PHẦN 2
CHƯƠNG 12

     ghĩa hơi ngạc nhiên, không hiểu sao anh Biền cũng nhận được điện mẹ chết mà trông mặt anh cứ tươi hơn hớn. Trên đường về anh còn ghẹo gái và cười ngặt nghẽo.
Nghĩa theo anh Biền lên chuyến tàu Vinh - Thanh Hoá. Anh kéo Nghĩa lên tàu chọn ghế sát cửa sổ.
- Trông mày ngú ngớ bỏ mẹ! - Anh Biền nói - Cả đơn vị chẳng ai tin mày đã có vợ. Mày thấy gái Khu Bốn có dễ thương không? Các nàng mê trai Khu Ba mình lắm đấy - Anh Biền nháy mắt véo đùi Nghĩa một cái - Ngồi bên con gái mà không bấu véo thủ thỉ là nó bảo mình ngố! Trông con bé kia kháu không? - Anh Biền liếc cô gái áo tím ngồi hàng ghế đối diện - Tao mà cưa đứa nào, đứa ấy đổ kềnh kếnh cang.
Nghĩa ngồi nghe anh Biền nói mà đầu óc cứ lung bung nghĩ về bức điện của Hạnh. Nghĩa chưa tin hẳn bố đã chết.
- Chú mày cứ vui lên, điện đóm thời loạn tin thế nào được. Bố mày không chết đâu mà lo.
- Sao anh biết?
- Mày rõ ngố. Tình hình căng thẳng, các cụ sợ mày chết. Hoặc có thể vợ mày nó thèm quá mới nhảy chồm chồm lên. Con gái mới lấy chồng nó thế đấy. Thà rằng chưa biết tí gì, đằng này đã nếm mùi đời rồi bỗng dưng lại nhịn suông ba tháng nay cứ gọi là phải biết. Chuyến này mày về thì nó ngấu nghiến cho nhừ xương. Thôi, cứ vui lên, về thị xã tao dẫn vào chỗ ông già tao nghỉ xả láng, đi xem phim, xem kịch một đêm, hôm sau tao đưa ra bến xe về huyện.
- Anh không về sao.
- Không. Tao ở chỗ ông già tao. Mày tưởng mẹ tao chết thật sao? Không đâu. Cụ vẫn khoẻ như vâm.
Miệng nói với Nghĩa mà mắt anh Biền vẫn liếc cô gái áo tím ngồi đối diện. Trời sập tối. Nghĩa ngồi thiếp đi giữa muôn vàn âm thanh của con tàu xình xịch lao vun vút trong đêm.
Khi tỉnh dậy Nghĩa thấy anh Biền đã nhảy sang ngồi cạnh cô áo tím từ bao giờ. Miệng anh Biền nói rõ duyên. Tiếng cô gái líu ríu như chim thỉnh thoảng lại cười rúc rích. Anh Biền đang giảng cho cô gái bài "Tình yêu thời chiến" mà hai ngày nay anh Biền đã giảng cho Nghĩa nghe biết bao nhiêu lần.
Về tới thị xã quê hương, cũng là lúc hết giờ xe chạy tuyến huyện. Nghĩa khoác ba lô theo anh Biền về lô nhà ba tầng phố Lê Lợi cách bến xe không xa lắm. Nghĩa vừa đặt chân lên cầu thang đã nghe có tiếng còi báo động. Đường phố nhớn nhác, người nhanh nhảu nhảy tụt xuống các hố cá nhân trên hè đường, người thì ngửa mặt nhìn trời.
- Mẹ kiếp! Vừa về đến tỉnh đã lại báo động - Anh Biền nói, Nghĩa và anh Biền phải tránh sang bên cho mấy người ở trên gác hớt hải lao xuống. Chừng ba phút sau còi báo yên. Anh Biền hối hả lao lên tầng hai, bước vào căn phòng khá sang trọng. Một cô gái trẻ đang nhún nhẩy trước bàn chợt sững sờ nhìn anh Biền và Nghĩa.
