PHẦN 1
CHƯƠNG 4

    
ọ Nguyễn to nhất làng Đông. Đứng đầu dòng họ Nguyễn bây giờ là gia đình cụ Nguyễn Nghiên. Con trai cụ Nguyễn Nghiên là Nguyễn Khiên, con trai Nguyễn Khiên chính là thằng cu Nghĩa. Cụ Nghiên là người nổi tiếng tài hoa, đức độ, cả họ đều kính trọng. Trẻ con yêu mến cụ, bởi cụ có tài kể chuyện cổ tích. Cụ là người thay mặt quản một mẫu tư điền của họ mà không tư lợi một cân thóc. Ngày chạp tổ hàng năm cụ lo đâu vào đấy. Trước lúc hấp hối cụ gọi vợ chồng Nguyễn Khiên và thằng cháu đích tôn đến căn dặn:
- Gia đình ta mấy đời nay "độc đinh"! Mỗi đời, trời chỉ cho một con trai để nối dõi tông đường, là trụ cột cho dòng họ Nguyễn nhà ta. Bố thằng Nghĩa bây giờ phải thay tao làm cột cái. Phải giữ lấy cơ ngơi này! Đây là mồ hôi nước mắt của cả họ tộc bao đời để lại đấy con ạ.
Ánh mắt của cụ Nguyễn Nghiên bao trùm lên con cháu xung quanh, toả rộng ra cả ba gian từ đường họ. Lời cụ vang vọng vào cả gian hậu cung nơi đặt bàn thờ tổ. Ba gian từ đường có hai hàng cột cái và hai hàng cột con, cả thảy là mười sáu cột. Những chiếc cột lim to một ôm đẫy cứ đen bóng lên. Các chân cột đặt đá tảng xanh nổi vân trắng, nền từ đường lát gạch đỏ, ngoài thềm lát đá xanh. Gian hậu cung cuốn bằng gạch chỉ vữa trộn mật với vôi, cát, rắn như đá. Trên bệ thờ là những con rồng đắp bằng vữa sơn son thiếp vàng rực rỡ, cỗ ngai đặt ở giữa bệ thờ, có bát hương cổ màu da lươn lúc nào cũng toả khói thơm ngát.  Gian giữa từ đường treo bốn câu đối nền đỏ chữ vàng trên bốn cột cái lộng lẫy uy nghiêm. Cụ Nghiên căn dặn con cháu xong, ánh mắt cụ nhìn xoáy vào người con trai duy nhất của cụ:
- Khiên! Con vào trong hậu cung lấy chiếc rương ra đây.
Nguyễn Khiên hớt hải vào bàn thờ tổ lấy chiếc rương nhỏ mang ra đặt trước cụ Nghiên. Chiếc rương đỏ chói nước son và hoa văn vàng choé.
- Đây là tài sản vô giá của họ Nguyễn  - Cụ Nghiên nói, tay run run, mở nắp rương lấy ra hai tờ giấy trao cho con trai. Một tờ ghi bốn điều răn của cụ tổ - Nội dung bốn điều răn là: đức - tài - trung - dũng. Có nghĩa là đã mang dòng máu họ Nguyễn phải có được bốn đức tính cao quý đó. Tờ thứ hai ghi gia phả và kèm theo lời nguyền độc - Mối thù đời kiếp với dòng họ Vũ.
- Bố nói với con lời cuối cùng  - cụ Nghiên kéo tay Nguyễn Khiên đặt lên ngực mình - Con người ta sống ở trên đời quý nhất là cái đức, từ thằng ăn cắp đến kẻ giết người chúng vẫn trọng nể cái đức....
Cụ Nghiên chết, gia phả dòng họ Nguyễn được ghi thêm một dòng: "Nguyễn Văn Nghiên trưởng tộc thứ 11, chết ngày 12 - 1 -1957".
Cụ Nghiên mất, ngày chạp tổ năm nay Nguyễn Khiên phải lo đứng mũi chịu sào trước họ tộc. Mới hơn bốn chục tuổi nhận chức trưởng tộc, Nguyễn Khiên không khỏi lo lắng. Các cụ trong họ bảo: "Hoà bình rồi chạp tổ năm nay phải làm to".
Cơm tối xong, vợ Khiên quét dọn sạch ba gian từ đường trải chiếu lấy nước. Khiên rửa sạch chiếc điếu bát ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu chờ các cụ trong họ tới bàn tính ngày chạp tổ.
Người đến đầu tiên là ông Xung:
- Đã có mống nào chưa đấy? - Tiếng ông Xung oang oang từ ngoài ngõ.
