CHƯƠNG 13
GIỜ TẬN SỐ CỦA MỌI XÁC PHÀM

     iềm tin bất diệt về một Thời kỳ Vàng nào đó từng tồn tại trong thời tiền sử không thể nào bắt nguồn từ ký ức của Con người, bởi sự kiện này diễn ra đã quá lâu và Con người lúc đó còn quá nguyên sơ để có thể ghi lại bất cứ thông tin xác thực nào cho các thế hệ tương lai. Nếu bằng cách nào đó Con người có tiềm thức tốt đẹp về những ngày xa xưa nhất khi Nhân loại đã trải qua một thời kỳ yên bình và hạnh phúc thì có lẽ là bởi vì Con người không phải được nghe những câu chuyện về thời kỳ do các bậc tiền nhân kể lại mà do chính người Nefilim truyền thụ.
Câu chuyện về Adam và Eve ở Vườn Eden trong Kinh thánh chính là câu chuyện hoàn chỉnh duy nhất về các sự kiện xảy ra với Con người sau khi được đưa tới Cung điện của các vị Thần ở Mesopotamia:
Rồi Ðức Giê-hô-va trồng một vườn cây
Ở Eden, về phía đông;
Và đặt vào đó,
Adam, con người do chính Ngài nặn ra.
Và Ðức Giê-hô-va
Khiến từ đất mọc lên
Đủ mọi loại cây
trông đẹp mắt, nếm ngon miệng;
Với Cây Trường sinh ở giữa vườn
Và Cây nhận biết Thiện – Ác…
Ðức Giê-hô-va đem Adam
Đặt vào vườn Eden,
Để cày cấy và canh giữ đất đai.
Ðức Giê-hô-va truyền lệnh cho Adam rằng:
“Ngươi có thể nếm bất kỳ trái cây nào trong vườn;
nhưng trái Cây nhận biết Thiện - Ác,
thì không được nếm;
nếu không tuân lệnh
chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”
Tuy trong vườn có 2 loại cây ăn quả nhưng Con người chỉ bị cấm đụng đến quả Nhận thức và dường như Đức Chúa không quan tâm đến việc họ có đụng đến Quả Trường sinh hay không. Tuy nhiên, Con người đã không thể tuân theo điều cấm kị duy nhất này và bi kịch đã xảy ra.
Khung cảnh nên thơ của khu vườn Eden nhanh chóng nhường chỗ cho những diễn biến kịch tính mà các nhà nghiên cứu Kinh thánh và các nhà thần học gọi là Sự Sụp đổ của Loài người. Đó là câu chuyện với những chuỗi sự kiện như việc không tuân lệnh thần linh, những lời nói dối thần thánh, một Con rắn xảo quyệt (nhưng nói sự thật), sự trừng phạt và trục xuất.
Con rắn không biết từ đâu xuất hiện đã thử thách những cảnh báo nghiêm khắc của Đức Chúa:
Và Rắn… hỏi người đàn bà:
“Có phải Thiên Chúa bảo
‘Các ngươi không được ăn bất kỳ loại trái cây nào trong vườn không?’”
Người đàn bà đáp:
“Trái các cây trong vườn,
chúng tôi được phép ăn.
Còn trái trên cây giữa vườn,
Thiên Chúa đã bảo:
‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, nếu không sẽ
phải chết.’”
Và Rắn nói với người đàn bà:
“Chẳng có chết chóc nào cả!
Nhưng Thiên Chúa biết rằng
ngày nào các người ăn trái cây đó,
mắt các người sẽ mở ra và sáng tỏ
giống như Thiên Chúa
biết được những điều thiện điều ác.”
Người đàn bà thấy trái cây đó trông đẹp mắt,
ăn lại ngọt mát,
Và đặc biệt là làm mình tinh khôn.
Bà liền hái trái ăn,
Rồi mời chồng cũng ăn.
Ngay sau đó, mắt 2 người mở ra,
Và họ thấy mình trần truồng;
họ kết lá lại
để làm khố che thân.
Đọc đi đọc lại câu chuyện ngắn gọn mà tỉ mỉ này, chúng ta không thể không tự hỏi về điểm mâu thuẫn ở đây. Ban đầu hai Con người này bị cấm đoán với lời đe dọa sẽ chết ngay cả khi đụng vào Trái Cây Nhận thức, nhưng rồi lại bị con rắn thuyết phục làm tới và ăn quả đó để “nhận thức” được như Thiên Chúa. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả “nhận thức” mà họ có được chỉ là biết được mình đang trần truồng.
Tình trạng trần truồng thực chất là một khía cạnh chủ chốt của toàn bộ câu chuyện này. Câu chuyện về Adam và Eve ở Vườn Eden trong Kinh thánh bắt đầu bằng câu: “Adam và vợ mình đều trần truồng trước mặt nhau mà không xấu hổ”. Theo như cách hiểu của chúng tôi, họ đang ở giai đoạn phát triển thấp hơn so với người hiện đại: Họ không chỉ trần truồng mà còn không ý thức được ý nghĩa của việc trần truồng đó.
Khi nghiên cứu sâu hơn câu chuyện trong Kinh thánh này chúng tôi thấy rằng nó đã đề cập đến chủ đề chính là việc con người đạt được khả năng liên quan đến tình dục và sinh sản. Những “nhận thức” mà con người bị cấm đoán không phải là những thông tin khoa học mà là điều gì đó liên quan đến vấn đề giới tính giữa nam và nữ; bởi vì ngay sau khi Con người và vợ mình biết được “nhận thức” này thì “họ biết mình đang trần truồng” và tìm cách che đậy các bộ phận sinh dục.
Diễn biến tiếp theo trong Kinh thánh xác nhận mối liên hệ giữa tình trạng trần truồng và sự thiếu hiểu biết này bằng việc Thiên Chúa đã không hề mất nhiều thời gian để gọi hai người lại:
Nghe thấy tiếng Ðức Giê-hô-va
Đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày,
Adam và vợ mình trốn vào các bụi cây trong vườn,
để khỏi giáp mặt Ðức Giê-hô-va.
Ðức Giê-hô-va cất tiếng gọi Adam
hỏi: “Ngươi ở đâu?”
Adam thưa:
“Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn,
nhưng con trần truồng,
nên lẩn trốn.”
Và Ngài hỏi:
“Ai đã cho ngươi biết là mình trần truồng?
Có phải ngươi đã ăn trái cấm không?”
Sau khi thú nhận sự thật, người Nhân công Nguyên thủy này đổ lỗi cho vợ mình và đến lượt người vợ đổ lỗi cho Con Rắn. Giận dữ cực độ, Thiên Chúa trút những lời nguyền lên Con rắn và hai Con người này. Nhưng cũng thật ngạc nhiên, sau đó “Ðức Giê-hô-va làm cho vợ chồng Adam những chiếc áo bằng da thú và mặc cho họ”.
Chúng ta không thể hồ đồ cho rằng mục đích của toàn bộ câu chuyện dẫn tới việc trục xuất Con người ra khỏi Vườn Eden này nhằm lý giải một cách kịch tính lý do Con người biết mặc quần áo. Việc mặc quần áo chỉ đơn thuần là biểu hiện bên ngoài của “nhận thức” mới. Việc đạt được “nhận thức” đó và những nỗ lực của Thiên Chúa nhằm tước đi nhận thức này của Con người mới chính là những chủ đề trung tâm của các sự kiện.
