MÙA GẶT CUỐI

     ôi lớn lên ở một làng quê, dãi đất cuối cùng của Huyện Phú Vang, cái làng mà phần đất được bao bọc chung quanh là nước, bởi hai cái đầm là: Hà Trung, Cầu Hai và một nhánh của phá Tam Giang, có lẽ vì thế nên các tiên tổ ngày xưa đặt tên làng tôi là: Hà Trung, một làng chuyên trồng lúa và hoa màu. Nói chung là thuần nông nghiệp; gồm cả lúa nước và thủy sản. Cho nên so với các làng khác, làng tôi khấm khá hơn.
Một cánh đồng lúa bạt ngàn, nằm dọc theo con đường bằng đất từ đầu cho đến cuối làng. Thế nhưng cánh đồng bạt ngàn ấy, mỗi năm chỉ cầy cấy mỗi một mùa, còn lại các mùa khác người làng tôi trồng các hoa màu như đậu, mè, khoai, sắn hay để hoang chờ mùa sau.
 Phía trong lũy tre xanh, là những mãnh vườn có những hàng cau say trái, những buồng chuối oằn cây và những trái thơm chín vàng đỏ lấp ló trong các bẹ lá xanh, và nào chanh, nào cam quýt…... Xen lẫn với các mãnh vườn và nhà ở, có các thửa ruộng nước sâu; người ta gọi là: “nhất đẳng điền”, nằm rải rác phía trong làng được cày bừa hai vụ; gọi là vụ Đông và vụ Hè. Họ trồng lúa và nếp.
Thế đó. Quê hương tôi. Làng tôi, có lũy tre xanh bao bọc, cũng có đồng lúa bạt ngàn chín vàng óng khi mỗi độ hè về, cũng những cánh có bay lượn trên một tấm thãm xanh khi cây lúa đang thì con gái. Rồi cũng có cây đa, cũng bến đò, những vườn cau say trái khi độ chớm thu, những đứa chăn trâu thả diều trên cánh đồng mới gặt, các bác nông dân cặm cụi cày bừa, làn khói lam chiều bay lên từ cánh đồng khi đốt rơm rạ, hay mấy đứa chăn trâu thả trâu theo những cánh diều,  hay cùng nhau nhóm lửa rạ, nướng những cũ khoai, cũ sắn bỏ vào cái bụng cồn cào, sau một trận đá banh, hay thi nhau giật cờ, tập trận….
Không biết cánh đồng bạt ngàn ấy ở quê tôi có từ bao giờ. Có phải từ thời vua Trần Nhân Tông đem con gái rượi của mình là công chúa Huyền Trân, gã cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Rí? Hay thời kỳ vua Lê Thánh Tông đem hai mươi lăm vạn quân chinh phạt Chiêm Thành, xóa vương quốc Chăm-pa trên bản đồ thế giới, rồi đưa dân hay những người tù biên viễn cực Nam vào khai hoang, lập ấp? Hay Chúa Nguyễn Hoàng thoát khỏi tay Chúa Trịnh đã di dân vào khai phá, xây dựng kinh tế vững vàng để mong ngày lật đổ Trịnh-Lê?...... Thôi thì công lao của ai vào những năm xa xôi ấy, tôi xin nhường lại công việc cội nguồn, để các nhà làm sử điền công. Còn tôi, tôi nghe bà Nội tôi và các ông lão trong làng kể lại: nghe đâu từ thời kỳ các vua Nguyễn, chỉ có vài ba chủ như: ông Cửu Kiếm, ông Cửu Phổ, …nói chung là của các ông cửu phẩm; chỉ có một ông Lý là lý trưởng của làng. Và cũng không có những người đi mót lúa trong khi lúa đang gặt, họ chỉ mót lúa được sau khi lúa đã gặt xong và gánh về trên sân nhà. Dần qua theo năm tháng, vào giai đoạn chiến tranh Pháp-Việt. Cánh đồng bạt ngàn ấy có gần mươi chủ ruộng, có lẽ các chủ ruộng cũ không đũ sức canh tác, vì lớp người khỏe mạnh họ lại đi tòng quân, họ đem bán bớt cho những nhà có người cày cấy, hay cho làm “rẽ” ăn chia, có một vài chủ ruộng đã hy sinh tương lai con mình, cho con đi trai chăn trâu với các chủ có ruộng, năm mười năm sau để đổi lấy được vài ba sào, hay cho con gái đi ở vú gần cả đời thiếu niên và tuổi thanh xuân, cũng đổi lấy một vài miếng ruộng khô. Các thửa ruộng người ta gọi là “nhất đẳng điền” thì vẫn còn chủ cũ.
