CHƯƠNG 8

     ừ ngày Nga trốn về nhà mẹ đẻ, ngày nào lão Kình cũng hành hạ Bức và cả nhà bằng cách sau mỗi bữa ăn, ai ngồi đâu yên đấy nghe Bức trả lời những câu hỏi của lão Kình. Ngày nào cũng chỉ chừng ấy câu hỏi Bức đã trả lời thuộc làu làu. Lúc này ăn cơm xong buông bát đũa, lão Kình húng hắng ho, sửa giọng. Bức khoanh tay đứng trước mặt lão Kình.
- Bức! - Lão Kình cất giọng rõ oai.
- Dạ!
- Ai là người đẻ ra bố mày?
- Bẩm ông ạ. Ông là người đẻ ra bố con.
- Ai là người đẻ ra mày?
- Dạ bẩm ông bố con ạ.
- Bố mày là người thế nào?
- Bẩm ông, bố con là người vô cùng tốt.
- Thế bố mày đâu rồi?
- Bẩm ông bố con đã chết rồi ạ.
- Tại sao bố mày lại chết?
- Bẩm ông bố con bị treo cổ chết ạ.
- Đứa nào treo cổ bố mày?
- Bẩm ông, tay Lưỡng, tay Học, tay Bất.
- Tay Lưỡng là tay nào?
- Bẩm ông là bố cái Nga.
- Con Nga là ai?
- Bẩm ông, nó là vợ con.
- Nó đâu rồi.
- Bẩm nó về với mẹ nó rồi.
- Ai trị tội nó?
- Bẩm ông, con ạ.
- Bao giờ thì mày lôi nó về đây?
- Hôm nào nó khỏi ốm.
-....
-....
Những lúc này cả nhà cứ im thít không dám ho. Lão Kình hỏi xong, nước mắt nước dãi ứa ra, lão nằm vật ra giường, lúc ấy mọi người ai vào việc nấy theo guồng máy cuốn đi... vừa lặng lẽ vừa sôi sục.
Sáng nay Bức dậy sớm hơn mọi hôm, chạy ra đứng giữa sân vươn vai mấy cái rồi hằm hằm đi tìm dao.
- Có ai biết con dao ở đâu không? - Bức hét toáng lên. Bức tìm thấy con dao trong góc nhà. Mẹ kiếp, chuyến này thì ông giết, ông giết. Bức vác dao ra bụi tre sau nhà chặt ba chiếc roi tre giống như ba chiếc vọt cày. Bức vác roi về, giơ thẳng cánh vụt đen đét vào chiếc cối đá thủng ở góc sân để thử độ dẻo của chiếc roi. Bức để ý thấy lão Kình mỉm cười, vợ chồng anh cả, anh thứ rì rầm với nhau câu gì đó. Bức cầm ba chiếc roi vào nhà dựng trong góc buồng, rồi chạy sang nhà vợ, Nga vừa ngủ dậy đã thấy Bức sừng sững ở cửa.
- Đi về
Bức nói và nắm chặt lấy tay Nga lôi tuột ra ngõ.
- Về đi con.
Mẹ Nga an ủi.
Nga lặng lẽ bước theo chồng. Những giọt nắng sớm chiếu le lói trên những bờ dậu ướt đẫm sương đêm. Vừa thoáng thấy bóng anh cả bước ra sân, Bức túm lấy tóc Nga, miệng hét toáng lên, hai chân dậm bành bạch.
- Đồ mất dạy. Hôm nay thì tao phanh thây xé xác mày ra - Bức vừa hét, vừa túm tóc Nga lôi tuột vào trong buồng đóng sập cửa lại. Bức dang cả hai tay ôm chầm lấy Nga hôn tới tấp lên môi lên má Nga.
- Nga ơi đừng sợ - Bức khẽ thì thầm vào tai Nga. Anh yêu em. Anh nhớ em vô cùng. Đừng bỏ anh - Bức nói nhanh, đưa tay đẩy Nga ngã vật gia giường. Bức vớ vội lấy chiếc roi trong buồng hung hăng quất lia lịa xuống nền nhà.
