Dịch giả: Hoàng Cường
Mười Lăm

     ù Palani tin tất cả những gì Karuthamma đã kể với anh, câu chuyện ấy vẫn là một vết đen bám riết cuộc sống của hai người. Palani trở nên rầu rĩ, chán chường. Anh có thể ngả theo ý kiến của Pappu được không? Karuthamma là người trong trắng, anh tin như vậy. Nhưng nếu Pappu nói thẳng vào mặt anh rằng vợ anh là kẻ gieo rắc tai họa cho xóm làng thì anh có thể bác lại như thế nào? Anh đã đem Karuthamma đang quỳ phục dưới chân cha cô về thẳng đây. Đạo lý của người trai dân chài không cho phép anh từ bỏ cô. Nếu anh ruồng rẫy cô, cô còn biết đi đâu?
Karuthamma, cô gái tội lỗi ấy, ngày nào cũng thề nguyện tình yêu của mình với chồng bằng nước mắt. Anh có thể quên đi quá khứ. Không nghi ngờ gì nữa, cô sẽ suốt đời chung thủy với anh. Và anh tin chắc điều ấy.
Nhưng anh không thể âu yếm Karuthamma say đắm được nữa. Anh cũng không thể ôm ghì vợ sôi nổi nồng nàn. Trong khi đó, tình cảm của Karuthamma đối với anh trở nên mãnh liệt hơn vì những dòng nước mắt. Có chuyện gì cô cũng than thở với anh. Cô bíu chật lấy anh, sợ mất anh, không biết cách nào lấy lại niềm tin của anh. Nhưng cô cảm thấy bàn tay cô bíu lấy anh như sắp tuột mất. Cô chỉ còn có thể hỏi là anh có yêu thương cô nữa không thôi. Có lẽ cả cái quyền hỏi câu đó cô cũng đã bị tước mất rồi.
Từ trước đến nay Palani chưa hề cãi cọ với ai, bây giờ anh đã bắt đầu dính vào những chuyện rắc rối. Một hôm Pappu chế nhạo anh về một vài lời đồn đại. Palani đã nghe những chuyện ấy từ miệng Karuthamma nói ra, nhưng anh không chịu được khi nghe người khác nói. Thế là hai người cãi nhau và Palani nện cho Pappu một trận.
Sự xích mích không chấm dứt ở đó. Pappu thuộc một gia đình có tiếng tăm trong làng. Anh ta có nhiều bà con, bạn bè. Ai nấy đều cho rằng Palani đã liều lĩnh quá trớn, dám hành hung một người đánh cá có vai vế.
Mấy hôm nay, ngoài biển cá ít và Palani cũng không hào hứng đi biển. Hơn nữa, Karuthamma không có can đảm hằng ngày hỏi anh được chia phần bao nhiêu.
Palani muốn vợ mình ăn mặc xinh đẹp và đưa vợ đến dự ngày hội Ayliam ở Mannácxala. Anh muốn một ngôi nhà có gian riêng làm bếp, có gian riêng làm nơi ăn chốn ngủ. Anh đã thu vén mua được vài thứ đồ dùng, song vẫn cần nhiều thứ nữa. Thuyền và lưới có thể gác lại sau cũng được. Đó là viễn cảnh lâu dài. Bây giờ, những nhu cầu hàng ngày vẫn chưa đủ. Ngay cả cơm ăn cũng đã trở thành một chuyện thật gay go. Karuthamma lại cần có một chiếc váy khác và một miếng vải quấn người nữa. Bản thân Palani cũng chỉ mới có mỗi một bộ quần áo làm việc.
Một hôm, Karuthamma hỏi chồng:
- Từ ngày mai trở đi, em đi về miền đông bán cá được không anh?
Thấy Palani không trả lời ngay, cô trình bày với anh điều hơn lẽ thiệt, nhưng cô sẽ chỉ đi bán cá nếu anh cho phép.
- Được, đi đi. - Palani nói.
Hôm sau, khi thuyền về đến bờ, Karuthamma đã sẵn sàng lên đường về mạn trong bán cá. Một nhà buôn bán cá bán lại mẻ cá với giá bán buôn. Karuthamma cùng với bốn năm người vợ dân chài khác mua chung chỗ cá ấy chia nhau.
