CHƯƠNG 4

     uốt mùa nắng khoảng từ tháng giêng đến tháng năm dương lịch, tức tháng hai đến tháng sáu theo lịch Lào, vùng đất trũng Xây-thả-von biến thành một bãi đá ong và bùn khô mênh mông.
Ruộng lầy ngày nào ngập nước đến bụng, giờ khô cứng như mặt bát cháo đậu đông, nẻ chân chim và nhọn hoắt tai mèo. Cây rừng trút lá đỏ tía phủ kín đất đá lởm chởm những cành khẳng khiu như bó chổi dựng ngược. Ao hồ cạn dần, đóng váng nhờn nhờn riêu cua. Suối đứt từng quãng, cá dồn lại phơi lưng lúc nhúc trong các vũng bùn còn sót. Lợn rừng kéo bầy đi tìm nước, hồng hộc tháo chạy khi nghe tiếng lạ.
Trong những tháng nắng ráo, Xây-thả-von căng hết gân sức vật lộn với địch. Rừng, núi, bãi lầy... đâu cũng khô rốc thành đường Pháp kéo quân bất ngờ thọc xuống khu du kích. Bộ đội Lào và Việt bám sát cơ sở, thỉnh thoảng tập trung quân luồn nhanh lên quốc lộ 13 diệt gọn mấy xe, úp một toán bộ binh địch, sau đó tức tốc chạy về nắm du kích chống càn quét, thọc phá.
Vụ gặt hái đã xong. Pháp cố cướp thóc nhưng bị đánh liên miên, không phá phách được mấy. Thóc vào đầy ắp các kho lúa bí mật trong rừng, nhân dân rời các trại làm ruộng, về ở làng.
Hôm nay trung đội 8 và trung đội It-xa-la của Vi- xiên rải thành hàng dọc thưa thớt, hành quân trên đường rừng. Có lệnh hỏa tốc của huyện rút hai đơn vị vào chiến khu trong dãy Núi Hoa, chuẩn bị đánh úp đồn Suối-đỏ. Cơ sở tạm giao cho du kích bảo vệ. Phải đi chéo hướng về làng Đôn-phao trong khu căn cứ du kích để đánh lạc mục tiêu gián điệp, chúng sẽ tưởng bộ đội lên phối hợp trên Bô-lô ven.
Tiến quen Vi-xiên đã mấy tháng, từ ngày anh sang giúp bộ đội It-xa-la học ba kỹ thuật lớn. Anh trung đội trưởng Lào có dáng vóc vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn như thừng xoắn trên đôi vai hơi gù, gan góc nổi tiếng và đánh du kích giỏi ít ai bằng. Tiến rất phục cái tài đánh “chim sẻ” của Vi-xiên: Với một tiểu đội, một tổ, hay có khi chỉ một mình, Vi-xiên bám theo một cánh quân địch lùng quét để đánh tỉa hàng mấy ngày liền, không mất hút địch mà cũng không để chúng úp trở lại. Vi-xiên bước vào rừng như cá xuống nước, anh không cần bản đồ hay địa bàn vẫn có thể mở đường bí mật, chọn địa thế phục kích, tìm ra chỗ có nước. Tiến đánh du kích đã nhiều kinh nghiệm, nhưng không sao bì kịp Vi-xiên.
Hai người khác tính nhưng rất mến nhau. Và Tiến không hiểu vì sao Vi-xiên lại thích gán ghép cho Tiến cô gái đẹp nhất làng Na-bua.
- Dạo này anh vẫn “đi sát” Bua Kham đấy chứ?
Tiến nhún vai không đáp. Vi-xiên tán thêm:
- Nghe đâu được anh giúp đỡ, dạo này cô ta tiến bộ lắm thì phải. Làm ăn chăm như con gái thiểu số. Này, đêm nào cậu Đeng cũng đến thổi khèn ve vãn Kham đấy. Thằng Phủi con buôn vài ngày lại một lần quà cáp. Chậm chân thì hụt mồi Tiến ạ. Gái đẹp như nước đọng lá sen, ai kịp đưa tay hứng...
Tiến nói lảng:
- Nhổ xong cái đồn Suối-đỏ, vùng Hàng-rào lập làng kháng chiến được chứ nhỉ?
- Nhất định.
- Đến lúc ấy, chúng tôi bàn giao cơ sở, lại đi nơi khác...
- Thố! Nhớ mang cả Bua Kham theo đấy. Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi...
Không nín được, Tiến bật cười to. Vi-xiên được thể càng trêu già, tất cả cái vốn ca dao tục ngữ đem ra dùng hết.
Để cắt khéo câu chuyện đùa dai, Tiến chuyền lệnh lên B.8 đi đầu: “Dồn cự ly, chuẩn bị vào làng”. Tố xích hầu đã bước xuống suối, lội ỳ ùm.
Làng Đôn-phao lấp ló bên kia suối. Lũy tre sà ngọn vương nắng chiều từng chùm vệt sáng lay động. Nhà sàn gỗ xám xếp thành dãy, trông xa như những toa xe lửa ngụy trang trong một ga kháng chiến nào đó ở vùng tự do liên khu 5. Tiến rút vạt áo sơ-mi xuống ngay ngắn, thắt gọn lại nịt đạn. Tuy ở Lào lâu năm, Tiến vẫn thấy vui lẫn chút hồi hộp khi ra khỏi rừng, bước vào làng.
