Bà mẹ U Đôn
Tác giả: Lê Quốc Phong
Tặng Đức và đồng đội

     ần nào cũng vậy, hễ cứ thấy Đức đến là bà mẹ Campuchia ấy cứ nhìn anh chằm chằm rồi nói:
-Thằng Pia-rết với mày giống nhau như hai giọt nước, nhìn mày mẹ nhớ nó quá.
Những lúc đó Đức không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Anh sợ mẹ xúc động không cầm được nước mắt. Mà để mẹ khóc lên thì phiền muộn quá, cháu Chia-tai, con trai Pia-rết sẽ ôm chầm lấy mẹ lalên có trời mà dỗ được. Đức cố lãng đi, nhác lại cái câu an ủi chung chung thường ngày vẫn nói:
-Đừng buồn mẹ ạ! Rồi anh ấy sẽ trở về thôi!
-Về! Liệu có còn mà về không con?
Mẹ thất vọng thở dài, đưa mắt nhìn xa xăm. Trời chiều, nắng vàng như mật, những chú chim sâu tránh nắng đuổi nhau ríu rít dưới tán cây cuối vườn. Bàn tay mẹ vẫn vuốt đều trên mái tóc quăn của Chia-tai.
-Ra ngoài kia chơi con, để bà nói chuyện.
Chia-tai cúi dạ rồi chập chững bước đi, mẹ quở tay lên bàn thờ lấy lá trầu đựng trong chiếc đĩa sứ, đưa con dao sắc như lá mía bổi đôi miếng cau, bỏ vào miệng vừa nhai vừa nói:
-Con à! Thằng Pia-rết hắn hiền khô vậy đó. Thế mà hắn cũng bị bắt đi làm lính cho Pol Pot… từ ngày giải phóng đến nay, đêm nào mẹ cũng không ngủ được, cứ nhắm mắt một lúc là thấy thằng Pia-rết hiện ra đứng trừng trừng nhìn mẹ ngoài cửa sổ. Mẹ chạy đến thì không thấy hắn đâu nữa…
Mấy giọt nước mắt của mẹ trào ra. Mẹ vội vàng đưa mối khắn cà-ma quệt nhanh một cái. Thế mà Chia-tai vẫn nhìn thấy được, nó bỏ lăn mấy cục đất nặn hình con bò, con trâu đồ chơi nằm ngổn ngang trên cát, chạy đến ôm chầm lấy mẹ.
-Bà! Bà… Chia-tai vừa lay vừa gọi-Bà khóc à?
-Đâu! Bà có khóc đâu. Cháu ra chơi đi.
-Hư! Hư… Chia-tai ngúng ngoắng đầu nũng nịu-Bà đừng khóc nữa nghe.
Và bất chợt nhớ ra điều gì. Chia-tai mở căng đôi mắt nhìn cây Chăm phương án nở hoa đỏ rực.
-Bà ơi! Sao chưa thấy ba về?
Mẹ chưa kịp trả lời thì Chia-tai đã bước đến nằm gọn trong lòng Đức.
-Pu con-tóp à! Sắp đến tết Chô-chơ-nam thơ-mây chưa?
-Mười ngày nữa cháu à.
-Tết vui nhiều pu con-tóp há. Bà bảo tết ba Chia-tai về. Ba về cho Chia-tai quần áo đẹp nè. Kẹo nè. Dẫn Chia-tai đi chơi nè. Đi lên phố chụp ảnh đẹp nữa…
Chia-tai vẫn liến thoắng nói về ngày vui của em bằng tất cả sự ngây thơi trong sáng và hồn nhiên của cái tuổi được nuông chiều. Em đâu biết rằng mỗi lời nói của em vô tình làm cho lòng người lớn buốt đau. Mẹ cúi xuống vờ nhặt một hòn đất để giấu đi sự xúc động. Còn Đức, khuôn mặt anh trở nên ưu tư và có cái gì đó day dứt trong lòng. Anh cắn chặt vành môi, cúi xuống đặt lên trán Chia-tai một cái hôn, rồi cụng đầu nó day qua, day lại.
Mẹ chỉ có mỗi mình Pia-rết là con trai độc nhất. Năm bảy lăm Pol Pot-Ieng Sary lên nắm quyền. Ăng-ca đến nhà gọi chồng mẹ đi học, vì trước kia ông là du kích mật, nuôi giấu cán bộ trong nhà để đánh Lon Nol. Mẹ tưởng chồng đi một hai tháng sẽ về. Thời gian cứ dài mãi ra, mà chồng mẹ vẫn không tin tức. Phum mẹ có lệnh phân tán mỗi người một nơi, ở tập trung theo tổ sản xuất. Mẹ và Thơ-mây vợ Pia-rết gặp may là được ở cùng một đội. Còn Pia-rết thì ở đội khác cách mẹ bốn vườn thốt nốt, mắt nhìn có thể thấy, thế nhưng gia đình mẹ thỉnh thoảng mới được gặp nhau.
