Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 11
Đêm vũ hội hóa trang

     au cuộc gặp gỡ với nữ công tước, Francisco trở nên lầm lì, bực dọc.
Anh đi thẳng về xưởng vẽ riêng, anh muốn được ngồi suy nghĩ một mình.
Bước vào nhà, anh thấy Giuanito đang đóng những chiếc đinh dài vào một cây chùy nặng. Anh chàng hộ pháp ngẩng lên cười.
- A, kìa Goya! Lâu quá mới gặp.
- Lâu thật đấy. Được về nhà thật sung sướng. Cậu định mở xưởng làm vũ khí à?
- Không, không đúng hẳn. - Giuanito lẩm bẩm trả lời mập mờ.
- Một vũ khí nguy hiểm. - Anh nhận xét - Tôi không muốn nhận một chùy vào đầu đâu.
- Kể cả bọn lính của Godoi cũng thế, chúng nó chẳng muốn nhận cái này vào đầu đâu. - Anh ta nói thêm.
- Cậu nói vậy nghĩa là sao? - Francisco kêu lên, giọng nói đột nhiên trở nên nghiêm trọng.
Nhưng Giuanito không trả lời mà ngắm nghía anh từ đầu đến chân, rồi đột ngột hỏi:
- Anh nghĩ thế nào về đức vua và bà vợ của ông ấy?
- Đức vua là một người dễ có cảm tình, không độc ác... Hoàng hậu thì phức tạp hơn. Bà ta dốt nát, nhưng thật ra không đến nỗi xấu xa.
- Thế còn Godoi? Anh nghĩ về ông ta như thế nào?
- Ông ta là một người ích kỷ và hiếu thắng. Đó là một kẻ vô đạo lý, vô lương tâm. Ông ta coi thường dân tộc, chỉ yêu bản thân và có khả năng làm mọi chuyện bất nhân để bành trướng quyền lực riêng. Đấy câu trả lời của mình đã làm cậu thỏa mãn chưa?
Gương mặt đầy đặn của Giuanito như sáng hẳn lên vì một nụ cười:
- Tôi biết rõ là anh không có gì thay đổi, biết rõ anh vẫn là người của chúng tôi. Tôi luôn nhắc lại với họ là cả anh cũng sẽ tham gia vào hành động chung của chúng tôi.
Francisco hết đưa mắt nhìn bạn, lại nhìn cái chùy lởm chởm đinh dựa vào trong góc.
- Mình thấy hành động của các cậu thật là nguy hiểm.
- Không có chuyện gì nguy hiểm cả, với điều kiện là quân lính và cảnh sát đừng có dính vào đây... chắc anh không quên ngày mai là ngày vũ hội hóa trang cuối cùng?
- Không, nhưng mấy ngày nay mình rất bận, mình không có thì giờ chuẩn bị một bộ y phục để hóa trang.
- Còn tôi không cần hóa trang, các chiến hữu của tôi cũng vậy. Nhưng tôi thấy việc hóa trang là cần thiết cho một người đang nổi tiếng như anh. Dù không có quần áo hóa trang, anh cũng phải đeo một chiếc mặt nạ. Nếu để người khác nhận ra, sẽ có nhiều chuyện phiền cho anh đấy.
Francisco gắng gượng làm ra vẻ bình tĩnh:
- Cậu nói rõ xem nào.
Giuanito ngập ngừng một lát, rồi thì thầm:
- Đây là một chủ trương bí mật. Vào thời gian sắp kết thúc buổi dạ hội, lúc quảng trường đang đông, chúng tôi sẽ tổ chức diễu hành với những khẩu hiệu đòi tống cổ Godoi và cả tướng Bonaparte. Có hai hình nộm của Godoi và Bonaparte được làm sẵn. Sau diễn thuyết kết thúc, người ta sẽ tổ chức treo cổ những hình nộm ấy.
- Cậu đừng quên là Godoi sẽ phái ngay những đơn vị vũ trang đến để đàn áp cuộc biểu tình.
- Hắn sẽ lầm to. Lực lượng chúng mình đông và mạnh. Vả lại, còn có những nhân vật có thế lực và tiếng tăm đứng về phía chúng mình nữa. Họ đâu dám đàn áp trắng trợn.
- Cậu muốn nói đến nữ công tước Alper?