 Cho dù của ai đi nữa, thì trên cánh đồng bạt ngàn ấy, tôi biết nó đã qua bao nhiều triều đại, qua bao nhiêu đời người, họ đã đổ xuống không biết bao nhiêu mồ hôi, đôi khi có cả máu xương, bao nhiêu cuộc đời của tuổi thơ, tuổi thanh xuân của những đứa trẻ lên chín lên mười, không được cắp sách đến trường, cam chịu mù chữ để đổi lấy bát cơm.
Tuy thế cuộc sống của người dân nông thôn ở quê tôi, vẫn hiền hòa, đầm ấm, thanh bình như cánh đồng bạt ngàn, cho dù mỗi thửa vẫn ngăn cách bởi những cái bờ mà từ xa ta không nhìn thấy, hay nó đã lùi vào dĩ vãng của một thời Phong kiến-Nông nô.
Những ngày giữa Đông, trời lạnh như ai dùng dao cắt vào da thịt của mình, trời chưa mờ sáng, những nhà làm nông đã thức dậy, những người mẹ đã đỏ lửa, cho bát cơm, ấm nước để các bác mang ra đồng, những đứa trẻ chăn trâu đã lùa đàn trâu ra khỏi chuồng kiếm cỏ, cho nó ăn ba miếng để còn phải kéo cày. Trời vừa hừng sáng, ở ngoài cánh đồng kia, các bác nông dân khép kín trong cái áo tơi, đầu đội chiếc nón lá che kín cả khuôn mặt, lộ đôi chân lấm đầy lớp bùn đen ẩm ướt, người và trâu đang bì bõm lê từng bước trong làn nước đục ngầu, từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác, tiếng hò rì, hò tắc la hét vang nghe đến tận con đường chúng tôi đi học. Và cũng hình ảnh của các o, các mẹ từng nhóm nhịp nhàng, cũng cái áo tơi cùng chiếc nón được chằm bằng lá cọ bê bết đất bùn, nhìn xa như những con vạc, con cò màu xám trắng, khom khom, lầm lũi đi sau những luống bừa kiếm tìm những con ốc, con cá do nước đục làm nổi lên; chỉ khác với các loài cò vạc kia, các o, các mẹ khom lưng đi giật lùi, đôi tay lên xuống không phải kiếm cá hay ốc, mà cố gắng gieo xong hết thửa ruộng với nắm mạ non trên tay,  xuống lớp bùn sâu đang âm ấm. Thỉnh thoảng họ đứng lên để đỡ mỏi cái lưng, như con cò, con vạc thỉnh thoảng ngẩn đầu nhìn bầu trời cao, đánh tiếng gọi đàn.
Trung tuần mùa Hạ. Chuẩn bị việc cày bừa cho những thửa ruộng hai mùa. Trên suốt con đường làng tôi đi học. Những người nông dân nam, nữ, những dụng cụ nhà nông kẻ cuốc, người gàu, kẻ cái cày, người mang cái bừa, từ các ngõ xóm của làng, họ đi về hướng cánh đồng như ngày hội. Đến trưa, trên đường về nhà, tôi thấy mấy con trâu lem lấm những bùn, đứng dưới bóng cây nhai những nắm cỏ tươi, do những đứa trẻ chăn trâu đi cắt, khi đôi trâu đã được các bác nông dân hò rì, hò tắc xới lên những luống cày. Còn các bác thì ngồi bệt trên vệ đường; hai tay quấn điếu thuốc lá hút phì phèo, sau khi đã uống hết một bát nước lá Mồng Năm. Ngoài xa, các o, các me, từng nhóm năm, sáu người đang cong lưng chống cả bầu trời, hai tay lên xuống nhịp nhàng, ấn sâu xuống lớp đất bùn từng khóm mạ nhỏ, thẳng hàng, đều đặn như học sinh chúng tôi xếp hàng trong buổi chào cờ có diễu hành.
