CHƯƠNG 3

     ữa cơm sáng dọn ra. Không thấy thằng Đô về, Quất nhìn gương mặt vợ vẫn buồn rười rượi. Không hiểu đêm qua thằng Đô ngủ lang ở đâu. Cái thằng rõ mất dạy. Thế này là nó cố tình bêu riếu mình đây. Quất thấy tức giận thằng Đô, giận vợ, giận cả làng Nguyệt Hạ toàn những kẻ nhút nhát thấp hèn. Bây giờ thì Quất thấy cái tên Nguyệt Hạ cũng đúng với ý nghĩ của nó. Quất ăn qua loa rồi khoác túi lên xã. Đã thế Quất sẽ triệu tập những tay sừng sỏ ở làng  khác về. Cóc cần đến những ai ở làng này...
Quất rùng rùng đưa đội quân từ Uỷ ban xã về làng với đầy đủ xà beng, cuốc chim, dao búa lỉnh kỉnh. Điều làm Quất và đoàn quân đi phá đình ngỡ ngàng khi nhận ra khung cảnh náo động trên sân đình. Tiếng trống chuông rộn rã. Nhiều cụ già khú cũng lọc cọc chống gậy đến xem đánh cờ người. Hôm nay đâu phải là ngày hội đình? Quất thấy nóng ran cả người nhận ra mụ Nghĩa, mẹ cái Nga và mụ Bông, mẹ thằng Bức, con dâu lão Kình hôm nay lại được ngồi chỗm chệ trên bàn cờ tướng che lọng hồng có người hầu quạt. Đầu tướng đội nói ba tầm, chân đi hài mũi nhọn cong tít, mình mặc áo mớ ba (ba áo dài: trong áo đỏ, giữa áo xanh, ngoài áo lụa đen). Trên sân cờ là những chàng trai cô gái mười bốn mười lăm tuổi đứng làm quân. Con trai làm quân trắng đội ô trắng, trong mặc áo trắng, ngoài mặc áo đên áo chùng nâu, quần đen, đội khăn nhiễu, chân đi miệt đỏ. Quất chợt gai người nhận ra lão Kình tay cầm gậy múa may loạn bên cạnh lão Đăng hối hả đánh trống. Trong đình lão Kẹo mặc quần áo dài đỏ thẫm, đeo râu trắng phớ dài tới ngực, tay chống gậy hát: "í a í a - nay làng có giặc - í a í a - ta truyền lại cho các cháu lời ngọc của tổ tiên - a í a... " Quất sững người nhận ra cả thằng Đô và cái Nga từ trong hậu cung chạy ra. Cái Nga mặc áo đỏ thắt dải lụa xanh, thằng Đô hông thắt lụa đỏ mặc áo xanh. Cả hai đứa quỳ xuống trước mặt lão Kẹo tay dâng thanh gươm mắt đăm đăm ngước lên tượng thành hoàng cao giọng hát: "í a í a - chúng con lớp lớp cháu con à a nguyện suốt đời xứng danh đức hạnh theo lời tổ tiên... Bung, bung bung... bung bung...."
Lão Kẹo vừa thoáng nhìn thấy Quất, liền vồ lấy chiếc trống kẹp vào đùi gõ liên tiếp. Mẹ kiếp, cả làng này nó đang đóng kịch. Đúng là nó đáng vờ đóng kịch để chống đối chủ trương phá đình của xã. Lại trò lão Kẹo bày đặt ra lôi cả trẻ con vào cuộc. Lần này phải trị cho lão Kẹo một trận, lôi lão lên Uỷ ban cho lão chừa thói thâm thù nho nhe của lão. Ai cho lão tập trung tập diễn chèo giữa ban ngày làm ảnh hưởng tới sản xuất. Hôm nay đâu phải hội đình. Quất đưa mắt quan sát không có một đảng viên nào ở làng Nguyệt Hạ có mặt ở đây. Mấy dân quân trong đội xung kích đứng ngây như thể đi xem hát chứ không phải đi làm nhiệm vụ mà Quất quán triệt. Quất lừ mắt gườm gườm ra hiệu cho đội quân của mình lấy lại dũng khí. Các cụ ông cụ bà ăn vận quần áo tế lễ từ nãy vẫn ngồi trên sập gụ lúc này mới đứng cả dậy bê mâm quả trên thạp đồng đặt lên bàn thờ, tượng thành hoàng. Hương trầm đốt lên cùng một lúc, khói nhang bay nghi ngút. Nhìn cảnh tượng uy nghiêm kẻ vô thần như Ngô Quất cũng phải gai gai người. Quất ngước mắt nhìn lên vóm mái mênh mông với những hàng cột lim tròn đen nhánh vững chắc và kiên cố. Trên các cột cái đều treo hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Trên các bửng cốn rường trụ, câu đầu đều được chạm trổ theo lối cổ đủ mọi hình thù kỳ dị, Quất không tài nào hiểu được ý nghĩa của nó.
