Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 15
Con đường dẫn tới hầm ngục của tòa án giáo hội

     on Rodriges Sanches là người trước đây cũng một thời say đắm và theo đuổi Maria Cayettana. Cho đến bây giờ, Sanches vẫn chẳng thể nào quên những giây phút hạnh phúc trước đây được sống bên nữ công tước. Hôm nay, Rodriges lúng túng vì ngượng ngập đứng trước mặt nàng trong phòng khách lớn của lâu đài.
- Maria, xin công nương hiểu thấu lòng tôi, làm thế nào công nương có thể tin những mệnh lệnh đặc nhiệm này làm tôi vui thích!
- Anh có thể từ chối không phục tùng.
- Tôi không thể.
Don Rodriges rất khổ tâm. Nhưng sự từ chối của anh ta thật cương quyết, không thể lay chuyển.
Nàng đành cố nén lòng và thay đổi chiến thuật. Với nụ cười đầy ma lực quyến rũ, nàng dang rộng hai cánh tay tỏ ý thất vọng:
- Rồi tôi sẽ ra sao, Rodriges? Biết làm thế nào bây giờ? Nếu tôi không tranh đấu với hắn, đời tôi sẽ tan vỡ và Godoi sẽ kiêu căng với chiến thắng mới này.
- Công nương bảo tôi làm gì bây giờ?
Vừa lúc ấy, Francisco xuất hiện trên bậc cửa. Nhưng cả nữ công tước và cả viên trung úy đều không thấy anh.
Francisco trở về với hy vọng sẽ dàn hòa với nữ công tước. Nhưng mới nhìn thấy viên sĩ quan trẻ tuổi, người trước đây đã cùng đọ kiếm với anh trong đêm vũ hội hóa trang, anh bỗng thấy sự ghen tức ập đến. Lúc trông thấy cảnh nữ công tước đứng sát vào viên sĩ quan, ngước nhìn anh ta với đôi mắt khẩn nài thì máu ghen trong người anh sôi lên. Những câu nói và giọng trìu mến của Maria thoảng đến tai anh càng như đổ thêm dầu vào lửa. Anh nghe thấy nàng nói với viên sĩ quan.
- Don Rodriges thân ái, hãy giúp đỡ tôi.
Rodriges lúc ấy thật đã xiêu lòng, hắn nắm lấy đôi vai nàng nói âu yếm:
- Đối với nàng, tôi sẽ làm bất cứ việc gì. Nàng đã biết rõ đấy.
Francisco không thể kiềm mình được nữa, anh nói to bằng một giọng chua chát:
- Xin lỗi, tôi đã làm gián đoạn một cảnh tượng tuyệt vời.
- Goya!
Maria Cayettana quay mặt lại, kêu lên, bàn tay che lấy ngực. Viên sĩ quan trẻ tuổi đỏ mặt, vội buông nữ công tước ra và cúi chào lịch thiệp.
- Tôi... khoan đã, kìa, Francisco! Không, anh đừng bỏ đi!
- Tôi chờ đây! - Goya nói lạnh lùng.
Don Rodriges như bị vấp, chững ngay lại. Sự ghen tức như bóp chặt lấy trái tim hắn. Hắn nhìn chằm chằm một cách căm hờn con người đã thành công đối với người phụ nữ mà hắn đã thất bại. Đã đành việc nữ công tước lại say đắm một người không cùng đẳng cấp đã là một chuyện quá đáng rồi, song cái giọng lưỡi ngang tàng của gã thường dân xấc xược đã vượt quá giới hạn. Hắn liền đứng thẳng người tuyên bố một cách khô khan:
- Ngài Goya, lệnh chỉ của triều đình, ông phải thu xếp trở về Madrid ngay tức khắc.
Francisco đứng sững, miệng há hốc kinh ngạc. Còn Maria Cayettana thì bật khóc.
Maria Cayettana đã có ý định, trường hợp mọi cuộc vận động đã thất bại, nàng sẽ cùng Francisco xem xét tình thế, và nếu cần, thì sẽ cùng anh trốn sang Bồ Đào Nha. Nhưng Rodriges đến một cách đột ngột, cuộc chạm trán này đã làm mọi kế hoạch tan vỡ cả.
- Goya. - Nàng ấp úng - Hãy nghe em, em...
- Hãy khoan! Thú thật, tôi rất ngạc nhiên vì thấy một kẻ khác bà công tước lại ra lệnh ở tòa lâu đài này. Don Rodriges, ta mừng hạnh phúc của anh. Còn đối với bà, thưa bà công tước, tôi rất thương hại bà.