Trong khi chưa tìm ra câu chuyện nào của người Mesopotamia tương đương với câu chuyện trong Kinh thánh này thì chúng ta vẫn có thể cho rằng nó có nguồn gốc từ Sumer giống như tất cả những tư liệu khác trong Kinh thánh liên quan đến sự Sáng tạo và Thời Tiền sử của Con người. Trong câu chuyện này, chúng ta cũng tìm thấy địa điểm xảy ra sự việc: Cung điện của các vị thần ở Mesopotamia. Chúng ta nhận ra phép chơi chữ qua cái tên Eve (“người đàn bà của sự sống”, “người đàn bà từ xương sườn”) và hai loại cây quan trọng, Cây Nhận thức và Cây Trường sinh, giống như trong cung điện của Anu.
Ngay cả những lời phán truyền của Thiên Chúa cũng phản ánh nguồn gốc Sumer, bởi vì vị Thiên Chúa duy nhất của người Hebrew lại bị nhầm lẫn sang ngôi số nhiều qua cuộc nói chuyện với những đồng sự thần linh của mình, câu chuyện này tuy không được thể hiện trong Kinh thánh nhưng lại được mô tả trong các ghi chép của người Sumer:
Ðức Giê-hô-va nói:
“Nhìn xem, Adam đã trở thành một kẻ trong chúng ta,
biết điều thiện điều ác.
Bây giờ, đừng để nó
hái quả ở cả trái cây Trường sinh
mà ăn để sống mãi”
Vì thế Ðức Giê-hô-va đuổi Adam
ra khỏi vườn Eden.
Theo những hình vẽ cổ xưa của người Sumer, thì đã từng có thời kỳ Con người (Nhân công Nguyên thủy) phục vụ các vị thần trong trạng thái “Adam”. Anh ta trần truồng ngay cả khi phục vụ thức ăn, đồ uống cho các vị thần lẫn khi lao động trên cánh đồng hay các công trình xây dựng. (Hình 154, 155)

Hình 154

Hình 155

Qua đây, chúng ta có thể khẳng định rằng trong con mắt của các vị thần, con người không khác nhiều so với những loài vật được thuần hóa. Các vị thần chỉ đơn thuần “nâng cấp” một loài động vật có sẵn thích hợp với nhu cầu hiện tại của mình. Vậy phải chăng với tình trạng thiếu “nhận thức”, loài sinh vật mới được tạo ra và còn trần truồng như động vật này cũng có quan hệ tính dục như các loài động vật khác hoặc quan hệ liên loài? Một số bức họa cổ còn sót lại đã cho thấy thực tế đã diễn ra đúng như vậy. (Hình 156)

Hình 156

Các ghi chép của người Sumer như “Sử thi Gilgamesh” cho rằng cách thức quan hệ tình dục trong thực tế là đặc điểm phân biệt giữa Người hoang dã với Người nhân tính. Khi người dân thành Uruk muốn khai hóa cho Enkidu hoang dã – “gã đồng loại man di ở sâu trong thảo nguyên” – họ đã vận động một “gái làng chơi” tham gia và đưa cô ta tới gặp Enkidu tại hồ nước nơi anh ta từng kết bạn với nhiều loài động vật khác và tại đó dâng hiến cho anh ta “sự chín muồi” của mình.
Trong bản ghi chép này, bước ngoặt của quá trình “khai hóa” Enkidu chính là việc anh ta bị những loài động vật khác từng là bạn bè chối bỏ. Người dân thành Uruk nói với cô gái như vậy để cô ta tiếp tục thực hiện “nghĩa vụ đàn bà” với anh ta đến khi “những con thú hoang trên thảo nguyên chối bỏ anh ta”. Việc làm này giúp Enkidu dần đoạn tuyệt với các hoạt động thú dâm, tạo bước tiền đề biến anh ta thành người.
Cô gái đuổi những con vật khác đi và khoe bầu ngực của mình,
anh ta hưởng thụ sự chín muồi của cô ta…
Cô chiều chuộng anh ta, kẻ man di
với tất cả nghĩa vụ đàn bà.
Rõ ràng là thủ đoạn này đã phát huy hiệu quả. Sau 6 ngày và 7 đêm, “sau khi bị sự quyến rũ của cô gái mê hoặc hoàn toàn”, anh ta chợt nhớ đến những người bạn cùng chơi đùa trước đây.
Anh ta quay mặt về phía những con thú hoang;
thế nhưng khi nhìn thấy anh ta,
những con linh dương bỏ chạy.
những con thú hoang của thảo nguyên
lánh xa người anh ta.
Mọi chuyện khá rõ ràng. Việc giao hợp với con người đã khiến Enkidu có sự thay đổi sâu sắc đến mức những con thú từng là bạn giờ “lánh xa người anh ta”. Chúng không chỉ đơn giản là bỏ chạy mà còn tránh tiếp xúc thân thể với anh ta.
Quá đỗi ngạc nhiên, Enkidu đứng như trời trồng “vì những con thú hoang đã rời bỏ mình”. Nhưng sự thay đổi đó không phải là điều gì đáng hối tiếc, bởi bản ghi chép cổ đại này ngay lập tức giải thích rằng:
Giờ anh ta đã có tầm nhìn, đầu óc được mở mang…
Cô gái làng chơi nói với Enkidu:
“Chàng đã biết nhận thức, Enkidu;
Chàng giống như một vị thần!”
Bản ghi chép này của người Mesopotamia có nội dung khá gần gũi với câu chuyện về Adam và Eve trong Kinh thánh. Đúng như dự liệu của con Rắn, sau khi cùng ăn trái Cây Nhận thức, họ trở nên “giống Thiên Chúa – biết được điều thiện và điều ác” hay có thêm “nhận thức” về phương diện tình dục.
Nếu như điều này chỉ mang ý nghĩa duy nhất là Con người đã nhận thức được rằng giao hợp với động vật là hành động không văn minh và tội lỗi, thì tại sao Adam và Eve lại bị trừng phạt vì đoạn tuyệt với hành vi thú giao? Kinh Cựu ước đầy rẫy những điều răn chống lại hành vi thú giao khiến chúng ta không thể nào hiểu được tại sao việc tuân theo một hành vi đạo đức như vậy lại khiến các vị thần nổi giận.
Vốn “Nhận thức” Con người có được trái ngược với mong muốn của Đức Chúa – hoặc một trong các vị thần này – chắc hẳn phải có nguyên do sâu sắc hơn. Có thể, đó là một dấu hiệu tốt cho Con người, nhưng lại là thứ mà các Đấng Sáng tạo không muốn Con người nắm giữ.
Chúng tôi đã nghiên cứu rất tỉ mỉ ẩn ý trong các lời nguyền đối với Eve để nắm bắt được ý nghĩa của sự việc:
Với người đàn bà, Chúa phán:
“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều
khi thai nghén,
hay lúc sinh con.
Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi”…
Và Adam đặt tên cho vợ là “Eve”,
vì bà là mẹ của chúng sinh.
Đây quả là một sự kiện đáng nhớ mà Kinh thánh truyền lại cho chúng ta: Khi chưa biết đến “nhận thức”, Adam và Eve sống trong Vườn Eden mà không có con cái. Sau khi có được “nhận thức”, Eve có được khả năng (đi kèm với nỗi cực nhọc) có thai và sinh con. Chỉ sau khi đôi vợ chồng này có được “nhận thức” đó thì “Adam mới biết Eve là vợ mình còn bà có thể thụ thai và sinh ra Cain”.
