Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 23

     gày tháng lạnh lùng qua, những sầu khổ do cái chết của Eva gây ra rồi cũng nguôi ngoai dần đối với mọi người. Riêng ông Clare, ông đi lại, tới lui, làm việc, ăn uống, ngủ nghê, ông hoạt động theo thói quen một cách máy móc, không còn cảm thấy mảy may sinh thú.
Ngày trước, khi Eva còn sống, ông vì em mà làm việc chút đỉnh, nghĩ ngợi việc này, việc khác, còn bao nhiêu thì giờ ông dành hết cho con. Ông làm gì cũng chỉ vì con ông, cho con ông, Eva là nguồn vui duy nhất của ông.
Bây giờ đây mọi cái đều vô nghĩa đối với ông. Ông cũng không tìm thấy an ủi ở tôn giáo. Bản chất tốt, tâm hồn cao thượng nhưng lại ghét sự gò bỏ và những hình thức bề ngoài. Ông có lương tri nhưng lại là người không tín ngưỡng, ông tin rằng không cần phải có ai hướng dẫn cuộc đời mình, có lẽ ông hơi kiêu ngạo?
Tuy vậy, từ khi con mất đi, ông trở thành khiêm nhượng, trang nghiêm, ông chịu khó cầm đến cuốn Thánh kinh của Eva. Vấn đề nô lệ là điều ông quan tâm nhất.
Sau khi về thành phố Orléans, ông nghĩ ngay đến việc giải phóng Tom theo đúng lời trăn trối của đứa con yêu quý. Ông lo thu xếp hợp pháp những thủ tục cần thiết cho việc này.
Mỗi ngày ông quan tâm đến vấn đề giải phóng nô lệ hơn, nhưng ông không thích gần bất cứ một ai, trừ Tom. Một hôm, ông gọi người tôi tứ trung thành này lại bảo:
- Tom ơi! Tôi đang lo lập giấy tờ cần thiết để giải phóng anh. Anh sẽ là một người tự do. Lo sửa soạn hành lý đi thì vừa, anh sắp được trở lại Kentucky.
Tom sáng rực mắt vi sung sướng, bác đưa tay lên trời, kêu to:
- Cầu xin Chúa ban phúc lành cho ông!
Bác phấn khởi đến nỗi ông chủ phật ý, vì ông thấy Tom quá sốt sắng khi sắp rời mình. Giọng ông khô khan:
- Tom, ở đây với tôi anh khổ lắm hay sao?
- Thưa ông chủ, không phải tôi mừng vì sắp rời nhà ông, mà mừng vì được trở thành một người tự do.
- Đừng vội mừng, vì chưa chắc anh có thể sống sung sướng sau khi được tự do.
- Thưa ông, chắc vậy rồi. Tôi biết là không được sung sướng bằng ở với ông. Nhưng dù sao... thì, thưa ông, làm một người tự do, dù cho nghèo khổ, cũng vẫn hơn. Tôi nghĩ là ông cũng đồng ý điều này.
- Phải, tôi đồng ý với anh chứ. Anh sẽ từ biệt nơi này, cỡ tháng tới đây thôi, không lâu đâu. - Giọng ông có vẻ bực bội - Không ai biết anh sẽ ra sao, song anh sẽ được tự do, chắc chắn...
Người chủ hơi vui trở lại, và ông đứng lên đi tới, đi lui trong phòng khách. Tom sẽ sàng lại gần ông, thấp giọng thưa:
- Thưa ông, tôi sẽ chưa đi trong khi ông chủ còn phiền muộn như thế này. Tôi xin ở lại trong khi ông còn cần đến tôi...
- Anh ở lại trong khi tôi còn phiền muộn? - Ông chủ vừa nói vừa đưa mắt nhìn ra cửa sổ - Rồi khi tôi hết phiền muộn thì sao?
- Dạ, tôi vẫn ở lại, cho đến khi ông trở nên một tín đồ Ki-tô giáo.
- Anh có ý định ấy thật ư?
Ông chủ hỏi Tom, tay đặt lên vai bác:
- Tom! Anh là một con người có đức độ và tư cách, nhưng tôi nỡ nào bắt anh phải xa vợ con lâu hơn? Hảy chuẩn bị mọi thứ đi! Và nhớ nói với vợ con anh là tôi cũng mến họ lắm, nghe Tom!
