Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 5
Tự do trong bước lưu đày

     hời ấy, Paris và London vươn lên như những trung tâm trí tuệ của thế giới phương Tây. Song mọi con đường tìm tòi sáng tạo đều vẫn còn dẫn tới Roma.
Những nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ và nhà thơ toàn châu Âu kéo đến đây tìm nguồn cẫm hứng. Francisco Goya nhanh chóng nhập vào đội ngũ nghệ sĩ nước ngoài ấy. Anh thuê một căn nhà nhỏ chung sống với Giuanito. Anh hiểu rằng, muốn đạt tới đỉnh cao nghệ thuật phải làm việc hết sức chuyên cần. Anh tổ chức cuộc sống điều độ và dốc hết tâm trí vào việc nghiên cứu học tập. Anh không cho phép mình sống buông thả, phù phiếm và hoài phí thời gian như trước. Anh chỉ rời giá vẽ để đến nghe bài giảng của các họa sĩ danh tiếng.
Thỉnh thoảng anh lại đi du lịch để trau dồi kiến thức và kỹ thuật. Anh đoạt được một giải thưởng hội họa trong cuộc thi tại thành phố Parme và đã lưu lại ở vương quốc Naple.
Trong khi sống hòa nhập với các tầng lớp dân chúng ở Roma, ở Naple hay ở Parme, anh phát hiện thấy họ có nhiều đức tính mà người Tây Ban Nha không có. Người dân Italia đã kiên trì đấu tranh cho nền độc lập. Trong mọi hoàn cảnh, ở mọi điều kiện xã hội họ đều cảm thấy tự do. Họ công khai bàn luận, phê phán cả nhà chức trách, các cấp chính quyền khi thấy một đạo luật hay một nghị định nào đó không công minh.
Điều làm cho Francisco ngạc nhiên nhất là thái độ của nhà thờ. Anh thấy tất cả đều có học vấn, có kiến thức rộng rãi, sáng suốt và có ý thức về chức năng của nhà thờ, theo khuynh hướng phải đi trước thời đại.
Và anh được biết là chính Đức giáo hoàng cũng quan tâm sâu sắc đến vấn đề tự do và quyền con người. Ông đã dùng ảnh hưởng của mình để giúp dân chúng ý thức được giá trị của bản thân họ.
Triết lý sống của Francisco đến bây giờ đã dần dần được sáng tỏ. Anh không chỉ là một nghệ sĩ thời đại, mà còn là một họa sĩ Tây Ban Nha mong muốn được thể hiện mình. Tuy sống trong cảnh lưu vong nhưng anh vẫn gắn bó chặt chẽ với tổ quốc, với đồng bào. Với niềm tự hào của lòng yêu mến đất nước, anh cam chịu đau đớn chờ đến lúc được đem khả năng ra phục vụ nó. Nhiều lúc bị dằn vặt đau khổ, anh tuyệt vọng cho rằng những năng khiếu công phu rèn luyện của anh sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không được đem ra phục vụ đất nước. Những ưu tư dằn vặt ấy làm anh càng căm thù sâu sắc Don Manuel dé Godoi và bọn quý tộc Tây Ban Nha đang nắm giữ vận mệnh tổ quốc, kiềm hãm nó trong tối tăm của ngu dốt và nghèo đói.
Anh cũng hiểu rằng vũ khí đấu tranh của anh là bút vẽ chứ không phải là thanh kiếm. Nhưng anh không thể làm gì được khi phải sống lưu vong ở Italia. Giuanito kiếm được việc làm khuân vác ở Longotévéré. Anh cũng thấy nhớ quê hương. Dĩ nhiên Giuanito có thể trở về Tây Ban Nha, nhưng anh không nỡ rời bỏ một người bạn đang rất cần được quan tâm.
Francisco buồn rầu chờ ngày chấm dứt cuộc sống lưu vong. Anh biết mơ ước này rất mong manh..
Ở quê hương, qua những lá thư Goya gởi về, Daparte cũng thấu hiểu được nỗi lòng của bạn.
Nhưng ở Madrid lúc bấy giờ, nhân vật có đủ thế lực để xin ân xá cho Goya còn rất ít. Daparte được biết công tước phu nhân Alper là một người yêu hội họa, rất tán thưởng những tác phẩm của bạn anh. Anh đã viết cho nàng một bức thư ngắn, xin được tiếp kiến.
Anh rất đỗi kinh ngạc khi thấy nàng đích thân viết thư trả lời ngay và hẹn tới gặp.
Một lúc sau, Daparte đã đến trước cổng lâu đài công tước Alper.