Xuyên suốt trong Kinh Cựu ước, thuật ngữ “biết” được dùng để chỉ quan hệ tình dục, chủ yếu là giữa người đàn ông và vợ anh ta với mục đích có con. Câu chuyện về Adam và Eve trong Vườn Eden là câu chuyện về một bước phát triển quyết định của Loài người: việc có được khả năng sinh sản.
Việc những đại diện đầu tiên của người Homo sapiens không có khả năng sinh sản không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Dù người Nefilim có sử dụng bất cứ phương pháp nào để cấy một số vật chất di truyền của mình vào cấu trúc sinh học của các con khỉ hình người mà họ lựa chọn cho mục đích nhân giống thì loài sinh vật mới này cũng chỉ là một loài sinh vật lai. Sự pha tạp giữa 2 loài dù có liên quan nhưng vẫn tồn tại rất nhiều điểm khác nhau, ví dụ như con la (loài tạp giao giữa ngựa cái và lừa đực), những loài động vật có vú lai tạp này đều không có khả năng sinh sản. Bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và thậm chí là các phương pháp can thiệp sinh học phức tạp hơn, chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu con la tùy ý, nhưng không có con la nào có thể sinh sản và đẻ ra một con la khác.
Phải chăng ngay từ đầu, người Nefilim chỉ đơn giản sản xuất ra “những con la người” để phục vụ cho nhu cầu của mình?
Sự tò mò của chúng tôi càng tăng lên bởi một bức họa khắc trên đá được tìm thấy trong những ngọn núi phía nam Elam. Nó thể hiện một vị thần đang ngồi và giữ trong tay chiếc bình “thí nghiệm” rót ra chất lỏng – hình ảnh quen thuộc của Enki. Một Nữ thần Vĩ đại ngồi cạnh ngài, một cảnh tượng chứng tỏ bà là một trợ thủ hơn là vợ; vị nữ thần này không phải ai khác mà chính là Ninti, Nữ thần Mẹ hay Nữ thần Sinh sản. Bên cạnh 2 vị Chủ thần này là các nữ thần có địa vị thấp hơn, gợi cho ta nhớ đến hình ảnh những nữ thần sinh sản trong câu chuyện về Sáng tạo Con người. Đối diện với các Đấng Sáng tạo này là những hàng người nối tiếp nhau và đặc biệt, họ giống nhau như đúc – giống như các sản phẩm lấy ra từ một khuôn mẫu. (Hình 157)

Hình 157

Chúng tôi cũng hướng sự chú ý của mình vào câu chuyện của người Sumer kể về những người đàn ông và đàn bà khiếm khuyết được Enki và Nữ thần Mẹ tạo ra lúc đầu, những sinh vật phi tính dục hoặc khiếm khuyết về bộ phận sinh sản. Phải chăng câu chuyện này kể về giai đoạn tồn tại đầu tiên của Người lai – sinh vật được tạo ra dựa trên hình ảnh các vị thần, ngoại trừ khiếm khuyết về mặt sinh dục: biểu hiện của việc thiếu “nhận thức”?
Sau khi Enki tìm cách sản xuất được một “hình mẫu hoàn chỉnh” là Adapa/Adam, các ghi chép của người Sumer bắt đầu mô tả về các kỹ thuật “sản xuất hàng loạt”: quy trình cấy trứng vào “dây chuyền sản xuất” của các nữ thần sinh sản đã được xử lý về di truyền với tri thức tiên tiến rằng một nửa số các vị nữ thần sẽ cho ra đời con đực và một nửa cho ra đời con cái. Điều này không chỉ thể hiện kỹ thuật “sản xuất” Người lai mà nó còn ám chỉ rằng Con người không thể tự mình sinh sản được.
Gần đây, người ta khám phá ra rằng việc các giống lai không có khả năng sinh sản là do một khiếm khuyết trong các tế bào sinh sản. Mặc dù tất cả các tế bào chỉ chứa một bộ nhiễm sắc thể di truyền nhưng Con người và các loài động vật có vú khác có khả năng sinh sản bởi vì các tế bào sinh dục (tinh trùng của giống đực, trứng của giống cái) có chứa 2 bộ nhiễm sắc thể, trái lại các giống lai lại không có đặc trưng độc đáo này. Hiện nay người ta đang tiến hành các thí nghiệm thông qua kỹ thuật can thiệp di truyền nhằm tạo ra 2 bộ nhiễm sắc thể như vậy trong các tế bào sinh sản và hỗ trợ khả năng sinh sản “bình thường” cho các loài giống lai.
Liệu đây có phải là điều mà vị thần có tên hiệu “Con Rắn” đã thực hiện đối với Loài người?
Con Rắn trong Kinh thánh chắc chắn không phải là một con rắn tầm thường theo nghĩa đen – bởi vì nó biết nói chuyện với Eve, biết sự thật về vấn đề “nhận thức” và có địa vị cao đến mức không ngần ngại nói thẳng ra rằng Thiên Chúa là “kẻ nói láo”. Chúng ta biết rằng trong tất cả các câu chuyện truyền thuyết cổ đại, vị thần đứng đầu luôn chiến đấu chống lại một con Mãnh Xà – vì thế câu chuyện này có nguồn gốc rõ ràng từ các vị thần của người Sumer.
Kinh thánh thể hiện nhiều dấu tích về nguồn gốc Sumer của nó, bao gồm sự hiện diện của các vị thần khác: “Adam đã trở thành một kẻ trong chúng ta”. Khả năng hình ảnh Thiên Chúa và Con Rắn trong Kinh thánh đại diện cho 2 vị thần Enlil và Enki hoàn toàn thuyết phục chúng ta.
Như chúng ta đã biết, sự đối địch giữa 2 vị thần này bắt nguồn từ việc quyền chỉ huy Trái đất được chuyển giao cho Enlil, mặc dù Enki mới là người tiên phong đích thực. Trong khi Enlil ngự trị tại Trung tâm Điều khiển đầy tiện nghi ở Nippur thì Enki lại phải chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động khai mỏ ở Âm Phủ. Cuộc nổi loạn của các Anunnaki là nhằm chống đối Enlil và con trai vị thần này, Ninurta; còn vị thần cất tiếng nói bênh vực cho những kẻ nổi loạn lại là Enki. Chính Enki là người đề xuất và tiến hành việc tạo ra Nhân công Nguyên thủy; còn Enlil phải sử dụng vũ lực để có được một số sinh vật hữu ích kỳ thú này. Trong các ghi chép của người Sumer về các sự kiện diễn ra đối với con người, Enki là một đấng cai trị nổi bật với vai trò là vị thần bênh vực Con người, còn Enlil là người thi hành kỉ luật cứng nhắc, nếu không muốn nói là thù địch với Con người. Một vị thần muốn ngăn chặn khả năng sinh sản của những con người mới được tạo ra trong khi vị thần còn lại sẵn lòng và có khả năng trao cho Con người quả ngọt của “nhận thức” hoàn toàn phù hợp với Enlil và Enki.
Một lần nữa, phép chơi chữ của người Sumer và trong Kinh thánh lại cần được đưa ra phân tích. Thuật ngữ nahash trong Kinh thánh để chỉ “Serpent” có nghĩa là “con rắn”. Nhưng thuật ngữ này lại có nguồn gốc từ thuật ngữ NHSH, có nghĩa là “giải mã, tìm ra”; vì vậy thuật ngữ nahash cũng có thể được hiểu theo nghĩa “ngài là đấng có khả năng giải mã, đấng tìm ra mọi thứ”, một cách gọi phù hợp đối với Enki, nhà khoa học hàng đầu, vị thần Tri thức của người Nefilim.