Rừng Lào là nơi ăn chốn ở quen thuộc của người lính tình nguyện, hết năm này sang năm khác. Với kẻ lạ, rừng giăng cây như hàng chấn song cầm tù hắn, đi đến kiệt lả vẫn không thoát vòng vây co dãn, bí hiểm. Nhưng đối với người quen, rừng chiều khách và hào phóng, đãi hết vô vàn thứ sơn hào, dành riêng những món quà thú vị trong mỗi gốc cây, mỗi góc suối. Rừng nuôi ong, chim, cá, hươu nai cho người. Mùa nào thức ấy rừng thết người trăm thứ nấm, rau hoa quả. Quanh năm rừng giành cho người nguồn măng và củ còi vô tận. Rừng che giấu kho súng kho lương và người bị giặc đuổi, rừng mở đường cho bộ đội luồn sau lưng địch, rừng ủ ấp giấc ngủ nặng như chì sau một ngày nổ súng. Và khi người lính khác dân tộc tắt thở, rừng đón anh vào lòng, đan cành che trên phần mộ anh, ru anh bằng diệu nhạc chim và lá anh đã quen nghe từ ngày xa đất mẹ.
Nhưng lặn lội trong rừng, anh phải là gỗ đá mới không nhớ làng. Làng Lào dang tay đón khách thân thiết và ấm cúng.
Nhà sàn xúm xít dựng gần sát mái. Không có rào dậu, hoặc chỉ rào vừa đủ ngăn gà bới rau. Hãn hữu lắm mới thấy một nhà đi vắng có khóa cửa. Ngày nào cũng vậy, bà mè dậy sớm đồ xôi đã tính sẵn cho thừa vài xuất để phần khách thập phương. Nếu không ai cần đến, hôm sau mè lại đồ xôi cũ vào gạo mới, không lo phí phạm. Một vụ chửi nhau trong làng là câu chuyện cho các bà các cô kháo nhau hàng tuần trăng, vì dân làng chỉ quen với tiếng khèn, tiếng hát, tiếng trai gái đêm đêm đùa cợt tán tỉnh nhau bên xa kéo sợi.
Anh em tình nguyện thường truyền miệng cho nhau những kinh nghiệm vào làng. Trước tiên là phải thạo cung cách đứng ngồi ăn nói, ví dụ như với tay cao quá đầu người khác phải nhớ xin lỗi. Thứ nữa, đừng khách sáo theo lối bên ta, chớ đợi mời lần thứ hai. Rồi lại phải săn đón thăm hỏi cô em gái chưa chồng từ khi bước lên cầu thang đến lúc chào đi, dù thực thà anh không muốn ve. Vân vân và vân vân. Được như thế, anh tạt vào nhờ vả dăm bữa cơm hay vài tối ngủ như con cháu trong gia đình. Ra khỏi nhà, nếu anh bỏ quên lại cái đồng hồ hay ví tiền và đi biệt hàng năm trời gia đình sẽ luôn mồm nhắc các con bộ đội qua đường: “Bảo thằng có cái nốt ruồi giữa cằm về nhà mẹ mà lấy”. Bao giờ đến nhận của rơi, anh sẽ bị phạt rất nặng: phải ăn cơm của mẹ, uống rượu của cha, và kể cho em gái nghe chuyện đánh Pháp...
Còn nếu anh hoạnh họe, quát tháo, “đánh dầu đá miệng” người ta, thì đôi khi sáng ngủ dậy không còn đầu. Kinh nghiệm ấy có đồng chí biết đã quá muộn, đành để làm bài học cho mai hậu nhớ chung. May sao những chuyện đau đớn như thế đã hết từ lâu lắm. Bàn tay của địch không còn chỗ khoắng vào giữa bộ đội và nhân dân nữa.
Làng Đôn-phao hôm nay mở bun Phạ-vệt, một trong những ngày hội lớn nhất năm.
Thấy hai trung đội kéo vào, dân làng xúm ngay lại, vui thích và ngạc nhiên. Mọi ngày chỉ có bộ đội It-xa-la đến chơi hội, nay lại thêm anh em Việt, mà lại đi cả đơn vị! Các mè tong tả chạy góp cơm đãi bộ đội bữa tối. Các cô quẩy nước hộ trong những đôi gầu mới nhất. Thanh niên và du kích cần tin tức, thiếu nhi xoắn xuýt đòi bài hát, lao xao như chợ.
Một tin đồn không biết từ đâu ra, lan rộng khắp làng: bộ đội lên Bô-lô ven đánh giặc. Các cụ lão làng hỏi, thấy bộ đội cười cười lại càng chắc mẩm là đúng. Chỉ hiềm các con đi đường xa, ghé vào ngủ làng mà gặp ngày hội nhà cửa khí chật. Thôi thì mấy chục bánh nếp nhân chuối gọi là lòng dân, các con nhận cho cha mẹ vui, rồi tối nay ra chùa chơi hội nhé...
Đêm ấy trời không trăng không sao. Chùa làng rực ánh đèn đuốc, như một hòn đảo ánh sáng nhô bật giữa biển tối. Sắp xếp cảnh giới xong, Tiến lôi Mộc và Huy ra chùa xem hội. Huy mới lên Lào, lần đầu tiên bước chân vào đám hội nên cứ tròn mắt nhìn, hỏi dồn hỏi dập.
