Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 16

     ột buổi sáng đang bận những công việc như ta đã biết thì cô Ophélia bỗng nghe tiếng ông em trai reo lên, vui vẻ dưới chân cầu thang:
- Chị ơi! Xuống đây mà coi này! Có chuyện hay lắm, chị ơi!
- Cái gì đó, cậu?
Miệng hỏi, chân đi xuống thang lầu, và vì cô là một người không bao giờ chịu ngồi không cho nên cô mang theo cả que đan và len. Clare cười rất tươi:
- Em tặng chị một món quà... hiếm có!
Nói xong, ông đẩy tới trước mặt chị một đứa trẻ da đen cỡ lên tám hay chín tuổi chi đó.
Con bé quả thật là đen, đen bóng, từ ngọn tóc đến ngón chân. Đôi mắt to, sáng quắc như hai hạt thủy tinh nhìn láo liên khắp xung quanh. Nó há hốc miệng ra khi nhìn thấy những đồ vật xinh đẹp sang trọng bày biện trong phòng khách lớn của gia đình này, để lộ hàm răng trắng nổi bật. Tóc nó xoăn tít, cuốn thành nhiều lọn nhỏ, bù xù bao quanh đầu. Khuôn mặt nhỏ bé choắt lại, vừa có nét sắc sảo, ma mãnh lại vừa nghiêm trang buồn bã.
Còn áo quần nó... Người ta có thể gọi đó là áo quần không, khi mà chỉ là một mớ giẻ rách chằm nhíu lại, vá víu lung tung che từ ngang vai xuống tới gối. Nó đứng yên, hai tay vòng trước ngực, nhưng con ngươi nó lộ ra một sự hiếu động khác thường, nó không có vẻ nhu mì của một đứa con gái mà toát ra một vẻ gì rất... con trai... rất du côn. Tóm tắt lại thì nó là một đứa hình dung cổ quái, tướng mạo lạ lùng.
Cô Ophélia chưa từng trông thấy một đứa bé gái nào giống như nó, nên cô quay lại em trái, vẻ mặt cau có, hỏi ông ta:
- Hết chuyện đùa rồi chắc, sau cậu lại rước nó về đây làm chi vậy, cậu Clare?
Ông em trai cười - cũng nụ cười như lúc đầu - nói với chị mình:
- Coi! Em tính đem nó về cho chị giáo dục nó, theo quan điểm tốt lành của chị chớ để chi. Em tin rằng con bé này đúng là điển hình của dân tộc da đen, chưa được khai hóa. Nó như mảnh đất hoang mà chị, chị sẽ là nhát cuốc khai phá đầu tiên. Chắc chị thích lắm? Công việc có vẻ hợp với người tín đồ ngoan đạo! - Ông huýt sáo, đoạn búng tay đánh tróc một cái, gọi con bé như lối người ta gọi con chó trong nhà, đoạn bảo nó:
- Hát lên một bài cho ta nghe đi! Mày cũng biết múa nữa phải không? Múa đi xem!
Đôi mắt buồn rầu của con bé sáng lên một cách thích thú, lém lỉnh, rồi nó vâng lời, cất giọng hát một khúc hát quen thuộc của dân da đen. Giọng nó sắc và thân mình nó uốn éo, nó nhịp tay, dợm chân, nhảy múa, trình bày một điệu múa kỳ lạ, man rợ. Chốc chốc, nó đổi giọng khàn khàn rồi nhào lộn tiếp hai ba bận, cuối cùng nó rú lên như một cái đầu mấy tàu hỏa và ngồi xuống sàn nhà, chắp tay lại với nhau, mặt nó trở lại lầm lì, bướng bỉnh y như cũ. Song trong cái nhìn của nó có vẻ gian dối không sao che giấu nổi.
Ophélia kinh ngạc đến lặng người đi, nhưng ông Clare thì có vẻ hài lòng, giọng ông tinh quái:
- Đây là cô giáo mới của mày. Ta giao mày cho cô ấy đó nghe! Phải vâng lời cô, nghe chưa!
- Thưa ông, vâng!
Con bé nói với giọng lễ phép song ánh mắt nó thì khác hẳn. Clare nhắc lại:
- Phải tỏ ra là học trò ngoan, nghe chưa? Topsy.
