Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 18

     ấy năm ròng rã trôi qua, Tom sống tại gia đình ông Clare. Tuy được đối đãi tử tế, không vất vả chi, song bác vẫn hướng mắt về Kentucky, nơi bác phải lìa bỏ ra đi, cam chịu xa con, xa vợ vì số phận hẩm hiu của người nô lệ thuộc quyền sở hữu người chủ da trắng.
Tất cả gia tài bác có gồm vỏn vẹn hai cuốn sách: Thánh kinh và Thánh ca mà bác luôn luôn cầm đến khi rảnh rỗi cũng an ủi bác được đôi phần. Bác biết hòa mình theo hoàn cảnh mới, âm thầm buồn nhưng không tỏ lộ ra, cố gắng làm tròn bổn phận với chủ mới, cũng rất tốt với mình.
Và rồi, thư bác được hồi âm. Kể làm sao cho xiết nỗi vui mừng của con người nô lệ đáng thương đó! Bác nhận ra tuồng chữ của cậu chủ nhỏ tốt bụng, nay có vẻ rắn rỏi hơn, đẹp hơn. Bác run rẩy cầm lá thư lặng đi một lát rồi mới bình tĩnh lại mà đọc được. Bác đọc to cho đến nỗi có ai ở phòng bên cạnh chắc họ sẽ nghe rõ từng lời. Ủa, mà bác sợ gì ai phải giấu diếm? Bác cứ đọc to để hưởng trọn niềm vui, để xác quyết rằng lá thư có thật, nằm trong tay bác.
Nhờ cánh thư đó, Tom biết rõ tình cảnh gia đình ông chủ, biết vợ được bà chủ rộng lượng cho đi làm thuê ở hiệu bánh tại Louisville, tiền được cất riêng để chuộc mình. Bà cũng tính đi đạy nhạc đặng mau có đủ số tiền phụ vào với vợ bác. Hai con trai bác làm việc siêng năng và con bé út thì đi vững vàng rồi, rằng trong lúc vợ bác xa căn lều yêu dấu, con Sally đã lớn (bao năm qua còn gì) sẽ săn sốc lũ trẻ. Mọi người cũng trông coi giúp. Căn lều sẽ đóng cửa trong thời gian bác gái vắng mặt, nhưng Georges với ngọn bút tài hoa của cậu học trò trung học đã nhắc đến việc sẽ sửa sang nó lại, nới rộng nó thêm cho phong quang, đẹp đẽ như cậu hứa ngày nào, khi Tom được trở về.
Cậu cũng không quên nói rõ về sự học hành tiến bộ của mình, ba mẹ vẫn được sức khỏe, duy việc làm ăn thì sa sút chút ít. Cậu cũng không quên kể chuyện bầy gà sinh sôi, nảy nở ra sao, con mái thế nào, con trống thế nào v.v... không sót một chi tiết nhỏ.
Tom âu yếm, nâng niu bức thư như một báu vật và Eva được đặc biệt chia sớt niềm vui lớn lao này. Đọc đi, đọc lại, một già một trẻ cũng đồng ý đi đến kết luận là bức thư đó văn chương toàn hảo, tuyệt vời, chữ viết đẹp, có một không hai trên thế gian này, chắc chắn như vậy!
Đọc hoài không chán, rồi cả hai còn nảy ra cái sáng kiến là lồng kính lá thư như kiểu người thợ chụp ảnh lồng kính hình thân chủ, treo lên để nhìn thấy hoài hoài.
Song đến đây, họ gặp một khó khăn không sao giải quyết: làm thế nào mà có thể nhìn thấy suốt hai mặt lá thư nếu lồng kính nó?
Tình bạn của hai bên theo thời gian, mỗi ngày mỗi thêm thắm thiết. Khó mà xác quyết cái tình cảm đó ở một giới hạn nào. Bác Tom yêu quý Eva như người thủy thủ Ý đối với Chúa Hài Đồng khi lênh đênh trên biển cả. Một thứ tình cảm vừa tôn kính, vừa thương yêu như không phải thứ tình cảm thông thường dành cho hạng phàm nhân. Mỗi ngày bác càng cảm thấy tình yêu đó như thiêng liêng hơn và có khi bác lo sợ vẩn vơ, tưởng như Eva là một báu vật mong manh, có thể vỡ tan một ngày nào đó...
Bởi vì một đôi khi em có nhiều câu nói làm bác không khỏi rùng mình. Bác luôn luôn làm Eva vui lòng, chìu ý em đối với bác là việc quan trọng nhất.

*

Gia đình ông Saint Clare ở trong biệt thự xinh đẹp, bao quanh bốn phía là hoa viên. Nhiều loài hoa hiếm và quý gần phòng khách, những con đường nhỏ đưa xuống bờ hồ, mặt hồ lấp loáng như dát bạc dưới ánh mặt trời.
