Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 9
“Kẻ háo thắng khi đạt được mục đích thường bỏ ngay lý tưởng của mình”

     uốt một tháng miệt mài làm việc, công việc của Francisco đã vào giai đoạn kết thúc. Rất vừa lòng với tác phẩm của mình, anh tuyên bố với Giuanito và những người mẫu là khoảng mười ngày nữa, những bức tranh của vòm cung thánh đường sẽ hoàn thành.
Vào chiều hôm ấy, Goya đang chăm chú vào bức tranh thì đức cha quản trị tu viện đi cùng một sĩ quan deo hàm đại tá đến gặp anh. Họ báo cho anh biết rằng đức vua và Hoàng hậu sẽ đến xem các bức bích họa của anh ngay bây giờ. Goya chỉ kịp ra hiệu cho mấy người lính đẩy giàn giáo vào một góc, để nhà vua có thể nhìn rõ các bức bích họa. Thì anh đã nghe tiếng hoan hô chào mừng vang lên mỗi lúc một to theo bước chân của đức vua và Hoàng hậu tiến đến cửa thánh đường.
Viên đại tá, gươm tuốt trần đứng trong tư thế nghiêm ở trước cửa ra vào. Đức vua đi vào trước tiên, theo sau là Hoàng hậu và Thủ tướng Don Manuel dé Godoi, rồi đến một tốp cận thần và nữ công tước Alper. Francisco đứng chờ bên cạnh bàn thờ nên trông thấy nàng ngay lập tức. Đôi mắt hai người giao nhau, trước khi họa sĩ kịp làm lễ bệ kiến đức vua. Maria Cayettana giữ vẻ mặt lạnh lùng, khó hiểu, và tỏ vẻ như không nhận ra anh.
- Họa sĩ đâu nhỉ? - Nhà vua cất tiếng hỏi, giọng vừa niềm nở vừa oai vệ.
Francisco định thần, từ bệ thờ bước xuống, cúi đầu ra mắt cung kính.
Sau đó, anh cúi mình thi lễ trước Hoàng hậu, nhẹ nhàng nâng bàn tay của bà đưa cho, theo nghi thức triều kiến. Anh cảm thấy cái nhìn của nữ công tước đè nặng lên anh. Nhà vua với vẻ vồ vập hơi vụng về, muốn làm cho anh đỡ bối rối liền nói:
- Chúng ta nhận ra họa sĩ ngay lập tức. Dường như tất cả nghệ sĩ đều giống nhau như hệt. Quần áo lôi thôi lem nhem những màu vẽ. Ngài có thấy đúng như vậy không, Thủ tướng Don Manuel?
- Tâu Hoàng thượng, cuộc viếng thăm không được báo trước, họa sĩ Goya không chờ đợi vinh dự lớn lao, nên không có sự chuẩn bị.
Francisco thầm cảm ơn những lời che chở bất ngờ ấy, anh mỉm cười với ngài Thủ tướng được nhà vua sủng ái.
- Thủ tướng nói rất đúng. Ngài đã thông cảm hoàn cảnh của họa sĩ đó, Don Manuel ạ.
Nhà vua định cầm tay Goya, nhưng ông rụt tay lại vì thấy màu vẽ dính dầy áo anh. Đức vua bỏ ngay ý định làm một cử chỉ có vẻ dân chủ. Ông nói với Goya:
- Người ta bàn luận rất nhiều về những bức bích họa mà họa sĩ vẽ ở đây.
Không hiểu rõ những ý kiến ấy tốt hay xấu cho mình, nên Francisco chỉ im lặng cúi mặt khiêm tốn nhìn xuống.
- Một trong những đồng nghiệp của ông không tán thành lắm tác phẩm của ông... -Nhà Vua nói tiếp. - Này, tên ông ấy là gì nhỉ?
Maria Cayettana nói nhỏ:
- Tâu Hoàng thượng, đó là ông Baye.
- À phải, ông Baye, Chủ tịch Viện Hàn lâm, đúng đấy!