Khi đúc rút được những nét tương đồng giữa câu chuyện về Adapa (người đạt được “nhận thức” nhưng không có được cuộc sống bất tử) của người Mesopotamia với số phận của Adam, tác giả S. Langdon (Semitic Mythology – Thần thoại Semite) tái hiện lại một bức họa được khai quật ở Mesopotamia, bức họa này có khả năng liên quan đến câu chuyện trong Kinh thánh: hình ảnh một con rắn quấn quanh một thân cây, hướng ánh nhìn về phía trái cây. Các ký hiệu thiên văn trong bức họa này cũng gây được chú ý: phía trên là Hành tinh Vượt qua, đại diện cho Anu, gần con rắn là hình lưỡi liềm của Mặt trăng, đại diện cho Enki. (Hình 158)
Điều hợp lý nhất trong các phát hiện của chúng tôi là thực tế rằng trong các ghi chép của người Mesopotamia, vị thần thực sự đã trao “tri thức” cho Adapa không phải ai khác mà chính là Enki:
Ngài hoàn thiện vốn hiểu biết rộng lớn cho chàng…
Ngài trao cho chàng Trí tuệ…
Ngài trao cho chàng Tri thức;
Nhưng không trao cho chàng Cuộc sống Bất tử.
Một câu chuyện bằng tranh khắc trên một con dấu lăn được tìm thấy ở Mari có thể là hình ảnh minh họa cổ xưa cho câu chuyện trong cuốn Sáng Thế Ký phiên bản Mesopotamia. Bức họa này mô phỏng một vị thần vĩ đại ngồi trên một nền đất cao giữa bốn bề sóng nước – một hình ảnh rõ ràng tượng trưng cho Enki. Từ hai bên chiếc “ngai vàng” này thò ra những con rắn đang phun nước.
Tháp tùng nhân vật trung tâm này là hai vị thần hình cây. Vị thần ở phía bên phải với những nhánh cây vươn ra có đầu hình dương vật, trong tay cầm một chiếc bát có lẽ là đựng Quả Trường sinh. Vị thần ở bên trái với những nhánh cây vươn ra có đầu hình âm đạo đang dâng lên một cành đầy quả, thể hiện cho Cây Nhận thức – món quà sinh sản của thần linh.
Bên cạnh vị Chủ thần của bức họa này là một vị Thần Vĩ đại khác; chúng tôi cho rằng vị thần này là Enlil. Vẻ giận dữ của thần đối với Enki rất rõ ràng, thể hiện qua nét mặt. (Hình 159)
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được nguyên cớ gây nên “xung đột ở khu vườn Eden” này. Nhưng dù động cơ của Enki có là gì đi chăng nữa thì ngài cũng đã thành công trong việc hoàn thiện Nhân công Nguyên thủy và tạo ra người Homo sapiens, những người có thể sinh sản thông qua các hoạt động giao phối cùng loài.
Sau khi Con người có được “nhận thức”, Kinh Cựu ước không còn gọi anh ta là “loài Adam” nữa mà gọi là Adam, một người cụ thể, tổ phụ đầu tiên của phả hệ loài người được đề cập trong Kinh thánh. Nhưng bước ngoặt này của Con người cũng đánh dấu sự chia rẽ giữa Thần và Người.
Với việc Con người không còn là nô bộc si đần của các vị thần mà trở thành người làm chủ được bản thân đã dấy lên những câu hỏi về nguồn gốc của sự chia lìa đôi ngả này. Theo cuốn Sáng Thế Ký thì sự chia rẽ giữa Thần và Người được cho là không phải do Con người tự quyết định mà là do việc áp dụng biện pháp trừng phạt của Đức Chúa: lo sợ Con người cũng có thể đạt đến khả năng bất tử như mình nên Ngài đã quyết định đuổi hắn khỏi Vườn Eden. Theo nguồn tư liệu này thì Con người bắt đầu tồn tại độc lập không phải ở phía nam Mesopotamia, nơi người Nefilim lập nên những thành phố và vườn cây ăn quả của họ, mà là ở phía đông, thuộc dãy núi Zagros: “Ngài trục xuất loài Adam và cho hắn ngụ tại phía đông vườn Eden”.
Vậy là một lần nữa thông tin trong Kinh thánh lại trùng khớp với các phát hiện khoa học: Văn hóa nhân loại khởi nguồn từ vùng đồi núi giáp với vùng đồng bằng Mesopotamia. Thật đáng tiếc vì thông tin về cuộc sống văn minh đầu tiên của Con người trên Trái đất này lại được đề cập quá ít ỏi trong Kinh thánh.
Bị trục xuất ra khỏi Cung điện của các vị Thần, mất đi cuộc sống bất tử nhưng lại có khả năng sinh sản, Con người đã tiếp tục hình thành như vậy. Vị Adam đầu tiên được các thế hệ sau lưu truyền lại trong Kinh Cựu ước đã “ăn ở” với vợ mình, Eve và bà hạ sinh một người con trai, Cain, người cày cấy đất đai. Sau đó Eve sinh ra Abel, làm nghề chăn chiên. Ám chỉ rằng do nguyên nhân tình dục đồng giới, “Cain xông đến bên Abel, em trai mình và giết Abel”.

Hình 158

Hình 159

Lo sợ bị mất mạng, Cain được Đức Chúa ban cho một dấu hiệu bảo vệ và ra lệnh cho ông đi về phía đông. Sau khi trải qua cuộc sống lang thang phiêu bạt, cuối cùng Cain định cư ở “Xứ sở Di cư, phía đông Eden”. Tại đây ông có một con trai và đặt tên là Enoch (“sự mở đầu”). “Ông xây dựng một thành trì và đặt tên thành trì này theo tên con trai mình”. Đến đời Enoch cũng có con, cháu và chắt. Đến đời thứ sáu tính từ thời Cain, Lamech được sinh ra; 3 người con trai của ông được Kinh thánh ghi nhận là những người góp phần xây dựng nền văn minh: Jabal là “ông tổ dân du mục”; Jubal “là ông tổ nhạc cụ”; Tubal-cain là “ông tổ nghề rèn”.
Nhưng cũng giống như ông tổ Cain của mình, Lamech cũng vướng vào một vụ giết người – lần này là giết một người đàn ông và một đứa trẻ. Chúng ta có thể cho rằng những nạn nhân này không phải là những kẻ xa lạ tầm thường, bởi Sáng Thế Ký lặp đi lặp lại sự việc này và coi đó là một bước ngoặt của dòng dõi Adam. Kinh thánh kể rằng Lamech đã gọi 2 bà vợ của mình, mẹ của 3 người con trai và thú nhận với họ rằng mình đã giết 2 người, rồi tuyên bố “Nếu như Cain bị báo thù gấp 7, thì Lamech sẽ bị gấp 77”. Ta có thể coi tuyên bố khó hiểu này liên quan đến việc nối dõi; qua lời thú nhận của Lamech và các bà vợ ta thấy được rằng niềm hy vọng lời nguyền giáng lên đầu Cain sẽ được chuộc lại bởi thế hệ thứ bảy (thế hệ con cái của ông) đã tan thành mây khói. Giờ đây một lời nguyền mới kéo dài hơn rất nhiều đã giáng lên ngôi nhà của Lamech.
Những câu thơ sau xác nhận sự kiện liên quan đến dòng dõi này và cho chúng ta thêm thông tin về việc thiết lập ngay lập tức một dòng dõi thuần chủng mới:
Và Adam lại ăn ở với vợ
bà sinh một con trai
và đặt tên là Seth [“nền tảng”]
bà nói: “Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi
một dòng dõi khác thay cho Abel, vì Cain đã giết chết nó.”