Qua hình thù các con vật, Quất chỉ nhận biết kia là những con rồng phượng có cái mình dài cong lượn và những chiếc vây xếp vào nhau. Con dơi có hai cánh dang ra và cái đầu nhỏ tý, con hươu thì có cặp sừng cong tít. Và sự lạ lùng đối với Quất là tại sao các cụ lại khắc lên các bửng cốn cảnh con người đang giao cấu với nhau rõ thô tục...
Tiếng trống chèo lung bung làm đầu óc Quất cứ ong ong. Quất  đứng lặng một lúc trấn tĩnh để lấy lại tư thế, nháy mắt một lần nữa với đồng đội.
- Tất cả im lặng! Im lặng nghe tôi nói!
Quất hét lên nhưng thái độ mọi người vẫn đầy vẻ thản nhiên. Mấy cụ già ngồi trên sập gụ vẫn vái lia lịa. Lão Kẹo khua trống càng mạnh. Tiếng hát của cái Nga và thằng Đô càng hăng say. Ngôi đình như rung lên.
- Tất... tất... cả - im lặng! - Tiếng Quất chìm trong không gian huyên náo. Mặt Quất nóng ran, tức tối giật lấy khẩu súng trên vai của một dân quân quát lớn.
- Bắt trói lão Kẹo lại - Quất hối hả chạy ra cửa đình bắn ba phát chỉ thiên. Tiếng súng vang lên: Sân cờ nháo nhác.
- Tất cả im lặng, im lặng nghe tôi nói - Quất lật túi bạt lấy tờ quyết định của Uỷ ban đưa lên trịnh trọng đọc rõ.
Uỷ ban nhân dân xã.... Huyện...tỉnh....
Thực hiện tốt chủ trương chống tư tưởng phong kiến và mê tín dị đoan trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá nghệ thuật quần chúng của xã nhà. Nếu ai cố tình chống đối sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ngày.........tháng........năm........
Chủ tịch: Nguyễn Cường
Quất đọc một mạch tờ quyết định rồi khẽ đưa mắt lên nhìn mọi người, bắt gặp mọi ánh mắt căm giận đang đổ dồn về phía Quất.
- Hôm nay không phải ngày hội - Quất hét lên lấy uy thế - đề nghị bà con giải  tán. Ai thắc mắc gì lên xã giải quyết - Quất nhét vội tờ quyết định vào túi, xông xuống bàn cờ tướng giật lấy chiếc nón ba tầm trên đầu mẹ cái Nga, quát.
- Chị muốn làm tướng lãnh đạo cả làng này nổi loạn hả. Mời chị lên Uỷ ban xã.
- Anh Quất - Mẹ cái Nga bình thản nhổ miếng bã trầu xuống sân, lấy gót miết xuống nền gạch, liếc cặp mắt sắc lạnh nhìn Quất - Anh là rể làng này, tôi khuyên anh nên ăn ở cho làng kính trọng. Chả lẽ anh lại cấm cả dân làng đánh cờ sao? Tôi chỉ làm tướng trên bàn cờ nên tôi chịu anh. Tôi mà làm tướng thật thì tôi đã lệnh cho chém đầu anh từ lâu rồi.
- A, chị này láo nhỉ? Dám chống đối lại người thi hành nhiệm vụ. Dân quân đâu, bắt trói chị ta lại.
Hai dân quân được lệnh của Quất xông vào trói mẹ cái Nga lôi ra khỏi bàn cờ tướng. Trong đình lão Kẹo đã bị trói giật cánh khuỷu tay, chân lão bước loạng choạng ra cửa đình, miệng lão vẫn hét lên: "Í a - làng này có giặc í a có giặc". Lão Kình vung gậy múa loạn xạ. Trống lại dậy lên liên hồi, sân đình người nhớn nháo. Những chàng trai cô gái cầm ô đứng ngơ ngác trên sân cờ nhìn nhau. Một cơn gió lộng lên thổi tung những chiếc lọng hồng, những chiếc ô trắng ô đen chao đảo. Mẹ cái Nga vừa bị bắt, một bà lão nhảy lên bàn tường ngồi chễm chệ nhai trầu vung tay ra hiệu cho quân cờ hãy đứng vào vị trí của mình. Tiếng trống vẫn dồn dập. Bất chợt có tiếng thét thất thanh. Cả sân đình bỗng lặng đi. Vợ Quất từ cổng đình lao vào xoã tóc rũ rượi leo lên bậc tam cấp ngửa mặt lên trời chắp hai tay vái lia lịa miệng lắp bắp.