Mùa gặt của làng tôi thường bắt đầu và kết thúc vào những ngày cuối của tháng năm; cũng là những ngày cuối niên học của những đứa trẻ trong làng tôi. Những cô cậu học trò Tiểu học, đũ các tuổi lên bảy, lên mười một, mười hai lại rủ nhau ra cánh đồng mót lúa. Đó là lúc những thữa ruộng đã được gặt xong. Như đàn chim sẻ, chim tổ rột nhỏ nhắn, chúng tôi sà từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác, sau khi đã để những cuốn vở trên bờ. Đứa nào cũng đeo bên vai một chiếc túi vải nhỏ, hình như chúng đã được cha mẹ trang bị cho mùa gặt về. Chiếc túi của tôi cũng thế, được mẹ khâu lại từ cái ống quần ka-ki cũ của anh trai tôi đã rách ở phần mông. Cái túi màu xanh học trò không dài và to như những đứa khác, nhưng tôi chưa bao giờ mót đầy lúa bỏ vào trong.
Tôi nhớ đến mùa gặt, người ta thường cắt nữa thân cây lúa phía trên và chừa gốc lại, phần thân dưới cây lúa quê tôi gọi là tót( rạ), họ để cho mùa hè nắng khô giữa cánh đồng, đến khi nào đó họ mới đi cắt sát tận gốc, đem phơi sử dụng cho nhiều việc như: thay củi, lợp nhà, lợp phên hay nhồi với đất bùn làm vách cho nhà bếp. Chúng tôi đi từng thửa ruộng vừa cắt xong, dùng tay tuốt những nhánh lúa còn sót lại cho vào túi, hay đợi các bác nông dân sau khi bó và gánh lúa về cũng còn vương vải ở nơi ấy. Đôi khi cũng được một vài bác thương tình vơ tay cho một nắm nhánh lúa. Thế là cái túi của tôi chiều hôm ấy cũng được một vài lon thóc. Tuy vậy, nhưng mỗi mùa gặt, anh em tôi cũng có hơn thúng lúa và chừng mươi lon lúa nếp lẫn, đũ cho mẹ tôi nấu vài đĩa xôi cúng ba tôi vào ngày Tết, cho dù miếng xôi khi ăn hạt cứng, hạt mềm.
Xen giữa những ngày cày bừa. Mùa hạ, từng đôi trai gái thi nhau đạp nước vào đồng - (quê tôi ngày xưa để đưa nước vào ruông, người ta thường dung gầu hay xe guồng gồ, một băng chuyền nhiều tấm lá bằng gổ, được hai người đạp đẩy nước vào ruộng)-  rồi bón phân, làm cỏ. Mùa Đông lại tháo nước ra để không làm ngập lúa. Ngày nào tôi cũng thấy các bác nông phu luôn có mặt trên cánh đồng, từ mùa xuân cho đến mùa đông, họ đi thăm đồng để biết cây lúa cần gì, cần nước hay cần phân, họ luôn có mặt cho đến ngày gặt. Liệu có ai tính được, bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt và cả xương máu qua bao đời trên cánh đồng của làng này nhỉ?  