- Này thì mày chết, mày chết... Nay thì tao sẽ tuốt xác mày ra trăm mảnh - Bức vừa chửi vừa ghé sát vào tai Nga thì thầm - Kêu lên đi, kêu to lên, mày còn gan lì hả, tao sẽ cho mày biết tay - Bức nhảy xô lên giường ôm ghì lấy Nga. Bức vừa hôn vừa cầm roi vụt bồm bộp vào đống chăn.
Nga bật khóc. Nga khóc thực sự chứ không phải giả vờ. Nga khóc rống lên đau đớn xót thương thân phận mình và xót thương cho cả thân phận khốn cùng của chồng. Bất thình lình Bức túm lấy áo Nga xé toạc ra rồi đưa tay vò cho tóc Nga xù lên rồi lao ra cửa. Nga nhìn theo bóng chồng ngả nghiêng đi về phía cửa bếp.
- Các anh thấy đấy - Giọng Bức vang lên. Tôi vừa tẩn cho nó một trận ra trò.
Có tiếng chân bước uỳnh uỵnh ngoài ngõ và tiếng trẻ con léo nhéo. Ngô Quất bước lập cập, mắt hằm hằm tay vung dao hung hăng tiến vào đứng giữa sân cao giọng.
- Anh em nhà thằng Bức đâu, ra tao hỏi.
Cả nhà lão Kình ngấp ngó nhìn Ngô Quất lo ngại.
- Ông cần gì? - Anh cả bước tới gần Ngô Quất, hỏi.
- Tao cần xin tý tiết đứa nào đánh con Nga.
- Này ông Quất! Ông là cái thá gì mà chõ mõm vào việc riêng nhà tôi. Tôi nói để ông biết, thằng Bức nó có quyền dạy vợ nó. Rõ dơ chửa.
- Mẹ chúng mày! Một lũ khốn kiếp. Chúng mày đánh lừa ông. Lão Kình đánh lừa ông - Ngô Quất xông vào cửa. Ba anh em Bức lao theo. Ngô Quất quay người chém phập một nhát dao vào giữa ngưỡng cửa.
- Thằng nào bước vào đây ông chém mất đầu.
Nga hoảng hốt lao ra ôm lấy Ngô Quất.
- Con lạy bác, con van bác. Bác để mặc họ, bác đừng làm điều gì tội lỗi mà khổ. Bác cứ về đi.
Ngô Quất đứng sững, ngỡ ngàng nhìn Nga.
- Nga ơi, Bác... bác có tội với con, có tội với thằng Đô nhà bác nhiều lắm.
Bác thấy chúng nó hành hạ con làm bác càng đau khổ ân hận. Bác không thể ngồi yên để nó đánh con. Nga, hãy nghe lời bác, về với thằng Đô. Thằng đô nó vẫn còn thương con. Bác và thằng Đô sẽ trả món nợ to lớn này cho con.
Lão Kình bỗng cười khùng khục. Vừa cười lão vừa ho, đưa tay chùi nước dãi.
- Anh Quất, anh định bỏ tiền ra mua lại con Nga cho thằng Đô đấy à?  Lão lại cười, tiếng cười đầy thoả mãn và mỉa mai. Thằng Đô nhà anh mà phải chịu dùng của thừa sao?
- Ừ đấy - Quất đáp - thằng Đô vẫn thương yêu con Nga, chúng nó yêu nhau từ lâu rồi.
- Thế bây giờ anh có bao nhiêu tiền?
- Đúng bảy trăm đồng mà ông đã đưa cho tôi. Tôi sẽ trả lại hết số tiền ấy.
- Anh Quất! Tôi đã dạy khôn cho anh mà xem anh chẳng khôn ra tý nào - Lão Kình lại cười rũ. Vừa cười lão vừa đưa tay quẹt ngang miệng - Tới giờ phút này tôi vẫn thấy anh là thằng ngu anh Quất ạ. Suốt đời ngu. Tôi nói để anh biết nhá. Lúc anh có chiếc vòng cầu hôn của con Nga, anh bán cho tôi bảy trăm đồng đó là quyền của anh. Bây giờ thằng Bức nhà tôi có con Nga, nó có bán hay không bán, bán bao nhiêu là quyền của nó. Anh thấy tôi nói thế có chí phải không nào.
