Khẩu thuật

     ng Chín Chim là một người có thể nói chuyện mà không hở môi, nhiều lúc ông xí gạt người đứng gần đó làm cho con người ta lấy làm lạ. Ví dụ như bỗng có tiếng nói đâu đó mà nhìn quanh không thấy, không biết ai nói, ông Chín Chim nói chớ ai vô đây.
Ông già có cái mắt kiếng cận thị dầy cộm, miệng móm xọm này có nhiều tài, nhưng không gặp thời. Khẩu thuật giỏi như ông ăn đứt mấy tay quái kiệt giả tiếng kèn tiếng đờn. Ông Chín làm đủ tiếng từ con nít khóc cho tới con cọp rống, đòn kèn là đồ bỏ.
Nhưng người ta lại không mời ông biểu diễn trên sân khấu. Suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, người ta chỉ cho ông đứng “kéo ton” - tiếng lóng trong nghề hát Hội chợ, chỉ việc đứng ngoài cửa để hát câu khách. Nếu không có Hội chợ thì ông Chín có nghề phụ, ông làm thợ điện, hay thợ sửa radio.
Cái radio độc đáo của ông Chín chỉ có cái cần bằng tre, một cái rà đài, cục dàn gâm, với cái loa nhỏ xíu ông dắt lỗ tai, nó bắt được vài đài, tiếng văng vẳng như con dế kêu, vậy mà nhiều người khoái hỏi mua nhưng ông nhất định không bán.
Ông Chín không có vợ con gì hết, một mình thui thủi, khi buồn ông nói chuyện rồi trả lời có mỗi một mình ông, nhưng nếu lắng nghe thì có tới hai người, một là ông còn hai là một phụ nữ nào đó có tên có thứ đàng hoàng nhưng có ai biết mặt?
Hội chợ nào cũng có ông Chín, ông là chuyên gia “kéo ton”, khán giả thích ông Chín nhiều khi quên mua vé, mấy tay tổ chức nhà bạt nhỏ kiểu chặt đầu để đĩa ca vọng cổ hay là chó ba đầu, rầy ông, tại ông mà ít có ai vô coi trò của họ.
Ông cũng là nghệ sĩ như ai, nhưng tàng tàng, ngộ nghĩnh, bình dân. Ông Chín Chim không hút thuốc, không uống rượu nhưng người ta lại mướn ông đứng “kéo ton” làm quảng cáo rượu, thuốc lá trong các Hội chợ với mấy tay làm ảo thuật, làm xiếc. Cụm nghệ sĩ này chuyên hát quảng cáo trong Hội chợ, người ta dựng một sân khấu lộ thiên hát thí, khách đi coi nọ coi kia mỏi chân dừng lại coi hát. Họ ngủ dưới sân khấu, người giăng võng, người trải chiếu, còn đem theo vợ con đùm đề rày đây mai đó.
Tám Chó, cái ông hấp háy con mắt giả, chuyên nghề nối con này con kia, bỏ vô hũ keo, ngâm phoọc-môn, ráp nhà bạt nhỏ xíu, bán vé cho khách tò mò vô coi, cũng có khi mướn ông Chín đứng ngoài cửa “kéo ton”. Ông Mười Ma Lai, chuyên làm trò ma lai rút ruột cũng có lúc mướn ông Chín. Hội chợ nào cũng đông nghẹt người tò mò đi coi, có khi người này đi coi người kia, mệt thì coi hát thí của mấy hãng thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo.
Một thân một mình, không có tới hai bộ đồ, khi nào có bộ thứ hai thì bộ số một rách bét. Ông không có một cái va-li, chỉ có cái túi mang vai, đi tới đâu cũng vậy. Cái nón của ông thì không đổi, nó bằng nhựa dẻo, kiểu nón cối, màu nhựa vàng khè vì mưa nắng. Cái nón cũng có thể bay nhít lên khỏi gáy của ông Chín, con nít rất khoái trò này. Mỗi khi thất nghiệp Hội chợ, ông Chín đi làm thợ điện, thợ sửa radio, ông cũng khẩu thuật giúp vui chủ nhà, nhiều người đãi ông bữa cơm rồi thôi không trả tiền, ông Chín cũng không nói.
Ông ngồi tằn mằn sửa điện, nói chuyện:
- Ê Chín Chim lúc này khỏe hông?
Có tiếng ai đó trả lời:
- Khỏe ru, còn anh?
- Trầm trầy trầm trật, đủ ăn đủ xài.
Bỗng có tiếng đàn bà:
- Anh Chín.
- Ờ em.
- Sao anh không về nhà, bỏ luôn phải hông. Anh mà đi hoài em có người khác ráng chịu nha.
- Vậy cũng được.
Tiếng người đàn bà khóc:
- Thiệt hông, tui có chồng khác, đợi anh biết chừng nào.
Có tiếng con nít khóc tu oa tu oa.
- Sao con, nín đi khóc hoài để ba sửa điện cho người ta, chừng nào có tiền ba về.
Tiếng người đàn bà khóc.
- Sao anh nói về mà không về, con nó khóc hoài đòi ba. Bộ anh tính đi luôn phải không?
Không nghe tiếng người nào nói, chỉ có tiếng người đàn bà khóc rồi con nít khóc. Ông Chín ngồi một mình thui thủi sửa điện, mặt coi buồn.
- Tui chưa có tiền, về sao được.

*

Buổi trưa Hội chợ thưa khách, đám nghệ sĩ hát thí chui xuống sân khấu ngồi nghỉ, có ông già tên Chín Chim ngồi tằn mằn sửa cái radio nhỏ, nói chuyện một mình, nếu lắng nghe thì cạnh ông có tiếng người đàn bà khóc, con nít khóc, còn mặt ông Chín buồn hiu. Bạn bè trôi dạt kiểu này, mỗi người một phương trời, có ai biết nghệ sĩ Chín Chim từ đâu tới, tên gì, nhà cửa ra sao.