Anh trình giấy hẹn của công tước phu nhân cho người gác cổng, sau đó một viên quản gia đón Daparte trên bậc thềm, dẫn anh đến một phòng khách nhỏ, bài trí rất đơn giản, rồi lặng lẽ lui ra.
Công tước phu nhân ngồi ngả người trên chiếc ghế dài tận cuối phòng.
Từ trước tới giờ chỉ được trông thấy nàng từ xa, nay nhìn gần, Daparte thấy sững sờ trước sắc đẹp lạ lùng của nàng. Nàng mỉm cười, đưa ra một bàn tay nõn nà. Daparte cúi hôn, và thấy lấp lánh trên ngón tay một viên hồng ngọc lớn.
Daparte vốn quen sống trong cảnh gia đình nền nếp, lúc ấy bỗng cảm thấy không thoải mái, khi nghĩ đến những tiếng tăm đồn đại về nữ công tước góa chồng. Từ sau khi lão công tước già, chồng nàng chết, tư cách của Maria Cayettana làm cả Madrid bàn tán. Nàng từ chối nhiều cuộc sinh hoạt của hoàng tộc ở cung đình. Nhưng lại vào triều yết kiến vua và Hoàng hậu theo ý thích. Nàng hay đi vào các sinh hoạt của dân chúng và tham gia rất nhiệt tình các cuộc vui dân dã.
Nàng coi kẻ hầu người hạ trong nhà như những người tự do, đối xử với họ một cách bình đẳng. Nàng tính toán tiền công và trả hoa lợi sòng phẳng cho nông dân, xóa bỏ những thể lệ ngặt nghèo trước kia. Nhưng Daparte để ý nhiều đến dư luận về đời sống riêng tư của nữ công tước hơn là những quan điểm chính trị của nàng. Người ta xì xào với nhau rằng khi một người đàn ông có diễm phúc được nàng yêu thích, nàng trao thân ngay cho người ấy. Nhưng đến lúc nàng cảm thấy anh ta làm phiền mình, thì sẵn sàng tìm cách loại bỏ, để đón nhận người khác.
Daparte cho rằng đó là những chuyện đồn đại do thiên hạ ghét tầng lớp quý tộc mà nói quá lên như vậy! Nhưng lúc này, đứng trước Maria Cayettana, anh cũng thấy những lý lẽ của mình không chắc chắn lắm. Vẻ đẹp kiều diễm của nàng có sức hấp dẫn đến nỗi không một người đàn ông nào khỏi rung động.
Trái lại, đôi mắt xanh biếc của nàng, với cái nhìn thẳng thắn chân thành lại có vẻ tương phản với vẻ đẹp mặn mà sắc sảo. Phong độ bề ngoài của Daparte có vẻ làm nàng đẹp lòng. Nàng không giấu diếm tình cảm ấy.
- Rất hân hạnh được đón tiếp quý ông đến trang viên dòng họ Alper. Tôi thật sơ suất không mời ông đến chơi sớm hơn. Tập luận văn của ông bàn về phẩm cách con người, tôi đã đọc rất hứng thú.
- Sự chú ý của công nương về những sáng tác của tôi làm tôi sung sướng vô cùng. Nhưng tôi đến đây không phải để cầu xin sự che chở cho bản thân tôi. Trái lại, tôi có một người bạn thân, chính người ấy cũng không biết việc tôi đến gặp công nương, anh bạn ấy đang cần cứu giúp.
Nữ công tước nhìn anh, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, rồi ra hiệu cho anh tiếp tục.
- Tôi chắc công nương biết những tác phẩm của anh bạn họa sĩ của tôi và hình như công nương cũng đã mua mấy bức. Anh ta tên Francisco Goya.
- Có. Tôi biết. Tôi vừa mua một bức tranh nữa của họa sĩ này. Đẹp lắm.
Câu chuyện diễn ra có vẻ thuận lợi, càng khuyến khích thêm Daparte.
- Tôi rất sung sướng vì thấy công nương cũng đã để ý đến một tài năng mà tôi đánh giá cao từ nhiều năm nay. Anh ta là một họa sĩ có tài.
- Vậy ra ông quen biết họa sĩ ấy từ lâu rồi à! Ông thật là may mắn... Tôi cũng rất mong được tiếp kiến ông ấy.
Đó là cái sào ném xuống nước cho người chết đuối mà Daparte đang mong chờ. Anh liền nắm lấy ngay cơ hội.
- Hiện giờ tôi không thể thu xếp một cuộc hội kiến giữa công nương và người họa sĩ ấy được. Nếu muốn gặp mặt anh ta, ít ra công nương phải làm một cuộc viễn du, vì Goya hiện đang phải cư trú lại Italia.
- Tôi biết rõ nguyên nhân ông ấy phải sống lưu vong, thưa ông Daparte.