- Thiên Chúa cần đến ông! Tôi mong ngày ấy mau đến!
Tom nói qua màn lệ. Chủ bác cười:
- Tom, anh tin là Thiên Chúa cần bọn phàm nhân chúng ta lắm sao?
- Thưa ông, tôi tin vậy.
Cuộc nói chuyện chấm dứt vì có người đến thăm ông Clare.

*

Sự đau khổ xúc động của bà Marie Saint Clara cùng giống như những xúc động khác, giúp bà ta có dịp hành hạ tôi tớ hơn và trong số này Mammy là người khổ nhất. Tội nghiệp vú: tình thương vú dành cho Eva cũng như tình thương Eva dành cho vú không còn nữa. Bây giờ đây, lòng vú tan nát, vú khóc suốt ngày đêm. Không còn Eva, không ai an ủi vú nên vú càng đau khổ, phần thì thương con ở xa, vú trở thành chậm chạp, vụng về. Mặc tình cho bà chủ khắc nghiệt mắng mỏ, sỉ nhục, vú như không còn để ý gì nữa.
Cô Ophélia cũng xúc động vì cái chết của Eva, từ trước tuy là một người tốt bụng nhưng cứng cỏi, bây giờ bỗng nhiên đổi khác: cô trở nên dịu dàng với mọi người. Cô trầm tĩnh, khiêm tốn hơn, suy tư hơn. Và việc mà cô quan tâm nhất, người mà cô yêu mến nhất là con bé Topsy.
Cô không còn ghê tởm khi lại gần nó, vì cô nhớ lại Eva thường nhìn nó bằng đôi mắt trìu mến dịu dàng.
Cô cảm thấy như Thiên Chúa đã phó thác nó cho cô, cô có bổn phận giúp nó thành người đức hạnh, toàn thiện.
Topsy không thể một sớm, một chiều thành cô gái ngoan lành nhưng đời sống và cái chết của Eva đã gây cho nó một niềm tin yêu ở cuộc đời, một sự thay đổi lớn lao.
Topsy không còn cái vẻ ngang ngạnh, hỗn láo, nó biết thương yêu, phục thiện, hy vọng. Một đôi khi nó nản lòng nhưng luôn luôn nó lại cố gắng...
Một hôm, Rosa đi gọi Topsy hộ cho cô Ophélia. Topsy chạy lại vẻ vội vàng, giấu cái gì trong ngực. Rosa chộp lấy cánh tay con bé, hách dịch quát:
- Con ranh kia! Giấu cái gì đó? Lại ăn cắp chứ gì?
- Thả tôi ra, chị Rosa! Vật tôi cất không can gì đến chị...
Con bé la to, vừa la vừa cố gắng thoát khỏi tay thô bạo của Rosa.
- Đồ gian dối! Tao biết mày từ lâu rồi...
Rosa giữ chặt cánh tay con bé và lục soát người nó. Topsy phát khùng lên, nó không chịu thua, chống đối Rosa một cách quyết liệt. Tiếng ồn do hai đứa gây ra làm cho cả cô Ophélia lẫn ông Clare đều nghe. Rosa phân trần:
- Nó ăn cắp!
- Không! Tôi không ăn cắp cái gì hết.
Topsy hét dựng lên và khóc nức nở. Cô Ophélia ra lệnh:
- Đưa đây cho cô xem! Con đang giữ cái gì?
Topsy ngần ngại nhưng vì cô đã ra lệnh thế nên buộc lòng nó phải lôi từ ngực ra một chiếc vớ. Cô chủ tháo ra coi.
Thì ra đó là một cuốn lịch sách nhỏ xíu, một gói giấy cũng nhỏ, bọc mớ tóc vàng óng của Eva, cả hai thứ đều do Eva cho nó trước khi em chết, cái ngày đáng ghi nhớ, không riêng cho nó mà cho tất cả mọi người. Cuốn sách được nó bọc quanh bằng một cái băng đen.
Saint Clare nhìn quang cảnh ấy bằng đôi mắt thương xót và ông xúc động sâu xa. Ông ôn tồn hỏi nó và đưa tay cầm cái băng đen:
- Topsy, sao con lại cột băng đen quanh cuốn sách chi vậy?