Đến đây, Kinh Cựu ước không còn nhắc gì đến dòng dõi đã bị vẩn đục của Cain và Lamech. Từ đây trở đi diễn biến câu chuyện về các sự kiện của con người chỉ xoay quanh dòng dõi của Adam thông qua con trai Seth và con cả của Seth là Enosh, trong tiếng Hebrew cả 2 tên này đều có nghĩa là “con người”. Sáng Thế Ký kể với chúng ta rằng “Lúc bấy giờ, người ta bắt đầu kêu cầu danh Ðức Chúa”.
Dòng chữ đầy bí ẩn này đã làm đau đầu không biết bao nhiêu thế hệ các nhà nghiên cứu Kinh thánh và các nhà thần học. Tiếp nối dòng chữ này là chương về gia phả của Adam đến Seth và Enosh qua 10 thế hệ và kết thúc là Noah, người hùng trong trận Đại Hồng thủy.
Các ghi chép của người Sumer mô tả các thời kỳ đầu tiên khi chỉ có các vị thần ngự trị ở Sumer cũng mô tả cuộc sống của người Sumer thời kỳ sau, trước khi diễn ra trận Đại Hồng thủy với độ chính xác tương đương. Nhân vật “Noah” trong câu chuyện Đại Hồng thủy phiên bản gốc Sumer chính là “một Người đàn ông của Shuruppak”, tòa thành thứ bảy do người Nefilim dựng lên khi họ đổ bộ xuống Trái đất.
Đến thời điểm nào đó, sau khi bị đuổi khỏi Vườn Eden, Con người đã được phép quay lại Mesopotamia để sống bên cạnh các vị thần, phục vụ và thờ phụng họ. Khi nghiên cứu Kinh thánh, chúng tôi nhận thấy rằng điều này xảy ra vào thời Enosh. Đó là lúc các vị thần cho phép Con người quay trở lại Mesopotamia để phục vụ các vị thần “và kêu cầu danh Ðức Chúa”.
Bởi quá háo hức chuyển sang sự kiện sử thi tiếp theo của huyền thoại loài người là trận Đại Hồng thủy nên cuốn Sáng Thế Ký chỉ đưa ra rất ít thông tin ngoài tên gọi của các vị tổ phụ sau thời Enosh. Nhưng ý nghĩa tên gọi của từng vị tổ phụ có thể cho ta thấy rằng các sự kiện này diễn ra trong thời kỳ Enosh còn sống.
Con trai của Enosh, Cainan (“Cain nhỏ”) là người tiếp nối dòng dõi thuần chủng, một số chuyên gia dịch nghĩa cái tên này là “thợ rèn”. Con trai của Cainan là Mahalal-El (“người cầu nguyện thần linh”). Đời sau của El là Jared (“người giáng xuống”); con trai của Jared là Enoch (“người được phong thánh”), người được Thiên Chúa đưa lên trời ở tuổi 365. Nhưng 300 năm trước đó, ở tuổi 65, vợ Enoch hạ sinh ra một người con trai đặt tên là Methuselah; nhiều chuyên gia đã học theo Lettia D. Jeffreys (Ancient Hebrew Names: Their Significance and Historical Value – Tên gọi Hebrew cổ: Tầm quan trọng và giá trị lịch sử) và dịch nghĩa tên Methuselah là “người của tên lửa”.
Con trai của Methuselah có tên là Lamech, có nghĩa là “người khiêm tốn”. Và Lamech sinh ra Noah (“nghỉ ngơi”) với ý nghĩa rằng: “Khi tay chúng ta phải làm lụng cực nhọc, thì đứa trẻ này sẽ đem lại cho chúng ta niềm an ủi phát xuất từ đất đai Ðức Chúa đã nguyền rủa.”
Có vẻ như nhân loại đang phải chịu những mất mát lớn vào thời Noah được sinh ra. Việc làm lụng cực nhọc không mang lại kết quả, bởi đất đai để canh tác đã bị nguyền rủa. Bối cảnh này được dựng lên cho trận Đại Hồng thủy – sự kiện đáng nhớ quét sạch không chỉ nhân loại mà còn tất cả các sinh vật sống trên Mặt đất và bầu trời.
Và Ðức Chúa thấy rằng sự gian ác của Con người
tràn lan trên Mặt đất,
và trong tâm can nó,
chỉ toàn những toan tính và ý nghĩ xấu xa.
Ðức Chúa hối hận vì đã làm ra Con người trên Mặt đất
Người buồn rầu trong lòng.
Và Ngài phán:
“Ta sẽ xoá bỏ khỏi Mặt đất
Con người mà ta sáng tạo ra.”
Đó là những lời nguyền rủa có sức ảnh hưởng rất lớn, được đưa ra như lời biện hộ cho hành động quyết liệt nhằm “xóa sổ mọi xác phàm” của Đức Chúa. Nhưng những lời nguyền rủa này lại thiếu tính thuyết phục và các chuyên gia cũng như các nhà thần học không thể tìm ra câu trả lời nào liên quan đến những tội lỗi hay “lỗi phạm” của Con người mà có thể làm phiền lòng Đức Chúa đến vậy.
Việc sử dụng nhiều lần từ xác phàm cả trong những câu thơ buộc tội và trong những lời tuyên bố phán xét cho thấy rằng những sự tha hóa và lỗi phạm này đều liên quan đến xác phàm. Đức Chúa rầu lòng trước “những toan tính xấu xa của Con người”. Liệu có phải lúc đó Con người đã khám phá ra tình dục và trở nên điên cuồng về tình dục?
Nhưng khó có thể chấp nhận rằng Đức Chúa quyết định xóa sổ loài người khỏi Mặt đất chỉ đơn giản là do người đàn ông “quan hệ” quá nhiều với vợ mình. Các ghi chép của người Mesopotamia thường đề cập một cách tự do và ấn tượng về tình dục và việc làm tình giữa các vị thần. Có những bản ghi chép mô tả tình yêu nhẹ nhàng giữa các vị thần và vợ của họ; tình yêu bất chính giữa một thiếu nữ và tình nhân; hay tình yêu bạo lực (Enlil cưỡng bức Ninlil). Có rất nhiều bản ghi chép mô tả về hoạt động tình dục và giao hợp giữa các vị thần – với những người vợ chính thức hay nàng thiếp, với chị gái hay con gái và thậm chí là cháu gái của họ (quan hệ với hậu nhân là một trò tiêu khiển ưa thích của Enki). Những vị thần như vậy không thể nào trở mặt chống lại loài người vì có những hành xử như họ được.
Chúng tôi thấy rằng động cơ của Đức Chúa không chỉ đơn thuần liên quan đến đạo đức của Con người. Sự khó chịu chồng chất của ngài là do sự đồi bại ngày càng phổ biến do chính các vị thần gây ra. Dưới cách nhìn này, ý nghĩa của những câu thơ khó hiểu trong chương 6 cuốn Sáng Thế Ký trở nên rõ ràng hơn:
Thời gian trôi đi
Khi loài người bắt đầu thêm đông
trên Mặt đất,
và sinh ra những con gái,
thì các con trai của các vị thần
thấy con gái Loài người xinh đẹp;
những cô họ ưng ý
thì họ lấy làm vợ.
Các câu thơ đã chỉ rõ cho chúng ta bít rằng đây là thời kỳ con trai của các vị thần bắt đầu có quan hệ yêu đương và tình dục với con cái của Loài người nên Đức Chúa đã kêu lên “Đủ rồi!”
