PHẦN THỨ HAI
TẢNG ĐÁ DIỆU KỲ
CHƯƠNG 16
TẢNG ĐÁ ĐẬY NẮP MỘ CÁC ÔNG VUA XỨ BÔHÊM

     á tước Luy ngừng lại thưởng thức hiệu quả những câu mở đầu của ông. Đại úy Benvan hiểu rõ ông bạn mình, ông cười hể hả. Xtêpan vẫn còn băn khoăn lo lắng. Vạn Sự Tốt Lành không tỏ ý gì phản đối.
Bá tước nói tiếp:
- Ngay từ đầu, tôi xin thú nhận với quý vị rằng nếu tôi chú ý quá nhiều đến sự chính xác của những con số về ngày tháng chính là để lòe các vị. Thực ra chỉ khoảng một vài thế kỷ gần đây, tôi không thể nói thật chính xác ngày tháng, đã diễn ra một cảnh tượng mà tôi sắp có vinh dự thuật lại với quý vị. Nhưng cái mà tôi có thể bảo đảm chính là sự việc đã xảy ra ở một nước châu Âu có tên hiện nay là xứ Bôhêm, ngay tại khu vực ngày nay mọc lên cái thành phố công nghệ nhỏ bé Gioachimthan. Đấy là những điều chính xác. Tôi hy vọng như vậy. Vậy thì cái buổi sáng hôm ấy quang cảnh náo động bao trùm lên một trong số những bộ lạc người Xentơ,
thành lập từ một hay hai thế kỷ gì đó tại một vùng nằm giữa bờ sông Đanuýp và thượng nguồn sông Enbơ trong những cánh rừng Hécxin. Những người chiến binh có vợ giúp đỡ đã gấp xong các tấm lều, tập trung các lưỡi rìu thiêng, những cung tên, nhặt nhạnh các đồ gốm, các dụng cụ nấu nước bằng đồng đem chất lên những con ngựa và những con bò của họ.
Các thủ lĩnh theo dõi chăm chú từng công việc nhỏ. Không có náo động, không mất trật tự. Mọi người lên đường từ sáng sớm và đi suốt ngày hôm đó, đến ngã ba sông Enbơ và chi nhánh của nó là sông Êgơ. Tại đấy đã có sẵn những chiếc thuyền do một trăm chiến binh thiện chiến được cử đến từ trước canh giữ. Trong số những chiếc thuyền có một chiếc làm ta chú ý bởi cái khối đồ sộ của nó và nó được trang trí phong phú hơn những chiếc khác. Một cánh buồm dài màu đất son phủ kín từ bên này sang bên kia mạn thuyền. Người thủ lĩnh của mọi thủ lĩnh, ông vua, nếu các vị thích gọi như thế, đang đứng diễn thuyết trên chiếc ghế dài kê ở đuôi thuyền. Xin các vị miễn thứ cho. Vì không muốn rút ngắn bài diễn văn của tôi nên tôi phải đưa nội dung tóm tắt bài diễn văn như sau: Bộ lạc di cư để tránh sự thèm muốn của các bộ lạc bên cạnh. Phải rời bỏ nơi mình sinh sống bao giờ cũng là điều đáng buồn. Nhưng những người trong bộ lạc có sá gì một khi họ ra đi mang theo của cải
quý giá nhất của họ, di sản thiêng liêng của tổ tiên họ, cái thiên tính che chở họ và làm họ trở thành những người đáng sợ, vĩ đại, trong số những người vĩ đại hơn. Tóm lại đó là Tảng Đá đậy nắp mộ các ông vua của họ.
Và vị thủ lĩnh, bằng một cử chỉ long trọng, kéo cánh buồm màu đất son để lộ ra một tảng đá hoa cương hình viên đá lát dài khoảng hai mét rộng một mét thuộc dạng đá nổi hạt màu sẫm với một vài chỗ có vẩy tỏa sáng trong tảng đá.
Trong đám đông chỉ có một tiếng kêu cất lên, còn tất cả mọi người đàn ông, đàn bà đều nằm rạp trên mặt đất hai cánh tay giang rộng, mũi áp vào đất cát.
Lúc bây giờ vị thủ lĩnh của các vị thủ lĩnh mới cầm cây vương trượng bằng kim loại vẫn để trên phiến đá, đầu gậy gắn ngọc quý chạm trổ, vung lên tuyên bố:
Chiếc gậy toàn năng sẽ không bao giờ rời khỏi ta chừng nào Tảng Đá Diệu Kỳ chưa được bảo vệ chắc chắn. Chiếc gậy toàn năng sinh ra từ Tảng Đá Diệu Kỳ. Nó chứa đựng lửa trời, nó cho sự sống và cái chết. Nếu Tảng Đá Diệu Kỳ đậy lên nắp mộ các cha ta thì chiếc gậy toàn năng không rời khỏi tay người trong những ngày rủi ro tủi nhục hay vinh quang chiến thắng. Lửa trời sẽ dẫn dắt chúng ta! Thần mặt trời sẽ soi sáng cho chúng tai! Vị thủ lĩnh nói và cả bộ lạc nhổ trại: rẽ
sóng ra khơi và cuộc phiêu lưu lại bắt đầu.