- Tại vì... thưa ông, tại vì... nó là của cô Eva. Con xin ông! Ông đừng tháo nó ra.
Rồi nó ngồi bệch xuống sàn nhà, lấy tạp dề che đầu, khóc nức lên. Có một cái gì khác thường, nửa hài hước nửa cảm động: chiếc vớ cũ, cái băng đen, mớ tóc vàng mượt, cuốn lịch sách cộng với nỗi thất vọng liều lĩnh của Topsy.
Saint Clare gượng cười, nước mắt đọng quanh mi, ông dỗ nó:
- Thôi, thôi! Đừng khóc nữa, Topsy! Không ai lấy của con đâu. Ta trả lại cho con ngay đây!
Ông gom hết mọi vật lại đưa cho nó rồi kéo cô Ophélia qua phòng khách.

*

- Chị Ophélia ơi, tôi tin rằng con bé này khá lắm. Chị nên săn sóc nó. Tâm hồn nó nhạy cảm và tôi tin là những đứa như thế có thể tốt được. Đừng bỏ rơi nó, tội nghiệp.
Ông Clare nói và chỉ tay về phía sau lưng.
- Cậu nói đúng đấy! Tôi hy vọng nhiều lắm, nó có vẻ tiến bộ, nhưng mà...
Cô ngừng lại, đặt tay lên cánh tay người em họ:
-... Này, tôi muốn hỏi cậu một câu: nó thuộc về ai đây? Cậu hay tôi?
- Kìa, em đã giao nó cho chị từ khi dắt nó về, cái hồi... nó bẩn thỉu, gớm ghiếc... Chị quên sao?
- Không hơp pháp, cậu Clare. Tôi muốn rằng nếu quả cậu định cho tôi con bé, thì phải hợp thức hóa. Có thế, tôi mới đưa nó vào những vùng tự do, giải phóng nó, có thế, những cố gắng, công khó của tôi mới không vô ích.
- A! Ophélia! Chị có những ý định quá khích, em không thể...
- Đừng đùa bỡn không phái lúc. Clare! Ta nói chuyện đứng đắn coi! Tất cả mọi cố gắng của tôi đều vô ích nếu tôi không cứu nó thoát khỏi tình trạng nô lệ tai hại này. Nếu cậu thật lòng thương nó, hãy nghe tôi: làm một cái giấy giao nó cho tôi. Viết giấy, ký tên đàng hoàng coi!
- Được rồi, được rồi mà! Em sẽ làm theo lời chị...
Clare ngồi xuống, mở rộng tờ báo... Cô Ophélia nghiêm giọng giục:
- Không phải là sẽ làm mà là làm ngay bây giờ, cậu em ơi!
- Đi đâu mà vội thế, chị Ophélia?
- Chỉ có lúc này là thuận tiện, phải làm chủ ý chí mình. Này! Cầm lên: giấy bút mực đủ cả rồi, viết ngay đi, chớ có chần chờ!
Saint Clare, như mọi người khác, có tính hẹn lần, không thích bị bắt buộc, ông hơi bực bõ vì bị thúc đẩy quá đáng. Ông kêu lên:
- Nhưng mà, có gì chị hối hả đến mức ấy? Một lời em nói không đủ hay sao, em đâu có phải là hạng nuốt lời mà chị lo chứ? Chị sao mà... giống như người Do Thái ấy thôi! Chị bày đặt, làm phiền phức thêm ra chi vậy?
- Tôi thì muốn cái gì cũng minh bạch. Biết đâu đấy: cậu có thể chết bất ngờ, có thể bị suy sụp hay bị một sự gì đó... Lúc đó, chăc chắn là con bé sẽ bị bán đấu giá ngay.
- À! Chị lo xa quá đấy nhé. Nhưng thôi, em đã lọt vào tay một người chuyên chế, cách tốt nhất là làm theo lời chị cho yên thân! Nào...
Saint Clare viết tờ nhượng quyền cho cô Ophélia rất nhanh, vì ông vốn thành thạo các thể thức giấy tờ loại này. Viết xong, bên dưới ông ký tên mình bằng chữ hoa rất lớn, rõ ràng. Văn kiện được hoàn tất trong khoảnh khắc, ông đưa cho bà chị:
- Rồi đây! Em tin là chị hài lòng nhé?