Francisco liếc nữ công tước và nghĩ thầm, có thể nàng đã liên kết với Baye để chống lại anh, sau khi anh khước từ lời mời của nàng. Nhà vua như thấu hiểu sự băn khoăn lo ngại của họa sĩ.
- Nhà vua quen có những nhận xét riêng ông bạn ạ. Chính vì thế mà chúng ta phải đến đây để xem xét tận mắt. Nào, những bích họa ấy đâu nào?
- Tâu Hoàng thượng, trên vòm cung thánh đường đây. Nhưng thần phải tâu trình với Hoàng thượng trước là, những bức tranh ấy chưa được vẽ xong.
- Được, được, ta ghi nhận điều đó.
Nhà vua bước thêm mấy bước rồi ngước mắt trông lên. Ông ngắm nghía những bức tranh với vẻ như ngỡ ngàng, sửng sốt, chẳng tìm được lời nào.
Một lúc sau, nhà vua quay lại phía đức cha quản giáo:
- Nào, đức cha. Xin người hãy dẫn giải cho chúng ta ý nghĩa những bức bích họa này đi!
Trước đây, chính vị giáo sĩ này thoạt đầu khi xem phác thảo của Goya cũng có phản ứng như bị kích động và xúc phạm. Nhưng từ khi ông bị cuốn hút vào với công việc say mê, mải miết của anh thì ông đã trở thành một trong những người ca ngợi anh nhiệt thành nhất. Bằng những lời rành rẽ, ông trình bày:
- Tâu Hoàng thượng, bức tranh này kể lại một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời của thánh Antoine dé Padou. Đức thánh phải tự thân đến thành phố Lisbone để bảo vệ cho thân phụ của người bị kết án vì can tội sát nhân. Vụ án không có bằng chứng cụ thể. Để minh oan, cũng không có dẫn chứng xác thực. Thánh Antoan cầu đức Chúa cha bằng phép lạ của Người, làm cho nạn nhân sống lại. Thủ phạm thật của vụ án phải thú nhận tội lỗi, thế là ông thân sinh của thánh Antoan được giải thoát. Tâu Hoàng thượng, đây là một phép mầu kỳ diệu nhất.
Đức vua cúi đầu, cắn môi suy nghĩ rồi nhìn mọi người xung quanh. Hầu hết đám cận thần đều có vẻ ngỡ ngàng và lúng túng. Nhà vua chẳng rút ra được một kết luận nào trong thái độ của họ. Thủ tướng Don Manuel cũng giữ bộ mặt lầm lì, lặng ngắt. Hoàng hậu Mari Louise thì không ngắm bức bích họa mà chỉ để ý nhìn nàng công tước Alper. Còn nữ công tước thì lại có vẻ đắm chìm trong suy tư mơ mộng nào đó, đôi môi hồng điểm một nụ cười khó hiểu. Thấy không thể dựa vào một nhận xét nào của người chung quanh để đưa ra ý kiến riêng, đức vua một minh kêu lên:
- Sao vậy? Các người hóa câm cả rồi ư? Nào, thử nói xem, các khanh nghĩ thế nào về những bức bích họa này?
Cười cay độc, Hoàng hậu nói nhỏ tai vua:
- Bà công tước Alper của chúng ta có vẻ tán thưởng những bức tranh này, tâu Bệ hạ.
Nhà vua quay sang công tước như dò hỏi.
Francisco với vẻ bình tĩnh cương nghị, chờ đòn tấn công của nàng. Maria Cayettana quay về phía Hoàng hậu, trả lời với một vẻ lãnh đạm giả tạo, nhưng không giấu nổi con mắt tinh tế của chàng họa sĩ.
- Tâu lệnh bà, bệ hạ đã đoán được ý nghĩ của tôi. Tôi nhận thấy những bức bích họa của họa sĩ này có nhiều nét tiêu khiển.