- Vậy ông cần bao nhiêu?
- Gấp mười lần.
- Đồ đểu.
Ngô Quất giật con dao bầm sâu trên ngưỡng cửa vung lên doạ.
- Chúng mày hãy liệu hồn đấy. Tao mà thấy chúng mày hành hạ con Nga nữa tao chém, tao chém, chém, chém...
Ngô Quất thất thểu bước ra ngõ. Tụi trẻ con lại rúc rích cười khùng khục. Bức ngẩn ngơ đứng giữa sân như người mất hồn. Mụ Bông bế thốc lấy đứa cháu từ trên tay chị dâu cả. Chị dâu cả ngả cái mâm tre cao lênh khênh giữa nhà dọn bữa cơm sáng. Anh cả ngửa cổ lên trời, tay cầm ca nước súc miệng sòng sọc. Nga lúc này mới nhận ra chính mình cũng đứng ngây ra với cánh tay áo rách toạc tới nách, đầu tóc rũ rượi như con điên. Nga chạy vào buồng. Bức chạy theo ôm ghì lấy vợ.
- Nga! Hãy nghe tôi đừng bỏ đi đâu hết. Hãy ở lại đây với tôi. Tôi xin...

 

Mụ Bông hồi này trông trẻ ra. Mụ may thêm chiếc áo cánh trắng và đem nhuộm gụ chiếc áo cũ. Hễ trời nắng to, mụ lại đem ra phơi sợ bị mốc. Mụ cẩn thẩn làm hai chiếc mắc áo bằng tre để treo cho khỏi nhăn, mỗi lần phơi áo, mụ chỉ việc đem ra ngoắc vào dây phơi rồi đứng một lúc ngắm hai chiếc áo khẽ đong đưa theo gió. Mọi người cứ ngỡ mụ mới may được những hai chiếc áo mới. Thằng cu con anh cả Lạnh rỉ tai mẹ nó "bà nội có nhiều áo đẹp, diện hơn cả mẹ". Chính vì cái lẽ mụ hay chăm chút áo quần, hay ngắm nghía bóng mình bên cầu ao, hay làm duyên trong vại nước mưa khiến mọi người cho rằng hồi này mụ chểnh mảng công việc. Thực ra mụ thấy mình vẫn làm mọi việc như xưa, thậm chí còn hào hứng hơn xưa. Từ việc đồng áng, chợ búa chi tiêu ba cái đồng rau mắm có đáng gì. Những công việc đã quá quen thuộc lặp đi lặp lại suốt cả cuộc đời mụ về làm dâu nhà này. Nhà này đã quen nếp sắp đặt của lão Kình từ xa xưa. Đàn bà chỉ lo việc đồng ruộng cơm nước bèo cám lợn gà, còn đàn ông mới là người lo việc lớn. Việc gia tiên đại sự đàn bà đừng có mà nhúng vào. Mụ Bông đang kiễng chân treo hai chiếc áo rõ cao lên dây phơi cho chó khỏi nhẩy lên đớp thì thấy ba người con trai của mụ cùng tay Thước thợ mộc luỵch uỵch khênh về hai cỗ ván sơn đỏ chót. Hai cỗ ván được đặt sang trọng ở hai đầu giường vợ chồng lão Kình.
- Hai cụ đã sướng chưa nào? - Anh cả Lạnh nói - Toàn gỗ lim đấy nhá! Cứ gọi là đến lúc sang cát cũng còn tốt.
- Mày lại tính tới ngày đào lên còn dùng được khối việc chứ gì. Tao biết thừa - Lão Kình nói - Muốn làm gì thì làm nhưng đem làm cầu tiêu hay ghép chuồng lợn là ông về ông bóp cổ chết.