- Thưa ông, vâng!
Topsy lại tỏ ra lễ phép một cách giả tạo trả lời, hai tay khoanh trước ngực.
Ophélia bấy giờ mới phàn nàn:
- Này, cậu Clare, cậu làm vậy có nghĩa gì đây? Nhà này há không đầy nhóc thứ yêu quái này rồi sao? Cậu thấy chứ: mỗi sáng thức giấc, vừa mở mắt là tôi thấy một đứa bé da đen ngủ trước cửa phòng. Dưới gầm bàn một cái đầu đen nhũi. Rồi trên cầu thang một đứa, giữa lối đi một đứa nữa. Chúng đông gần bằng kiến, suốt ngày la hét, đùa giỡn, leo trèo, vật lộn cùng khắp. Chưa chán sao mà còn đem về thêm một đứa để làm chi?
- Thì em đã nói rồi: để chị giáo dục theo chiều hướng tốt đẹp của chị. Chị cứ thử đi!
- Cậu không cần phải nói khích tôi làm gì. Tôi đã làm nhiều việc khó hơn. Nhưng cậu coi tôi có rảnh không chứ?
- Coi, tín đồ ngoan đạo mà nói vậy, nghe sao cho xuôi tai? Chị thấy công việc các giáo sĩ không? Có vị đã đem về hàng chục đứa như con Topsy này, chịu khó săn sóc từng ly từng tí, dạy dỗ, kiên nhẫn đủ thứ...
- Cậu so sánh kỳ cục, cái đó là việc của các Thánh Tông đồ, tôi làm sao bì với các ngài được, các ngài hy sinh đến mức tối đa. Nhà này, với ngần ấy đứa đã đủ mệt cho tôi rồi, cậu biết mà.
Clare bỏ hết vẻ mặt bỡn cợt:
- Em xin lỗi chị, thật tình em không có ý muốn trêu chọc chị hay làm mệt chị thêm đâu. Số là con bé Topsy này ở với một cặp vợ chồng bán quán nghèo nàn, họ hay say rượu, ngày nào em có dịp đi ngang là y như nghe tiếng họ chửi bới hay đánh đập nó, họ rượt nó ra tận ngoài dường. Em chịu không nổi. Em muốn giải thoát nó khỏi cảnh khổ sở đó nên đã mua nó về và em hy vọng chị sẽ giáo dục nó nên người. Em thì em không làm gì hơn được, nhưng chị...
Trong lúc ông Clare nói, cô Ophélia quan sát kỹ con bé và cô không khỏi động lòng trắc ẩn, cái nhìn cô dịu dàng hơn. Thật cô không sao tưởng tượng được có người cùng khổ đến mức này.
- Tôi sẽ cố gắng, xem sao. Cậu coi, nó bẩn thỉu quá sức và gần như trần truồng...
Vừa nói, cô vừa lại gần nó thận trọng, dè dặt như người ta đến gần một con nhện đen.
- Thì đem nó xuống dưới nhà, bảo bọn kia xát xà phòng tắm rửa cho sạch và cho nó áo quần tử tế vào.
Cô Ophélia công nhận đó là điều đầu tiên phải làm, cô đưa con bé vào bếp. Mụ Dinad nhìn con bé bằng đôi mắt miệt thị:
- Chà, tôi mong là con quỷ nhỏ này không làm quẩn chân tôi, tôi mệt quá đi rồi!
Jane và Rosa thì tỏ vẻ kinh tởm, Rosa khỉnh khỉnh nói:
- Khéo làm bận thêm trong nhà. Không biết ông chủ nghĩ sao mà đem cái thứ da đen dơ đáy về đây...
Mụ Dinad nguýt Rosa một cái, giọng kẻ cả:
- Chê đen hở? Còn mày thì gì đó? Mày xuất thân từ gia đình da trắng chắc? Thôi, đừng có làm bộ Rosa ơi! Mày coi kỹ lại, mày rờ sau ót mày coi!
Mụ nói mỉa thế là vì cô gái này vốn là một nô lệ lai hai màu da. Riêng cô Ophélia trông thấy thái độ của bọn gia nhân là cô đủ chán, cô không muốn sai họ tắm rửa cho con bé nữa. Cùng một nguồn gốc, song cả bọn làm như họ là thứ quý tộc da trắng trước con bé khốn khổ đen đủi này, như họ có quyền khinh bỉ nó, hất hủi nó mà không chút áy náy, ngượng ngùng.
