kinh thánh cũng như các vị thần trong những câu chuyện của người Sumer tạo ra Con người, ngài làm ra một khu vườn và giao nhiệm vụ cho họ làm việc ở đó:
Và Thiên Chúa đem Con người
đặt vào vườn Eden
để cày cấy và canh giữ đất đai.
Tiếp đó, Kinh thánh mô tả cảnh Đức Chúa “đi dạo trong vườn những lúc gió thổi nhè nhẹ”, khi đó “sinh vật mới” này đã thực hiện sứ mệnh canh giữ Vườn Eden. Câu chuyện này liệu có khác biệt gì so với những ghi chép của người Sumer mô tả những vị thần cai quản nhân công của mình làm việc, còn họ có thể nghỉ ngơi thư giãn?
Trong các câu chuyện của người Sumer, chính Hội đồng các vị Thần đã đưa ra quyết định tạo ra Con người. Và đáng chú ý là cuốn Sáng Thế Ký với chủ ý ca ngợi những thành tựu của một vị thần duy nhất đã sử dụng danh từ số nhiều Elohim (nghĩa đen là “các vị thần”) để biểu thị cho Đức Chúa và đưa ra một lời nhận xét đáng kinh ngạc:
Và Elohim phán:
“Chúng ta hãy làm ra Con người theo hình ảnh chúng ta,
giống như chúng ta.”
Ai là đối tượng đang cùng bàn bạc với vị Thần duy nhất nhưng ở dạng số nhiều này và ai là “chúng ta” được lấy làm khuôn mẫu để tạo ra Con người? Cuốn Sáng Thế Ký không đưa ra câu trả lời. Nhưng sau đó, khi Adam và Eve ăn quả trên Cây Nhận thức, Elohim đã đưa ra lời cảnh báo đối với những người đồng sự vô danh: “Nhìn xem, Con người đã trở thành như một phần trong giới chúng ta, chúng đã biết điều thiện điều ác.”
Vì câu chuyện Sáng tạo Thế giới trong Kinh thánh, cũng như các câu chuyện về sự khởi đầu của vạn vật trong Sáng Thế Ký đều có nguồn gốc từ Sumer nên câu trả lời rất rõ ràng. Với việc gộp nhiều vị thần lại thành một vị Thần Tối cao duy nhất, thì câu chuyện Kinh thánh chỉ là một bản tổng hợp và chỉnh sửa các câu chuyện của người Sumer về những cuộc thảo luận của Hội đồng các vị Thần.
Kinh Cựu ước phải rất cố gắng để giải thích rõ rằng Con người không phải là thần linh cũng không đến từ Thiên đường. “Thiên đường là Thiên đường của Đức Chúa, còn Ngài đưa Con người xuống Mặt đất”. Sinh vật mới này được gọi là “Adam” bởi vì anh ta được tạo ra từ adama, cát bụi của Mặt đất. Nói cách khác, anh ta là “người trần”.
Về mọi phương diện, Adam được tạo ra dựa trên hình ảnh (selem) và ngoại hình (dmut) của (những) Đấng Sáng tạo, ngoại trừ một phần nhỏ “nhận thức” và tuổi thọ của thần linh. Việc sử dụng hai thuật ngữ này trong Kinh thánh giúp ta khẳng định rằng Con người giống với (các) vị Thần cả về ngoại hình lẫn nội tâm.
Trong tất cả các bức họa cổ đại về thần linh và con người, sự giống nhau này được thể hiện rõ ràng. Tuy Kinh thánh phản đối việc thờ cúng những bức tượng tà đạo thể hiện quan điểm rằng Đức Chúa của người Hebrew không có hình ảnh và dung mạo nhưng cả Sáng Thế Ký lẫn các câu chuyện Kinh thánh khác đều khẳng định điều ngược lại. Người Hebrew cổ đại có thể nhìn thấy Đức Chúa trực diện, có thể vui đùa cùng Ngài, có thể nghe thấy tiếng nói và trò chuyện trực tiếp với Ngài; Đức chúa có hình hài và hành động như con người – bởi vì Con người được tạo tác từ nguyên mẫu các vị thần.
Nhưng sự đơn giản này lại chứa đựng một điều bí ẩn lớn. Làm thế nào mà một sinh vật mới có thể là bản sao về hình thể, tinh thần và tình cảm của người Nefilim? Thực tế, Con người đã được tạo ra như thế nào?
Trong một thời gian dài, người phương Tây gắn bó với quan niệm rằng sau khi được tạo ra có chủ đích, Con người được đưa xuống Trái đất để chinh phục hành tinh này và thống trị tất cả các loài sinh vật khác. Tháng Mười một năm 1859, Charles Darwin, nhà tự nhiên học người Anh đã xuất bản một luận thuyết về nguồn gốc các loài thông qua chọn lọc tự nhiên, hay việc gìn giữ các chủng đặc ân thông qua cuộc đấu tranh sinh tồn. Tổng kết gần 30 năm tiến hành nghiên cứu, cuốn sách đã bổ sung vào hệ thống các quan điểm trước đây về tiến hóa tự nhiên một khái niệm mới về chọn lọc tự nhiên, kết quả của cuộc đấu tranh sinh tồn của các chủng loài động thực vật.
Năm 1788, việc các nhà địa chất học nổi tiếng bày tỏ quan điểm rằng Trái đất được hình thành từ cổ xưa, xưa hơn rất nhiều so với quãng thời gian chừng 5.500 năm theo lịch của người Hebrew đã gây xôn xao trong thế giới người Công giáo. Tiến hóa cũng không phải là một khái niệm quá mới mẻ bởi vì các học giả trước đó đã từng có rất nhiều nhận định và phát biểu về quá trình tiến hóa này, đặc biệt ngay từ thế kỷ IV TCN, các học giả Hy Lạp đã thu thập rất nhiều dữ liệu về quá trình tiến hóa trong đời sống động thực vật.
Còn Darwin đã giáng một đòn mạnh vào những niềm tin lâu đời trước đó của Giáo hội bằng kết luận rằng tất cả mọi sinh vật – bao gồm cả Con người – đều là sản phẩm của quá trình tiến hóa và không được sinh ra một cách tự phát.
Phản ứng đầu tiên của Giáo hội rất dữ dội. Nhưng khi các phát hiện khoa học về tuổi thực sự của Trái đất, về quá trình tiến hóa, di truyền học, cùng các nghiên cứu sinh vật học và nhân chủng học khác được đưa ra ánh sáng, thì những chỉ trích của Giáo hội cũng yếu dần. Cuối cùng, chính những câu chữ trong Kinh Cựu ước đã khiến cho câu chuyện về Kinh Cựu ước bất khả biện hộ; vì làm thế nào mà một vị Chúa Trời “vô hình” và độc nhất trong vũ trụ lại có thể phán rằng “Chúng ta hãy tạo ra Con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”?
Nhưng phải chăng chúng ta thực sự chỉ là “những con khỉ trần trụi” không hơn không kém? Phải chăng loài khỉ là một nhánh tiến hóa khác của chúng ta và loài thú leo cây tree-shrew (loài động vật có vú nhỏ ở vùng Đông Nam Á) mới là con người tuy vẫn chưa rụng đuôi và đứng thẳng?