Chùa Đôn-phao dựng trên khu đất cao đầu làng rộng hơn mẫu, bốn chung quanh sân xây tường đá thấp. Ba ngôi nhà sàn lớn, mái cong vút lợp ngói gỗ chẻ, chạm nổi hình Phật, Tiên và những con rắn thần rỡn sóng, trợn xoe hòn bi mắt trắng dã. Ngôi ngoài là nhà khách, hai ngôi trong là nơi sư ở. Giữa sân chùa những dãy hoa đại, bồn lan và chậu cúc vạn thọ nở hoa điểm mầu thắm trên nền tường vôi trắng của nhà xỉm, nơi để tượng Phật.
Huy ngạc nhiên thấy đồng chí trung đội trưởng trèo lên nhà khách đang đông người, ngồi xệp hai chân một bên và kính cẩn chắp tay nghe kinh. Vừa xuýt phì cười thì bị Mộc đập lên vai, ra hiệu im. Lạ nhỉ, cái anh Tiến cứ như người Lào chính cống. Huy tò mò dòm ngược xuôi đợi Tiến.
Trong nhà khách trầm hương thơm ấm. Hai ngọn măng-xông sáng xanh treo giữa. Các ông sư mặc áo cà sa vàng tươi dài tay, ngồi trên bục cao theo ngôi thứ. Những chú bé lượt thượt áo vàng không tay ngồi mé dưới, hẳn là chú tiểu. Họ đang tụng kinh, hay đúng hơn là hát kinh, hát một bài đồng ca rất dài, rất trúc trắc, Huy nghe rõ có rất nhiều xanh-cốp và công-tờ-rờ- tâng, thế mà không lỏi một tiếng.
Một nhóm ba cô gái đi qua, bỗng dừng lại nhìn Huy chăm chắm rồi cười phá lên, nói gì với nhau líu ríu. Huy nhận ra các nường hôm trước Huy đến “xin sữa”. Chả là hôm ấy đi công tác lẻ với Mộc-cóc, Huy hết khoe môn đại số a cộng b lại chê Mộc ngờ nghệch, liền bị Mộc chơi một vố đau. Mộc dạy cho Huy câu tiếng Lào bố láo “Khỏ kỉn nạm num  là xin nước uống”. Huy đến nói nguyên văn khỏ kỉn nạm num1 với các cô này, bị một mẻ cười tối mặt, chuồn không kịp.
Giờ đây Huy lườm Mộc một cái tựa sét đánh, nhưng chắc hẳn đánh hụt vì Mộc vẫn phớt tỉnh, đối đáp với các cô kia từng câu nhát gừng như không muốn mở miệng. Tính Mộc xưa nay vẫn thế. Bông nhiên Huy thấy ức quá. Giá có phép thần thông nào đổi được tất cả cái vốn văn hóa a cộng b của Huy lấy một nửa cái trình độ tiếng Lào của Mộc, nhất định xin đổi ngay. Để phân vua cho các cô ấy biết thằng Mộc chơi khăm, biết Huy không phải tay kém cạnh gì, với lại cũng để... cô ả đứng giữa xinh tệ gớm, cười kìa... ừ, để làm quen nhau một tý. Biết đâu đấy...
Mộc chào, bỏ đi. Huy sợ lạc phải lẽo đẽo theo sau lưng Mộc, hậm hực bám riết cái thằng tưởng đần mà lắm khi lại ma lanh ngầm, tưởng dốt mà hóa ra tài hơn Huy rất nhiều mặt. sau buổi lễ cầu kinh, sân chùa ồn ã những tiếng vui đêm hội.
Đèn nhiều vô kể, ai đến cũng xách đèn theo, xếp thành hàng trên đỉnh tường đá thấp, sáng tưng bừng như một phiên chợ kháng chiến lớn bên Việt Nam. Dân các làng xa hàng buổi đường cũng đổ về chơi hội, người chen vai thích cánh. Thanh niên mặc phạ-xà- lửng ô vuông xanh đỏ sặc sỡ, đầu chải “mỡ dăng-tin”, chân dận giày da hoặc vải, chiếc khèn cắp nách. Đôi chàng vừa mãn tu ra chùa, đầu tóc mới lơ thơ bàn chải và lông mày còn nhẵn thín, vừa đi vừa thổi khèn hay búng đàn, cố hưởng vội thú trần tục sau mấy năm liền phải nhịn vui chơi.
Các cô gái diện sơ mi vai phồng kiểu mới khắp lượt, chiếc váy bó sát thân thêu lòe loẹt hàng tấc gấu. Miếng trầu ửng má thắm môi. Họ bá vai nhau cười khi khí chung quanh anh du kích Đeng đang say sưa rung đàn la-nát, hai chiếc vồ con nhảy tít trên những thanh gỗ trắc. Đeng ngồi đảo đầu như đồng ốp, hát bài ca ngợi bông hoa đại cao quý nhất trong muôn loài hoa, nhưng thỉnh thoảng lại liếc sang bên một đuôi mắt sắc lẻm,.áng chừng tìm một bông hoa nào quý hơn nữa.
Ơi hoa cham-pa
Nhìn hoa hé cười
Tưởng môi nàng chúm chím cười đón anh...