Đám cận thần giật mình kinh ngạc, còn nhà vua thì có vẻ bị kích động bởi lời nhận xét đột ngột, liền đổi thế đứng. Thủ tướng Godoi nhướng mày tỏ ý ngạc nhiên. Nàng thích thú vì tác động của nhận xét vừa rồi vào không khí êm lắng của đoàn người.
Francisco cảm thấy một cơn điên bốc lên trong người. Còn Hoàng hậu khó chịu với lời nhận xét trắng trợn ấy, liền quay lại:
- Lạ thật! Lần đầu tiên chúng ta được nghe một lời bình phẩm nói một đề tài tôn giáo lại mang vẻ tiêu khiển.
Nữ công tước hiểu mình đã đi hơi quá đà.
- Tâu lệnh bà, tồi không nói về chủ đề, mà nói phương pháp thể hiện nó.
- Sao? - Francisco không thể kìm chế nổi.
- Vâng, thật vậy. Đối với thánh đường của nhà vua, lẽ ra họa sĩ phải thể hiện cảnh tượng gợi lên cảm hứng cao siêu với những hình ảnh kỳ diệu mới mang lại cho Người sự xúc động nhẹ nhàng sâu sắc, như ta thường thấy trong các bích họa ở những nơi tôn nghiêm.
- Tác phẩm của tôi phải mang bản sắc của riéng tôi. - Goya đáp lại.
- Tôi không nghi ngờ điều ấy. - Nữ công tước nói với một nụ cười nhẹ nhàng - Tâu Hoàng thượng, tôi tự hỏi không biết ngài có chú ý đến điều này không? Câu chuyện xảy ra ở Lisbon, nhưng ngài Goya thể hiện các nhân vật trong bối cảnh ấy lại là dân cbúng Madrid. Nhân vật của họa sĩ không phải người Bồ Đào Nha, mà là người Tây Ban Nha. Nhìn trang phục họ, ta nhận ra ngay điều đó.
- Đúng thế thật. - Đức vua lẩm bẩm.
- Chính từ điểm đó mà tôi thấy có nhiều nét tiêu khiển. Tâu Hoàng thượng, Người thử nhìn xem, những con người ấy dường như không quan tâm đến phép mầu của Đấng Cứu Thế. Mà điều ấy, thật tự nhiên. Họ có những mối ưu tư riêng. Rõ ràng ta thấy như họ đang tự hỏi xem mình lấy gì để sinh sống vào ngày mai? Và, xin ngài hãy nhìn đám đàn ông và đàn bà trong bức vẽ kia. Đó là những người hành khất rách rưới, những cô “maja” bán mình vì một mẩu bánh. Rồi những tên trộm cắp kia, những thợ thủ công nghèo khổ thất nghiệp, không biết xoay xở cách nào để nuôi sống gia đình họ. Kia là cả một xã hội dưới đáy của Tây Ban Nha được thể hiện thật là rõ nét.
Không để ý đến phản ứng chung của mọi người, Maria Cayettana thong thả nói tiếp:
- Trước mặt vị Thánh, có một tốp trẻ con trèo trên hàng rào. Tôi tin chắc bọn chúng sẵn sàng cắt trộm túi tiền của đức Thánh để mang về cho những bà mẹ chúng. Thưa ngài Don Manuel, ngài có thấy trong bút pháp thể hiện của họa sĩ Goya có những nét tiêu khiển không?
- Tôi thấy những kiến giải của công nương thật là đặc sắc. - Thủ tướng dè dặt đáp lại - Nhưng tôi không hiểu họa sĩ có cùng một quan điểm với công nương không? Thưa ngài Goya, xin ngài trình bày cho đức vua biết chủ ý của ngài trong việc thể hiện nhân vật trong những bức tranh này. Tôi tin rằng những phát hiện mới của ngài sẽ soi sáng nhiều cho nhận thức của người xem tranh.
Francisco hiểu rằng người ta tạo điều kiện cho anh phản bác lại ý kiến nữ công tước. Và lần đầu tiên trong đời Goya dùng con bài ngoại giao chính trị một cách mềm mỏng. Anh cúi mình rất thấp trước đức vua và trịnh trọng trả lời:
- Tâu Hoàng thượng, tôi vẽ theo cảm xúc những gì tôi nhìn thấy và nhận thức được.