Bộ lạc đã tới đích. Người ta đổ bộ lên hòn đảo. Người ta tiêu diệt hoàn toàn và đơn giản những thổ dân trên đảo. Bộ lạc độc chiếm hòn đảo đó và tảng đá đậy nắp mộ vua xứ Bôhêm được đặt vào chỗ... chính cái chỗ hiện nay tôi đã chỉ cho anh bạn Voócki của chúng ta! Xin đóng mở ngoặc đơn, đây là một vài sự xem xét kỹ lưỡng lịch sử có tầm cỡ quan trọng bậc nhất. Nói như thế sẽ ngắn gọn hơn.
Bằng giọng cười của vị giáo sư, bá tước Luy giải thích:
- Hòn đảo Xarếch cũng như toàn bộ nước Pháp và một phần phía tây Châu Âu đã có dân cư sống hàng ngàn năm thuộc giống người gọi là Ligaya, con cháu trực tiếp của người cổ đại sống trong các hang động, còn giữ lại một phần những phong tục và thói quen của tổ tiên họ. Là những người xây dựng công trình rất khỏe, trong khi tổ tiên của những người Liguya ở thời đại đá mài có thể đã tiếp thu ảnh hưởng của nền văn minh phương Đông, đã dựng lên những phiến đá hoa cương nặng kinh khủng để xây những hầm mộ khổng lồ của họ. Cái bộ lạc, mà chúng ta vừa nói đến là như vậy. Nó kết hợp rất tốt một hệ thống hang động thiên nhiên được sắp đặt bởi bàn tay kiên nhẫn của con người, và một nhóm những công trình đồ sộ làm ta không thể không chú ý đến đầu óc tưởng tượng
thần bí và mê tín của người Xentơ.
Như vậy sau pha thứ nhất tức là chuyến viễn du, Tảng Đá Diệu Kỳ bước vào thời kỳ nghỉ ngơi, thờ cúng mà chúng ta sẽ gọi là thời kỳ các đạo sĩ. Thời kỳ này kéo dài độ một nghìn hay một nghìn năm trăm năm gì đó. Bộ lạc dựa vào những bộ lạc bên cạnh và hẳn nhiên là sống dưới sự giám hộ của một vài ông vua xứ Bơrơtannhơ. Nhưng dần dà ảnh hưởng chuyển sang những thầy cả và những thầy cả đó tức là những đạo sĩ nắm quyền hành ngày càng đậm nét đối với những thế hệ tiếp theo.
Tôi khẳng định rằng những quyền hành đó do Tảng Đá Diệu Kỳ đem lại cho họ. Chắc chắn các đạo sĩ là người đưa ra những lý thuyết tôn giáo phổ cập rộng rãi (Trong chúng ta không có ai nghi ngờ rằng những xà lim dưới cánh đồng hoang màu đen chỉ là những xà lim của một tu viện hay đúng hơn là một loại trường cao đẳng đào tạo các đạo sĩ). Các nhà giáo dục cho lớp tuổi trẻ Gôloa chắc chắn đã vâng theo thực tiễn thời đại. Họ chủ tọa các cuộc lễ hiến sinh, hướng dẫn những lễ hái cành tầm gửi, hái cỏ roi ngựa và mọi thứ cỏ ma thuật. Nhưng trước hết trong đảo Xarếch, họ là những người canh giữ và những chủ nhân của Tảng Đá cho sự sống và cái chết. Tảng đá đặt trên trần phòng lễ hiến sinh ngầm dưới mặt đất, không còn nghi ngờ gì nữa, trong chúng ta ai cũng đã nhìn thấy và tôi hoàn toàn tin rằng thời đó Bàn Đá Các Tiên mà chúng ta trông thấy kia được dựng lên ở chỗ người ta gọi là Canve Nở Hoa cũng chính là nơi đặt Tảng Đá Diệu Kỳ. Đấy là những nơi người ốm, những người tàn tật, những đứa trẻ chậm lớn nằm lên và được phục hồi sức khỏe. Chính trên tảng đá thần thánh ấy, những người vợ vô sinh đã trở thành hữu sinh, những cụ già được trẻ lại.
Với tôi, nó bao trùm toàn bộ dĩ vãng đầy truyền thuyết và huyền thoại của xứ Bơrơtanhơ. Nó là trung tâm chiếu tỏa mọi điều mê tín và tín ngưỡng, mọi nỗi lo lắng và hy vọng. Bằng Tảng Đá Diệu Kỳ hay bằng uy lực của chiếc gậy thần kỳ ông thầy cả vung lên và tùy theo ý chí của ông ta mà đốt cháy thịt da hoặc làm lành các vết thương. Những chuyện hão huyền tự phát mọc lên như chuyện kỵ sĩ bàn tròn, chuyện Méclanh người phù phép... Tảng Đá Diệu Kỳ là đáy của tất cả mây mù, là trung tâm của mọi tín điều. Nó là điều huyền bí và ánh sáng, là điều khó hiểu và lời giải thích.
