PHẦN 3
CHƯƠNG 13

     hả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông.
Tiếng hát cười của tụi trẻ con líu ríu chơi trò "thả đỉa" đuổi bắt nhau vòng quanh gốc quéo. Lão Xung ngồi ngất ngưởng trên lưng con chó đá nghe tụi trẻ con hát đi hát lại bài "Thả đỉa". Lão quen miệng lẩm bẩm hát theo thành thử lão cũng thuộc làu làu. Thỉnh thoảng lão lại hát rống lên, hai tay chới với khuơ khuơ lên trời. Lão cất giọng hát theo tụi trẻ:
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối đổ tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ vào nhà nào
Nhà ấy phải chịu
Lão Xung hát đi hát lại mãi rồi cũng mệt. Tiếng lão lục cục lẫn hơi thở khò khè. Hồi này tối đến lão Xung được thả tự do đi chơi, dưới sự giám sát của tụi trẻ nhà chú Xeng. Cũng chỉ tại lão Xung hay lẩn trốn đi lang thang ra bờ sông, bờ ruộng. Tụi trẻ cũng thật tinh ranh, chúng nghĩ ngay ra sáng kiến buộc chân lão Xung vào con chó đá bắt lão phải ngồi đấy. Con chó đá thì không thể đi đâu được. Thế là tụi trẻ tha hồ chạy nhảy không phải lo lão lẩn trốn nữa. Mọi sự cưỡng bức lâu cũng hoá quen. Ngồi lâu thấy tê hai cẳng chân, lão cúi xuống gãi gãi và sờ ngay phải mối dây buộc dưới chân. Lão hý hoáy gỡ được mối dây và bỗng nhiên lão thấy hai chân nhẹ bẫng đi. Lão đứng dậy lững thững ra bến sông, con gái làng Đông rửng mỡ rủ nhau ra đứng tình tang cười hơ hớ. Cầu Đá Bạc có hai hàng lan can, trước quét vôi trắng bây giờ cũng phải "phòng không" quét nhựa đường đen kịt. Dù có bị sơn đen, mọi người vẫn cứ gọi là cầu Đá Bạc hay cầu Đá Trắng. Cũng giống như người ta vẫn cứ gọi đoạn sông này là sông Đình, mặc dù ngôi đình Đông đã phá bằng địa từ lâu, dấu tích còn lại mỗi hai con chó đá cứ nhe răng ra cười hết ngày này qua tháng khác.
- Chúng mày ngấy đực hay sao mà cười dữ vậy - Chú Đột đang cất vó dưới vạ sông nói vọng lên - Mẹ kiếp, chúng mày cười làm cá trong vó tao nó cũng phải sợ co vòi lại.
- Khiếp cái nhà chú Đột nói bậy.
Bọn con gái nhao nhao phản đối.
- Thế mà ngày xưa ông ấy cũng làm được chủ tịch đấy.
- Cũng may là chú ấy làm chủ tịch có ba tháng, chứ làm ba năm thì dân làng  Đông thành phản động hết.
- Chú Đột ơi, chú mất lịch sự lắm. Chúng cháu đứng ngắm trăng đẹp thế này mà chú lại bảo....