Như chúng tôi đã chỉ ra ở phần đầu của cuốn sách này, các nhà khoa học đương đại đã tiến hành xem xét lại các lý thuyết đơn giản. Thuyết Tiến hóa có thể giải thích cho chuỗi các sự kiện chung hình thành nên sự sống và các dạng sống phát triển trên Trái đất, từ những sinh vật đơn bào đơn giản nhất cho tới Con người. Nhưng Thuyết tiến hóa không thể giải thích được sự xuất hiện của người Homo sapiens, sự xuất hiện diễn ra chỉ qua một đêm nếu so với hàng triệu năm tiến hóa đáng ra phải có và không có dấu hiệu của quá trình chuyển đổi từ người Homo erectus ở thời kỳ trước đó.
Chi Homo của họ Người là một sản phẩm của quá trình tiến hóa. Nhưng người Homo sapiens lại là sản phẩm của một sự kiện tiến hóa đột ngột nào đó. Chủng người này xuất hiện một cách bí ẩn vào khoảng 300.000 năm trước đây, quá nhanh so với quy trình tiến hóa hàng triệu năm.
Các chuyên gia không thể nào lý giải nổi điều này. Nhưng các ghi chép của người Sumer, người Babylon, Kinh Cựu và chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy nguồn gốc thực sự của người Homo sapiens.
Homo sapiens – Người hiện đại – đã ra đời nhờ bàn tay của các vị thần cổ đại.
Thật may mắn khi các ghi chép của người Mesopotamia có đưa ra một tuyên bố rõ ràng về thời gian Con người được tạo ra. Câu chuyện về quá trình lao động khổ sai và cuộc nổi loạn của các Anunnanki kể với chúng ta rằng: “trong cả 40 thời kỳ họ phải chịu lao động nặng nhọc cả ngày lẫn đêm”; những năm tháng khổ sai đằng đẵng của họ được kịch tính hóa bằng những câu thơ lặp đi lặp lại:
Trong 10 thời kỳ họ phải chịu lao động khổ sai.
Trong 20 thời kỳ họ phải chịu lao động khổ sai.
Trong 30 thời kỳ họ phải chịu lao động khổ sai.
Trong 40 thời kỳ họ phải chịu lao động khổ sai.
Bản ghi chép này sử dụng thuật ngữ ma để biểu thị cho “thời kỳ” và đa phần các chuyên gia dịch nghĩa từ này là “năm”. Nhưng thuật ngữ này lại có nghĩa gốc là “thứ gì đó hoàn thành chính nó và sau đó lặp lại chính nó”. Một năm Trái đất tương đương với một vòng quay hoàn chỉnh của nó xung quanh Mặt trời. Như chúng tôi đã chỉ ra, quỹ đạo hành tinh của người Nefilim là một shar, tương đương với 3.600 năm Trái đất.
40 shar, hay 144.000 năm Trái đất sau khi đổ bộ, các Anunnaki kêu lên phản đối: “Đủ rồi!” Nếu như người Nefilim hạ cánh lần đầu tiên xuống Trái đất khoảng 450.000 năm trước theo như tính toán của chúng tôi thì việc tạo ra Con người được tiến hành khoảng 300.000 năm trước đây!
Người Nefilim không tạo ra các loài động vật có vú, các loài linh trưởng hay các sinh vật giống người. “Adam” trong Kinh thánh không thuộc chủng Homo mà là sinh vật tổ tiên của chúng ta – người Homo sapiens đầu tiên. Anh ta chính là Người Hiện đại như chúng ta biết và được tạo ra bởi bàn tay của người Nefilim.
Chìa khóa để hiểu rõ được thực tế quan trọng này nằm trong câu chuyện về một Enki đang mơ màng bị đánh thức và được thông báo rằng các vị thần đã quyết định tạo nên một adamu và nhiệm vụ của vị thần này là tìm ra phương thức thực hiện. Ngài đã trả lời như sau:
“Sinh vật mà các ngài vừa nhắc tên đó
NÓ ĐANG TỒN TẠI!”
và ngài nói thêm rằng: “Hãy trao cho nó” – sinh vật đang tồn tại này – “dung mạo của các vị thần”.
Như vậy người Nefilim không “sáng tạo” ra Con người từ hư không, mà họ chọn một sinh vật đang tồn tại và “trao cho nó dung mạo của các vị thần”.
Con người là sản phẩm của quá trình tiến hóa, nhưng Người hiện đại Homo sapiens lại là sản phẩm của “các vị thần”. Vì cách đây khoảng 300.000 năm trước, người Nefilim đã trao cho những con khỉ hình người (Homo erectus) hình hài giống họ.
Thuyết Tiến hóa và những câu chuyện vùng Cận Đông về việc sáng tạo ra Con người không hề xung đột với nhau. Thay vào đó, chúng giải thích và hoàn thiện lẫn nhau. Bởi vì nếu không có hành động sáng tạo của người Nefilim thì Con người phải mất thêm hàng triệu năm nữa trên hành trình tiến hóa để đạt được đến cột mốc hiện tại.

*

Chúng ta hãy cùng trở về thời kỳ này và tìm cách minh họa những điều kiện hoàn cảnh và sự kiện đã diễn ra.
Giai đoạn gian băng lớn bắt đầu khoảng 435.000 năm trước cùng với sự ấm lên của khí hậu đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của các nguồn thức ăn và các loài động vật. Nó cũng đẩy nhanh tiến trình xuất hiện và phổ biến của một loài khỉ giống người tiến bộ Homo erectus.
Khi người Nefilim chú ý tới loài khỉ giống người này, họ coi chúng không chỉ là loài động vật có vú ưu việt mà còn là loài thuộc bộ linh trưởng – trong bộ này có loài khỉ giống người. Liệu có khả năng những nhóm người Homo erectus lang thang đã bị thu hút bởi những vật thể phụt lửa bay lên trên bầu trời? Liệu có khả năng người Nefilim đã nhìn thấy, chạm trán và thậm chí bắt một vài con linh trưởng thú vị này?
Việc người Nefilim gặp gỡ những loài khỉ giống người này được thể hiện trong một số ghi chép thời cổ đại. Một câu chuyện của người Sumer về thời kỳ sơ khai kể rằng:
Khi Con người được tạo ra,
Họ chưa biết cách ăn bánh mỳ,
Không biết cách mặc quần áo;
Họ ăn cây cỏ giống như loài cừu;
Uống nước trong mương rãnh.
Loài “người” giống động vật này cũng được mô tả trong “Sử thi Gilgamesh”. Thiên sử thi này kể về hình dáng của Enkidu, “người” được “sinh ra trên thảo nguyên”, trước khi được khai hóa:
Toàn bộ cơ thể của anh ta phủ đầy lông lá,
tóc trên đầu dài như phụ nữ…
Anh ta không có ý niệm về dân tộc và xứ sở;
Trang phục của anh ta hòa vào đồng cỏ xanh;
Anh ta gặm cỏ cùng bầy linh dương;
Anh ta chen lấn với những con thú hoang
ở nơi uống nước;
Đầm mình với những sinh vật khác trong làn nước
thỏa thuê tận hưởng.
Câu chuyện này của người Akkad không chỉ mô tả về một con người mang hình hài động vật mà còn kể về cuộc chạm trán của họ với một sinh vật như vậy:
Giờ thì một thợ săn đi đặt bẫy
chạm trán anh ta tại dòng suối.
Khi người thợ săn nhìn thấy anh ta,
gương mặt anh ta trở nên lạnh lùng…
Tâm can người thợ săn rối loạn, gương mặt u ám,
vì nỗi sợ hãi cuộn lên trong lòng.