Và Ðức Chúa phán:
“Thần khí của ta sẽ không ở lại mãi mãi trong con người,
vì con người lầm lạc chỉ là xác phàm.”
Tuyên bố này đã từng là một bí ẩn trong nhiều thiên niên kỷ. Dưới góc nhìn theo các kết luận của chúng tôi về phương pháp can thiệp di truyền được sử dụng để tạo ra Con người, những câu thơ này truyền tải một thông điệp cho chính các nhà khoa học ngày nay. “Thần khí” của các vị thần ở đây chính là sự hoàn hảo về mặt di truyền của Con người và “thần khí” này đang dần thoái hóa. Con người đã “lầm lạc”, bởi thế mà họ bắt đầu quay trở về tình trạng “xác phàm” gần hơn với nguồn gốc loài khỉ hoang dã của mình.
Bây giờ, chúng ta có thể hiểu được việc Kinh Cựu ước nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa Noah “con người công chính… hoàn hảo về dòng dõi” và “toàn bộ Mặt đất đầy hư hỏng”. Với việc kết hôn với loài người không còn thuần chủng về mặt di truyền, các vị thần cũng là đối tượng của sự thoái hóa. Với việc chỉ ra rằng Noah là người duy nhất tiếp tục được dòng dõi thuần chủng về mặt di truyền, Kinh thánh đã lý giải cho mâu thuẫn của Đức Chúa: Tuy vừa quyết định quét sạch mọi sự sống khỏi bề mặt Trái đất, Ngài lại quyết định cứu Noah cùng hậu duệ của ông và “tất cả những loài vật thanh sạch khác “để giữ gìn giống nòi trên Mặt đất”.
Đức Chúa đã hủy bỏ mục đích ban đầu của chính mình bằng việc cảnh báo cho Noah biết về thảm họa sắp tới và hướng dẫn ông đóng một con thuyền chống thấm nước để chở người và những sinh vật đáng được cứu. Lời cảnh báo được đưa ra cho Noah trước 7 ngày, một khoảng thời gian quá ngắn ngủi cho việc chuẩn bị đối đầu với một trận Đại Hồng thủy hủy diệt. Bằng cách nào đó, Noah đã đóng được con thuyền và trám nhựa cây xung quanh, thu thập tất cả các sinh vật, đưa chúng cùng gia đình mình kèm thực phẩm dự trữ lên thuyền đúng thời gian mà Đức Chúa truyền đạt. “Và rồi 7 ngày sau, nước hồng thủy tràn ngập Mặt đất.” Diễn biến tiếp theo được mô tả rất rõ ràng trong Kinh thánh:
Vào ngày đó,
tất cả các mạch nước của vực thẳm vĩ đại nổ tung,
các cống trời mở toang…
Cơn hồng thủy kéo dài 40 ngày trên Mặt đất,
nước dâng lên cao và nâng thuyền lên khỏi Mặt đất.
nước tràn ngập Mặt đất,
và thuyền lênh đênh trên biển nước.
Nước dâng càng ngày càng cao,
và mọi núi cao khắp gầm trời đều bị phủ lấp.
Nước dâng lên cao hơn núi 7 thước
khiến các ngọn núi bị phủ lấp.
Mỗi xác phàm trên Mặt đất đều tắt thở…
Từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất
và chim bay trên trời
đều bị xoá sổ khỏi Mặt đất,
chỉ còn lại Noah
và những gì trên thuyền.
Mặt đất ngập nước suốt 150 ngày, đến tận khi Đức Chúa:
cho một cơn gió thổi ngang qua Mặt đất,
và nước bắt đầu hạ xuống.
Các mạch nước của vực thẳm
và các cống trời đóng lại;
trời tạnh mưa.
Nước bắt đầu rút dần khỏi Mặt đất;
Và sau 150 ngày
thì nước rút hoàn toàn;
và chiếc thuyền đậu lại trên vùng núi Ararat.
Theo Kinh thánh thì sự phán xử nhân loại này bắt đầu vào “Năm 600 đời ông Noah, tháng Hai, ngày 17 tháng ấy”. Chiếc thuyền đậu lại trên Núi Ararat “vào tháng Bảy, ngày 17 tháng ấy”. Như vậy, thời kỳ nước dâng lên và “rút xuống” dần – đủ thấp để con thuyền có thể đậu lại trên đỉnh Ararat – kéo dài đúng 5 tháng. Sau đó “nước tiếp tục rút xuống, cho đến khi các đỉnh núi” – không chỉ là đỉnh núi Ararat sừng sững – “hiện ra vào ngày 11 tháng Mười”, gần 3 tháng sau đó.
Noah đợi thêm 40 ngày nữa. Sau đó ông thả một con quạ và một con bồ câu “để xem nước rút đến đâu rồi”. Lần thứ ba, con bồ câu quay lại với một nhành lá ô-liu ngậm trên mỏ, điều này chứng tỏ rằng nước đã rút xuống đủ để nhìn thấy các ngọn cây. Sau đó, Noah tiếp tục thả con bồ câu ra một lần nữa, “nhưng nó không trở về với ông nữa”. Trận Đại Hồng thủy thực sự đã qua.
Ông Noah dỡ mái thuyền
nhìn và thấy:
Mặt đất đã khô ráo.
“Tháng Hai, ngày 27 tháng ấy, đất đã khô.” Đó là năm 601 đời Noah. Trận lụt này kéo dài 1 năm 10 ngày.
Sau đó Noah cùng gia đình và các loài vật ở cùng ông ra khỏi thuyền. Ông dựng một bàn thờ rồi dâng lễ toàn thiêu cho Đức Chúa.
Ðức Chúa ngửi mùi thơm ngon,
và Ngài tự nhủ:
“Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai
vì Con người nữa;
bởi vì những toan tính xấu xa đó là do chúng còn bồng bột.”
Cái kết đẹp này cũng đầy mâu thuẫn giống như câu chuyện về trận Đại Hồng thủy. Nó bắt đầu với một bản cáo trạng dài về những tội lỗi ghê tởm của Loài người, trong đó có việc làm ô uế sự thanh sạch của các vị thần trẻ. Đức Chúa đã đưa ra một quyết định quan trọng nhằm xóa sổ mọi xác phàm và quyết định này có vẻ hoàn toàn đúng đắn. Thế rồi cũng chính Đức Chúa lại là người mong muốn bảo tồn giống nòi Loài người và các sinh vật khác trong 7 ngày ngắn ngủi. Khi cơn sang chấn qua đi, Đức Chúa bị hấp dẫn bởi mùi thịt nướng và quên hết ý định xóa sổ loài người ban đầu với lời bào chữa rằng những toan tính xấu xa của Loài người là do trẻ người non dạ.
Tuy nhiên, những nghi vấn về tính xác thực của câu chuyện này biến mất khi chúng ta biết rằng Kinh thánh là một bản biên tập từ các câu chuyện của người Sumer. Giống như các trường hợp khác, Kinh thánh với Thuyết Đơn thần đã tổng kết và tập hợp vai trò của nhiều vị thần và thể hiện thông qua hình ảnh một vị Đức Chúa duy nhất tuy các vị thần này không giống nhau hoàn toàn và không phải lúc nào cũng hòa hợp với nhau.