Karuthamma không quen với việc buôn bán. Những người đàn bà khác đi nhanh hơn cô, bỏ cô tụt lại sau. Karuthamma cũng không biết đến bán cá ở đâu. Người khác đem cá đến bán xong thì cô mới tới nơi. Cô đi rao hết nhà này sang nhà khác. Có nhà đã mua rồi, có nhà lại không thích loại cá cô bán, ở chỗ khác họ lại không ưng về giá cả. Cô đi bao dặm đường vẫn không bán được gì. Cuối cùng, cô đành bán lỗ vốn và trở về, người mệt lử. Nhưng cô cũng đã chào mời được một số nhà nhận lời lấy cá thường xuyên của cô.
Palani ngồi ở nhà đang hút điếu bidi thì Karuthamma về, người mệt nhoài, gần như lê chân không nổi. Mặt cô hốc hác, khô nẻ. Cô hy vọng anh sẽ nói đôi ba câu thương cảm vì cô đã bắt tay vào một công việc làm ăn mới. Ít ra việc này tất cả là vì anh. Nhưng Palani không hỏi han gì. Anh cứ ngồi yên như thể cô chẳng hề đi đâu. Cô có quyền trách chồng hay ít nhất là cảm thấy tủi cực cho thân phận mình không? Không. Cô không có quyền gì hết.
Nhưng là một người, dù không có quyền gì, Karuthamma vẫn có bổn phận phải làm. Cô hỏi:
- Anh đã ăn cơm chưa?
- Rồi. - Palani đáp.
Hôm sau mẻ cá đánh được là cá hồi. Karuthamma dốc hết tiền ra mua. Cũng như hôm trước, cô bị tụt lại đằng sau những người đàn bà khác. Nhưng những gia đình mà Karuthamma đã hẹn trước vẫn đợi cô. Hôm ấy, những người đàn bà khác bán cá hồi với giá một anna hai con. Karuthamma bán hai anna năm con. Tuy được lãi ít hơn nhưng cô lại có thêm khách quen. Họ cho rằng người phụ nữ dân chài mới này là một người tốt bụng.
Bốn hôm sau, có chuyện xô xát lớn trong làng. Tất cả cánh đàn bà đi bán cá mạn trong đều hùa với nhau đánh đập Karuthamma, vì họ mất một số khách hàng. Karuthamma không dám đánh lại dù cho họ chỉ có một người, chứ chưa nói là năm, sáu người xúm lại. Cô chỉ đứng khóc.
- Ở cái làng chài khốn nạn nhà nó, nó vẫn tình tự với một thằng con trai Hồi giáo. - Một người trong bọn tức giận nói - Bây giờ nó đến làng ta để làm hại chúng ta.
Một người khác tiếp luôn:
- Nó bán giỏi. Ở nhà nào cũng thấy bọn đàn ông len lách ra để mua cá của nó. Nó chỉ được cái giỏi mồi chài.
Trời đất tối sầm trước mắt Karuthamma. Cô chạy về nhà, khóc tức tưởi. Không có ai trên thế gian rộng lớn này nói lấy một lời bênh vực cô. Sự thật về cô không ai biết, vậy mà cô tưởng chừng không có đến cả cái quyền sống và làm việc như những người vợ dân chài khác.
Khi Palani ở biển về, anh không hỏi tại sao Karuthamma không đi về miền đông bán cá nữa. Anh chỉ nhìn cô dò xét. Gương mặt đầm đìa nước mắt không phải là một điều mới đối với anh. Thời gian gần đây, ít khi anh được thấy gương mặt ấy khô nước mắt. Những hôm như vậy, vẻ mặt Karuthamma tiều tụy xiết bao. Khi anh hỏi vì sao, Karuthamma chỉ đáp cô không làm sao hết. Cô biết nói sao đây với chồng? Có thể kể hết cho anh nghe hay không?
Karuthamma không đi bán cá nữa. Cô bắt đầu một công việc khác. Cô mua cá trên bãi đem về nhà ướp muối, phơi khô và cất đi. Cô sẽ bán được giá cao khi hiếm cá hoặc có thể bán lại cho các nhà sấy cá.
Karuthamma bắt đầu vun vén cho cuộc sống nhỏ nhoi của cô như thế đó, một cuộc sống thầm lặng không ai biết ai hay. Cô buộc lòng phải sống lẻ loi, cô độc. Ở đây, cô không có bạn bè. Có nhiều hôm, suốt ngày cô không hề nói chuyện với một ai.
Palani cũng vậy. Hàng ngày anh đi làm, nhưng vẻ hào hứng vui tươi không còn nữa. Anh đã từng có nhiều bạn bè, nhưng có lẽ nay anh đã lánh xa hết.