- Cụ yên chí, cháu mang về đóng cho thằng cu nhà cháu chiếc giường, cứ gọi là tuyệt vời. Thằng cu nhà cháu nó quý hai cụ lắm đấy.
- Thế thì được - Lão Kình nói, giọng nói lão hồi này nghe đã yếu đi nhiều, đôi môi khô sần run rẩy - Chúng mày phải nhớ chôn tao ở cạnh mộ bố chúng mày. Đám ma phải có trống cà rùng. Bố chúng mày đã phải chết oan nghiệt không kèn không trống cà rùng. Cái chết của tao chúng mày phải mời bằng được đội trống cà rùng trên làng Hồi để tao xuống gặp bố chúng mày còn có câu chuyện mà an ủi; rằng con cháu trên trần gian hồi này đã tiến bộ nhiều, đám ma đã có trống cà rùng. Các cụ tổ làng Nguyệt Hạ nói rằng: Trẻ thích nghe tiếng sáo diều, già thích nghe trống cà rùng. Chúng mày không biết sao, nghe tiếng trống cà rùng nó kỳ diệu lắm. Cái âm "bung bung" của mười hai cái trống con hoà với âm "tùng" của trống cái thành một nhịp bung - bung - bung.. tùng - tùng - tùng vừa dồn dập, vừa thong thả. Tao cho đấy là nhịp bước chân tiễn biệt dùng dằng giữa kẻ chết người sống, kẻ ra đi người ở lại. Tiếng trống cà rùng là tiếng lòng của người sống, là tâm linh của người chết, nghe nó thiêng liêng mà ấm tình người phải biết.
Lão Kình xúc động vừa nói vừa thở. Anh cả Lạnh nhìn Bức nói giọng đầy uy quyền của người sắp thưa hưởng quyền lực của lão Kình.
- Bức! Mày đã nghe rõ lời ông dặn chưa đấy?
- Tôi nghe rõ rồi, rõ từ lâu rồi, anh không phải nhắc.
- A, thằng này láo nhỉ - Anh cả lừ mắt. Đứng trước mặt ông mà mày dám gắt với tao thế à! Không nể ông phó Thước ở đây, tao đã cho mày một gậy.
Anh cả Lạnh cố nén cơn giận dữ. Những ngón tay khô gày của lão Kình run rẩy liên tục miết xuống chiếu rồi lại rờ lên gấu áo đưa lên miệng nhai. Bà lão nhìn thấy vội kêu lên.
- Cái ông này kinh quá. Không biết ghê là gì.
Lão lầm bầm rỗi bỗng hét váng lên.
- Nhục ơi là nhục. Con cháu gì, chúng nó hư hỏng hết cả. Đến cả bà bây giờ cũng bắt đầu đốp chát tay đôi với tôi thì con cháu nó hư là phải. Sống mà không biết nhục thì chết đi còn hơn. Ai đời cái thằng Ngô Quất nó vác dao sang doạ chém tôi mà sức lực như thằng Lạnh, thằng Mát, thằng Bức lại để yên được thì hèn, hèn quá đấy. Rồi đến cả con mẹ Bông bây giờ còn đổ đốn, ra ngắm vào vuốt, phơi phóng áo quần chẳng ý tứ gì cả. Nó làm như vợ Tây không bằng. Thử hỏi nó xem, với thằng nào hả. Nó làm như vậy thì con cái nó hư là phải. Ôi con ơi là con. Khổ thân mày, đã chết oan chết uổng bởi bàn tay thằng Lưỡng thằng Học Thằng Bất treo cổ. Bây giờ vợ con nó lại hư hỏng hu hu hu...
- Đã ai làm gì mà cụ khóc ầm lên thế hả? - Mụ Bông từ ngoài sân chạy vào gắt lên. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên mụ dám nặng lời với bố chồng - Con đã làm điều gì mà cụ bảo con hư với hỏng. Từ ngày con về làm dâu cụ, con vẫn một lòng một dạ vâng lời cụ. Ba đứa con của con vẫn làm theo những điều cụ dạy bảo. Đến thế mà cụ vẫn chưa bằng lòng thì cụ còn đỏi hỏi gì nữa nào?
