Người đưa thư vui tính

     ấy đêm rồi, gần sáng có một con chim lạ bay lạc, tiếng chim kêu buồn ngoài cửa sổ. Đêm lạnh buốt, sương đêm ướt đẫm trên mái tôn của nhiều ngôi nhà mới cất. Tường chưa trát đủ xi-măng. Lẫn lộn trong bóng tối màu gạch đỏ bầm. Xa tít qua mấy bụi tre già, ánh đèn nhà ai tù mù. Chẳng những đêm, khu ngoại thành này ban ngày cũng buồn. Những thửa ruộng chói chang dưới nắng, đàn bò châm chạp nhai cỏ khô, con đường mòn khúc khuỷu dưới bóng tre xào xạc. Thỉnh thoảng mới thấy một người đi, hay đứa trẻ trên đường tới trường.
Đêm sau, lại... nghe tiếng chim kêu. Em nằm cạnh mẹ, còn Hiếu em thì nằm bên kia. Em thấy mẹ thao thức. Mẹ cứ là nhìn qua khung cửa, suốt như vậy nhiều đêm. Một đêm, khi không còn nghe tiếng chim kêu, lúc này mẹ mới thôi khóc: “Con chim nhỏ lạc đàn đã bay về tới nhà”. Mẹ nhiều tưởng tượng là vậy, em nghĩ: Mẹ tự an ủi mình.
Nhưng ban ngày. Mỗi chiều ba đi làm về, em thấy trong nhà không vui như những buổi chiều trước đó. Mặc dù mẹ vẫn nói cười với ba. Lúc đầu ba không để ý, rồi mấy buổi chiều sau, ba hỏi nhỏ mẹ: “Sao em khóc”. Mẹ cười: “Em khóc hồi nào”. Mẹ quay đi tránh nhìn ba, nhưng mẹ lại không làm sao giấu được đôi mắt. Ba cứ đi vòng quanh mẹ, cố nhìn đôi mắt mẹ. Ba nâng cằm mẹ lên. Sau đó ba đưa cho mẹ chiếc khăn tay. Ba cười trêu mẹ, ba còn làm chú hề giễu, chỉ là muốn mẹ cười cho vui cửa vui nhà, làm sao mà mẹ không cười vì mẹ rất thương ba. Mà... ba lại có “danh tiếng” về tài nói chuyện vui, lại nói rất có duyên nữa, nhưng mà khi mẹ cười sao cũng giống như khóc. Ba hỏi mẹ không nói, không ai biết vì sao mẹ khóc. Ông bà nội cũng không biết.
Có hai người biết: đó là mẹ và em - bởi vì trong đêm con chim nhỏ bay lạc, lúc mẹ khóc thì em thức. Em cũng nghe tiếng chim kêu, em cũng khóc, em biết mẹ lo cho con chim nhỏ, lo nó không về được tới nhà. Chắc... mẹ chim cũng khóc nhớ con. Bà cũng thức khóc như mẹ em.
Ba buồn vì mẹ không vui. Vì ba rất thương mẹ. Ba cứ suy nghĩ hoài “Không biết mình đã làm gì có lỗi đến nỗi mẹ của nhỏ Hiếu buồn” - Em thuộc lòng tánh mọi người trong nhà, em tưởng tượng. Bà nội cứ nhìn ông nội trách móc: “Hay là ông, ông khó khăn với dâu con quá phải không. Mẹ Hiếu mồ côi về nhà mình, tôi coi nó như con ruột. Mà ông vậy đó sao”. Ông nội ngẫm nghĩ: “Lại chuyện mẹ chồng nàng dâu, làm cho mẹ con Hiếu chị khóc” - Em thương, mà “Hiếu em” cũng thương, tất nhiên rồi, ba mẹ và ông bà nội. Em rất muốn nói cho cả nhà biết chuyện mẹ khóc, em muốn gia đình vui như những ngày trước, vì sao. Chuyện... rất nhỏ, chỉ vì mẹ hay khóc. Mẹ thích coi cải lương nhưng khi coi mẹ cũng khóc - “Mẹ ơi, con chim nhỏ đã về tới nhà rồi mà”. Nhưng biết đâu em lại nói không đúng. Chưa chừng con chim nhỏ tội nghiệp đang bay lạc đâu đó? Em cứ lo lo làm sao. Cho tới lúc em chờ Hiếu em đi học, Hiếu học lớp 1. Hiếu ngồi sau yên xe đạp. Em nghe nó khóc tức tưởi. Hình như lúc tiếng chim kêu ngoài cửa sổ, em cũng nghe tiếng nó khóc?