- Ta cấm anh nói năng như vậy đối với công nương. - Rodriges tức giận, quát to - Ta yêu cầu anh thu xếp hành trang và rời khỏi đây ngay lập tức.
- Rodriges tôi xin anh! - Nữ công tước kêu lên - Tôi cần phải nói với anh ấy, tôi cần giải thích cho anh ấy hiểu...
- Vô ích, thưa bà. - Goya chặn ngang và quay về phía viên sĩ quan - Thưa ông, vừa đúng lúc tôi cũng muốn rời khỏi đây. Tôi không có thời gian để tháo gỡ những bức tranh, yêu cầu ông gửi về xưởng vẽ của tôi ở Madrid. Một nghệ sĩ cần phải sống, và tôi muốn bán những tranh ấy càng sớm càng tốt.
Những cơn thổn thức và tiếng khóc nức nở làm nữ công tước không thể nói được những lời cầu xin.
Don Rodriges hét lên:
- Cút ra ngoài!
Goya nén giận, đáp lại viên sĩ quan đang tức tối bằng một giọng hết sức bình tĩnh:
- Này, ta không cho phép ai nói với ta bằng cái giọng ấy.
- Tao không cần xin phép mày!
Rodriges đã đặt tay lên đốc kiếm, Francisco cũng vội bước đến chỗ cái bao kiếm đặt trên mặt rương để trong căn phòng nhỏ. Anh quay ra, rút kiếm và quát:
- Ta bảo anh, sửa lại câu nói vừa rồi đi!
- Không đời nào!
- Thế thì, chống đỡ đi, thưa ông! Ta hãy kết thúc trận đấu lần trước bị dở dang vì sự can thiệp của một con điếm quý tộc.
Maria Cayettana muốn can ngăn, định nói cho hai người thấy rõ lý lẽ, nhưng chẳng người nào muốn nghe nàng.
Don Rodriges đột nhiên vung kiếm đâm tới. Nếu Francisco không đề phòng mà né tránh kịp, thì đã bị trúng mũi kiếm ấy. Anh theo sát từng động tác của Rodriges, anh biết hắn sẽ tấn công với tất cả sức mạnh của tuổi trẻ.
Goya chặn đón đường kiếm của địch thủ một cách khôn khéo. Anh xông vào tấn công áp đảo đối phương làm cho gã sĩ quan phải lùi về chống đỡ. Với những đường kiếm điêu luyện chính xác, anh đẩy viên sĩ quan vào thế phòng ngự, bắt hắn liên tục phải chống đỡ những thế đánh cực kỳ nguy hiểm.
Nữ công tước sợ hãi kêu thét lên. Francisco mỉm cười một cách chua chát, nghĩ thầm rồi nàng sẽ còn phải khóc than trước tai họa do anh kết liễu số mệnh gã sĩ quan.
Song, tiếng kêu thét của Maria Cayettana đã làm bọn kỵ binh đứng ngoài sân chú ý. Nghe tiếng xô xác, một viên đội rậm râu và mấy tên khác chạy vào.
Thoáng nhìn cuộc đấu, viên đội nắm ngay được tình thế nguy ngập của người chỉ huy, liền ra lệnh cứu nguy. Bọn lính bất thình lình xông vào nắm lấy Goya, quật anh xuống và tước vũ khí.
Nhiều tên khác cũng xông vào, nữ công tước thất kinh nhìn thấy chúng sấn vào đánh người yêu. Anh gắng sức vùng vẫy chống đỡ và tìm cách lấy lại thanh kiếm.
Nữ công tước quay về phía viên thiếu úy, nhưng Don Rodriges Sanches như bị thất đảm, đang đỡ lấy cánh tay phải bị thương. Mắt hắn lạc hẳn đi như không nhìn thấy gì. Vừa thoát cái chết chắc chắn, hắn vẫn chưa hoàn hồn.
Nữ công tước chạy đến chỗ ẩu đả, thét lên:
- Ngừng lại! Ta ra lệnh cho các người ngừng lại!
- Thằng điên ấy có thể làm công nương bị thương đấy. - Viên đội lầm bầm nói, muốn để kéo dài trận đòn thù một cách ác ý, và mạo muội nắm tay nữ công tước kéo lại.