- Có báo động mà mày gan lỳ không chạy hả? - Anh Biền nói và quăng ba lô xuống giường - Đây là Thuỷ em gái tớ. Giới thiệu với em, Nghĩa cùng đơn vị anh, người Làng Đông. Mắt cô gái chợt loé sáng liếc nhìn Nghĩa rồi vội quay sang nhìn anh Biền:
- Ôi! Các anh về bất ngờ quá. Em cứ nghĩ là phải mấy năm nữa anh Biền mới về được cơ đấy.
- Bố đâu?
- Cơ quan bố phải sơ tán về Châu Cúc rồi, tối nay bố chưa chắc đã về.
Cơm tối xong, anh Biền pha trà, rót vội một chén uống rồi rỉ tai Nghĩa:
- Mày đi xem phim không?
- Em mệt lắm.
- Vậy ở nhà bảo cái Thuỷ nó mở băng cho mà nghe. Tao đi tình tang với cô nàng của tao đây. Nhớ lắm rồi.
Anh Biền vội đi thay quần áo. Dọn bát đĩa xong. Thủy đứng lên nhìn ngắm mình trong gương, hai chân nhún nhẩy lấy giọng tập xướng âm. Thuỷ có đôi môi đỏ tươi, mắt đen, miệng chúm chím cười, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Nghĩa. Trút quần áo lính, mặc chiếc quần mầu hạt dẻ, áo xanh lơ cổ là cứng, trông anh Biền còn trẻ hơn cả Nghĩa.
- Lại đi đấy. Em mách bố...
- Mày ở nhà tiếp khách hộ anh, anh đi đằng này một tý anh về - Anh Biền nháy mắt với Nghĩa rồi háo hức lao ra cửa. Thuỷ đến ngồi cạnh Nghĩa vẻ thản nhiên:
- Anh Nghĩa thế mà đã có vợ rồi cơ à?
- Tôi mới tổ chức một năm nay.
- Chị ấy có đẹp không?
- Gái nông thôn ấy mà.
- Em cũng là gái nông thôn.
- Nhưng cô được ở thành phố, lại sắp thành diễn viên.
- Anh tưởng diễn viên hát xướng là nhàn lắm sao? Còn cực hơn cả đi cấy đấy. Con trai mà lấy vợ sớm thì khổ nhỉ.
- Duyên số biết thế nào được, với lại chúng tôi yêu nhau từ thời còn đi học.
- Ôi tình yêu thời học trò kể cũng buồn cười thật đấy. Anh Nghĩa có thích nghe em hát không? Em sẽ hát cho anh nghe bài hát của Hoàng Vân. Bài "Quảng Bình quê ta".
Thuỷ lấy chiếc máy quay băng đặt lên bàn ấn nút ghi rồi cất giọng hát. Giọng Thuỷ thật trong và ấm. Nghĩa nghe Thuỷ vừa hát vừa làm điệu bộ như thể cô đang biểu diễn trên sân khấu. Hát xong, Thuỷ tua lại băng ngồi nghe lại giọng của mình.
- Anh nghe em hát có được không?
- Thuỷ hát hay lắm.
- Sao em trông anh buồn thế.
- Tôi nhận được điện buồn. Có thể bố tôi đã chết.
- Ôi! Em còn lạ gì những bức điện giữa thời bom đạn này. Lại giống như trường hợp anh Biền. Anh Biền vừa bảo em là người yêu của anh ấy phịa ra mẹ em chết để tranh thủ qua nhà khua khoắng tí chút rồi lại đi. Em mà là chỉ huy, em đừng hòng giải quyết cho anh về kiểu này. Thôi ta quên chuyện ấy đi. Anh phải vui vẻ với em tối nay cho thật thoải mái. Không phải nghĩ ngợi gì hết. Đời lính các anh chả biết sống chết thế nào. Anh Nghĩa ơi - Thuỷ tủm tỉm cười đưa cặp mắt đen láy nhìn Nghĩa vẻ láu lỉnh - Anh có thích chúng mình sẽ có một kỷ niệm thật đẹp đẽ và trong sáng. Dù anh có đi cùng trời cuối đất anh vẫn mãi mãi nhớ đến buổi tối hôm nay ở bên em. Đố anh biết làm trò gì là nhớ nhau lâu nhất?
- Trò vẽ râu - Nghĩa nói.