- Cảm ơn cậu, cậu tử tế lắm. Nhưng này - Cô cười nhẹ - có cần một nhân chứng không?
- Ơ! Cần gì... nhưng mà nếu chị muốn thì... Marie em!
Ông vừa gọi vừa đẩy cửa phòng vợ:
- Này em, chị Ophélia muốn em viết cho chị ấy vài chữ và ký tên vào đây cho hợp pháp.
- Cái gì thế? - Marie đón tờ giấy vừa nói vừa đọc - Ồ! Thật khôi hài! Nhưng em tin là chị ngoan đạo, chị sẽ đủ can đảm làm chuyện lẩm cẩm này. Em sẵn sàng nhường con bé cho chị ấy.
Và Marie lơ đãng ký tên lên tờ giấy, Clare đưa cho bà chị:
- Rồi đấy nhé! Hoàn toàn hợp pháp như ý chị.
Rồi ông quay lại phòng khách tiếp tục đọc báo. Người chị khôn ngoan bỏ mặc em dâu với cái thế giới riêng tư của bà ta, đi theo em trai ra phòng khách, tay vẫn còn cầm tờ giấy vừa được ký xong.
Cô ngồi xuống ghế, bắt đầu chăm chú vào công việc đan thêu của mình.
Gian phòng im lặng. Bỗng, cô ngừng lại, ngẩng nhìn Clare:
- Này, cậu em, cậu có bao giờ nghĩ đến bọn nô lệ của cậu trong trường hợp cậu... chết không?
- Ơ! Không.
Ông Clare lại tiếp tục đọc báo. Bà chị vẫn không chịu để ông được ngồi yên:
- Này, tôi tin là lòng tốt của cậu hiện nay sẽ vô ích đối với chúng... Không biết cái gì sẽ xảy ra cho chúng khi ngày ấy đến?
Thật ra, đó là điều mà cô Ophélia tốt bụng luôn lo nghĩ. Ông Clare trả lởi một cách lơ đãng:
- Em cũng định giải quyết một ngày gần đây.
- Khi nào chứ?
- Thong thả, lo chi...
- Nhưng tôi hỏi cậu: nếu rủi ro, cậu có mệnh hệ nào thì... sao?
Saint Clare buông tờ báo, nhìn chị đăm đăm:
- Chị Ophélia! Dễ chừng chị thấy em có triệu chứng bệnh sốt da vàng hay bệnh thổ tả chi đây chăng? Sao chị cứ thúc giục em hoài về những công việc mà người ta chỉ lo sắp xếp trước khi chết, chi vây hở?
- Clare thân mến! Cái chết có thể đến bất ngờ cho bất cứ ai, cậu hay tôi mà không báo trước...
Ông Clare đứng lên, ném tờ báo và đi ra hành lang, dáng bộ bực bội. Thật tình, ông muốn chấm dứt cuộc nói chuyện với bà chị, vì ông khó chịu, nhưng ông lại nhắc đi nhắc lại hoài đến tiếng chết một cách vô tình, máy móc... Chết?
Tựa mình vào bao lơn đưa mắt nhìn vòi nước phun lên rồi rơi xuống trong bể mà ông ngỡ như mình nhìn xuyên qua đám sương dày xám xịt, ở đó ẩn hiện những cành hoa, cây cối, những chậu cảnh và ông lại lặp lại cái tiếng làm khủng khiếp đối với mọi người: CHẾT! Ông tự nhủ:
- Kỳ thật, chỉ có một chữ đó thôi, một việc đó thôi mà ta cứ quên bẵng đi. Ta sống hăng hái, phấn khởi, trẻ trung, hy vọng, tham muốn... rồi cũng đến ngày vĩnh viễn ra đi...
Ông rời chỗ tựa, đi dọc theo bao lơn, ra chiều suy nghĩ, gần như quên hết ngoại cảnh, mãi đến lúc Tom thưa ông là giờ uống trà đã đến từ lâu, chuông rung hai bận rồi.