- Hu hu hu... con ơi là con - Lão Kình càng gào to hơn, con chết đi nên bây giờ vợ con nó mới nổi loạn. Nó cậy tao sắp chết rồi không làm gì được nên nó mới nổi loạn. Tất cả mọi người trong nhà này đang nổi loạn chống lại tao hu hu hu...
Lão Kình khóc. Lão khóc ty tỷ, nước mắt nước mũi giàn giụa ra. Lão thấy đau đớn và nhục nhã. Cả cuộc đời lão chưa bao giờ thấy nhục nhã như lúc này. Cả đời lão chưa bao giờ thấy cảnh con cháu lại hư hỏng tới mức này. Có lẽ tao chết đi, cái gia đình này sẽ suy sụp mất thôi.
Thế rồi lão Kình chết thật. Trước khi tắt thở lão còn cố dặn anh Lạnh câu cuối cùng: "Hãy mời bằng được đội trống cà rùng về đưa ma lão". Mặc dù đã bốn năm nay chính quyền xã nghiêm cấm các đám tang trong xã không được tổ chức đánh trống cà rùng. Đọi trống cà rùng làng Hồi sau vụ tranh giành ruộng đất với Nguyệt Hạ, thề không thèm sang làng Nguyệt Hạ nữa. Anh cả Lạnh phải sang tận xã Bích Khê mới mời được đội trống cà rùng. Đội trống cà rùng thôn Bắc xã Bích Khê có tiếng khắp vùng nhưng bốn năm nay không được bén mảng sang làng Nguyệt Hạ kiếm ăn, bởi cái lệnh ngớ ngẩn từ cái thời Ngô Quất vẫn còn được duy trì một cách nghiêm ngặt. Bỗng dưng hôm nay làng Nguyệt Hạ lại có đám mời. Lão đội trưởng đội trống cà rùng làng Bích Khê háo hức rùng rùng kéo quân sang làng Nguyệt Hạ giương oai. Đội hình gần hai mươi thiếu niên chừng mười bốn mười lăm tuổi mặc quần xanh áo trắng đeo trống đồng nhỏ. Hai thanh niên lực lưỡng khiêng chiếc trống cái sơn đỏ chói như cái chum. Một ông lão râu tóc trắng phớ mặc quần áo lụa hồng trông giống như tiên ông, tay cầm dùi trống có đính tua vàng rực. Ngoài ra còn có một chiếc lệnh, một cặp "chũm choẹ" bằng đồng và một kèn một nhị. "Kèn trống thế mới ra kèn trống. Nhiều người xuýt xoa. Làng mình bây giờ có mỗi cái kèn tò te tí te như đánh rắm. Tay Hỉ đội kèn hợp tác lần này thì cứ gọi là tẽn tò.. Người làng Nguyệt Hạ bảo nhau thế.
- Mẹ kiếp! Cũng tại thằng Ngô Quất nên đội cà rùng làng này mới tan rã - Lão Kẹo, tay chống gậy đứng ngây ra nhìn đội kèn trống Bích Khê vẻ thèm thuồng, tiếc cho cái đội cà rùng làng Nguyệt Hạ xưa. Lão cứ đứng mãi như thế miệng lẩm bẩm chửi - Thằng Quất đâu rồi, bảo nó mở mắt ra mà nhìn đội cà rùng của thiên hạ. Mẹ nó chứ. Thằng Quất mà không cấm thì đội cà rùng làng này bây giờ còn hùng mạnh hơn Bích Khê là cái chắc. Mẹ nó chứ, thật chán mớ đời, cũng là con người, cùng sống chung một dải đất, chết cùng chung một cánh mả, đám ma người người Bích Khê có cờ hoa bức trướng, có trống cà rùng, đám ma người làng mình thui thủi như người đi chôn trộm. Rõ nhục. Mẹ cái thằng Ngô Quất....