Đây không chỉ đơn thuần là nỗi sợ hãi sau khi người thợ săn nhìn thấy “kẻ hoang dã”, “gã đồng loại man di ở sâu trong thảo nguyên” này; bởi vì “kẻ man di” này cũng đã can thiệp vào cuộc săn của người thợ săn:
Anh ta lấp lại những hố bẫy mà tôi đã đào,
anh ta gỡ những chiếc bẫy mà tôi đã cài;
anh ta khiến những con thú và loài vật trên thảo nguyên
vuột khỏi tay tôi.
Bức tranh mô tả sinh vật nửa người nửa khỉ này rất rõ ràng: tóc tai rậm rạp, lông lá, một kẻ lang thang “không biết gì về dân tộc và xứ sở”, mặc trang phục bằng lá cây “giống như đồng cỏ xanh”, gặm cỏ và sống chen chúc giữa các loài vật. Tuy nhiên anh ta không phải là kẻ không có trí thông minh, bởi vì anh ta biết cách gỡ bỏ những chiếc bẫy cài và lấp những hố bẫy thú. Nói cách khác, anh ta bảo vệ những người bạn động vật của mình khỏi những người thợ săn xa lạ. Người ta đã tìm thấy nhiều con dấu lăn khắc họa hình ảnh loài khỉ hình người lông lá này giữa những bạn bè động vật của mình. (Hình 149)
Sau đó, khi phải đối mặt với nhu cầu về nhân lực và quyết tâm tạo ra Nhân công Nguyên thủy, thì người Nefilim đã tìm ra một giải pháp sẵn có: thuần hóa một loài vật thích hợp.
“Loài vật” này đã có sẵn nhưng có một vấn đề nảy sinh đối với người Homo erectus. Đầu tiên, loài vật này quá thông minh và hoang dã để có thể trở thành một loài vật lao động thuần túy giản đơn. Mặt khác, cấu tạo cơ thể của loài này cần phải thay đổi – chúng phải có khả năng cầm nắm và sử dụng công cụ của người Nefilim, đi lại và cúi xuống được để thay thế các vị thần cáng đáng công việc đồng áng và khai mỏ. Chúng cũng cần có “bộ não” thông minh hơn – tuy không cần giống y hệt như não bộ các vị thần nhưng phải đủ để hiểu được lời nói và mệnh lệnh cũng như những nhiệm vụ được phân công. Chúng cần có sự hiểu biết sơ khai để trở thành một amelu – đầy tớ biết vâng lời và hữu dụng.
Nếu đúng như các bằng chứng cổ đại và khoa học đương đại mô tả rằng sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ sự sống trên Hành tinh thứ Mười hai thì quá trình tiến hóa trên Trái đất phải diễn ra giống như trên Hành tinh thứ Mười hai. Đương nhiên, 2 sự sống này có những đột biến, biến dị, những hiện tượng phát triển nhanh và chậm khác nhau do các điều kiện cục bộ gây ra; nhưng chúng có cùng loại mã gen, cùng “hóa chất sự sống” giống như tất cả các động thực vật trên Trái đất, chính việc này định hướng cho sự phát triển của các dạng sống trên Trái đất theo đúng quy trình chung đã diễn ra trên Hành tinh thứ Mười hai.
Sau khi quan sát các dạng sống khác nhau trên Trái đất, người Nefilim và Ea, nhà khoa học hàng đầu của họ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng trong vụ va chạm giữa các thiên thể, hành tinh của họ đã gieo mầm sự sống xuống Trái đất. Bởi vậy, loài khỉ hình người đang sinh sống ở đây thực sự giống như người Nefilim tuy rằng ít tiến hóa hơn.
Quy trình thuần hóa dần dần qua nhiều thế hệ bằng cách tuyển chọn, thuần hóa và chăn nuôi không phát huy được tác dụng. Thứ họ cần ở đây là một quy trình nhanh chóng, một quy trình cho phép “sản xuất hàng loạt” những nhân công mới. Công việc này được giao cho Ea, người đã ngay lập tức đưa ra giải pháp “in dấu” hình ảnh của các vị thần lên những sinh vật đang tồn tại.
Chúng tôi tin rằng quy trình mà Ea đưa ra để đạt được thành tựu tiến hóa nhanh chóng cho loài Homo erectus chính là quy trình can thiệp gen.
Hiện nay nhờ bộ mã gen chúng ta có thể tiến hành quy trình sinh học phức tạp trong đó một cơ thể sống tự tiến hành sinh sản tạo ra thế hệ con cái giống bố mẹ. Tất cả các cơ thể sống – từ loài giun kim, cây dương xỉ cho đến Con người – đều chứa đựng trong tế bào của mình các nhiễm sắc thể, những cấu trúc hình que cực kỳ nhỏ bé chứa đựng những thông tin di truyền hoàn chỉnh cho cơ thể sống đó. Khi tế bào giống đực (phấn hoa, tinh trùng) thụ thai với tế bào giống cái, 2 bộ nhiễm sắc thể kết hợp lại với nhau và sau đó phân chia thành các tế bào mới giữ nguyên những đặc tính di truyền của các tế bào bố mẹ.
Hiện nay người ta đã có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo, ngay cả với trứng của con người. Thử thách thực sự nằm ở việc thụ tinh chéo giữa các họ khác nhau trong cùng một loài và thậm chí là giữa các loài khác nhau. Khoa học đương đại đã tiến được một bước dài từ việc phát triển những giống ngô lai đầu tiên, hay việc lai tạo giữa chó Alaska với chó sói, hay việc “sáng tạo” ra loài la (kết quả của việc thụ tinh nhân tạo giữa ngựa cái với lừa đực) cho tới khả năng can thiệp vào quá trình sinh sản của Con người.
Quy trình nhân bản vô tính (có từ gốc trong tiếng Hy Lạp là klon – “chồi”) áp dụng trên động vật theo nguyên tắc tương tự như việc cắt lát thân cây để nhân giống cây con. Kỹ thuật áp dụng trên động vật này được thực hiện lần đầu tiên ở Anh, khi Tiến sỹ John Gurdon thay thế nhân của một quả trứng ếch đã được thụ tinh bằng nhân một tế bào khác của con ếch đó. Việc những con nòng nọc nở ra thành công chứng tỏ rằng trứng ếch vẫn tiếp tục phát triển và phân chia để tạo thành nòng nọc bất kể nó nhận được bộ nhiễm sắc thể phù hợp từ đâu.
Các báo cáo thí nghiệm do Viện Xã hội, Đạo đức và Khoa học Sự sống tại Hastings-on-Hudson chỉ ra rằng chúng ta đã có những kỹ thuật cần thiết để tiến hành nhân bản vô tính người. Hiện nay người ta đã có thể lấy được nhân của bất kỳ tế bào nào trong cơ thể người (không nhất thiết phải là tế bào của cơ quan sinh sản) và bằng cách cấy 23 bộ nhiễm sắc thể hoàn chỉnh vào trứng của người phụ nữ nhằm thụ thai và sinh ra một cá thể “định trước”. Trong điều kiện thụ thai bình thường, các bộ nhiễm sắc thể “bố” và “mẹ” trộn lẫn với nhau và sau đó phân chia để duy trì mức 23 cặp nhiễm sắc thể, hiện tượng này dẫn đến những sự kết hợp ngẫu nhiên. Nhưng trong kỹ thuật sinh sản vô tính, cá thể con là một bản sao y hệt của nguồn nhiễm sắc thể không phân chia. Tiến sỹ W. Gaylin chia sẻ trên tờ New York Times rằng chúng ta đã sở hữu “thành tựu diệu kỳ có khả năng tạo ra những bản sao Con người chính xác” – vô số những Hitler, Mozart hay Einstein (nếu chúng ta vẫn còn giữ được nhân tế bào của họ).