- Con lạy ông trời cao đất dày, con lạy thánh thần linh thiêng hãy ngăn cản chồng con đừng làm điều ác. Bớ anh Quất ơi là anh Quất, tôi lấy anh tôi cứ tưởng anh thương tôi, thương bà con làng Nguyệt ai ngờ anh lại là kẻ dẫn người về phá đình làng.
Quất đứng trơ giữa đình, uất giận về thái độ điên cuồng của vợ. Quất không ngờ người chống đối quyết liệt nhất lại chính là vợ mình. Hành động của vợ làm Quất giận sôi lên vì mất thể diện trước dân Nguyệt Hạ. Một lần nữa, Quất lại muốn tỏ thái độ cứng rắn trước mọi người. Ngô Quất này không bao giờ làm nhụt chí khí, Ngô Quất không bao giờ để mất lập trường cách mạng. Quất giật lấy chiếc xà beng trong tay đồng đội, nhảy phốc lên cổng đình. Vòm cổng đình uốn con nối giữa hai trụ là một phiến đá xanh khắc chữ hán nôm "Đình Nguyệt Hạ" Quất lấy sức lao thật lực chiếc xà beng vào vòm cổng..
- Đừng! Đừng làm thế... Anh Quất! - Vợ Quất thét lên lao từ trên bậc tam cấp ngã úp mặt xuống sân đình, một dòng máu đỏ tươi từ miệng vợ Quất ứa ra. Mọi người xô lại kinh hoàng nhận ra đôi mắt của vợ Quất trợn trừng trắng dã vô hồn.
- Quất! Mày giết vợ mày, giết con mày rồi...
Quất nghe tiếng ai đó thét lên. Quất từ vòm cổng đình nhảy xuống lao tới ôm xốc vợ lên vai chạy.
- Ôi dượng ơi! Thật là ác, dượng đã giết mẹ tôi rồi. Dượng giết mẹ tôi rồi.
Thằng Đô vừa khóc vừa chạy theo Quất. Tiếng trống lặng đi, làng Nguyệt Hạ lặng đi, chỉ có nắng vẫn chói chang và bầu trời vẫn xanh ngắt.

 

Bé Hà vào tuổi cắp sách đi học, Hoàng Đô đã mười chín tuổi, bé Hà tuy cùng mẹ khác cha nhưng Đô lại dành cho đứa em gái cùng mẹ khác cha tình cảm đặc biệt yêu quý. Đô hiểu rõ nỗi buồn của bé Hà sớm mồ côi mẹ bằng chính nỗi buồn của anh sớm mồ côi bố từ nhỏ. Chính cái chết khủng khiếp của mẹ Đô, ngôi đình Nguyệt Hạ mới được giữ toàn vẹn cho tới ngày nay. Cũng chính từ cái chết đó của mẹ Đô, ngôi đình làng mới trở lên linh thiêng hơn. Xung quanh cái chết của bà, người làng Nguyệt Hạ tung ra bao nhiêu chuyện. Người bảo thành hoàng trừng trị Ngô Quất dám đưa quân về phá đình. Người lại bảo mẹ Đô đổi mạng sống của mình để ngăn chặn tội ác của chồng để cứu cả dân làng Nguyệt Hạ khỏi lâm vào thảm hoạ. Người lại bảo mẹ Đô qúa kinh hoàng về hành động của chồng... Ngày mới sinh, bé Hà được nuôi sống bằng sữa dì, em ruột của mẹ Đô và bằng tình thương của cả dân làng Nguyệt Hạ. Bé Hà càng lớn càng giống mẹ như đúc: mắt đen đượm buồn, nét buồn bẩm sinh ngay từ ngày còn nằm trong bụng mẹ. Cũng từ cái chết của mẹ, dượng Quất cũng thay đổi tính nết, bớt hung hăng và thực sự quý mến hai anh em Đô. Xuất phát từ lòng thương bé Hà, Hoàng Đô cư xử với dượng Quất tế nhị hơn, chịu đựng hơn. Đúng ra anh thương hại dượng Quất hơn là kính trọng. Hoàng Đô sớm nhận ra trên đời này chỉ có bé Hà là tình cảm ruột thịt duy nhất, còn Nga là người bạn gái láng giềng lại cực kỳ đẹp đẽ, trong sáng. Từ mấy tháng nay Hoàng Đô giành thời gian, giấu dượng Quất viết xong một hoạt cảnh chèo dựa theo câu chuyện truyền thuyết về làng Nguyệt Hạ để chuẩn bị cho hội diễn chèo toàn huyện thay cho hoạt cảnh "cánh bèo dâu" của dượng Quất.