- Dạ? mời ông vào xơi nước - Vợ Khiên đon đả. Dạ ông là người đến đầu tiên đấy ạ.
- Mẹ kiếp! Bàn suông nó thế đấy - Ông Xung đá con mèo một cái - Đã thế thì rót rượu ra, để sang năm mọi người rút kinh nghiệm đến sớm. Ai đến sớm uống rượu, đến sau uống nước chè, sau nữa thì nước lã.
Ông Xung xoa chân ngồi vào chiếu mắt lừ lừ nhìn Khiên, tay gõ xe điếu canh cách.
- Tôi bảo thật đấy, cứ đem rượu ra, tối nay chi hết bao nhiêu anh cứ ghi sổ thanh toán vào ngày mai, đếch đứa nào sắc mắc. Anh mới lên chức trưởng tộc phiên phiến đi, như ông cụ anh chặt chẽ bỏ mẹ.
Ông Xung cười hì hì cất giọng gọi thằng Nghĩa. Thằng Nghĩa dưới nhà chạy lên đứng khoanh tay trước mặt ông Xung.
- Mày đi đốc các cụ một lần nữa, sang ông Kình, ông Phỏng bảo tao đã đến, chạy ù đi, bảo hai ông ấy là có rượu nghe chửa.
Những lúc thế này trông ông Xung oách vậy. Ngày thường ông chuyên mặc quần búi cục ở rốn long tong đi chợ Quài mua lợn con về bán chợ Đình. Làng Đông quen gọi ông là ông Xung lái lợn. Ông Xung có ba người con trai tên là Xeng, Xêng, Xình. Mỗi lần ông Xung gọi tên các con nghe cứ như người gõ phèng phèng xung trận. Ông có cô con gái út tên là Thao. Con gái ông Xung ai cũng khoẻ mạnh làm ăn tháo vát nên kinh tế gia đình ông khá giả nhất nhì trong họ.
Cuộc bàn tính cho ngày chạp tổ của dòng họ Nguyễn đã được thống nhất, vị chi là chín chục mâm, mỗi mâm hai bát năm đĩa. Ban sắp cỗ gồm bảy tay dao thớt, sáu đàn bà ngồi bếp, hai thanh niên bổ củi, bốn cô gái gánh nước. Ngoài ra còn có các nhân vật chén bát sai vặt.
Cuộc bàn tính xong xuôi, mọi người ra về, ông Xung ngồi vớt vát chén rượu cuối cùng. Ông ghé vào tai Khiên nói nhỏ:
- Anh định cho thằng Vạn về từ đường ở sao?
- Tôi cũng định thế đấy - Nguyễn Khiên nói - Chả lẽ để anh ấy ra đình Đông, e làng xóm chê cười cả họ nhà mình. Dù sao anh ấy cũng là người vẻ vang nhất làng Đông này.
- Anh kém tính bỏ mẹ! Ai chả biết thằng Vạn có công, công lao của nó đối với dân với nước thì để cho dân cho nước lo nhà cho nó. Nhà Vạn xưa nay đóng góp chó gì cho họ Nguyễn. Ngày còn sống ông bà, bố mẹ nó đói, quanh năm vác dái đi làm thuê cho nhà Hào. Thời thế đổi đời rồi mà anh chẳng biết gì cả. Cứ để thằng Vạn nó ở ngoài đình Đông! - Ông Xung lại ghé sát vào tai Khiên - Nhà Hào trước sau sẽ đổ, anh hiểu chửa. Cơ ngơi nhà Hào sẽ về tay những thằng trên răng dưới cát tút như thằng Vạn. Đấy rồi anh xem, thời thế nó cứ lộn tùng phèo đếch biết đường nào mà lần.
- Thời nào thì thời - Khiên nói - Người làm ăn lương thiện chả sợ gì.
- Anh ngu bỏ mẹ, lương thiện mà chả có lúc nhăn răng, nói chuyện với anh phí rượu.
Ông Xung đứng dậy phủi đít ra về.

 

Từ gà gáy ông Xung đã mò vào giường thằng Nghĩa véo nó một cái rõ đau:
- Dây đi ông "trưởng nam con".