Em không nói được, em biết nói sao bây giờ. Em sợ nói ba sẽ cười. Lần này mà cười thì không nên. Vì thế nào ba cũng sẽ nghĩ: “Nó chỉ là chuyện con chim bay lạc” có gì đâu. Mọi người sẽ nghĩ vậy. Có một lúc em cũng nghĩ như mọi người. Rồi một đêm em khóc chính vì những ý nghĩ đó. Em khóc khi em ngủ, có lúc nào em khóc đâu, bà nội hay nói “con nhỏ này con gái mà tánh con trai”. Em ít khi khóc chớ đâu phải không khóc, em sẽ không kể những gì Hiếu em nói, nếu em kể, cả nhà phải khóc...
Chiều. Ba tới trường chờ em về, em cứ cười. Cười nhiều hơn thường ngày. Ba là ba của em cho nên ba biết: “Hiếu ơi, con có chuyện gì buồn mà con... cười. Nói cho ba nghe được không con”. Em nói: “Dạ không có gì” - nhưng em giấu mặt sau lưng ba, em khóc mùi mẫn, khóc không thành tiếng. Em lo, em sợ... một buổi nào đó cô hiệu trưởng trường của Hiếu em biết chuyện cô giáo của Hiếu. Cô nghèo. Lại sắp có em bé, tội nghiệp cô.
Nửa đêm. Sao chi chít trên nền trời. Mẹ choàng thức. Mẹ thấy em đang khóc trong giấc mơ. Sáng lại ba chở em tới trường, em nói với ba: “Ba ơi Hiếu em khóc” em không nghe ba nói gì. Nhưng mà ba cứ ngần ngừ. Không biết mẹ có nghe Hiếu em khóc không, hay mẹ có nói gì với ba về chuyện em khóc trong khi em ngủ không. Mọi khi ba vẫn hay cười, tánh ba của em là vậy. Mà sau hôm đó, khuôn mặt ba khác hơn ngày thường... ba lo lo giống như em...
Hôm nay em đưa Hiếu em đi học. Nó vẫn khóc. Hiếu nhỏ xíu xiu, khác hơn em, thường ngày nó vui tánh giống ba. Mỗi lần đi học, sáng, không đợi mẹ kêu. Nó đã thức, rửa mặt, chải răng, tự mặc quần áo. Hiếu khoanh tay thưa: Thưa ông nội, bà nội, thưa ba má con đi học... Nó rất thích đi học. Cô hiệu trường của Hiếu em hay hỏi thăm mẹ, vì mẹ cũng hay chở Hiếu đi học. Hôm nay em không muốn cô hiệu trưởng nói chuyện với em. Em sợ cô giáo của Hiếu nhìn thấy, có lẽ cô sẽ hiểu lầm là em dẫn Hiếu tới trường để nói chuyện Hiếu khóc.
Chính bà nội em, thấy vết bầm trên bàn tay Hiếu em, sau đó bà nói với ông nội em. Ông em kỹ tính, ông nhíu mày, nhưng chưa nói gì. Em đã cố giấu chuyện nó kể. Cho tới khi nào “vết thương” trên bàn tay nó tan đi, mà không kịp. Trong đêm, khi em nằm mơ, em không ngăn nổi tiếng khóc - có lẽ em đã nói gì rồi - vì vậy mẹ biết. Hay là mẹ đã biết trước em, cho nên mẹ khóc.
Ánh trăng khuya soi qua cửa sổ. Trời còn tối. Cho tới lúc tiếng gà gáy rộ trong xóm, mẹ vẫn ngồi bên cạnh Hiếu em. Em đã thức nhưng vẫn nằm yên, làm bộ ngủ. Em rất sợ mẹ hỏi “vì sao”. Hiếu em, nó cũng cố giấu mẹ vết bầm trong bàn tay của nó. Nhưng khi mẹ khóc lớn “em nghĩ mẹ đã thấy”.