Rõ ràng là không đứa nào muốn dịch chân. Vì vậy mặc dù không tránh khỏi ghê tởm con bé, cô thân hành tắm rửa cho nó. Một người cương quyết như cô, không bao giờ vì một trở ngại nhỏ mà lùi lại hay bỏ dở công việc, mặc dù là vừa tắm rửa, kỳ cọ cho nó cô vừa cố gắng hết sức để khỏi nôn ọe vì mùi hôi hám từ thân hình gớm ghiếc đó tỏa ra. Và rồi, những lằn roi ngang dọc, thâm tím, có vết còn rớm máu, có vết đã chai thành sẹo chằng chịt trên lưng và khắp thân thể nó làm cho con người sắt đá ấy phải xót thương.
Nhưng Jane thì không, chị ả chỉ những vết bầm đó nói với giọng hiểu biết:
- Cô thấy chưa? Tôi đã nói con nhỏ này là con quỷ cái mà. Tôi thấy là biết liền, ông mua nó uổng tiền mà. Nó khó trị lắm đa! Để rồi coi!
Topsy nghe những lời mạt sát đó với vẻ buồn rầu, trang nghiêm nhưng đôi mắt thì chăm chú nhìn vào đôi hoa tai lủng lẳng trên tai Jane.
Khi được thay áo quần tử tế, lành lặn và cắt tóc xong, trông nó cũng khá, không đến nỗi nào. Ophélia ngồi trầm ngâm nhìn nó, phác họa trong trí chương trình giáo dục của mình. Cô hỏi nó:
- Topsy, em mấy tuổi?
- Thưa cô, em không biết.
Giọng nó có vẻ hài hước, hai hàm răng trắng nhỡn bày ra.
- Sao em lại không biết em mấy tuổi? Không ai nói cho em biết hay sao? Mẹ em đâu? Mẹ em là ai?
- Ý, em đâu có mẹ.
Nó lại cười, vẻ như trêu chọc người đối diện.
- Vậy chớ ai sinh ra em?
- Đâu có ai sinh em ra?
Nếu là một người nhút nhát chắc đã chán rồi, song cô Ophélia thì không. Cô rất tự tin, cô vạch ra một con đường và cô đi cho kỳ đến đích. Cô nghiêm nghị bảo Topsy:
- Không phải là chuyện cợt đùa đâu, em phải trả lời câu tôi hỏi: em con ai, ở đâu, cha mẹ làm gì...
- Em đã nói rồi, em không có cha có mẹ gì hết. Có một người buôn bán nuôi em với nhiều đứa nữa, vậy thôi.
Nó có vẻ thật thả khi trả lời câu hỏi. Jane chen vào:
- Đúng đó cô, tụi lái buôn mua lũ quỷ này khi còn nhỏ xíu, nuôi lơn lớn rồi bán lại, bắn thật mắc nghe cô!
- Em sống với người chủ đó bao lâu?
- Dạ không biết!
- Trả lời tử tế đi, Topsy! Một năm hay nhiều hơn, ít hơn?
- Không biết mà!
- Em có nghe nói về Đức Chúa Trời không?
- Dạ không.
- Em biết ai tạo ra em không?
- Dạ không, em chắc không ai hết.
Nó lại cười rộ lên như có gì thích thú lắm vậy. Ophélia nghĩ là nên đặt câu hỏi khác:
- Em biết may vá chi không?
- Dạ, không.
- Vậy em biết làm gì? Em làm gì khi ở với chủ cũ?
- Em biết xách nước, rửa bát đĩa, mài dao, làm chuyện gì họ biểu.
- Người ta có tử tế với em không?
Con bé lần này hơi ngập ngừng:
- Dạ... dạ tử tế.
Ophélia chăm chú trong câu chuyện dễ nản lòng này. Ông Clare tựa lưng vào ghế từ nãy, quan sát, chen vô:
- Đúng như em nói từ lúc đầu: nó là một mảnh đất mới, chị hãy gieo lên đó hạt giống lành đi!