Bá tước Luy tuyên bố những lời cuối cùng với đôi chút tán dương.
Ông cười:
- Đừng tự trói mình, Voócki. Ta dành nhiệt tình của ta để thuật lại câu chuyện về những tội ác của mi. Hiện giờ chúng ta đang ở thời điểm xa nhất đối với thời đại các đạo sĩ, thời đại tiếp diễn mãi phía bên kia các đạo sĩ trong những thế kỷ dài sau khi họ biến mất, Tảng Đá Diệu Kỳ lại bị các thầy phù thủy, thầy bói khai thác. Chúng ta dần dà đi đến thời đại thứ ba, thời đại tôn giáo, nghĩa là có thể là thời kỳ suy tàn trong bước đường tiến hóa của tất cả những gì làm nên sự thịnh vượng của đảo Xarêch, các cuộc hành hương, các lễ kỷ niệm...
Quả thực nhà thờ không thể bằng lòng với thứ sùng bái thô thiển ấy - Nó cần đến một thứ sùng bái tinh tế hơn - Ngay từ lúc nắm quyền nó đã phải chiến đấu chống những tảng đá hoa cương đã thu hút biết bao nhiêu tín đồ và lưu truyền một thứ tôn giáo đáng ghét. Cuộc chiến đấu không cân sức. Dĩ vãng bị tiêu diệt. Bàn đá được mang đến chỗ chúng ta đang đứng đây, tảng đá của các ông vua xứ Bôhêm bị vùi sâu dưới các lớp đất và một cây thánh giá được dựng ngay tại cái nơi những điều thần diệu đã từng hoành hành.
“Và trên hết tất cả là sự lãng quên to lớn bao trùm!
“Chúng ta đồng lòng quên những nghi lễ tôn giáo, quên những nghi thức và những gì làm nên lịch sử một tôn giáo đã suy vong. Nhưng ta không quên Tảng Đá Diệu Kỳ. Hiện giờ nó ở đâu, người ta không còn biết nữa. Người ta cũng không biết hình dáng nó như thế nào. Nhưng người ta không ngừng nói đến và tưởng tượng một vài vật gì đó đang tồn tại là Tảng Đá Diệu Kỳ. Từ thế hệ này đến thế hệ khác miệng truyền miệng, người ta hồi tưởng lại những câu chuyện hoang đường và khủng khiếp, ngày càng xa cách với sự thật, hợp lại thành truyền thuyết ngày một trừu tượng mơ hồ, ngày một ghê gớm, nhưng dù sao nó cũng lưu lại trong trí tưởng tượng của người ta cái ý niệm mơ hồ về Tảng Đá Diệu Kỳ, và nhất là cái tên của nó.
“Cũng là hợp lý khi cho cái điều dai dẳng đó một ý nghĩa trong các hồi ký cho cái tàn tích của một sự kiện mơ hồ đó vào trong biên niên sử của một đất nước, để đôi lúc một vài kẻ ham hiểu biết muốn thử lập lại chân lý kỳ diệu. Có hai người trong số những kẻ ham hiểu biết đó là thầy dòng Tôma, thuộc dòng thánh Bơnoa vào giữa thế kỷ mười tám và ngài Magơnốc thuộc thời đại chúng ta. Cả hai người này đều đóng một vai trò quan trọng. Thầy dòng Tôma vốn là một nhà thơ và là thợ trang trí sách. Chúng ta cũng chỉ có rất ít những chỉ dẫn về ông. Đó là một nhà thơ rất tồi nếu xét về các bài thơ của ông, nhưng là một người thợ trang trí sách hồn nhiên và không phải không tài hoa, đã để lại một loại sách kinh lễ, trong đó ông ta ca ngợi chuyến đi nghỉ của ông ta ở tu viện cao cấp Xarếch, và đã vẽ ba mươi chiếc bàn đá cổ trên đảo kèm theo những câu thơ, những giáo điều, những lời tiên đoán theo lối của nhà thơ Nôtđam. Chính tập sách kinh lễ ấy đã được ngài Magơnôc tìm ra. Tập sách chứa đựng cái trang nổi tiếng có bức tranh người đàn bà trên cây thập giá và những câu tiên đoán có liên quan đến đảo Xarếch. Chính
tôi đã nhìn thấy quyển kinh lễ đó ở trong buồng ngủ của Magơnốc và ngay cái đêm hôm ấy tôi đã tham khảo nó.