- Anh cứ đến với bọn tôi rồi sẽ biết. Anh nhận lời chứ Goya?
- Nếu cuộc biểu tình chỉ chống lại Godoi thì mình sẽ tham gia. Nhưng tại sao lại lôi cả Bonaparte vào đấy làm gì?
- Vì hắn muốn thôn tính Tây Ban Nha.
- Cậu có nghĩ rằng Bonaparte có khả năng giúp ta giành được quyền tự do mà hiện nay người Pháp được hưởng không?
- Anh có nghiêm túc không đấy, Goya? - Giuanito sửng sốt kêu lên - Nhưng, chính anh là người đã tuyên bố là nước Tây Ban Nha phải tự cứu lấy mình. Nhân dân phải đấu tranh cho quyền tự do của mình.
Goya lắc đầu điềm tĩnh trả lời:
- Tôi không có gì thay đổi. Tôi vẫn chủ trương phải hành động nhưng đừng để đổ máu một cách vô ích. Nhân dân Tây Ban Nha phải có tự do. Tôi tin chắc rằng, dựa vào Bonaparte, ta có thể thu được nhiều thắng lợi hơn là hành động một mình. Chính vì vậy mà tôi không tham gia vào cuộc đấu tranh của các cậu đâu.

*

Trong đêm vũ hội hóa trang, ranh giới phân chia giữa các hạng người trong xã hội đều xóa bỏ.
Niềm vui sướng chan hòa khắp nơi. Rượu tràn đầy mọi chỗ, nhưng hôm nay, lại rất ít người say rượu và hiếm có những cuộc gây lộn. Cảnh tượng ấy làm ngạc nhiên lực lượng phòng vệ của nhà cầm quyền, vì không khí vui chơi lành mạnh của đêm hội có cái gì khác với truyền thống. Lực lượng bảo vệ an ninh không biết rằng dân chúng dè dặt, giữ kín năng lực là để chuẩn bị cho một cuộc biểu diễn khác.
Tổ chức mật vụ của Thủ tướng có nghe được một vài tin đồn mập mờ về một cuộc gây rối nào đấy nhưng không chắc chắn. Tuy vậy, Thủ tướng Godoi, con người nhiều mưu trí xảo quyệt, cũng đã có những biện pháp đề phòng.
Lòng nặng trĩu ưu tư, Francisco ở lại trong nội cung làm việc. Nhưng, những tiếng ồn ào từ đường phố vọng đến làm anh bứt rứt.
Anh tin chắc vũ hội sẽ kết thúc thảm hại, và biết mình không có quyền lực gì để ngăn cản hành động mà anh cho là ngu ngốc và dại dột của mọi người. Anh cô buộc mình chăm chú vào công việc, nhưng anh không thể tập trung được.
Đến khoảng nửa đêm, anh nhận thấy mình chỉ còn nghĩ tới nữ công tước Alper. Tính mạng nàng có thể gặp nguy hiểm nếu cuộc xung đột đổ máu nổ ra.
Cuối cùng, trong lòng đầy phiền muộn, anh xếp bút vẽ lại, lấy một chiếc áo choàng khoác vào người, rồi hấp tấp đi ra, không quên đeo thanh kiếm vào bên mình.
Ra đến ngoài phố, anh cố len lỏi tìm đường tới quảng trường Plada Mayo. Sau cùng, anh cũng len được vào khu vực quảng trường. Và thấy ở đấy hàng vạn người đang vươn cổ nhìn về phía khán đài dựng giữa những vòi phun nước. Người ta gào thét, khoa chân, múa tay, quay cuồng. Và Francisco đã nhìn thấy đung đưa trên đầu mọi người hai hình nộm bị treo trên giá treo cổ. Cuộc biểu tình đã bắt đầu.
Khi anh tiến được vào gần sát khán đài, thì những hình nộm đã được hạ xuống và bị đám đông xông vào xé tan thành từng mảnh. Ba nhạc công chơi guitare leo lên trên bục và tất cả mọi người đều cất tiếng hát. Tiếp đó, một phụ nữ trẻ được mấy người kiệu trên vai bước lên khán đài. Thế là cả biển người dồn dập lên như một làn sóng hoan hô vang dậy.
