PHẦN 4
CHƯƠNG 22

     ài sản duy nhất của Hạnh sắm được kể từ ngày về làm dâu họ Nguyễn là chiếc thùng gỗ dài năm lăm phân rộng ba lăm phân cao mười lăm phân. Ngày mới mua ở chợ huyện về, chiếc thùng được quăng dầu bóng đỏ thắm giờ ngả màu gạch non giống như màu người ta sơn quan tài. Hạnh mở thùng lấy ra chiếc rương nhỏ đựng gia phả và lời khuyên của cụ tổ. Xưa kia cụ Nguyễn Khiên chết trao lại cho ông Khiên. Ông Khiên chết đột tử, bà Khiên trao lại cho Hạnh. Chiếc rương đã bao đời nay vẫn ánh lên nước sơn đỏ thẫm. Trước khi quyết định việc này, Hạnh đã mời ông Xung, vợ chồng chú Xeng đến. Ông Xung, chú thím Xeng đến đứng trước bàn thờ tổ thắp hương; bà Khiên ngồi trên giường lặng linh. Hạnh run run đặt chiếc rương lên bàn thờ tổ giọng xúc động:
- Thưa ông Xung, thưa mẹ, thưa chú thím Xeng. Đã lâu nay con lầm lạc, cầu trời nay cho con được sáng mắt, thấy rõ tội lỗi của mình. Con đã làm khổ anh Nghĩa, khổ gia đình nhà ta. Bao nhiêu năm nay con giữ chiếc rương đựng lời nguyền của tổ mà không hiểu. Con xin nhận tội! Hạnh nói rồi mở thùng lấy ra tờ giấy mà mấy đêm nay Hạnh trăn trở mới viết nổi những chữ lên đó - Thưa mẹ, đây là lá đơn ly hôn của con đã ký sẵn. Khi nào anh Nghĩa về mẹ đưa  cho anh ấy. Kể từ giờ phút này anh ấy được tự do, và con xin phép mẹ con về bên nhà.
Ông Xung và chú Xeng ngồi ngây đơ giữa nhà. Thím Xeng như chết đứng trước bàn thờ tổ. Căn nhà lặng đi. Bà Khiên bỗng oà lên khóc. Hạnh sợ mình cũng bật khóc liền ôm chiếc hòm chạy vội ra cửa. Buổi tối cuối thu gió xe lạnh, mưa lấm tấm hắt lên mặt Hạnh tê rát. Hạnh run rẩy bước đi trong ngõ xóm lép nhép tối bưng. Hạnh bước vội về nhà vào buồng mẹ khóc nấc lên.
Mẹ Hạnh cuống cuồng ngỡ trời sập, đến tóm chặt lấy cổ tay Hạnh:
- Mày điên rồi! Sao mày ngu dại thế hả con? Mẹ gào lên. Bao nhiêu năm khổ sở tủi nhục chịu được, bây giờ đùng đùng bỏ nhà chồng về. Ai đánh đuổi mà phải về đây hả? Ối giời ơi là giời.
Hạnh vội gạt nước mắt cố làm ra vẻ thản nhiên ôm lấy mẹ cười gượng:
- Mẹ! Không ai đuổi con đâu. Mẹ không thích con về đây ở với mẹ sao? Bao nhiêu năm nay mẹ sống một mình, bây giờ có con về càng vui.
- Tao không mượn mày thương hại tao! Mẹ lại nói. Mày hãy thương lấy thân mày. Ôi cả một đời con gái đi lấy chồng sao lại đến nông nỗi nàyẩh con?
- Mẹ! Con van mẹ đừng lầm ầm ĩ lên thế. Mẹ chẳng hiểu gì cả.
Một luồng gió lạnh lùa vào ngọn đèn dầu lập loè hắt ánh sáng vàng vọt lên khuôn mặt nhợt nhạt của hai mẹ con Hạnh. Mẹ Hạnh sụt sùi khóc. Hạnh muốn nói câu gì đó để an ủi mẹ nhưng không sao nói nổi. Không ai có thể hiểu được Hạnh. Hạnh giấu kín điều bí mật về quan hệ của Nghĩa với cô bác sĩ ở bện viện tỉnh. Cũng là chuyện tình cờ cô Thao dẫn Hạnh về nhà Thuỷ trong cái đêm Thuỷ trực ở bệnh viện. Cũng chỉ tình cờ xem được mấy dòng nhật ký của Thuỷ, Hạnh đã hiểu rõ mọi chuyện. Hạnh không oán trách ai, chỉ xót xa cho thân phận mình. Lần ấy về, Hạnh xin giấy trạm xá xuống bệnh viện huyện. Tiếp Hạnh trong phòng khám là người đàn bà như một khối mỡ nhúng nhính trong chiếc áo choàng trắng. Bà ta vừa viết vừa nghe Hạnh trình bày tình cảnh của mình lấy chồng mãi vẫn không sinh con.