Mỗi chiều, khi mặt trời sắp lặn, chủ tớ Tom và Eva hay ra ngồi trên ghế trong khu vườn để ngắm cảnh và trò chuyện, hoặc đọc Thánh kinh cho nhau nghe. Tâm hồn em rất nhạy cảm, những đoạn trong Thánh kinh ảnh hưởng đến thần kinh em không ít. Em thường mơ đến cõi Thiên đàng. Em hỏi:
- Bác Tom này, bác biết Thiên đàng hiện ở đâu không?
- Trên trời trong những đám mây đó, Eva à.
- Cháu tin là cháu sẽ thấy được Thiên đàng một ngày gần đây! Bác thấy đám mây kia không? Giống như những đôi cánh to lớn, mong manh bằng ngọc, có đám thì như bằng vàng... Bác Tom ơi! Bác cháu mình hát những bài hát có Thiên thần đi! Này, bác biết không: có khi cháu ngủ, cháu thấy Thiên thần đó, bác ơi!
Họ cùng hát. Rồi Eva lại làm Tom giật mình:
- Cháu sẽ đến đó, bác Tom ơi!
- Eva nói gì vậy? Em đi đâu?
Eva đứng dậy, chỉ tay lên trời. Mặt trời sắp lặn, ánh sáng của ngày tàn chiếu lên mái tóc óng ả của em, càng làm cho em có vẻ thoát tục, siêu phàm. Tom giật nẩy mình, bàng hoàng, run sợ nghẹn ngào.
- Phải! Cháu sẽ đến đó, nay mai...
Tom có lo sợ hão huyền không? Mấy tháng gần đây, bác để ý thấy em mỗi ngày mỗi khác đi, em xanh xao, gầy guộc, rồi đôi khi em hồng hào một cách khác thường, hơi thở em gấp và ngắn, em mau mệt trong lúc chơi đùa. Vài lần em ho khúc khắc. Em hay mơ mộng, ít còn nghịch ngợm, và em hay nói đến Thiên đàng...
Bác cũng nghe lỏm cô Ophélia bảo ông Clare rằng em bị ho lao và đó là bệnh khó chữa thời bấy giờ. Tom nhìn Eva chăm chú, em đang lúc hồng hào nhưng bác biết em không được mạnh, chợt có tiếng cô Ophélia:
- Eva! Vào nhà đi cháu, sương xuống rồi đó.
Tòm dắt cô chủ nhỏ đi vào ngay. Phần cô Ophélìa, cô rất ngại cho sức khỏe mỏi mòn của cháu, cô cũng lo sợ như Tom. Vướng phải bệnh này có rất nhiều đứa trẻ không sao thoát chết. Nhưng hễ động cô có đề cập đến điều lo lắng này, tức thì cha đứa trẻ gạt đi:
- Chị cứ lo lắng không đâu, con nít đôi khi nó... thế có sao đâu.
Thật tình, ông tự dối mình, ông cũng đang lo, nhưng không muốn ai biết rõ điều này. Ophélia không chịu thua:
- Cậu hãy nhìn thẳng vào sự thật: Elisa Jams, Hélène rồi Marie Sanders đều chết vì thứ bệnh quái ác này.
- Chị đừng nói đến chết chóc, em buồn lắm. Em xin chị! Nếu chị thương em xin chị coi chừng cháu kỹ kỹ một chút, đừng để nó ra gió chiều nhiều, đừng cho nó chơi chạy nhọc quá. Rồi mọi việc sẽ êm xuôi.
Người cha cố dùng giọng bình tĩnh bảo người cô. Ophélia thương hại em, không nói ra, nhưng cô nghĩ: “Hừ, êm xuôi! Tôi chỉ sợ không êm xuôi như cậu nói thôi”.
Mỗi ngày, Clare càng quấn quít gần con không rời, ông đi dạo bằng ngựa với Eva... như ông cũng tiên cảm bất hạnh lớn lao sắp đến. Ông luôn miệng bảo con:
- Con khá lắm, con hồng hào lắm. Bệnh ho này không can gì, sơ sịa thôi mà, trẻ con nào cũng bị ho đôi khi, đừng quan tâm.
Điều làm ông lo lắng hơn cả chính là sự khôn ngoan quá sớm của Eva và sự suy nghĩ về những gì mà vào tuổi đó, con nít khác chưa hề nghĩ tới.
Một hôm, em hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Sao ta không dạy cho mấy người nô lệ biết đọc, biết viết?
- Để làm gì? Vô ích quá mà.
- Sao mẹ cho là vô ích? Con thấy nó có ích lắm chớ, thưa mẹ?