- Ôi!  Đúng là anh chỉ nghĩ được cái trò nhà quê. Đấy là cái trò của trẻ trâu.
Nghĩa ngỡ ngàng không hiểu cô gái này định chơi trò gì? Từ thuở bé, chưa bao giờ Nghĩa gặp cô gái nào như Thuỷ, trông cô ta vừa đáo để lại vừa ngây ngô. Thuỷ nhìn Nghĩa như thể đã quen thân lắm. Có lẽ cô gái đoán ra tâm trạng Nghĩa. Thuỷ cười phá lên cầm chặt lấy tay Nghĩa.
- Anh chỉ giỏi giả vờ ngốc ngếch - Thuỷ nói - Anh không hiểu làm thế nào để nhớ nhau mãi à? Theo em thì chỉ có hôn nhau là nhớ lâu nhất. Anh cứ thử hôn em.
- Thuỷ không đùa chứ? Anh đã có vợ.
- Anh này rõ gian. Ai chả biết anh có vợ - Thuỷ cười nhìn vào mặt Nghĩa - Em bảo anh hôn em theo ý nghĩa tình bạn, tình anh em chẳng hạn. Giống như ở bên Tây người ta thường hôn nhau ở ngoài đường í.
- Tôi hiểu ý Thuỷ. Đấy là ở bên Tây mới thế. Việt Nam mình có ai hôn nhau ở ngoài đường đâu.
- Thì chúng mình cứ giả vờ người Liên Xô hay giả vờ làm diễn viên đang đóng phim. Anh sẽ hôn em thật tự nhiên. Thế này nhé, thế nhé! - Thuỷ ôm lấy cổ Nghĩa. Mùi son phấn thơm ngát. Cặp môi Thuỷ lướt nhẹ trên trán, trên má, Nghĩa thấy mình bay bổng như trong mơ. Và anh nhận thấy một điều kỳ lạ. Thuỷ vừa sáng trong vừa u tối.
- Anh có thấy cảm giác gì không? - Thuỷ thì thầm.
- Tôi chả hiểu Thuỷ định làm trò gì.
- Cũng có thể anh có vợ rồi nên mất hứng thú của tuổi trẻ. Bây giờ em hôn vào môi anh nhé! thế này này. Thế! thế! -Thuỷ bập ngay lấy môi Nghĩa và hai cánh tay mềm mại của Thuỷ xiết chặt Nghĩa vào lòng. Thuỷ áp cặp vú nở nang của mình lên ngực Nghĩa êm dịu. Trong giây phút anh ngỡ mình đang ôm hôn Hạnh. Thuỷ cầm tay Nghĩa đặt vào cái nơi đang phập phồng...
- Người ta bảo đây là trái tim - Thuỷ nói và buông hai tay ra nhìn Nghĩa.
- Anh chơi gian.
Thuỷ cười rũ ra và Nghĩa chợt thấy mặt nóng ran ngơ ngác nhìn Thuỷ.
- Thôi, trò chơi chấm dứt - Thuỷ nói - Bây giờ anh nghe em hỏi đây. Anh là Nguyễn Minh Nghĩa đúng không?
- Đúng.
- Kìa, sao anh lại nhìn em lạ thế. Nghe em hỏi tiếp. Anh là học sinh giỏi văn trường huyện đúng không?
- Thuỷ biết tôi?
- Người tài như anh đâu chỉ mình em biết. Bọn con gái lớp em đứa nào cũng thầm yêu trộm nhớ anh.
- Thuỷ học lớp mấy vậy.
- Dưới anh một lớp.
- Ôi! Thế mà tôi không biết Thuỷ.
- Bây giờ thì anh biết và còn được hôn em nữa. Từ lúc anh về với anh Biền, em đã nhận ra anh và không hiểu sao anh giống Pa-ven đến thế. Bởi vậy nên em đã nghỉ ngay ra trò vừa rồi. Anh thấy em giống Tô-nhi-a hay Thai-a?
- Thuỷ, em mơ mộng quá đấy.
- Con gái không mơ mộng sao gọi là con gái. Bây giờ thì em tin anh sẽ nhớ em mãi. Em đã có mơ ước đi ngành y nhưng thi trượt, bố em xin cho em vào văn công. Cái nghề xướng ca em cũng chẳng thích lắm. Giá mà được học ngành y em xung phong ra trận như các anh.