Nhân vật Magơnôc này mới thật kỳ lạ, cháu chắt nhiều đời của các thầy phù thủy ngày xưa, và tôi rất ngờ mình đã chơi với những hồn ma. Các bạn cứ tin nhà đạo sĩ mặc áo dài trắng mà người ta khẳng định đã nhìn thấy ông ta vào ngày thứ sáu của tuần trăng hái cành tầm gửi thiêng liêng không phải ai khác chính là Magơnốc. Cũng chính ông ta là người biết các công thức pha chế thuốc, những cây cỏ chữa khỏi bệnh, cách thức làm đất để trồng những cây hoa vĩ đại. Một điều chắc chắn là chính Magơnôc, đã tìm ra những hầm mộ và phòng làm lễ hiến sinh, chính ông ta đã lấy viên đá diệu kỳ ở đầu chiếc gậy vương quyền. Ông ta đã vào các hầm mộ bằng lối chúng ta vừa đi qua, giữa con đường mòn ở cửa ngầm. Mỗi lần ra vào ông ta đã buộc phải xây lại tấm vách chắn bằng đá hộc và đá cuội. Cũng chính ông ta đã đưa trang sách kinh lễ cho ông Đecgơmông. Lúc đó phải chăng ông ta đã phó thác những phát hiện cuối cùng của mình cho ông Đecgơmông? Điều đó ít quan trọng. Quan trọng là từ đó về sau có một nhân vật khác nổi lên đã thể hiện công việc với tất cả sự chăm chú của anh ta. Một giáo sĩ do định mệnh cử đến để làm sáng tỏ những câu tiên đoán có từ hàng trăm năm nay, để thực hiện những mệnh lệnh của các
thế lực thần bí và... để đút túi Tảng Đá Diệu Kỳ... Tôi gọi nhân vật đó là Voócki.
Bá tước Luy uống cốc nước thứ ba và ra hiệu cho tên đồng bọn của Voócki:
- Ôttô - ông nói - dù sao cũng cho hắn uống nước nếu hắn khát. Mi có khát không, Voócki?
Trên thân cây, Voócki dường như kiệt sức không còn chống đỡ được nữa. Xtêpan và Patơrixơ sợ bá tước Luy thả hắn ra quá sớm, nên một lần nữa lại can thiệp vào.
- Không, không - bá tước Luy nói lớn - hắn đang ở thế thẳng đứng và sẽ cứ ở tư thế ấy cho đến khi kết thúc bài diễn văn của tôi. Phải chăng đó là vì mi ham hiểu biết, hay câu chuyện làm mi say mê, Voócki?
- Đồ kẻ cắp! Quân giết người! - Con người khốn khổ bị trói vào thân cây lẩm bẩm.
- Hay quá. Hay vì thế mà mi vẫn cứ khăng khăng từ chối không cho ta biết chỗ mi giấu Phơrăngxoa?
- Quân giết người... quân kẻ cướp...
- Vậy thì cứ ở đấy ông bạn ạ. Tùy mi. Đau một tí nhưng chẳng hại gì cho sức khỏe. Vả lại mi đã làm biết bao nhiêu người đau khổ, tên vô lại!
Bá tước Luy nói những câu sau này với một giọng cứng rắn. Ông đã hơi nổi giận. Cơn giận dữ có phần bất ngờ đối với một con người đã từng chứng kiến biết bao nhiêu tội ác, đã chiến đấu với những tên tội phạm sừng sỏ nhất. Nhưng lần này phải chăng ông đang chạm trán với một tên tội phạm ngoại hạng?
Bá tước Luy nói tiếp:
- Cách đây ba mươi nhăm năm có một người đàn bà rất đẹp, gốc người Hung, từ xứ Bôhêm đến xứ Bavi. Bà ta nhanh chóng nổi tiếng trong khắp các thành phố mọc nhan nhản xung quanh hồ Bavi là người đàn bà xem bói, đoán bài tây, xem tướng số, đồng cốt giỏi nhất. Tiếng tăm của bà ta đã thu hút sự chú ý của vua Lui II (bạn của Oanhơ, người xây dựng thành phố Bayrớt) Lui II là loại người điên khùng được tôn làm vua, là một ông vua nổi tiếng về những trò tưởng tượng lố lăng ngông cuồng. Mối quan hệ giữa ông vua điên khùng với người đàn bà có thiên nhân kéo dài được một vài năm, sôi sục, mạnh mẽ, bỗng gián đoạn bởi tính khí thất thường của nhà vua và chấm dứt một cách bi thảm giữa các buổi tối bí mật khi Lui xứ Bavi nhẩy từ chiếc thuyền của ông ta xuống hồ Xtăngbéc. Chẳng biết đó có phải là một cơn điên bộc phát, như cách tường thuật chính thức hay đó là một vụ tự tử, một vụ án mạng như dư luận đã khẳng định. Tại sao lại tự tử? Vì sao lại ám hại? Những vấn đề không bao giờ được giải đáp. Nhưng có một việc rành rành: người đàn bà xứ Bôhêm đi theo Lui II trong cuộc du thuyền, hôm sau đã bị tịch thu hết của cải tư trang và bị trục xuất dẫn đến biên giới.
