Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 17

     ột buổi chiều mùa hè trong trang trại của ông Shelby ở Kentucky. Tất cả các cửa lớn, cửa sổ trong nhà đều mở rộng. Gió thoang thoảng, man mát.
Trong căn phòng khá rộng ăn thông với phòng khách và hướng ra mặt tiền ngôi nhà, ông Shelby ngồi tựa cửa ngửa ra ghế, chân duỗi thẳng, bắt chéo nhau, miệng phì phèo điếu xì gà sau bữa cơm tối.
Bà vợ thì đang cặm cụi với mớ áo quần, hình như là không chăm chú lắm vào công việc, bà đang có gì muốn thảo luận với chồng mà chưa tiện nói ra. Bà không thể mở đầu một cách dễ dàng. Song sau cùng, bà cũng nói được:
- Này mình, Chloé vừa nhận được thư chồng đó nghe!
- A! Tốt lắm! Sao? Chú ấy mạnh giỏi chứ? Chắc là gặp được một người chủ tốt? Tôi mừng lắm...
- Chú ấy được may mắn gặp người chủ tốt, lại giàu có, coi bộ không vất vả gì cả, được đối xử tử tế lắm thì phải.
- Thế ư? Thế thì còn gì bằng. Tôi rất yên bụng - Giọng ông vui vẻ thành thực - Có thể chú ấy sẽ không còn đòi về đây nữa, há?
- Ông lầm rồi! - Chú nài nỉ mình mau mau tìm cách chuộc chú về. Tội nghiệp!
Bà Shelby có vẻ nóng nảy. Người chồng buồn rầu nói:
- Thật là khó xử cho mình. Công việc làm ăn thì cứ như cái xe đang xuống dốc, không ngừng lại được. Tôi như người lún xuống bùn, rút chân này, lún sâu chân kia. Vay của chỗ này trả cho chỗ kia, đắp đổi, vá víu. Rồi thì thời hạn tới trước khi tàn điếu thuốc; quay đi quay lại, chưa kịp trả tiền lời, thì đến tiền vốn. Và những hóa đơn, thuế má chồng chất...
- Mình ơi! Tôi muốn mình đừng ham kinh doanh nữa, bán bớt ít ngựa hay vài cái nông trại đi mà trả nợ cho yên.
- Kìa, Emilie! Em nói thật kỳ... Em là một phụ nữ tốt bụng, nhưng cũng giống như các bà vợ khác, không biết gì đến công việc làm ăn của chồng cả.
- Đó là tại anh, anh không cho em dự vào công việc làm ăn. Sao anh không cho em biết anh thiếu nợ những ai, bao nhiêu, những khoản gì, xem em có thể giúp anh chút gì chăng?
- Thôi, em hãy để tôi yên! Làm sao tôi kể cho em hết mọi chi tiết trong công việc làm ăn của đàn ông? Em nên biết là công việc của tôi khác với việc mụ bếp nhà mình, đâu có sắp đặt dễ dàng như mụ ấy cắt bánh sắp lên dĩa bàn? Nếu nó dễ dàng thì tôi đâu đến nỗi điên đầu.
Câu sau cùng, ông hơi to tiếng. Đó là cách thông thường của đàn ông khi họ cãi với vợ và thấy sắp đuối lý. Bà vợ thở dài, im lặng. Phải, bà là đàn bà đâu biết đến việc kinh doanh to lớn của ông?
Song thực tế, bà rất thiết thực, sáng suốt, có cá tính mạnh mẽ hơn ông tưởng. Bà nhận thấy mình có bổn phận thi hành đúng đắn một lời hứa danh dự đối với tôi tớ dưới quyền. Bà buồn rầu thấy ông không sốt sắng như mình trong việc này, ông có vẻ muốn trì hoãn?
- Em không tin là mình không chuộc chú ấy nổi. Tội nghiệp vợ con chú! Thím cứ nghĩ đến chuyện này hàng ngày, kể từ khi chú bị mình bán đi. Anh nghĩ coi. Nỡ nào để họ xa nhau hoài...
- Em đừng tưởng tôi vui sướng chi. Hừ! Lời hứa! Tôi nào ngờ ngày nay tình trạng thế này. Tốt hơn, em nên tìm lời an ủi thím ta, nói rõ là đừng hy vọng gì nữa. Có thể vài năm tới đây Tom sẽ có vợ khác, còn thím thì cũng...
- Anh Shelby! Tôi xin anh! Họ có làm phép hôn phối, anh quên sao? Họ cũng như chúng ta mà, sao anh có thể nói câu ấy được? Tôi làm sao có thể mở miệng nói câu tàn nhẫn ấy với thím Tom? Tôi dạy họ cái gì?
- Than ơi! Em đã vô tình làm họ bị trói buộc, làm họ khổ vì mớ giáo lý của em... vì thứ đạo đức phiền toái của em...