Sáng ra, Thuỷ còn đang ngủ, anh Biền đã dẫn Nghĩa ra bến xe. Ngồi lên xe, Nghĩa vẫn không sao gạt nổi hình ảnh Thuỷ ra khỏi tâm trí. Tối qua Nghĩa như lạc vào thế giới xa lạ. Xe lao qua cống Linh, tới cây số ba thì đỗ lại, Nghĩa nhảy xuống xe. Mới có ba tháng xa quê, Nghĩa thấy như thời gian đã là mấy năm. Từ trên đê, Nghĩa lao vội xuống con đường đất về làng. Trời se lạnh, lũ trẻ ngoài xóm bãi đi học về líu ríu:
- Chúng cháu chào chú bộ đội. Chú về đâu đấy ạ?
- Chú về làng Đông. Các cháu có biết lâu nay làng Đông có đám ma nào không? - Bọn trẻ ngơ ngác nhìn Nghĩa. Nghĩa nhận ra mình rõ ngớ ngẩn.
Từ trên đường nhìn ra cánh đồng Rốt, Nghĩa đã nhận ra có một vòng hoa liêu xiêu khô quắt cắm trên ngôi mộ cỏ đã mọc xanh. Có phải đây là mộ bố? Tất cả chỉ mới là cảm giác mơ hồ...Nghĩa cố bám vào hy vọng bố chưa thể chết. Nhưng không hiểu sao ruột gan Nghĩa cứ cồn cào. Về tới ngang kho hợp tác, Nghĩa đứng sững nhìn mọi người đang đi vòng quanh...Người kéo, người đẩy cái trục đá lăn trên sân lúa vòng quanh vòng quanh. Những dáng dấp, những gương mặt người làng Đông quen thuộc lần lượt hiện ra trước mắt Nghĩa. Một người, hai người, ba, bốn, năm người và cả mẹ Nghĩa cũng đã nhìn thấy Nghĩa. Mặc dù chưa ai kịp nói với Nghĩa lời nào, nhưng chỉ tích tắc nhìn trong ánh mắt kia. Nghĩa biết ngay bố đã chết. Nghĩa tu lên khóc và hoảng hốt bỏ chạy về nhà. Nghĩa đạp cửa, căn nhà vắng lạnh đi, Nghĩa quăng ba lô nằm vật ra giường. Lúc này Nghĩa mới nhận ra mình đã khóc. Nghĩa khóc nức nở như một đứa trẻ.
- Hãy cứ để cậu ấy khóc cho bớt đau khổ. Khóc cho cả họ Nguyễn này biết - Dâu nói. Mẹ và đám người trên sân lúa kéo về. Nghĩa nghe có cả tiếng Hạnh đang rót nước mời mọi người. Bóng Hạnh tất bật chạy lên chạy xuống và thoắt biến ra ngõ. Mọi người kéo nhau ra sân kho, mẹ vào đứng bên Nghĩa:
- Con hãy tĩnh trí lại nghỉ ngơi giữ sức. Mẹ ào ra ruộng hái nắm rau muống.
Mẹ bước ra ngõ, đàn chim sẻ lích rích trên bờ tường giậu bay xoà lên ngọn cau. Nắng cuối thu se hanh vàng cả khoảng ruộng ngoài bến sông. Nghĩa chợt giật mình thấy đôi câu đối bố viết ai đã xoá đi bằng vệt vôi nham nhở. Nghĩa lững thững bước ra sân. Mấy chậu cây cảnh đã đổi màu vàng úa. Bể cá vàng chỉ còn lại mảng rêu nổi lều bều trong mầu nước nhờ nhờ hắt lên mùi thum thủm. Trong bể không còn bóng dáng con cá nào. Nghĩa cố nhìn vào các ngóc ngách trong hang hốc hòn non bộ thấy còn sót lại duy nhất mỗi cái đầu cá đã thối rữa. Hai con hươu trên sườn núi bố Nghĩa đắp bằng xi măng đã bị ai bẻ trụi chỉ còn trơ ra mấy sợi đồng rỉ. Nghĩa lững thững bước vào căn buồng của mình thấy quần áo của Hạnh treo trên mắc. Nghĩa đau đơn nhận ra sự yên ổn của vợ chồng Nghĩa phải đánh đổi bằng cái chết của bố. Có tiếng chân bước nhẹ, bóng Hạnh bước qua sân tay cầm hai quả trứng chui tọt vào bếp. "Chắc Hạnh chạy về bên nhà lấy trứng gà". Trong giây lát Hạnh đã nhào vào buồng ôm ghì lấy Nghĩa...