- Phúc cho nhà chị, thời buổi này người ta hạn chế đẻ. Bà ta nói mà vẫn chúi mũi viết- Lấy chồng bao năm
- Dạ! Mười  bốn năm
- Có lên quai bị lần nào không?
- Dạ, lên quai bị thì sao ạ?
- Tôi hỏi chị đã lên quai bị bao giờ chưa?
- Dạ dạ... hồi bé mẹ tôi bảo tôi bị lên quai bị sưng to lắm.
- Thôi, ăn nằm với nhau mười bốn năm mà không có gì, về xin lấy một đứa con mà nuôi. Thời buổi này con hoang đầy.
 - Bác sĩ bảo thế nào ạ?
- Cái nhà chị này rõ chậm hiểu.
Giờ đây người làng Đông ngỡ ngàng về tính nết Hạnh thay đổi hẳn. Trước chỗ đông người Hạnh không còn dịu dàng như xưa, hơi một tí là xưng xỉa lên ăn nói văng mạng để rồi đêm về Hạnh lại ôm gối khóc sụt sùi. Hạnh muốn mọi người ghét mình hơn là thương hại. Tuy đã công bố ly hôn với Nghĩa nhưng trong thâm tâm Hạnh vẫn thương Nghĩa hơn bao giờ hết. Đêm đến Hạnh cố gạt những tình cảm yếu mềm bằng cách gán ghép cho Nghĩa những điều xấu xa tội lỗi, nhưng càng nghĩ xấu về anh, hình bóng Nghĩa vẫn cứ lung linh rực rỡ, mọi kỷ niệm xưa lại bùng lên thiêu đốt trái tim khô héo của Hạnh.
Hạnh đang băm bèo ở cầu ao thì cái Thắm le te dắt thằng cu con đến báo tin Nghĩa về.
- Chị Hạnh ơi, anh Nghĩa về rồi đấy.
Hạnh buông dao ngồi thừ ra nhìn mẹ con cái Thắm.
- Mặc xác người ta. Hạnh cố nói được mấy tiếng rồi vội vã cầm dao vơ nắm bèo rõ to băm thoăn thoắt. Tim Hạnh đập rộn lên, đầu óc quay cuồng, tý nữa thì băm cả vào tay.
- Cô Hạnh ơi! Mai cô cho cháu ngồi ô tô bác Nghĩa đi chơi chợ huyện như lần trước cô nhá?
- Ôi thằng cu con tí của cô. Hạnh gượng cười. Bây giờ cô không còn ô tô nữa rồi, cháu đến xin bác Nghĩa í. Cháu thấy đấy bây giờ cô có ở với bác Nghĩa nữa đâu nào.
- Bác ấy có ô tô sao cô lại không ở với bác ấy? - Thằng bé mở to mắt ngây ngô nhìn Hạnh.
- Đừng có hỗn nào. Thắm mắng con.
- Con có hỗn đâu. Thằng bé cãi. Cô không cho cháu ngồi ô tô, hôm nào bố cháu về cháu ứ cho cô ngồi xe tăng của bố cháu.
Thằng bé phộng phạo, nhảy ra bờ ao bắt chuồn chuồn.
- Thắm này, Hạnh khẽ thở dài nhìn Thắm. Tối nay mày bảo cả Dâu sang tao chơi nhé. Mày biết ý tao rồi đấy.
- Chị sợ à? Việc quái gì phải sợ.
- Mày chẳng hiểu gì hết.
Mẹ con cái Thắm đi khỏi, Hạnh băm nhếnh nháng cho xong rổ bèo mà hai đầu gối run bần bật, mắt hoa lên. Hạnh bước loạng choạng ngã dúi xuống ao. Cả rổ bèo nổi dềnh lên loang kín mặt nước. Hạnh cuống cuồng cầm rổ hớt lại những cánh bèo đã nát vụn. Quần áo sũng nước, rét run, Hạnh lập cập bê rổ bèo về nhà.
- Giời ơi là giời. Mẹ đang nấu cơm trong bếp thốt lên. Làm sao mà ướt sũng thế kia? Rõ khổ, không mau lại ốm mất thôi.
Hạnh vào buồng thay quần áo rồi vội xuống bếp hơ tay vào lửa, lập cập làm đổ cả ấm nước, bụi khói xộc lên mù mịt.