Francisco đuối sức dần, cuối cùng bị gục trước số đông. Anh cố sức vùng dậy, quỳ trên hai đầu gối, nhưng lại bị đạp ngã xuống một cách tàn nhẫn. Mặt đầy máu, quần áo rách nát, Goya gần như bị ngất xỉu.
Mãi về sau Don Rodriges mới định thần, nhận thức tình hình thực tế, hắn ra lệnh cho bọn thuộc hạ ngừng cuộc đánh lộn. Nhưng tình huống nháo nhào ầm ĩ đến nỗi hắn phải hô đến ba lần, chúng mới ngừng tay. Bọn lính vừa thở, vừa giãn cả ra.
Don Rodriges ra lệnh cho hai tên lính vào phòng riêng của Francisco thu xếp tất cả hành lý của chàng. Bốn tên khác khiêng Francisco ra khỏi phòng.
Maria Cayettana bước tới định ngăn chúng lại, nhưng cái nhìn lạnh băng của Goya đã làm nàng sững lại như bị đóng đinh xuống đất. Goya không nói một câu nào, nhưng đôi mắt anh biểu lộ tất cả lòng thù hận.

*

Con đường về Madrid như dài vô tận. Cuộc hành trình trở về này biến thành một cơn ác mộng, và chính Goya cũng phải tự hỏi không hiểu tại sao anh có thể chịu đựng nổi? Cuối cùng, anh cũng về đến xưởng vẽ. Giuanito, người bạn cố tri, đã đón nhận anh. Anh sống lại trong vòng tay những người bình dân giản dị ấy. Chỉ sau hai tuần, anh đứng dậy được và đòi bắt tay vào việc ngay.
Lúc này, cách nhìn của anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh từ chối gợi lại thời gian ở Solina, không nghe những lời khuyên của Daparte và bạn hữu, cương quyết không vào triều kiến đức vua. Triều đình đã ra sắc chỉ biếm truất anh nhằm để anh cầu xin những ân điển và khôi phục lại chức vị. vẻ buồn bực, lầm lì, anh yêu cầu đưa bữa ăn lên tận phòng riêng, sống tù hãm trong một cuộc sống khép kín, không giao thiệp với người nào.
Goya làm việc suốt ngày, không nghỉ, vẽ đủ các thể loại. Nhất là những tranh biếm họa của anh trong thời kỳ này đã phản ánh trạng thái tâm hồn u uất trước cảnh sống tội lỗi và tù túng của xã hội phong kiến. Anh gọi loại tranh ấy là “Những chuyện kỳ quái”.
Một nhà xuất bản vội vàng tập hợp tranh biếm họa của anh, và cho in thành tập. Công chúng rất ngạc nhiên và thích thú đổ xô vào mua tập tranh “Những chuyện kỳ quái”, số ấn bản được phát hành đã bán hết rất nhanh. Francisco bắt đầu vẽ loạt tranh “Những chuyện kỳ quái” thứ hai, cũng với lòng sôi nổi vè tinh thần làm việc mê say như vậy, Giuanito và Daparte là những người đầu tiên phát hiện thấy hình ảnh nữ công tước Alper trong nhiều nhân vật của các bức tranh. Rồi chẳng mấy chốc cả Madrid đều nhận ra nàng dưới bộ quần áo người đàn bà nông dân, rồi dưới dáng dấp một người mẹ trẻ đứng đối mặt với một đội lính hành quyết, và có bức lại dưới hình ảnh một cô “maja” tầm thường.
Daparte là người duy nhất đưa nhận xét này ra với Francisco, nhưng với vẻ lãnh đạm, Goya yêu cầu anh bạn khòng nhắc tới chuyện ấy. Những người bạn gần gũi nhất của Goya cũng không thể hiểu đó là sự ám ảnh không dứt hay biểu hiện của một mối tình đau đớn mà Goya không thể nào quên? Song, hẳn là do những nhận xét của bạn bè mà sau này, người ta thấy bóng dáng nữ công tước ít xuất hiện trong các biếm họa mà chỉ còn trong những bức tranh lớn, dường như những hình ảnh ấy được thể hiện không có chủ định, từ trong phần sâu kín nhất của tâm hồn nghệ sĩ.
Sống như một nhà tu kín, Francisco mải miết làm việc. Nhưng một ngày kia, khi mặt trời chiếu vào xưởng vẽ những tia nắng ấm, báo hiệu đã sang hè, Giuanito bỗng đột ngột bước vào xưởng vẽ, anh ta không hề bối rối vì cái nhìn giận dữ của họa sĩ.