Có tiếng chân bước tất bật. Mẹ đã đi hái rau về. Hạnh buông Nghĩa ra và lấy thư của bố đưa cho Nghĩa đọc. Hạnh chạy xuống bếp nấu cơm. Chú Vạn thập thễnh bước vào"
- Thằng Nghĩa về đấy hả? - Tiếng chú Vạn oang oang - Chà, ra dáng anh bộ đội rồi đấy. Đã vào tận Sông Lam, Bến Thuỷ cơ à? Tuyệt! Quê hương Xô Viết - Nghệ tĩnh anh hùng, quê hương của Bác Hồ Kính yêu đấy - Chú Vạn ngó trừng trừng Nghĩa - Thôi việc đã rồi. Không được buồn, yếu người đi. Mày được vào lính pháo hả? Khá đấy! Tao ngày xưa là lính đánh bộ cứ a la xô xông lên. Đã được dự trận nào chưa?
- Chưa ạ.
- Ừ, còn phải huấn luyện chứ. Chả như bọn tao ngày xưa. Vào lính là quất ngay. Nghe nói thằng Mỹ hồi này quần trong đó dữ lắm hả? Cái chính là đừng có run.
Chú Vạn cầm cốc nước từ tay Nghĩa uống một hơi hết sạch.
- Đưa giấy tao xem họ cho mày về được mấy ngày. Chà, bảy ngày à? Như thế là ngày kia phải đi rồi.
- Chú để nó nghỉ ngơi đã nào - Mẹ Nghĩa nhặt rau ở cửa nói xen vào - Nó vừa mới về đã tính chuyện đi.
- Kỷ luật bộ đội là nghiêm lắm, chứ lại như cái tổ cấy nhà chị muốn đi lúc nào thì đi.
Bữa cơm trưa dọn ra, mẹ bảo chú Vạn ngồi ăn cơm luôn thể. Chú Vạn bảo "được". Cơm có rau muống luộc, canh chua, trứng rán với đĩa tép khô.
- Tao vừa ở đằng ấy, mẹ con Hạnh bảo trưa mai làm cơm mời chúng mày. Tối mai tao sẽ chiêu đãi chúng mày một bữa. Cả hai đứa phải sang sớm giúp tao một tay thịt con gà. Cả đời tao chả sắp cỗ bao giờ.
Cả buổi chiều Hạnh ở nhà với Nghĩa. Ngày tháng mười, thoáng chốc mặt trời đã là là ngọn cau. Hạnh chuẩn bị bữa cơm tối. Nghĩa men theo bờ rào sang thăm ông Xung. Từ ngày chú Xeng, chú Xính bị xử bắn, ông Xung mắc bệnh điên bỏ nghề lái lợn, nên kinh tế gia đình sa sút hẳn. Cơ ngơi nhà ông Xung xưa khang trang, giờ xơ xác. Ba ngăn chuồng lợn xưa lúc nào cũng nhung nhúc lợn con, lợn to, bây giờ trống hoác, xiêu vẹo. Nghĩa nhìn mãi mới thấy mỗi chú lợn con đen chũi nằm vùi trong đống rác chìa đuôi ra như đuôi chuột. Tụi trẻ nhà chú Xeng thấy Nghĩa, chúng nhảy cẫng lên reo:"Anh Nghĩa, anh Nghĩa về chúng mày ơi!".
- Ông đâu? - Nghĩa hỏi tụi trẻ. Đứa bé nhìn đứa lớn lo sợ chuyện gì đó. Thằng anh nhìn Nghĩa cúi mặt xuống im lặng di di bàn chân lem luốc.