Nghĩa mắt nhắm mắt mở dậy đã được ông Xung giao làm mật vụ. Nó phải theo dõi các tay dao tay thớt và các bà cô đầu bếp xem có ai ăn cắp thịt quẳng qua bờ rào hoặc chim vụng xôi, oản chuối giắt cạp quần giả vờ đi đái đi ỉa rồi lẻn mang về cho con. Chưa rõ cái chức trưởng nam là thế nào, nhưng Nghĩa nghe cả họ ai cũng bảo sau này nó sẽ làm trưởng tộc đứng đầu họ Nguyễn. Chả biết cái chức trưởng tộc to đến đâu nhưng cả họ Nguyễn bây giờ ai cũng sợ mỗi ông Xung. Ông Xung là em của ông nó, dưới ông Xung còn vô khối ông nữa: Ông Kình, ông Phỏng, ông Rinh, ông nào râu tóc cũng trắng phơ. Dưới nữa là con cháu của các ông ấy, nhiều người còn ít tuổi hơn cả Nghĩa mà nó cứ phải gọi là cô, chú, xưng cháu. Nó ghét cay ghét đắng các chú các cô tý hon của nó vênh váo bắt nạt nó.
Thằng Nghĩa đứng quan sát khung cảnh ngày chạp tổ - Thế giới tinh thần và vật chất của cả họ. Trong từ đường đầy ních người. Ngoài sân trong bếp người đi rầm rập. Những nong thịt đầy ắp, những mâm xôi gấc đỏ au, những nia oản vàng rộm. Nghĩa thấy cả họ Nguyễn từ già đến trẻ hôm nay ai cũng vui như tết, quần áo chỉnh tề. Kể cũng lạ, không biết ai nghĩ ra ngày chạp tổ. Mỗi nhà một cảnh, quanh năm lo làm ăn bỗng dưng lại tụ tập đánh chén một bữa: Từ ông giáo Thảo đức độ có tiếng, đến nhà chú Bỉnh chuyên đi trộm khoai, chộm chuối, từ ông Hưng phó chủ tịch đến nhà anh Dĩ ba đời gắp cứt trâu...
- Mày thấy chú Vạn đến chưa? - Bố đến vỗ vai Nghĩa? Ra đình Đông bảo chú Vạn đến ngay.
- Con còn đang bận...
- Đi ngay! - Bố quát.
Nghĩa chạy lại rỉ tai ông Xung.
- Cháu phải đi ra uỷ ban gọi chú Vạn.
- Mày đã lập được công trạng gì chưa đấy?
- Dạ...dạ có! - Nghĩa ấp úng.
- Mày cứ nói, đã là "trưởng nam con" không sợ thằng nào hết.
- Nhưng cháu...
- Không nhưng gì cả, tao sẽ trị tội đứa nào làm bậy.
- Cô chú Xeng nhà ông! - Nghĩa nói bừa - Chú Xeng lấy trộm một khoanh thịt nạc và một chai rượu giấu vào thúng phủ đầy lá bắp cải đưa cho thím Xeng mang về.
Ông Xung tái mặt đứng ngây ra một lúc rồi, cười hềnh hệch vỗ vào vai Nghĩa;
- Mày thật thà quá hoá hỏng. Đấy là thằng Xeng nhà ông nó mang về cho chó đấy. Mày không thấy nhà ông nuôi con chó to tướng, khi nào đẻ ông cho một con mà nuôi. Thôi được ông thưởng một hào mua bi. Cấm được mở miệng nói với ai đấy.
Nghĩa cầm một hào chạy vào trong hậu cung lấy hai quả chuối cho vào túi quần lẻn ra ngõ. Nghĩa chạy ra một mạch ra tới sân đình Đông. Bé Hạnh đang ngồi ê a học bài trên lưng con chó đá.
- Mày không sợ con chó này nó cắn nữa à? - Nghĩa véo vào má cái Hạnh - Chú Vạn đâu?
- Trong đình! - Hạnh nhõng nhẽo - Anh ác lắm, bẹo em đau bỏ xừ đi.
- Tao đền hai quả chuối, vào cất sách đi ăn cỗ.
- Ở đâu?
- Ở nhà anh. Hôm nay ngày chạp tổ họ Nguyễn.
- Em có phải họ Nguyễn đâu mà?
- Bây giờ em ở với chú Vạn thì coi như em là người họ Nguyễn nhà anh.
- Chú Vạn ứ cho em đi ăn cỗ đằng họ anh đâu, em sợ ông Xung lắm. Ông Xung còn bảo con trai họ Nguyễn nhà anh không được thân với con gái họ Vũ đấy.
Nghĩa chạy vào đình Đông tìm chú Vạn, nó không hiểu tại sao chú Vạn lại nhỏ nhen không cho cái Hạnh đi ăn cỗ. Nghĩa lặng lẽ đi sau chú Vạn. Nó giận chú. Như mọi khi nó đã hãnh diện đi sóng đôi với chú Vạn trên đường làng.
Lúc này trông chú Vạn thật là oách. Chú vận bộ quân phục mới, giầy mới, ngực chú sáng rực huân chương, huy hiệu.