- Ngắm trăng! - Chú Đột hậm hực - Có mà ngắm trai. Nhưng con trai bây giờ cũng đét còn đứa nào ở nhà mà ngắm nên phải ra đây chọc mấy lão già. Rõ dơ chửa! - Đám con gái biết chú Đột cáu nên im thít, đứa nào cũng trợn trụa cửa miệng vậy thôi, trong bụng cô nào cũng phải công nhận chú Đột nói đúng. Cả làng Đông bây giờ bói cũng chả còn đứa con trai nào nhìn cho ra hồn. Đứa nào không đui què, sứt môi, tai điếc thì mười bẩy đã đòi khai thêm tuổi để đi khám nghĩa vụ. Cánh con trai làng Đông hiện đang ở nhà đếm trên đầu ngón tay: thứ nhất là anh Nhan ho hen cò cử đi khám nghĩa vụ năm lần bảy lượt đều không đắt, ở nhà làm thư ký đội sản xuất. Thứ hai là tay Tẹo, chột một mắt được giao chân coi đồng. Thứ ba là Thằng Ngốc, chuyên đi gắp cứt trâu. Nhìn mấy sợi tóc lơ thơ trên cái đầu to sụ với cái mũi lúc nào cũng đỏ như sung chín trên gương mặt dị dạng của chàng ngốc, ít người đoán nổi năm nay chàng Ngốc bao nhiêu tuổi, Ngốc luôn mỉm cười với bất cứ ai. Tất cả các cô gái làng Đông đều đòi lấy Ngốc. Lúc đầu Ngốc tưởng các cô muốn lấy mình thật còn tỏ ra e thẹn, nhưng đến khi biết các cô chỉ nhạo mình. Ngốc liền hành động tức thời. "Đứa nào muốn lấy tớ thì cứ cho tớ thơm một cái đã" Ngốc nói và làm thật, nhiều cô chạy vãi ra quần, Ngốc cũng không tha. Chàng trai thứ tư của làng Đông lúc này còn ở nhà, đó là Hân. Như con mắt của các cô gái làng Đông, Hân là chàng trai có dáng vóc tuyệt vời, to, cao, khoẻ mạnh, mắt sáng, nhưng cũng là đồ bỏ đi. Hân là nhân vật đầu tiên đi lính đảo ngũ về làng. Hân về hôm trước, hôm sau có giấy về xã. Ngay tối hôm đó cô Thao con út ông Xung là vợ chưa cưới của Hân đã mang trầu cau trả lại gia đình Hân. Dù có chết già gái làng Đông không ai thèm lấy phường đào ngũ. Thà có phải lấy chàng Ngốc còn hơn lấy thằng hèn hạ. Hân không giám ló mặt ra đường từ cái hôm phải đeo tấm biển "ai cũng như tôi thì mất nước" đi diễu trên đường làng. Hân phải chiềng cái mặt trước bàn dân thiên hạ chịu cảnh nhục nhã để tụi trẻ bêu diếu khắp đường ngang ngõ dọc. Vừa đi chúng vừa gõ "phèng phèng" đánh trống khua chiêng, gào rõ to:"Ai cũng như tôi thì mất nước".
Từ ngày cống Linh bị máy bay Mỹ ném bom, tối đến làng Đông không nhà nào dám thắp đèn, ban ngày không ai mặt áo trắng, đội nón trắng. Học sinh đội mũ rơm, đeo lá nguỵ trang đến trường. Những khóm tre làng Đông đã chặt trụi để ghép hầm kèo ở từng gia đình và các nơi công cộng như uỷ ban, trường học, sân kho hợp tác. Mọi người luôn sống nơm nớp lo sợ. Đêm đêm có tiếng máy bay từ xa đã phải bật dậy lăn xuống hầm một hai lần. Một tháng, hai tháng mọi sự căng thẳng cũng quen dần và bây giờ thì mặc mẹ nó ném bom đâu thì cứ ném, việc ngủ cứ ngủ. Người ta sống vẫn cần cái ăn. Muốn có cái ăn cần phải làm việc. Vẫn phải cày, cấy, ma chay, cưới xin, giỗ chạp. Các cô gái vẫn thích tình tang tính tang. Có nghĩa là mọi việc vẫn diễn ra, những chiếc áo cánh trắng ban ngày không được mặc thì các cô gái mặc vào buổi sáng trăng như tối nay. Đã may rồi chả lẽ để mục, rõ phí. Ở lứa tuổi tưng tưng mười chín, đôi lăm được vận áo trắng, áo màu, nom người nó cứ phừng phừng muốn nhảy nhót một tý cho nó tươi đời. Như thời xưa thì tha hồ mà hờn anh nọ dỗi chàng kia, giờ thì con gái cứ đầy ra đấy. Chả có ma nào nó nhòm.