- Ta thấy những biểu hiện trong tranh đều đầy thiện chí. - Nhà vua nói.
- Công nương không lầm, khi nhận xét là những nhân vật trong tranh đều là người Tây Ban Nha, chứ không phải Bồ Đào Nha. Vâng, đó chính là dân chúng thành Madrid, thần tử trung thành của triều đại ta, những con người dũng cảm yêu mến Hoàng đế và hoàng tộc. Họ luôn ngước nhìn lên để suy tôn và chiêm ngưỡng uy danh của Người.
Nữ công tước cất tiếng cười:
- Theo tôi thì ngược lại, chính là họ nhìn xuống đức vua từ trên cao đây chứ!
Francisco có cảm giác như đã xông vào một cuộc đấu sinh tử. Anh lạnh lùng nhìn thẳng vào nữ công tước.
- Tôi không muốn tranh luận với công nương. Tôi vẽ những người Tây Ban Nha này để họ luôn được gần gũi đức vua.
Câu trả lời làm nhà vua hài lòng. Ngài cười to với vẻ thỏa mãn.
Như được khuyến khích, Goya nói tiếp:
- Lẽ đương nhiên, thần dân của Hoàng thượng không bao giờ dám từ trên cao nhìn xuống. Các thần tử không bao giờ dám ngẩng cao đầu trước uy vũ vô cùng lớn lao của Người. Nhân vật của tôi là những người nhỏ bé hèn mọn. Hoàng thượng thường vào hành lễ trong thánh đường này, tói nghĩ rằng, giữa hai bài kinh cầu nguyện, Hoàng thượng thường đưa mắt nhìn lên vòm trần bán cầu kia. Như vậy, Hoàng thượng có thể nhìn thấy ngay thần dân của Người, những người sùng kính và trung thành, họ như muốn lưu ý Hoàng thượng, xin ban cho họ những lời phủ dụ. Thần dân Tây Ban Nha của đức vua là một dân tộc sống trung thành và có kỷ cương. Tâu Hoàng thượng, bè bạn thân thiết của tôi cũng là dân Tây Ban Nha, được thể hiện trên bức tranh kia đang cầu xin Hoàng thượng gia ơn cho họ có quyền làm người và có điều kiện giữ gìn nhân phẩm.
- Đó, một bài diễn thuyết tuyệt vời, thưa ngài Goya! - Thủ tướng Don Manuel reo lên.
Thật ra, Thủ tướng không tán thành quan điểm và cách nhìn như vậy, nhưng ông ta biết họa sĩ không phải người có những chủ trương chống đối chính thể quân chủ đương thời, và không phải là một người nguy hiểm. Ông mỉm cười nghĩ rằng Goya là kẻ vô hại. Theo ông, dù anh ta có làm gì đi nữa thì cũng không có khả năng tác động đến dân chúng.
Về phần Hoàng hậu, bà chẳng hiểu gì những ẩn ý chính trị của Goya. Bà chỉ thấy người tình, vị cận thần sủng ái của bà có vẻ tán thành ý kiến lý giải của họa sĩ, còn nữ công tước thì như vừa nhận được một cái tát vào mặt.
Hoàng hậu thốt lên rất chân tình:
- Hay lắm, thưa ngài Goya.
Nhà vua hấp háy đôi mắt:
- Ta yêu mến thần dân của ta. Ai dám nghi ngờ điều đó!
Francisco nghĩ thầm, mặc dù nhà vua nhu nhược nhưng có lẽ đã thành thật. Nếu được tư vấn tốt, ông sẽ là người đầu tiên nới rộng nhiều quyền tự do cho dân chúng.
Hoàng hậu quay về phía nàng Maria Cayettana:
- Ta nghĩ rằng công nương cũng không còn ý kiến gì phê phán nữa!
- Dạ, tâu lệnh bà, còn chứ ạ. Tôi muốn hỏi ngài Goya một câu, nếu ngài đồng ý.
