Ngày hôm qua

     è này thằng Vỹ đi phụ với bố.
Bố nói khi uống ngụm rượu cuối cùng và đẩy đĩa thức ăn dành riêng để nhắm rượu về phía Vịnh như thường lệ. Và cũng như thường lệ, Vịnh thun mũi với Vân và Vi ý nói là “Bố chỉ cho mình em thôi đấy”, cả bàn ăn bật cười. Nhưng hôm nay câu nói của bố khiến ai cũng ngạc nhiên không còn chú ý đến vẻ phởn phơ trẻ con của Vịnh. Chỉ có mỗi anh Vĩnh cười với Vỹ, lại còn nháy mắt như câu nói vừa rồi là điều Vỹ đang chờ đợi. Vỹ sửng sốt. Dự định làm ăn của bố bao gìờ cũng chỉ anh Vĩnh được nhắc đến tên, còn lại Vỹ, Vân,Vi và Vịnh là trẻ con. Vỹ mở to mắt nhìn bố rồi nhìn mẹ cầu cứu.
- Sang năm con nó thi...
Mẹ nói chưa dứt câu, bố gắt:
- Hè mới đi làm cơ mà.
Bố mà gắt nghĩa là mọi việc đã quyết định rồi. Mẹ thở dài:
- Mùa hè bây gìờ... con người ta...
- Con người ta khác. Con mình khác, phải tập tính tự lập. Hồi bằng nó, tôi...
- Thời của ông...
- Ừ thì thời của tôi khác. Nhưng thằng Vĩnh...
- Lúc ấy nhà mình còn khổ quá. Bây gìơ cũng đủ cho con học hành tử tế như người ta. Không đến nỗi như thằng Vĩnh phải...
- Thằng Vĩnh làm sao? Hai mươi tuổi có xe máy. Mai kia tự xây nhà được. Bà chê à?
- Ông nói vậy...
- Không ý kiến nữa. Người thất nghiệp đầy cả ra. Cơ hội có việc mấy khi. Tưởng dễ có người dâng sẵn việc cho mà làm đấy à? Mà cũng là để cho nó mạnh mẽ hơn một chút, con trai gì mà...

*

Cái xẻng càng lúc càng trở nên như có sắc cạnh. Một mẻ vữa, Vỹ nghỉ bao lần trong khi đứa con gái vẫn đều tay trộn. Liếc nhìn những vết rộp mọng nước trong lòng bàn tay Vỹ cứ chốc chốc lại xòe ra, đứa con gái nói khe khẽ sau khẩu trang:
- Chuyền gạch thì không bị rộp tay đâu. Mà con trai có sức, quẳng gạch lên cao dễ hơn.
Nhưng đâu phải chỉ con trai mạnh tay là được. Mười viên gạch Vỹ quăng lên, hơn năm viên không đụng vào xà ngang thì cũng bị dạt sang bên này hoặc tạt sang bên kia, gạch rơi xuống vỡ rốp rốp. “Chủ nhà vắng, tha hồ làm vỡ gạch, miễn đừng quẳng vào mặt tao là được”, tiếng cười trên gìan khơ khớ. Bụi gạch rơi vào mắt Vỹ cay thốn. “Tao mà nhảy xuống đấy đứng chuyền gạch thì bố mày trả công hơi bị mệt đấy”, tiêng cười trên giàn lại vang lên. Đôi mắt đứa con gái liếc nhìn Vỹ bên trên tấm khẩu trang bạc màu:
- Có tiền, sao không học nghề nào nhàn nhàn mà lại đi cái nghề mưa nắng này...
Kiểu thông cảm lấp lửng của đứa con gái, những câu bóng gió cười cợt của những người thợ trên gìàn, và việc vắng mặt thường xuyên của bố... Dần dần, Vỹ hiểu ra bố bảo Vỹ đi làm chẳng phải vì muốn Vỹ biết tự lập hay tập cho Vỹ một nghề, mà vì nhận xây nhiều nhà một lúc cho nên bố và anh Vĩnh không thể có mặt ở các nơi. Sự hiện diện của Vỹ, con chủ thầu, dù không phải là thợ ngon lành thì cũng vẫn tốt hơn là không có người nhà thường xuyên tại công trình.
Nhận biết này khiến Vỹ càng thấy cay đắng hơn.