- Tôi không có thời gian đâu, Giuanito. Đi ra đi! - Goya càu nhàu.
Giuanito ngắm bạn, anh thấy Goya đã gầy và già đi. Anh chỉ còn là cái bóng của chính mình. Giuanito bình tĩnh đến ngồi trên cái ghế đẩu gần giá vẽ và nói:
- Tôi có tin về nữ công tước Alper đến báo để anh biết.
Goya tức giận đứng lên:
- Tôi không muốn nghe nhắc đến tên người ấy.
- Goya! Có lẽ anh chưa biết rõ nỗi đau khổ của Maria. Thời gian vừa qua nàng bị câu lưu và quản thúc ở một nơi xa. Nàng phải rời bỏ Madrid từ hơn một năm nay.
- Thì mặc người ta! Tôi chẳng quan tâm đến việc bà ta ở Madrid, Solina hay ở địa ngục.
- Hiện nay, nàng ở Madrid. Nàng vừa mới về hôm qua. - Giuanito dừng lại một chút trước khi nói tiếp, anh nhận thấy bàn tay Goya run rẩy - Goya, anh sống như người ngoài lề cuộc đời, song cuộc đời vẫn tiến tới. Anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, nhưng thật may cho chúng ta, mấy tháng trước đây, quân Pháp đã không xâm lược khi Godoi tập trung toàn quân ở biên giới Bồ Đào Nha. Nhưng hiện nay, Bonaparte lại đưa quân áp sát vùng Pyrénée. Đó là sự thật. Nữ công tước quyết định phải ngăn chặn âm mưu của Thủ tướng Godoi, nàng đã...
- Tôi đã nói với anh rằng, sự có mặt của bà ấy ở đây chẳng liên quan gì đến tôi.
- Nàng đã trở về đây. Chiều qua, Thủ tướng Godoi đã đến gặp nàng. Ông ta muốn thuyết phục nàng về sự liên minh trong công cuộc vận động một phong trào ủng hộ đường lối thân Pháp của ông ta. Nàng đã chống lại và nói thẳng rằng, nếu ông ta nhân danh triều đình có hành động đàn áp nàng thì sẽ không bảo đảm xảy ra những cuộc bùng nổ của nhiều lực lượng chống đối ngay tại kinh thành. Giờ đây, thiên hạ chỉ bàn tán xôn xao về chuyện xung đột ấy. Những tổ chức ủng hộ nữ công tước đang chuẩn bị hành động.
- Thiên hạ có quyền hoan hô cổ vũ nữ anh hùng của họ. Họ muốn làm rùm beng thế nào tùy họ. Còn tôi, tôi muốn được yên thân. Thôi, cậu tha cho mình cái hình phạt ấy.
Giuanito không nghe anh, vẫn cứ ngồi không nhúc nhích. Anh ta nói tiếp:
- Sáng nay, tôi đã gặp nữ công tước. Nàng muốn biết tin tức của anh nên đã cho mời tôi đến. Khi tôi đến gặp nàng, tôi thấy trên mặt bàn của nàng có những ấn bản “Chuyện kỳ quái” của anh. Tôi để ý thấy nàng đã ngắm nghía rất lâu bức vẽ mà hình như anh đã thể hiện nàng trong đó. Tôi cho rằng hai người sẽ có nhiều chuyện để nói khi gặp mặt. Nàng sẽ đến ngay bây giờ đây.
Có tiếng chân bước nhẹ nhàng trên cầu thang, Giuanito vội đứng lên, chạy ra mở cửa, sau đó kín đáo bỏ ra ngoài. Francisco nhận ra tiếng bước chân và mùi nước hoa quen thuộc của Maria Cayettana, nhưng anh vẫn ngồi yên. Anh cảm thấy hơi thở của nàng gần bên và tim anh như thắt lại. Sau đó, anh thấy có tiếng cửa đóng lại, ý nghĩ có thể nàng sẽ bỏ đi làm Goya hoảng hốt. Nhưng anh nghe tiếng nàng gọi anh như thoảng trong hơi thở:
- Goya!...
Anh vẫn không quay nhìn lại.
- Goya, em hiểu là anh giận em, thậm chí khinh ghét em nữa, nhưng em cần nói để anh biết sự thật. Giữa em và Rodriges hoàn toàn không có chuyện gì cả. Hắn ta đến là để thi hành lệnh cấp trên bắt anh phải rời khỏi Solina.