Clare ngồi vào bàn chiếu lệ, không chú ý gì đến việc thưởng thức trà ngon. Rồi cả ba người: ông, vợ ông và bà chị qua phòng khách, không trao đổi với nhau một câu nào.
Bà vợ nằm dài ra ghế trường kỷ, trong cái mùng bằng lụa rồi chỉ vài giây sau, bà ta đã ngủ say.
Ophélia thì vẫn với công việc muôn thuở của cô: đan áo! Saint Clare đến trước dương cầm dạo qua vài nhạc khúc trầm buồn, vẻ mặt mơ màng, người đàn ông nhu chìm trong quá khứ, độc thoại với âm nhạc.
Một lát sau, ông lại mở ngăn tủ, lấy ra một cuốn sách, bên trong, những trang giấy đã ngả vàng vì thời gian qua, rồi chậm rãi, ông lật từng trang. Ông tâm sự với Ophélia:
- Này, chị coi này: đây là một cuốn trong những cuốn của mẹ em ngày xưa, chữ mẹ em viết đây. Mẹ em đã trích khúc nhạc trong bài Requiem của Mozart và sửa lại cho hợp ý bà.
Ophélia đứng lên lại gần cậu em, đón tập nhạc, xem.
- Mẹ em rất thường hát, đôi khi em tưởng như tiếng hát của bà văng vẳng đâu đây.
Ông lại tâm sự và ngồi vào, đàn một khúc trang nghiêm và bắt đầu bản La tinh...
Rồi gian phòng chìm trong im lặng, khuôn mặt Clare có vẻ mơ mộng và một nỗi buồn thoáng hiện.
- Không hiểu sao chiều nay em bỗng nghĩ đến mẹ em, em có cảm tưởng mẹ em không xa em, bà lẩn quất đâu đây, trong cõi vô hình... Em nghĩ đến những gì bà thường nói với em. Lạ thật, đôi khi quá khứ hiện về sống động.
Ông đi lại trong phòng khách một lúc rồi lại nói:
- Em tưởng nên đi dạo một chút xem sao. Chiều nay chúng ta nói về những gì?... Em phải suy nghĩ kỹ xem.
Và ông cầm mũ, bước ra. Tom theo chủ đến sân, lễ phép hỏi xem ông cần bác đi theo không?
- Không cần, Tom ạ! Tôi sẽ trở về sau một tiếng đồng hồ.
Tom ngồi lại dưới hàng hiên. Thật là một buổi tốt đẹp trời. Dưới ánh trăng sáng rỡ, vòi nước sóng sánh như bạc lỏng! Tiếng nước rơi xuống bể rì rào... Đột nhiên, bác nghĩ gia đình mình, đến căn lều đơn sơ mà ấm cúng.
A! Không bao lâu nữa, Tom sẽ được tự do, được trở về với vợ con. Tom sẽ làm việc cật lực để đủ tiền chuộc vợ con. Bác sung sướng biết bao khi cảm thấy bắp thịt còn rắn chắc, sức khỏe còn dồi dào, rồi đây không bao lâu bác sẽ dùng sức mạnh đó làm việc cho chính mình, phục hồi tự do cho những người thân yêu.
Bác lại hướng tư tưởng về ông chủ hào phóng, đẹp trai, trẻ tuổi Clare, ký thác ông ta theo Chúa cao cả bằng những lời kinh thành khẩn hằng ngày. Và bác lại nhớ đến cô tiểu chủ Thiên thần với khuôn một có vẻ đẹp huyền diệu, mái tóc vàng óng ả. Eva như từ trong bọt nước hiện ra, tiến lại gần bác, Eva đi như lướt, nhẹ nhàng huyên ảo, vòng hoa lài cài trên tóc, má ửng hồng và đôi mắt xanh chan chứa niềm vui.
Trong lúc Tom mải mê nhìn em, bỗng em rời bác, má trở thành nhợt nhạt, đôi mắt sâu chiếu ra tia sáng rực, cái nhìn thoát tục, hào quang bao quanh đầu em... và Tom mê đi.

*

Người nô lệ da đen bàng hoàng dụi mắt vì những tiếng búa đập cấp bách và tiếng chân người dồn dập, tiếng nói ồn ào bên ngoài.