Len lỏi đi quanh sân chùa một vòng, Tiến nghe cái giọng nửa trống nửa mái quen thuộc của Đeng, định chen vào hỏi. Nhưng thấy đông phụ nữ, anh lại chùn bỏ đi. Anh tìm ra Vi-xiên trong đám bài các tê. Đánh không tiền nhưng Vi-xiên vẫn cay gỡ. Bị Tiến lôi ra khỏi chiếu bạc, Vi-xiên ngất ngưởng định sà vào chỗ các cô bán bún và kẹo bánh. Bị lôi ra lần thứ hai, Vi-xiên thở phì phì nặc mùi rượu:
- Ô hay cái ông thầy tu này! Để người ta hỏi nhau tí tẹo, hàng mấy tháng mới vào đám hội...
- Tôi mách cô Nuôn cho mà xem!
Nghe dọa tên Nuôn, cô gái Na-bua béo mẫm nhưng rất lành rất đáng yêu ấy, Vi-xiên cười ngượng ngập, khịt mũi, xốc lại cổ áo đi theo Tiến.
Góc bên kia sân, người túm tụm vòng trong vòng ngoài nghe mỏ-lăm1  hát.Thỉnh thoảng tiếng cười nổi lên rào rào rồi tắt ngấm, nghe càng rõ cái giọng ề à hóm hỉnh. Vi-xiên huých tay Tiến:
- Mỏ-lăm càn quét!
Tiến cũng vừa nhận ra chàng nghệ sĩ dân gian có cái biệt hiệu kỳ khôi, nổi tiếng khắp huyện Xây thả- von. Anh đứng trên bục cao, hai bàn tay kẹp hai ngọn nến múa tròn dẻo quẹo, hát bài độc tấu “Chống càn quét” rất dài rất nhộn:
Pháp thò đầu vào làng, lấm la lấm lét
Ta vòng sau lưng nó, súng kíp gặp mồi ngon
Pháp thụt đầu ra, láu táu lùng rừng
Hầm chông đớp chân nó què nó khóc
Khóc rằng Pháp cha Pháp mẹ ơi hời... u-hu!
Cánh thanh niên khoái chí, hú đều một loạt tán thưởng. Một tràng cười bùng sau lưng, Tiến giật mình quay lại. Bua Kham bá vai Nuôn đứng đấy từ lúc nào. Chắc họ cười Tiến. Vốn không ưa cái lối cười ngửa cổ ầm ỹ của phụ nữ Lào, anh khó chịu, chào qua một tiếng định lẩn. Vi-xiên đứng ngây như tượng, không giám hở môi sợ bay mùi rượu. Kham kéo Nuôn lại gần, nheo mũi tinh nghịch:
- Các anh lại uống rượu. À không, chỉ có anh Vi- xiên thôi nhỉ.
Nuôn đỏ mặt nhìn Tiến rất nhanh, rồi kín đáo vẫy Vi-xiên ra một góc sân hỏi tội. Kham nhoẻn cười hở cái răng nhọn bên khóe miệng trái, hỏi Tiến một câu ranh mãnh không ngờ:
- Anh cũng đi chơi hội cơ à! Bao nhiêu hội Na-bua anh không vào. Tưởng anh tu mãi ngoài rừng, tụng kinh chính trị chứ!
Tiến càng khó chịu, nói kháy:
- Tôi chỉ thích chơi hội vùng tự do. Chắc Kham thích hội Pạc-xê hơn.
Kham đáp rất vui:
- Không, hội vùng ta thích hơn nhiều. Không có bọn lính Pháp phá đám... Nghe tin cha ốm, em mang sữa và thuốc về thăm, không định đi chơi đâu nhé. Đi với Nuôn, Đeng. Anh gặp Đeng chưa? À anh múa lam-vông chắc thạo chứ?
- Biết múa, nhưng chả thích.
Kham cau mày, không bằng lòng với cái chả thích kỳ khôi ấy:
- Thế anh thích cái gì?
- Thích tu ngoài rừng, tụng kinh kháng chiến thôi.
Nói xong Tiến bước né sang bên lủi vào đám đông, còn nghe tiếng Kham cười khanh khách. Tính anh vốn rụt rè trước mặt phụ nữ, không hiểu sao lại dám trêu vào cô ả rất tinh quái này. Do không khí rộn rực say người của đêm hội chăng? Hay do những lời vun vào của Vi-xiên?
Mỏ-lăm tạm nghỉ hát để ăn uống. Đám thanh niên reo: “Lam-vông đi! Lại đằng này!”. Họ xếp vòng tròn dưới ngọn măng sông, nhường một bên cho phụ nữ. Các cô cấu chí nhau, rúc rích mãi mới chịu đứng vào vòng. Bộ đội và du kích đeo súng chéo sau lưng, đến nhập bọn. Vi-xiên bắt gặp Tiến định chuồn về nhà, hùng hổ kéo anh trở lại, ấn đứng ra mé trước.
Tiến đang băn khoăn vì nỗi Đeng đi chơi xa trong lúc anh không có mặt ở Na-bua. “Tổ trưởng du kích mà chỉ thích dắt gái đi hội hè. Nhỡ địch xuống thì lấy ai chỉ huy? Hỏng quá...”. Nhưng nể bạn, Tiến không bỏ đi ngay.