Hoàng Đô nằm dài trên giường chăm chú đọc lại kịch bản chèo lần cuối để tối nay anh sẽ mang sang cho Nga đọc. Có tiếng chân dượng Quất bước vào cửa, Hoàng Đô vội giấu tập bản thảo xuống chiếu. Dượng Quất từ trên huyện về vai vác cây đàn ghi ta mới mua.
- Ha ha, còn ít quỹ tôi sắm cho các anh cây đàn ghi ta. Các anh chịu khó tập rồi dạy cả tôi nữa đấy. Cán bộ văn hoá mà không biết đánh đàn thì xoàng - Dượng nói rồi ngoắc chiếc túi bạt vào cột đưa ngón tay gẩy một cái rõ mạnh lên cả sáu dây đàn. Chiếc đàn rung lên cả sáu âm trầm bổng -Hà hà hay đấy chứ nhỉ. Trên phố huyện bây giờ là nó chơi toàn nhạc cụ mới hiện đại mà mình cứ ôm khư khư mãi cái nhị kò ke kí ke nghe buồn như có đám ma, mất cả khí thế.
- Con nghĩ tập được ghi ta càng tốt, nhưng làng mình là đất chèo truyền thống...
- Xì, anh trẻ mà lạc hậu hơn ông già. Thời đại văn minh lại cứ truyền thông mãi. Thế cái hoạt cảnh "Cánh bèo dâu" của tôi các anh tiến hành tập đến đâu rồi?
- Dạ còn thiếu vai bà Cần, cô Nghĩa không chịu nhận.
- Mụ Nghĩa là hay sinh chuyện, tao biết. Rõ dở hơi, đi hát không sướng lại sướng đi vác đất. Mày không thấy người ta đi cầy, đi cuốc được mười điểm, chúng mày đi hát được tám điểm chả sướng hơn sao. Thôi được, tao sẽ có cách. Nếu mụ ấy không nhận vai tao sẽ điều mụ ta đi dân công dài hạn. Ngữ ấy vác đất vài tuần là biết ngay.
Dượng Quất vừa nói vừa cầm lấy cây đàn ghi ta đặt vào lòng gẩy lên mấy tiếng rồi ngượng ngùng đưa những ngón tay sần sùi mò mẫm bấm lung tung lên các phím đàn tạo ra những âm thanh rối loạn.
- Mày nghe âm của nó kêu to đấy chứ hả?
Gương mặt bé choắt gân guốc đen xạm của dượng Quất ánh lên niềm vui bên cây đàn ghi ta bóng loáng.
Cơm tối xong. Đô nhét tập bản thảo vào bụng chuẩn bị sang nhà Nga. Đô muốn chia sẻ niềm vui này cho Nga. Nga sẽ đóng vai công chúa Nguyệt Cầm, anh sẽ giả đóng vai chàng trai thả diều... Đô mơ ước tới ngày nào Nga sẽ trao vòng cho anh...
- Anh Đô, cho em đi với.
- Hà phải ở nhà học bài - Đô ghé sát vào tai em gái. Tối nay anh sẽ có việc riêng không thể cho em đi được.
- À, em biết rồi, anh đi với chị Nga...