Vào đầu năm bảy sáu người ta mang đến cho mẹ một cái tin: chồng bà bị giết ở rừng O-ran cùng ba trăm người khác. Mẹ đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh bọn lính Ăng-ca giết người bằng búa, bằng dao chỉ vì người ta kêu đói kêu khổ, đến xin thuốc khi ốm đau, hoặc một câu chuyện vô tình nào đó phảng phất đôi nỗi buồn phiền… Nhưng mẹ chưa bao giờ nghĩ rằng chồng mẹ bị giết. Suốt cuộc đời ông lam lũ, hết trèo thốt nốt thuê, cuốc mướn, lại ở đợ cho bọn nhà giàu trong sóc. Kiếm được đôi đồng “riêng” lại để dành nuôi cán bộ trong mấy năm “cách mạng” gặp khó khăn.
Cái tin đau đớn đó đến với mẹ đột ngột quá. Mẹ chỉ biết kêu lên được một tiếng rồi gục đầu xuống chiếc áo cũ của chồng, trong đó có vương lại hơi ấm mồ hôi. Mẹ thiếp dần trong tiếng nấc. Bên ngoài, ánh chiều hấp hối vàng nhạt, bầu trời trở nên u ám lạ thường và âm vang tiếng khóc loãng vào không gian… Chỉ có nước mắt là chưa dễ khô. Nước mắt trào ra còn đọng lại trên khóe mắt. Lồng ngực già cỗi của mẹ chưa vơi những cơn buốt tê đau đớn. Thì chính hắn, chính tên Ăng-ca trước kia nằm hầm trong nhà mẹ, chính cái thằng mẹ đã bớt đi những miếng ăn nuôi nấng nó, bớt đi những giấc ngủ tuổi già canh cho nó được trọn đêm, nó đang đứng dang chân trước mặt mẹ. Ngày đó nó có vẻ hiền lành chứ không như bây giờ. Té ra thời gian trên đất này đã cho con người nếm những câu trả lời thật cay nghiệt… Có phải hắn đó không? Hắn đến đây làm gì? Để nói với mẹ những lời an ủi? Không! Mẹ không cần những lời nói ngọt ngào đặc sánh như mật, mà khi uống vào có vị đắng cay. Hãy xéo đi! Tao không cần gì hết. Mẹ định hét tướng lên, chồm lại vả vào cái mặt vô ân, vô nghĩa của hắn. Nhưng mẹ kịp kìm lại, đưa mắt nhìn hắn, hắn vẫn đứng trân trân trước mặt mẹ, chiếc gậy ba toong nhiẹp lên, nhịp xuống.
-Khóc hả! Im đi! Khóc là có tội với đảng, có tội với lãnh tụ Pol Pot. Chồng bà chống Ăng-ca. Đáng lẽ cả gia đình bà cũng bị trừng trị, nhưng tôi nghĩ hồi trước bà có nuôi tôi, tôi tha cho bà… nhưng muốn vậy thì ngay bây giờ, thằng Pia-rết phải ra tập trung ở trụ sở để ngày mai nhận súng.
Thế là dù muốn hay không Pia-rết cũng không thể không bận bộ quân sự lính Pol Pot màu đen. Chúng bắt Pia-rết đi. Mẹ chạy theo khóc lóc van xin. Chúng hét: cút về không lại cho ăn đất bây giờ. Thằng lính áo đen bằng con mẹ, phang mẹ một gậy, vai mẹ sà xuống. Mẹ ngất đi. Trong mơ màng mẹ thấy trước mắt mọi cái quay vù vù. Thốt nốt xanh tươi bật gốc, những khuôn mặt quen biết từng hàng, từng hàng, trên con đường đất mịt mùi bụi lũ lượt kéo đi. Họ đi bằng hai tay… Chồng mẹ đứng đó, nhìn mẹ cười, khóc. Họ đinh chạy đến với mẹ nhưng đôi chân như bị chôn chặt trong đất… và máu… ôi máu nhiều quá! Máu nhòe hết mọi khuôn mặt, nhoà hết mọi màu xanh, máu như một cơn mưa đột ngột từ trong những cụm mây đen đặc rơi xuống, máu từ dưới đất phụt lên. Nào biển, nào sông, tất cả đổ máu cuồn cuộn chảy… Từng đoàn người bi trói tay, trói chân đứng chật ních trước sân chùa. Những tiếng khóc, tiếng théi nổi lên. Bọn lính cột mọi người thành một hang dài, lột hết quần áo, rồi đứng cười hô hố, chỉ trỏ, khoái trá. Chúng lấy từng hòn đá cuội to thi nhau nhằm đầu ngực, bụng những người bị trói mà ném tới tấp. Tên ăng-ca nhìn đau đáu cô con gái co thân hình thon thả, trần truồng đứng trước mặt. Hắn cười hanh hách. Hắn thét:
-Bắn!
