PHẦN 3
CHƯƠNG 17

     iữa giờ phút trọng đại này mà chiếc loa trên nóc nhà uỷ ban lại câm tịt. Từ tối hôm qua anh Thành vác thang trèo lên gõ gạy mãi chiếc loa mới ọ ẹ một lúc rồi phát ra những tiếng nói chuẩn mực. Tin giải phóng Sài Gòn làm náo nức lòng người. Mấy người đi làm đồng quẳng cả quang gánh, cuốc cào đến bên gốc quéo đứng lặng đi như uống từng lời từ chiếc loa phát cái tin vô cùng hệ trọng. Không có lẽ điều ấy đã đến? Sự mong mỏi quá lâu thành thử nó trở nên mơ hồ từ bao năm nay, thế mà cái điều ấy bây giờ là sự thực rõ rành rành, đài nhà nước công bố. Hoà bình rồi! Giải phóng Miền Nam rồi!
Hạnh chạy như bay ra tới Cầu Đá đã thấy mọi người đứng lố nhố quanh gốc quéo. Họ vồ lấy nhau nhẩy cẫng lên. Có người bỗng tu lên khóc. Tất cả đều quá xúc động. Người khóc, người cười, cái Thắm dắt con chạy lại ôm chầm lấy Hạnh.
- Chị Hạnh. Em tin bố thằng Linh nay mai cũng sẽ về, cả anh Nghĩa của chị nữa. Sao chị phải khóc? Thắm nói, và Hạnh nhìn trong mắt nó cũng lóng lánh những ngấn nước.
Ông Đột để trần, quần đùi, vai vác chiếc ràng, tay xách giỏ cá long tong từ bờ sông đi lên.
- Có ai mua cá về nấu riêu ăn mừng chiến thắng. Ông Đột mở giỏ cá, những chú cá còn sống giẫy đành đạch. Giải phóng rồi, cứ mua cá về mà chén. Ai chết thì đã chết, ai sống rồi sẽ được sống ra trò. Mẹ kiếp! Chỉ tiếc cho con Tươi nhà Tý Hin, mẹ nó sợ ế nên đã gả vội cho thằng Đao trên Hồi già khú. Rõ phí một đời con gái. Ai chứ con bé Tươi mà không vội đâm đầu vào đám ấy, nay mai lính tráng nó về đông tha hồ mà chọn.
- Con Tươi nhà Tý Hin nó chưa có chồng lấy ai là quyền nó. Chú Dĩ nói. Tiếc nhất vẫn là chị Nhài, mười năm nay chung thuỷ chờ chồng bỗng nhiên hôm nọ lại nổi máu lên tí tởn với thằng Dục, bị mẹ chồng bắt quả tang. Chuyến này chồng nó về thì nó giết.
- Nói như ông thì... Bà Nhị xí một tiếng. Ai mà biết trước ngày hôm nay hoà bình. Với lại đàn bà con gái vẫn thế. Khôn ba năm dại một giờ.
- Thôi thế là sướng rồi. Chú Nhương ngồi vắt vẻo trên lưng con chó đá, tay kéo đi kéo lại chiếc cào cỏ trên đất. Từ này gái làng â khỏi lo ế chồng. Chuyến này những thằng nào ở chiến trường về ưu tiên mỗi đứa lấy hai vợ.
Hạnh phấp phỏng kéo mẹ con cái Thắm về nhà mẹ đẻ, không hiểu mẹ đã biết tin chiến thắng chưa? Vừa về tới đầu ngõ Hạnh đã lạnh người nghe tiếng mẹ gào khóc vật vã. Mái tóc dài của mẹ rã rượi. Chú Vạn đi đi lại lại nói gì đó. Dâu từ trong nhà chạy ra ôm Hạnh khóc. Hạnh chưa rõ chuyện gì cũng oà khóc theo.
- Anh Hiệp chết rồi - Dâu nói.