- Giáo lý gì của em? - Bà vợ hết kiên nhẫn - Đạo đức gì của em? Mà dù cho của em thì đã sao?
- Thôi, thôi! Đừng bàn chuyện đó, anh đau đầu quá rồi? Anh không có ý đụng đến đạo đức của em, anh chỉ nói là đạo đức đó không hợp với những người như vợ chồng Tom trong cảnh ngộ của họ, hiểu chưa?
- Phải! Ông chồng tôi ơi! Ông có lý lắm! Nhưng tôi tin cho ông hay: nếu ông đã viện cớ này, cớ nọ để trì hoãn, để khỏi thực hiện lời hứa với họ, thì đó là quyền của ông. Còn tôi đây, tôi xin nói rõ: tôi sẽ, bằng mọi cách, thực hiện được lời hứa danh dự với họ, tôi không thể làm khác với lời nói. Tôi sẽ kiếm tiền chuộc chú ấy một ngày gần đây.
- Em làm gì cho ra tiền?
Bà vợ cương quyết đáp:
- Em sẽ dạy nhạc...
- Thôi đi! Đừng có hóa rồ, tôi không muốn em tự hạ mình, làm giảm giá trị đến mức đó.
- Dạy nhạc mà giảm giá trị? Mà tự hạ? Thôi đi ông ơi! Tôi, thì tôi cho là tôi sẽ tự làm giảm giá trị của tôi đi nếu tôi nuốt lời hứa kia, chớ còn như dạy nhạc...
- Tôi biết, tôi biết em có tâm hồn cao thượng, tốt lành, nhưng trước khi làm gì, em phải suy xét chín chắn một chút, Emilie ơi!
Câu chuyện bị ngưng lại vì đúng lúc đó bác Tom gái xuất hiện:
- Thưa bà. Mời bà xem qua mấy con gà sắp làm thịt, bà thích con nào làm món gì...
- Tùy ý thím, muốn làm con nào, làm món gì cũng được. Tôi đang bận... với lại bếp núc là chuyện thím rành hơn cả tôi mà, Chloé!
Chloé xách mấy con gà trong tay, có vẻ suy nghĩ. Thật ra bác ta theo dõi câu chuyện từ đầu, bác không hiểu sao chủ bác lại lo lắng tiền bạc trong khi của cải trước mắt không thèm nhìn tới, giao phó cho mình quyết định? Thấy dáng bộ người bếp, bà Shelby biết là bác đã hiểu hết mọi chuyện, hiểu vợ chồng bà đang bất đồng ý kiến về chuyện bác Tom trai. Bà hỏi Chloé:
- Thím nghĩ gì đó, thím Tom?
- Thưa bà, tôi đang nghĩ... rằng sao ông bà giữ nuôi bọn tôi tớ nhiều quá, mà công việc thì có là bao nhiêu đâu? Hiện giờ có nhiều chủ trại cho thuê lại nô lệ, rất có tiền mà đỡ tốn hao chứ để chúng tôi ngồi ăn như núi lở, ăn mà không làm gì hết. Bà nghĩ coi, tôi nói có đúng không?
- Coi, thím Tom ơi! Thím lại tính... thím muốn tôi cho thuê bớt đứa nào chăng? Thím đề nghị...
- Thưa bà, tôi không có đề nghị gì. Nhưng tôi... tôi có ý muốn...
Thấy bác ta ngần ngừ, bà chủ khuyến khích:
- Cứ nói ý thím tôi nghe coi, không sao đâu.
- Thưa, tôi nghe chú Sam nói ở Louisville có một hiệu bánh ngọt đang thiếu nhân công. Họ hứa trả mỗi tuần lễ tới bốn đô-la cho người nào đến làm cho họ.
- Rồi sao nữa? Nói tiếp coi!
- Thưa bà, tôi nghĩ là đã đến lúc giao cho cô Sally lo việc bếp núc nhà này, cô ấy lớn rồi, bao nhiêu năm ở cạnh tôi, học được khá nhiều, giờ cũng đảm nhận được công chuyện. Nếu bà vui lòng cho tôi đi xuống đó, tôi sẽ kiếm được bộn tiền. Thưa bà, gì chớ làm bánh thì tôi... nghề của tôi mà, thưa bà.
Bà chủ hơi băn khoăn:
- Nhưng thím đi rồi lũ nhỏ làm sao đây? Bỏ chúng ở nhà, thím không nhớ chúng sao? Và ai coi chừng chúng?
- Thưa, không sao đâu, tụi nó cũng đã lớn rồi, với lại sau khi xong việc nhà bếp, Sally coi chừng giùm tôi được. Nó nhận rồi, nó cũng ngoan lắm, thưa bà.
Bà Shelby có vẻ trầm ngâm:
- Louisville xa quá, thím Tom ơi!