Trong cuộc phiêu lưu đó bà ta mang về một con quái vật, lúc đó đã bốn tuổi đặt tên là Alêxi Voócki. Thằng nhóc quái vật ấy sống với mẹ ở một nơi không xa làng Gioachimthan xứ Bôhêm là bao. Nó được bà dạy dỗ truyền cho tất cả những thói quen về sự ám thị, về cách nhìn thấu suốt và sự lường gạt. Tính nết thằng bé dữ dội khác thường nhưng tinh thần rất yếu, làm mồi cho những ảo giác và những ác mộng. Nó tin vào sự phù phép, vào những câu tiên đoán, những giấc mộng, những lực lượng huyền bí, nó lấy chuyện hoang đường làm lịch sử, lấy dốì trá thay cho sự thật. Một trong số rất nhiều chuyện truyền thuyết của miền núi đập mạnh vào trí não nó, nhất là câu chuyện gợi lên khả năng phi thường của một tảng đá. Tảng đá trong bóng tối sâu thẳm của thời gian đã bị các vị ác thần lấy trộm và đến một ngày nào đó nó sẽ được tìm ra bởi một đứa con trai của nhà vua. Những người nông dân còn chỉ vào một chỗ lõm trên sườn đồi và bảo là chỗ tảng đá nằm trước kia.
“Chính mày là con vua”, mẹ nó nói với nó như thế. Và nếu mày tìm thấy tảng đá, mày sẽ tránh được lưỡi dao của bạn mày, và chính mày sẽ làm vua.
“Ngoài câu tiên đoán kỳ cục đó, còn một câu khác cũng không kém kỳ cục do người đàn bà xứ Bôhêm ấy nói ra rằng con dâu bà ta sẽ chết trên cây thập giá, con trai bà ta cũng sẽ chết vì một người bạn thân của nó, đó là những điều trực tiếp ảnh hưởng đến số phận của Voócki một khi giờ tiền định đã điểm. Tôi đi ngay vào cái giờ tiền định đó vì không nên nói nhiều về những gì chúng ta đã biết trong cuộc đối thoại hôm qua. Thật vậy, nhắc lại làm gì những chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa ông Xtêpan với bà Vêrôních trong xà lim của ông? Cần gì phải nói lại với ông Patơrixơ, với Voócki, với Vạn Sự Tốt Lành những sự kiện ai cũng đã biết rõ như cuộc hôn nhân của Voócki - hay nói cho đúng là hai cuộc hôn nhân của hắn trước hết với Enphơrít, sau với Vêrôních - như vụ ông Đecgơmông bắt cóc Phơrăngxoa, như việc Vêrôních biến mất một thời gian, việc Voócki đi tìm kiếm nàng, những hạnh kiểm của Voócki trong thời kỳ chiến tranh, việc hắn bị nhốt trong trại tập trung? Những điều vụn vặt đơn giản bên cạnh những sự kiện sắp xảy ra... Chúng ta làm sáng tỏ câu chuyện Tảng Đá Diệu Kỳ. Đó là biến cố mới, liên quan chặt chẽ đến mi, Voócki, xung quanh Tảng Đá Diệu Kỳ mà chúng ta sắp làm cho sáng tỏ.
“Thoạt đầu biến cố diễn ra như sau: Voócki bị giam trong một trại tập trung ở gần Pôngtivi nằm giữa miền Bơrơtanhơ. Hắn không mang tên Voócki mà mang cái tên Lôtơbách. Mười lăm tháng sau sau lần vượt ngục thứ nhất, giữa lúc hội đồng chiến tranh sắp ghép hắn vào án tử hình về tội làm gián điệp thì hắn trốn trại giam sống lẩn lút trong rừng Phôngtennơbơlô. Hắn gặp một người trong số những đầy tớ cũ tên là Lôtơbách gốc người Đức cũng như hắn và cũng trốn trại như hắn. Voócki đã giết người đó, lấy quần áo của mình mặc vào cho anh ta và hóa trang cho anh ta giống hắn. Tòa án quân sự bị đánh lừa đã chôn một Voócki giả ở Phôngtennơbơlô. Còn Voócki thật thì vô phúc cho hắn lại bị bắt một lần nữa dưới cái tên giả Lôtơbách và bị giam ở trại Pôngtivi.
