CHƯƠNG 14

     oàng Đô đang ngồi bỗng đứng vụt dậy, bật lên tiếng cười man dại. Cặp mắt thâm quầng của anh vằn đỏ lên rơm rớm nhìn khắp căn phòng xinh xắn quen thuộc của mình để quyết định chia tay với nó vĩnh viễn. Anh cay đắng cười mai mỉa chính mình. Sắp vào tuổi năm mươi mà anh lại có ý nghĩ ngông cuồng, vừa nuôi hy vọng vừa lo sợ. Anh soi gương nhận ra chân dung mình. Một lão già khốn khổ, tóc lốm đốm bạc, hai hốc mắt thâm quầng, râu lởm chởm, da nhăn nheo. Anh lại mỉm cười. Sự trẻ trung lại có ngay trong cái già cỗi. Với vợ, anh  chỉ sống theo bổn phận làm chồng. Anh đau đơn nhận ra sự hèn hạ của mình và muốn chạy trốn. Anh thấy bải hoải, chán chường mỗi lần cô ta đi với kẻ khác về khuya, khẽ đẩy nhẹ cánh cửa nhón gót rón rén vào phòng như chơi trò ù tim với anh. Giọng cô ta trong trẻo ríu rít như hót lên: "Ồ, Anh thân yêu  đã ngủ chưa, chàng Đông - ky - sốt, kẻ muốn chinh phục toàn thế giới của em? Hôm nay chúng mình ngủ chung chứ? "Anh chưa ngủ. Anh lặng im. Anh vẫn còn nhận ra vẻ mãn nguyện trên gương mặt nhòe nhoẹt bóng nhẫy phấn son của vợ. Anh vẫn còn nhận ra từng động tác rất điêu luyện và khiêu gợi khi cô ta trút hết mọi thứ trên người đến đứng trước gương uốn éo ngắm nghía tấm thân nõn nà của mình rồi mới chụp lên đầu chiếc váy ngủ mỏng tang có những cánh hoa phớt hồng. Cái bóng của thiên thần rực lên xoay gót lao tới khẽ hôn lên môi anh. Anh cố giữ cân bằng thần kinh nhắm mắt thở đều: "Chúc ngủ ngon" cô ta thốt lên, lao về giường mình. Anh liếm đôi môi khô nẻ cảm nhận rõ mùi đàn ông lạ mà cô ta vừa làm vương lên môi anh. Vài phút sau đã nghe tiếng cô ta ngáy. Có lẽ anh chóng già vì tiếng ngáy của vợ. Anh đã thức trắng vào những đêm như thế để nghe cô ta ngáy. Có lẽ anh chóng già vì tiếng ngáy của vợ. Anh đã thức trắng vào những đêm như thế để nghe cô ta ngáy. Có một điều anh thấy kỳ lạ, cô ta cứ trẻ mãi, còn anh thì cứ già đi. Chính sự chênh lệch về tuổi tác làm anh càng nhận ra gương mặt đẹp với cách sống vẻ quý tộc của vợ chứa đầy sự giả dối, đê tiện nhơ nhớp. Anh đã cố "tiết kiệm thần kinh" cho qua mọi chuyện mà không được. Anh nghĩ con người có lẽ sinh ra để yêu thương nhau, và cả hành hạ nhau. Kẻ xấu luôn làm hư hỏng người tốt. Ngu dốt và thô thiển luôn hủy hoại trí thông minh và sự tinh tế. Không, anh không chịu đựng mãi được, dù anh chẳng còn gì ngoài thân hình tiều tụy và hai bàn tay trắng. Anh hiểu mình hơn ai hết, sự già nua của thân xác luôn bừng lên cái tươi trẻ rất mới mẻ ở đâu đó chứ không phải trong căn phòng này. Chính cái rực rỡ bề ngoài ở đây đã gặm nhấp sức lực của anh. Lâu nay anh đã u mê trì độn bởi tấm hình của anh và vợ chụp chung trên khung kính lộng lẫy treo rất kiểu cách trên tường, ánh mắt nụ cười của anh và vợ lúc nào cũng vuốt ve lừa phỉnh mỗi khi anh ngồi vào bàn viết và những khi anh mỏi mệt nằm vật ra giường.
Anh định lao tới xé tan nụ cười và ánh mắt kia để không bao giờ còn bị ám ảnh bởi thần tượng huy hoàng đó nữa. Cánh cửa bật mở. Lại một lần chậm trễ lỡ dở. Cả cuộc đời anh luôn lỡ dở. Cái bóng thiên thần đứng sững lại giữa cửa nở nụ cười kiêu hãnh nhìn anh rồi đến đứng trước gương bình thản, kiểu cách.