Nhưng công nghệ kiến tạo di truyền không chỉ giới hạn trong một phương pháp. Các nhà nghiên cứu trên nhiều quốc gia đã hoàn thiện một quy trình gọi là “hợp nhất tế bào” giúp ta có khả năng hợp nhất các tế bào lại với nhau thay vì kết hợp các nhiễm sắc thể trong cùng một tế bào. Kết quả của quy trình này là các tế bào từ nhiều nguồn khác nhau có thể được hợp nhất thành một “siêu tế bào” có 2 nhân bên trong và 2 bộ nhiễm sắc thể theo cặp. Khi tế bào này phân chia, hỗn hợp giữa nhân tế bào và nhiễm sắc thể sẽ phân chia thành các mẫu vật khác với mẫu vật nguyên bản của từng tế bào trước khi hợp nhất. Kết quả thu được có thể là 2 tế bào mới hoàn chỉnh về mặt di truyền, nhưng mỗi tế bào có một bộ mã gen hoàn toàn mới và hoàn toàn khác so với các tế bào ban đầu.
Điều này có nghĩa là những tế bào của các cơ thể sống từ trước đến nay vốn được coi là không tương thích – ví dụ, tế bào của một con gà và một con chuột – có thể được hợp nhất lại để tạo thành những tế bào mới với những đặc điểm di truyền hoàn toàn mới, từ đó tạo ra những loài động vật mới không phải là gà cũng không phải là chuột như chúng ta vẫn thấy. Nếu được tinh lọc thêm, quá trình này cũng có thể giúp ta lựa chọn những đặc điểm theo ý muốn của một dạng sống để đưa vào trong tế bào kết hợp hay “hợp nhất” này.
Điều này đã dẫn tới sự phát triển của lĩnh vực “cấy ghép di truyền” rộng lớn. Con người hoàn toàn có thể lựa chọn một gen nhất định từ loài vi khuẩn nhất định và cấy gen đó vào một tế bào của động vật hay của con người để bổ sung thêm đặc tính mới cho cá thể con.
Giả sử, thời kỳ này người Nefilim – những người đã thực hiện các chuyến du hành vũ trụ cách đây 450.000 năm – cũng có trình độ phát triển tương đương như chúng ta hiện nay trong lĩnh vực các ngành khoa học sự sống (life sciences), liệu họ có biết kết hợp 2 bộ nhiễm sắc thể theo ý muốn để tạo ra kết quả di truyền định trước theo nhiều cách khác nhau; và liệu quy trình này có giống với quy trình nhân bản vô tính, hợp nhất tế bào, cấy ghép di truyền hoặc các phương pháp chúng ta chưa biết tới hay không để có thể tiến hành kỹ thuật nhân bản không chỉ trong bình thí nghiệm mà còn trên cả các cơ thể sống.
Chúng tôi tìm thấy một tư liệu về sự pha trộn 2 nguồn sống trong các ghi chép cổ. Theo sử gia Berossus, vị thần Belus (“Chúa tể”) – hay còn được gọi là Deus (“Thần”) – đã cho ra đời “những sinh vật gớm guốc được tạo ra theo nguyên tắc nửa nọ nửa kia”:
Những sinh vật ra đời với 2 cái cánh, một số có 2 hoặc 4 khuôn mặt. Chúng chỉ có một thân nhưng 2 đầu, một đầu là nam, một đầu là nữ. Tương tự, một số bộ phận trên cơ thể chúng cũng nửa nam nửa nữ.
Người ta nhìn thấy những sinh vật có phần thân người với chân và sừng dê. Một số có chân ngựa, số khác có thân dưới là ngựa, còn thân trên là hình người – nhân mã. Những con bò cũng được sinh ra với đầu người; chó có 4 chân kèm đuôi cá; ngựa đầu chó, người và các loài động vật khác có đầu và thân ngựa, đuôi cá. Tóm lại, ở đó hầu hết các sinh vật đều có một số bộ phận của những loài động vật khác nhau…
Hình vẽ của tất cả những sinh vật này được lưu giữ tại đền thờ Belus ở Babylon.

*

Những chi tiết đầy rắc rối trong câu chuyện này có thể chứa đựng một sự thật quan trọng. Có thể, trước khi dùng đến phương sách tạo ra loài sinh vật giống mình, người Nefilim đã thử tiến hành “sản xuất nô bộc” bằng cách thực hiện nhiều phương án khác nhau: tạo ra loài động vật lai giữa khỉ-người-động vật. Một số sinh vật nhân tạo này có thể sống được một thời gian nhưng hiển nhiên không thể sinh sản được. Loài nhân ngưu và nhân sư đầy bí ẩn được trang trí trong các ngôi đền ở vùng Cận Đông cổ đại có thể không chỉ là những sản phẩm tưởng tượng của người nghệ sỹ mà là các sinh vật có thực bước ra từ phòng thí nghiệm sinh học của người Nefilim – những thí nghiệm thất bại được ghi nhận bằng hội họa và điêu khắc. (Hình 150)

Hình 150

Các ghi chép của người Sumer cũng kể về những sinh vật dị dạng do Enki và Nữ thần Mẹ (Ninhursag) tạo ra trong quá trình nỗ lực làm ra một Nhân công Nguyên thủy hoàn hảo. Một bản ghi chép kể rằng Ninhursag, vị thần có nhiệm vụ “áp khuôn mẫu của các vị thần lên hỗn hợp”, đã say rượu và “gọi tên Enki”:
“Cơ thể Con người tốt xấu thế nào rồi?
Trái tim ta mách bảo rằng,
Ta có thể làm cho số phận nó tốt hay xấu.”
Sau đó, kết quả không như ý muốn nhưng là một phần tất yếu của phương pháp thử sai – Ninhursag đã tạo ra một người đàn ông không thể kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình, một người đàn bà không thể có con, một sinh vật có những bộ phận chẳng phải là nam cũng không phải là nữ. Ninhursag đã cho ra đời tổng cộng 6 người dị dạng hoặc khuyết tật. Enki cũng sáng tạo không thành công một người đàn ông với đôi mắt hỏng, bàn tay run rẩy, lá gan ốm yếu, trái tim bệnh tật; người thứ hai với những bệnh tật của tuổi già, v.v…
Nhưng cuối cùng họ cũng tạo ra được Con người hoàn hảo – con người mà Enki đặt tên là Adapa; Kinh thánh gọi là Adam; còn các chuyên gia của chúng ta gọi là Homo sapiens. Sinh vật này giống các vị thần đến mức một bản ghi chép cổ còn sót lại chỉ ra rằng Nữ thần Mẹ đã trao cho sản phẩm sáng tạo của mình, Con người, “làn da như các vị thần” – một cơ thể láng mịn, khác hoàn toàn so với loài khỉ.
Với sản phẩm cuối cùng này, người Nefilim giờ đây đã tương thích về mặt di truyền với con gái của Loài người và có thể kết hôn rồi sinh con đẻ cái cùng với họ. Nhưng sự tương thích này chỉ tồn tại nếu Loài người phát triển từ cùng một loại gen hay “mầm mống sự sống” như người Nefilim. Và điều này đã được các ghi chép cổ đại xác thực.