Ba với mẹ nói chuyện nho nhỏ. Có khi trong bếp, có khi đang ngồi ngoài sân. Dưới giàn hoa giấy. Ba của em làm nghề đi phát thơ, phát báo, mỗi buổi sáng cho nhiều nhà, còn riêng ba thì mỗi khi đi làm về, ba hay đọc báo. Có khi ba đọc cả trong lúc ăn cơm. Nhưng mà mấy ngày rồi, ba vẫn mua báo nhưng ít đọc. Còn mẹ cũng thấy ngồi bên bàn máy may... Mẹ lại bị kim đâm vào ngón tay. Ông bà nội có chuyện gì bứt rứt. Em nghĩ đó là tại vì vết bầm “trong bàn tay” của Hiếu em.
Một đêm mẹ hỏi em: “Cô giáo đánh Hiếu em phải không con”. Điều mà em lo sợ nhất đã tới. Ông nội em dạy chúng em không được nói dối. Nhưng lần nay em buộc phải nói: “Thưa mẹ không phải như vậy”. Em chưa hề nói dối với mẹ hay bất cứ ai khác. Cho nên mẹ tin, em nghĩ ba thế nào cũng hỏi mẹ. Khi đó có lẽ mẹ biết nhưng mẹ cũng không nói gì với ba. Mẹ đã nói như em - mẹ nói dối - em buồn vì mẹ cũng phải nói dối với ba.
Cho tới khi mẹ chở Hiếu em đi học. Hiếu đã vào lớp, còn nhỏ Ti đi trễ. Mẹ nói chuyện với mẹ nhỏ Ti ngoài sân. Ti ngồi chung bàn với Hiếu em. Ti với Hiếu em rất thân nhau, tuy có khác tánh một chút. Ti nói nhiều còn Hiếu em thì ít hơn, em cũng thường dẫn Hiếu em tới nhà Ti chơi. Nhà Ti ở trong một con hẻm cụt, đầu hẻm là nhà cô giáo của Hiếu em. Nhà cô giáo nhỏ, nóc nhà trải giấy dầu, trước kia cũng trong hẻm. Nhưng do phóng đường cho nên nhà cô lộ ra mặt tiền. Dịp nay ba của cô cho mẹ Ti thuê cái sân bán bún riêu. Cô giáo luôn khắt khe về nước, điện.
Một vài tháng cô lại tăng thêm tiền cho thuê. Không nhiều, nhưng cũng khổ cho người bán hàng. Vốn không kiếm được bao nhiêu, mà trời thì khi mưa lúc nắng. Em thật sự ngạc nhiên khi nghe tiếng cô giáo khi cô ở nhà. Cô bẳn gắt với chồng, cũng là một thầy giáo. Mà thầy rất hiền hậu, rất thương cô. Cô khó khăn cả với người hàng xóm. Em nghĩ khác. Không phải lúc nào cô cũng như vậy, cô giáo cũng như mọi người, có lúc vui, lúc buồn. Em vẫn thấy cô cười rất hiền. Có lẽ do cô mang thai, nặng nề, lại lo dành dụm để sinh con, nên cô hay nóng giận đó thôi.
Cho tới chiều. Mẹ tới trường đón Hiếu em về. Em đạp xe cạnh mẹ. Ba vừa mới mua cho em chiếc xe đạp. Em vội chạy đi khoe với mẹ. Trên đường về nhà em, cánh đồng phấp phới ngọn lúa xanh. Đàn bò về chuồng kêu “um bò um bò” vui tai. Hiếu em khóc thút thít. Em thấy cô giáo của Hiếu em ngồi sau yên xe Môbilết của chồng cô. Thầy gầy gò, lúc nào cũng nhịn cô. Thầy dạy ở trường em, trường cũng thuộc ngoại thành. Lúc nào em cũng thấy thầy dừng lại sủa chiếc xe. Nó ít khi chạy hết con đường tới trường hay về tới nhà thầy. Mà thầy thường chạy bộ bên hông chiếc xe, đẩy nó. Hay nhảy lên yên ngồi... đạp. Mỗi lúc như vậy mà thầy gặp chúng em, thầy hay nheo nheo cặp mắt dễ thương, sau lớp kính cận dầy, như hai mảnh ve chai. Thầy... cười.
Thầy cũng khẽ chào em, khi nhìn thấy em và Ti đi vô hẻm nhà nó. Chúng em cũng thích chào thầy, vì vẻ ngộ nghĩnh của thầy. Có lẽ, cho tới khi nào thầy già 90 tuổi, thầy vẫn giữ mãi nét mặt... con nít hiện giờ như chúng em. Tội nghiệp thầy, khi nào cô nổi giận, tuy thấy có hơi hài hước. Làm sao mà thầy không khổ tâm.