Tới cầu đá, Nguyễn Vạn cố đi chậm lại nhìn bóng mình lung linh dưới nước. Dòng sông quê hương ngày nào Vạn còn lặn ngụp cùng con trâu sứt nhà Hào, nay bỗng xao động reo vui cùng Vạn. Lòng Vạn cộn lên vui buồn lẫn lộn. Từ hôm về làng, nay mới là ngày chính thức Vạn ra mắt trước họ Nguyễn. Vạn lo mỗi điều lỡ ai trong họ lại hỏi về quan hệ của mình với gia đình chị Nhân. Chuyện này thì Vạn cũng không hiểu chính lòng mình, Vạn thương lũ trẻ, thương con Hạnh hay thương mẹ của chúng? Mọi sự gần gũi đối với gia đình chị Nhân đều xuất phát từ bản năng tự nhiên ở Vạn. Lời xì xào của cả làng cứ gợi lên trong lòng Vạn một ý nghĩ mơ hồ mới lạ về chị Nhân. Nó giống như ngọn lửa trước gió lúc bùng lên trước lúc tắt ngấm. Lời nguyền độc của dòng họ Nguyễn đã dấn đến không ít những bi kịch. Nhiều đôi trai gái hai họ phải lòng nhau đều phải ngậm ngùi lặng lẽ chia tay, hoặc phải rủ nhau trốn khỏi làng. Tình cảm của Vạn đối với họ tộc: Vừa kiêu hãnh mà cách xa, vừa yêu thương lại ấm ức. Rặng cau cao vút, mái ngói sẫm màu rêu phủ của từ đường họ Nguyễn đã hiện ra trước mắt Nguyễn Vạn. Bước vào sân từ đường, thằng Nghĩa chạy lên kiêu hãnh đi sóng đôi cùng chú Vạn. Mọi cặp mắt đều hướng về Nguyễn Vạn. Vạn đứng lặng một lúc rồi mới chào mọi người. Bố Nghĩa chạy tới kéo Vạn vào trong từ đường.
- Anh đến muốn đấy vị anh hùng ạ - Người trách Vạn đầu tiên vẫn là ông Xung. Vạn im lặng. Vạn còn đang sững sờ trước không khí ngày chạp tổ. Hồi còn bé đi ở cho nhà Hào, Vạn chỉ được nghe láng máng người ta bảo ngày chạp tổ có nghĩa là đánh chén, Vạn cũng chỉ nhằm vào lúc người ta đánh chén là lảng vảng đến và được ai đó dúi cho nắm xôi quả chuối rồi lỉnh đi chỗ khác ngồi ăn.
- Công việc ngoài uỷ ban cứ rối tinh cả lên. Tôi đến hơi muộn, các cụ xí xoá.
- Vâng! tôi biết cái uỷ ban ngoài đình Đông to hơn cái từ đường họ này - Ông Xung gõ xe điếu canh cách. Ông Kình bấm vào sườn ông Xung:
- Ông muốn cả họ đi tù đấy phỏng? - Ông Kình rỉ tai ông Xung - Ông đừng có dại mà xúc phạm đến uỷ ban.
- Tôi không xúc phạm uỷ ban - Ông Xung gắt - Tôi nói là nói cái đứa đếch coi tổ tiên là gì.
- Ông bình tĩnh - Bố Nghĩa xoa dịu - Cũng vì hoàn cảnh chú Vạn phải bỏ làng đi từ bé, có những điều chú ấy không biết. Bây giờ chú ấy về được như vầy là có phúc cho cả họ nhà ta. Cả làng xã này, có ai ra đi trở về được như chú Vạn.
- Chuyện vinh quang thì tôi biết rồi! - Ông Xung dốc hết chén rượu nhìn mọi người bằng ánh mắt đỏ ngầu - Bây giờ tôi muốn hỏi anh Vạn về cái chuyện léng phéng với nhà chị Nhân. Anh mải trận mạc nên không nhớ được cả lời nguyền thiêng liêng của dòng họ Nguyễn ta. Tôi đọc cho anh nghe đây "Nước sông Đình ngàn năm không cạn - Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ - Bến Tình còn đẹp còn mơ.... Thù cái thằng họ Vũ... Thù! Anh hiểu chửa? Thù! Tà rinh... Tà rinh... nước sông Đình í a... ngàn năm không cạn, cầu đá bạc vạn kiếp í a...
Ông Xung cầm đũa gõ cách cách xuống mâm nghêu ngao hát, tiếng ông Xung vang lên trong ngôi từ đường họ Nguyễn.