- Xin lỗi! Xin lỗi nhé! Tôi ngỡ anh đã đi...
- Tôi cũng đang chuẩn bị...
Anh xách chiếc va li thấy nhẹ bẫng. Chiếc gương lúc này phát huy tác dụng tốt nhất cho cả anh lẫn cô ta đều nhận ra vẻ mặt của nhau qua sự phản chiếu. Mặt anh bì bì, mặt cô ta sáng rực nụ cười:
- Bai bai! Chúc anh hạnh phúc.
- Cảm ơn!
- Anh sẽ đến với chị ấy chứ?
- Có thể.
- Sao lại có thể. Có hoặc không?
- Bây giờ thì không.
- Vậy đêm nay anh ngủ đâu?
- Cơ quan.
- Anh không tủi thân khi người ta chỉ có thể cho anh ngủ ở phòng họp à?
- Tôi có thể ngủ bất kỳ nơi nào, trừ nơi này.
- Ồ, chàng Đông - ky - sốt, lúc này chàng nói thế thôi. Chàng cứ đi tùng hoành khắp thế gian đi. Khi nào muốn... cứ về đây nhé. Chỉ cần chàng gõ cộc  cộc nhẹ vào cánh cửa thế là chúng ta lại tiếp tục. Và bây giờ trước lúc chàng đi, em sẽ biếu không chàng lần nữa để chúng mình chia tay vui vẻ. Nào xin mời.
Lại những ngón tay sơn móng tím lịm với động tác điêu luyện, cô ta giật phăng hàng cúc áo...
- Thật khốn nạn!
Anh hét lên đóng sầm cánh cửa lao xuống cầu thang mà vẫn nghe rõ tiếng cười hơ hớ của cô ta đuổi theo anh ra tận đường phố. Anh không nhận ra trong giây phút này anh và cô ta đang điên. Anh suýt cười phá lên bởi anh vừa nhận ra giữa anh và cô ta có một điểm giống nhau. Cô ta vừa hiện đại vừa nguyên thủy còn anh đang đi tìm cái mới mẻ trẻ trung bằng một thân xác già nua. Đường phố sáng rực lên cảnh sắc huy hoàng, người xe lao vun vút. Anh đứng lại ngã tư phố chờ xe buýt. Chiếc đồng hồ quả lắc vàng chói mặt to bằng chiếc mâm đồng gắn trước cửa ngôi nhà cao tầng đang ngân lên tiếng chuông điểm mười hai giờ trưa. Người ta thường kiêng đi vào giờ Ngọ, thế mà anh lại ra đi đúng vào giờ Ngọ. Đúng vào lúc anh nhìn lên chiếc đồng hồ vàng chói nghĩ tới điều kiêng kỵ, thì có kẻ giật giật tay áo anh. Anh cúi xuống bắt gặp ánh mắt buồn thẳm của cô bé ăn mày ngước nhìn cầu xin. Anh chợt gai người nhận ra gương mặt măng non của cô bé thoáng hiện nét già cỗi. Sự già cỗi của tuổi thơ. Anh bối rối thọc tay vào túi tìm tiền, tránh ánh mắt cô bé. Chiếc đồng hồ vàng cứ sáng lóe lên trong nắng và ánh mắt của cô bé cũng sáng lên khi nhận được hai trăm đồng tiền bố thí của anh. Anh bám theo cái dáng vừa bé vừa già đi tới cửa hiệu có tấm biển đỏ chót "Hồng Phúc - cơm bình dân". Trong cửa hiệu có đủ loại món ăn theo sở thích của đủ loại người với đủ dáng vẻ khác nhau. Kẻ nhởn nhơ no đủ, mặt phừng phừng men bia. Kẻ hau háu đói khát, còm nhom chúi mũi vào đĩa cơm rẻ tiền. Và trong cái đám hỗn tạp kia có cả kẻ gian manh lấc láo mưu mô toan tính, và có cả kẻ lẳng lơ đàng điếm. Tất cả khi đứng dậy đều phải rút hầu bao trả tiền mụ chủ quán.
Mụ chủ quán béo núng nính sáng rực đồ trang sức ngồi chéo chân chữ ngũ trước bàn nước kê lấn chiếm vỉa hè. Tay mụ cầm chiếc máy tính điện tử chăm chú tính toná khoản thu chi nào đó. Những chữ số xanh lẹt nhẩy trên chiếc máy tính nhấp nháy ẩn hiện gương mặt của cô bé ăn xin lấp ló. Bàn tay rụt rè lem luốc chìa ra. Gương mặt phúc hậu của mụ chủ quán chợt đanh lại, đôi khuyên vàng rung rinh rung rinh:
- Xéo! Mày làm bà lú lẫn.