- Thưa bà, không can gì, ở cuối sông mà xa bao nhiêu? Xa sao bằng chỗ ông Tom nhà tôi đang ở? Phải không, thưa bà? Mà xa đây thì lại gần chỗ ông ấy...
Giọng bác thành khẩn, nồng nhiệt, mắt nhìn chủ chăm chú chờ câu trả lời.
- Thím Tom ơi! Thím thật can đảm, nhưng còn cả trăm dặm mới đến chỗ chú Tom đang ở.
Bác Tom gái buồn rầu ra mặt làm bà chủ động lòng, bà an ủi:
- Nhưng có sao đâu, rồi đây sẽ đến lúc gần nhau. Tôi thấy không có gì ngăn thím đi làm việc cả. Và tôi cho thím biết; số tiền thím làm được thím cứ cất đó, dành cho đủ mà chuộc chú về. Tôi không giữ đâu. Nó thuộc quyền thím, vì là công lao của thím.
Khuôn mặt đen đúa của người vợ sáng rực lên, niềm hy vọng, tin tưởng về ngày sum họp làm bác mừng rỡ, bác nói to:
- Chúa ơi! Bà có lòng tốt quá! Tôi đội ơn bà lắm. Tôi đi liền, tôi không cần gì hết. Áo, quần, giày dép, không cần! Tôi để dành tất cả số tiền...
Chợt bác băn khoăn, vầng mây u ám lại thoáng hiện lên mặt bác:
- Thưa bà, một năm có mấy tuần lễ?
- 52 tuần cả thảy.
- 52 tuần! Mỗi tuần được tới bốn đô-la. Thưa bà, tổng cộng là bao nhiêu?
Bà chủ mau mắn đáp:
- 208 đô la một năm.
- Khá quá chớ, thưa bà! Mà phải mất mấy năm để có thể...
- Phải bốn hay năm năm mới đủ tiền chuộc chú ấy về, nhưng thím đừng lo. Tôi sẽ kiếm tiền phụ thêm với thím cho mau. Tôi dạy...
- Thưa bà, đừng! Bà đừng làm gì hết, cũng đừng dạy nhạc, ông không bằng lòng, vì nó giảm giá trị của gia đình. Tôi mong trong nhà này không bị giảm giá trị vì Tom. Tôi làm được, thưa...
- Đừng ngại, tôi biết cách giữ giá trị chớ, thím Tom. Tôi làm gì bậy mà thím lo? Bây giờ, thím tính đi làm ngày nào?
- Tôi nghe chú Sam sắp xuống đó đi công chuyện ông sai. Tôi sẽ đi theo chú ấy. Tôi đã sắp xếp đâu đó đàng hoàng, chỉ còn chờ lệnh bà thôi. Bà vui lòng thì còn gì mà lo? Chắc sáng mai đi.
Thím thêm:
- Xin bà vui lòng viết cho tôi vài chữ nhận tôi là người tốt và cái thông hành.
- Tôi phải bàn qua với ông, chắc không sao, ông cũng bằng lòng. Tôi sẽ viết giấy cho thím và thông hành. Yên bụng đi!
Chloé hớn hở ra mặt trở về lều.
Georges cũng vừa đến thăm bác, người đàn bà vừa sắp đặt áo quần cho các con vừa khoe:
- Cậu Georges này, có một chuyện hay lắm, cậu biết không: ngày mai tôi đi Louisville để làm công trong hiệu bánh, kiếm tiền chuộc Tom đó. Bà cho rồi. Cậu coi, tôi phải sửa soạn cho lũ nhỏ trước khi đi. Chắc phải lâu lâu mới về. Cậu coi: bốn đô-la một tuần chớ ít ỏi gì, mà bà vui lòng cho tôi hết, bà không lấy xu nào, đặng tôi để đành.
Georges tỏ ra sốt sắng, vui vẻ:
- Hay lắm, tốt lắm! Tôi mong bác Tom về cũng như bác vậy. Chừng nào bác đi?
- Sáng mai, đi với chú Sam. Cậu ở nhà mạnh giỏi, nghe cậu. À, tôi muốn nhờ cậu một chuyện, được không?
- Tại sao không? Chuyện gì, bác nói liền coi, tôi sẵn sàng giúp bác mà.
- Viết cho ông Tom lá thơ, kể rõ đầu đuôi chuyện này. Đặng ổng mừng, biết không!
- Chắc chắn rồi. Để tôi đi lấy giấy bút, chờ chút nghe bác Tom. Tôi sẽ viết dài, kể hết, chuyện bác, chuyện lũ nhỏ, chuyện nhà tôi, chuyện bầy gà... kể hết.
- Phải à! Trong khi cậu viết, tôi làm món ăn thật ngon cho cậu. Rồi đây, chắc còn lâu lắm cậu mới có dịp dùng bữa trong lều này với già Chloé.