- Hôm nay mày làm sao mà cứ như người hậu đậu vậy hả?
Hạnh ngồi im thít nghe mẹ mắng. Nghĩ tới giây phút gặp Nghĩa như thể sắp có trận động đất xảy ra.  Hạnh thấy mình nhẹ bẫng bay lửng lơ. Bữa cơm tối, ngồi trước mặt mẹ, có lúc Hạnh thấy mình bé nhỏ đi, loắt choắt giống ngày theo anh Hà anh Hiệp đi đặt bẫy chim. Có lúc Hạnh lại thấy mình già sụ chân tay cứng queo, mặt mày đen nhẻm như bà lão.
- Tao trông mày như mất hồn, khéo cảm lạnh con ạ. Mẹ nhìn Hạnh lo lắng. Chan canh nóng vào mà ăn cho nó ấm người lên.
Hạnh cố ăn hết bát cơm rồi vờ vào buồng nằm. Hạnh mò mẫm mở hòm lấy bộ quần áo khác thay. Bộ quần áo cái Thắm rủ Hạnh xuống tận phố huyện cắt, Hạnh mới mặc mỗi lần hôm lên bệnh viện thăm bà Khiên. Chiếc áo màu tím Huế cắt theo kiểu áo Hồng Kông, chiếc quần lụa đen may gấu nhỏ, ống đứng chẽn đũng khiến Hạnh không nhận ra chính mình. Thay xong quần áo, Hạnh lấy lược ngồi xuống giường rờ rẫm chải tóc trong bóng tối. Hạnh lẹn chặt mớ tóc trong tay thấy ngót đi nhiều so với trước. Qua mấy trận ốm, tóc đã rụng nhiều Hạnh đâu có để ý tới. Từ ngày bỏ nhà chồng về với mẹ đẻ, Hạnh lao vào công việc gia đình, đồng áng cho quên mọi chuyện. Ngoài việc đồng áng quần quật suốt ngày, Hạnh còn nuôi thêm hai con lợn. Hạnh muốn ban ngày làm việc thật kiệt sức để tối đến đặt mình xuống là ngủ cho quên mọi chuyện. Hạnh sợ nhất đêm mất ngủ, nên thường chuẩn bị sẵn thuốc ngủ, hôm nào ít việc y rằng đêm đến Hạnh phải nuốt mấy viên. Có tiếng Dâu đang nói chuỵên với mẹ ngoài sân. Hạnh bước ra nhà ngoài. Dâu nhảy bổ vào khẽ nháy mắt ngắm Hạnh trong bộ quần áo mới.
- Cũng phải thế chứ. Dâu nói, tao ngỡ mày cứ lôi thôi lếch thếch như mọi ngày. Tao vừa qua bên ấy, gia đình đang bàn tán chuyện mày nên tao lẻn sang đây. Có cả lão Xung, vợ chồng chú Xeng và cả ả Thao ở đấy. Tao nghe lỏm được mỗi câu chú Xeng bảo mày hồi này cặp kè với cánh đàn ông và còn thích vỗ đùi con trai nữa. Ha ha....như vậy hoá ra lâu nay mày vẫn bị nhà bên ấy theo dõi...
Dâu nói cười khanh khách. Mẹ Hạnh từ dưới bếp lên, tay xách ấm nước định nói câu gì đó nhưng lại thôi. Bây giờ thì mẹ đã hiểu rõ nguyên nhân làm con gái của mẹ như người mất hồn. Mẹ đến trước bàn bê bộ ấm chén đã cáu bẩn đi rửa.
- Mẹ chuẩn bị đón khách chu đáo quá. Dâu nói và đưa tay nhấc cái bóng đèn đã bị muội đen sì. Con cũng phải lau cho chiếc bóng đèn này nó sáng rực lên để Hạnh nó ngắm kỹ gương mặt ông thiếu tá.
- Hồi này về anh ấy có khoẻ không? Hạnh hỏi.
- Vẫn đẹp trai oai hùng như xưa. Dâu tủm tỉm cười chọc ngón tay vào ngực Hạnh, nói nhỏ. Muốn đến đâu thì đến, đêm nay cứ cho người ta vớt vát tý đỉnh kẹo tội. Khổ, lặn lội từ biên giới về không xơ múi gì...