Đứa bé ăn xin giật mình, và anh cũng giật mình vội quay đi. Chiếc xe buýt đã đỗ đón khách từ khi nào đang từ từ chuyển bánh. Anh vội lao tới bám được vào thành xe thì vừa lúc cánh cửa xe tự động đóng sập ngay trước mũi. Lại một lần chậm trễ lỡ dở. Anh không còn đủ sức đứng giữa trời nắng. Bên kia ngã tư chiếc ghế đá cạnh hồ nước rợp bóng mát đã quyến rũ anh. Anh vừa lao xuống lòng đường chừng dăm bước thì đèn đỏ bật sáng "Tuýt" tiếng còi rúc lên, người công an chỉ đường mũ kê pi, quần sọc đỏ đứng trên bục tròn giữa ngã tư lạnh lùng nghiêm trang đang thao tác nghiệp vụ chỉ đường bằng bàn tay đeo găng trắng, cầm côn đưa lên hạ xuống thật điêu luyện và dứt khoát. Anh đứng sững lại. Người xe trên đường dồn ứ xung quanh anh với đủ mọi sắc mầu, và dậy lên mùi mồ hôi của cánh xích lô xe ôm lẫn mùi nước hoa của những chủ xe con, xe cúp bóng nhoáng và những chiếc xe đạp gỉ. "Tuýt" đèn vàng bật sáng. Dòng người lại trôi thành một khối sắc màu lấp lánh dưới nắng và anh cũng trôi đi. Bản tin trưa của đài quốc gia đang phát từ chiếc loa công cộng đưa tin về vụ bê bối của Thứ trưởng Thân Trung Hiếu, tiếp theo là một cụ già tám mươi ở Hà Nội từ bao năm này có các con cháu hi sinh trong chống Pháp, chống Mỹ vừa bị đẩy ra phơi nắng trên vỉa hè thành phố! Tiếp theo nữa là tin về hội nghị gì đó vừa được tổ chức trọng thể và kết thúc thành công rực rỡ. Cuối cùng là bản tin thế giới đưa tin một nhân vật nào đó vừa đắc cử tổng thống. Anh ngồi lặng trên ghế đá. Chưa bao giờ anh có tâm trạng và ấn tượng mạnh mẽ về những gì anh đang nung nấu. Đang được viết ra trên những trang bản thảo trong cặp. Anh cũng chỉ là hạt cát trong biển cát. Cuộc sống vẫn sôi động, con người vẫn thương yêu nhau và cả nguyền rủa nhau. Nắng chói lọi, mặt hồ lung linh. Ngay trước mặt anh, cạnh gốc liễu có cặp sinh viên nằm bò trên bãi cỏ vừa ôn bài vừa hôn nhau. Bên mép nước là một thanh niên ăn vận khá lịch sự, áo kẻ quần bò mốc, tay cầm tờ báo thản nhiên đứng đái. Chiếc máy ảnh treo lủng lẳng trước ngực người khách ngoại quốc được nâng lên hướng về phía trước chàng trai "rẹt" một cái. Trong nháy mắt nhà nhiếp ảnh đã ghi được một hình ảnh thật lạ lùng. Anh chàng phớt đời vừa đi vừa đóng cúc quần tiến về phía đôi trai gái đang hôn nhau, buông một câu lơ lửng giữa trời: "sướng nhỉ".
- Xin lỗi! Con không để ý bố già ngồi đây.
Anh giận sôi máu định túm cổ áo tống một quả vào giữa mặt anh ta cho bõ tức nhưng anh đã ngửi thấy mùi bia từ cái miệng còn bóng nhẫy của anh ta phả vào mũi anh nồng nặc.
- Bố khinh con chứ gì? - Chàng trai ngồi xuống cạnh anh - Bố cứ việc mà khinh bỉ! Con xin thưa với bố rằng con không đến nỗi tồi tệ như bố nghĩ đâu. Bản tính con luôn sống thẳng thắn. Tâm hồn con trong sáng, căm ghét kẻ dối trá, độc ác và tham nhũng. Bởi vậy nên tay giám đốc cơ quan con nó căm thù con. Nó tìm cách hại con nhưng cuối cùng nó cũng chẳng làm gì được con. Con vừa lập chiến công hiển hách sút cho nó một quả cực mạnh. Không tin bố xem báo đây này. Có được bài báo này con đã tốn bao công sức, thời gian theo dõi, điều tra khai thác tài liệu mới có được chứng cứ sống động, hì hì....