- Ông đâu hả? Mày điếc à?
- Bố...Bố nhốt ông trong bếp - Thằng anh miễn cưỡng nói.
- Cúng mày có cầm chìa khoá không?
- Có!
- Đưa đây.
- Bố...bố đánh em.
- Đưa chìa khoá đây - Nghĩa quát.
Thằng anh lấy chùm chìa khoá treo trên cổ đưa cho Nghĩa. Nghĩa vồ lấy chùm chìa khoá chạy lại mở cửa bếp. Gian bếp tối om, xộc lên mùi hôi thối. Ông Xung ngồi co ro trong đống rác ở góc bếp hai đầu gối quá tai. Mắt Nghĩa tối sầm khi nhìn kỹ vào gương mặt ông Xung quắt lại xương xẩu... Ánh mắt ông dại nghệch nhìn Nghĩa ngơ ngác. Quanh bếp mọi thứ lộn tùng phèo cả. Mấy ông đầu rau cũng để lộn ngược, trên nền bếp đầy tro rác lẫn lộn như gà bới. Tường bếp bị đào lỗ chỗ như chuột khoét. Bất chợt ông Xung đứng dậy chạy vụt ra sân. Nghĩa hoảng hốt chạy tới nắm chặt lấy đôi bàn tay đen nhẻm của ông Xung.
- Ông ơi! Cháu đây, Nghĩa đây mà ông.
Ông Xung ngó trừng trừng Nghĩa, bất chợt ông áp hai bàn tay lên mặt khóc hu hu.
- Thằng Nghĩa....Nghĩa - Ông Xung lẩm nhẩm trong miệng nhắc đi nhắc lại mãi tên Nghĩa - Nghĩa ơi! Mày còn sống sao? Thế mà tao định bầu thằng Xeng nhà này làm trưởng họ.
Vừa thấy bóng chú Xeng về, ông Xung lỉnh ra ngoài ngõ.
- Chú thím đi làm về đấy ạ!
- Vâng! Không dám, chào anh! - Mặt chú Xeng tối lại.
- Anh còn sang đây cơ à?
- Chú nói gì lạ. Cháu về được vài ngày tranh thủ sang thăm ông, chú thím, cô Thao và các em.
Chú Xeng ném đôi quang gánh xuống góc sân rồi bước vào nhà. Thím Xeng quẳng chiếc liềm vào cái thúng rồi lập cập bước vào bếp. Cô Thao lùng tùng gánh rơm, vừa bước vào sân đã the thé quát mắng mấy đứa cháu không ra hót thóc đất.
Chú Xeng ngồi trước bàn kéo hơi thuốc lào, mắt lờ đờ nhìn Nghĩa
- Họ nói gì ạ?
- Họ nói họ Nguyễn đến ngày mạt vận. Đã thấy nhục chưa? Mạt vận từ cái ngày thằng Vạn tý tởn với mẹ con Hạnh, nên từ đường họ mới bốc cháy đùng đùng. Thằng Xeng, thằng Xinh mới bị chết oan, ông nhà ta mới bị điên điên dại dại thế. Tưởng cái vận hạn đã qua - Chú Xeng ngập ngừng nhìn Nghĩa - Đến đời mày bỗng dưng lại lao đầu vào cưới con Hạnh. Bởi thế bố mày mới chết đột tử hiểu chưa. Ôi! cái cảnh gia đình họ tộc nó tan nát đến thế này mày vẫn chưa tỉnh ra sao hả Nghĩa ơi.
Chú Xeng rơm rớm nước mắt, đứng dậy:
- Chừng nào con Hạnh còn ở trên đất từ đường thì tai hoạ còn xảy ra.
Nghĩa buồn bã về nhà. Nghĩa ngồi trước mâm cơm có bát cá quả còn bốc hơi nóng, một đĩa thịt bò kho và đĩa rau muống luộc. Nhìn ra chiếc bát ba đôi đũa sắp sẵn, Nghĩa lại chạnh lòng nhớ tới bố. Hồi bố còn sống mà có được bữa cơm đoàn tụ thế này thì thật hạnh phúc.
- Mày đi những đâu về đấy hả? - Mẹ hỏi.