Bé Hà ngúng nguẩy chạy vòng quanh sân cười rúc rích. Như mọi tối tập văn nghệ. Đô thường cho bé Hà đi theo, nhưng tối nay vì anh muốn được ngồi với Nga... đọc bản thảo này Nga sẽ hiểu rõ lòng anh hơn. Anh yêu Nga, từ lâu lắm rồi. Hình bóng Nga chính là nàng công chúa Nguyệt Cầm. Nhưng điều làm cho Đô day dứt vì yêu mà chưa bao giờ Đô dám nói cho Nga biết những ý nghĩ sâu kín của mình. Nga thật gần gũi mà cũng xa vời quá. Nga cũng là nàng công chúa Nguyệt Cầm và anh chỉ là chàng nông dân nghèo. Nga đẹp quá. Ánh mắt Nga đen thăm thẳm, nụ cười sáng rực trên khuôn mặt thanh tú. Nga chỉ mặc đơn giản chiếc áo nâu Đô cũng thấy đẹp. Vẻ đẹp của dáng hình Nga như có phép màu hiện lên từ những động tác Nga khẽ vuốt tóc hay đôi môi khẽ mấp máy cười. Và lúc Đô nhận ra vẻ đẹp của Nga ở hàng cúc áo tròn tròn xinh xinh trước ngực, hay trước cặp tóc sáng lấp lánh trên mái tóc đen nhánh. Nga giống như con chim ríu rít quanh anh nhưng anh chỉ được nghe hót chứ chưa dám bắt. Anh giữ gìn nương nhẹ với Nga và tin tưởng rằng Nga là con chim hoạ mi anh đã nuôi từ lâu lắm.
Đô rạo rực đi trên đường làng. Sao đầy trời vời vợi, gió lao xao bên luỹ tre bên lối ngõ nhà Nga. Vào tới cổng, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng làm Đô xúc động, đó là thân cây cau cao vút đơn độc trước cửa nhà Nga. Đô lại linh cảm đó là hình ảnh của cô Nghĩa, mẹ Nga - Một người mẹ vừa nhân hậu, cô đơn, vừa khổ đau mà bền vững lạ thường. Từ chiếc ang sành đặt dưới gốc cau để hứng nước mưa, Đô nhận thấy có lẽ nó có từ lâu lắm rồi. Nó ở đấy và mãi mãi ở đấy... Đã bao lần Đô đứng bên ang nước mưa dưới thân cau này để nhìn Nga mà không dám gọi. Chẳng có lý do gì mà gọi. Đô chỉ cần thấy bóng Nga thấp thoáng qua ô cửa hoặc nghe tiếng Nga hát. Tiếng hát của Nga thì mãi mãi còn âm vang trong lòng Đô....
Và lúc này Đô đã đứng bên ang nước mưa. Hương cau ngan ngát và trăm ngàn ngôi sao trời nhấp nháy ánh lên niềm vui. Đô đã đứng một lúc mà vẫn không thấy bóng Nga đâu. Bên ngọn đèn, mẹ Nga đang mài dao đầu hè. Tiếng dao liếc xoèn xoẹt vang lên trong đêm tối nghe rờn rợn. Cách mài dao của mẹ Nga thật lạ, lúc hối hả lúc hững hờ, có lẽ vừa mài dao mẹ Nga vừa suy nghĩ điều gì đó thỉnh thoảng lại đưa lưỡi dao sáng loáng lên trước ngọn đèn dầu rồi lại hí hoáy mài một cách nhẫn nại. Hình ảnh mẹ Nga ngồi mài dao trong đêm tối cũng giống như dáng dấp của mẹ Đô xưa. Từ ngày mẹ mất, Đô luôn tưởng tượng ra hình bóng mẹ tối tối vong vóng ngồi trước cửa chờ Đô đi thả diều về. Đôi lần Đô mơ thấy cảnh mẹ chết ngã sấp mặt xuống sân đình máu ứa ra miệng. Tiếng mài dao xoèn xoẹt của mẹ Nga làm Đô bỗng thấy sợ. Chờ mãi không nghe tiếng Nga, Đô mạnh dạn bước vào.
- Cháu chào cô. Thưa cô, có Nga ở nhà không ạ?
- Hoá ra là anh! Anh làm tôi cứ ngỡ có đứa nào rình rập gì. Cái Nga nó đi so điểm.
- Vậy là cô mài dao để doạ trộm?
- Cũng không hẳn thế. Rỗi thì mài, thế thôi. Có mấy con dao cứ mài đi mài lại hết con này đến con khác. Các cậu thì chả hiểu được đâu. Nhà đàn bà con gái đôi khi phải thế. Hồi tôi còn trẻ. Có thế tôi mới đứng vững đến bây giờ chứ không thì cũng bước đi bước nữa như mẹ cậu - Mẹ Nga khẽ liếc mắt nhìn Đô - ấy là tôi nói cái chuyện ngày xưa. Cậu tính cái thân tôi bây giờ chẳng cần mài dao cũng chả có ma nào nó ngó nữa. Bây giờ tôi mài dao vì con Nga. Ở đời tài sắc là hay gặp nạn "chữ tài đi với chữ tai..." mà cậu. Cậu trông đây - mẹ Nga đưa lưỡi dao lật đi lật lại trước ngọn đèn - sợ không? Sắc như nước. Liều lên là phăng một nhát. Phận đàn bà chân yếu tay mềm phải phòng thân, cậu hiểu chưa. Mời cậu uống nước đi.