- Xin sẵn sàng phục vụ công nương.
Francisco nhìn thẳng vào đôi mắt nàng, lòng anh có chút tự mãn vì thấy trong nét mặt của nữ công tước lộ vẻ lúng túng. Tuy nhiên, lúc này nàng vẫn là một địch thủ nguy hiểm đối với anh.
- Tôn ông nói rằng tôn ông chỉ vẽ những gì hiện thực, những cái nhìn thấy và nhận thức được. Vậy xin tôn ông cho biết đã nhìn thấy đức Thánh và các thiên thần có dung mạo tuyệt vời kia ở đâu?
Nhiều người trong đám cận thần bật cười thành tiếng. Ngay cả đức vua cũng phải cố giâu nụ cười.
- Cho phép tôi hỏi lại, công nương cũng đã nhìn thấy các đấng thánh thiện ấy ở đầu mà biết được họ đúng là có dung mạo tuyệt vời như vậy?
Lần này thì tất cả đều phá lên cười, cả nhà vua lẫn đám cận thần và đoàn tùy tùng. Nhưng nữ công tước tỏ ra không bối rối.
- Những đấng thiên thần của ngài Goya giống một cách lạ lùng những nhân vật mà ban đêm ta thường gặp lẩn quất trên hè phố Madrid. Các thiên thần đều có trang phục bóng bẩy, hở hang trông thấy các da thịt nõn nà giống y như của những cô “maja” vậy.
Goya thấy tức giận vì nữ công tước lại chĩa mũi dùi đả kích vào Pépa và những người mẫu khác. Anh định tìm một câu ý nhị để trả lời, nhưng Hoàng hậu đã nói trước anh:
- Những lời công nương vừa nói làm tôi thêm khó hiểu, thưa công tước phu nhân kính mến. Công tước phu nhân không muốn họa sĩ thể hiện hình tượng những cô “maja” trong bích họa. Nhưng dư luận lâu nay chẳng vẫn đồn đại rằng, những cô gái chơi ở quán rượu, những chàng đấu sĩ, những nghệ sĩ hè phố đều giao du mật thiết với công nương đó sao?
Nữ công tước nhìn thẳng vào Hoàng hậu, rồi đưa mắt nhìn vị sủng thần. Nàng nói với vẻ móc họng và khinh thị:
- Nếu căn cứ vào những chuyện quan hệ riêng tư để đánh giá con người, thì tâu lệnh bà, tôi e rằng ở đây không phải chỉ mình tôi phải đỏ mặt vì hổ thẹn.
Lời ám chỉ ấy thật quá rõ ràng. Từ bao lâu nay, cả đất nước này đều biết rõ chuyện Hoàng hậu ngoại tình với Thủ tướng Don Manuel. Tuy ai cũng biết chuyện này, nhưng nói thẳng ra trước mặt cả nhà vua và Hoàng hậu thì rõ ràng là một điều không thể tha thứ. Đức vua lộ vẻ khó chịu, còn Hoàng hậu giận tím mặt. Riêng Thủ tướng Godoi vẫn giữ thái độ lầm lì.
Sau đó, đức vua phá tan sự im lặng.
- Trao đổi quan điểm với nhau bao giờ cũng là điều thú vị. - Nhà vua nói, coi như không nói riêng với ai cả - Việc ấy làm cho ý tưởng con người thêm sắc sảo. - Trẫm nghĩ là ta vẫn đang trao đổi về bức bích họa đấy chứ!
- Nhà vua ôn tồn nói tiếp.
Nhân lúc nhà vua quay lại bức tranh, Francisco liền tiếp luôn một đòn tấn công nữ công tước. Anh đến trước mặt Hoàng hậu, trịnh trọng cúi mình:
- Tâu lệnh bà, xin lệnh bà hiểu cho tôi đã vẽ bức họa này trong niềm yêu mến vô cùng đất nước Tây Ban Nha. Xin lệnh bà cho phép tôi được coi đây là một hiến phẩm kính dâng lệnh bà và Hoàng thượng. Nhân dân Tây Ban Nha ngưỡng mộ Hoàng hậu. Và trong niềm kính yêu sâu sắc, họ không hề có những suy nghĩ tách biệt và sai lầm về lệnh bà.