Tin anh Hiệp hy sinh do mụ Hơn vừa tung ra. Chả là mụ Hơn nhận được thư của con trai, thằng Tốn báo tin Hiệp hy sinh khi hành quân vào giải phóng Đà Nẵng. Mụ Hơn nhận được thư con trai đã mấy hôm nay nhưng không dám lộ cái tin dữ ấy ra cho ai biết. Sáng hôm nay giữa giờ phút sung sướng, mụ Hơn không kìm được đã mang lá thư của thằng Tốn gửi về khoe với cô hàng xóm mà mụ Hơn định nhắm cho con trai. Thằng Tốn về, mụ sẽ mổ lợn ăn mừng. Có lẽ cả làng Đông lúc này sung sướng nhất mụ Hơn. Mụ nhẩy đi khoe khắp làng là thằng Tốn nhà mụ được vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Trừ mỗi nhà mẹ Hạnh là mụ Hơn không dám sang. Mụ không nỡ vui mừng khi nhà chị Nhân đang khóc lóc thảm thiết. Bà Khiên cũng đang rối ruột về Nghĩa nhưng vẫn phải sang an ủi bà thông gia. Bà Khiên ngồi xuống cạnh bà Nhân nhưng không nói nổi câu nào. Bà đang mải nghĩ thằng Nghĩa cũng chẳng bao giờ về nữa.
- Cứ để chị ấy khóc cho bõ những ngày muốn khóc cũng không được khóc. Bà Nhị nói.
Ông Xung chống gậy lò dò sang lặng lẽ ngồi xuống chiếc chiếu trải giữa nhà. Mãi tới quá trưa mụ Hơn cũng nơm nớp sang như thể chính mình là người có lỗi trước nỗi đau của chị Nhân. Đám con gái làng Đông kéo nhau đến đứng ngoài ngõ thì thầm an ủi Dâu.
Tất cả, mỗi người mang một tâm trạng riêng, nhưng ai cũng thấy, cả làng Đông này chỉ có mỗi bà Nhân là đau xót nhất.
Ông Phóng là người đưa thư dắt chiếc xe đạp lộc cộc vào sân, Hạnh nhào ra. Ông Phóng lục túi đưa cho Hạnh bức điện.
- Sướng nhất chị. Ông Phóng nói. Có mổ lợn ăn mừng thì mời tôi đáy nhá!
Hạnh run run cầm bức điện đọc "Ngày 17 anh về - Nghĩa".
- Mẹ ơi, Mẹ! Hạnh mừng quýnh cầm bức điện nhảy bổ vào trong nhà quên cả cám ơn ông Phóng. Ngày mười bảy năm nào vẫn còn ám ảnh. Hạnh vẫn tưởng đây là giấc mơ. Không, lần này thì không phải là giấc mơ. Bức điện Hạnh đang cầm trong tay đây.
- Mày gọi gì mà rối lên thế hả? Mẹ Nghĩa đang thắp hương khấn vái cầu cho Nghĩa được bình an trở về.
- Mẹ ơi, anh Nghĩa còn sống. Ngày mười bảy về.
- Mày mơ thấy à?
- Không phải con mơ, mà anh ấy điện về đây này.
- Ôi vậy là nhà này có phúc rồi.
Bà Khiên lật đật chạy vào hậu cung, quỳ sụp xuống trước bàn thờ tổ vái lia lịa. Bà Khiên tới lúc này mới đinh ninh rằng cái ngày mười bảy thằng Nghĩa về, cụ tổ đã báo trước cho bà từ mấy năm trước. Thằng Nghĩa ra trận thoát khỏi mũi tên hòn đạn là nhờ cụ tổ che chắn.
Hạnh cầm bức điện chạy khoe mẹ đẻ. Mẹ đang nấu cơm, mái bếp toả ra những làn khói xanh. Dâu đang chặt tre ngoài bờ ai chợt dừng tay nhìn Hạnh, hỏi:
- Mày lại về vét cơm nguội đấy à?
- Dâu chặt tre làm gì vậy?
- Tao đan cho bu mấy cái rổ. Tre già không dùng để phí.
- Dâu mà đan được rổ a?
- Thì cứ đan đan đại cho có việc. Ở đây với bu cũng phải tập làm đàn ông.
Hạnh đưa bức điện cho Dâu xem. Dâu quẳng con dao xuống đất ôm ghì lấy Hạnh. Hạnh thét lên khi Dâu cắn vào vai Hạnh một cái đau điếng.
- Bu ơi! Dâu gọi và cầm bức điện lao vào trong bếp.
Ngày mười bảy đã đến. Sáng ra Hạnh và mẹ dậy sớm nấu nước. Nghĩa mà về, cả làng sẽ kéo đến. Mẹ lo quét dọn nhà cửa, bàn thờ tổ. Hạnh chạy ra chạy vào ngong ngóng nhìn xuống con đường từ tỉnh về huyện chạy qua cống Linh xe khách thường dừng lại đón khách lên xuống ở cây số ba. Hạnh phân vân thấy chuyến xe khách chín giờ từ tỉnh về qua cây số ba bữa nay lại không đỗ lại.