- Con sang chú Xeng. Chú  ấy nhốt ông vào trong bếp.
- Thảo nào mấy hôm nay tao không nhìn thấy ông. Thế cũng qua một đời - Mẹ khẽ thở dài. Ngày xưa ông Xung còn khoẻ. Cái nghề lái lợn của ông nuôi cả nhà, con trai con gái, con dâu, đều ăn chung một bếp mọi việc cứ đâu vào đấy. Vậy mà bây giờ rõ khổ...

 

Hai đứa vừa ôm nhau chợp mắt được một chốc Hạnh đã tỉnh giấc. Chỉ vài tiếng nữa Nghĩa phải ra đi. Ngắm gương mặt anh đang ngủ dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu vặn nhỏ để trên bậc cửa, Hạnh cúi xuống hôn nhẹ lên môi Nghĩa rồi rón rén dậy nấu cơm. Ra tới cửa Hạnh đã thấy bóng mẹ chồng chập chờn trước ánh lửa lép bép trong bếp. Nghe tiếng bước chân Hạnh, mẹ đã vội nói:
- Mẹ không ngủ được, để mẹ nấu cơm cho. Cứ đi mà ngủ, còn sớm lắm con ạ.
Hạnh trở vào buồng khẽ nằm xuống bên Nghĩa. Hạnh hiểu rõ tâm trạng của mẹ muốn vợ chồng Hạnh có con sớm. Thời gian hai đứa gần nhau quá ít nên lúc nào cũng cảm thấy khát khao. Qua lần này không biết bao giờ Nghĩa mới lại về với Hạnh. Nghĩ đến cảnh phải xa Nghĩa lâu Hạnh hoảng hốt ôm ghì lấy Nghĩa quên bẵng rằng cần phải để cho Nghĩa ngủ thêm chút nữa, sáng ra anh phải đi tàu xe vất vả.
- Em không ngủ sao? - Nghĩa tỉnh giấc nắm chặt lấy bàn tay Hạnh.
- Anh cứ ngủ nữa đi - Trời chưa sáng đâu.
- Anh vừa nằm mơ thấy chúng mình có con. Con trai. Để anh nghĩ đã.  Anh đặt tên cho nó là Tình.
- Tình - Nghĩa, được đấy anh ạ. Em tin rằng Tình nó sẽ giống anh - Nó sẽ là chàng trai kế thừa trưởng nam dòng họ Nguyễn mà lại.
Hai vợ chồng đánh răng rửa mặt xong, mẹ đã giục ăn cơm. Hạnh ngồi ngắm mẹ nắm cơm nếp, tay mẹ cứ thoăn thoắt lật đi lật lại nắm cơm tròn vo bốc hơi nóng rẫy.
- Mẹ chỉ giỏi nắm cơm - Nghĩa nói - Con vẫn còn nhớ cái đêm mẹ nắm cơm cho bộ đội đi đánh bốt Linh.
- Ừ! Tao vẫn còn nhớ đêm hôm ấy có cả mẹ con Hạnh, ông Xung. Vợ chồng chú Xeng nữa. Cái anh cơm nắm phải nắm thật nóng mới nhuyễn. Nắm nhiều rát bỏng cả tay.
- Ngày ấy Hạnh còn bé tý - Nghiã nói - Anh còn leo lên cả nóc từ đường xem lửa cháy rừng rực.
Nắm cơm xong, mẹ ra giếng nước rửa tay. Có tiếng chuột rinh rích ngoài sân. Mẹ lập cập bước vào cửa.
- Chúng mày nghe thấy gì không? - Mẹ nói - Tiếng chuột rúc đấy.
- Chuột rúc thì sao hả mẹ? - Hạnh hỏi.