Quang cảnh buổi chiều trên cánh đồng mới gặt, ai nấy đều tất tả ngược xuôi trên những thửa ruộng, kể cả các cậu bé học trò như tôi, những cô bác thì thoăn thoắt gặt hái vội vàng; tấm lưng cong oằn đỡ khối trời xanh, mà tôi biết họ đã cong lưng từ buổi sáng khi tôi đi học, cho tận đến giờ tan học buổi chiều. Gặt nhanh, bó nhanh từng bó lúa, xóc gánh về sân; lũ trẻ chúng tôi thì lầm lũi dán đôi mắt trên những bước đi, trên những đầu rạ mới gặt, đưa tay tuốt những nhánh lúa gặt sót, nếu không cẩn thận thì bàn tay non nớt của tuổi học trò cũng bị lá lúa cắt cho chảy máu, hay ngồi bệt xuống đất lượm những hạt thóc rơi nơi người đàn ông bó lúa. Chỉ có mấy người chủ ruộng, họ đứng trên bờ thường la hét những đứa mót lúa như chúng tôi, mỗi khi có đứa nào đi vào chổ chưa gặt, hay mới gặt chưa được dồn lại bó thành bó để gánh về. Mấy đứa chăn trâu thì vô tư lự, tha hồ thả trâu ăn cỏ, chúng chỉ dán đôi mắt về phía những con diều của đứa nào bay cao và xa hơn mà thôi, chúng nó không cần đi mót lúa, vì đã có bửa cơm khi đã lùa đàn trâu về chuồng. Tôi không chẳng thèm những con diều đó chút nào, không phải tôi không thích mà con diều của tôi đã bay mất kể từ ngày tôi không còn cha.
Ai cũng có một quê hương nơi chôn nhau cắt rốn và gởi gắm nắm xương khi quá vãng, một cái làng nơi để nhớ thương và hoài niệm tuổi thơ. Với tôi đó là những tháng năm không thể nào quên, là những buổi tan trường đi mót lúa, là những bát cơm đặc biệt không phải ai cũng được ăn, mà chỉ có những đứa trẻ mồ côi như tôi, thằng Đá, thằng Vầm, thằng Tranh, thằng Nghịch, thằng Một, con Xoa, con Nhỏ, con Sáu…  Hay các cô cậu con trai, con gái đành quên đi tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh xuân, mới có bát cơm đặc biệt ấy mà thôi. Những bát cơm từ những hạt lúa mót, những hạt cơm theo sau những đứa trẻ chăn trâu; sợ để trâu ăn lúa, những hạt cơm bồng em, rửa bát, hái rau…! Còn đặc biệt hơn, vì trên cánh đồng này người ta không trồng một giống lúa thuần nhất, mà họ trồng nhiều loại lúa, nào là lúa hẽo rằng, lúa chầm, lúa chiên…hạt gạo hẽo rằng thì màu ngà, hạt cơm thơm dẽo, hạt chầm thì màu vàng xanh, hạt cơm ít mùi vị và rời, hạt chiên có màu nâu đỏ, nấu cháo thì thật là ngon. Nên những hạt lúa mót của chúng tôi có chén cơm mang nhiều đặc chủng, mang một vị ngọt và hương thơm, không một từ nào trong văn chương diễn tả được. Mẹ tôi là người nội trợ giỏi, mẹ nấu cả ba loại gạo với nhau bằng bếp lửa rơm, mà không hề sống hay nhão, bó chặt trong mo cau rồi cắt ra ăn, thơm ngon như miếng bánh đúc của mệ Duy bán ở đầu xóm quê tôi vậy.
Nhiều năm trôi qua. Những đứa trẻ ngày xưa cùng thi nhau đi mót lúa, nay cũng đã trưởng thành, đứa còn, đứa mất. Các bác nông dân cả con trâu và cái cày, các o, các mẹ ngày ầy họ đã trở thành người thiên cổ. Song hình ảnh cánh đồng lúa của quê tôi vẫn còn đó, vẫn tấm thãm màu xanh khi lúa đang thì, vẫn màu vàng óng ả của những nhánh lúa chín cúi đầu đang chờ ngày gặt, mùi thơm của mùa lúa chín vẫn còn….. Nhưng những đàn chim sẻ ngày xưa không còn sà xuống nữa trên cánh đồng, không biết những nhánh lúa chín vàng tươi có còn sót lại để mót như ngày xưa không? Trưa hè trên bờ tre, chẳng có bác nông phu nào ngồi uống nước, ngoài đồng xa chiếc máy gặt chiếm công của các mẹ cò cong lưng gặt hái. Thỉnh thoảng một vài con trâu gặm cỏ trên bờ, ngơ ngác nhìn những chiếc máy cày, như những con quái vật đang giành giật công việc của nó, lại la làng ầm ĩ, khói lam chiều của những đứa trẻ chăn trâu thôi bay lên nền trời xanh, không còn vùi vào đống lửa rơm với củ khoai củ sắn. Giờ đây, tôi muốn chạy theo mấy đứa chăn trâu, tung những cánh diều bay trên trời cao cũng không bao giờ được nữa. Có lẽ, giờ đây tôi không còn tuổi thơ, hay là một sự thay đổi lớn lao. Tất cả đều mất đi trong tôi như là giấc chiêm bao.