Người ta xem tuổi thọ lão Kình và quyết định chín giờ ba mươi phút sẽ đưa lão Kình ra đồng. Từ bốn năm nay làng Nguyệt Hạ mới có được cái đám ma tử tế như đám ma lão Kình. Số lão Kình thế mà sướng. Thằng cả Lạnh thế mà giỏi, bất chấp lệnh cấm, dám mời cả đội trống cà rùng Bích Khê. Những người sâu sắc lại cho rằng anh cả Lạnh muốn rửa nhục cho cái chết thảm thương của bố. Xưa kia bố cả Lạnh phải chết treo cổ theo phương pháp "gầu sòng" đó là sáng kiến của Ngô Quất thì giờ đây Ngô Quất phải mở mắt ra. Làng Nguyệt Hạ phải mở mắt ra mà trông cái chết của lão Kình thật vẻ vang. Phải nói là đám ma lão Kình đông nhất, oai nhất kể từ ngày Ngô Quất ban lệnh cấm người làng Nguyệt đánh trống cà rùng trong đám ma. Người làng Nguyệt Hạ đứng đông nghẹt trong sân, tràn đầy lỗi ngõ rẽ vào nhà lão Kình. Một hồi trống cái vang lên, tiếp đến là một hồi lệnh, rồi lại tiếp một hồi trống- tùng- phèng- tùng- phèng dồn dập báo hiệu đến giờ đưa lão Kình ra đồng. Đội kèn, đội trống cà rùng đứng hàng đôi ngoài sân. Trong nhà con cháu lão khóc thảm thiết. Chợt ngoài ngõ có tiếng xôn xao. Mọi người ngơ ngác lo sợ nhận ra cả bốn dân quân khoác súng xồng xộc dắt theo lão Hỉ thổi kèn làng Nguyệt Hạ vào đứng trước quan tài của lão Kình. Mọi tiếng khóc bỗng câm tịt. Xã đội trưởng đứng cạnh bốn tay súng liếc mắt nhìn mọi người rồi cất giọng rõ oai nghiêm.
- Thưa toàn thể bà con làng Nguyệt Hạ, thưa gia quyến. Tôi là xã đội trưởng, được lệnh của chính quyền xã đến đây để thông báo một việc hệ trọng. Gia đình tang chủ đã vi phạm quy định của chính quyền xã ngang nhiên mời đội trống cà rùng của Bích Khê về làm ảnh hưởng xấu tới tư tưởng của nhân dân, ảnh hưởng tới chính sách tiết kiệm. Tôi đề nghị ông Hỉ đội kèn làng Nguyệt Hạ vào làm nhiệm vụ thổi kèn đưa cụ Kình ra đồng. Đội kèn trống Bích Khê giải tán, giải tán ngay.
Xã đội trưởng còn hung hăng diễn thuyết, cả Lạnh nháy mắt ra hiệu cho lão già đánh trống làng Bích Khê cứ tiến hành theo như đã bàn định. Lão già đội trưởng đội cà rùng giơ tay quại thằng vào chiếc trống "Tùng" một tiếng rồi cao giọng:
- Báo cáo ông dân quân, chúng tôi làm việc thiện, được gia quyến mời, chúng tôi phải làm theo lời gia quyến" tùng - phèng - tùng phèng". Lại một hồi trống lệnh vang lên. Người ta nghe tiếng chửi rủa lẫn tiếng quát tháo của xã đội trưởng ngăn không cho cả Lạnh thực hiện di chúc của lão Kình. Đám tang lão Kình bỗng trở thành đám đánh chửi nhau ẩu đả hỗn độn, người khóc, người chửi. Bốn dân quân xông vào bắt lão đánh trống cái. Những thiếu niên đeo trống con bỏ chạy toán loạn khắp các ngả đường làng Nguyệt Hạ. Kết cục cái đám ma lão Kình cũng chỉ có mỗi tiếng kèn của lão Hỉ làng Nguyệt Hạ. Lòng cả Lạnh lại nhân thêm nỗi uất ức về cái chết của lão Kình. Không hiểu ra đi gặp người con trai dưới địa ngục, lão Kình sẽ nói gì?