Hạnh lại đấm vào lưng Dâu thùm thụp, mặt nóng ran. Từ ngày Hạnh bỏ nhà chồng về, Dâu không ở đây nữa nhưng tối nào cũng mò sang với hai mẹ con Hạnh tới khuya mới về. Hôm nào có phim có kịch ngoài sân kho hợp tác, Thắm lại sang gửi con nhờ mẹ Hạnh trông cùng cái Dâu đi xem. Ba đứa chơi thân, mỗi đứa mỗi cảnh mà hợp tính hợp nết nên chẳng giấu nhau chuyện gì.
- Con Dâu tối qua đi đâu mà không thấy sang chơi hả?- Mẹ Hạnh mang đĩa chén vào đặt giữa bàn, đưa mắt nhìn Dâu. Hay hồi này đã có đám nào rập rình rồi phải không?
- Có đấy mẹ ạ! Dâu che miệng cười. Con cũng chẳng giấu mẹ, tối qua ông Ba Chương đã dẫn con ra bờ sông ngắm cảnh.
- Nỡm à. Rét mướt này mà lại ra bờ sông.
- Mẹ không tin sao? Con cấm nói sai. Tối qua con vừa ra tới ngõ định sang đây thì gặp ngay ông Ba Chương rình sẵn trong bụi chuối nhảy ra đuổi theo con lả lơi- Cô Dâu đi đâu đợi tôi đi cùng- Ông ta diện rõ sang, áo sơ mi trắng, quần tây, chân đi giầy cao cổ. Con hỏi bác Ba Chương hôm nay đi đâu mà diện oách thế? Ông ấy cười hỳ hỳ bảo- Tôi có chuyện muốn nói với cô. Gặp cô ở đây thật là may. Con bảo- Thế thì hai bác cháu mình ra cầu Đá Bạc. Ông ấy mừng rơn bảo- Ôi cô Dâu là người phụ nữ thật là mơ mộng. Nhưng ngồi trên Cầu Đá Bạc, tôi sợ con Tươi nhà tôi nó đi đâu nhìn thấy, về mách con mẹ Hin nó thì lại lắm chuyện. Con bảo, thế thì ra Bến Không Chồng. Vừa đi ông ấy vừa khoe cái dự án đào ao thả cá của ông ấy và đố con đoán ông ấy đi đang có dự tính gì. Con bảo, chắc ông đang định đi tìm người làm công thuê chứ gì. Ông ấy gắt "Cái cô này rõ ngốc. Không phải chuyện đào ao. Việc đào ao tôi chỉ hô một câu là cả làng xung phong"
- Cái con ranh, mày cứ diễu ông ấy - Mẹ nói. Hạnh cười rũ ra nhìn Dâu.
- Mẹ để con kể hết đã nào. Ông ấy còn hỏi con "Đố cô Dâu biết tôi xây nhà to ấy để làm gì?" ông ta hỏi rồi đứng lại, quay mặt ra bến sông kéo con ngồi xuống cạnh ông ấy. Ông ấy rét, hai hàm răng va vào nhau cầm cập, con phải ngồi sát vào chắn gió cho ông ấy. Mãi lúc ấy ông ấy mới ấp úng nói "Cô Dâu ngốc lắm, tôi xây nhà cho cô đấy. Mụ Tý Hin mụ ấy đồng ý cho tôi lấy vợ lẽ để kiếm thằng con trai. Mụ Hin cũng phải thừa nhận mụa ấy không có con trai. Hồi còn trẻ ngủ với thằng đội trưởng đội cải cách được con Tươi là con vịt khi lấy tôi cũng lại ba con vịt". Ông ấy bảo cả làng này ông ấy chỉ ngắm được mỗi mình con là hợp. Con vỗ bộp vào vai ông ấy và nói " Tiếc thật, bác chả ngỏ lời với cháu sớm. Cháu đã trót nhận lời lấy người khác rồi". Ông ấy ngồi ngây ra thở dài thườn thượt. Rõ tội nghiệp, con an ủi ông ấy sẽ làm mối cho cái Thắm nhưng ông ấy lại chê cái Thắm có thằng con trai rồi, sợ sau này lớn lên nó lại chiếm cả cơ ngơi của ông ấy thì nguy.
Câu chuyện của Dâu đang sôi nổi thì mẹ con cái Thắm bước vào cửa.
- Con bé rõ thiêng. Dâu cười nhìn mẹ con Thắm. Tao định làm mối cho mày một đám rõ là sang.
Thằng bé sà vào lòng mẹ Hạnh khoe nắm kẹo bác Nghĩa vừa cho nó.
- Cô xin thằng cu về ở với cô, cho mẹ Thắm mày sang ở với bác Chương. Dâu kéo thằng bé vào lòng, ôm hôn nó.