Theo quan niệm của người Mesopotamia cũng như trong Kinh thánh, Con người được tạo thành từ hỗn hợp giữa một nguyên tố thần thánh – máu hoặc “tinh hoa” của một vị thần – với “đất sét” của Trái đất. Thực tế, thuật ngữ lulu vừa có nghĩa là “Con người” vừa mang nghĩa “nguyên thủy” và “kẻ được nhào nặn”. Khi được yêu cầu nặn ra một con người, Nữ thần Mẹ đã “rửa tay, véo một cục đất sét, nhào nặn và đặt nó trong thảo nguyên”. (Thật thú vị khi biết rằng vị nữ thần này cũng giữ các nguyên tắc vệ sinh thể hiện qua việc “rửa tay” trước khi thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi cũng thấy các quy trình và biện pháp lâm sàng này trong nhiều bản ghi chép về sự sáng tạo ra con người khác.)
Việc sử dụng “đất sét” của Trái đất trộn với “máu” của thần linh để tạo ra nguyên mẫu của Con người được khẳng định chắc chắn trong các ghi chép của người Mesopotamia. Một ghi chép đề cập đến việc Enki được triệu tập để “truyền lại một công trình Trí tuệ nào đó” – công trình tri thức khoa học – với nội dung rằng Enki không gặp khó khăn gì với nhiệm vụ “nặn ra những kẻ nô bộc cho các vị thần”. Ngài tuyên bố: “Ta có thể làm được!”. Sau đó ngài hướng dẫn cho Nữ thần Mẹ:
“Nhào nặn phần cốt bằng đất sét
lấy từ Mặt đất,
ngay phía trên Abzu
và nặn nó thành hình cốt.
Ta sẽ cử những vị thần trẻ tuổi giỏi giang
chuyển cục đất sét vào điều kiện phù hợp”.
Chương 2 của Sáng Thế Ký cũng đề cập đến quy trình kỹ
thuật này:
Và Ðức Giê-hô-va, Elohim, nặn ra Adam,
từ đất sét trên mặt đất;
và Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi của chàng,
biến Adam thành một Linh hồn sống.
Trong tiếng Hebrew, nephesh thường được dịch ra là “linh hồn”, một loại “tinh thần” khó nắm bắt tạo sinh khí cho sinh vật sống và mất đi khi sinh vật đó chết. Thật trùng hợp, năm cuốn Kinh Cựu ước đầu tiên (Pentateuch) không ngừng hô hào chống lại sự đổ máu của con người và việc ăn uống máu động vật “bởi vì máu là nephesh”. Như vậy, các câu chuyện về sáng tạo Loài người trong Kinh thánh đã đánh đồng nephesh (“tinh thần”, “linh hồn”) với máu.
Kinh Cựu ước cũng đưa ra một dẫn chứng khác về vai trò của máu trong quá trình sáng tạo Loài người. Thuật ngữ adama (tên Adam được đặt theo thuật ngữ này) có nghĩa gốc không phải là bất cứ loại đất nào mà là đất màu đỏ thẫm. Giống như thuật ngữ tương đương adamatu (“đất đỏ thẫm”) trong tiếng Akkad, thuật ngữ adama trong tiếng Hebrew và danh từ chỉ màu đỏ trong tiếng Hebrew (adom) đều bắt nguồn từ các từ chỉ máu: adamu, dam. Việc gọi tên sinh vật được Đức Chúa tạo ra là “Adam” trong cuốn Sáng Thế Ký chính là việc vận dụng hiện tượng đa nghĩa này trong ngôn ngữ Sumer. Từ “Adam” vừa có nghĩa là “con người của cát bụi” (Người trần), “con người được làm từ đất màu đỏ thẫm”, và “con người được làm từ máu”.
Mối quan hệ tương tự giữa thành phần cơ bản của các sinh vật sống và máu cũng được thể hiện trong các câu chuyện về sự sáng tạo ra Con người của người Mesopotamia. Ngôi nhà giống như bệnh viện nơi Ea và Nữ thần Mẹ tạo ra Con người được gọi là Ngôi nhà Shimti; đa phần các chuyên gia dịch từ này thành “ngôi nhà nơi quyết định các số phận”. Nhưng thuật ngữ Shimti lại có nguồn gốc rõ ràng từ thuật ngữ SHI.IM.TI trong tiếng Sumer, được dịch nghĩa theo âm tiết là “hơi thở-gió-sự sống”. Bit Shimti có nghĩa đen là “ngôi nhà nơi ngọn gió sự sống được thổi vào”. Đây cũng là ý tưởng được thể hiện trong Kinh thánh.
Trong thực tế, từ Akkad được sử dụng trong tiếng Mesopotamia để dịch nghĩa từ SHI.IM.TI của người Sumer là napishtu – chính là từ tương đương với thuật ngữ nephesh trong Kinh thánh. Và nephesh hay napishtu này là một “thứ gì đó” rất mơ hồ có ở trong máu.
Trong khi Kinh Cựu ước chỉ đưa ra được những dẫn chứng sơ sài thì các ghi chép của người Mesopotamia lại trình bày chủ đề này khá rõ ràng. Các ghi chép cổ còn sót lại không những khẳng định rằng máu là yếu tố cần thiết cho quá trình nhào nặn hỗn hợp đất sét-máu thành Con người mà còn chỉ rõ rằng đó phải là máu của một vị thần, dòng máu thần thánh.
Khi các vị thần quyết định tạo ra Con người, vị thần đứng đầu tuyên bố: “Ta sẽ thu thập máu để biến xương cốt thành sinh vật”. Cho rằng dòng máu này phải được lấy ra từ một vị thần cụ thể, Ea lên tiếng: “Hãy để những sinh vật nguyên thủy đó được nhào nặn theo khuôn mẫu của vị thần này”. Sau khi lựa chọn được vị thần theo ý muốn,
Từ dòng máu của ngài họ nặn nên Con người;
đặt lên vai nó gánh nặng công việc nhằm giải phóng các vị thần…
Đó là một công việc vượt xa tầm hiểu biết.
Theo thiên sử thi “When the gods as men”, các vị thần đã triệu tập Nữ thần Sinh sản (Nữ thần Mẹ, Ninhursag) và yêu cầu bà thực hiện nhiệm vụ:
Khi Nữ thần Sinh sản có mặt
Hãy để Nữ thần nặn ra một đứa con.
Trong khi Mẹ của các vị Thần có mặt,
Hãy để Nữ thần nặn ra Lulu;
Hãy để nhân công này đảm đương gánh nặng công việc cho các
vị thần.
Hãy để bà tạo ra một Lulu Amelu,
Hãy để hắn mang trên vai gánh nặng.
Trong một ghi chép tương tự của người Babylon cổ có tên “Nữ thần Mẹ tạo ra Con người”, các vị thần triệu tập “Bà mụ của các vị thần, Mami thông thái” và bảo bà:
Mẹ Sinh sản
Người có khả năng tạo ra Con người.
Vậy hãy tạo ra Lulu, để hắn mang lấy gánh nặng!
Đến đây, thiên sử thi “When the gods as men” và các ghi chép tương tự khác đều hướng tới mô tả chi tiết quá trình sáng tạo Con người. Sau khi nhận lời thực hiện “công việc” này, vị nữ thần này (NIN.TI – “nữ thần mang lại sự sống”) đưa ra một số yêu cầu, trong đó có một số hóa chất như “bitum của vùng Abzu” được dùng để “tẩy rửa” và “đất sét của vùng Abzu”.
Dù các nguyên liệu này là gì đi nữa thì Ea cũng không mấy khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu này; sau khi chấp thuận, ngài phán:
“Ta sẽ chuẩn bị một bồn tẩy rửa.
Hãy lấy máu của một vị thần…
Từ máu thịt của vị thần này,
hãy để Ninti nhào trộn với đất sét.”