Chàng trai dúi vào tay anh tờ báo, miệng vấn liến thoắng:
- Thú thực với bố là con vừa uống mừng chiến công của con ở cái quán "bình dân" kia, nên mới buồn đi tè quá, buồn mà chẳng có chỗ nào mà đi. Hớ hớ.. bố già ơi, chính cái lúc tức khí ấy con mới nhận ra rằng người ta chỉ quan tâm xây dựng những công trình thế kỷ mà xem thường chỗ đi tè. Bố ạ, con thấy nguồn gốc của sự hư hỏng có lẽ bắt nguồn vì lẽ đó. Bố nhìn kia kìa, giữa cái trong xanh huy hoàng kia đang bốc mùi hôi thối mà không ai biết hoặc giả vờ không biết. Con thì con cứ thích tè ra đấy. Tè công khai cho mọi người nhìn thấy... thế còn hơn lại có kẻ đêm đến mới lại lén lút ị cả ra đây mà vẫn không ai biết gì.
Những mẫu người hăng hái kiểu này anh không lạ gì chỉ cần một cốc bia với nhau là tâm trạng lắm, đau đớn lắm, căm giận lắm, muốn cải tạo, muốn gây sự với tòan thế giới.
- Sao? Bố không đồng nhất quan điểm với con sao? Thế thì xoàng! Phí lời con tâm đắc...
- Anh có thể cút đi chỗ khác thì hơn.
- A... thì ra ông chẳng lịch sự chó gì. Đã thế thì thằng này đ...đi đâu hết.
- Câu nói thô tục của gã đã làm ảnh nổi giận. Anh túm cổ áo gã. Quả thực là anh chỉ định cho gã một quả đấm cảnh cáo. Đúng thế! Anh chỉ tống nhẹ một quả vào mặt gã. Gã quỵ xuống, đầu va vào thành ghế đá... gã nằm quay đơ ra đấy và kết quả cuối cùng là anh phải gọi xe cấp cứu đưa gã vào bệnh viện.. Có những việc ngỡ đơn giản nhưng lại khá rắc rối. Tới lúc này anh mới cảm nhận số phận con người thật chênh vênh và mỏng manh như sợi chỉ. Gã vừa mới huênh hoang muốn cải tạo toàn thế giới bỗng trở thành nạn nhân của một quả đấm nhẹ. Còn anh thoắt cái đã trở thành tên tội phạm...
Cánh cửa phòng giam bật mở đón chào đời sống mới của anh bằng những cái đầu trọc lốc, những bộ mặt hằn in dấu vết hận thù dao búa, chai sạn, lì lợm câm lặng. Cánh cửa phòng giam lạnh lùng đóng sập sau lưng anh. Tiếng gót giầy của người quản trại gõ lộc cộc trên nền xi măng xa dần, xa dần. Anh đứng sững giữa căn phòng tối hôi hám cười phá lên. Cười như điên. Anh chạy trốn khỏi căn phòng nhơ nhớp của vợ để rồi lại phải chui vào căn phòng nhơ nhớp khác.

 

- Mẹ ơi! Tối nay con chọn áo mầu nào thì đẹp hả mẹ?
- Tùy con! Vẻ đẹp trước hết ở chính trong tâm hồn mình đấy con ạ.