Những người như cô Ophélia tự coi mình có bổn phận gieo rắc ánh sáng cho những kẻ tối tăm, đưa họ lên khỏi vũng bùn của sự dốt nát, giáo dục cho ra con người... Cô không thể coi việc này như một thí nghiệm như trò đùa kiểu ông em Clare được.
Cô tự thấy không phải cô chỉ dạy nó khuôn phép bề ngoài mà phải cải tạo tư tưởng nó, làm sao cho nó nên ngoan nên tốt. Dĩ nhiên trong đó có cả việc tập đọc, tập viết, tập cho nó có lòng tin về Đấng Tối cao, hiểu biết và phân biệt thiện ác, tốt xấu v.v...
Phải, đó là công việc khó khăn, nhưng con người cương nghị ấy không dễ nản lòng.

*

Ophélia đưa Topsy vào phòng mình và từ đó nó thuộc về cô, quanh quẩn trong khu vực riêng biệt của cô, vì cô không thể nào để nó lẫn lộn với đám tôi tớ kiêu ngạo, ích kỷ nhà dưới được.
Cô tập nó trải ra giường, thay bao gối, quét dọn lau chùi. Thật ra nếu không kiên nhẫn, thì chắc cô tự làm lấy còn khỏe hơn nhiều. Song cô đã tự hứa là huấn luyện nó thành thục nên cô phải cố gắng chịu đựng nó.
Chịu đựng! Quả thật không ngoa. Vì là nó không phải ngu ngốc mà trái lại rất ma mãnh. Nó có thể hoàn thành công việc nếu nó thấy thích làm, còn không thì, ôi thôi, khó mà lay chuyển nó. Nó lại hay phá phách hơn con khỉ, lanh lẹ hơn con sóc nhỏ, quỷ quyệt như loài cáo, nham hiểm hơn loài mèo! Thật quả là bất trị. Nó muốn thì ăn cắp ngay, mà rất tài tành, không sao thấy được.
Một hôm, nó ăn cắp đôi găng tay của cô và cái ruy băng cột tóc cho vào tay áo rồi khoanh tay trước ngực, dáng bộ như một học trò ngoan. Nhưng rủi cho nó: trong khi cử động tay để trải ra giường, nó làm hai món ăn cắp tuột ra. Cô Ophélia rầy nó:
- Tại sao em lại ăn cắp của cô? Mà lấy làm gì hai thứ này?
Nó nhìn hai tang vật với cặp mắt ngờ nghệch chối biến:
- Dạ, em đâu có ăn cấp, tự nhiên mà nó...
Trước cặp mắt nghiêm khắc của Ophélia, nó không nói được gì nữa để chạy tội, nhưng nó làm cái vẻ mặt thật ngây thơ vô tội làm cô tức muốn điên lên. Nếu không thấy tận mắt, không ai tin nó gian được.
- Em có biết nói dối là có tội không?
- Dạ, em đâu có nói dối? Tự nhiên nó dính vô tay áo em đó, cô ơi!
Ophélia dọa:
- Nếu em còn tiếp tục gian dối, tôi phải đánh đòn em.
Cô ngỡ nó sẽ tỏ ra sợ hãi, nào ngờ trước sự kinh ngạc của cô, nó nói trơn tru một cách tự nhiên:
- Dạ, cô phải đánh em mới được.
Một hôm cô có việc đi vắng nhà, nó lấy khăn quàng cổ của cô choàng vào, đứng trước gương soi mặt, nhăn nhó, múa may làm đủ trò.
Cứ mỗi lần như vậy, bị la rầy, dẫn dụ, dỗ dành hay mắng nhiếc xong, nó cũng tỏ vẻ hối hận chút đỉnh, nhưng không bao lâu lại trở về thói cũ. Cô Ophelia bảo nó:
- Em phải tỏ ra ngay thẳng. Còn gì nữa kể hết ra, thú tội đi, cô sẽ tha em. Em còn lấy cái gì của ai nữa không? Ngày hôm qua, em chạy rong cả ngày. Nói thật hết đi, em đã làm gì. Phải thú nhận...
- Thưa cô, em lấy chuỗi ngọc đo đỏ của cô Eva...
- Trời ơi, chuỗi hồng ngọc cùa cháu Eva? Còn gì nữa?
- Dạ, với lại đôi hoa tai của chị Rosa...