“Đấy là chuyện Voócki. Sang phần khác, Enphơrít vợ thứ nhất của hắn, một nữ đồng bọn táo tợn nhất, tích cực nhất trong việc thực hiện tất cả các tội ác của hắn. Chị ta cũng người Đức. Tôi có một vài chi tiết về đời tư của chị ta và về cuộc sống của vợ chồng họ nhưng không quan trọng mấy và tôi thấy không cần thiết phải nói đến. Enphơrit cùng với con trai là Raynôn sống chui lủi dưới các hầm ngầm ở Xarếch. Voócki bố trí chị ta ở đấy với nhiệm vụ do thám ông Đecgơmông và qua đó dò tìm tung tích của Vêrôních. Tôi không biết rõ những lý do, những động cơ thúc đẩy người đàn bà khốn kiếp ấy. Vì một sự tận tâm mù quáng, vì sợ Voócki, do bản năng, do lòng căm thù đối với kẻ tình địch chăng? Chỉ biết rằng chị ta đã nhúng tay vào những tội ác khủng khiếp nhất. Chúng ta khoan nói đến vai trò của chị ta, hãy tìm hiểu xem vì sao chị ta lại có thể can đảm sống đến ba năm liền dưới mặt đất chỉ ban đêm mới thò lên để lấy cắp đồ ăn. Đứa con trai của chị ta cũng vậy. Và cứ thế chị ta kiên nhẫn đợi đến cái ngày chị ta có thể cứu thoát và phụng sự vị chúa tể, người thầy vĩ dại của chị ta.
Tôi cũng không biết hết các hoạt động của chị và những cách thức họ liên lạc với nhau. Nhưng điều tôi biết chắc là cuộc vượt ngục của Voócki đã được vợ thứ nhất của hắn chuẩn bị rất chu đáo từ trước. Từng chi tiết nhỏ đều được chị ta tính toán, bố trí một cách rất ăn khớp. Tất cả sự thận trọng khéo léo của chị ta đều được đem ra vận dụng. Ngày mười bốn tháng chín năm ngoái, Voócki vượt ngục cùng với hai tên cặp kè hắn thâu nạp trong nhà tù: ngài Ôttô và ngài Cônrát.
“Cuộc tìm về căn cứ rất dễ dàng, ở mỗi chỗ đường nhánh đều được đánh dấu bằng mũi tên kèm theo số thứ tự và trên đó là chữ Vd’H (những chữ cái này chắc hẳn do Voócki chọn). Thỉnh thoảng trong một túp lều bỏ hoang, dưới một tảng đá hay trong đống cỏ khô lại có sẵn thức ăn dự trữ. Bọn chúng cứ việc theo đó mà đi qua Guêmơnê, Lơ Phauê, Rốtpoócđen và cuối cùng ra tới bãi biển Bếcmây.
“Enphơrít và Raynôn ban đêm ra đón những kẻ vượt ngục bằng xuồng máy lấy trộm. Bọn chúng đưa nhau về các hầm ngầm dưới cánh đồng hoang màu đen. Chỗ ở cũng đã được chuẩn bị chu đáo từ trước, như chúng ta đã thấy hoàn toàn bảo đảm và đầy đủ tiện nghi. Trải qua một mùa đông rồi ngày lại ngày cái kế hoạch rất mơ hồ của Voócki càng trở nên rõ rệt hơn.
Điều kỳ lạ, trước chiến tranh trong dịp lưu lại ở Xarếch lần đầu, Voócki không hề nghe nói đến bí mật của hòn đảo. Chính Enphơrít đã cho hắn biết câu chuyện truyền thuyết về Tảng Đá Diệu Kỳ qua những lá thư chị ta gửi đến Pôngtivi. Các bạn có thể đoán được một phát hiện như thế sẽ tác động ra sao đối với một con người như Voócki. Tảng đá ấy phải chăng là Tảng Đá Diệu Kỳ của xứ sở hắn đã bị lấy đi. Vậy thì tảng đá phải được tìm ra bởi một con vua như hắn và khi đó nó sẽ cho hắn cả quyền lực và ngôi báu! Tất cả những điều hắn được biết thêm sau đó càng làm hắn vững tin. Nhưng cái điều bao trùm sự việc hắn có mặt trong các hầm ngầm ở Xarếch là những lời tiên tri của ông thầy dòng Tôma mà hắn mới tìm ra tháng trước. Những lời tiên tri đó, một vài mẩu văn vần kéo lê từ chỗ này đến chỗ khác, hắn đã thu lượm được bằng cách buổi tôi đứng rình mò dưới cửa sổ của các ngôi nhà tranh hay trên mái các vựa thóc, nghe lỏm câu chuyện của những người dân làng. Nhớ lại từ thời xa xưa ở Xarếch người ta luôn luôn sợ sệt những biến cố khủng khiếp phát sinh từ việc xuất hiện và biến đi của một tảng đá mà chẳng ai nhìn thấy nó bao giờ. Người ta nơm nớp lo sợ những chuyện đắm thuyền, chuyện người chết đuối, chuyện đàn bà bị đóng đinh vào cây thập giá. Cũng có thể Voócki đã đọc những câu thơ khắc trên Bàn Đá Các Tiên... nói về ba mươi nạn nhân và ba mươi chiếc quan tài, bốn người đàn bà bị cực hình. Tảng Đá Diệu Kỳ cho sự sống và cái chết. Biết bao nhiêu sự việc trùng khớp làm hắn rối trí nhất là đối với người yếu thần kinh như hắn.