*

Kế hoạch hè của Vỹ là học thêm những môn chính cho kỳ thi Đại học sang năm và vẽ tranh tham gia cuộc thi Cành Cọ Vàng. Vỹ có ước mơ của riêng mình, một ước mơ không dính dáng gì đến vôi vữa gạch cát đá. Ban ngày, Vỹ thực hiện những gì bố ra lệnh ở công trình, tối, Vỹ lặng lẽ với những bức tranh. Vỹ muốn vẽ được thật nhiều rồi sẽ chọn ra ba bức đẹp nhất dự thi. Nhưng cuộc chạy đua với thời gian thực tế không dễ dàng như ý tưởng, Vỹ đành gói gọn lại, chỉ vẽ hai bức thôi may ra thì kịp thời hạn. Tranh vẽ dưới ánh điện loang loáng như nhòa màu nước mắt, cây cọ cụng vào những vết chai trong lòng bàn tay thốn buốt. Cảm giác nóng nóng sau gáy, biết mẹ đang nhìn phía sau. Vỹ khóc.
- Khi nào bố vui vui mẹ sẽ tìm cách nói với bố...
Giọng mẹ dịu dàng buồn. Vỹ không trả lời, thấy thương mẹ và giận mẹ kinh khủng. Sợ nhà cửa ồn ào, mẹ luôn luôn nhẫn nhịn. Họ hàng ai cũng khen đức nhẫn nhịn của mẹ, ai cũng nói nếu không có mẹ thì bố chẳng được như bây giờ. Bố với những cuộc rượu thợ thầy với nhau rồi sau đó là khích bác ồn ào, người này tự ái với người kia, mẹ phải năn nỉ. Rất nhiều lần thợ nghỉ ngang vì bị bố quát tháo, cũng là mẹ phải đến nói khéo với người ta. Như mới vừa đây, không có thợ cả trông coi công trình bắt Vỹ phải đi làm cũng vì bố trong cuộc rượu cãi cọ gì đấy. Không có mẹ, bố hẳn là...
Nhưng nhịn không phải lúc nào cũng đúng! Vỹ nào có phải đứa ham chơi. Muà hè của Vỹ cũng là học. Vỹ không phải là anh Vĩnh. Giữa gạch cát đá Vỹ thấy mình chới với như chực tan ra. Vỹ khổ sở với những lời châm chọc của đám thợ, chân tay lóng ngóng với công việc, bộ quần áo bám vôi vữa khiến Vỹ có cảm giác mình đang mặc áo quần của ai, hơn vậy nữa, đây là ai đó chứ không phải Vỹ. Vỹ chẳng sung sướng gì trước những tờ giấy bạc bố nhét vào túi áo “Trả công bằng thợ chuyên nghiệp đấy nhé”. Vỹ không thích tiền. Bố không hiểu “Mày cứ là thằng bé ngơ ngác mãi thế à?”
Mình không phải là đứa ngơ ngác. Mình sẽ chứng minh cho bố thấy... Mình sẽ đoạt giải cuộc thi này hoặc ít nhất là tranh của mình được chọn trưng bày.
Nhưng hai bức tranh không hoàn thành kịp cũng như Vỹ không thể tiếp tục có mặt ở công trình như sắp xếp của bố. Giàn giáo sập. Vỹ bị gãy xương vai phải bó bột. Lại vào đúng cái ngày mà mẹ thuyết phục được người thợ cả trở về làm cho bố.