Đô ớn lạnh, anh nhìn lên gương mặt người đàn bà vào tuổi bốn mươi vẫn lưu lại vẻ đẹp của thời con gái. Ngày xưa chắc cô Nghĩa cũng đẹp như Nga bây giờ.
- Cô quá lo xa, bây giờ đâu còn như ngày xưa.
- Ôi, cậu mới vào đời còn nông nổi lắm. Con Nga cũng nghĩ như cậu. Thời nào mà chả thế. Con gái lỡ một tý là khổ một đời, cậu ạ. Tôi cứ suy đời mình ra thì thấy. Hồi trẻ nhìn điều gì cũng giản đơn dễ xúc động, năm mười tám tuổi tôi trao vòng cho bố con Nga, cậu biết tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ mình là người hạnh phúc nhất thế gian này. Thế rồi đùng một cái mất hết tất cả. Và bây giờ thì tôi còn mỗi mình con Nga. Trời cho tôi còn sống, con Nga phải được sung sướng. Đời tôi bây giờ coi như bỏ nhưng con Nga có quyền được hưởng hạnh phúc trên cõi đời này. Tôi cho nó vào đội văn nghệ bởi nó thích hát và bản thân tôi cũng thích được nghe nó hát. Mỗi lần tôi nghe nó hát là mọi chuyện đều tốt đẹp.
Ánh mắt mẹ Nga chợt rực sáng nhìn Đô như muốn nói với Đô điều gì đó nhưng lại thôi. Mẹ Nga ngồi thẫn thờ một lúc lật đi lật lại lưỡi dao sáng loáng trước ngọn đèn dầu, nét mặt trở nên u uất nghĩ ngợi về điều gì đó. Và câu hỏi bất ngờ làm Đô lặng người.
- Tôi hỏi thật cậu, có phải cậu với nó đã tìm hiểu nhau.
- Dạ... dạ. Không! - Đô ấp úng nói không ra lời.
- Ra thế... thế mà tôi ngỡ.... Vậy cậu có biết cậu Bức cháu ông Kình cũng đang săn đón con Nga?
- Thế ạ, vậy mà cháu không hề biết.
Đô nói như hụt hơi, mặt tái đi. Mẹ Nga lại cầm con dao gạt trên hòn đá mài mắt lơ đãng nhìn ra khoảng trời đêm mênh mông. Một thân cau lờ mờ đơn độc cao vút.
- Thật kinh khủng, kinh khủng! - Mẹ Nga rít lên đau đớn - Hẳn là cậu đã biết chuyện giữa gia đình tôi và gia đình cậu Bức... Tôi lo cho con Nga, nó có nghĩ tới được điều đó không. Ông Kình bây giờ tuy đã câm nhưng cái đầu ông não còn sâu sắc lắm. Cứ nhìn vào đôi mắt lúc nào cũng ánh lên nỗi căm giận, tôi đoán chắc ông lão chưa hẳn đã câm thật.
Câu chuyện của mẹ Nga gợi lại cái chết thảm thương oan nghiệt của bố thằng Bức và bố Nga hồi cải cách làm Đô rợn người. Đô nhớ lại cảnh bố Nga và ông Bất, ông Học bu vào sợi dây chão miệng hô "hai ba" lấy đà giật mạnh một cái thật lực, ngọn tre đực bật lên, chiếc thòng lọng xiết vào cổ bố Bức...
- Anh muốn gặp con Nga có việc gì?
- Dạ... Dạ cháu vừa viết xong hoạt cảnh chèo.
- Dào ơi! Tôi chán kiểu tự biên như cái loạt cảnh "Cánh bèo dâu" của dượng Quất anh lắm rồi. Anh về anh bảo dượng anh là từ nay tôi xin ra khỏi đội chèo dàng Nguyệt.
- Cô Nghĩa, cháu xin cô, cô hãy giúp cháu qua hội diễn năm nay. Nhân tiện cháu bàn luôn với cô chuyện này.