- Ôi mẹ thân yêu! Mẹ lại triết lý với con rồi. Thu Nguyệt lao tới hôn chun chút lên má mẹ. Nay là ngày sinh nhật của con gái tròn mười tám tuổi. Thu Nga cảm nhận giây phút này, hạnh phúc đến với chị rõ nhất. Suốt cuộc đời đau khổ, đớn hèn có, vinh quang có và kiêu hãnh có, nhưng hạnh phúc thì chưa một lần. Người ta quan niệm hạnh phúc là gì đó phải thật trọn vẹn. Còn chị, giây phút này chị quan niệm hạnh phúc thật giản đơn. Đó là tình cảm của một người mẹ đối với con gái duy nhất của mình bước vào đời. Thu Nguyệt của chị lạ lùng, vừa rực rỡ vừa dịu dàng sáng trong như bông huệ. Chị cứ nhìn vào ánh mắt con gái tìm kiếm bóng dáng mình năm nào. Tuổi mười tám của chị đóng một dấu ấn đau buồn vào tâm não chị. Chị đặt tên con gái chị là Nguyệt cũng có ý nghĩa riêng về tình cảm thiêng liêng đối với làng Nguyệt Hạ quê hương chị. Từ bao năm nay chị chờ đợi giây phút này, giây phút hạnh phúc đang đến làm chị nao nao. Nỗi xốn xang của chị còn vì lẽ khác, chị đang đơi một người. Đó là Hoàng Đô - mối tình đầu của chị tan vỡ ngay từ ngày đầu. Trước khi chị quyết định mời Hoàng Đô tới dự sinh nhật của con gái, chị đã phải đắn đo trăn trở mãi. Từ bao năm nay chị và Hoàng Đô cùng sống trong một thành phố mà cả anh và chị đều lảng tránh nhau, cố tạo ra một khoảng cách vừa đủ để quan sát lẫn nhau, vừa giữ gìn, vừa đeo đuổi một cái gì đó thật thiêng liêng cao quý. Chưa bao giờ nói với nhau lời nào nhưng chị và Đô, cả hai đều hiểu rằng họ đang ở bên nhau âm thầm mà dữ dội. Chị nhận ra chưa một đêm diễn nào của chị mà anh bỏ qua. Từ trên sân khấu chị thấy anh ngồi cạnh người vợ trẻ và đẹp. Chị thừa nhận cô vợ anh thật sống động quá, rực rỡ quá so với tuổi của anh. Chị vừa mừng vừa lo cho anh. Trên gương mặt thoáng vui thoáng buồn của anh, chị đoán đời sống tinh thần của anh chắc không ổn. Có một lần trong đêm liên hoan Chèo toàn quốc, chị tí ngất xỉu khi thấy anh bất ngờ xuất hiện với bó hoa tươi rói bước lên sân khấu tặng chị. Cả hai người đều im lặng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy chị nhận ra hết thảy niềm vui sướng hiện rõ trong mắt anh. Và lúc này chị lại tưởng tượng ra anh chắc cũng đang háo hức chuẩn bị mang hoa đến nhưng không phải tặng chị mà anh còn tặng cho con gái chị. Chị liếc nhìn đồng hồ... chừng nửa tiếng nữa anh sẽ đến. Chị yên tâm nhìn mọi thứ hai mẹ con đã chuẩn bị đâu vào đấy. Mâm nến mười tám ngọn, bánh ga tô vàng rộn điểm bột màu xanh đỏ trắng vàng, kẹo sô cô la, kẹo cà phê, hạt hướng dương. Thu Nguyệt từ phòng trang điểm bước ra rực rỡ với một màu trắng muốt. Váy trắng, tất trắng, giầy trắng, bông hoa trắng điểm trên mái tóc đen nhánh, tất cả trên thân hình mềm mại trắng tinh khiết của Thu Nguyệt nổi bật nên chiếc nơ hồng rực rỡ trên cổ áo.
- Ôi! Thiên thần của mẹ!
Chị reo lên nắm chặt bàn tay con gái.
- Mẹ ơi! Mẹ cũng phải trang điểm tý chút đi chứ. Mẹ có vui không?
- Có! Con gái mẹ thế này không vui sao được.
- Khách của mẹ, mẹ mời những ai hả mẹ?
- Hôm nay là ngày vui của con, mẹ muốn con vui với các bạn con là chính. Khách của mẹ chỉ có một người.
- Ai đấy mẹ? Chắc là ông giám đốc nhà hát?
- Không phải.
- Hay thứ trưởng Tòng?
- Không phải.
- Con không thể đoán ra ai đâu. Lát nữa con sẽ biết.
- Vậy mẹ hãy vào trang điểm đi mẹ, bạn con chúng nó kéo đến ngay bây giờ đấy.
- Chị nghe lời con gái vào phòng trang điểm và thấy mặt nóng ran. Chị đứng trước gương, chưa kịp thoa phấn, chị đã nhận ra đôi má chị thoáng hồng nên. Đã gần trọn một đời diễn viên đánh phấn tô môi để bước ra sân khấu, chưa lần nào chị có tâm trạng thổn thức như lần này. Sự súc động trên sân khấu là nghệ thuật nhập vai vào những cuộc đời khác. Còn lúc này chị xúc động vì nỗi niềm riêng tư sân kín trong trái tim chị. Chị còn chiếc áo nâu tươi cắt theo lối cổ trong các vai đào hát của đội chèo làng Nguyệt Hạ xưa. Kiểu áo quá cổ, tụi trẻ lại khen chị có mốt áo mới nhất, đặc biệt nhất... phòng ngoài các bạn của Thu Nguyệt đã cười nói rúc rích:
- Thu Nguyệt ơi bạn sẽ trở thành hoa hậu. Cứ nhìn bạn là biết, bạn sinh ra để bọn mình được chiêm ngưỡng.