- Con nói kỳ cục quá, biết đọc biết viết hay không, bọn nô lệ vẫn không làm việc giỏi hơn. Không cần thiết đối với bọn họ, họ sinh ra để làm việc, con phải hiểu...
- Nếu họ biết đọc, họ sẽ đọc Thánh kinh, họ sẽ hiểu Chúa có lòng thương tất cả mọi người, không phân biệt..
- Khi nào cần, sẽ có người đọc cho họ nghe.
- Nhưng con tưởng tự đọc được vẫn hơn chứ, thưa mẹ? Biết đọc thì khi nào muốn biết là tự mình đọc biết liền khỏi nhờ ai. Mẹ coi, như cô Ophélia đó, cô dạy cho Topsy...
- Con Topsy? Hừ! Mẹ chưa từng thấy con bé nào tồi tệ như nó. Để coi cô con giáo dục nó ra sao cho biết.
- Mẹ này, con thấy vú Mammy của con cũng tội ghê, vú ưng đọc lắm, mà phải nhờ con đọc giùm. Con nghĩ nếu một ngày kia con không còn đọc cho vú nghe nữa thì vú sẽ buồn biết chừng nào...
Người mẹ ích kỷ ấy không bao giờ chịu chú ý đến lời con mình. Bà ta đang săm soi mấy thứ nữ trang quý giá trong tủ, nghe con nói thế, bà lơ đãng trả lời:
- Phải, một ngày kia lớn lên, con sẽ có nhiều việc bận tâm hơn là suốt ngày đọc Thánh kinh và săn sóc bọn nô lệ, công việc đó không xứng đáng cho con gái cưng của mẹ đâu. Con phải lo giao thiệp, trang điểm, sửa soạn áo quần cho hợp với phong cách của một thiếu nữ con nhà danh giá. Con coi đây: mẹ để dành những thứ này cho con cả đấy. Đây là thứ nữ trang đắt nhất, mẹ đã mang nó vào buổi dạ vũ đầu tiên trong đời mẹ, không phải cô gái nào cũng có diễm phúc được có nó đâu, con phải biết...
Eva bước lại gần mẹ, nâng một xâu ngọc bích lên ngắm nghía, dáng suy nghĩ, một giây sau, em nói:
- Mẹ nói món nữ trang này đắt tiền lắm, hở mẹ?
- Phải! Ba con mua nó tận bên Pháp đó; con ơi! Nó đáng giá bằng một gia tài của hạng xoàng xoàng đó, con ơi!
- Con ưng có một vật như thế này, mẹ à.
- Thì rồi một ngày kia, nó sẽ là của con chớ của ai.
- Một ngày kia... chậm quá, con muốn có bây giờ...
- Bây giờ? Con định làm gì xâu ngọc quý này?
Giọng người mẹ ngạc nhiên. Eva bình tĩnh:
- Dạ, con sẽ bán nó đi, mua một cái nhà trong xứ nào tự do, con đem đám nô lệ của mình đến đó, dạy họ học, đọc và viết...
Câu nói trang nghiêm của cô bé bị bà mẹ ngắt ngang bằng chuỗi cười lanh lảnh, chế giễu:
- Chà, chương trình to lớn đó, con sẽ mở trường nội trú, dạy toán, dạy vẽ và dạy chúng đàn dương cầm nữa chứ?
Eva vẫn tiếp tục giấc mơ của mình:
- Con dạy họ đọc Thánh kinh, dạy họ viết đàng hoàng. Không làm được những điều đó, họ khổ sở lắm...
- Sao con biết họ khổ sở lắm?
Người mẹ có sắc giận. Đứa trẻ tốt bụng trả lời, giọng xác quyết:
- Thưa mẹ, con biết rõ chứ. Cứ nhìn bác Tom với vú Mammy, họ khổ... Còn nhiều người nữa, mẹ không biết chứ con thì... Để họ dốt nát, tội nghiệp.
- Thôi đi! Một đứa con nít như con mà tính chuyện to lớn, kỳ cục. Đừng làm mẹ đau đầu, mẹ đã đau đầu vì ba con nhiều rồi.
Bà cau có bảo con gái. Luôn luôn bà đau đầu mỗi khi cuộc đối thoại làm phật ý bà. Đau đầu! Có nghĩa là bà không thích thảo luận phải trái gì nữa, hãy để bà yên với mớ tư tưởng hẹp hòi, với tâm hồn nhỏ nhen, khe khắt, ích kỷ của bà.
Eva biết ý mẹ, em nhẹ nhàng lui ra. Song kể từ hôm ấy, em cố gắng dạy Mammy đều đặn vì em biết rõ hơn ai hết, em không còn ở lại trần thế bao lâu nữa, em tận dụng năng lực mình để làm điều tốt.