Một giọng ồ ồ bên nam bắt lên câu đầu của bài hát lam-vông ca ngợi tình yêu và người đẹp. Tiếng phụ nữ thanh thanh hòa theo. Bài hát ngân vút trong tiếng vỗ tay giữ nhịp:
Dáng người lưng ong xinh tươi
Xin mời ra múa, mong ai vui lòng
Sen nhỏ bơi trong hồ ngọc
Nhẹ nghiêng nhìn về phương nam
Nàng đẹp như đóa sen hé nở
Ngày ngày anh những ước mơ
Đêm nằm ôm gối bàng hoàng mê tỉnh...
Tiến cũng hát theo. Nhạc điệu tươi mát của bài dân ca Lào dần dần làm anh rạo rực vui. Anh đã học và thưởng thức được cái chất thơ trong lành của những bài hát Lào rất cổ, truyền miệng từ bao đời không ai nhớ.
Bên nữ bước ra ba người đi nối nhau, Bua Kham đi cuối cùng. Hôm nay Kham lại diện sơ-mi lụa hỏng, váy xa-tanh đen gấu thêu kim tuyến óng ánh, thêm đóa hoa nhài trên mái tóc chải mượt, bới chéo sang một bên. Chiếc khăn lụa hai thước quàng chéo che ngực, rủ lơi hai tà xanh phủ phất như bàn tay vẫy khẽ. Chân rún nhè nhẹ theo nhịp vỗ bên ngoài, hai cánh tay trần uốn mềm lên xuống như đôi cánh cò trắng khoan thai nương gió.
Giữa vòng người, hai luồng mắt của Kham và Tiến giao nhau trong một loáng. Kham hơi mỉm cười, từ từ bước lại gần. Tiến quay mặt đi, nghĩ nhanh: “Lủi ngay! Nó định bắt cóc...”. Nhưng anh vẫn đứng yên, tim đập mạnh khó chịu lạ.
Tiến giật mình đánh thót.
Kham đứng trước mặt anh, uyển chuyển cúi đầu mời. “Bỏ mẹ!” Tai bốc lửa, Tiến rủa thầm, luống cuống ẩy Vi-xiên lùi về phía sau. Vi-xiên du hai vai anh, đẩy đến trước mặt Kham: “Ơ kìa, người ta đợi!”.
Kham đứng yên, đôi mắt hạt nhãn lấp láy dưới ánh đèn, môi chúm chím nghịch ngợm, cả bông hoa nhài cũng nhìn Tiến như một con mắt mở to vương trên tóc. Thẹn quá quên cả lễ phép, Tiến dằng tay Vi-xiên chui tọt ra ngoài vòng giữa tiếng cười rộ. Vi-xiên đành phải ra tiếp Kham. Hai người bước bên nhau chầm chậm theo nhịp múa, đưa mắt nhìn nhau cố nín cười.
Tiến về nhà nằm phịch xuống võng, kéo chăn trùm kín đầu.
Ngượng chín cả người, bị đưa ra bêu cười giữa đám hội! Nhưng, nghĩ quanh quẩn, Tiến vẫn không thấy bực. Lại thu thú. Trai gái mời nhau múa ngay vòng đầu là lối tỏ cảm tình tế nhị. Trăm tội chỉ tại cái tính thẹn thò, bẽn lẽn, “kiêng gái” của Tiến thôi. Ở Lào thành thổ công, người ta mời múa lại co cẳng chạy như cọp đuổi, không biết xấu!
Đôi mắt Kham to, đen, điểm hai chấm sáng nhấp nhánh như đang nhìn Tiến trong chăn. Hương hoa nhài thoang thoảng. Làng Na-bua... nghĩa là Ruộng sen. Bua Kham - hoa sen bảng vàng, Sen Vàng. Tên đẹp, người cũng đẹp. Tính nết... ừm... hồn nhiên dễ thương. “Hoa sen nhỏ bơi trong hồ ngọc”. Câu hát tình ghê...
Tiến bỗng phì cười: bắt được quả tang tay kiêng gái nghĩ lan man nhé! Xấu đẹp cũng là của người, can gì đến mình. Dấm dớ mang tiếng dân vận lẻ thì chết. Dẹp, dẹp tất! Anh em bị kiểm thảo khối ra rồi đấy, còn tưởng bở...
Hội làng như đã tan thì phải, tiếng đàn hát trôi xa dần, hư ảo. Ai nâng võng Tiến đu đưa lên xuống, nhẹ như bông gạo vờn gió. Tiến chỗi dậy ngó quanh, ngơ ngác.
Một thế giới lạ-kỳ, không ánh sáng mà vẫn sáng, bởi âm thanh biến thành mầu sắc. Nhạc khèn thoi thóp, dồn dập, ríu rít, chảy thành những sóng lượn vàng rực lưng chừng trời. Đèn la-nát thả rơi những bong bóng pha lê, từng quả lớn hay chuỗi con, vỡ dưới chân bật tia loe lóe... Bóng người rõ dần. Tiến thấy toàn những người rất quen tuy không nhớ gặp ở đâu. Hai hàng trai gái hát đối đáp nhau. Hát đúm hay trống quân không ró. Cô gái đứng giữa đang hát ra tiếng mầu xanh biếc, một dải sáng phập phồng khẽ vẫy như bàn tay mềm. Cô nhìn Tiến, vẫn hát. Đôi mắt quen quá. Tiến đi vội, vấp tay vào đá ong. Lại vấp. Đôi mắt to dần, sáng dần, tỏa ánh chói lòa, dữ dội. Đèn pha ô-tô thốc vào mặt Tiến. Địch đến!