Hoàng hậu rất hài lòng về những lời chúc tụng, thầm cảm ơn sự tinh tế và ý nhị của Goya đã vô tình gỡ thể diện cho bà trước đám tùy tùng. Bà mỉm cười với họa sĩ và bất chợt thấy cái nhìn tức tối của nữ công tước, bà thấy đã đến lúc phải có ý kiến dứt khoát:
- Ngài Goya, chúng ta không hiểu biết nhiều về hội họa, nhưng chắc chắn một tác phẩm đã gợi lên nhiều ý kiến tranh luận như tác phẩm của ngài đã vẽ đây, hẳn không phải là một tác phẩm tầm thường.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với lệnh bà.
- Và, theo thiển ý của tôi, - Thủ tướng nói tiếp - bức tranh này chứng tỏ tài năng và đức độ của ngài, ngài Goya rất xứng đáng được bổ nhiệm làm họa sĩ triều đình.
Hoàng hậu nhiệt liệt tán thành.
- Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến ngài Thủ tướng. Chẳng hay Người nghĩ thế nào, thưa Hoàng thượng?
- Trong thâm tâm, ta quyết định như thế đã hơn một khắc đồng hồ trước đây rồi.
Đức vua nói tiếp:
- Triều đình sẽ làm sắc lệnh bổ nhiệm. Nhưng ngay từ bây giờ, tôn ông có thể được hưởng đầy đủ những ân tứ theo chức vụ. Và khi vẽ xong những bích họa của thánh đường, tôn ông sẽ bắt đầu công việc của hoàng cung, vẽ một loạt chân dung của nhà vua.
- Tâu Hoàng thượng, tôi không thể tìm đủ lời để cảm ơn ngài. - Francisco trả lời như một cái máy.
Anh thấy hai thái dương ù vang, những ý nghĩ lộn xộn quay cuồng trong đầu, anh lặng đi như không có cảm giác gì trong giây phút thắng lợi quang vinh ấy.
Sau đó, đức vua và Hoàng hậu chuẩn bị ra đi cùng đám tùy tùng. Nhưng Don Manuel nán lại một lát:
- Tôi hy vọng rằng dù bị cuốn hút vào nhiều công việc bận rộn, ngài cũng có thể thu xếp để vẽ cho tôi một bức chân dung chứ?
- Chắc chắn như vậy, thưa ngài Thủ tướng.
- Vậy thì rất tốt. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhau kỹ hơn. Tôi thấy có lẽ. - Ông ta nói tiếp với nụ cười nhẹ nhàng đưa mắt nhìn theo nữ công tước - Đối với nhiều vấn đề trước mắt, ông với tôi, có nhiều điểm tương đồng.
Dứt lời, ông ta rảo bước đi ra, không đợi Francisco kịp trả lời.
Maria Cayettana bước ra sau cùng. Đến ngưỡng cửa, nàng đột ngột quay đầu lại. Nhìn thẳng vào mắt Goya, đay nghiến:
- Cho phép tôi được chúc mừng sự thành đạt của tôn ông.
- Bản thân tôi phải cảm tạ công nương đã giúp dỡ tôi trong việc giành được thắng lợi quang vinh này. - Anh trả lời nàng cũng bằng giọng điệu ấy.
Nàng như có vẻ trầm ngâm một lát:
- Tôi từng nghe nói, “Kẻ chiến thắng khi đạt được nguyện vọng thường từ bỏ ngay lý tưởng, mà nó đã làm động lực đưa họ lên bệ cao của vinh quang”. Bậc hiền triết đưa ra câu châm ngôn ấy thật là một người sáng suốt, phải không, thưa tôn ông?
Dứt lời, với nụ cười khinh mạn, nàng quay đi và bước khỏi thánh đường.