Cuộc sống của Karuthamma và Palani đã trở nên đơn điệu, ngày nào cũng như ngày nào. Niềm đắm say của buổi ban đầu đã tắt lặng. Mọi dự định cho cuộc sống bỗng tan ra mây khói. Nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc sống vợ chồng như biết bao cặp vợ chồng khác chẳng còn mấy tình thương đầm ấm trong cuộc đời chung chăn chung gối nữa.
Palani bây giờ cũng lại trở thành một đầu đề bàn tán trong làng như Karuthamma. Anh đi đến đâu là người ta xì xào đến đấy sau lưng anh. Dù họ không xì xào, anh vẫn nghĩ là họ nhỏ to gì với nhau về mình.
Từ ngày anh đưa thuyền ra giữa biển khơi như một người mất trí, các bạn chài đã không để cho anh cầm lái nữa. Ai nấy đều lo sợ. Không chỉ các bạn chài của anh mà cả những người đánh cá khác cũng vậy. Họ cho rằng anh đã bị ma ám. Hay họ cho rằng Karuthamma sẽ đem tai họa đến làng này. Có lẽ những người vợ đã nhắc nhở chồng mình đừng đi biển với Palani nữa.
Kunjan Valakkaran, người chủ thuyền của Palani, đã gặp phải vận rủi. Ông chẳng còn gì ngoài chiếc thuyền và chiếc lưới. Ông đã phải cầm cố ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ của ông. Nếu mất nốt cả thuyền lẫn lưới thì ông sẽ chết đói. Địa vị của ông lại không cho phép ông đi làm cho một chủ thuyền khác. Hơn nữa, bây giờ ông đã già.
Những chuyện xì xào về Karuthamma cũng đến tai Kunjan. Bất hạnh làm sao! Chồng của một người đàn bà hư hòng đang làm trên thuyền ông. Ngày nào, ông cũng thấp thỏm, thuyền về đến bờ ông mới yên lòng. Vì có Palani trên thuyền nên thuyền ông dễ có nguy cơ bị giông bão đánh cho nát vụn ngoài biển. Nó cũng có thể sa vào một luồng nước xoáy và bị lôi tuột xuống đáy sâu. Tai họa gì cũng có thể xảy ra với con thuyền có Palani ở trên.
Kunjan cho gọi tất cả những người làm việc trên thuyền của ông lại, trừ Palani, và bàn kín với nhau. Ai nấy đều cùng lo sợ một điều. Ngày nào, các bà vợ của họ cũng bày tỏ chính những điều lo sợ đó. Ngày nào họ cũng cầu nguyện Nữ Thần Biển. Khi Kunjan gọi họ lại, họ cảm thấy phần nào nhẹ nhõm hơn.
- Ông thì lo cho thuyền của, - Kumaru nói - chúng tôi thì lo cho tính mạng của chúng tôi. Nếu tính mạng chúng tôi có bị làm sao thì mười hai gia đình sẽ côi cút và cơ cực.
- Đúng, đúng, ông nói đúng. Nữ Thần Biển là quan tòa nghiêm khác. - Kunjan đồng tình.
Về điếm này, không một ai mảy may nghi ngờ. Thời buối dù có khác đi, nhưng luật lệ của biển vẫn bất di bất dịch. Và những đức tin chi phối cuộc đời những người đánh cá biển cũng chưa hề thay đổi.
- Nếu thằng con trai Hồi giáo ấy đến đây khi chúng ta đang ở ngoài khơi thì số phận chúng ta sẽ ra sao? - Kumaru đặt câu hỏi.
Kunjan rùng mình:
- Đúng, đúng. Số phận chúng ta sẽ ra sao?
- Người ta bảo rằng, rồi nó sẽ đến, ngay bây giờ nó vẫn đến.
Đám phụ nữ trong làng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng. Từ lúc thuyền xuống nước là chỉ có những giọt nước mắt và những lời than vãn. Họ chỉ yên lòng khi thuyền về đến bờ.
- Nữ Thần Biển che chở cho chúng ta khi thấy vợ con chúng ta cầu nguyện cho chúng ta - Anđi nói - Giá như ở thời xưa thì bây giờ chúng ta không ai còn sống nữa. Chúng ta đều đã nằm dưới đáy biển cả rồi.
Veluthakunju bảo Pappu đã kể với ông là anh ta thấy Parikutti trên bãi biển cách đây bốn năm ngày, ngay sau lúc nửa đêm. Nó vừa đi vừa hát. Và hôm nào nó cũng đến vào giờ ấy.