Trên đường, cũng như khi đã về tới nhà. Em không nghe mẹ nói gì. Nhưng khi đêm lại tới, trăng khuya soi sáng lung linh qua cửa sổ. Em lại khóc trong giấc mơ, mà mẹ cũng khóc. Lần này không phải vì con chim nhỏ bay lạc đàn mà vì chuyện của Hiếu em. Bây giờ, ban đêm, ngôi nhà nhỏ của em, không còn vui như những đêm trước. Lúc ông nội hay đem ghế ra ngồi trước hiên, dưới giàn hoa giấy. Bà em ngồi cạnh, em nghe và kể chuyện đời xưa, có nhiều chuyện em nghe nhiều lần, em vẫn thích nghe lại: “Chuyện những người tốt bụng - nói theo bà là thường hay bị ‘hàm oan’.”
Em thích nhứt là chuyện hai viên sỏi xấu xí. Ai cũng ghét bỏ nó. Cho tới khi người ta biết ra là mình quá cố chấp. Không thể có được hàng triệu triệu viên sỏi đẹp giống nhau, mà còn có nhiều số phận riêng. Còn ba em thì ngồi bên một cái bàn lớn, lúc nào trên bàn cũng đầy các lá thơ - mà ba nhận ở bưu điện quận, ba cẩn thận chọn những lá thơ từ những ngôi nhà khác. Từ phương xa gỏi về cho người thân yêu của mình, em luôn nghĩ vậy. Ước chi, lúc nào trong đó cũng có thật nhiều điều vui.
Tánh của ba em giống ông nội em. Rất cẩn thận, cho người và cho mình. Ba soạn thơ theo từng tuyến đường, từng số nhà. Để rồi, mỗi sáng sớm tinh sương, ba lại rong ruổi trên khắp các nẻo đường, em nhìn ba em và hình dung. Không ai hạnh phúc cho bằng một người phát thơ.
Em rất muốn viết cho cô giáo của Hiếu em một lá thơ. Vả em đã viết. Trong thơ em chúc cô mọi sự bình an. Vả em xin cô tha lỗi cho em em vốn ít nói được những điều em nghĩ hơn là em viết... đôi lúc em không hiểu được em, nông nổi và khá kiêu căng, chỉ vì em học giỏi hơn khá nhiều bạn. Sau đó một lúc. Khi nào em cũng tự trách mình, em nghĩ là cô cũng như em. Lá thơ này em viết về chuyện Hiếu em, nó khóc vì không muốn ba mẹ em biết cô đánh nó. Em đã bỏ vào trong thùng thơ cách đây vài hôm, trong đó em ghi số nhà của cô, và tên cô. Em luôn luôn bất thường, chỉ sau một giấc ngủ là em thay đổi hoàn toàn ý định ban đầu, lúc nào cũng vậy. Em biết vì vậy mà nhiều bạn trong lớp, có khi bà nội em nữa, khó chịu vì em. Em muốn lấy lại bức thơ đó, không gỏi nữa, có lẽ ai cũng vậy - bất thường - và không ít do dự - sau khi đã quy định một việc gì đó.
Em đã đứng trước cái thùng thơ này một lúc khá lâu. Thầm mong một phép lạ nào làm cho nó tan biến đi. Cũng là em, em lại muốn nó tới nhà cô một cách mau chóng, có một lúc nào đó em rất ghét cô. Nhưng em lại hối tiếc về những ác ý của rr-nh, bề ngoài ai thấy em cũng nói em dễ thương, em có nhược điểm như đã kể. Em biết, em sợ, vì nếu cô đọc những dòng chữ này, cô sẽ tổn thương. Nhưng trong lòng em tha thiết muốn cô đọc nó. Để thương Hiếu em, giá như cô thấy nó trong gia đình em, rồi em cũng nghĩ có lẽ nó đã có phần lỗi với cô. Chứ không phải tự nhiên.
Bà nội em rất nóng tính, bà nói khá lớn tiếng với mẹ, khi mọi việc không còn giấu nổi, lần đầu tiên bà nói lớn tiếng với mẹ. Ông nội nói: “Không phải cô giáo nào cũng đánh học trò. Ai cũng thương yêu con cháu của mình. Nhưng mà chuyện này không nóng được, phải hỏi lại và giáo dục con cháu mình trước đã”.