Thế là tiếng reo ầm ầm thoát ra từ cửa miệng của bọn lính loắt choắt. Súng nổ đồng loạt, những cái đầu gục xuống rống như bò. Máu trào ra từng tia nhỏ nhỏ li ti bắn lên cao tưởng như thấy mặt trời, mặt trời cũng đỏ màu máu, máu như một thứ ánh sáng lân tinh kỳ quặc soi chập chờn những khuôn mặt dã thú của bọn lính đang reo hò nhảy nhót và soi cả những khuôn mặt đau đớn của những người đang trút giây thở cuối cùng…
-Trời ơi!
Mẹ bật kêu thành tiếng rồi vùng dậy ngơ ngác nhìn quanh, hớt hải chạy khắp công xã, vừa chạy vừa la, chửi bới khóc than. Kêu chán mẹ lại cười, quần áo rách tả tơi, đầu tóc rối bù xù tấm thân rũ rượi. Chạy mệt, mẹ dừng lại bên những cây thốt nốt cụt ngón ôm ghì lấy nó, vuốt ve nó, nói với nó những lời âu yếm như nói với chính đứa con mình. Dân phum ra đưa mẹ về. Mẹ cào cấu, chửi bới họ…
Mấy hôm sau sức khỏe của mẹ dần dần hồi phục. Ăng-ca vẫn không để cho mẹ yên. Chúng bắt gia đình mẹ rời sâu trong rừng. Ở đó một thời gian, Thơ-mâ sinh được đứa con trai. THằng Chia-tia kháu khỉnh, đó là niềm vui duy nhất làm dịu một phần nỗi đau triền miên trong lòng mẹ. Mẹ cứ tưởng tượng rằng sẽ được sống mãi với niềm vui ít ỏi mong manh còn lại đó. Nhưng, hạnh húc đến muộn mằn và bao giờ cũng dễ bay đi, cả đời mẹ trải qua vẫn thế. Còn khổ đau thì lởn vởn vây quanh lấy mẹ, chập chờn nhập cuộc và bao giờ hắn ta cũng thắng. Thơ-mây, con dâu mẹ bống chốc bị bọn lính Pol Pot kéo đến bắt đi. Đi về đâu? Sống hay chết. Mẹ làm sao biết được.
Rừng núi vẫn im lặng, thản nhiên trước nỗi đau xé ruột của mẹ. Mẹ định chạy lên nhà tên ăng-ca túm lấy cổ nó cào cấu cho hả giận. Nhưng nghĩ lại cũng chẳng ích gì. Nó có súng. Nó có quyền. Nó cho mẹ ăn thì mẹ được ăn. Nó bắt mẹ chết thì mẹ phải chết. Nó đuổi mẹ thì mẹ phải xéo đu. Dù nơi ấy là rừng, là núi, hay hang cùng. Mẹ lặng yên xua tan ý nghĩ rồ dại bất chợt đó và ngày ngày lại thui thủi bên đứa cháu nội. Đi đâu mẹ cũng bế nó đi, không bao giờ lơi nó ra dù trong phúc chốc. Bọn ăng-ca như lũ quạ đen đang rình rập đâu đó chờ giật cướp những niềm vui nhỏ nhoi của mẹ.
Cuộc sống ấy của mẹ kéo dài mãi đến đầu năm bảy chín. Bỗng một tốp người có súng xộc vào rừng nơi mẹ ở. Họ nói gì vậy? Con-top Việt Nam đánh Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia… Họ chắp tay chào mẹ “Xóc-xơ-bai”, nói đi nói lại câu đó… Thế rồi mẹ được đưa về phum cũ. Nhà bị bọn Pol Pot đập phá tan hoang, một chiéc bát ăn cơm cũng không còn nguyên.Bộ đội Việt Nam dựng lại cho mẹ một căn nhà tre và thỉnh thoảng Đức đến thăm me, anh gánh nước, xới rau, cho mẹ thuốc sốt, hoặc làm một việc gì đó mẹ cần. Cứ mỗi lần nhìn thấy Đức là mẹ lại nhắc đến Pia-rết:
-Con ạ! Hắn cũng như con vậy đó, mái tóc quăn, thân hình to cao, chẳng khác chi người cầm tạ, dang đi thoăn thoắt như con cả Biển Hồ…
Còn Chia-tai thì nằm gọn trong lòng anh.