Để tạo hình một con người từ phần đất sét đã nhào trộn, cần phải có sự trợ giúp của một số trợ lý nữ và cần phải trải qua các giai đoạn mang thai và sinh nở. Enki đề nghị giao công việc này cho vợ mình:
Ninki, phu nhân của ta,
sẽ là người phụ trách việc đó.
7 nữ thần Sinh sản
sẽ ở bên để giúp đỡ nàng.
Sau giai đoạn nhào trộn “máu” với “đất sét”, thì giai đoạn sinh nở sẽ hoàn tất việc trao “dấu ấn” thần linh lên sinh vật đó.
Các vị thần sẽ tuyên bố số phận của đứa trẻ mới sinh;
Ninki sẽ định hình ảnh của các vị thần lên nó;
Và nó sẽ trở thành “Con người”.
Các bức họa trên con dấu của người Assyria có thể nhằm mục đích minh họa cho các ghi chép này bằng việc thể hiện Nữ thần Mẹ (với biểu tượng là chiếc kéo cắt dây rốn) và Ea (biểu tượng hình trăng lưỡi liềm) đang chuẩn bị các hỗn hợp, xướng các câu thần chú, hối thúc nhau tiến hành công việc. (Hình 151, 152)

Hình 151

Hình 152

Vai trò tham gia của Ninki, vợ Enki trong quá trình sáng tạo ra mẫu vật Con người thành công đầu tiên này khiến cho ta nhớ đến câu chuyện về Adapa ở chương trước:
Trong những năm tháng đó,
Ea, Đấng Thông thái của Eridu,
tạo ra chàng ta là hình mẫu của con người.
Các chuyên gia đã phát hiện ra rất nhiều tư liệu thể hiện Adapa là “con trai” của Ea, điều này chứng tỏ rằng thần Ea yêu quý con người này đến mức ngài đã nhận chàng làm con nuôi. Nhưng trong bản ghi chép khác Anu lại gọi Adapa là “đứa con loài người của Enki”. Dường như việc vợ Enki “mang nặng đẻ đau” Adapa hay “Adam hình mẫu” đã hình thành nên mối quan hệ phả hệ bền chặt giữa Con người mới được tạo ra này và vị thần mẹ của mình!
Ninti chúc phúc cho đứa trẻ mới ra đời và đưa nó đến trước mặt Ea. Một số con dấu lăn thể hiện cảnh một vị nữ thần đứng bên cạnh Cây Trường sinh và những bình thí nghiệm đang giữ một đứa trẻ sơ sinh trên tay. (Hình 153)
Sinh vật vừa được tạo ra và thường được nhắc tới như là “Con người hình mẫu” hay “khuôn mẫu” trong các ghi chép của người Mesopotamia này rõ ràng là một sinh vật chuẩn mực và phù hợp, bởi sau đó, các vị thần đã yêu cầu tiếp tục tạo ra các bản sao của nó. Chi tiết dường như không mấy quan trọng này không chỉ làm sáng tỏ quy trình “tạo ra” con người mà còn lý giải cho những thông tin trái ngược trong Kinh thánh.
Chương đầu tiên của Sáng Thế Ký viết rằng:
Elohim sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Ngài sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Ngài sáng tạo con người có nam có nữ.
Còn Chương 5, hay còn được gọi là Sách Phả hệ của Adam, lại viết rằng:
Ngày Elohim tạo ra Adam,
giống hệt Elohim.
Ngài tạo con người có nam có nữ,
Ngài ban phước lành cho họ
và đặt tên cho họ là “Adam”.
Cùng một lúc, chúng ta thấy Thiên Chúa tạo ra một sinh vật duy nhất là “Adam” theo khuôn mẫu của ngài và rồi lại thấy một nam một nữ được tạo ra đồng thời. Nghịch lý này được khắc sâu hơn trong chương 2 của cuốn Sáng Thế Ký, với nội dung cụ thể rằng Adam chỉ có một mình trong một thời gian cho đến khi Thiên Chúa khiến chàng ngủ thiếp đi và tạo ra đàn bà từ xương sườn của chàng.
Nghịch lý vốn làm đau đầu các chuyên gia và các nhà thần học này sẽ được xóa bỏ khi chúng ta nhận ra rằng Kinh thánh là một bản rút gọn từ các tư liệu có nguồn gốc Sumer. Những nguồn tư liệu này cho ta biết rằng sau khi tìm cách tạo ra một Nhân công Nguyên thủy bằng cách “pha trộn” khỉ hình người với các loài động vật khác, thì các vị thần rút ra kết luận rằng cách pha trộn giữa khỉ hình người với chính người Nefilim có hiệu quả nhất. Sau vài nỗ lực bất thành, một “mẫu hình” – Adapa/Adam – được tạo ra. Ban đầu chỉ có duy nhất một Adam.
Sau khi Adapa/Adam chứng tỏ được mình là sinh vật phù hợp, chàng được sử dụng làm “mẫu hình” di truyền hay “khuôn mẫu” để tạo ra các bản sao khác và các bản sao này không đơn thuần chỉ là đàn ông mà có cả đàn bà. Như chúng tôi đã chỉ ra, “chiếc xương sườn” tạo ra Đàn bà trong Kinh thánh chính là một phép chơi chữ từ chữ TI (“xương sườn” và “sự sống”) trong tiếng Sumer – chứng tỏ Eve được tạo ra từ “tinh chất sự sống” của Adam.
Các ghi chép của người Mesopotamia kể cho chúng ta nghe về trường hợp “mắt thấy tai nghe” quy trình sản xuất các bản sao của Adam.
Người ta tuân thủ theo các chỉ dẫn của Enki. Trong Ngôi nhà Shimti – nơi hơi thở của sự sống được “thổi vào” – Enki, Nữ thần Mẹ và 14 nữ thần sinh sản khác tập hợp lại. Họ lấy ra “tinh chất” của một vị thần, chuẩn bị “bồn tắm tẩy rửa”. “Ea cùng với bà rửa sạch đất sét; ngài không ngừng xướng lên câu thần chú”.
Ea, vị thần tẩy rửa cho Napishtu cất tiếng.
Ngồi trước mặt bà, ngài chỉ dẫn cho bà.
Sau khi xướng lên câu thần chú,
Bà đặt tay mình lên đống đất sét.
Giờ thì chúng tôi đã được bật mí về quy trình sản xuất Con người hàng loạt khá chi tiết này. Với sự tham gia của 14 vị nữ thần sinh sản,
Ninti véo ra 14 mẩu đất sét;
Bà đặt 7 mẩu phía bên phải,
7 mẩu bà đặt phía bên trái.
Ở chính giữa bà đặt cái nôi.
…lông tóc bà…
…cái kéo cắt cuống rốn.
Rõ ràng là những vị nữ thần sinh sản này được chia thành 2 nhóm. “2 nhóm, mỗi nhóm 7 nữ thần thông thái và uyên bác có mặt”, bản ghi chép này tiếp tục giải thích. Nữ thần Mẹ đặt vào trong tử cung của họ lần lượt những phần “đất sét đã được nhào trộn”. Có thể đã có một cuộc phẫu thuật bởi lông tóc được cạo đi và dụng cụ phẫu thuật là chiếc kéo đã sẵn sàng. Giờ họ không phải làm gì ngoài việc chờ đợi:
Các nữ thần sinh sản được giữ lại gần nhau.
Ninti ngồi đếm các tháng trôi qua.