Ông nội em từ tốn hỏi Hiếu em. Ông em luôn luôn là như vậy, em của em chỉ khóc không nói được. Ông em vuốt đầu nó, dẫn Hiếu đi rửa mặt, ông không hỏi nữa. Bởi ông hiểu nó sẽ không nói vì chuyện đó gây nhiều bất hạnh cho cô. Hiếu còn nhỏ, nhưng mỗi lần muốn cái gì nó đều xin. Không cho nó cũng không buồn. Nhiều lần ba về mua một ít bánh, nó không ăn. Hóa ra nó sợ... khi nó ăn thì không còn đủ cho người khác. Với Hiếu em cũng tự nhận là mình chưa được tốt lắm. Mẹ cứ khóc, em nghĩ chắc chắn: “Mẹ biết Hiếu em một lúc nào đó có làm cho cô giáo giận”.
Từ đây bắt đầu những ngày khó khăn cho Hiếu em. Neu như ba mẹ em dẫn Hiếu tới trường nói với cô hiệu trưởng. Chắc chắn cô giáo của Hiếu sẽ bị kiểm điểm và phải nghỉ việc. Lần trước một bạn bị cô đánh. Ba mẹ của bạn đã tới nói với cô hiệu trưởng, cô giáo khóc năn nỉ cô hiệu trưởng, xin được ở lại dạy tiếp. Cô hứa sẽ sửa đổi, song cô hiệu trưởng nói: “Không thể được”. Nhưng sau đó cô hiệu trưởng cũng không đành lòng. Tánh cô hiệu trưởng là vậy, cô tốt bụng thương người, không phải cô không khổ tâm. Mỗi một quyết định như vậy nhiều khi thay đổi cả một đời người. Có thể làm tan nát một gia đình. Xô người đó vào một bức tường. Khiến cho họ nảy sinh thái độ đối kháng, không thân thiện. Do đó ảnh hưởng tới những người khác viên sỏi xấu xí vẫn có trong những viên sỏi đẹp, tôn thêm vẻ đẹp của những viên sỏi đã đẹp...
Vấn đề là tìm cách giải quyết, trong tình thương yêu đùm bọc. Lẽ tất nhiên của đời sống là có xấu - có tốt. Khi em đã khá lớn, ghi lại chuyện này em cũng vẫn nghĩ như vậy. Cô giáo của Hiếu em nghèo. Lại sắp có em bé, nhìn thấy cô đi lại chậm chạp trong lớp. Bất chợt em hiểu, vì em là con gái. Cũng như mẹ em. Những ngày tháng như thế này, đối với một người mẹ, thì biết là bao nhiêu nỗi lo. Biết bao nhiêu chuyện mà chỉ là mẹ mới biết lo thôi. Vì chính bà mẹ sẽ vượt biển một mình. Sau cùng chính bà em lại lo, cả nhà lại có hai chuyện lo, một là lo cho cô giáo phải bị nghỉ việc. Nêu như ba mẹ dẫn Hiếu em tới trường, nói với cô hiệu trưởng. Hai là lo nếu không làm như vậy thì Hiếu em và những bạn khác vẫn còn... có thể bị cô đánh.
Nhỏ Ti nói với mẹ em: “Dạ, bạn Hiếu lên bảng, viết quên một dấu, cô giáo lấy thước đánh tay bạn Hiếu”. Mẹ Ti cũng nói: “Hiếu em coi vậy mà có tật ham chơi, có lúc học kém”. Nhưng không vì vậy mà cô cho Hiếu ngồi cuối lớp, nó không thể học tốt được, nó trở nên thụ động. Mẹ em cũng như bác bảo vệ cổng trường đều nói: “Lỗi ấy không đáng để đánh mà bây giờ có lệnh: thầy cô giáo không được đánh học trò”. Nhưng bác nói thêm, trong một chút giận hờn, lo âu: “Thế nào cô hiệu trưởng cũng kiểm điểm toàn trường. Trong đó có tôi”.