-Sao chưa thấy ba cháu về Pu-con-tóp?
Lần chia tay cuối cùng với mẹ, mẹ vẫn chỉ nói với Đức một câu:
-Con à! Hắn cũng như con vậy đó. Thương mẹ thì nhớ tìm về giúp mẹ, con à…
Mùa khô.
Trung đoàn của Đức nhận lệnh cùng các đơn vị quân đội cách mạng Campuchia truy quét ở núi O-ran. Trên suốt dọc đường hành quân Đức bắt mười mấy tù binh, có tên ngay từ đầu gặp bộ đội đã bỏ súng đầu hàng, có tên tình nguyện dẫn ta đến cứ điểm của bọn chúng. Nhưng cũng có tên ngoan cố bắn đến viên đạn cuối cùng. Hình như lúc nào Đức cũng nhớ đến lời mẹ dặn và cố đảo mắt tìm xem trong đám đông kia, có người nào giống với Pia-rết không? Không thấy. Anh chợt nghĩ: Sau mấy năm cầm súng cho Pol Pot, liệu Pia-rết còn giữ được những gì đẹp đẽ trong tâm hồn mà người mẹ đau đớn kia đã bồi đắp cho Pia-rết không? Hình ảnh chúng giết cha, đánh đập mẹ còn đọng lại trong trí nhó Pia-rết hay đã bị giũa mòn rồi? Khi đám lính áo đen cầm trong tay con dao, cái búa nện vào đầu những người dân mà Pia-rết cũng thừa biết họ không có tội, hoặc khi chúng cầm đứa trẻ con trong tay, mặc cho nó khóc, nó giãy giụa cứ thế mà quẳng xuống lòng giếng, những lúc ấy liệu lòng Pia-rết có quặn đau, có rơm rớm máu không?  Đức thấy có cái gì đó cộm trong lòng. Anh cảm thấy nỗi hy vọng kia mong manh quá đỗi. Có lúc Đức lại nghĩ: giả sử Pia-rết trở thành một tên đao phủ khét tiếng. Vậy trong tâm hồn hắn liệu có thể còn sót lại chút ít lương tri bất chợt thức tỉnh làm cho hắn bỗng nhớ đến cha, đến mẹ, đến vợ, đến con. Biết đâu trong trận đánh sắp tới, trong đoạn đường mà Đức sắp đi qua, ở các lùm cây vi-lơ lúp xúp, Pia-rết ẩn núp chĩa súng vào người Đức. Hoặc là trong một trận đánh gặp gỡ, giữa rừng buộc lòng một viên đạn từ nòng súng tấn công của Đức lao vào ngực Pia-rết, hắn ngã xuống sau đó Đức mới nhận ra những nét hao hao trên gương mặt hắn. Nghĩ đến đây lòng Đức bỗng quặn đau. Giữa bao nhiêu người lính áo đen mà Pol Pot xua bắt, tha hoá lừa phỉnh, đẩy đến hố vực tội ác liệu có thể tìm nhận và gọi về Pia-rết được không?
Thời gian cứ mải miết trôi. Ở gần các rừng dày, cây xốc-lơ mấy dạo nở hoa. Biết bao người đã theo tiếng gọi của lương tâm và đất nước Campuchia thân yêu trở về, nhưng trong những khuôn mặt Đức gặp, anh không tìm thấy Pia-rết. Anh vẫn cùng đồng đội hành quân. Biên giới Thái càng xích gần trước mặt, hạnh phúc của nhân dân lại lớn thêm mãi ra phía sau lưng. Mỗi lần nhớ tới lời bà mẹ lòng anh bỗng cồn cào…
Ngôi nhà thấp lè tè mới dựng của mẹ bên cạnh những ngôi nhà sàn to có đầu rắn Na-ga. Chiếc phản kê tạm mấy tấm ván chát xám loang lổ mà mẹ thường ngồi kể chuyện. Mấy cây thốt nốt xoè lá ở trước sân. Tất cả hiện rõ trước mắt anh cùng với lời mong của mẹ.
Hơn một năm Đức trải qua bao nhiêu gian khổ. Những ngày khát chát mùa khô, không có nước tắm. Những cuộc truy kích mệt lả, cơm không đưa được vào miệng. Những cơn sốt rét rừng… hình như chính lời mong ấy tựa một cái mốc cắm vội ở đâu xa lắc, đang gọi Đức, thúc giục Đức vượt qua những gian lao, những khó khổ mà người lính ở sát biên giới Thái này đang chịu đựng.