Những đêm trăng như đêm nay, cầu Đá Bạc là nơi các cô gái làng Đông tụ tập. Mấy ông già mang vó thả kiếm cá nấu riêu. Đến như lão Xung mất trí còn muốn ra đây hóng mát nữa là. Lão Xung được thả tự do là ít khi chịu đứng yên một chỗ. Lão giơ tay, giơ chân nhảy múa, lội xuống mép sông nghịch nước. Đối với mọi hoạt động của lão Xung bây giờ chẳng ai còn chú ý. Dù lão có để truồng lồng lồng đi trên đường người ta cũng mặc kệ.
- Các cụ ngày xưa cấm kỵ con gái đứng đường - Đột nói với mấy ông cất vó bên mố cống cho bõ tức - Bây giờ các cô gái làng ta lại thích đứng đường. Rõ khổ chưa. Trông cô nào cũng phây phây mà "chống ề".
- Ế chồng mà cũng phải nuôi con một mình như cô Tý Hin em gái chú thì hay lắm đấy.
- Chú Đột ơi! Chú có tính thương người, sao chú không đi tìm cái tay đội dựa ngày xưa về cho cái Tươi nhà cô Hin nó nhận bố.
- Bây giờ lão ấy dám vác mặt về đây, bố tao mà thấy mặt, ông ấy tùng xẻo.
Mấy đứa con gái rõ ác, chúng toàn lôi cái chuyện ngày xửa ngày xưa ra làm Đột phải im thít. Chú Đột đang tìm lời chơi lại thì nghe tiếng bủm bủm giữa vó. Các cô gái cười phá lên:
- Ông Đột ơi! Cất vó lên có cá quẫy đấy.
- Mẹ cha đứa nào đáp vào vó tao.
Đột tức quá chửi đổng, đám con gái cứ trơ trơ, cười rinh rích. Mãi lúc này đột mới nhìn thấy trong đám con gái làng Đông trên cầu còn có một thằng con trai lớn của lão Quỳ thợ ảnh dưới phố huyện sơ tán về làng Đông. Tay Huy thọt nhưng bố con nó làm nghề chụp ảnh hái ra tiền ở đất quê này chẳng có nhà nào được như nhà nó. Từ ngày có cái hiệu ảnh của bố con thằng Huy về đây, con gái làng Đông lúc nào cũng hơn hớn tý tởn rủ nhau đi chụp ảnh. Nghe tụi trẻ con kháo nhau thằng Huy láu cá giám bóp vú con gái trong phòng ảnh. Con gái làng Đông đứa nào cũng biết tính ma cô của hắn mà vẫn quấn quýt nghe hắn kể chuyện. Con gái mà nghe hắn kể chuyện tình thì không sao đứng dậy được.
- Huy! Tao bảo ưng đứa nào cầm tay lôi tuột xuống bờ sông í. Để chúng bám anh nhằng nhẵng cả lũ thế kia trông tội lắm.
Đột khoái chí cười vì đã tìm phát hiện ra điểm yếu của đám con gái. Nguyễn Vạn và Hạnh vừa ở trong văn phòng uỷ ban bước ra tới cầu Đá Bạc thấy đám con gái đang cười hơ hớ.
- Giải tán ngay - Vạn quát - Đứng tụ tập thế này là vi phạm lệnh phòng không. Ai về nhà ấy ngủ sớm đảm bảơ sức khỏe. Có sức khỏe mới có sức chiến đấu trên đồng ruộng. Các cô gái bấm nhau về. Nguyễn Vạn nhìn chàng thợ ảnh đứng trơ ra tựa lưng vào thành cầu.
- Tôi nói để anh biết - Nguyễn Vạn nói, từ ngày anh về đây, anh làm hư hỏng con gái làng này.
Nguyễn Vạn thập thễnh bước đi không thèm nghe anh chàng thợ ảnh lúng búng giải thích câu gì đó.
- Bây giờ cô phải theo dõi quản cho chặt đám con gái làng này - Nguyễn Vạn nói với Hạnh - Cái thằng trai phố huyện về đây thêm rắc rối.