- Mẹ ơi có lẽ anh ấy về chuyến chiều. Hạnh nói, ngước mắt nhìn mẹ ấp úng. Bây giờ thì con nói thật với mẹ một chuyện.
- Chuyện gì nói đi?
- Chuyện mà anh Thành nói có gặp Nghĩa ở chiến trường là anh bịa ra để mẹ khỏi lo ấy mà. Cả chuyện anh Nghĩa được phong thiếu tá cũng là bịa.
- Thằng Nghĩa sống sót về được là mừng rồi. Nó sẽ cai quản cái cơ ngơi này. Mẹ nói. Thì ra hồi ấy chúng mày bảo nhau đánh lừa tao?
- Mẹ! Hạnh ôm chầm lấy cổ mẹ rồi chạy vào buồng. Cả đêm hôm qua Hạnh gần như thức trắng mà bây giờ vẫn tỉnh như sáo. Hạnh đến đứng bên cửa sổ lấy gương soi, nặn từng mụn trứng cá. Từ hôm nhận được điện của Nghĩa, rỗi lúc nào Hạnh lại lấy gương ngắm thấy mình già đi bao nhiêu. Mười năm rồi còn gì. Chợt có tiếng xe ô-tô rù rì ngoài ngõ, Hạnh lập cập chạy ra, vừa lúc chiếc xe Jép phanh kít ngay trước mặt Hạnh. Mặt Hạnh nóng ran khi nhìn thấy Nghĩa trong xe. Đúng là Nghĩa thật rồi. Nghĩa đĩnh đạc với bộ quân phục sĩ quan mang hàm thiếu tá từ trong xe bước ra cùng với một người lái xe. Trẻ con ùa tới vây kín quan chiếc xe Jép. Hạnh cứ đứng ngây ra trước sự thực quá bất ngờ. Chả lẽ câu chuyện Nghĩa được phong hàm thiếu tá anh Thành bia ra bây giờ lại bỗng dưng là thật.
- Bà xã mình đấy! Nghĩa nói với người lái xe. Còn đây là anh Cường.
- Chào chị Hạnh - Anh lái xe tên Cường chào Hạnh rồi quay ra đám trẻ con đang háo hức bu quanh chiếc xe.
- Mẹ đâu? Nghĩa nói và bước nhanh vào sân.
Hạnh nhìn Nghĩa xúc động nắm lấy tay mẹ. Nghĩa chưa kịp nói với mẹ câu nào thì chú Vạn đã tập tễnh bước vào trố mắt nhìn Nghĩa. Nghĩa ôm lấy chú Vạn.
- Mày lên thiếu tá thật rồi sao? Chú Vạn nói và xiết chặt bàn tay Nghĩa. Thằng này thế mà khá.
Thắm dắt con sang đứng sững trước mặt Nghĩa.
- Bác Nghĩa ơi! Bác đóng quân ở khu nào trong ấy vậy?
- Nó muốn hỏi thăm thằng Pháo thủ của nó đấy! Chú Vạn nói.
- Thắm đã lấy chồng và có con rồi kia à? Nghĩa hỏi. Chồng Thắm là đứa nào vậy?
- Chồng nó là thằng thợ ảnh dưới phố huyện nhưng bây giờ bỏ rồi. Chú Vạn nói, thằng nhỏ này là con thằng pháo thủ dưới công Linh đấy. Nó cũng  đi biền biệt mấy năm nay đã về đâu, cả làng này đã ai  biết mặt nó.
Loáng cái, mọi người đã kéo đến chật nhà.
- Thằng Nghĩa lên tá thật chứ? Ông Xung oang oang ngay từ khi bước vào ngõ. Mẹ kiếp, ông đã bảo mà, họ Nguyễn nhà ta lại bắt đầu phát to rồi. Cả làng này đã thằng nào lên được tá và có xe "cam nhông" về làng. Thằng Vạn có rủng rỉnh huân chương, chuyến này cũng thua thằng Nghĩa.
Nghĩa chạy lại nắm tay ông Xung. Nghĩa không ngờ ông Xung lại khoẻ ra và khỏi hẳn bệnh điên.