Anh ú ớ nhảy chồm dậy, quờ tay tìm súng.
- Gớm! Ngủ như chết, đập mãi không dậy. Hai giờ rồi, đi thôi.
Đồng chí trung đội phó tắt đèn bấm. Tiến hít một hơi dài, từ từ đứng lên. Phía sân chùa vẫn lao xao. Hội còn kéo dài đến sáng mới tiếp vào lễ chính đọc hết pho kinh Phạ-vệt.
Trung đội lặng lẽ cuốn võng, bí mật băng rừng ngược về hướng Tây-bắc. Lọt dưới cây những mảng trăng hạ tuần rách rưới bò trên lá khô, không đủ soi chân người đi. Tiến bước dò dẫm tránh những mấu đá sắc. Nhớ lại đêm qua, anh có một xúc cảm là lạ, nửa vui nửa buồn, hình như tiếc một hình ảnh tuyệt đẹp nhưng quá ngắn.
Chát! Một cành thấp đập vào trán Tiến. Mắt tóe sao.
Hành quân đến sáng, trung đội 8 vào đến chiến khu Núi Hoa. Trung đội It-xa-la lục tục đến sau. Đại đội 200 chủ lực của khu đã bí mật kéo về đây đợi sẵn, chuẩn bị đánh úp đồn Suối-đỏ.

 

Sương mù trắng đục như nước gạo còn vướng trên ngọn dừa chưa chịu tan. Đàn chim sẻ dậy sớm đuổi nhau choe chóe trên cành me đầu nhà. Kham gánh đôi gầu đi ra suối, tay gạt mấy sợi tóc xõa trên trán, người còn ấm hơi chăn.
Sau đêm hội Đôn-phao, Kham mới biết bộ đội anh Tiến rút đi xa. Về nhà Kham cứ thấy lo lo, không hiếu lo cái gì. Kham tự cắt nghĩa cho mình lo không ai giúp nhóm It-xa-la, lo Pháp càn không ai đánh. Nhưng lại thấy nó giả dối thế nào.
Rồi trưa hôm qua, phía đồn Suối-đỏ văng vẳng tiếng súng nổ lâu lắm. Dân làng rậm rịch chạy càn. Không ai tin bộ đội dám đánh đồn. Ta lèo tèo vài trung đội, đồn nó đóng những hơn trăm quân. Vả lại hôm trước bộ đội kéo về hướng khác kia mà. Đêm đến Kham thao thức vì lo. Sáng nay Kham lại bị cái lo kéo dậy sớm...
Trút xong gánh nước vào chum, Kham vớt mẻ gạo nếp ngâm tối qua, cho vào cái hông bằng tre đan, bắc nồi lên bếp. Đun lửa cháy to ngọn, Kham xuống dưới sàn ngồi dần nốt nửa thúng gạo chiều qua làm dở.
Dạo này Kham thấy mình khác được nhiều lắm. Từ ngày bị chú Xẩy nói mỉa mai như rứt từng miếng thịt, bị cha mắng lên mắng xuống, Kham không dám đua đòi theo con gái nhà giầu nữa. Phần vì xấu hổ, phần thương mẹ già vất vả, Kham trở nên người chăm việc. Ngoài vụ cấy gặt, suốt ngày Kham cứ luôn tay luôn chân: kéo chỉ, dệt vải, đồ xôi, giã gạo, lấy măng lấy nấm... không chịu ngồi rỗi. Mẹ thường mắng yêu Kham:
- Con gái mẹ làm nhiều xấu người, không đắt chồng đâu!
Mẹ nói thế thôi, chứ vẫn biết con mẹ đắt chồng nhất làng. Tuy nhà mẹ ít thóc ít trâu, nhưng đêm nào cũng hàng năm bẩy cậu trai làng đến lìn xảo (tán gái), khêu cà-boong chuyện vãn với Kham đến khuya. Mẹ đi ngủ sớm để các cô cậu được tự nhiên.
Thôi thì họ ướm nhau đủ lời bóng bẩy xa xôi, thổi khèn, hát những bài lăm tình tứ. Có chàng ví tiếng Kham cười như tiếng oanh vàng ru lòng người. Người khác thấy đôi cánh tay Kham lả lướt hơn cành phan trong đêm hội đèn hoa. Nhưng tất cả đều khen Kham đẹp như đóa sen bình dị soi bóng trong hồ ngọc, và thở than sao hoa kia chưa hé nụ cười xuân với đàn ong bướm lượn quanh... Vài hôm lại một lá thư tìm yêu ném qua cửa sổ buồng riêng. Kham đọc cho mẹ nghe, cười một hồi, ngẫm nghĩ một lúc, rồi xếp lẫn lộn anh này với anh kia thành một tập thư khá dày gồm hơn mười nét chữ khác nhau. Khó chọn quá.
Phò Phun mỗi lần bí mật tạt về thăm nhà lại mừng thầm cho con có nhiều tiến bộ, lại được lắm nơi dòm ngó. Kiếm được chàng rể tốt về giúp giập thì về già phò cũng được rảnh tay bế cháu. Nhưng phò vẫn bực về nỗi Kham không dám mó vào công tác kháng chiến lấy mảy may. Hết mắng con ông lại gắt vợ: “Con cái lớn tồng ngồng mà chả giác ngộ gì sất. Con hư tại mẹ...”.