*

Mùa hè năm ấy trở thành một vết thương.
Bố giận dữ:
- Người ta ở trên giàn không sao, còn nó ở dưới đất. Đứng đâu không đứng lại đứng dưới giàn là thế naò?
Vỹ quát lại Vịnh, đứa em trai út được bố yêu chiều nhất:
- Tắt ti vi ngay lập tức. Ôn bài.
Vịnh ngạc nhiên trước sự đổi thay của Vỹ, người anh trai thường ngày hiền lành ít nói. Ngạc nhiên rồi ấm ức. Những buổi học của Vịnh luôn trùng giờ chiếu phim Tây du ký, những buổi học không bao giờ kết thúc đúng lúc Vịnh mong muốn, tiếng hò reo của bạn bè cùng quả bóng hào hứng qua cửa sổ, Vịnh tuyệt vọng nhìn Vỹ, Vỹ phớt lờ như không trông thấy.
Học, lý do thật chính đáng. Vỹ quét ánh mắt lạnh lẽo qua đám bạn Vĩnh đứng thập thò ngoài cửa:
- Bài vở xong chưa mà đi chơi?
- Em vừa học xong.
- Mang ra đây kiểm tra.
Vịnh ra hiệu cho đám bạn chờ một chút và bày sách vở ra bàn với vẻ hí hửng. Nhưng than ôi, Vỹ không bao giờ hài lòng với cách giải của Vịnh, cũng như luôn luôn có sẵn những bài tập hóc búa hơn. Đám bạn rón rén chạy biến. Vịnh cắn dập cán bút:
- Anh Vỹ, bài này khó quá.
- Dốt.
“Vỹ”, mẹ gọi khe khẽ mỗi khi hai anh em ngồi vào bàn học. Vỹ “Vâng ạ”, vẻ mặt như không hiểu mẹ muốn nói gì. Mảng bột cứng ngắt quấn ngang vai khiến mỗi cử động Vỹ ngước nhìn mẹ cũng trở thành cứng ngắt.
“Vỹ”, mẹ gọi khe khẽ khi Vịnh rúm người lại sau mỗi từ “dốt” Vỹ bật ra. Vân và Vi im phăng phắc mỗi khi tiếng quát của Vỹ vang lên, lo lắng đợi đến phiên mình.
Mảnh bột cứng ngắc được tháo ra. Mùa hè qua đi. Vết thương còn lại. Vịnh nằn nì:
- Mẹ xin cho con chuyển sang học lớp buổi chiều đi mẹ.
- Sao thế con? Học buổi sáng tốt hơn chứ, lại quen cô giáo quen bạn bè rồi.
- Mẹ cứ xin cho con đi mà... Anh Vỹ cũng đi học buổi sáng, chiều nào con cũng phải có anh Vỹ ở nhà...
- Để mẹ nói anh cho con bài tập ít thôi nhé?
- Không chỉ bài tập... Anh Vỹ luôn luôn chê con... Anh Vỹ ghét con - Vịnh khóc. Tiếng khóc ấm ức không biết mình có lỗi gì.