- Mày tưởng tao chết rồi chứ gì? Ông Xung lại nói. Tao còn sống lâu. Sống đến ngày họ Nguyễn nhà ta phất to hà hà... Chuyến này mày về sẽ làm chạp tổ thật to cho cả làng biết mặt. Cụ tổ muôn năm, muôn năm...
Ông Xung vung gậy hét vang như hô khẩu hiệu. Mọi người đang cười rũ chợt im bặt khi mẹ Hạnh và Dâu bước vào cửa. Mẹ Hạnh vừa nhìn thấy Nghĩa bỗng oà khóc:
- Nghĩa ơi, thằng Hà thằng Hiệp chết cả rồi.
Nghĩa an ủi mẹ vợ và nhìn mọi người. Anh âm thầm nhận ra một điều, tất cả người làng Đông ai cũng già đi nhanh quá...
- Chú Nghĩa ơi! Chú có gặp thằng Tô nhà tôi không? Bà Tang hàng xóm tất tả chạy sang hỏi.
- Thằng Đào nhà này nó cũng ở khu Năm đấy, chú có gặp nó không?
Bà Chi thấy bà Tang hỏi cũng lên tiếng. Chú Vạn thấy sốt cả ruột quát to:
- Các bà toàn hỏi vớ vẩn. Chuyện cá nhân để sau. Bây giờ nghe tao hỏi đây. Anh có được vào giải phóng Sài Gòn không? Không à. Thế thì anh không bằng thằng con nhà Sách nó được vào tận Dinh Độc lập. Hồi giải phóng Điện Biên Phủ...
- Lại Điện Biên Phủ - Lão Xung ngắt lời chú Vạn - Chuyện gì anh cũng gán Điện Biên Phủ của anh vào được. Hãy nói ngay chuyện làng ta đây này, anh có biết làng ta bây giờ ai lên làm bí thư xã không? Ông Xung nhấp nháy cặp mắt hom hem nhìn Nghĩa. Thằng Dương làng ta bây giờ lên bí thư đấy. Mày thấy lạ không? Thằng Dương mỗi tội kém văn hoá tý nhưng tinh thần nó thì khỏi chê. Nó có bốn thằng con trai tình nguyện cho đi bộ đội tuốt. Kiểu này nó còn trúng bí thư mấy khoá nữa. Thế bây giờ tao hỏi thật anh. Chuyến này về, anh sắm được những gì?
- Cái ông này rõ là...là... Bà Nhị quay sang lườm ông Xung. Ông cứ làm như chú ấy đi Liên Xô về í. Như nhà anh Thành làng ta đến cái da mặt còn chẳng giữ nổi nữa là.
- Đấy là thằng Thành về hồi chưa giải phóng. Ông Xung cãi. Bây giờ giải phóng rồi, chiến thắng thì phải có chiến lợi phẩm chứ. Như thằng Tốn con nhà Hơn nó mang về bao nhiêu là của. Nó còn tuyên bố chuyến này sẽ xây nhà to hơn nhà của ông nội nó ngày xưa. Ông nội nó ngày xưa mang tiếng địa chủ đến cái xe đạp cũng chả có mà đi. Bây giờ thằng Tốn có đài quay băng, có xe máy chạy rầm rầm. Đi đánh trận như nó kể cũng sướng thật. Thế mới biết giàu nghèo đều có số. Thằng Tốn bảo ông nộ và bố nó ngày xưa làm giàu bằng ruộng đất, còn bây giờ nó làm giầu bằng xơ líp xu chiêng đàn bà. Con gái làng này đứa nào chả mua xơ líp xu chiêng nó mang về.
Tụi trẻ bu quanh chiếc xe Jép bấm còi toe toe cười nói ầm ĩ. Ông Xung nhón chiếc kẹo rồi đứng dậy chạy ra cửa vung gậy quát. Tụi trẻ con nhớn nhác chạy. Ông Xung lại quay vào, mặt buồn rượi, giọng xúc động:
- Nghĩa ơi, tao chưa nói với anh chuyện này tao chưa yên.
 Mọi người chợt lặng đi. Bà Khiên bốc miếng trầu trên đĩa đưa cho bà thông gia và bà Nhị. Dâu từ dưới bếp chạy lên ngồi xuống cạnh chú Vạn.