Những ngày cuối tháng 5 năm 1975. Đứng trên con đường làng, hay trên các bờ ruộng là một vài cán bộ du kích, nhìn xa ra cánh đồng, cũng thấy các bác nông phu, các o, các mẹ đang gặt, bó, gánh lúa về nhà. Nhưng không khí trong ngày gặt hôm nay, man mác một diều gì là lạ trong tâm hồn tôi.  Khác hẳn với những mùa gặt lúc tôi còn trẻ thơ, những câu chuyện vui được mùa, những lời hỏi thăm nhau của các bác, các o, các mẹ ; hôm nay nay lúa chị, lúa anh có được hơn  năm ngoái không? Không còn những nụ cười của các cô thiếu nữ dòn dã khi vẫn còn nặng trĩu trên vai, các anh trai làng thôi liếc mắt, đưa tình các cô khi mồ hôi đang còn ướt trên tấm lưng trần gánh lúa, cùng với câu ca, câu hò vui mừng cho một vụ được mùa. Tôi thấy những hạt lúa vàng nặng chĩu trên cánh đồng. Được mùa sao thấy các bác các o, các mẹ không vui. Không còn mấy câu hò đối đáp giữa các mẹ, các o. Mấy đứa chăn trâu không còn thả diều trên cánh đồng đã gặt. Không còn những đứa trẻ trạc tuổi tôi ngày xưa đi mót lúa. Không còn, không còn nữa! Cánh đồng bạt ngàn chỉ là cổ máy như các nhà máy ở thị thành, làm theo điều khiển của một nút bấm từ xa, Đồng quê không có hồn cho các nhà văn, nhà thơ viết lên những câu thơ văn mà đọc mãi không bao giờ chán, và đọc mãi lại thấy mình yêu quê hương, làng mạc biết chừng nào. Không có!
Không ai bảo ai, họ đều âm thầm lặng lẽ, một không khí u uất, ảm đạm bao trùm cả cánh đồng lúa vàng xa. Tất cả họ đi ngang qua tôi và tôi cảm nhận:  họ đang gánh cả cánh đồng bạt ngàn đã mất, về nơi an nghĩ cuối cùng.
Xa xa trên bờ ruộng, tôi nghe tiếng loa phóng thanh của một người đàn ông  mặc áo quần màu lính, bên vai mang túi xách đen, nắm cái loa trên tay phát đi lời tuyên bố: “Tất cả bà con nghe đây: Lệnh của chính quyền cách mạng. Từ nay, không ai được làm chủ trên cánh đồng này, ruộng đất này là của Nhà nước. Mùa gặt này là: MÙA GẶT CUỐI!”  Lời tuyên bố ấy như lời tuyên bố của bản cáo trạng khi xử bắn Việt gian ngày xưa, chỉ khác chăng là không thấy máu đổ, mà chỉ đổ những giọt nước mắt của các chủ ruộng, thậm chí có những người làm mướn, làm thuê (ở quê tôi gọi là làm rẽ, tức là làm ăn chia). Được loa đi loa lại nhiều lần, hình như họ sợ những người làm ruộng không nghe. Sự thật họ đã nghe và họ im lặng theo tiếng nấc nghẹn ngào. Từ nay, bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt, kể cả máu xương đã vĩnh viễn ra đi! Lại thêm nữa, những giọt nước mắt cuối cùng đỗ xuống trên cánh đồng bạt ngàn cò bay mỏi cánh!