- Em để hai thứ đó đâu, đem hết lại đây cho cô ngay, mau lên!
- Dạ, còn đâu mà đưa, thưa cô? Em đốt sạch trơn rồi.
- Lại nói dối, em muốn bị đòn sao chứ?
Cứ nhì nhằng như thế hồi lâu, cô Ophélia tra gạn gì nó cũng cứ một mực rằng đã đốt tuốt hai món nữ trang của Rosa và Eva.
- Tại sao em lấy của người ta mà đốt đi...
- Dạ, tại em ghét mấy cái đó, em ưng đốt đi...
Thình linh, Eva xuất hiện, chuỗi hồng ngọc nằm ngay ngắn trên cổ. Cô Ophélia ngạc nhiên quá:
- Eva, chuỗi hồng ngọc cháu tìm đâu ra đó?
- Dạ, thưa cô có tìm gì đâu? Cháu đeo cả ngày, đêm qua cháu quên tháo ra trong lúc ngủ.
- Ủa, chứ không phải cháu bị mất hôm qua sao?
- Thưa cô, làm sao mất được...
Cô Ophélia đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khắc khi Rosa đội giỏ áo quần ủi xong bước tới: đôi hoa tai vẫn lủng lẳng trên tai ả ta. Cô quay sang Topsy:
- Này, tại sao em lại tự nhận đã ăn cắp hai thứ đó chi vậy?
- Dạ, thì cô biểu em thú nhận hết đi, em phải thú nhận chớ sao giờ?
Nó nói tỉnh bơ, nhe răng trắng nhỡn làm cô Ophélia không biết dùng lời lẽ ra sao để mà răn dạy, dùng phương pháp nào mà trừng phạt.
- Nghe đây: Em nên thật thà, cái gì có thì nói có, không thì nói không. Không lấy mà nói có lấy, đó cũng là dối láo, hiểu chưa?
- Ủa, vậy cũng là dối láo, cũng có tội hở cô?
Rosa hằn học:
- Tôi mà có quyền, tôi quất cho tóe máu ra, thứ đổ quỷ ranh!
Eva tỏ ra nghiêm khắc - em vốn dịu dàng, tử tế và không bao giờ dùng quyền chủ nhân với mọi người - với Rosa:
- Chị Rosa, chị đừng ác như thế. Tồi không muốn nghe chị nói thế đâu.
- Thưa cô, cô tốt quá không được. Tụi da đen ghê gớm lắm, phải trừng trị thẳng tay. Phải đánh đòn những đứa như con nhỏ này mới xong...
- Thôi, tôi đã nói là chị đừng có độc ác mà! Chị đừng bàn đến chuyện này, đâu phải là phần việc của chị?
- Eva giống ông chủ, cô hiền lắm. Với ai cô cũng tốt hết.
Rosa vừa nói vừa rút lui. Eva nhìn Topsy bằng đôi mắt dịu dàng:
- Tội nghiệp chị! Chị ăn cắp làm chi, nói dối làm chi. Ở đây không ai xử ác với chị đâu. Chị cần gì, em sẽ cho chị, đừng ăn cắp, chị Topsy à!
Lần thứ nhất trong cuộc đời khốn khổ, cực nhục, con bé này nghe một câu nói dịu dàng và cái nhìn bao dung làm nó xúc động sâu xa, nó rơm rớm nước mắt, nhưng liền đó nó chai lỳ lại ngay. Nó ngỡ là có thể, người ta trêu chọc nó, chứ không ai thương được nó, một đứa trẻ da đen, không cha, không mẹ, hạ tiện, thấp hèn.
Có lần cô Ophélia nhốt Topsy vào căn phòng tối. Cô phân bua với Clace; vì cô biết ông ghét lối giáo dục này:
- Tôi không thể làm khác hơn, cậu phải biết...
- Chị cứ tự nhiên làm theo ý chị, miễn đi đến đích. Em không có ý kiến gì hết. Em đã từng thấy họ đánh nó bằng cái xẻng, mà không chỉ với cái xẻng đâu: tất cả cái gì vừa tầm tay họ, quơ gì đập nấy như đánh súc vật chứ không phải con người.