Hạnh đi bên chú Vạn cố nén nỗi xúc động để khỏi oà khóc. Những ngọn tre non hai bên đường vật vờ nghiêng ngả dưới trăng.
- Lúc này mày không vững là hỏng - Nguyễn Vạn an ủi - Đây cũng là nhiệm vụ lớn lao Đảng uỷ giao cho chú cháu mình. Hạnh ơi, cháu phải cố nén tình cảm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Hà cháu đã hy sinh anh dũng. Nó hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ cách mạng như bố cháu. Bây giờ cháu phải giữ kín chuyện này, hãy để mẹ cháu ngủ qua đêm nay. Buổi truy điệu ngày mai cháu phải thuyết phục mẹ cháu vững vàng, không được khóc. Phải làm gương cho các bà mẹ khác trong làng Đông ta. Đằng nào thì thằng Hà cũng đã hy sinh.
Chú Vạn an ủi, Hạnh càng muốn khóc to, tiếng khóc cố nén lại trong cổ làm Hạnh thấy ngạt thở.
- Mày mà cứ thế này thì mẹ mày sẽ đoán ra ngay - Chú Vạn gắt, đã bảo là phải bình tĩnh.
- Cháu...cháu không sao bình tĩnh được.
Hạnh bỗng tu lên khóc to hơn.
- Im! im đi ngay! - Vạn rít lên - Thế thì mày phải về đằng mẹ chồng mà ngủ, sáng mai về sớm. Để lộ chuyện này đêm nay mẹ mày gào khóc ầm làng ầm nước là mày bị kỷ luật đấy. Chú Vạn nói và lặng lẽ bước đi. Hạnh đứng sững lại, gạt nước mắt chạy về nhà chồng.
- Tao tưởng mày ngủ bên nhà - Bà Khiên dậy mở then cửa - Mẹ mày cũng vừa ở đây lúc tối.
- Mẹ con có nói gì không mẹ? - Hạnh hơi chột dạ nhìn mẹ chồng - mẹ mày nghe đâu xã mình đợt này lại có mấy trường hợp báo tử. Không biết thôn mình có ai không? Thằng Hà, thằng Hiệp bên nhà và cả thằng Nghĩa lâu nay cũng bặt tin.
- Tất cả những người đi xa, mấy ai có thư đâu mẹ.
Hạnh vội bước vào buồng sợ nói chuyện lâu với mẹ chồng, không nén nổi cảm xúc lại khóc oà thì hỏng hết việc. Hạnh thấy thương mẹ chồng, thương mẹ đẻ và thương cả chị Hồng người yêu anh Hà mấy năm cứ trông chờ anh Hà về để làm đám cưới.
Gần sáng, Hạnh thiếp đi và mơ một giấc mơ khủng khiếp. Hạnh mơ thấy có giấy báo tử Nghĩa về xã nhưng họ vẫn giấu Hạnh. Hạnh kêu thét lên, ú ớ khóc.
- Mày kêu khóc gì thế hả? - Hạnh giật mình nghe tiếng mẹ chồng hớt hải chạy vào. Bà Khiên nhìn Hạnh, bỗng nhiên bà oà lên khóc và ngất xỉu bà ngỡ tai hoạ mẹ Hạnh nói tối hôm qua lại rơi trúng vào nhà này.
- Mẹ! - Hạnh hốt hoảng ôm lấy mẹ chồng - Không phải anh Nghĩa đâu mà là anh Hà con đã hy sinh rồi mẹ ạ. Sáng mai sẽ làm lễ truy điệu. Con nhận được tin từ tối nhưng chưa dám nói cho mẹ con biết...