*

Vỹ đậu Đaị học, lấy cớ nhà xa, Vỹ xin ở lại ký túc xá.
- Nhà ta mua thêm cái xe máy ông nhỉ?
Bố chưa kịp trả lời mẹ thì Vỹ đã nói thật nhanh:
- Không cần đâu mẹ ạ tốn tiền mua xe mà lại tốn tiền xăng.
Bố nhìn Vỹ, lờ mờ nhận ra thằng con trai trông có vẻ yếu đuối này rất bướng bỉnh. Mẹ giấu nỗi buồn trong mắt. Vịnh vui tràn ra mặt. Anh Vĩnh nâng cốc rượu làm ra vẻ cụng ly với Vỹ “Sinh viên bây giờ phải biết uống để tập giao dịch dần đi là vừa, có đứa tốt nghiệp loại giỏi mà không.. thì cũng...”. Vân, Vi cười “Người ta nói chưa ở ký túc xá thì chưa phải là sinh viên thực thụ”. Vỹ lẳng lặng xếp áo quần vào túi xách.
Mẹ thường vào thăm Vỹ với túi quà bánh đầy ắp.
- Bạn con đứa nào cũng thế, mẹ đừng lo cho con quá.
- Mẹ có lo gì đâu. Bánh đây là chị em Vân và Vi tập làm theo chương trình ti vi, còn cam quít là bố bảo gởi vào cho con.
Bánh Vân và Vi tập làm thì Vỹ tin còn cam quít nói là bố bảo gởi thì Vỹ không tin. Mẹ nói dối. Luôn luôn là nói dối về những loại trái cây rất ngon và bổ dưỡng “bố gởi vào cho con” - cam, quít, mận, bưởi, nho, nhãn...
Nhưng rồi khi mời bạn bè cùng ăn thì Vỹ cũng lặp lại lời của mẹ “Đây là em gái tớ làm”. “Tao gọi mày là anh nhé”, hai ba thằng bạn lập tức nhao nhao. “Còn đây là của bố tớ...”, “Mày có bố tuyệt vời nhé. Cho tao gọi bằng bố với”. Cả lũ lại nhao nhao.
Tại sao mình cũng như mẹ, muốn nói khác đi về bố? Vỹ tự hỏi mà không tự giải thích được. Người bố Vỹ kể với bạn bè không phải là người bố hay rượu cuối ngày, tính tình độc đoán nóng nảy quát tháo. Vỹ kể về người thợ xây từ thời trẻ vác bay đi làm thuê và bây giờ là nhà thầu, một nhà thầu nhỏ nhưng rất có uy tín, bằng chứng là công việc luôn luôn có, chỉ sợ thiếu thợ chứ không sợ thiếu việc. Và dù đã là thầu nhưng bố vẫn lên giàn làm việc một cách thành thạo vì thế giới thợ xây là vậy, chủ thì chủ nhưng nếu chỉ nói mà không làm được thì thợ không nể. Vỹ kể về bố với công việc khắc khổ suốt ngày phơi người giữa nắng gió, trời đổ mưa thì phải lo che chắn cho công trình trước khi kịp mặc áo mưa cho mình...
Vỹ kể... Quãng thời gian ngắn ngủi làm thợ của mùa hè năm học lớp mười một trở lại trong tâm trí dưới một cách nhìn mới. Vỹ đưa tay sờ nắn bờ vai, vết thương đã lành từ lâu. Đêm nội trú, mỗi đứa một giường, mảnh ván nhỏ gác ngang hai chồng sách làm bàn học, chợt nhớ mình đã lấy lý do học để hành hạ Vịnh như thế nào, thấy nhớ nhà, và chợt nhận ra mình không ghét bố như mình hằng tưởng. Ngày mai mẹ vào, Vỹ sẽ không để mẹ phải nói dối nữa. Cứ nghĩ rằng anh Vĩnh uống rượu, còn mình chăm chỉ học hành thế là rất ngoan, hóa ra chính mình là đứa làm mẹ khổ nhất!
Không để mẹ phải nói dối nữa. Vỹ đón túi quà trên tay mẹ.
- Ruốc thịt đây là Vân với Vi tập làm, còn xoài đây là...
-... Của bố bảo mẹ mua để gởi vào cho con... - Vỹ tiếp lời mẹ.
Khựng lại nhìn Vỹ, mặt mẹ đỏ ửng. Hai mẹ con nhìn nhau như nhìn chính mình trong tấm gương soi. Im lặng thật lâu, mẹ nói:
- Vỹ này, lâu quá con chưa về nhà.
- Vâng.
- Chủ nhật này về nhé?
-...
- Bố là như thế. Nhưng bố là bố, còn con là con. Mẹ chẳng biết nói nhiều, chỉ mong gia đình mình đầm ấm.
- Con cũng muốn thế.
- Nhưng chỉ muốn suông thôi thì sao được Phải làm cái gì đó chứ...

*

“Phải làm cái gì đó chứ”. Suốt đêm Vỹ mất ngủ. Quả là mình chưa hề làm gì cả ngoài việc cất giữ lòng hờn giận. Hiện rõ mồn một khuôn mặt Vịnh tuyệt vọng và bờ vai rúm lại - “Dốt”. Chắc Vịnh oán mình lắm. Oán như mình đã từng...
“Đã từng”... đó là thì quá khứ, là từ của ngày hôm qua... Vỹ mỉm cười một mình, mắt cay. Ngày mai mình sẽ...