Tháng thứ mười định mệnh đang đến gần;
Tháng thứ mười cuối cùng cũng đã đến;
Thời kỳ mở tử cung đã trôi qua.
Mặt bà sáng bừng:
Bà trùm đầu, thực hiện công việc bà đỡ.
Bà vòng tay quanh bụng, miệng ban lời cầu phúc.
Bà tạo hình hài; nằm trong nôi là sự sống.
Dường như hiện tượng sinh muộn khiến quá trình tạo ra Con người trở nên kịch tính hơn. “Hỗn hợp” giữa “đất sét” và “máu” được sử dụng để thụ thai cho 14 vị nữ thần sinh sản. Nhưng 9 tháng trôi qua và tháng thứ mười đã tới. “Thời kỳ mở tử cung đã trôi qua.” Hiểu được tình thế lúc đó, Nữ thần Mẹ “thực hiện công việc bà đỡ” – thực hiện phẫu thuật để đưa em bé ra, điều này được thể hiện rõ ràng hơn trong một bản ghi chép tương tự (tuy có một số phần bị mất):
Ninti…đếm số tháng…
Đếm đến tháng thứ mười định mệnh;
Bà Đỡ đã đến.
Với cái… bà mở tử cung ra.
Mặt bà rạng ngời hân hoan.
Đầu của bà được trùm lại;
… thực hiện một cuộc mổ mở;
lấy ra … từ tử cung.
Ngập tràn niềm hân hoan, vị Nữ thần Mẹ này kêu lên.
“Ta đã tạo ra!
Bàn tay ta đã làm được!”

*

Quá trình tạo ra con người được hoàn tất như thế nào?
Thiên sử thi “When the gods as men” có một đoạn giải thích tại sao “máu” của một vị thần phải được trộn với “đất sét”. Yếu tố “thần thánh” ở đây không còn đơn thuần là yếu tố huyết thống của một vị thần nữa mà là điều gì đó cơ bản và bền vững hơn. Vị thần được lựa chọn là TE.E.MA – thuật ngữ mà các nhà nghiên cứu hàng đầu (W. G. Lambert và A. R. Millard thuộc Đại học Oxford) dịch là “nhân tính”. Nhưng ý nghĩa của thuật ngữ cổ xưa này cụ thể hơn nhiều với nghĩa đen là “thứ chứa đựng những kết nối ký ức”. Thêm nữa, thuật ngữ tương tự trong dị bản của người Akkad là etemu, được dịch là “tinh thần”.
Cả 2 trường hợp này đều đề cập đến “thứ gì đó” có liên quan đến máu của vị thần và chứa đựng những đặc tính cá nhân của vị thần đó. Chúng tôi tin chắc rằng đây là cách nói vòng vo nhằm khẳng định những gì mà Ea đang tìm kiếm khi ngài đưa máu của vị thần qua một loạt các “bồn tẩy rửa” chính là gen của vị thần này.
Mục đích của việc trộn lẫn “yếu tố thần linh” này với đất sét cũng được trình bày trong một ghi chép cổ như sau:
Trong đất sét, thần linh và Con người hòa quyện,
thành một thực thể thống nhất;
Để đến ngày cuối cùng
Xác thịt và Linh hồn
chín muồi trong hình hài một vị thần
Linh hồn hòa quyện trong mối quan hệ máu mủ;
Khi dấu hiệu sự sống của nó xuất hiện.
Để điều này không rơi vào quên lãng,
Hãy để “Linh hồn” hòa quyện trong mối quan hệ máu mủ.
Các chuyên gia cũng chưa thể hiểu hết được ý nghĩa của những ngôn từ mạnh mẽ này. Đoạn ghi chép mô tả việc máu của vị thần được trộn lẫn với đất sét để thần linh và Con người gắn kết lại với nhau về mặt di truyền “cho đến ngày cuối cùng” để cả xác thịt và linh hồn của các vị thần được in dấu lên Con người thông qua mối qua hệ máu mủ không bao giờ bị chia lìa.
Thiên sử thi Gilgamesh kể rằng khi các vị thần quyết định tạo ra một bản sao của á thần Gilgamesh, Nữ thần Mẹ đã trộn “đất sét” với “tinh chất” của thần Ninurta. Trong phần sau của sử thi này, sức mạnh phi thường của Enkidu được truyền cho thần qua “tinh chất của Anu” mà thần có trong người, một yếu tố mà thần có được từ Ninurta, cháu trai của Anu.
Thuật ngữ kisir của người Akkad chỉ một loại “tinh chất”, một “chất cô đặc” mà các vị thần trên Thiên đường có được. E. Ebeling đã tổng kết những nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa đích thực của từ kisir bằng cách khẳng định rằng “Tinh chất, hay một số sắc thái của thuật ngữ này đều có thể vận dụng để chỉ các vị thần cũng như những tên lửa từ trên Thiên đường.” E. A. Speiser nhất trí rằng thuật ngữ này cũng ám chỉ “thứ gì đó từ trên Thiên đường xuống”. Chúng tôi trở lại với cách dịch đơn giản chỉ một từ duy nhất: gen.
Các bằng chứng trong những ghi chép cổ đại của cả người Mesopotamia lẫn Kinh thánh đều cho ta thấy rằng quy trình trộn lẫn 2 bộ gen thần linh và người Homo erectus được thể hiện qua việc sử dụng yếu tố thần linh là gen giống đực và đất sét là gen giống cái.
Với việc liên tục khẳng định rằng Thiên Chúa sáng tạo ra Adam theo hình ảnh của ngài và giống như ngài, sau đó cuốn Sáng Thế Ký mô tả sự ra đời của con trai Adam là Seth như sau:
Adam sống được 130 năm,
và có một con trai
theo hình ảnh ngài và giống hệt ngài;
và ngài gọi nó là Seth.
Hệ thống thuật ngữ chuyên biệt đã được vận dụng tối đa để mô tả về quá trình Thiên Chúa sáng tạo ra Adam. Nhưng ắt hẳn Seth được Adam sinh ra bằng quy trình sinh học – tinh trùng của Adam thụ tinh với trứng, sau đó là thụ thai, mang thai và sinh nở. Thuật ngữ tương tự thể hiện quy trình tương tự, vậy thì rất có thể Adam cũng được Thiên Chúa tạo ra bằng một quy trình thụ tinh trứng với tinh trùng của một vị thần.
Nếu như “đất sét” được sử dụng để trộn lẫn với yếu tố thần linh này là một yếu tố thuộc mặt đất theo như tất cả các ghi chép đề cập thì chúng ta chỉ có thể đưa ra kết luận duy nhất là tinh trùng của một vị thần – vật chất di truyền của vị thần này – đã được kết hợp với trứng của một con khỉ hình người!
Thuật ngữ tiếng Akkad – tit dùng để chỉ “đất sét” hoặc “đất sét làm khuôn”. Nhưng cách phát âm ban đầu của thuật ngữ này là TI.IT (“thứ đi cùng sự sống”). Trong tiếng Hebrew, tit có nghĩa là “bùn”; nhưng từ đồng nghĩa của nó là bos, có chung nguồn gốc với từ bisa (“đầm lầy”) và besa (“trứng”).
Câu chuyện Sáng tạo Thế giới đầy rẫy những phép chơi chữ. Chúng ta đã chứng kiến trường hợp nghĩa đôi, nghĩa ba của Adam-adama-adamtu-dam. Biệt hiệu của Nữ thần Mẹ, NIN.TI, vừa có nghĩa là “Nữ thần Sự sống” vừa có nghĩa là “Nữ thần Xương sườn”.