Sáng sớm chú Vạn đến dẫn Hạnh về nhà mẹ đẻ. Hạnh ngỡ ngàng thấy mẹ đón nhận cái tin khủng khiếp này một cách điềm tĩnh tới mức lạnh lùng. Mặt mẹ chỉ hơi tái đi khi nghe chú Vạn giải thích vòng vèo mãi - Nó đã chiến đấu anh dũng. Chú Vạn nói mắt không dám nhìn chị Nhân - Thấy chị vững vàng tôi yên tâm. Thằng Hà nó đi theo bố nó- một cái chết vẻ vang. Cả buổi tối hôm qua, tôi và con Hạnh cứ băn khoăn lo cho chị.
- Thì ra là thế đấy! - Mẹ nói, mắt ráo hoảnh không có lấy giọt nước mắt - có nghĩa là nó đã chết, thằng Hà đã chết.
- Nó đã hy sinh anh dũng! - Chú Vạn nói.
- Là người mẹ đẻ ra nó, tôi đã linh cảm tới điều này từ lâu, từ mấy đám truy điệu trước ở làng này. Ngày hôm qua tôi tình cờ nhìn thấy mấy ông trên xã đi qua, ông nào cũng liếc mắt nhìn vào nhà tôi. Thế là tôi hiểu ngay có sự. Và đúng cái sự mà tôi đã linh cảm thấy từ lâu.
Nghe mẹ nói, Hạnh nghĩ là cái chết của bố ngày xưa đã ám ảnh mẹ. Và Hạnh đâu có ngờ mẹ đã âm thầm khóc cạn cả nước mắt suốt đêm qua.

 

Bây giờ cả làng Đông đã biết tiếng súng của ai rồi. Nguyễn Vạn đấy. Ngoài Nguyễn Vạn ra, làng Đông đã ai nghĩ đến chuyện ấy...Tối đến Nguyễn Vạn lẻn xách súng ra nằm trên chốc khu lò gạch đổ ngoài bờ sông phục máy bay Mỹ bay thấp. Bọn Mỹ bây giờ cũng quái. Chúng thay đổi chiến thuật từ ngoài biển lao vào bay sát mặt sông, mấy trận địa pháp 37 đành chịu. Mỗi lần có máy bay bay thấp y rằng lại nghe có súng AK của Nguyễn Vạn, bắn rèn rẹt. Dân làng Đông lo ngại: phản lực Mỹ chứ đâu phải: "chuồn chuồn" của thằng Pháp xưa. Có mà gãi ngứa cho nó. Bố Vạn mà làm nó cùn lên ị xuống một bãi thì chết cả làng. "Ai sợ cứ việc chui xuống hầm". Nguyễn Vạn tuyên bố thẳng vào mặt kẻ nhát gan. Mẹ kiếp! Nó bay trước mũi mà không bắn thì hèn quá. Trong thâm tâm Vạn quyết chi phải lập được chiến công. Trông nó bay thấp mà thèm. Nó to lù lù như chiếc thuyền biết bay. Hãy đợi đấy!
Nguyễn Vạn cay cú nằm trên trốc lò gạch mắt thao láo nhìn về phía biển. Đêm mênh mông. Những đụn mây đen đang đùn lên từ phía đằng đông. Trời  này dễ mưa rào. Gió nổi lên, mặt sông bỗng xao động. Loáng cái, cả bầu trời tối đen. Cơn mưa ập đến làm Nguyễn Vạn cuống cuồng. Nước mưa quất vào mặt, vào má Vạn tê rát. Nguyễn Vạn xách súng, bấm đèn pin đi trong ánh chớp loang loáng. Sấm dậy lên, không gian sôi réo sùng sục. Thấy có nhiều cá rô lóc, Vạn cởi phăng áo, khoác súng vào người vừa đi vừa bấm đèn chộp những con cá rô gói vào áo. Những chú cá rô từ mép nước ngoi lên lách rách lẫn trong cỏ nhiều vô kể. Vạn không ngờ mình lại bắt được nhiều cá rô như thế. Về tới đầu làng, Vạn quyết định mang cho chị Nhân một nửa. Đêm tối thế này chả ai biết mà ngại. Nguyễn Vạn lập cập bước vào ngõ nhà chị Nhân không dám bấm đèn. Vạn chạy vào bếp, soi đèn nhìn thấy đôi thùng gánh nước. Vạn cười thầm.