Một năm sau, trên sân vận động của làng tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy xe ô-tô về làng tôi nhiều đến thế, gần mười chiếc xe, các bác, các dì nông dân ngày ấy, tay xách, tay mang nào là áo quần, nồi, niêu, soong, quánh. Già có, trẻ có, những gia đình của làng tôi, lần lượt lên xe. Họ ra đi, từ giã quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, từ giã mãnh vườn với những hàng cau xanh, từ giã cánh đồng bạt ngàn nuôi họ qua bao đời mưa nắng. Tiếng chào xen lẫn tiếng khóc chia tay, một vài đôi thanh niên trai gái nắm chặt tay, chưa chịu rời nhau khi tiếng còi xe kêu lên từng hồi inh ỏi, tiếng thúc dục của các bác tài, tất cả như một mệnh lệnh. Một bầu không khi của buổi sớm mai sao mà não nuột, khiến lòng tôi hoang mang, tôi vội vàng lẫn vào đám đông ấy, cố tìm gặp những người xưa, những người đã nhét cho tôi những nắm lúa vàng tươi, tôi từ giả họ hay tôi từ giả một thời tuổi thơ của tôi. Họ ra đi tìm “vùng kinh tế mới” tận rừng sâu, nghe đâu ở tận Cao nguyên miền Trung, đành đoạn bỏ lại sau lưng cánh đồng bạt ngàn, phù sa mà mồ hôi, nước mắt của họ bao đời đã quyện thành màu mở. Rồi đây, lại phải khai hoang lập ấp như ngày xưa. Mồ hôi và nước mắt, máu xương lại còn đổ xuống, không phải đổ xuống trên cánh đồng của làng cũ, mà sẻ đổ xuống tận các nương rẫy của rừng núi hoang vu nơi xa lạ.
Tôi đi qua tuổi thơ khó khăn nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm và sự hồn nhiên. Có lẽ nhờ sự tảo tần thân cò của mẹ, sự hy sinh của người em gái, hay những bác nông dân như bác Cơ, Dì Cháu…. cố dấu diếm người chủ ruông những nắm lúa vàng tươi,vội vã nhét vào cái túi đựng lúa mót của tôi, rồi bảo tôi đi nhanh lên sợ người chủ biết được, đã giúp tôi được học hành nhiều hơn một số bạn bè cùng trang lứa. Những năm tháng sau này, cứ sau một bữa liên hoan hay dự một đám cưới, nhìn những bát cơm gạo thơm trắng muốt, đựng trong những chiếc đĩa sứ đẹp nằm bơ vơ trên các bàn tiệc, lòng tôi chạnh nhớ đến chén cơm bằng lúa đi mót trên từng thửa ruộng ngày xưa. Hay miếng cơm bằng gạo mới, mẹ đã dậy nấu từ khi gà chưa gáy sáng, bó chặt mấy chén cơm trong cái mo cau, để tôi mang đến trường. Tan học giờ trưa, dùng dao cắt từng lát cơm dẽo thơm ấy, chắm với chút muối mè, nghe một mùi thơm ngọt ngào không tả được.
Tôi lại càng thấm thía hơn câu ca dao theo tôi trong từng trang vở, qua bao niên khóa của thời tiểu học, mà hồi ấy tôi chả hiểu hết ý nghĩa của nó, cho dù từ lớp một cho hết lớp năm đã được các thầy, cô nhiều lần giảng giải:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẽo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Giờ đây, không biết các cô, cậu học trò cấp một ở quê tôi, có còn học câu ca dao trên như chúng tôi học ngày xưa không? Có lẽ các em sẽ không được học, vì cánh đồng bạt ngàn kia giờ đây không vì: “đắng cay muôn phần” mà có, vì cánh đồng bạt ngàn kia đã là MÙA GẶT CUỐI. Và “Dẽo thơm một hạt đắng cay muôn phần” đã đi vào dĩ vãng của lứa tuổi ở làng quê như tôi trở về trước mà thôi.
NHẬT THIỆN