Cuối mùa khô, địch hoạt động tăng dần. Đơn vị đóng gần sát biên giới. Lại một trận đánh nữa, trận đánh bọn Pol Pot từ đất Thái vượt biên giới luồn vào. Đức lại nghĩ đến mẹ. Lẽ nào Pia-rết lại bị bọn chúng dẫn qua đất Thái nhơ nhuốc, xấu xa và bây giờ Pia-rết đang bị bọn chúng xua trở về quấy rối.
Trận đánh bọn luồn rừng sắp kết thúc. Những tên tàn binh bị bắt đi ngang qua trước mặt Đức, kéo thành một hàng dài lếch thếch đen xỉn từ quần áo đến mặt mũi, cắm đầu lặng lẽ lê từng bước chân. Đức nhìn chằm chằm vào đoàn tù, đến người cuối cùng anh vẫn không nhận ra ai có dáng như mẹ kể… Hay Pia-rết đang ở điểm Pốc-cơ? Có thể lắm.
Đó là một căn cứ phía trước của bọn Pol Pot. Đơn vị Đức được lệnh đánh chiếm cứ điểm ấy. Từ nửa đêm, đơn vị anh đã chiến đấu suốt mười giờ ròng. Ban đầu địch chống cự quyết liệt, nhưng cuối cùng không chịu nổi sự tấn công ồ ạt của cánh quân binh đoàn bạn phối hợp nên tháo chạy tán loạn, đứa chết, đứa bị thương, đứa bị bắt làm lầm lì bước đi. Đội quân y băng bó cho những tên còn sống. Chỉ còn lại một cái hầm được xây dựng kiên cố, chốc chốc đạn xối ra từng loạt, mặc cho các đồng chí trong đội địch vận bắc loa khàn tiếng kêu gọi. Đại đội trưởng bò đến công sự Đức. Anh nói:
-Cậu phải chỉ huy trung đội đánh xốc lên mà hốt gọn.
Trước mặt Đức biên giới mờ đi trong khói. Mới gần mười giờ mà nắng đã gay gắt. Cũng là ngọn gió lùa từ dưới xuôi lên mà buổi sáng thì rười rượi mát lành, còn bây giờ thì khô chát, bụi khói cuộn bốc.
-Trung đội 9 xung phong!
Sau mệnh lệnh ấy các chiến sĩ lao lên. Từ trong công sự cố thủ địch vẫn bắn đại liên ra từng điểm xạ dài. Trung đội Đức mới vượt được ba mươi mét thì chững lại vì địa hình quá trống. Khẩu đại liên địch vẫn ăng ẳng sủa, đạn găm phầm phập vào thân cây tung đất.
Đức hét to, giọng anh lẫn trong tiếng súng:
-Trinh!-Diệt hoả điểm.
Trinh không trả lời chỉ gật đầu nhè nhẹ rồi cứ thoăn thoắt bò lên sau thân cây bị pháo phạt gãy. Trinh giương súng lấy đường ngắm chưa kịp bóp cò thì Đức gọi giật trở lại:
-Đừng bắn trúng. Bắn cảnh cáo.
Trinh quay người mở to mắt nhìn Đức ngạc nhiên. Môi anh mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng chợt nhận ra đây là trận địa. Trinh lặng lẽ quay nhanh về phía trước. Anh bóp cò. Quả B.40 nổ sát nách công sự địch. Chúng hoảng hốt nhào lên chạy dạt về đoạn hào phía sau. Đức bỗng khựng lại khi nhìn thấy thằng địch có mái tóc quăn, thân hình to cao như hộ pháp đang chạy sau cùng kia… chính nó sao? Chính nó. Nó là con trai của bà mẹ U-đôn rồi. Đức hạ lệnh:
-Khép chặt vòng vây bắt sống.
Anh khum hai bàn tay làm loa dõng dạc gọi từng tiếng:
-Hãy ra hàng đi. Mặt trận và Việt Nam không giết.
Bọn địch vẫn xô nhau chạy dạt về phía sau, vừa chạy vừa quay súng bắn lại. Đức cắn chặt vành môi nén cơn giận. Giết chúng không khó, chỉ cần một trái B.40 nữa là tan xác hết. Nhưng cái khó là gọi chúng ra hàng, bắt sống chúng, cứu được chúng, và đối với anh, anh còn có lời mong của một người mẹ mà anh chưa đáp lại. Đức tiếp tục cho đại liên bắn kiềm chế,
-Ra hàng đi. Mặt trận và Việt Nam không giết.