Khổ nỗi, mỗi khi Hiếu em tới trường, nhỏ Ti có vẻ lảng tránh nó, tuy lâu nay Hiếu là bạn thân nhất của Ti. Các trò khác chỉ nhìn Hiếu em nhưng không nói chuyện. Còn bác bảo vệ nghiêm khắc hơn với Hiếu. Có lẽ cô giáơbiết, đã lỡ chuyện, cho nên cô ít để ý tới việc học của Hiếu như ngày trước. Hiếu “không - còn - đi - học” mặc dù ngày nào nó cũng tới trường. Hiếu không học được gì, thằng nhỏ sống những ngày khó khăn, bởi vì nó mà cô giáo lo lắng, mất đi những ngày vui, tình thầy trò.
Ông nội em trầm tĩnh nói: “Như vậy không được, cô giáo đã có định kiến với Hiếu em. Có thể cô không dám đánh nó nữa. Nhưng cô sẽ không thể dạy nó học. Chuyện này... mắt thường nhìn khó thấy. Tội nghiệp là Hiếu em mất nhiều thời gian mà đáng lý nó phải có. Nó bị mất chữ. Còn cô giáo của Hiếu cũng phải lo đối phó, cả hai đều bị thiệt, cần phải mở một con đường, bằng thiện chí, giúp cho cô giáo thoát ra những định kiến. Khi đó vấn đề tự nó sẽ bớt nan giải”.
Ông em dẫn Hiếu em tới trường. Gặp cô hiệu trưởng. Ba em lúc đầu không nói gì. Mẹ em lại khóc. Mẹ nói với ông nội em: “Ba nói với cô hiệu trưởng, thôi đừng la rầy cô giáo tội nghiệp”. Ba em nói với ông nội em: “Ba ơi. Ba nói với cô giáo, chuyện không đáng gì, miên cô đừng làm vậy nữa là được rồi”. Ba em cũng không muốn có chuyện không hay ho cho cô giáo và Hiếu em! Bây giờ người ta sống như vậy nhiều. Người ta sợ. Hiếu em đi học mà cả nhà lo lắng trông nó về. Bà em hỏi nhỏ: “Cô còn đánh con không”. Hiếu nói: “Dạ, hết rồi” - nhưng nó học càng ngày càng kém. Về nhà không có bài làm. Hiếu em đang gặp một điều nan giải khác. Hầu như cô không thấy có nó trong lớp nữa. Hiếu em bị bỏ quên ở cuối lớp, trơ trọi, ngồi một mình. Nó không còn được kêu lên bảng. Cô giáo đang lo lắng. Thực lòng cô cũng muốn làm tốt với Hiếu. Đồng thời trong đó không thiếu ác cảm, nảy sinh do sợ mất việc. Ông em nói: điều tất nhiên.
Một buổi chiều, trường của Hiếu em có mời một nhóm xiếc tới, diễn cho học trò coi. Sân trường vui nhộn với những chú hề. Chú hề tung rất nhiều chiếc nón lên cao, với chi hai tay... mà không hề rớt chiếc nón nào. Những con chim bồ câu dễ thương, từ trong nón của một nghệ sĩ ảo thuật bay ra. Cũng trong chiếc nón đó. Lại thêm vài chú thỏ nữa chứ? Rồi nhiều chú khỉ chạy xe xích lô. Con chó xù lùn tịt biết làm toán. Hai chú hề và con rối mũi thật là to biết nói, biết hát bài Bắc kim thang. Vui ơi là vui. Hiếu em gặp nhỏ Ti. Nhỏ Ti có một khuôn mặt mà ai gặp một lần rồi khó thể nào quên. Nhỏ xíu mà “đạo mạo” như những con số, nói năng nghiêm chỉnh. Ti đang nhìn chú khỉ chạy xe xích lô, nhìn một cách chăm chú. Hiếu em hỏi: “Sao Ti không nói chuyện với Hiếu”. Ti nói thật nhỏ, sau khi nhìn chung quanh: “Ti không dám”.