- Ai làm gì ở dưới bếp đấy?
Tiếng chị Nhân trên nhà quát làm Vạn bật cười.
- Chị không ngủ à? Vạn đây. Tôi bắt được nhiều cá rô lắm, đem cho chị mấy con.
Vạn đổ hết cá ra chiếc thùng gánh nước rồi khoác vội chiếc áo ướt vào người. Mùi cá tanh xộc lên, rớt cả nhầy nhẫy bám vào da thịt làm Vạn khó chịu. Vạn vội chạy ra giếng xối liên tiếp mấy gầu nước giếng ấm nóng, thấy đỡ lạnh.
- Mưa gió thế này, ai bắt tội chú mà khổ vậy - Chị Nhân đã thắp đèn đứng ngấp ngó bên cửa lúng túng như sợ có ai nghe thấy - Chú vào trong nhà đi. Ai lại đứng mãi như giời đầy ở ngoài mưa thế kia.
Nguyễn Vạn quần áo sũng nước nhảy lên đứng trên hè. Chị Nhân vào buồng lấy bộ quần áo của thằng Hà đi bộ đội để lại mang ra đưa cho chú Vạn:
- Chú vào thay quần áo đi không chết rét.
Nguyễn Vạn vào buồng thay quần áo rồi ra ngồi trước bàn. Lúc này Vạn mới thấy thấm lạnh, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Ngoài trời vẫn mưa ào ào.
- Cá rô mùa này béo lắm - Vạn nói - Mai chị cứ rán mà chén một bữa cho đã. Chị cho tôi xin ít giẻ lau súng.
Chả nhẽ lại để chú Vạn ngồi lau súng và nói mãi chuyện cá rô. Chị Nhân hơi băn khoăn cảm thấy căn nhà lúc này cứ sáng choang lên trong đêm vắng. Chị nhìn chú Vạn mặc bộ quần áo của thằng Hà nom ra dáng thanh niên. "Chú Vạn không lấy được vợ là tại mẹ" lời con Hạnh lại vang lên trong tâm trí chị. Chị Nhân vừa thương vừa giận lại vừa khó hiểu cái tình kỳ quặc ở chú. Xưa nay chị đã nghe mọi người tán đủ chuyện về chú Vạn. Họ bảo chú là người không có dục vọng ham thích phụ nữ. Không ai nhìn thấy chú vạn tán tỉnh đàn bà bao giờ. Có người lại bảo biết đâu ngày đánh Điện Biên, bom đạn nó chả cưa mất cái của ấy rồi cũng nên. Những chỗ kín như thế thì ai mà biết được. Súng đạn nó cũng chả từ chỗ nào, trên cơ thể chú bây giờ đầy những vết sẹo nhằng nhịt.
- Chú Vạn này - Chị Nhân nói - Tôi hỏi thật, chú có định lấy vợ nữa không đấy? Thời buổi này đàn ông thì hiếm, phụ nữ lại đầy ra đấy.
Chú Vạn nhìn chị Nhân như thể chưa bao giờ biết chị. Chị thấy mặt nóng ran, chị ngồi nghiêng người, đầu ngả về một phía đưa tay vuốt nhẹ mái tóc dài đen mượt. Gương mặt chị Nhân sáng lên, miệng tủm tỉm cười nhìn Nguyễn Vạn. Chị cố làm ra vẻ khác thường, Nguyễn Vạn chưa bao giờ thấy chị Nhân lại lả lơi như lúc này. Đàn bà rõ kỳ lạ. Nguyễn Vạn chưa bao giờ hiểu rõ bản chất đàn bà. Chả lẽ chị Nhân cũng lại giống mụ Hơn, vợ thằng Công? Chả lẽ đàn bà ai cũng thế cả, rửng mỡ lên là quên hết mọi chuyện không còn biết giữ gìn nữa. Nguyễn Vạn lấy lại bình tĩnh nói lấp lửng:
- Chị cứ hỏi ngay bản thân chị ấy! Bây giờ chị có dám nghĩ đến chuyện lấy chồng?