Goya nhận ra đó chính là nữ công tước Alper, với một chiếc áo hở hang và một chiếc váy mỏng trên người. Nàng không đeo mặt nạ, mỉm cười đưa tay vẫy đáp lại những tiếng hoan hô, cổ vũ của đám đông.
Nữ công tước quyết tâm vượt qua vực sâu ngăn cách nàng với công chúng bằng cách cải trang với bộ trang phục của một cô “maja”. Và như để công bố cảm tình của nàng đối với dân chúng, nàng bắt tay cùng nhảy với một anh chàng to béo vừa tham gia treo cổ hai hình nộm kia. Lập tức nhiều đôi khác cũng nhập bọn khiêu vũ. Chẳng mấy chốc mặt sàn gỗ rung lên, vang dội nhịp giày.
Đột nhiên, luồng mắt hai người gặp nhau. Nét mặt nàng tươi hẳn lên. Nàng tiến ngay ra mép khán đài và gọi to:
- Ngài Goya!
Anh bỏ mũ chào, nhưng không thể cúi mình thi lễ theo nghi thức vì bị chen chật cứng cả bốn phía.
Đôi mắt sáng lấp lánh, nàng nói tiếp:
- Ngài không thích nhảy với tôi ư?
Francisco cho rằng nàng có ý nhạo báng anh, nên không trả lời. Vẻ lạnh nhạt ấy làm nữ công tước bực bội. Nàng giơ tay ra hiệu. Các nhạc công ngừng bặt. Đám người đang khiêu vũ cũng đột ngột dừng lại. Tất cả mọi người nhìn nàng. Nàng nói, giọng mạnh mẽ, để tận ngoài xa người ta cũng nghe được:
- Đêm vũ hội này thuộc về nhân dân Tây Ban Nha. Kẻ nào không tham gia cùng chúng ta, tức là kẻ ấy chống lại chúng ta. Francisco Goya, ông là ai? Một người Tây Ban Nha, hay một tên đầy tớ của những kẻ đã từ chối không cho dân chúng hưởng quyền tự do dân chủ?
Maria Cayettana đã dồn anh đến chân tường. Francisco rất hiểu điều đó và giận sôi lên vì đã bị đưa ra trước công luận.
- Ông hãy công khai trả lời đi! - Nàng gặng thêm - Hoặc là ông khiêu vũ với tôi, hoặc là ông có can đảm tuyên bố nhận là kẻ thù của nhân dân Tây Ban Nha.
Francisco không còn cách lựa chọn nào khác. Anh trèo lên khán đài giữa những tiếng hoan hô vang dậy của công chúng. Anh cầm tay nữ công tước, nhạc công bắt đầu một bản nhạc theo vũ khúc Boléro nhịp điệu dồn dập. Maria Cayettana mỉm cười, mặt nàng hồng lên, say sưa với chiến thắng.
- Chào ngài Goya, ngài không thể cứ nấp kín đằng sau cái giá vẽ dược nữa. Cả Don Manuel cũng sẽ phải mở to mắt để thấy tình hình đất nước bây giờ ra sao? Ngài phải cảm ơn tôi chứ, vì tôi đã giúp ngài công khai bày tỏ lập trường, quan điểm trước công chúng.
Anh cắn chặt môi để khỏi trả lời gay gắt và nhìn nàng với vẻ lạnh lùng, anh lẩm bẩm nói như trách móc:
- Công nương còn dám nói đến dân chúng nữa ư!
- Đương nhiên là như vậy. Ngài nhìn kìa, dân chúng đang tán thành đấy!
- Chỉ vì họ không biết công nương làm ra vẻ như mình xả thân vì những tầng lớp bần cùng. Việc đó đối với công nương là một trò chơi vui thích. Nhưng rồi họ sẽ thấy họ chỉ là những vật bị hy sinh, bị lợi dụng trong một trò đùa của người đàn bà nhiều tham vọng. Cuối cùng, họ sẽ nhận ra rằng công nương đang đưa họ vào chỗ chết.
Maria Cayettana phá ra cười, tiếng cười giòn tan, nàng quay mình theo điệu vũ, nện đôi gót giày cao theo nhịp nhạc thành những tiếng vang động như nhịp phách.
- Còn ông thì sao?