Trước khi các nhà khảo cổ học khám phá ra nền văn minh Mesopotamia và các chuyên gia giải mã được nền văn học Akkad và Sumer thì câu chuyện về trận Đại Hồng thủy trong Kinh thánh chỉ là một câu chuyện riêng lẻ, được củng cố bằng những chuyện thần thoại nguyên thủy rải rác khắp nơi trên thế giới. Việc phát hiện ra “Sử thi Gilgamesh” của người Akkad đã đặt câu chuyện Đại Hồng thủy trong Sáng Thế Ký vào vị trí người đồng hành cao niên và đáng kính, được hậu thuẫn bằng những khám phá sau này với các tư liệu cổ xưa hơn có nguồn gốc Sumer.
Người anh hùng trong trận Đại Hồng thủy phiên bản Mesopotamia là Ziusudra ở Sumer (Utnapishtim trong tiếng Akkad), người đã được đưa tới Thiên Cung của các vị Thần sau trận Hồng thủy để sống hạnh phúc ở đó mãi mãi. Trong hành trình tìm kiếm sự bất tử, khi Gilgamesh đến được nơi này, ông xin lời khuyên của Utnapishtim về sự sống và cái chết. Utnapishtim tiết lộ với Gilgamesh – và thông qua ông truyền đạt tới loài người sau trận Đại Hồng thủy – bí quyết tồn tại của mình, “một điều giấu kín, một bí mật của các vị thần” – một câu chuyện thực (ta có thể nói như vậy) về trận Đại Hồng thủy.
Bí mật mà Utnapishtim đã tiết lộ mang nội dung rằng trước khi tiến hành chiến dịch Hồng thủy, các vị thần đã thành lập một hội đồng và biểu quyết về vấn đề hủy diệt loài người. Kết quả biểu quyết và quyết định đưa ra được giữ bí mật. Nhưng Enki đã tìm Utnapishtim, Vua xứ Shuruppak, để thông báo cho ông biết về tai họa sắp tới. Bằng phương pháp bí mật, Enki đã cảnh báo cho Utnapishtim từ phía sau một tấm màn sậy. Ban đầu lời cảnh báo của Ngài rất khó hiểu. Sau đó lời cảnh báo và chỉ dẫn được thể hiện rõ ràng hơn:
Vua của Shuruppak, con trai của Ubar-Tutu:
Hãy dỡ nhà, đóng một con thuyền!
Bỏ lại tài sản, cứu lấy mạng sống!
Đừng màng của cải, hãy giữ linh hồn!
Hãy mang giống của mọi sinh vật sống lên thuyền;
Con thuyền mà người đóng
kích thước của nó sẽ được đo đạc.
Những nét tương đồng của câu chuyện này với câu chuyện trong Kinh thánh được thể hiện rất rõ ràng: Một trận Hồng thủy sắp đến; một người được cảnh báo trước; ông ta tự cứu lấy mình bằng cách đóng một con thuyền đặc biệt; ông ta mang theo và cứu lấy “giống của mọi sinh vật sống”. Tuy nhiên câu chuyện của người Babylon nghe có vẻ hợp lý hơn. Quyết định hủy diệt loài người và nỗ lực cứu rỗi không phải là những hành động trái ngược đầy mâu thuẫn của một vị Đức Chúa, mà là hành động của những vị thần khác nhau. Hơn nữa, quyết định báo trước và chỉ dẫn cách thức cứu lấy giống nòi của Loài người chính là hành động thách thức của một vị thần (Enki) được tiến hành bí mật, trái ngược với quyết định chung của các vị Thần Vĩ đại khác.
Tại sao Enki lại liều lĩnh thách thức các vị thần khác như vậy? Phải chăng ngài chỉ quan tâm đến việc gìn giữ “công trình nghệ thuật kỳ diệu” của mình hay đó là một hành động trong bối cảnh sự cạnh tranh, thù địch giữa ngài và người anh em Enlil ngày càng được đẩy lên cao trào?
Mối xung đột như thế giữa 2 người anh em này được tô đậm trong câu chuyện về trận Đại Hồng thủy.
Utnapishtim đã hỏi thẳng Enki rằng làm thế nào mà mình có thể giải thích cho các công dân khác của thành Shuruppak về việc đóng một con thuyền hình dáng kỳ lạ và từ bỏ tất cả mọi của cải của bản thân, lênh đênh cùng con thuyền? Enki đáp lại:
Ngươi hãy nói với họ rằng:
“Ta vừa biết được rằng Enlil đang chống lại ta,
vì vậy ta không thể ở lại trong thành này nữa,
cũng không thể đặt chân lên lãnh thổ của Enlil được nữa.
Ta sẽ đi về hướng Apsu,
để sống cùng Chúa tể Ea của ta.”
Như vậy theo cách biện hộ này thì Utnapishtim, một môn đồ của Enki, không thể cư ngụ ở Mesopotamia được nữa, ông ta đóng một chiếc thuyền với ý định xuôi xuống vùng Âm Phủ (thuộc miền nam châu Phi ngày nay theo như phát hiện của chúng tôi) để trú ngụ ở đó cùng Chúa tể Ea/Enki của mình. Những câu thơ tiếp theo nói rằng khu vực này sắp phải chịu một trận lụt hoặc nạn đói lớn; Utnapishtim (theo lời khuyên của Enki) sẽ thuyết phục người dân trong thành tin rằng nếu Enlil nhìn thấy ông ra đi, “xứ sở sẽ lại tràn đầy những vụ mùa bội thu”. Lời biện hộ này nghe rất hợp lý với cư dân trong thành.
Trước những lời biện hộ này, người dân không chất vấn mà còn xắn tay giúp ông đóng thuyền. Bằng cách thết đãi người dân bằng thịt bò, cừu với “rượu nho, rượu vang, dầu và rượu trắng hàng ngày”, Utnapishtim động viên họ làm việc nhanh hơn. Thậm chí cả trẻ con cũng được khuyến khích đi lấy nhựa bitum để trám chống ngấm nước xung quanh con thuyền.
“Vào ngày thứ bảy, con tàu được đóng xong. Việc hạ thủy gặp rất nhiều khó khăn, thế nên họ phải tháo rời những tấm ván sàn ở phía trên và phía dưới đến khi 2/3 con thuyền được hạ thủy” xuống sông Euphrates. Sau đó Utnapishtim đưa toàn bộ gia đình dòng tộc lên thuyền, mang theo “bất cứ sinh vật sống nào có thể” cũng như “các loài động vật trên đồng, các loài thú hoang trên thảo nguyên”. Câu chuyện này với câu chuyện trong Kinh thánh có những điểm tương đồng khá rõ ràng, ngay cả với thời hạn 7 ngày để đóng thuyền. Tuy nhiên Utnapishtim còn tiến xa hơn Noah một bước, đó là ông còn đưa lên thuyền tất cả những người thợ thủ công đã giúp ông đóng con thuyền.
Còn ông chỉ lên thuyền khi nhận được một tín hiệu cụ thể, tín hiệu mà Enki đã tiết lộ với ông trước đó – một “thời điểm định trước” được quy định bởi Shamash, vị thần phụ trách những quả tên lửa. Sau đây là mệnh lệnh của Enki:
“Khi Shamash tạo ra trận rung chuyển lúc trời nhá nhem
một cơn mưa lửa sẽ trút xuống
Hãy lên thuyền, trám kín lối vào!”
Chúng ta chỉ có thể suy đoán về mối liên hệ giữa việc Shamash phóng lên một con tàu vũ trụ và thời khắc Utnapishtim lên thuyền và chốt chặt lối vào. Nhưng thời khắc đó đã đến; tên lửa đẩy của con tàu vũ trụ tạo ra một “trận rung chuyển lúc chạng vạng” và một cơn mưa tro bụi rơi xuống. Lúc này Utnapishtim “đóng kín toàn bộ con thuyền” và “giao con thuyền cùng những thứ chứa bên trong” cho “Thủy thủ Puzur-Amuri”.