- Còn mình chúc Thu Nguyệt sẽ đạt giải đặc biệt cuộc thi giọng hát hay toàn thành phố năm nay.
Thu Nga bước ra, bọn trẻ reo lên chào đón chị.
- Ôi, cô Nga bữa nay trẻ ra bao nhiêu.
- Cô Nga hát đi, chúng cháu thích nghe cô hát.
- Các cháu đã nghe cô hát rồi. Bữa nay cô muốn nghe các cháu hát.
- Thời chúng cháu là thời của âm nhạc hiện đại là Rock, là pop... cô chịu khó nghe vậy...
- Bọn trẻ thi nhau hát.
Chiếc kim đồng hồ treo trên tường nhích dần, nhích dần. Hoàng Đô chưa tới và Hoàng Đô không tới. Đã mười giờ đêm. Thời gian trôi veo. Mọi cái đều vô nghĩa. Thu Nga vào phòng trong nằm. Bọn trẻ bắt đầu nhảy, tiếng gót giày lướt trên nền gạch men âm vang. Mười một giờ đêm khi các bạn về hết, Thu Nguyệt lao vào phòng mẹ với nụ cười tươi rói mãn nguyện.
- Mẹ! Mẹ hứa tặng con...
Chị bừng tỉnh. Chị đâu có quên, điều này chị đã chờ đợi suốt hai mươi năm nay... và từ chập tối, chị đã đợi Hoàng Đô đến để chứng kiến giờ phút thiêng liêng chị đã trao cho con gái món quà đặc biệt - một kỷ vật gia truyền, một lời thề... Thu Nga bối rối lấy từ trong chiếc hộp nhỏ ra chiếc vòng bạc trao cho con gái.
- Chiếc vòng này con hãy giữ lấy - chị xúc động nhìn vào mắt con gái. Thu Nguyệt thoáng chút ngỡ ngàng - con hãy ghi nhớ lời mẹ. Không! Không phải lời mẹ mà là lời của tổ tiên - chiếc vòng này con chỉ một lần duy nhất được trao cho một người mà con sẽ chọn làm chồng.
- Nó bằng bạc hả mẹ?
- Vấn đề không phải là vàng hay bạc, đối với mẹ, với tổ tiên nó còn quý hơn cả vàng, nó là tượng trưng cho tình yêu con hiểu không. Chỉ vào tuổi mười tám như con mới hiểu được. Chính chiếc vòng này bà đã trao cho mẹ năm mẹ tròn mười tám như con hôm nay. Con biết không, mẹ đã giữ gìn nó suốt hai mươi năm nay và đã một lần mẹ đã trao cho một người mẹ yêu bằng cả cuộc đời.
- Người đó có phải là bố con không hả mẹ? - Ánh mắt con gái chị bỗng sáng bừng lên.
- Không. Không phải là bố con. Đến bây giờ mẹ có thể nói điều này ra với con. Cuộc đời nó thế đấy con ạ. Mẹ không bao giờ yêu bố con... tiếc rằng đó là sự thật...
- Nhưng con muốn biết bố con là ai?
- Con đã hỏi mẹ câu này không biết bao nhiêu lần rồi. Nhất là những ngày con còn nhỏ... nhưng bây giờ con đã lớn rồi mẹ nhắc lại với con lần cuối là đừng bao giờ hỏi mẹ câu ấy nữa. Con cứ coi như bố con đã chết. Như thế tốt hơn, con gái yêu của mẹ ạ.
Ngoài ga, tiếng còi tàu hú vang trong đêm. Thành phố lặng đi. Đã lâu lắm, đêm nay hai mẹ con chị mới lại nằm chung. Chị lùa những ngón tay lên mái tóc con gái và cảm nhận từng hơi thở nhè nhẹ phả vào má chị, y hệt như ngày nào chị nằm bên mẹ.
- Nguyệt! Con... con đã ngủ chưa?
Con gái khẽ hôn lên má chị, nó lặng im lần hai bàn tay chị đặt lên ngực nó. Khuôn ngực phập phồng... tuổi mời tám của nó - tuổi dậy thì... của chị... của tất cả những người đàn bà làng Nguyệt Hạ từ bao đời nay. Tuổi mười tám...