Mặc cho cả họ đánh chén linh đình, vị "trưởng nam con" lấy trộm xôi chuối, oản mang ra đình Đông cho cái Hạnh. Hai đứa khoái chơi trốn tìm trong gian đình hậu, nơi hai chú cháu Hạnh đang ở, Nghĩa bày mọi thứ lên bàn, hai đứa vừa ăn vừa nhìn nhau cười.
- Đố anh Nghĩa biết ông Thánh ở đình này to hay Chúa ở nhà thờ to?
- Chú Vạn bảo không có Thánh và cũng không có Chúa mà chỉ có Đảng, Đảng to nhất, Đảng mang lại cơm no áo ấm cho dân.
- Thế sao người lại cứ phải chắp tay lạy ông Thánh bà Chúa.
- Những người đó là lạc hậu, duy tâm.
Ăn uống no, hai đứa rủ nhau ra bến sông tắm. Mọi khi bé Hạnh chỉ dám bơi loanh quanh chỗ nước cạn, nó sợ ba ba thuồng luồng. Hôm nay có Nghĩa, Hạnh thích thú bơi ra giữa dòng sông mát lạnh.
- Anh Nghĩa ơi! Đố anh biết con sông này bắt nguồn từ đâu?
- Mày toàn nghĩ chuyện đâu đâu để làm gì?
- Để biết - Hạnh cười rinh rích vớt nước té vào mặt Nghĩa - Em biết con mương cái ở cánh đồng làng ta nó bắt nguồn từ con sông này, đi qua gò ông Đổng qua Mắt Tiên, quá đám ruộng nhà em. Con sông này em chỉ nhìn thấy nó từ khúc quanh co mấy cái lò gạch kia.
Cánh đồng quê làng Đông kích thích trí tò mò của bé Hạnh. Cái gì nó cũng muốn biết rõ cội nguồn gốc rễ. Sự tò mò của cái Hạnh đã lôi cuốn cậu "trưởng nam con" dòng họ Nguyễn. Hai đứa rủ nhau đi dọc bờ sông. Mặt trời đã xuống quá rặng tre làng. Cảnh vật thiên nhiên làm cho tâm hồn hai đứa trẻ ngây ngất, chúng nhảy tâng tâng bắt cào cào châu chấu cho vào túi. Chúng đi qua khu lò gạch, dòng sông lượn vòng sang trái mở ra một khung cảnh mới lạ trước mặt chúng. Mặt sông càng ngày càng rộng ra dài hun hút tận con đê xa tít tắp. Bất chợt cái Hạnh reo lên nhận ra toà lâu đài phía chân trời.
- Cống Linh! - Nghĩa nói.
- Anh đã tới đó bao giờ chưa?
- Chưa.
- Anh dẫn em đến đó đi.
- Anh sợ đến được tới đó thì tối.
- Anh là con trai mà nhát.
- Ừ thì đi.
Hai đứa dắt tay nhau cắm đầu chạy. Chúng chạy mãi mà không thấy mệt. Cống Linh lúc này đã lừng lững trước mặt hai đứa trẻ, chúng bò lên mặt đê. Một thế giới mới nữa là biển cả mênh mông chúng chưa bao giờ được nhìn thấy. Cái Hạnh nghĩ đây là thế giới của những câu chuyện huyền thoại, chuyện cổ tích mà ông của Nghĩa đã kể cho nó nghe.
Cuộc phiêu lưu này Hạnh cứ ngỡ trong mơ.
Trăng đã nhô lên in rõ bóng hai đứa trên vạt cỏ. Cửa Cống Linh đèn vó bè rực lên như những ngôi sao lung linh trên mặt nước, thỉnh thoảng lại có những chiếc vó cất lên rít ken két. Cả hai đứa lặng nhìn những chú cá mòi trắng bạc nhảy xua xúa trong vó, tiếng nước chảy qua cửa cống nghe ào ào ngỡ như có mưa rào dưới trăng.
Hai đứa bàng hoàng dắt nhau ra về, vừa đi khỏi cống Linh một đoạn, cái Hạnh bỗng ốm choàng lấy thằng Nghĩa khi nghe thấy có tiếng nổ dữ dội trên mặt sông. Một cột nước tung lên trắng xoá, không gian lặng đi. Hai cái bóng từ bờ sông lao ra mặt sông. Nghĩa thở phào nhận ra chú Xèng, chú Xính nhà ông Xung rủ nhau đi ném mìn cá. Nghĩa bấm cái Hạnh chạy, vừa chạy thằng Nghĩa vừa nghĩ cả họ Nguyễn nhà nó không ai có thể biết được nó với bé Hạnh vừa mới khám phá ra một thế giới khác.