Đô đưa tập bản thảo ra trước mặt mẹ Nga với vẻ háo hức:
- Cháu tin là cô sẽ bằng lòng giúp cháu khi cô đọc xong hoạt cảnh chèo này. Cháu có ý định muốn cho đội văn nghệ tập gấp để kịp đi hội diễn thay thế hoạt cảnh "Cánh bèo dâu", của dượng Quất.
- Dượng anh đã đồng ý thế à?
- Không cô ạ. Dượng cháu sẽ không bao giờ đồng ý cho tập vở của cháu. Nhưng chúng cháu sẽ cố giữ bí mật. Nghĩa là chúng cháu sẽ tập trộm vở để đối phó với dượng Quất....
Vừa lướt qua hàng chữ "Huyền thoại làng Nguyệt Hạ", ánh mắt mẹ Nga đã sáng lên.
- Có đúng là anh viết?
- Dạ, chính cháu viết đấy ạ.
Mẹ Nga như không tin lời Đô, cô lật từng trang đọc một cách say mê. Đô thấp thỏm ngồi theo dõi nét mặt mẹ Nga thoáng hồng lên trước ngọn đèn dầu vẻ xúc động. Từ ngày dượng Quất cho Đô vào đội văn nghệ, Đô đã học ở mẹ Nga bao điều sâu sắc tinh hoa có trong nghệ thuật chèo. Trên sân khấu chèo, Nga được về mọi mặt, sắc đẹp, diễn xuất và chất giọng. Không, không bao giờ Nga yêu Bức. Đô tự an ủi mình. Chả lẽ bao kỷ niệm đẹp giữa Đô và Nga hồi bé tới giờ Nga không nghĩ được rằng Đô đã yêu Nga? Nghĩ tới chuyện đó, Đô thấy người nóng ran, anh đứng dậy lững thững đi quanh sân. Mẹ Nga vẫn chăm chú đọc tập bản thảo.Có tiếng bước chân ngoài ngõ và tiếng Nga khe khẽ hát. Đô bước ra gốc cau đứng nép vào ang nước mưa. "Ơi! Các chị nhiều ơi... ơi các bạn tình ơi... chứ đời tôi không giăng gió nay gặp người gió giăng... Thời ai gió giăng..."
- Suỵt! Nga ơi - Đô khẽ gọi. Nga đứng sững lại, câu hát tắt lịm giữa chừng. Nhận ra Đô, Nga bước lại gần, Đô thấy xao động. Trời đầy sao lung linh. Hương cau lẫn hương tóc Nga phảng phất. Bao giờ cũng vậy. Gặp Nga, Đô cảm nhận thấy mọi cái đều trở nên rực rỡ mà không sao nói thành lời.
- Anh viết xong hoạt cảnh chèo "Huyền thoại Nguyệt Hạ". Mẹ đang đọc.
- Mời anh vào nhà uống nước
- Nga, anh muốn hỏi em chuyện này đã.
- Chuyện gì hả anh.
- Anh vừa nghe mẹ hỏi anh là có biết chuyện Bức và em...
- Vậy anh có biết không?
- Không, anh không hề biết...
- Ôi! Thế thì anh ngốc ơi là ngốc, hí hí - Vừa nói Nga vừa tóm lấy cổ tay Đô lôi tuột vào sân - Mẹ. Mẹ ơi, con vừa so điểm mẹ được bảy mươi năm công, con được một trăm mười công "Ơi các chị nhiều ơi - này các bạn tình ơi..."
Nga vừa hát khe khẽ vừa rót nước mời Đô. Câu nói lửng lơ của Nga làm Đô khó hiểu. Mãi mãi Nga vẫn còn là một bí ẩn.
- Thật là hay quá, ha yquá - Mày đọc đi, cậu Đô thật là giỏi, giỏi hơn cả cụ Kẹo. Tôi sẽ giúp cậu. Tôi mà biết cậu tài thế, tôi sẽ kể để cậu viết về chuyện "Đám cưới đôi" của ông nội câu và ông nội con Nga rồi chuyện cái chết của mẹ cậu nữa.
- Cám ơn cô, cháu cũng đã nghĩ tới chuyện đó, nhưng cháu ngại dượng Quất...
- Cậu đừng sợ. Những người như Ngô Quất cứ phải thế cho đáng đời. Về cái chết của mẹ cậu thì cậu đã biết. Còn cái đám cưới đôi ở đình làng thì cậu không thể biết được. Hay lắm con ạ.
- Cháu cũng đã nghe cụ Kình kể tỷ mỷ. Rồi cháu sẽ viết.
- Ừ, thế thì viết đi cháu ạ. Mọi người sẽ thích lắm đấy.