 

Vẻ mặt người quản trại thường ngày khó đăm đăm, hôm nay bỗng nhiên lại cười sởi lởi nois như reo:
-Hoàng Đô! Có người nhà tới thăm!
Anh thoáng bối rối đi theo người quản trại. Ai đến thăm anh? Không lẽ lại là cô vợ lẳng lơ của anh? Hay mẹ con Thu Nga? Hay họa sĩ Thuận, người bạn tâm giao nhất của anh?
Nay là thứ năm, ngày phạm nhân được gặp người nhà. Khu cổng trại nhốn nháo, người túi du lịch, người bị, người ôm gói ôm đồ đứng xếp hàng đăng ký kê khai bày ra bàn những món quà của mình trước bàn cán bộ quản trại. Chỉ nhìn những món quà bày ra cũng nhận rõ hoàn cảnh sang hèn của từng người. Người thì xôi thịt, thuốc lá loại sang, kẻ cơm nắm muối vừng, rau bắp cải luộc, người gạo rang, ngô rang với những lọ thuốc hắc lào, thuốc ghẻ. Người quản trại bảo Hoàng Đô đứng chờ người nhà của anh còn đang tiếp chuyện ông giám đốc trại. Anh đứng lặng nhìn cảnh người ta gặp gỡ nhau. Có người xúc động khóc rống lên, có kẻ thì e ngại ngậm ngùi thương xót, có kẻ lại tủi nhục giận hờn. Một cụ già rách rưới đeo bị, lom khom chống gậy đến gần Hoàng Đô, ngước đôi mắt hom hem lên nhìn người quản trại.
- Các ông ơi làm ơn làm phúc cho già hỏi thăm thằng cháu Tô nhà tôi nó có bị bắt vào đây không?
- Mời cụ vào phòng thường trực đăng ký - Người quản trại lạnh lùng nói.
- Tôi vào rồi! Nhưng người ta bảo ở đây không có phạm nhân nào tên là Tô. Đúng là thằng cháu Tô đã bị bắt bốn hôm nay vẫn chưa được về. Ở thành phố này có bao nhiêu nhà giam hả các ông?
- Thắng cháu cụ mắc tội gì?
- Tôi xin các ông, nó còn trẻ người non dạ, bố mẹ nó mỗi người một nơi, nên nó ở với tôi. Ngày nó còn nhỏ tôi nuôi nó. Giờ tôi già rồi, nó lại nuôi tôi. Tôi thề với các ông, thằng cháu tôi chưa một lần làm điều ác. Nó làm cửu vạn ở bến xe, bến tàu từ năm ngoái lấy tiền nuôi tôi. Đúng thế, tôi cấm nói sai. Ai thuê nó làm gì nó cũng vui vẻ nhận lời. Ôi, cũng tại nó thương tôi. Tối hôm ấy nó bảo tôi ở nhà nó phải đi làm đêm, sáng ra nó sẽ đi may cho tôi bộ quần áo dài để tôi đi chùa. Ôi, tuổi trẻ thật ngông cuồng đến kinh người. Các ông biết nó làm gì không? Đêm ấy nó với kẻ nào đó đến nghĩa địa đào trộm một ngôi mộ mới của gia đình giàu, họ giàu đến mức thời bây giờ còn đeo vòng vàng cho người chết để cho kẻ nghèo đói như thằng cháu Tô nhà tôi phải làm cái việc thất đức từ cổ chí kim chưa ai dám làm...
Người quản trại đưa bà cụ vào phòng trực. Câu chuyện của bà cụ làm anh bải hoải. Từ hôm vào trại anh mới hiểu rằng thời bây giờ con người ta vẫn cơ cực và làm lắm điều ác. Hoàng Đô nhìn những đường dây điện trần trên hàng rào dây thép gai vây kín xung quanh bờ tường trại cao ngất. Những mũi thép gai nhoi nhói nhọn hoắt... Những múi thép gai nhọn mà anh và Bức đã từng đạp lên xông vào căn cứ địch dưới làn đạn pháo gầm rít. Và lúc này vừa bước chân vào phòng khách, anh đã nhận ra người đàn ông đến thăm anh là Tòng - Đặng Xuân Tòng vị thủ trưởng tối cao của anh - Một thằng đểu, tên vô lại. Anh nghiến răng rít lên căm phẫn nhưng miệng lại lắp bắp "chào anh". Vị thủ trưởng có phong thái đĩnh đạc kiêu ngạo cười khẩy nhìn anh bằng nửa con mắt. Anh đứng lặng nhìn mãi vào đôi bàn tay đầy đặn với những ngón tay thon thả và cái miệng rộng của Tòng. Đôi bàn tay đầy đặn với những ngón tay thon dài đã từng mơn trớn vuốt ve tấm thân nõn nà của vợ anh. Cái miệng rộng tươi tắn kia cũng đã từng quyến rũ, đã từng chà xiết lên cặp môi đỏ mọng của vợ anh...