Dẫu vậy, họ đều rất đau buồn cho Palani. Một người con trai tử tế. Thật đáng ái ngại cho anh. Nhưng họ biết làm sao bây giờ?
Kunjan tuyệt vọng hỏi:
- Vậy chúng ta biết tính sao đây?
Kumaru cho rằng chỉ có mỗi một cách. Không cho Palani đi theo thuyền và để anh ta ở lại bờ. Đó là cách duy nhất. Kumaru kể lại đến hàng trăm lần chuyện Palani lái thuyền ra giữa biển như người bị ma ám.
- Cậu ta rất có thể lại bị một cơn nữa như vậy, - Kumaru nói tiếp - khi ở trên thuyền không lúc nào tôi dám rời mắt khỏi cậu ta. Ai biết được lúc nào thì vẻ mặt cậu ta sẽ thay đổi.
Tất cả nhất trí coi ý kiến của Kumam là đúng, nhưng đây là một việc làm họ rất đau lòng. Palani đã làm cho Kunjan từ nhỏ. Anh đã đi biển quăng lưới. Anh đã gánh lấy mọi hiểm nghèo giữa biển cả thay cho những người khác, vì anh không còn ai thân thích. Anh đã trở thành người cầm lái. Khi có anh cầm lái thì các bạn chài của anh ít nhất cũng kiếm được hơn những người ở thuyền khác hai rupi.
Kunjan nói:
- Kumaru này, từ khi Palani không giữ tay lái nữa, phần chia của các cậu kém đi, có phải không?
Kumaru nhận là đúng. Nhưng có cách nào khác để thoát khỏi những mối hiểm nguy lớn lao đang rình rập họ?
Họ sẽ làm thế nào bây giờ? Ai sẽ đi nói với Palani? Kunjan không nói được, ông không đành lòng, ông bảo Kumaru:
- Các cậu cử lấy một người đến nói với Palani.
Không ai chịu đi. Vậy làm thế nào đây?
Kumaru chỉ ra một lối thoát:
- Ta cho thuyền rời khỏi bờ trước khi cậu ta ra đến bãi. Có phải xưa nay ta vẫn thay người bằng cách đó không?
Kunjan biết thủ đoạn đó, nhưng ông không khỏi nghĩ là sau này gặp lại Palani biết ăn nói làm sao?
Các tay chèo quyết định đó là lối thoát duy nhất. Kunjan sẽ thu xếp tìm một tay chèo khác.
Sáng hôm sau, Palani dậy sớm như mọi ngày, nhưng ra đến bãi thì thuyền anh đã rời bờ mất rồi. Palani cố hết sức gọi. Tiếng anh như gào thét. Đến khi anh hiểu mình đã bị bỏ rơi thì tất cả sức mạnh yên ngủ bỗng trỗi dậy trong người con thật sự của biển này. Có lẽ anh sinh ra và lớn lên là để chiến đấu với thiên nhiên và biển dữ. Từ bao nhiêu năm nay, anh đã đấu tranh với những cơn thịnh nộ của trời biển. Bây giờ anh bị xua đẩy ra khỏi thiên hướng thực sự của đời mình. Trong bước đường cùng này, lòng dũng cảm và sức mạnh của anh được thức tỉnh hoàn toàn. Ngọn gió tây thổi từ biển đưa tiếng gào thét của anh vang vọng tới tận làng chài. Nhưng con thuyền anh yêu mến vẫn cứ đang lao về phía tây, như muốn nói rằng anh không còn thích hợp với công việc trên biển nữa.
Palani không kiềm chế nổi những sức mạnh đã được lay tỉnh trong người anh. Anh nhảy ào xuống biển. Phải đuổi theo con thuyền và một lần nữa xác định lại quyền sống của mình. Như một con hải cấu, như một sinh vật kỳ vĩ của biển cả, anh lao mình về phía trước. Nhưng một con sóng khổng lồ đã ập lên đầu anh. Chỉ một lát sau nó đã rút hết sức lực của anh và hất anh lên bờ, nằm sóng soài trên bãi cát.
Palani bị bại. Anh nhỏm dậy chạy đến nhà Kunjan.
- Tôi không còn hợp với công việc ngoài biển nữa sao? - Anh vặn hỏi.
Kunjan không biết trả lời thế nào.
- Anh biết đấy, đó là...
- Đó là chuyện bịa đặt. Bịa đặt trắng trợn. Cô ấy không phải một người đàn bà hư hỏng. Tôi biết rõ.
- Nhưng người ta nói thế.
- Người ta, hừm! - Palani khinh bỉ nhắc lại rồi bỏ đi.