Chú thỏ trong chiếc nón của nhà ảo thuật bỗng thoát ra, chạy khắp sân. Không dễ gì bắt được một con thỏ. Khi nó chạy. Nhiều hoạt cảnh hài hước diễn ra chỉ vì chú thỏ. Tiếng cười trên sân trường bỗng vang lên một cách tự nhiên. Lúc đó em thấy cô giáo của Hiếu em cười. Em gặp lại nụ cười của chính cô hồi nào. Cô có hàm răng trắng đẹp, khi cô cười làm lộ rõ hai đồng tiền hai bên má. Trông cô phúc hậu hơn là em tưởng, em cũng cười, em nhìn thấy cô nhìn Hiếu em cười, cô cười với nó. Lập tức những chuyện xảy ra lâu nay âm thầm làm đau lòng người tan biến nhanh như một giấc mơ. Vảo một dịp nào đó như hôm nay “tranh chấp” không đáng có giữa người này với người khác. Lại không có gì quan trọng như người ta tưởng. Một con thỏ chạy cũng đủ để hàn gắn, như ông em nói, tìm một dịp thiện chí để cùng nhau bước tới gần cô của Hiếu. Cô khẽ vuốt tóc Hiếu em, nó nhìn cô một lúc rồi cười, cô nói: “Hiếu đừng giận cô nha”. Em nói với cô của Hiếu: “Cô cũng vậy nha, em chúc... thầy cô sinh em bé đẹp”. Cô nhìn em. Em khó quên đôi mắt của cô, em mang đôi mắt đó vào giấc ngủ với nụ cười. Hiếu em tìm lại nụ cười mà nó đánh mất. Khi cười nó khoe hai cái răng cửa mới mọc. Trắng lớn như răng thỏ.
Hóa ra là “người đưa thư”. Ba của em mang bức thơ của em tới nhà cô. Thật là hay. Hôm sau cô giáo của Hiếu em - không phải chỉ cô thôi mà nhiều cô dạy lớp khác với cô - cô hiệu trưởng nữa, cùng tới nhà em. Mẹ lại khóc, tánh mẹ em hay khóc. Mẹ khóc vì mẹ rất vui. Ba hỏi mẹ: “Sao em khóc” Mẹ không nói. Ba đưa cho mẹ khăn tay “Anh cũng khóc chớ có phải một mình em đâu”. Ai nói những người đàn ông không khóc, nhưng ba giấu cặp mắt của mình sau lưng mẹ em. Vì lúc này trong nhà có nhiều phụ nữ quá, ba sợ mang tiếng... “cạnh tranh”.
Ông bà nội em mời các cô giáo những tách trà thơm. Một ngày nào đó em sẽ lớn lên khi nào em làm cô giáo. Không khi nào em quên nụ cười của các cô giáo hôm đó. Nhất là cô giáo của Hiếu em. Cô nói: Cô đã đọc thơ của em. Em viết hay lắm. Một chuyện khác tới bây giờ em mới biết - Ba em là người phát thơ vui tính. Mẹ nói ba không đẹp trai lắm nhưng cẩn thận và nói chuyện có duyên. Nhờ vậy mà ba quen mẹ, khi ba là người phát thơ. Lúc đó... ba hay đạp xe chạy ngang nhà của mẹ. Mẹ cũng có nhiều người thương. Ba nghĩ nên viết một lá thơ của mình. Ghi tên ba. Ghi số nhà... Rồi chính là ba đưa tới tận tay cho mẹ.
Mẹ giấu mặt vào ngực ba em, ba hỏi: “Sao em khóc”. Mẹ nói ấp úng: “Em có khóc đâu” nhưng mẹ cũng nhận chiếc khăn tay của ba. Cô giáo của Hiếu em nhìn chồng cô. Thầy dựng chiếc xe Môbilết chỗ gốc cây bông giấy, thầy đi tìm cô. Các cô giáo cũng biết đùa: “Thấy chưa, vắng một chút là phải đi tìm ngay. Vậy mà về tới nhà là gây liền”. Mọi người cười lớn. Cô hiệu trưởng là người cười nhiều nhất, bên cạnh cô của Hiếu em. Khi cô giáo của Hiếu em tạm nghỉ để sinh con, Hiếu em đi với ông bà nội, ba mẹ và em tới thăm cô thầy và em bé.
Ông nội đem ghế ra ngồi cạnh giàn bông giấy. Em ở bên cạnh ông, nghe bà em kể chuyện đời xưa. Vẫn là chuyện “những viên sỏi”. Em nhìn vào nhà: Ba em ngồi trước bàn. Chọn những lá thơ. Còn mẹ đang vá lại chiếc áo cũ đã sờn vai của ba em. Để mỗi sáng tinh sương ba lại rong ruổi khắp các nẻo đường: Ba em là một trong những “Người Phát Thơ” vui tánh và cẩn thận.