- Tôi không muốn biết rõ hơn về công nương. Tôi là một họa sĩ, tôi được ngắm nhìn bề ngoài của công nương với dáng vẻ tươi đẹp hấp dẫn, thế là đủ rồi. Công nương là một mệnh phụ quyền quý, thích thú làm chính trị như một trò chơi tô điểm thêm cho sắc đẹp của mình. Cả bộ trang phục hóa trang mà không mang mặt nạ này nữa. Công nương muốn chọc tức bọn người đối lập bằng cách học đòi bộ dạng của bọn “maja” ngoài phố. Đúng thật, công nương không phải đeo mặt nạ nào khác bộ mặt của chính mình. Nhưng tôi khuyên công nương hãy thử nhìn bộ mặt ấy trong tấm gương, và thử so sánh với một bộ mặt của cô “maja” thực thụ xem. Có thể công nương sẽ hiểu điều tôi muốn nói.
Anh đã tự hứa là sẽ giữ thái độ thật bình tĩnh, vậy mà những lời phỉ báng cay độc cứ bật ra. Tuy nhiên, anh không ân hận vì những lời đã nói, đó là tất cả sự thật.
- Tôi không phải là một nghệ sĩ, nên tôi không thể nhìn tôi bằng con mắt của ông.
- Chiếc nhẫn công nương đang đeo trên ngón tay kia, nếu bán đi, có thể đủ tiền nuôi tất cả những cô “maja” của Madrid này suốt đời. Công nương đã biết thế nào là đói chưa? Có biết thế nào là sự thiếu thốn không? Đã từng sống trong những căn nhà tối tăm dột nát chưa?
- Những câu đùa của ông thật chướng quá.
Nàng vẫn quay theo điệu vũ, vừa nói vừa bật những ngón tay như đánh nhịp. Tất cả đám đông vỗ tay theo điệu nhạc. Francisco phải cất cao giọng thêm để nói cho rõ:
- Tôi cam đoan với công nương là tôi không hề có ý đùa cợt. Xuất hiện trước dân chúng với bộ y phục lộ liễu của một “maja” là một điều thích thú đối với công nương. Nhưng công nương có bao giờ nghĩ rằng những con người thật ấy thì lại mong có những thứ y phục khác để khoác lên cuộc đời nhơ nhớp của họ không? Công nương nghĩ rằng cách kiếm sống lang thang khốn khổ trên đường phố làm họ thích thú lấm sao? Bộ trang phục này rất hợp với sắc đẹp của công nương, nhưng đối với những cô “maja” kia, họ mặc thế không phải để phô trương thân hình hấp dẫn của họ như một thứ hàng quảng cáo đâu. Bộ trang phục ấy đối với họ, như một dấu ấn, một nhãn hiệu, một thứ đồng phục nghề nghiệp mà thôi.
Francisco Goya rất đỗi ngạc nhiên không thấy Maria Cayettana nổi giận vì những lời lẽ gần như phỉ báng của anh. Trái lại, nàng mỉm cười có vẻ hơi đượm buồn, và nhỏ nhẹ nói:
- Ít ra, mặc như thế này, ông cũng thấy tôi đẹp chứ?
- Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng sắc đẹp đâu phải là điều kiện để miễn thứ cho những hành động phóng đãng. Hay công nương lại đồng tình với những hành động ấy?
Anh cảm thấy đã nói quá lời, nên buông một câu nhận xét vu vơ với nụ cười gượng gạo:
- Đêm nay cuộc đời nhu bị đảo lộn lung tung cả.
- Có thể trái lại. Chính xã hội đang tìm một thế đứng vững chắc cho nó.
- Tôi không tin chuyện ấy, nó không dễ dàng và đơn giản đến như vậy. Công nương chưa bao giờ đau khổ vì cảnh đói rét khốn cùng. Bên dưới bộ áo ngoài mặc theo thời trang của những “maja”, quần áo lót của công nương có théu gia huy của dòng họ Alper đây.
Nữ công tước Alper tái mặt trước những lời lẽ xúc phạm ấy. Nàng giơ tay định tát Goya nhưng anh đã nhanh hơn, chộp ngay lấy bàn tay nàng.
- Công nương thấy không? Công nương mặc trang phục của gái đường phố nhưng lại nổi giận vì những lời nói bộc trực đến sống sượng theo kiểu bình dân. Tôi nói với công nương những lời chân thực, nếu cách dùng câu chữ có làm công nương chối tai, xin công nương thứ lỗi. Tôi đâu phải là một nhà quý tộc, tôi nói thứ ngôn ngữ của dân chúng, theo kiểu cách dân chúng.