Cơn bão ập đến “lúc tia sáng bình minh đầu tiên ló rạng”. Những tiếng sấm rền vang. Một đám mây đen ùn ùn kéo lên từ phía đường chân trời. Cơn bão cuốn phăng cột trụ của các ngôi nhà và bến phà, rồi sau đó các con đê bị vỡ. Bóng tối bao trùm Mặt đất, “nuốt chửng tất cả vào màn đêm” và “cả xứ sở rộng lớn vỡ tan như một chiếc bình”.
“Cơn bão từ phía nam” này hoành hành 6 ngày và 6 đêm.
Nó di chuyển với tốc độ càng lúc càng nhanh và mạnh,
nhấn chìm những đỉnh núi,
ập đến với chúng sinh như một trận chiến…
Đến ngày thứ bảy,
Cơn bão từ phía nam mang theo lụt lội
tàn phá tất cả Mặt đất
dần tan
Biển cả trở nên yên ả,
Cơn bão dần lặng yên,
nước lụt không còn dâng lên.
Ta ngắm nhìn bầu trời.
Sự tĩnh lặng đã trở lại.
Và tất cả nhân loại đều trở lại thành đất sét.
Ý định của Enlil và Hội đồng các vị Thần đã được thực hiện.
Nhưng họ không biết rằng kế hoạch mà Enki vạch ra cũng có hiệu quả: Con thuyền chở theo đàn ông, đàn bà, trẻ em và các sinh vật khác đã nổi được trong dòng nước lũ.
Khi cơn bão qua đi, Utnapishtim “mở một cánh cửa; ánh sáng ngập tràn trên gương mặt của ta”. Ông nhìn quanh, “quang cảnh xung quanh mênh mang bằng phẳng như mái nhà”. Cúi xuống thấp hơn, ông bàng hoàng, ngồi thụp xuống và khóc, “nước mắt lã chã trên khuôn mặt”. Ông đưa mắt tìm kiếm bến bờ của đại dương rộng lớn nhưng không thấy gì. Rồi sau đó:
Một ngọn núi hiện ra;
Con tàu dừng lại ở núi Nisir;
Núi Nisir (“Cứu thế”) giúp con thuyền đứng lại
không còn lênh đênh.
Trong suốt 6 ngày Utnapishtim quan sát xung quanh từ trên con thuyền bất động bị mắc kẹt lại trên đỉnh Nisir, đỉnh Ararat trong Kinh thánh. Sau đó, cũng như Noah, ông thả một con chim bồ câu ra để tìm nơi đậu, nhưng nó quay về. Một con chim nhạn được thả ra và nó cũng quay về. Sau đó một con quạ được thả ra, bay đi và tìm được nơi đậu. Tiếp đó Utnapishtim thả tất cả các loài chim và động vật trên thuyền ra, rồi tự mình bước ra. Ông dựng một bàn thờ và “làm lễ hiến tế” – giống hệt những gì Noah đã làm.
Nhưng đến đây sự khác biệt giữa Thuyết Đơn thần và Thuyết Đa thần lại xuất hiện một lần nữa. Khi Noah dâng lễ toàn thiêu, “Đức Giê-hô-va ngửi thấy mùi thơm ngon”; nhưng khi Utnapishtim dâng lễ hiến tế, “các vị thần ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt. Các vị thần tụ tập xung quanh lễ hiến tế.”
Trong câu chuyện Sáng Thế Ký, chính Đức Giê-hô-va đã thề sẽ không bao giờ hủy diệt Loài người nữa. Còn trong phiên bản Babylon, chính Nữ thần Vĩ đại đã thề: “Ta sẽ không quên… Ta sẽ ghi nhớ những ngày này, không bao giờ quên”.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề. Bởi vì khi Enlil tới nơi này, ngài không màng đến đồ tế lễ. Ngài vô cùng giận dữ khi thấy còn người sống sót. “Có sinh vật nào thoát được ư? Không kẻ nào có thể sống sót sau trận hủy diệt đó!”
Ninurta, con trai và là người kế vị của ngài, ngay lập tức chỉ tay về phía Enki. “Có ai ngoài Ea có thể nghĩ ra được kế hoạch như thế cơ chứ? Chính Ea là kẻ biết mọi chuyện.” Không chỉ chối bay chối biến, Enki còn đưa ra những lập luận bào chữa thuyết phục nhất. Sau khi tán tụng sự thông thái của Enlil và cho rằng Enlil không thể nào “vô lý” như thế được – hay ngài là một người có đầu óc thực tế – Enki vừa chối vừa thú nhận. “Ta không phải là người tiết lộ bí mật của các vị thần”; ta chỉ để một Người, một kẻ “vô cùng thông minh” đã lĩnh ngộ được bí mật của các vị bằng chính trí thông minh của mình. Và Enki đề xuất với Enlil rằng nếu quả thật Con người này thông minh như thế, thì đừng bỏ qua những khả năng của hắn. “Giờ thì hãy bàn bạc về số phận của hắn!”
Theo “Sử thi Gilgamesh”, thì tất cả những điều này là “bí mật của các vị thần” mà Utnapishtim kể với Gilgamesh. Sau khi bị lý lẽ của Enki thuyết phục,
Enlil bước lên thuyền.
Ngài nắm tay ta và dắt ta lên thuyền.
Ngài đưa vợ ta lên thuyền,
để cho nàng quỳ cạnh ta.
Ngài đứng giữa hai ta,
chạm vào trán chúng ta và ban phước:
“Từ nay trở đi Utnapishtim không còn là con người nữa;
từ giờ về sau Utnapishtim và vợ
sẽ đến với chúng ta như những vị thần.
Utnapishtim sẽ được ở tại vùng Xa Xăm,
nơi Ngọn nguồn của những Dòng nước!”
Và Utnapishtim kết thúc câu chuyện kể với Gilgamesh. Sau khi được đưa tới vùng Xa Xăm, ông được Anu và Enlil
trao cho cuộc sống như một vị thần,
Ban cho ông cuộc sống bất tử như một vị thần.
Nhưng điều gì đã xảy ra với loài người nói chung? Câu chuyện trong Kinh thánh kết thúc với sự khẳng định rằng Đức Chúa đã cho phép và ban phước cho con người “sinh sôi nảy nở gấp bội lần”. Câu chuyện Đại Hồng thủy phiên bản Mesopotamia cũng kết thúc với những câu thơ nói về quá trình sinh sôi nảy nở của con người. Một số ghi chép cổ đại không còn nguyên vẹn kể về quá trình phân chia Loài người thành nhiều “loại”:
… Hãy thêm một loại thứ ba giữa Loài người:
Hãy để giữa loài người
Đàn bà có thể sinh đẻ và đàn bà không thể sinh đẻ.
Và rõ ràng là đã có những hướng dẫn mới đối với việc giao hợp của con người:
Quy định đối với loài người:
Hãy để đàn ông… với phụ nữ trẻ…
Hãy để thiếu nữ trẻ…
Thanh niên đối với phụ nữ trẻ…
Khi giường được trải ra
hãy để vợ và chồng ngủ với nhau.
Enlil đã thua keo này. Loài người đã được cứu và được phép sinh sôi. Các vị thần đã mở cửa Trái đất cho Loài người.