- Thì gặp may chứ sao. Hồi bố chúng mày đi cất vó sớm, tao thường dậy nấu cơm. Cứ bữa nào có tiếng chuột rúc là y rằng hôm ấy bố mày cất được nhiều cá. Đã bao giờ chúng mày nghe thấy tiếng vọng chưa? Tiếng vọng báo điềm rủi ro. Tao còn nhớ cái lần Pháp càn về làng, đàn bà con trẻ phải chạy tản cư hết lên làng Hồi. Bố chúng mày phải ở lại với du kích chống càn. Đêm ấy ngủ trên làng Hồi tao cứ nghe có tiếng reo réo trên trời. Tao hỏi mấy bà tiếng gì kêu thì họ bảo chẳng nghe thấy tiếng gì cả. Tao dậy mở cửa sổ ngó ngoài trời thì nghe thấy tiếng réo u ú. Thế mới lạ. Sáng dậy đã nghe tin bố mày bị Pháp bắt cùng với chú Hinh, chú Dược, chú Hoà. Còn cái giống chim khách nó kêu thì rõ là điều mừng. Sáng hôm ấy tao dậy sớm để đi chợ Quài mua khoai, ra tới bể nước đã nghe tiếng chuột rúc. Khi quẩy gánh ra đến ngõ tao nghe trên nóc từ đường chim khách kêu "khách khách". Đến chiều vừa quẩy gánh khoai về tới đầu ngõ tao đã nhìn thấy chị cả chạy ra reo "Bố về rồi! Mẹ ơi, bố về rồi". Bố mày về cùng với chú Hinh chú Dược. Trong số mấy người bị bắt, riêng có bố chúng mày là bị bọn Pháp tra tấn đánh đập nhiều nhất nên về có làm được việc gì nặng đâu. Nhúng chân xuống bùn là về ho sù sụ. Chính vì lẽ đó bố mày mới nghĩ đến chuyện sắm vó đi cất cá mòi từ ngày ấy. Chúng mày thấy đấy, bố đi cất vó cũng phải chân giày chân dép, nhiều người không hiểu lại bảo bố mày chơi sang.
Nghĩa và Hạnh vừa ngồi ăn cơm vừa nghe mẹ kể chuyện về bố.
Hạnh đeo ba lô tiễn Nghĩa. Hai đứa đi tắt bờ ruộng tránh cái nhà vịt để khỏi gặp chú Dĩ. Cánh đồng làng Đông nhuộm vàng trong ánh rạng đông. Đàn chim Mòng két xao xác nối nhau bay mải miết. Trên những thửa ruộng lúa sớm đã gặt nhấp nhô những mô rạ khum khum chờ đón nắng lên. Gió lao xao trên những thửa ruộng chưa gặt, lúa chín vàng óng. Hương vị đồng quê thật kỳ lạ. Dù có đi xa đến đâu Nghĩa vẫn thấy làng Đông hoàn toàn khác biệt, cũng giống như Hạnh, không lẫn với bất cứ cô gái nào trên thế gian này. Hai đứa đến khúc quanh của dòng sông, Nghĩa bấm tay Hạnh nhìn lại kỷ niệm đêm tân hôn hai đứa đã nằm với nhau trên vạt cỏ kia. Mặt trời lên, những hạt sương trên cỏ loé sáng lên như ngọc.
- Có một điều anh thấy thật kỳ lạ - Nghĩa nắm chặt tay Hạnh - Không hiểu sao bao nhiêu lần nằm bên em nhưng duy chỉ có mỗi cái đêm đầu tiên ở đây là không bao giờ quên. Anh vẫn cảm nhận rõ những mầm cỏ non nó chạm vào da thịt mình khi hai đứa nằm ôm nhau. - Đấy! Nó đâm đúng vào đám này này.
Hạnh cười đấm lia lịa lên lưng Nghĩa. Nghĩa chộp lấy tay Hạnh kéo đến đứng giữa đám cỏ.
- Chúng mình lại hôn nhau lần nữa ở đúng chỗ này xem anh có nhớ lâu không - Nghĩa ôm lấy Hạnh và hôn lên môi cô. Hạnh cũng láu lỉnh véo vào sườn Nghĩa một cái rõ đau:
- Nhớ nhé! Em véo đúng chỗ cái mầm cỏ nó đâm đấy. Thôi đi nhanh lên kẻo lại lỡ xe.
- Em yên trí! Chuột đã rúc thì làm sao lại lỡ xe được.
Hai đứa vừa đi vừa rí ráu nói chuyện. Mặt trời đã lên cao, cống Linh sáng rực trước mắt đôi vợ chồng trẻ.