Trên đường từ nhà Nga về, Đô quyết định sẽ viết về cái chết của mẹ, viết về ông nội Nga, cả hai người đều là con nhà khá giả ở thành phố kết thân với nhau bởi cả hai đều có máu nghệ sĩ. Một người tài thơ phú, một người chuyên vẽ tranh bán. Đất trời thiên nhiên đã lôi cuốn cả hai chàng trai trốn bố mẹ xuống thuyền buôn đi khắp mọi nơi tìm cảm hứng nghệ thuật. Và cuối cùng hai chàng trai đã đi trên con thuyền buôn đá tới làng Nguyệt Hạ. Tục lệ cổ xưa của làng, gái trai lấy vợ lấy chồng đều phải mua mười viên đá tảng lát đường (loại đá xanh 40 cm x 40cm). Các cụ muốn các ngả đường của làng Nguyệt Hạ phải lát đá xanh chứ không thèm lát gạch như các làng khác. Bởi vậy nên làng Nguyệt Hạ mới có một bến đá bên dòng sông cái. Dân buôn không chỉ chở đá về bán riêng cho làng Nguyệt Hạ mà còn chở mọi thứ đồ khác về bán cho dân khắp mọi nơi trong vùng này: Nào cối đá, lon đá, chày đá, trục đá... Con người cảnh vật làng Nguyệt Hạ đã thực sự làm trái tim hai chàng trai trẻ ở thành phố rung động. Dòng sông cái mênh mang khói sương bảng lảng, văng vẳng tiếng sáo diều. Trên bờ đê thấp thoáng bóng dáng những thiên thần đang cưỡi trâu. Đồng cỏ xanh ngắt. Trên bến hai chú ngựa đứng trước cỗ xe nôn nóng gõ móng công cốc trên mặt đường đá. Những người khuân vác lưng trần bóng nhẫy hối hả khuân lên xe ngựa đủ thứ mặt hàng đồ đá. Hai chàng trai thành phố vào tới đầu làng Nguyệt Hạ sửng sốt khi nhìn thấy ngôi đình có một vẻ đẹp khác thường bởi lối kiến trúc rất đẹp. Đẹp lạ kỳ. Hai chàng trai đứng lặng trước dòng chữ "Đình Nguyệt Hạ" nổi lên trên phiến đá xanh đặt giữa vòm cổng. Mái đình cong, trên nóc, hai con rồng nằm uốn mình châu đầu vào nhau kiêu hãnh vểnh bộ râu cong tít, mắt tròn xoe lấp lánh màu nhũ. Ông thủ từ đầu đội khăn sếp, áo chùng thâm chân đi guốc đỏ đứng lấp ló bên khuôn cửa lim tím lịm. Ông thủ từ đã nhận ra dáng nho sĩ ở hai chàng trai lạ đang chăm chú đọc những câu đối trước cửa đình và những vần thơ trên bia đá. Và câu chuyện huyền thoại làng Nguyệt Hạ ông thủ từ kể đã thổi bùng trí tưởng tượng của chàng văn sĩ. Chàng đã viết không biết bao nhiêu vần thơ ca ngợi cảnh sắc, tình người làng Nguyệt Hạ. Chàng đã nói lên bao điều tốt đẹp ẩn chứa ý tứ sâu sắc kín đáo trong câu chuyện huyền thoại về tục lệ "trao vòng" của người làng Nguyệt Hạ. Chàng hoạ sĩ thì say mê vẽ không biết bao nhiêu bức tranh ở đây và đem đi rao bán khắp vùng lân cận. Và một nguyên nhân cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất giữ hai chàng trai thành phố ở lại làng Nguyệt Hạ suốt đời - đó là sắc đẹp mê hồn của hai cô gái làng Nguyệt Hạ. Giữa trời cao lồng lộng có hương thơm cỏ cây, có ánh mắt chị Hằng, có hơi thở của gió trên dòng sông Cái, hai cô gái đẹp nhất làng Nguyệt Hạ đã thề nguyền trao chiếc vòng gia truyền cho hai chàng trai thành phố lang thang. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất người trong làng Nguyệt Hạ được chứng kiến một "đám cưới đôi" tại sân đình do ông thủ từ thay mặt họ nhà trai đứng ra tổ chức. Tình thuỷ chung trọn vẹn của hai chàng trai thành phố tức là ông nội của Nga và ông nội Đô đã tô đậm thêm nét độc đáo về tục lệ trao vòng của dân Nguyệt Hạ.