Ông ta ngừng lại giây lát, đổi thế ngồi cho thoải mái, tiếp:
- Nhưng rồi mọi sự có đi đến đâu không? Sự ngược đãi của chủ nhân đối với nô lệ đôi khi cũng đăng lên cả trên mặt báo. Mà hễ chủ càng ngày càng ác, càng tệ thì nô lệ càng ngày càng bướng bỉnh, cứng cổ thêm, chủ lại càng khắc nghiệt thêm. Y như nha phiến với người nghiện nó: càng ngày càng phải tăng số lượng lên mà độ cảm nhạy giảm dần đi. Tôi biết rõ điều này, thật là cái vòng lẩn quẩn. Tôi, ít nhất về phần tôi, tôi không chấp nhận bạo lực, và như vậy, than ơi, nô lệ của tôi lại đâm ra nhác nhờn, bừa bãi. Thôi, giờ đến phiên chị, chị thử giáo dục con bé này theo phương cách của chị đi!
- Cảm ơn cậu, tôi sẽ cố gắng xem sao!

*

Khi cô Ophélia dạy Topsy học, nó tỏ ra tiến bộ khác thường, chỉ ít lâu là nó đọc trôi chảy. Nhưng khi học may vá thì khó khăn hơn: nó không muốn ngồi yên một chỗ với cái công việc tỉ mỉ, kiên nhẫn ấy. Nó lén cô bẻ gãy kim hoặc vứt ra cửa sổ, hay nhét vào khe hở ở tường. Nó bứt đứt chỉ, làm rối tung lên, hay giấu biến cả chỉ lẫn kim. Nó lanh như một tay làm ảo thuật và rồi làm bộ hiền lành không ai ngờ được.
Phải công nhận là nó quỷ quyệt hết chỗ chê: nó bắt chước ai cũng giống hết, nó nhảy múa, leo trèo, quay vòng tròn, huýt sáo, bắt chước tiếng kêu và bất cứ tiếng động gì. Lũ trẻ con đi theo sau nó vào giờ chơi, há hốc miệng vừa kinh ngạc vừa khâm phục.
Eva cũng tỏ ra thích nó nữa. Thật y như con rắn độc mê hoặc con bồ câu trong trắng hiền lành, Ophélia thấy cảnh tượng ấy, cô lấy làm lo lắng, thổ lộ nỗi e ngại với em trai:
- Cậu coi, con nhỏ đó có thể gây ảnh hưởng xấu cho cháu Eva, phải tìm cách cho nó khỏi tác quái... Nếu Eva là con tôi thì...
- Chị quá cẩn thận vô ích. Không sao đâu, mặc kệ lũ trẻ với nhau.
- Cậu sao mà quá vô tâm, cậu không thấy con Topsy như con quỷ đó sao?
- Không. Tôi dám đoan quyết với chị như thế. Với đứa khác thì sợ tiêm nhiễm thói xấu của nó, với Eva thì không, không bao giờ. Eva khác thường, tôi biết con tôi, chị chớ quan tâm.
Mà con bé Topsy phi thường thật: thoạt đầu, dám con nít con em của bọn gia nhân ông Clare khinh thường nó - như kiểu mụ Dinad, ả Rosa và Jane - nhưng chẳng bao lâu chúng thấy Topsy hay hay, thấy theo con bé này vui quá. Topsy ăn cắp tài lắm; giấu đâu không ai thấy, mọi vật trong phòng tắm, ngay cả trên cổ, trên tay một người nào đó nữa, như là mọc cánh bay đi. Đứa nào vô phúc mà chọc tức nó hay khi dể nó ấy ư? Không sớm thì muộn sẽ bị nó trả thù đích đáng. Chẳng hạn một cái áo ủi thẳng bị nhàu đi hay lủng đi. Không ai tìm ra thủ phạm, dù ai cũng biết thủ phạm chính là Topsy. Hai người bị Topsy ghét nhất là Jane và Rosa, chúng tìm cách tố cáo với cô Ophélia để cô trừng phạt Topsy nhưng chúng thất bại, vì không có bằng cớ đích xác làm sao kết tội con bé này trước mặt cô? Hơn nữa, hai ả từ đầu đã tỏ ra ác độc với con bé, nên chúng không được cô Ophélia tin lời, cô không bằng lòng nghe chúng kể tội Topsy.