Vậy thì tại sao bos-bisa-besa (“đất sét-bùn-trứng”) lại không phải là một phép chơi chữ để chỉ trứng của người phụ nữ?
Trứng của một Homo erectus cái được thụ tinh bằng gen của một vị thần và sau đó được cấy vào trong tử cung của vợ Ea; sau khi có được “khuôn mẫu”, các bản sao của nó được cấy vào trong tử cung của các nữ thần sinh sản khác để họ trải qua quá trình mang thai và sinh đẻ.
Hai nhóm nữ thần sinh sản thông thái và uyên bác
Mỗi nhóm 7 vị được tập hợp lại;
7 người sinh ra con trai,
7 người sinh ra con gái.
Nữ thần Mẹ sinh ra
Ngọn gió mang Hơi thở Sự sống.
Chúng được hoàn thiện theo từng cặp,
Chúng được hoàn thiện theo từng cặp trước mặt bà.
Những sinh vật này là Con người
Những sinh vật của Nữ thần Mẹ.
Người Homo sapiens đã được tạo ra.
Các truyền thuyết và huyền thoại cổ xưa, những thông tin trong Kinh thánh cùng khoa học hiện đại đều có chung tiếng nói trên một phương diện nữa. Giống như các phát hiện của các nhà nhân chủng học đương đại rằng Con người tiến hóa và xuất hiện ở vùng đông nam Phi, các ghi chép của người Mesopotamia cho rằng sự sáng tạo ra con người diễn ra ở Apsu, vùng Âm Phủ nơi có Xứ sở Hầm mỏ. Tương tự như Adapa, “hình mẫu” của Con người, thì “Amama linh thiêng, người phụ nữ của Mặt đất” có cung điện ở Apsu cũng được đề cập đến trong một số ghi chép.
Trong bản ghi chép “Sử thi sáng tạo Con người”, Enki đã đưa ra những chỉ dẫn sau cho Nữ thần Mẹ: “Nhào nặn phần cốt bằng đất sét lấy từ Mặt đất ngay phía trên Abzu”. Một bài hát ca ngợi ơn sáng tạo của Ea, đấng “xây dựng tại Apsu nơi trú ngụ cho mình”, được mở đầu bằng lời ca khẳng định:
Thần Ea ở Apsu
véo một mẩu đất sét,
tạo ra Kulla để khôi phục các đền thờ.
Bài thánh ca này tiếp tục kể tên các chuyên gia xây dựng cũng như những người phụ trách “các sản vật dồi dào của núi và biển”, những người mà rất có thể đã được Ea tạo ra từ những mẩu “đất sét” được véo từ Abzu – Xứ sở Hầm mỏ ở Âm Phủ.
Các ghi chép này cũng đưa ra nhiều cứ liệu chứng minh rằng trong khi Ea xây dựng một ngôi nhà gạch cạnh đầm nước ở Eridu thì ở Abzu ngài cho xây một ngôi nhà trang trí bằng đá quý và bạc. Đây cũng chính là nơi ngài sáng tạo ra sinh vật giống mình, Con người:
Chúa tể của AB.ZU, đức vua Enki…
Xây dựng ngôi nhà của mình bằng bạc và đá xanh;
Bạc và đá xanh với những tia sáng lấp lánh,
Đức Cha dựng nên sự hoàn mỹ ở AB.ZU.
Những Sinh vật với diện mạo sáng lạn,
Ra đời từ AB.ZU,
Tất cả đều đứng quanh Chúa tể Nudimmud.
Từ những ghi chép khác nhau, chúng ta còn có thể kết luận rằng việc tạo ra con người đã gây nên mối bất hòa chia rẽ các vị thần. Dường như lúc đầu những Nhân công Nguyên thủy này chỉ được sử dụng ở Xứ sở Hầm mỏ. Vì vậy, các Anunnaki đang phải lao động ở Sumer không được hưởng lợi từ nguồn nhân lực mới này. Một tư liệu đầy bí ẩn được các chuyên gia đặt tên là “Huyền thoại về chiếc cuốc chim”, thực tế là bản ghi chép những sự kiện đã diễn ra mà nhờ đó các Anunnaki ở Sumer dưới quyền của Enlil đạt được quyền lợi công bằng về vấn đề Người Đầu Đen.
Trong nỗ lực lập lại “trật tự bình thường”, Enlil đã thực hiện một hành động cực đoan nhằm cắt đứt những mối liên hệ giữa “Thiên đường” (Hành tinh thứ Mười hai hoặc tàu mẹ) với Mặt đất và thực hiện một số hành động quyết liệt chống lại nơi “khởi nguồn mầm mống xác thịt”:
Chúa tể,
Điều thích đáng mà ngài sắp mang lại.
Chúa tể Enlil,
Với những quyết định không thể nào thay đổi,
Thực sự thúc đẩy quá trình chia rời Thiên đường khỏi Mặt đất
Để những Kẻ Được tạo ra có thể ra đời;
Thực sự thúc đẩy quá trình chia rời Mặt đất khỏi Thiên đường.
Ngài cắt một vết sâu vào “Kết nối Thiên đường-Mặt đất”
Để những Kẻ Được tạo ra có thể đứng lên
Từ Nơi Khởi nguồn của Xác thịt
Để chống lại “Xứ sở của Cuốc chim và Giỏ đựng”, Enlil đã tạo ra vũ khí kỳ diệu AL.A.NI (“chiếc rìu tạo ra năng lượng”). Vũ khí này có một chiếc “răng” “giống như con bò một sừng” có thể tấn công và phá hủy những bức tường lớn. Theo tất cả các bản miêu tả thì nó là một mũi khoan lớn được gắn trên đầu một phương tiện giống như xe ủi phá tan mọi vật cản phía trước nó:
Ngôi nhà chứa những kẻ nổi loạn chống lại Chúa tể,
Ngôi nhà không phục tùng Chúa tể,
AL.A.NI khiến nó phải quy phục Chúa tể.
Với… tồi, nó nghiền nát các ngọn cây;
Bật tung gốc cây, xé toác thân cây.
Trang bị một “máy xẻ đất” cho vũ khí của mình, Enlil phát động cuộc tấn công:
Chúa tể ra lệnh cho AL.A.NI tiến lên.
Ngài đặt chiếc Máy xẻ đất trên đỉnh của nó,
Và lái nó vào Nơi Khởi nguồn của Xác thịt.
Trong hố là đầu của một người đàn ông;
Từ trên Mặt đất, mọi người đang đột phá
về phía Enlil.
Ngài nhìn những Kẻ Đầu đen với ánh mắt kiên định.
Các Anunnaki đầy cảm kích đã đề đạt nguyện vọng cử các Nhân công Nguyên thủy đến và buộc họ bắt tay ngay vào công việc:
Các Anunnaki bước về phía ngài,
Giơ tay chào đón ngài,
Rót vào tim Enlil những lời thỉnh cầu.
Họ đề nghị ngài cử tới những Kẻ Đầu đen.
Họ giao những chiếc cuốc chim
Cho những Kẻ Đầu đen nắm giữ.
Cuốn Sáng Thế Ký cũng chứa đựng những thông tin rằng “Adam” được tạo ra ở đâu đó thuộc tây Mesopotamia, sau đó được mang tới đông Mesopotamia để làm việc trong Vườn Eden:
Và Đức Giê-hô-va
Trồng một vườn cây ăn quả ở Eden, về phía đông…
Và Ngài đưa Adam tới
Đặt vào vườn Eden
Để cày cấy và canh giữ đất đai.