- Thật không ngờ... không ngờ! - Giọng Tòng ngân dài ra - Đúng vậy ai mà ngờ cậu lại vào đây. Cái chốn này không phải dành cho cậu.
- Hẳn là phải dành cho anh?
- Ấy, cậu chớ vội vô ơn. Tớ vừa bảo với tay giám đốc trại giam, cậu là người tốt nhưng khờ dại. Cậu sáng tác văn học mà chả tâm lý chút nào. Hành động điên rồ của cậu bỏ nhà đi là xúc phạm tới cô ấy. Và... và xúc phạm với cả tôi nữa đấy - giọng Tòng gay gắt - hành động bỏ đi của cậu gây tai tiếng cho tôi, khiến dư luận hiểu lầm mối quan hệ chân thành giữa tôi với vợ chồng cậu. Vợ chồng đang ấm êm hạnh phúc, đùng một cái bỏ nhà đi để lao đầu vào cái chốn tù tội này. Bây giờ đã thấy khổ chưa. Khổ chưa?
- Thưa ông tôi biết rõ mình phải làm gì - Hoàng Đô rít lên - đã là một con người phải biết thế nào là vinh là nhục. Tôi có tội, tôi chịu tội trước pháp luật.
- Đã đành thế. Vì mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi đối với vợ chồng cậu, để dập tắt dư luận xấu về tôi, tôi sẽ xin cho cậu được tư do nhưng với điều kiện cậu phải về sống chung với cô ấy. Không được ích kỷ. Là đàn ông phải đại lượng. Phụ nữ thời này họ thích bay nhảy. Cậu tối ngày lao đầu vào viết lách thì phải để cô ấy tự do một chút chứ? Chiều vợ là đức tính vô cùng quý ở người đàn ông. Đây! Quà của cậu đây - Tòng nhấp nháy cặp mắt đặt lên một cây thuốc thơm và một gói quà vuông vắn lên bàn.
- Cám ơn ông! Tôi bỏ thuốc.
Hoàng Đô đứng vụt dậy lao qua cửa.
- Vẫn còn thời gian! - Người quản trại chờ sẵn ngoài cửa đuổi theo anh vắn véo.
- Cảm ơn! Tôi đã được gặp ông ta - vừa nói dứt câu Hoàng Đô đã nhận ra hai mẹ con Thu Nga từ ngoài cổng trại bước vào.
- Tôi xin ông cho tôi về phòng ngay. Tôi bị mệt. Nếu có ai.. có ai đăng ký gặp tôi, xin ông nói rằng tôi không muốn gặp bất kỳ ai trong lúc này - Đô nói rồi vội vã chạy về phòng giam.
- Không kiếm chác được gì à? - Vừa bước vào phòng, anh đã bị cánh phạm vặn hỏi đủ điều.
- Chắc lại liếm hết rồi chứ gì?
- Này lão già! Nói cho mà biết, đã vào đây là không ăn mảnh một mình. Liệu đấy!
- Các ông thông cảm, tôi không có quà thật mà.
- Mẹ kiếp! Đến đây không có "quả tắc"  thì đến ngửi cứt à?
Cánh cửa phòng giam lại bật mở. Người quản trại bước vào đưa cho anh một lá thư và một túi bánh kẹo. Anh quẳng gói quà cho những kẻ đang hau háu nhìn anh đói khát.
Anh run rẩy bóc lá thư ra đọc:
"Anh thân yêu! Mẹ con em đến thăm anh. Em đã rõ hết mọi chuyện. Em tự hào và thấy hạnh phúc bởi trên đời này chỉ có mình em hiểu anh. Em hiểu cả sự im lặng của anh. Em đã không cầm lòng muốn mời anh tới dự sinh nhật của cháu Nguyệt. Không ngờ anh lại gặp nạn. Trong chuyện này cả em và anh đều đã lầm lẫn, lầm lẫn một cách đáng tiếc.
Dù anh cố tình tránh xa em nhưng lúc nào tình cảm mẹ con em cũng ở bên anh.
Thu Nga!
TB: Em đã trao vòng cầu hôn cho cháu Nguyệt!."