- Từ ngày mày đi, làng ta có biết bao nhiêu là chuyện. Ông Xung cúi mặt di di chiếc gậy trên nền nhà. Tao đã sống sắp qua một đời ở đất này tao ngẫm thấy một điều, dân làng mình thật là tốt mà cũng thật là khổ. Cái khổ nó từ đâu đến. Như mẹ mày, mẹ con Hạnh, bao nhiêu năm nay ngong ngóng trông đợi mày đi trận về. Có đứa thì chẳng bao giờ về nữa. Còn thằng Vạn kia, bao năm nay chẳng ai bắt tội mà cứ một thân một mình như trời đày. Còn tao đây, tao đã mắc tội to. Tuy chẳng ai biết tao có tội nhưng tao biết rõ là tao có tội. Mày biết tội gì không? Tội đốt từ đường! Chính tao đã đốt từ đường họ. Ông Xung bỗng tu lên khóc. Nghĩa lại ngỡ ông Xung lên cơn điên. Dâu cảm thấy mình sắp bật khóc liền đứng vụt dậy chạy ra cửa vờ nhổ nước trầu. Anh Thành bước vào cửa đứng sững lại.
- Nghĩa, mày có nhận ra ai không? Ông Xung đang khóc bỗng im bặt quay sang hỏi Nghĩa. Thằng Thành làng ta đấy.
Cúc vào tới sân, nhận ra bóng Thành liền chui tọt vào bếp với Hạnh.
Đã mười năm thật lâu mà cũng thật mau, Hạnh có cảm giác như mình vừa mới lấy chồng. Từ cái đêm khủng khiếp, không dám ra bến sông tắm một mình, Hạnh chạy sang rủ Dâu cùng đi tắm. Đêm nay giống như đêm tân hôn, Hạnh cố giấu cảm xúc trước mặt Dâu, nhưng cái giác quan thứ sáu của Dâu cảm nhận được hết. Dâu nắm lấy bàn tay Hạnh bóp mạnh.
- Mày có biết tao đang nghĩ gì không? Dâu nói. Tao cũng đang sung sướng. Thật mà. Mày tưởng mỗi mình mày sung sướng hả? Tao cũng sung sướng, vì bỗng dưng tao lại trở thành gái tân. Rõ ràng về giá trị của phụ nữ là tao hơn hẳn mày. Vong hồn anh Hiệp sẽ phù hộ tao nay mai kiếm được một anh chàng nào đấy. Mày khỏi phải thương hại tao. Trai thời loạn gái thời bình. Hoà bình rồi! Ha ha... Đàn ông lại sẽ đầy ra. Bây giờ chúng mình tắm chứ hả?
Dâu ngó quanh rồi cởi quần áo, lôi tuột Hạnh xuống Bến không chồng.
- Ôi đừng, Dâu! Ướt hết tóc tao mất.
- Ừ nhỉ. Mày mới gội bồ kết à.
Gió hây hây, nước mát lạnh. Hạnh đưa tay quấn lại tóc rồi khẽ nhún chân xuống cho nước ngập đến cổ. Hai bờ sông và xóm làng cũng đang nổi lềnh bềnh trong đêm.
- Khoái nhỉ. Dâu nói. Con Nhài hôm nọ bị với thằng Đào, cũng tại nó mò ra đây tắm đêm đấy. Khổ con bé không hiểu chồng nó về có thông cảm cho nó không? Hạnh này, giá hồi ấy tao với anh Hiệp mày cứ liều như con Thắm với anh chàng pháo thủ có khi lại hoá hay. Tao với anh Hiệp ngày ấy mà có con với nhau thì bây giờ nó phải lớn tướng rồi. Bu mình lại chả mừng rơn. Hạnh này, theo mày liệu thằng pháo thủ có về với cái Thắm không? Tao mong cho thằng pháo thủ nó về, hai đứa chúng nó sẽ dắt con xuống phố huyện vào thẳng hiệu ảnh thằng Huy thọt chụp một bô ảnh, thế mới sướng.
- Dâu ơi, đến bây giờ mọi chuyện rõ ràng, tao mới tin đất tổ mình thế mà thiêng thật đấy. Hạnh nói. Tao ngẫm từ chuyện ông Xung, chú Xeng, rồi chuyện anh Nghĩa lên thiếu tá và về vào ngày mười bảy, tất cả mọi chuyện ấy cứ như có một ông thánh trong từ đường họ xếp đặt.