Trong cách diễn đạt những lời nói trên, có một cái gì khó hiểu khiến Daparte kinh ngạc. Anh chăm chú nhìn nàng và càng ngạc nhiên hơn khi thấy sắc mặt nàng biểu lộ xúc cảm lạ lùng, bí hiểm. Nàng không cười nữa mà lấy lại vẻ trang nghiêm.
Anh nói một cách dè dặt:
- Chắc công nương đã biết rằng anh ấy không thể trở về Tây Ban Nha được. Nếu không, sẽ bị hạ ngục ngay.
- Thôi được, xin nói vào việc đã dẫn ông tới đây.
Daparte tưởng mình đã quen với cách vào đề đột ngột của nàng, nhưng lúc ấy anh cũng thấy lúng túng.
Anh ngồi xuống chiếc ghế mà nàng chỉ cho và nói tiếp:
- Vâng, thưa công nương, Goya đã nhiều lần viết thư yêu cầu tôi tìm hết cách trong khả năng của mình để xin với đức vua ân xá cho anh ấy. Goya nhớ tổ quốc. Anh ấy yêu mến, tôn thờ vương quốc Tây Ban Nha còn hơn cả bản thân. Anh chỉ sống trong hy vọng được trở về quê hương. Và dĩ nhiên tôi chẳng giúp gì được cho anh ấy. Vì tôi chẳng có chút quan hệ hay ảnh hưởng nào trong giới có quyền lực.
- Vậy ông tưởng rằng tôi là người có ảnh hưởng trong giới có quyền lực chăng? - Nữ công tước hỏi lại với một nụ cười giễu cợt.
- Nhưng tôi trộm nghĩ...
- Có lẽ chưa bao giờ ông nghe nói về những nhận xét không được tốt đẹp của Hoàng hậu Mari Louise đối với tôi! Cũng chẳng cần giấu diếm ông nội tình của hoàng tộc, bởi vì giấu thì thiên hạ cũng biết rõ cả. Hoàng hậu tự hãm mình trong vòng vây của bọn tùy tùng xấu xa, do sợ mất ngài Godoi quý báu, nên không nhìn thấy được chuyện chân thật ngoài xã hội.
Bối rối trước những phát hiện trắng trợn về quan hệ phức tạp và bất chính trong hoàng cung, Daparte không biết nên có thái độ thế nào, đành im lặng không trả lời.
- Nói thật ra, Hoàng đế Charles không quyết định một điều gì cả. Chữ ký của nhà vua, rất cần thiết cho một tờ ân xá đây, nhưng đức vua không làm việc gì mà không có sự thỏa thuận của Hoàng hậu hoặc Thủ tướng Godoi. Vả lại Hoàng thượng cũng chưa bao giờ giúp riêng tôi việc gì, nên tôi chỉ có thể giúp ông Goya bạn ông bằng cách đề nghị trực tiếp với Don Manuel.
- Tôi sợ rằng ngài Thủ tướng nhiều công việc bận rộn...
- Cũng không bận đến nỗi sẽ từ chối tiếp tôi đâu. Ông Thủ tướng cũng biết tôi không hành động đúng cương vị một bà công tước. Nhưng ông rất dè dặt trong thái độ xử lý đối với những việc quan hệ đến hoàng tộc. Mặt khác ông đang cố gắng tranh thủ tôi, tìm cách kéo tôi ủng hộ lập trường của ông ta. Tất cả những việc này vô cùng phức tạp. Nhưng tôi tin cả Madrid đều rõ.
Và với vẻ bình tĩnh, chắc chắn, nữ công tước nói tiếp:
- Nhất định tôi sẽ đến trình bày sự việc của họa sĩ Goya với Thủ tướng Don Manuel. Nhưng tôi chưa thể hứa hẹn trước điều gì tốt đẹp với ông được.
- Xin được đội ơn công nương...
- Không, không! Đừng nói ơn huệ gì hết. Tôi đã làm gì được đâu. Và dù việc giúp đỡ của tôi có đem lại kết quả thì ông cũng không phải cảm ơn tôi. Tôi làm việc này như một nghĩa vụ.
Maria Cayettana đứng lên và đến bên cửa sổ. Nàng im lặng hồi lâu như chú ý ngắm nhìn những bông hoa trong vườn.
Lát sau, nàng nói nhỏ nhẹ, như để tiếp nối những ý nghĩ trong tâm tư:
- Tôi nói nghĩa vụ... Vì vương quôc Tây Ban Nha cần có những con người như Francisco Goya. Mà ông biết đấy, cả tôi nữa, tôi cũng yêu mến và tôn thờ đất nước Tây Ban Nha.