Chưa dứt câu đạn đã vèo vèo cắm phập trước mặt. Một chùm cúc dại xác xơ. Một tiếng nổ đến long óc của quả M.79 cách đây gần đó. Đức thấy mu bàn tay mình buốt đau, máu trào ra thấm đỏ mặt đất. Đức chưa hết bàng hoàng thì một tiếng nổ nữa tiếp theo. Anh cúi người xuống vừa tránh mảnh vừa nhìn vết thương. Đức không ngờ anh bị thương vào những phút này, những phút mà trận đánh có thể không cần đổ một giọt máu mà anh đang đỏ. Bọn giặc kia anh muốn cứu nó thì chính nó lại bắn anh. Nỗi bực dọc nén lại giờ đây bật lên làm cổ Đức tức nghẹn. Anh muốn hét to hạ lệnh cho đồng đội xông lên tiêu diệt ngay chúng. Nhưng chợt nghĩ đến một lời giục gọi nào đó, anh lại thôi. Cuộc chiến đấu mà đồng đội Đức và các bạn Campuchia đổ máu đã mang lại xiết bao hạnh phúc vì đất nước này, phải, nhưng vượt lên những điều ấy, còn có một cái gì đó lớn lao hơn nữa, lâu dài hơn nữa, nhân loại hơn nữa…
-Anh Đức bị thương!
Một cậu chiến sĩ trẻ ở tiểu đội ba thét:
-Quý cho tiêu đi rồi! Chính sách gì, lắm chuyện.
-Không được, Đức thét!-B.40 bắn cảnh cáo hai quả! Đại liên bắn chặn. Đề nghị tiểu đoàn cho cối dập chặn đường rút ở mé rừng phải. Tiểu đội hai vòng bên trái đánh từ phía sau lên.
Quả thế. Khi súng nổ từ phía sau lưng, bọn địch nhốn nháo, chúng hò hét nhau quay nòng đại liên bắn trả. Nhưng chỉ được một lúc rồi yếu dần. Trung đội Đức ào ạt xông lên:
-Đầu hàng đi! Không giết đâu!
Một thằng, hai thằng, bốn thằng… vẫn chưa thấy tên lính ấy đâu. Đức hồi hộp chờ đợi. Năm thằng, sáu thằng… dưới công sự im phăng phắc. Tại sao vậy? Thằng tóc quăn mà Đức nhìn thất chết rồi sao? Không, Đức không tin như vậy. Anh đưa mắt hỏi tên tù binh sau cùng.
-Còn ai không?
-Dạ, thưa… hết rồi. Hắn lẩy bẩy trả lời ngập ngừng.
Đức bước đến chĩa súng xuống miệng hầm kéo một loạt, phía dưới có tiếng động:
-Lên đi, Mặt trận và Việt Nam không giết đâu.
Đức gọi rồi cắp súng lùi lại một bước. Tên địch lom khom chui lên. Chính hắn rồi, mái tóc quăn bồng bềnh, thân hình cao vạm vỡ. Hắn cầm lấy cái gì trong tay vậy? À, một quả lựu đạn. Đức vừa quay súng thì bên trái, Trinh từ xa co người với một động tác võ, anh lao đến đánh rớt quả lựu đạn trong tay tên lính và rất nhanh nhẹn chụp ném ra xa. Tên lính hoảng hốt lùi người bỏ chạy.
-Đứng lại!
Nó vẫn chạy. Đức giương súng bắn găm. Tên địch loạng choạng chúi xuống, viên đạn cắm vào chân. Bây giờ Đức mới trông rõ khuôn mặt hắn, cái cằm của hắn bạnh ra, hai con mắt trắng lộ dã lộ những tia máu đỏ, đôi môi khô đét lấm lem bụi đất, Đức cúi người, lấy chiếc bình tông còn lại những giọt nước cuối cùng đổ lên môi hắn. Hắn mấp máy một cách thèm thuồng, thoáng nở nụ cười khó hiểu rồi trừng trừng nhìn Đức.
-Sao không giết ta đi?
-Giết mày làm gì. Mặt trận và Việt Nam không giết người đầu hàng.
-Hừ! Không giết. Hắn nói lại một cách lạnh lùng-Ăng-ca không bao giờ nói sai.
Đức ngỡ ngàng trước câu nói của tên giặc. Cho đến bây giờ mà hắn còn nghĩ như vậy ư? Thật không gì khủng khiếp bằng khi tâm hồn con người bi nhuốm đen.
Anh nhìn nó. Nó vẫn lạnh lùng. Anh hỏi:
-Tên là gì?
-Pia-rết.
Ôi! Thằng Pia-rết của người mẹ đau đớn kia là tên này ư? Anh đã tìm ra được nó. Anh đã đáp lời mong của bà mẹ ấy. Ôi, thế nhưng liệu người mẹ mòn mỏi chờ đợi có chịu được nỗi đau tươi rói mới rọi này không, khi biết đứa con của mẹ, trong những năm cầm súng cho Pol Pot đã trở thành một tên tử thù của nhân dân.
-Tên gì? Pia-rết à? Đức hỏi lại.