- Sao chú lại nói vậy? Tôi đã có con lớn, có phúc đã có cháu gọi bà rồi, chú cả đời chưa biết phụ nữ là gì. Chú không nghĩ đến lúc chết còn có đứa nó thắp hương.
Chị Nhân lén nhìn chú Vạn.
- Hay là như thiên hạ người ta bảo chú ái nam ái nữ, hý hý...chú mà ái nam ái nữ thì buồn cười nhỉ.
Nguyễn Vạn thấy nóng mặt. Cái nhà chị này hôm nay rửng mỡ thật rồi. Chả lẽ Vạn lại nói thẳng ý nghĩ của mình ra trước cmặt chị Nhân "Tôi yêu chị đấy, từ lâu rồi, chị có dám không". Không! Không bao giờ lại xảy ra điều khủng khiếp ấy. Trên đời này còn bao nhiêu chuyện ràng buộc nào danh dự, uy tín...Nguyễn Vạn ngồi lặng đi một lúc rồi đùng đùng nổi giận:
- Đứa nào dám bảo với chị là tôi ái nam ái nữ hả?
Chị Nhân nhìn chú Vạn vẫn hí hoáy lau mãi khẩu súng trên tay, chị làm ra vẻ giận dỗi giật lấy miếng giẻ trên tay Nguyễn Vạn ném ra cửa.
- Thôi chú lên giường ngủ đi, sáng mai tôi gọi dậy sớm mà về - Chị Nhân  cười xoa dịu, ấy là tôi nói đùa chú thế. Không phải thì càng tốt chứ sao.
Chị Nhân vào buồng đi ngủ để mặc chú Vạn ngồi ngây đơ ra trước ngọn đèn dầu trên bàn. Mưa vẫn rơi lộp độp ngoài vườn chuối. Chị Nhân trằn trọc không sao ngủ được. Đêm lại trôi vèo vèo. Mấy con gà trống nhà chị đã vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy vang. Mưa đã tạnh hẳn, không gian lặng đi. Chị dậy gọi chú Vạn về cho sớm. Sáng ra chỉ cần ai đó nhìn thấy chú Vạn từ ngõ nhà chị đi ra thì chả còn mặt mũi nào thanh minh trước bàn dân thiên hạ. Đứng nhìn chú Vạn ngon giấc, chị Nhân thấy người rạo rực và ngượng ngập với ý nghĩ tội lỗi của mình. Chị cứ đứng lặng trong đêm và nghe rõ tiếng tim mình đập mạnh. Chị ngồi xuống giường run rẩy nắm chặt lấy bàn tay chú Vạn. Chị thấy mặt nóng ran. Chị là người đàn bà xấu xa vô cùng, toàn thân chị run rẩy ôm xiết chú Vạn. Chú Vạn sực tỉnh và ú ớ trong giây phút, nói câu gì không rõ tiếng. Mấy con gà lại vỗ cánh phành phạch gáy một hồi nữa. Chị thấy hai bàn tay chú Vạn lướt nhẹ trên khắp cơ thể chị. Đã tưởng cái cơ thể của chị nguội lạnh lâu nay, giờ bỗng cháy bùng lên rạo rực. Chị thở hổn hển giẫy giụa khỏi vòng tay chú Vạn. Bất chợt cả hai người đều vùng dậy hoảng hốt nhảy ra khỏi giường.
- Từ nay chị đừng có liều thế.
- Tôi cứ nghĩ chú...
Chị Nhân ngượng ngập mở tung cánh cửa. Chú Vạn lập cập bước ra ngõ. Chị Nhân vội chạy theo:
- Chú quên không mang cá về sao?
- Ờ nhỉ!
Chị Nhân xộc vào bếp lấy chiếc rổ nhặt cá:
- Trời! Chú bắt được ở đâu mà nhiều cá rô thế!
- Ở ngoài bờ sông...Mưa đầu mùa cá rô lóc nhiều vô kể.