- Đúng đấy! Dâu nhào tới ôm lấy Hạnh. Mày phải nhớ lấy ngày hôm nay - Ngày mười bảy. Mày với Nghĩa sẽ có con. Lại một vị "thánh con" dòng họ Nguyễn sẽ ra đời cũng bắt đầu tư đêm nay đấy. Hãy nhớ- đêm mười bảy? Thôi nhá, mình về mau kẻo Nghĩa nó lại mong.
Hạnh thấy lòng rạo rực, cảm giác như cả làng Đông tối nay cũng náo nức mừng Nghĩa về. Hạnh về tới đầu ngõ thấy chiếc xe Jép nổ máy rình rình lách vào tận sân, đèn pha bật sáng cả mảng vườn trước cửa. Anh lái xe bấm còi toe toe trêu bọn trẻ con, chúng khoái chí hò reo ầm ĩ. Trong nhà, bà con xóm làng vẫn ngồi nói chuyện rôm rả. Đã bao nhiêu năm nay Hạnh mới lại nghe thấy tiếng mẹ Nghĩa cười. Mẹ đang khoe chuyện giấc mơ của mẹ. Giấc mơ ngày mười bảy Nghĩa về.
Khi vào buồng ngủ, mới chỉ chạm nhẹ vào cánh tay Nghĩa, Hạnh đã thấy xốn xang, Hạnh ôm lấy Nghĩa khóc thầm. Hạnh cứ để cho những giọt nước mắt sung sướng ứa ra nhoè gương mặt Nghĩa. Hạnh thấy mình bỗng bé nhỏ đi trong vòng tay chồng. Đối với Nghĩa, Hạnh vẫn là cô gái bé bỏng như xưa. Hạnh lùa cả mười đầu ngón tay lên tóc anh. Mọi biến động đã qua, sự bình yên đã trở lại. Sau bao năm chờ đợi, khát khao, Hạnh muốn được mãi thế này. Tâm trí Hạnh bay bổng, cơ thể Hạnh rừng rực như mặt đất sau bao ngày nắng hạn nứt nẻ đón đợi cơn mưa giống mang nguồn nước mát tới, cơn giông sẽ tới tức thời ngay bây giờ đây.
Nghĩa đã mở phăng ngực áo Hạnh và Hạnh thấy tim mình đập nhanh lạ thường.
- Đấy! anh nghe thấy tiếng gì không?
- Tiếng gì?
- Tiếng chuột rúc! Đấy, con chuột...
Đúng là có tiếng chuột rúc ngoài sân.
- Anh không nhớ buổi sáng năm ấy tiễn anh đi, cũng có tiếng chuột rúc. Mẹ chả bảo có chuột rúc là may đấy thôi.
- Bây giờ em cầu may điều gì? Nghĩa hỏi và ôm xiết lấy Hạnh.
- Em mong lần này chúng mình sẽ có con. Anh không nhớ anh đã định đặt tên con.
- Anh nhớ rồi! Thằng Tình, thằng Tình.
Chiếc giường cứ bồng bềnh trong đêm. Mọi vướng víu trên da thịt trôi tuột đi, chỉ còn lại bàn tay Nghĩa run rẩy lướt trên đó. Hạnh nghe rõ cả hơi thở anh thổn thức và bóng anh chập chờn vừa gần vừa xa. Anh vừa chờn vờn giống chú mèo con lại vừa hung hăng quằn quại như con mãnh hổ trúng thương. Mãi như thế...Chờ đợi mãi cơn mưa giông không tới. Hạnh đã tưởng có lúc nó cuồn cuộn lên rồi lại tắt ngỏm.
Đã có tiếng gà gáy. Hạnh bỗng muốn vùng lên xiết chặt lấy Nghĩa.
- Anh! Hạnh thốt lên. Gà gáy rồi đấy. Anh....anh ấy đi. Mặt Hạnh nóng ran. Nghĩa buông Hạnh ra như sợ hãi điều gì đó. Phút giây im lặng triền miên Hạnh thấy tủi thân khóc tấm tức.
- Hạnh ơi. Nghĩa nói. Anh không muốn em buồn. Anh không thể... Bác sĩ dặn anh còn phải kiêng chừng một năm nữa. Vết thương của anh chưa lành hẳn.
Cơn mưa giông đã tắt ngấm. Căn phòng chợt lặng đi. Hạnh lại âm thầm khóc. Lần này Hạnh không khóc cho mình mà khóc cho anh. Thời trai trẻ của anh trôi đi cũng thật là mau.