“Những lời tiên tri do Magơnốc tìm thấy trong quyển thánh kinh lại tô thêm những nét hào nhoáng cho những câu thơ tiền định. Đó là điểm mấu chốt của toàn bộ sự việc! Chúng ta còn nhớ Magơnốc đã lấy đi cái trang sách thánh kinh nổi tiếng và ông Đecgơmông đã dựa theo hình vẽ trong trang sách đó vẽ đi vẽ lại nhiều lần, theo bản năng, cố làm cho nét mặt người vợ chính thức của ông giống Vêrôních con gái ông. Voócki sở dĩ biết được bản vẽ quý và một trong những bản vẽ phụ là do có một đêm hắn bắt gặp Magơnốc xem những bản vẽ đó bên chiếc đèn dầu của ông ta. Thế là trong bóng tối hắn đã dùng bút chì hú họa ghi lại mười lăm câu thơ của tài liệu vô giá ấy và cho rằng mình đã biết tất cả, đã nắm tất cả các điều bí ẩn. Một vầng sáng làm lóa mắt hắn. Tất cả các tài liệu hắn nhặt nhạnh được tập hợp lại và trở thành một sự thật vững chắc không thể nào bác bỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa! Những điều tiên đoán quan hệ đến hắn biết bao! Chính hắn có nhiệm vụ phải thực hiện!
Tôi nhắc lại: Tất cả là ở chỗ đó mà ra. Một ngọn đèn pha đã bật sáng soi đường cho Voócki.
Hắn đã có kim chỉ nam trong tay. Những lời tiên đoán đối với hắn là một cái gì không thể không thừa nhận. Đó là luật lệ, đó là kinh thánh, tuy nhiên còn gì ngớ ngẩn bậy bạ hơn những câu thơ xếp hàng các biến cố và không có lý do nào khác là chỉ cốt cho có vần! Không một câu nào gây được cảm hứng! Không có đến một biểu hiện nhỏ của thiên tài! Những dấu ấn của sự điên rồ đáng ghét ấy chỉ làm nổi bật cô thầy bói của Đenphơ hoặc tạo nên những trách nhiệm hoang tưởng của một Giêrêmi hay một Êđêxien! Rỗng tuếch! Chỉ có âm tiết và vần, thế thôi. Hoàn toàn rỗng tuếch! Nhưng đủ để soi sáng cho tên Voócki mềm yếu và đốt cháy hắn trong tâm trạng phấn chấn của một tín đồ mới.
“Ông Xtêpan, ông Patơrixơ xin mời các ông nghe lời tiên đoán của ông thầy dòng Tôma! Suốt mười trang giấy trong quyển sổ tay của hắn, tên Đức siêu đẳng đã chép những câu thơ vào đấy và sau đó hắn khắc cốt ghi xương. Đây là một trong những trang giấy đó. Ông Xtêpan, ông Patơrixơ, xin các ông hãy thử nghe xem, Ôttô trung thành, cả mi cũng nghe. Và cả mi nữa Voócki, hãy nghe lần cuối cùng những vần thơ bất đắc dĩ của ông thầy dòng Tôma. Đây, tôi đọc!
Trong đảo Xarếch vào năm mười bốn cộng ba
Nhiều người chết đuối tang ma rối bời
Tên nỏ, thuốc độc, rên rỉ, khủng khiếp bồi hồi
Buồng chết và bốn đàn bà rồi đời trên
bốn thân cây
Ba mươi chiếc quan tài đủ ba mươi nhân
mạng là đây?
Trước mặt mẹ chúng, Aben sẽ giết Canh.
Người cha xuất xứ từ thành Alamani,
Hoàng tử ác chỉ biết tuân theo số mệnh,
Ngoài đó ra còn biết cái chi chi.
Đêm tháng sáu hoàng tử ác giết vợ đi
Giết ngàn lần cho chết dần từng li.
Lửa cùng với tiếng nổ dấy lên từ mặt đất,
Nơi giấu ngầm kho báu từ ngàn xưa.
Người đàn ông được số phận ban cho
Sẽ tìm thấy tảng đá thần bị mất
Mà xưa kia “rợ bác ba” phương bắc
Đã lấy đi tảng đá tự bao giờ.
Tảng đá cho sự sống và cái chết.
Bá tước Luy Pêrêna đã đọc những câu thơ bằng cái giọng mở đầu cường điệu của ông đã làm nổi bật sự ngu xuẩn của lời thơ và tính chất nhạt nhẽo
của vần điệu. Ông đọc nốt bằng giọng to nhưng không âm sắc, kéo dài lê thê trong sự lặng lẽ lo âu. Toàn bộ biến cố như đang hiện ra trong phong thái, biểu lộ rất rõ sự ghê tởm của ông.