Bà cụ bênh con chầm chập:
- Đấy ông thử hỏi khắp làng xem ai bảo con tôi hư? Ơn đức Phật tổ nó được người được nết. Chịu khó lam làm lại thông minh sáng dạ. Gái làng đã mấy đứa biết chữ được như nó.Tuổi chưa nên người, ông định bắt nó đi cán bộ để tôi thui thủi. Có mụn con trai đi bộ đội chết rồi, giờ đến con gái... Nhỡ nó có làm sao thì tôi... tôi...
Mè thút thít khóc, và phò chịu thua.
Hồi còn là tay thanh niên ngỗ ngược dám đánh nhau với lính đồn, phò vẫn phải lụy cô vợ rất mau nước mắt. Mỗi lần tức vợ quá, phò sầm sầm bỏ nhà đi lên Bô-lô-ven, bẫy voi rừng dạy thành voi khôn mất vài tháng, bán lấy bạc vạn, rồi mang về biếu vợ chiếc xuyến vàng hay đôi hoa tai để làm lành. Mãi đến nay vẫn phải lụy như thế. Bụt nhà không thiêng, làm ông cán bộ huyện mà không giác ngộ được vợ con, phò nghĩ cũng thấy ức.
Kham ngừng tay dần gạo, đuổi mấy con gà táo tợn thò đầu mổ tận trong nia, tự nhiên tủi thân muốn khóc.
Mẹ giữ chịt Kham ở nhà định chong chóng gả lấy chồng để có con rể đến đỡ tay và kiếm tí cháu bế. Cha định kéo Kham đi làm việc nước, không được lại mắng mỏ. Còn chú Xẩy giao công việc cho Kham: “Mày vận động thằng Mắt-mèo nó cho biết tin tức đi”. Khốn khổ, mỗi trận càn quét cứ thấy hút nó vào làng Kham đã thất thần, tọt vào buồng ngồi nửa chết nửa sống. Chú Xẩy cũng nói cho tàn tệ. Hình như các anh It-xa-la đều nghĩ rằng con gái ông cán bộ tự nhiên phải gan dạ từ thuở lọt lòng hay sao ấy.
Đến nay Kham đã quen với những lời nhiếc móc lắm rồi. Kham đinh ninh rằng mình hèn, mình là đứa không ra gì. Kham chỉ còn biết phân trần rằng Kham không mê Phủi, chỉ bị hắn quyến rũ một dạo nhưng vẫn không “gì” như chú Xẩy nói. Các anh chị không đồng ý, Kham cũng thôi...
- Em chăm việc quá nhỉ?
Kham giật mình ngửng lên, thấy Phủi đứng trước mặt đang tủm tỉm cười, Kham luống cuống dần gạo ra ngoài nia, không đáp. Phủi vẫn cười, răng vàng lóe sáng trên khuôn mặt hồng hào, đầy đặn. Môi dầy và đỏ. Đôi mắt hơi lồi, khá sắc. Giở chiếc mũ dạ đắt tiền, Phủi ngồi xổm xuống hỏi nhẹ nhàng:
- Sao em gửi trả anh chiếc nhẫn? Em không thích chơi nhẫn à?
- Không...
- Anh cũng đoán thế, nên tìm chọn thứ khác. Đây, em xem.
Liếc nhìn qua, Kham rùng mình. Trong chiếc hộp lót nhung, sợi dây chuyền vàng mặt nạm kim cương tỏa ánh lập lòe. Sợi dây chuyền Kham mơ ước từ tấm bé cũng không đẹp thế này. Phủi chỉ buôn một chuyến hàng ngoại là thừa sắm, còn Kham cấy mười mùa lúa cũng chưa đủ một nửa tiền.
- Em xem, anh có tiếc gì với em đâu. Tất cả cơ nghiệp nhà anh, cả tính mạng anh nữa, anh chỉ đổi lấy chút tình yêu... Sao em nỡ hắt húi anh, hở Kham?
Kham nhắm mắt không dám nhìn nữa. Đầu óc xoay xoay. Phủi giỏi trai, ăn nói khéo lạ lùng. Không ai yêu Kham thắm thiết như Phủi. Các anh chị chê bai châm chọc Kham, chỉ có Phủi biết an ủi và nuông chiều... Kham mở mắt nhìn cánh tay mình lấm cám đến cùi, nhìn bộ quần áo sang trọng của Phủi. Các anh chị It-xa-la chỉ nghi ngờ chứ chưa dám chắc Phủi là gián điệp. Không có chứng cớ gì cả. Hay họ ghét Phủi vì anh ấy giàu? Người làm ruộng ghét người đi buôn chăng? Bụng dạ Kham rối tinh.
- Anh... về đi.
- Kham đuổi anh sao? Không cho anh sống nữa ư?
- Không, tôi... thôi anh về đi.