-Đúng! Pia-rết.
-Quê đâu?
-Công Pông Xpư.
-Sóc nào?
-U-đôn.
Thôi đúng nó rồi! Chính nó.
-Cha mẹ bây giờ ở đâu? Có biết không?
-Cha không biết ở đâu. Mẹ chết từ hồi chưa biết nói.
Đức trố mắt nhìn hắn.
-Mẹ chết từ lúc chưa biết nói?
-Phải.
-Thật không?
-Thật. Không ai nói dối làm gì cái ấy.
À thế thì không phải… Ôi, trong đội lính áo đen man rợ bị bọn Pol Pot lừa phỉnh và xua bắt đi giết người có biết bao cái tên Pia-rết. Đức thở phào đứng dậy, anh bàn giao số tù binh bắt được cho đơn vị bạn rồi lên đường. Biên giới ngơi tiếng súng, trả lại cho rừng cái yên tĩnh vốn có. Hoa cúc dại trên đồng cỏ vàng rực dưới nắng đã sang trưa. Phía trước đoàn quân là con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi mút tầm mắt, thoang thoảng hươu cau từ thung lũng Pu-xin đưa tới ngạt ngào.
Một tháng sau Đức ra viện. Trước khi trở lại đơn vị Đức xin phép đồng chí viện trưởng tạt qua trại tù hy vọng biết đâu có thể tìm được tin gì về Pia-rết.
Những ngôi nhà lợp lá thốt nốt của trại tù binh nằm dài theo con đường đất. Những bụi hoa Pơ-lin trước sân nở đỏ rực. Từng tốp, từng tốp người từ ngồi túm tụm trên các chiếc ghế được ghép tạm bằng thân gỗ rừng, rì rầm về một chuyện vui nào đó và thỉnh thoảng họ lại cười rộ lên.
Đức bước qua chỗ họ, anh đến thẳng văn phòng nhờ người quản lý xem hộ danh sách. Sau khi cắm cúi dò từng tên trong tập hồ sơ dày, anh ta ngẩng đầu lên nhìn Đức trả lời:
-Chỉ có tên Pia-rết mấy anh đã bắt mấy hôm đó thôi…
Qua đi phút hồi hộp, Đức thấy lòng mình nặng nề và trống trải. Pia-rết còn không? Còn, không biết sao Đức tin như vậy. Một con người hiền lành và khổ đau như người mẹ. U-đôn kia đã bú mớm, hát ru cho con mình khôn lớn, ôi! Trong một giọt máu mà mẹ đã dưỡng sinh khó lòng một lúc mất đi những gì quí giá mà mẹ vun trồng từ tấm bé.
Đức chào người quản lý rồi lững thững dạo trong sân. Bỗng anh gặp một thằng bé thân hình loắt choắt, có lẽ mới mười ba, mười bốn tuổi là cùng. Đức bước lại gần nó, ô, nó cũng là một tên lính áo đen Pol Pot hay sao?
-Vào trại lâu chưa? Đức hỏi.
Hình như không nghe tiếng Đức, nó vẫn nín thở lò dò bước, đưa hai ngón tay như hai gọng kìm, tiến đến con chuồn chuồn rồi bất thần kẹp lại. Con chuồn chuồn chỉ đập cánh rèn rẹt rồi nằm im. Ánh mắt thằng bé lộ rõ vẻ sung sướng. Bây giờ nó mới ngẩng đầu lên nhìn Đức:
-Chào On. Đức chào và hỏi: Vào lâu chưa?
-À, mới thôi. Nó trả lời.
-Tên là gì vậy?
-Campuchia thôi.
Đức nhìn nó ngạc nhiên. Anh hỏ lại:
-Tên cơ mà?
-Ờ, tên đó, Campuchia thôi.
-Bố mẹ ở đâu?
-À, để nhớ đã… Nó nhíu mày đứng nghĩ ngợi-á, nhớ rồi. Bố là lãnh tụ Pol Pot vĩ đại, mẹ là đất nước Campuchia anh hùng.
Nó trả lời một thôi như đã học thuộc lòng.
Bây giờ Đức chợt hiểu. Té ra chúng nó đầu độc sự cuồng si bắt đầu như thế này đấy. Anh lại hỏi:
-Giết được nhiều người chưa?
-Ít ít thôi, hai người. Vừa trả lời nó vừa đưa mắt nhìn đi đâu xa lắm.
Ngày Pia-rết bị bọn Pol Pot bắt đi chắc lớn hơn tên lính loắt choắt này.