Ông nói tiếp:
Các ông đã thấy rõ chuỗi sự việc xảy ra phải không? Ông Xtêpan, là một nạn nhân và cũng là người quen biết hoặc biết về các nạn nhân khác. Ông nữa, ông Patơrixơ, vào thế kỷ thứ mười lăm, một tu sĩ nghèo, có trí tưởng tượng rối loạn, có bộ óc bị ám ảnh vì những ảo tưởng quỷ quái, đã phát ra những cơn ác mộng của ông ta bằng một lời tiên tri mà chúng ta gọi là “gàn dở”, nó không đặt ra một dữ kiện đúng đắn nào mà mỗi chi tiết của nó đều bị dẫn dắt bởi sự cần thiết của vần hay của chỗ ngắt câu. Và chắc chắn trong tinh thần của nhà thơ, về phương diện thực tế, không còn giá trị nữa nếu nhà thơ đã phải rút tỉa từng chữ một cách hú họa trong tận đáy túi của anh ta. Câu chuyện Tảng Đá Diệu Kỳ, nhưng truyền thông và truyền thuyết, hoàn toàn không mang đến cho anh yếu tố tiền định. Cái yếu tố tiền định đó là tự ông ta sáng tác ra theo kiểu người hùng, không nghĩ đến tác hại, chỉ đơn giản là nghĩ ra một vài câu để ghi lại bên lề của bức tranh ma quái. Và anh ta lấy đó làm hài lòng vì đã bỏ công khó nhọc dùng mũi nhọn của một thứ dụng cụ khắc vào một trong những phiến đá của Bàn Đá Các Tiên một vài câu nửa văn xuôi nửa văn vần của anh ta!
“Ngoài ra, hốn thế kỷ sau, cái trang sách tiền định ấy mới rơi vào tay một tên Đức siêu đẳng, một kẻ bị tội ác ám ảnh hợm hĩnh và điên rồ. Hắn đã thấy gì? Cái tên Đức siêu đẳng ấy? Một sự tưởng tượng vui vui của trẻ con. Một lời dí dỏm vô nghĩa! Chỉ thế thôi không có gì khác! Vậy mà hắn lại thấy ở đấy một tài liệu hấp dẫn nhất, một trong những loại tài liệu có thể giáo huấn những kẻ siêu đẳng nhất trong số đồng bào của hắn. Với cái giống người khác biệt ấy thì tài liệu này có nguồn gốc thật là tuyệt vời đó là kinh Cựu ước và kinh Tân ước, đó là kinh thánh, nó giải thích và bình luận luật lệ của Xarếch! Đó cũng là sách phúc âm của Tảng Đá Diệu Kỳ. Và sách phúc âm đó đã chỉ định hắn, Voócki, tên Đức siêu đẳng, như Chúa giáng thế được Thượng đế chỉ định những mệnh lệnh của người.
“Với Voócki, không có sự nhầm lẫn nào ở đây. Chắc chắn những việc này sẽ làm hắn thích thú một khi hắn dành được của cải và quyền lực. Nhưng vấn đề ấy cũng chỉ thuộc hàng kế hoạch thứ hai. Cái chính là đã vâng theo lòng nhiệt tâm thần bí của một dòng giống luôn luôn đinh ninh rằng dòng giống mình là do thiên định, luôn luôn có ảo tưởng là mình phải tuân theo những nhiệm vụ, nhiệm vụ tái tạo cũng như nhiệm vụ cướp phá thiêu hủy và giết chóc. Và nhiệm vụ của hắn, của Voócky đã
được ghi bằng chữ hẳn hoi trong các câu thơ tiền định của ông thầy dòng Tôma. Thầy dòng Tôma đã nói rõ những điều ông ta cần phải làm và chỉ định một cách rõ ràng Voócki là người của số mệnh. Hắn có phải con vua không? Nghĩa là hoàng tử Alamani? Hắn có đến cái xứ sở chính nơi tảng đá bị bọn “rợ phương bắc” lấy đi không? Hắn có một người vợ, người vợ này cũng do lời tiên đoán của những người có thiên nhãn nói rằng phải chịu cực hình trên cây thánh giá? Hắn có hai con trai, một đứa dịu dàng độ lượng như Aben, một đứa hung ác dữ tợn bất trị như Canh?
“Những chứng minh của hắn đã quá đầy đủ. Từ nay trong túi hắn đã có mệnh lệnh động viên, có giấy đi đường của hắn. Các vị thần đã đánh dấu sẵn điểm chính xác hắn phải đi tới. Hắn đi. Trên đường hắn đi qua hẳn phải có một vài người sống sót. Càng tốt! Điều đó cũng nằm trong chương trình. Đó là đánh dấu cái thời điểm mà tất cả những người đang sống của hắn đều bị tiêu diệt và bị tiêu diệt bằng sự chỉ định của ông thầy dòng Tôma, rằng công việc nặng nề sẽ hoàn thành, rằng Tảng Đá Diệu Kỳ sẽ được giành lại và rằng Voócki, công việc của số mệnh, sẽ được suy tôn làm vua. Vậy thì chúng ta hãy xắn tay áo lên cầm lấy con dao hàng thịt sắc nhất của chúng ta và bắt tay vào việc! Voócki sắp mang vào cuộc sống thực những ảo tưởng của thầy dòng Tôma!