Bác vội vã chạy ù ra mở cửa. Mấy người lạ bước vào. Họ khiêng theo cái giá, trên đó một người đàn ông đang nằm, đắp ngang mình bằng tấm áo khoác. Ánh đèn chiếu sáng khuôn mặt nạn nhân và Tom nhận ra, bác thét lên một tiếng, một tiếng đầy kinh hoàng và tuyệt vọng, làm hốt hoảng cả nhà.
Bọn đàn ông khiêng ông Clare thẳng vào cửa phòng khách, nơi cô Ophélia thường ngồi đan áo.
Tai họa giáng xuống thật nhanh chóng, bất ngờ: ông Clare đến quán cà phê để đọc báo. Có hai tên say rượu đang cãi nhau ầm ĩ tại đó, toan hành hung nhau. Clare và vài người khác muốn ngăn họ lại, nhưng rủi cho ông, ông bị đâm một dao trí mạng ở cạnh sườn trong khi cố gắng tước vũ khí của một trong hai tên này.
Trong khoảnh khắc, gian nhà đầy những tiếng gào khóc ảo não. Bọn nô lệ bứt tóc, lăn ra đất, người chạy tới, chạy lui tứ hướng, nhớn nhắc, lo sợ. Marie kinh hoàng tột độ. Chỉ mình cô Ophélia tỏ ra tỉnh trí nhất.
Cô ra lệnh đặt ông Clare nằm trên ghế trường kỷ ở phòng khách. Nạn nhân ngất lịm vì máu ra nhiều quá, cô Ophélia biết cách giúp cho ông thở được. Một chốc sau, ông hồi tỉnh, mở mắt nhìn quanh phòng rồi đôi mắt ấy dừng lại thật lâu trước chân dung mẹ ông.
Bác sĩ được cấp tốc vời đến. Không cần ông ta phải nói lời nào, chỉ nhìn ánh mắt và dáng bộ ông, người ta biết rằng không còn chút hy vọng gì cứu sống nạn nhân. Tuy nhiên, ông ta cẩn thận băng bó vết thương với sự chứng kiến của Ophélia và Tom.
Bọn nô lệ chen nhau quanh khung cửa, khóc nức nở. Nạn nhân nhìn chăm chăm bọn người này trong lúc Ophélia và bác sĩ cố sức đuổi họ ra. Ông thều thào nói:
- Tội nghiệp họ! Họ thật đáng thương!
Trên nét mặt thanh tú của nạn nhân thoáng vẻ ân hận, Adolphe thì không sao đuổi được, hắn như người mất trí, hắn lăn ra sàn nhà. Riêng bọn kia chịu rút lui vì lời nài nỉ khẩn thiết của cô Ophélia, họ nghĩ rằng chủ họ thoát chết hay không tùy thuộc vào sự vâng lời và tỏ ra bình tĩnh của họ.
Clare rất khổ nhọc khi muốn nói, mắt nhắm nghiền. Người ta có cảm tưởng ông đang chịu nhiều thống khổ trong lòng. Giây sau, ông đặt tay lên tay Tom trong khi Tom quỳ bên chủ:
- Tom! Tội nghiệp cho anh...
- Thưa ông...
- Tôi sắp chết...
Người chủ nắm chặt tay người nô lệ hơn:
- Hãy cầu nguyện đi, Tom!
Rồi những câu ông hát ban chiều trở về trong trí ông, những lời cầu nguyện dâng lên thành khẩn. Môi hé mở, từng đoạn Thánh ca được phát ra thành tiếng.
- Trời ơi! Ông ấy mất trí rồi!
Bác sĩ kêu to.
- Không đâu! Trước phút cuối cùng... tôi... sẽ hồi tỉnh... trước phút cuối!
Đột nhiên, với sự cố gắng tột độ, nạn nhân cất tiếng, song sau đó ông kiệt lực vì sự cố gắng này.
Khuôn một nhợt nhạt của người hấp hối chợt có vẻ bình tĩnh, hài lòng. Ông nằm lặng yên một lúc lâu. Rồi, trước khi trút linh hồn ông còn mở mắt ra lần chót, ánh mắt thoáng hiện sự vui vẻ, ông thì thào hai tiếng:
- Mẹ ơi!