Kham lẳng lặng bước lên nhà. Vào buồng. Mẹ đi vắng. Nhìn qua cửa sổ thấy Phủi chầm chậm bước từng bước, Kham lại muốn gọi anh, nói một tiếng ngọt ngào cho anh đỡ khổ. Căn nhà thoắt tối sầm trống lạnh quá chừng. Hai giọt nước mát lăn xuống má Kham nóng hổi. Kham chịu, không còn hiểu Phủi là người thế nào nữa. Phủi là ma quỷ, hay là tiên?
- Ơ kìa, gà ăn hết gạo!
Kham luống cuống vớ khăn lau mặt. Tiếng chú Xẩy cười khà khà:
- Bà cụ giàu quá nhỉ, cho gà ăn toàn gạo trắng.
Kham trèo xuống dưới sàn, bưng thúng gạo. Xẩy ngồi trên cổ voi nói với: “Để đấy tao giúp. Hưi!”. Con voi cưa ngà co lên một chân trước. Xẩy dẫm trên khuỷu chân voi, trèo xuống đất. Bê thúng gạo lên nhà, chú cười hề hề, rỉ tai Kham:
- Lấy đồn Suối-đỏ rồi. Bắt được thằng Cụt rồi!
- Ô...
- Đánh trưa hôm qua, mày biết không?
Kham trố mắt ngạc nhiên. Xẩy kể thêm: nào là tù binh đông như đám hội, những hơn trăm thằng, súng như rừng đạn như núi - Nào là bộ đội mặc giả lính địch, lọt vào đồn đánh úp, chỉ năm phút là Pháp đầu hàng. Cả Lào lẫn Việt đều đánh như hùm - nào là anh em Việt không sờ đến cả một điếu thuốc chiến lợi phẩm. Họ bảo phải giao tất cả cho ủy ban Lào, không được phạm chủ quyền người Lào. Bộ đội Việt dạo này nghiêm lắm, không phải như cái thằng Linh quỷ tha ma bắt năm nọ... Ơi chao chao, tài thật các ông bộ đội!
Kham xuýt xoa mừng rỡ. Xẩy dặn Kham truyền miệng cho nhóm It-xa-la để tuyên truyền trong dân làng, rồi hối hả xuống thang. Anh đưa voi đi tải chiến lợi phẩm. Kham sực nhớ ra, gọi giật:
- Chú Xẩy! Bộ đội ta có ai... gì không?
- Chỉ thiệt mạng ba người. Một Lào hai Việt.
- Dà ơi! Cầu cho các anh siêu sinh tĩnh độ...
- Trung đội Việt ở đây chết một. Anh Tiến trúng đạn...
Xẩy trèo lên khuỷu chân voi. Trống ngực Kham đổ đồn, đầu gối bủn rủn không đứng vững. Thôi đúng rồi, cái lo lắng lởn vởn mấy hôm nay... Xẩy ngồi chĩnh chện xong mới tiếp:
- Anh Tiến trúng đạn bị thương nhẹ. Bộ đội bây giờ nghỉ ở Ka-lan. Tao cho cái đồn Núi Quỷ sống dai cũng được tháng nữa chứ mấy. Tài thật các ông bộ đội!
Kham đỡ sợ, nhưng vẫn bần thần lo lắng. Anh Tiến bị thương. Chắc hắn anh nằm trên võng, máu me đầy người, rên xiết... Chao ôi!
- Cho cháu đi với. Cháu đến thăm anh Tiến. À thăm bộ đội.
- Thăm gì, mai kia anh ấy lại về đây.
- Anh bị thương...
- Rách tý da. Anh ấy vào đồn đầu tiên đấy. Vi-xiên vào thứ hai. Tài thật các ông bộ đội!
Kham chạy lên nhà lấy tấm khăn dài mới dệt và mấy quả trứng gửi biếu anh Tiến, kèm mấy sợi chỉ trắng để buộc tay chúc phúc cho anh. Con voi cưa ngà đứng đợi sốt ruột, hết dọa con chó vàng lại rống từng tiếg ngắn. Nó thò cái vòi ngoằng ngoẵng hít hít tay Kham đòi quà. Kham đập cái vòi, mắng “thằng bé con” tham ăn, nhưng vẫn mất cho nó quả đu đủ xanh. Xẩy hô “đơk!” thúc voi đi. Nhìn theo Kham đang hớn hở chạy tìm các anh chị It-xa-la, Xẩy bĩu môi, thầm chê con gái ông cụ Phun còn quá trẻ con.
Suốt ngày hôm ấy, Kham làm việc không ngơi tay nhưng đầu óc để đâu đâu. Hình ảnh Tiến máu me đầy người cứ luẩn quẩn. Cái anh chàng người Việt này kỳ quái lạ. Không sợ chết, không sợ khổ, không sợ quỷ thần, thế mà Kham đến mời múa lại cuống quýt chạy trốn! Con người cả thẹn trông đến là dễ thương... Sợi dây chuyền vàng mặt kim cương và nụ cười quyến rũ của Phủi sáng nay, Kham đã quên bẵng.
Nhưng chiều đến, chú Xẩy về làng đưa trả Kham tấm khăn xanh đỏ mới dệt. Chú nói một câu làm cho Kham đau đớn như nứa cắt ruột.
- Tao biết mà. Đời nào anh Tiến nhận của mày biếu. Anh ấy có tham như thằng Phủi đâu!

 

----------------------------------------------------------
(1) Xin uống sữa
(2) Người hát lăm chuyên nghiệp. Lăm là điệu hát kể hoặc đối đáp.