- Ứ cho mẹ cháu sang bác Chương. Mẹ cháu đợi bố cháu về đẻ cho cháu em bé nữa - Thằng bé dẩu môi cấu vào đùi Dâu....
Đêm đã khuya mà vẫn không thấy Nghĩa sang. Thắm cõng thằng bé ngủ gà ngủ gật trên lưng ra về với Dâu. Căn nhà lại lặng đi. Mẹ Hạnh vặn nhỏ đèn đi ngủ. Hạnh buông màn nằm thao thức nghe ngóng từng tiếng động nhỏ ngoài cửa. Chợt có cơn gió nổi lên lao xao ngoài vườn chuối. Một con đom đóm bay tọt qua lỗ cửa vào trong nhà lượn đi lượn lại rồi đậu ngay vào màn Hạnh. Hạnh kéo chăn trùm kín đầu. Hạnh thấy lo không hiểu đom đóm bay vào nhà là điềm lành hay dữ. Ý nghĩ về con đom đóm cứ ám ảnh mãi trong giấc ngủ chập chờn. Khi tỉnh dậy Hạnh không ngờ mình lại ngủ mệt đến vậy. Mẹ đã dậy nấu cơm sáng, ăn xong đi làm từ bao giờ. Nhìn suất cơm sáng mẹ để trên bàn, Hạnh hiểu mẹ biết cả đêm qua mình mất ngủ.
Hạnh rửa mặt xong thì Nghĩa đến. Thế là anh cũng đã đến. Anh vẫn thế, vẫn dáng vóc khoẻ mạnh, gương mặt đẹp và cặp mắt sáng thu hút mọi sức lực tâm trí của Hạnh. Hạnh cố lê đôi chân vào bàn ngồi xuống, tránh cái nhìn của anh.
- Mời anh ngồi, Hạnh khách sáo nói. Có lẽ chúng ta chẳng cần nhiều lời đâu. Mọi chuyện coi như đã xong, chỉ chờ anh về. Anh đã ký vào đơn rồi chứ? Hạnh nói mà chẳng hiểu mình nói gì. Giọng nói từ miệng Hạnh phát ra không âm sắc, không ngữ điệu. Những câu nói Hạnh đã xếp đặt thuộc lòng từ lâu, giống như cuốn bằng đã ghi sẵn chỉ chờ gặp Nghĩa là bấm nút. Nghĩa đến bên bàn đứng lặng một lúc mà vẫn không nói được lời nào. Rõ ràng Hạnh đang ngồi đây, đang nói đây mà Nghĩa ngỡ là ai đó chứ không phải Hạnh. Nghĩa sững sờ khi nghe Hạnh gắt lên, phóng tia mắt rực lửa vào mắt anh:
- Kìa anh nói đi chứ? Anh chỉ cần cho tôi biết ngày, giờ ra toà.
- Hạnh, em điện rồi sao? Nghĩa thốt lên. Vì lẽ gì bỗng dưng em lại có ý nghĩ kỳ quặc vậy. Chả lẽ em đã quên hết mọi kỷ niệm tốt đẹp của chúng ta.
- Tốt đẹp ư! Hết rồi. Tôi khuyên anh hãy nhìn nhận cho đúng. Quá khứ của chúng ta cũng chỉ là đau khổ và tủi nhục. Không còn cách nào khác, mỗi người hãy đi theo con đường của mình. Chả lẽ người như anh lại không tự tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn sao?
- Anh muốn biết rõ vì lý do gì tự nhiên em lại bày đặt ra chuyện này.
- Lẽ gì ư? - Hạnh cố trấn tĩnh rót chén nước mời Nghĩa.
- Xưa nay chúng ta cứ lầm, ngỡ là chỉ cần hai người yêu nhau là được. Lỗi lầm này chúng ta phải trả giá quá đắt. Anh đi biền biệt nên không biết ở nhà tôi đã phải chịu bao nhiêu điều oan nghiệt. Lời nguyền của cả họ nhà anh vẫn còn đó, nó ngấm và máu thịt dòng tộc ngàn đời cũng không bao giờ rửa sạch. Lúc này ta nói tới những điều ấy cũng chẳng để làm gì. Mọi chuyện coi như đã chấm dứt.
- Hạnh ơi, hãy nghĩ lại đi, bây giờ anh được chuyển về tỉnh đội rồi. Gần nhau mọi chuyện sẽ êm đẹp.
- Anh về tỉnh đội rồi ư? Hạnh ngước nhìn thẳng vào mắt Nghĩa - Mừng cho anh, nhưng chuyện riêng của chúng ta cũng vẫn thế thôi. Không thể khác được.