- Thật thế ư? Thế mà tôi cứ tưởng tôn ông đã trở thành cận thần sủng ái của triều đình và bạn thân của Hoàng hậu rồi đấy.
Francisco rất hối hận vì những lời anh đã nói. Anh thấy nổi giận với chính mình hơn là giận nữ công tước. Hình như nữ công tước đã nhận thấy điểm yếu đó ở anh. Chính đây mới là điều mà anh thấy không thể tự tha thứ.
Để giấu nỗi bực tức, anh trả lời ngay:
- Công nương hy vọng làm tôi sờn lòng bằng cách ghép tôi vào phe phái của họ và cho rằng tôi có thái độ chống lại dân chúng Tây Ban Nha chăng? Tôi biết rõ các người là những kẻ ngự trị trên cao, các người không có chút còng minh nào đối với đồng bào của mình. Các người sẽ trả giá cho trò chơi của mình bằng sự thù hận, cấu xé nhau. Một vực thẳm đã mở ra dưới chân các người, nhưng các người còn mãi bận rộn vì những chuyện cãi cọ tranh giành ti tiện nên cũng không nhìn thấy. Thật đáng thương và ghê sợ biết chừng nào! Không, không bao giờ tôi thuộc về các người.
- Thật kỳ quái! Chính ông không hiểu ông đang nói gì!
- Thật ư? Có lẽ công nương sẽ hiểu rõ hơn nếu tôi nói với công nương rằng: “Công nương đừng tưởng đã đưa được tôi vào tròng khi mời tôi khiêu vũ với công nương”. Chiến thắng ấy chỉ là ảo tưởng. Không bao giờ công nương có thể biến tôi thành con rối. Không bao giờ!
- Ngài Goya! - Nàng nói thì thầm - Tôi thương hại cho ngài!
Tiếng nói của nàng đột ngột bị tiếng kêu thét đầy kinh hoàng từ dưới đám đông cất lên làm át đi. Âm nhạc ngừng bặt. Tiếng báo động vang lên phía đầu quảng trường. Mọi người đều hướng về các đại lộ. Lập tức Goya hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Anh chưa nhìn thấy đội kỵ binh, nhưng anh không ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng nhiều người thét lên:
- Chạy đi! Lính cận vệ của nhà vua!
Những người khiêu vũ nhảy ào từ khán đài xuống. Biển người xao động, quay cuồng, nhốn nháo tìm cách tản về các ngã.
Nhưng trong đó có những nhóm người liên kết với nhau, sắn sàng đối phó với bạo lực của quân lính. Những người này đứng tập trung lại một góc quảng trường, họ được vũ trang bằng những khẩu súng cũ và những cây chùy giống như của Giuanito.
Chỉ trong chốc lát, máu sắp đổ.
Lúc này chỉ còn Francisco Goya đứng với nữ công tước trên khán đài. Anh dồn hết sự giận dữ vào nàng:
- Đấy! Tôi mong giờ đây công nương được hài lòng!
Maria Cayettana không nghe anh nói. Mặt nàng nhợt nhạt dưới lớp son phấn. Nàng có vẻ khiếp sợ đưa tay chỉ về phía con đường có đám kỵ binh đang phóng tới:
- Xe ngựa chờ tôi ở đằng kia!
- Chậm mất rồi, thưa công nương. - Anh bảo nàng - Công nương không thể đi đến chỗ đấy được đâu. Đêm nay công nương đã đốt lên ngọn lửa mà công nương không thể nào dập tắt được. Và có nguy cơ là nó sẽ thiêu cháy cả công nương.
Nàng trả lời bằng những tiếng giận dữ mà anh không nghe rõ, rồi cúi mình trên mép khán đài. Như có linh tính, anh vội giữ nàng lại. Nhưng nàng vùng tay ra một cách quyết liệt, quay lại và thét vào giữa mặt anh.
- Để mặc tôi!
Dứt lời, nàng nhảy xuống đường, bắt đầu chen vào dòng người, len lách, chống trả, cố vượt lên trong biển người mênh mông cuồn cuộn.