Chỉ một thời gian ngắn, những kẻ phách lối, kênh kiệu trong nhà chủ nhân kiềng mặt con Topsy, không còn cái lối khinh bỉ, nhiếc mắng nó ra mặt nữa, phải để nó được yên thân.
Khi nào ngoan ngoãn, Topsy trải khăn giường rất phẳng phiu, đặt cái gối thật ngay ngắn, nó lau quét, dọn đẹp trong phòng cô Ophélia ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng khốn thay: nó không luôn luôn ngoan ngoãn.
Một hôm nữa, cô đi thăm người bạn, giao nó dọn phòng và lại sơ ý bỏ quên chìa khóa trong ngăn kéo, không đem theo mình.
Khi cô về, một cảnh tượng bừa bãi, ngổn ngang diễn ra trước mắt: thay vì bao áo gối vào gối, nó lột ra, khăn giường thì lôi xuống đất, lấy áo ngủ của cô mà tròng vào làm bao gối cho cái gối ôm, gối cái đầu tóc xoắn tít của nó lên gối cô, khi thì thòng đầu xuống dất, miệng hát líu lo, rồi chạy lại soi gương, cười nức lên như quỷ nhập. Khăn choàng đỏ của cô nó quấn lên đầu, đi qua đi lại, diễn trước gương dáng bộ ưỡn ẹo như một cô đào hát đóng vai công chúa!
- Topsy! - Cô chủ la lớn - Ai cho phép con làm như vậy?
- Thưa cô, không biết, con thích phá chơi.
- Con có biết rằng cô sẽ phạt con không?
- Dạ, phải đánh con đó, cô! Chủ cũ của con đánh con tối ngày. Như vậy mới được à, cô!
- Cô không muốn đánh con đâu. Topsy? Con có thể tốt ngoan, tại sao con lại giở chứng như vậy, hả?
- Thưa cô, con có thói quen muốn ăn đòn. Chắc cô phải đánh con!
Đôi khi không kiên nhẫn nổi, cô Ophélia phải trừng phạt nó bằng roi. Nó la hét, khóc lóc một chút rồi thì nửa giờ sau, đứng trên bao lơn, bu quanh là lũ nhỏ da đen, nó vênh váo, khoe:
- Ý, cô Ophélia đánh tao, mà chẳng đau cóc khô gì hết. Hồi trước bà chủ cũ bả đánh tao đứt thịt ra kia mà còn không thấm tháp gì nữa là, tao đâu có ngán ai. Tao chì lắm à, tụi bây ơi!
Rõ ràng là nó coi roi đòn của cô Ophélia như trò đùa. Nó ưỡn ngực lên, đáng bộ như vị tướng hành quân về, vừa thắng trận:
- Tao ngon lành lắm à: tao có tiếng lắm à! Ai làm gì nổi tao? Bà chủ cũ của tao bả đánh chửi tao hết nửa ngày, còn có nửa ngày làm chuyện khác! Nói cho tụi bây biết! Tao đây, Topsy đây!
Tuy nhiên, nó học giáo lý đến đâu nhớ kỹ đến đấy. Trả bài rất thông suốt, đôi khi khá thông minh làm cho cô Ophélia rất hài lòng. Có bận, ông em ưa hài hước giễu cô:
- Chị bận tâm dạy giáo lý cho nó làm gì? Em thấy vô ích đó, chị ơi!
- Sao cậu biết là không có ích? Con người phải có căn bản đạo đức...
- Chị tin là nó hiểu ư?
- Dù chưa hiểu, một ngày kia nó sẽ thấm nhập thấu đáo điều hay trong đó.
- Em ngờ lắm...
- Cậu Clare, tôi muốn cậu đừng có coi cái gì cũng là trò đùa. Phải đứng đắn!
Biết chị sắp giận, Clare vội vàng xin lỗi. Đôi khi, ông bênh vực Topsy. Con nhỏ tinh quái này biết rõ ông chủ rộng lượng, nó biết cái cách nấp dưới sự che chở của ông khi cô Ophélia nổi nóng. Nó có nhiều cách làm cho ông động lòng, nó cũng biết cách làm cho ông móc túi dúi tiền cho nó. Có đồng nào, nó mua hạt dẻ, đường phèn phân phát khắp hết cho lũ trẻ. Topsy tỏ ra hào phóng, thảo ăn.