Đức lùi ra một bước, tần ngầm nhìn nó. Bỗng dưng Đức thấy nó dừng mắt lại nhìn đoàn người ở chợ về. Các chị, các em cười vui ríu rít. Đi sau cùng là mấy bà mẹ đội rợ đựng đầy bánh Kờ-lam trên đầu, đôi tay đánh đằng xa bước nhanh trên con đường cái có hai hàng thốt nốt toả bóng râm. Một bà mẹ ngoảnh mặt vào trại, không biết bà trông thấy thằng bé hay thấy tốp người ngồi ở phía góc sân, bà dừng lại.
Thằng bé đứng yên lặng, hai tay buông thõng nhìn ra chằm chằm. Trong đôi mắt thằng bé đang dấy lên một điều gì đó khác lạ. Một lúc sau Đức hỏi:
-Mẹ on đó à?
Nó không trả lời, hai vành môi cắn chặt lại với nhau, rồi tự nhiên nó oà khóc, nước mắt nó giàn giụa, tuôn xuống hai gò má, đọng lại trong hố mắt sâu. Bây giờ thì trên nét mặt nó toát lên một cái gì khác hẳn với lúc ban đầu Đức gặp. Hình như người mẹ ngoài đường kia là ngọn gió lành thổi bay lớp tro đen mà Pol Pot đã phủ lên đầu óc bé thơ của hắn. Và trong tiếng khóc ấy có một cái gì thơ dại tựa như tiếng khóc của đứa trẻ chưa biết lật đang còn nằm ngửa trong nôi…
Phải rồi, nó cũng có cha, có mẹ, cũng có một vành nôi, cũng được nghe tiếng ru ầu ơi dưới bóng rợp vườn thốt nốt, cũng có một nóc nhà đầu rắn na-ga sàn lát gỗ dầu, đêm đêm nó vẫn lăn người trên đó, nó cũng đổ mồ hôi trên đồng ruộng và cũng có những cái tết Chô-chơ-ma-thơ-mây, cũng cùng cha mẹ với bạn bè tuổi thơi luyện đôi cổ tay uốn người trong điệu Xúc-tép. Và nó cũng có một quả tim ở đó chảy những giọt máu màu hồng như bao nhiêu con người khác.
Đức chợt hiểu: bằng những cuộc tấn công ào ạt và chớp nhoáng, đồng đội Đức và các chiến sĩ Campuchia đã đổ máu đem lại cho Đông Bắc này những đêm rôm-vông, những mái nhà buổi chiều quyện khói bếp, đám cưới hội hề cho các lứa đôi, những mái trường mới cho trẻ con ê a học, một mùa gặt bội thu và trả lại cả những ngôi chùa với màu áo cà sa vàng tươi cho các vị sư sãi.
Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn, như ở U-đôn bây giờ xa Đức hàng trăm cây số, có một người mẹ vẫn chỡ, vẫn đợi, vẫn mỏi mong một điều gì bình thường mà dữ dội. Anh nhận cảm công việc hôm nay, ngày mai, ngày kia là làm sao gạt đi lớp tro dày đang phủ lên làm tắt cục than vẫn cháy trong những con người nạn nhân bất hạnh như thằng bé mười ba tuổi kia vẫn cầm trong tay con chuồn chuồn chết cứng, trả lại cho nó tình thương và những suy nghĩ của con người.
Công việc ấy dẫu còn là công việc đổ máu, và xiết bao gian lao, nhưng nếu từ nan nó, thì chính ở trong Đức niềm vui lẫn nghĩa cả tình yêu cũng không thể nào trọn vẹn.
Không chắc là Pia-rết vẫn còn. Đức tin như vậy, mơ hồ, xa xăm, nhưng anh vẫn tin, dù không thể cắt nghĩa rạch ròi ra được. Anh sẽ tìm Pia-rết, ở trận địa này, hay ở mỏm núi đá chênh vênh chắn ngang biên giới, hay ở nơi bãi lầy cuối rừng cả ngày lẫn đêm muỗi vây lấy da thịt Đức, hay ở nơi nào đó nữa, khổ sở, hy sinh, thâm lặng còn dày hơn cả đây.
Anh sẽ tìm, anh sẽ trả lời và chính anh sẽ dẫn Pia-rết ngày xưa về cho mẹ.
Thằng bé đã thôi khóc, nó trở lại cái trò chơi bắt chuồn chuồn. Vẫn nín thở đưa hai ngón tay như hai gọng kìm, vẫn tiến đến đuôi con chuồn chuồn và bất thần kẹp mạnh, con chuồn chuồn đập cánh rèn rẹt nằm im trong tay nó. Thằng bé lại cười…
Đức ra cổng trở về. Gió chiều phả vào làn da anh mát rượi, hương lúa từ cánh đồng Xi-sốp-ni-ta được mùa, dịu dàng quyện lấy anh làm anh nhớ U-đôn da diết.
Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 5-1981