Lúc ấy, như do phản ứng đột ngột, Goya quay hẳn người nhìn nữ công tước, đôi mắt sắc lạnh, hai bàn tay nắm chặt.
- Hắn ta có nhận được lệnh cấp trên cho quân lính đánh đập tôi tàn tệ không?
- Đám quân lính thấy anh đấu kiếm với hắn trong phòng khách, chúng chạy vào cứu nguy cho chỉ huy. Đó là sự hiểu lầm đáng tiếc.
- Rất đáng tiếc, nhưng chỉ cho tôi.
- Em rất đau buồn về những chuyện đó, mặc dù không phải lỗi tại em. Em khổ tâm vô cùng khi bị anh nghi ngờ và khinh ghét.
- Công nương lầm rồi. Tôi không yêu cũng không ghét bà.
Maria Cayettana chớp chớp đôi hàng mi, kéo sát chiếc khăn choàng bằng lụa mỏng vào người, cố nén xúc động.
- Em không bao giờ tin rằng anh có thể quên tình yêu thắm thiết giữa chúng ta. Em không thể tin rằng anh lại tàn nhẫn đến mức từ chối không nghe em trình bày sự thật. Cho dù là một can phạm thì cũng có quyền được bào chữa. Anh hãy nghe em, tình yêu của chúng ta không phải đến dễ dàng, nên cũng không thể dễ dàng dứt bỏ được.
- Còn gì mà phải nghe nữa?
- Như vậy là những giây phút trong dĩ vãng không có ý nghĩa gì đối với anh sao?
- Chúng ta sống với thực tại, thưa phu nhân. Dĩ văng chết rồi!
- Anh nói dối, Goya! Anh không thể quên em. Tình yêu trong chúng ta trong dĩ vãng không bao giờ chết. Em đã xem những tranh vẽ trong tập “Những chuyện kỳ quái” của anh. Em nhìn thấy gương mặt, hình bóng em trên từng trang vẽ. Nếu anh không còn yêu em, tại sao những hình ảnh ấy cứ luôn hiện ra dưới ngọn bút của anh như vậy? Hay vì anh muốn trả thù tình yêu được bắt đầu bằng bao nhiêu thử thách đau đớn này nên đã đem em ra làm trò giễu cợt?
- Tuyệt nhiên không phải thế. Tôi vẽ đúng như tâm hồn tôi xúc cảm.
Anh không thể thú thật rằng hình ảnh nàng đã chiếm lĩnh tâm tư anh, rằng anh luôn vẽ nàng là để cố gắng giải thoát mình khỏi những ám ảnh ấy. Dù anh không nói, nhưng Maria cũng đã linh cảm được điều đó. Song nàng rất tế nhị không để bộc lộ niềm vui, nàng chỉ nói nhẹ nhàng:
- Em tin vào tình cảm chân thật của anh.
Cảm thấy mình sắp bị khuất phục, Goya sợ sự đối mặt kéo dài thêm nữa nên tấn công một cách tàn nhẫn:
- Đã một thời hình ảnh công nương khắc sâu trong trái tim tôi. Trái tim tội nghiệp ấy nay đã chết rồi, Tôi xin nhắc là tôi rất ít thời gian. Đúng ra, tôi rất sung sướng được công nương đến thăm. Như vậy đỡ cho tôi phải cử người đến lâu đài Alper để lấy lại những bức tranh mà tôi đã bỏ lại ở Solina.
Maria Cayettana choáng váng như không tin ở tai mình. Ai lại nói những lời tuyệt tình đến thế? Nàng cố nén đau đớn. Với tư thế trang nghiêm như trong những giờ phút quyết liệt nhất, đôi mắt rướm lệ, nàng trả lời:
- Em biết không phải anh đòi lại những bức tranh ấy mà anh muốn lấy lại tất cả những mảnh vỡ cuối cùng của hạnh phúc tình yêu giữa chúng ta... em hy vọng rằng...
Nhưng dường như không còn đủ sức vượt lên nữa, nàng cúi gục đầu, nghẹn ngào không nói nên lời. Nàng lặng người đi một lúc sau mới trấn tĩnh lại được. Và khi sắp bước ra khỏi cửa, nàng mới thở dài nói nhỏ:
- Thôi, đành vậy, Goya, nếu anh dứt tình như thế... một ngày kia, có thể rồi cũng như em, anh sẽ học được điều này: “Trong tình yêu không có chỗ cho hận thù và lòng kiêu ngạo!”