kiến của Melchett về cô Marple khi chúng tôi đã ra khỏi nhà cô ta, thật không “nịnh đầm” chút nào.
- Đồ gái già khô khốc tưởng mình cái gì cũng biết! - Ông ta càu nhàu - Cả đời chả bao giờ ra khỏi làng. Thật ngu ngốc! Bà ta thì hiểu gì về đời chứ!
Tôi nhẹ nhàng nhận xét với Melchett rằng ông ta có lý khi nói cô Marple không biết gì về đời theo nghĩa rộng, thế nhưng cô ta biết tất cả những gì diễn ra ở Saint Mary Mead!
Melchett cũng phải công nhận như vậy. Tóm lại chúng tôi vừa tìm thấy một nhân chứng cực kỳ quý giá cho bà Prothéro.
- Đương nhiên chúng ta không nên nghi ngờ lời nhận định của bà ta. - Ông ta nói.
- Nào, ông hãy yên tâm đi. Nếu cô Marple nói rằng bà Prothéro không mang súng thì ông có thể tin, vì nếu như có một chi tiết đáng ngờ nào dù nhỏ nhất về điều này, thì bà ta sẽ sung sướng vớ lấy ngay.
- Đúng thế. Tốt nhất, hãy đi nốt đến xưởng vẽ.
Xưởng vẽ thật ra chỉ là một cái nhà kho được chiếu sáng từ trên cao. Nó không có cửa sổ và chỉ có một cái cửa ra vào lúc nào cũng mở toang. Khi chúng tôi đã xem xét xong, Melchett tỏ vẻ hài lòng và cho tôi biết sẽ quay lại nhà xứ với viên thanh tra.
- Tôi chạy đến Sở Cảnh sát đây, tí nữa chúng ta gặp lại.
Vừa bước vào nhà thì có tiếng nói lọt vào tai tôi. Tôi mở cửa phòng khách. Cô Cram ngồi trên đi văng, cạnh Griselda, và nói sôi nổi.
- Chào Len. - Griselda nói.
- Kính chào ông Clément - Cô Cram nói theo và tiếp tục - Tất cả những chi tiết về cái chết của ông đại tá thật khủng khiếp. Tội nghiệp ông ta.
- Cô Cram đã có nhã ý đến giúp chúng ta về các hướng đạo sinh. Anh có nhớ là Chủ nhật trước, chúng ta đã kêu gọi những người tình nguyện.
Tôi nhớ chứ. Nhưng, qua giọng nói của vợ, tôi cũng như vợ tôi, thừa biết rằng cô Cram sẽ chẳng bao giờ đến chỗ chúng tôi để giúp, nếu không có tấn thảm kịch đã xảy ra ở nhà xứ. Cô ta lại tiếp tục câu chuyện về cái chủ đề rất giật gân.
- Khi nghe tin, tôi như bị giáng một chùy vào đầu. Một tội ác! Một vụ giết người ngay tại cái làng bé nhỏ, hiền hòa này! Vì nói về hiền hòa tĩnh lặng thì làng này là số một. Và khi tôi biết về đại tá Prothéro thì tôi không thể tin. Con người quý hóa ấy. Ông ta chả có vẻ gì là sẽ bị sát hại cả.
Tôi không rõ liệu những đặc điểm nào có thể để cô Cram đoán ra rằng một người sẽ bị sát hại hoặc không. Có lẽ có những loại người đặc biệt sẽ trở thành những nạn nhân tương lai chăng? Tóm lại, cô Cram không nghi ngờ điều đó trong cái đầu vàng óng và bướng bỉnh.
- Xem này, - Griselda nói - thì ra cô Cram đến để nghe ngóng tin tức!
Tôi tưởng rằng lời nói thẳng của Griselda sẽ làm cô khách mất tự nhiên nhưng cô ta lại rất thích chí, ngửa cổ lên cười to, phô bày hết cả bộ răng.
- A! Không hay rồi, bà đã biết rồi. Người ta không thể giấu bà cái gì được. Nhưng cũng rất tự nhiên là người ta muốn biết các tình huống của câu chuyện như thế này phải không. Và cũng đừng quên là tôi muốn giúp các hướng đạo sinh của các vị. Đúng là giật gân thật! Tôi đang sống cho qua ngày đoạn tháng chán chường. Đúng! không phải công việc làm cho tôi chán, thậm chí tôi còn được trả lương cao. Và hơn nữa, tiến sĩ Stone thật đáng mến! Nhưng một cô gái trẻ thì cần được giải trí sau giờ làm việc và theo bà, bà Clement, thì có thể giao du với ai trong cái “lỗ” này, ngoài một đống các bà già lắm mồm?
- Có Lettice Prothéro đấy thôi. - Tôi nói.
Gladys lắc đầu.
- Cô ta rất khinh bỉ những người như tôi. Cô ta cho cô ta là cao giá và không muốn hạ cố quan tâm đến một cô gái trẻ phải làm việc để kiếm sống. Vậy mà tôi lại nghe nói cô ta cũng làm việc. Nhưng ai muốn thuê cô ta được? Cô ta sẽ bị đuổi việc trong vòng tám ngày thôi. Trừ phi cô ta làm người mẫu trưng diện các đồ nữ trang, ừ, tôi chắc là việc đó hợp với cô ta.

Người dịch: Lê Thu Hà
Chương XXVI
Những lý lẽ của cô Marple

     ôi đang ở trong một tâm trạng kỳ lạ khi tôi trèo lên bục giảng đạo, tối hôm đó nhà thờ đầy người như chưa bao giờ thấy thế! Tôi không thể tin rằng hy vọng được nghe Hawes giảng đạo đã thu hút được đông người đến thế. Những bài nói của Hawes chán ngắt hơn chúng có thể. Thậm chí nếu tin tức loang ra là tôi sẽ giảng thay anh ta cũng không phải là lý do để cho nhiều người đến dự như vậy. Bởi vì những bài nói của tôi lại thường đầy những kiến thức uyên bác nên cũng thành tẻ nhạt. Cuối cùng, tôi cũng không thể cho rằng đó là do ảnh hưởng của sự sùng đạo. Than ôi!
Tôi kết luận rằng mỗi người đến để xem ai sẽ giảng trong buổi lễ và cũng không ngờ gì nữa, để có dịp bàn tán một chút, khi ra về, trên sân nhà thờ.
Haydock cũng ở đó, anh ta, người chả bao giờ đến nhà thờ cả và có cả Lawrence Redding nữa. Tôi sửng sốt thấy bên cạnh Lawrence, bộ mặt xanh tái với những nét mệt nhọc của Hawes. Anne Prothéro cũng ở đó, nhưng bà ta luôn có thói quen đến dự vào mỗi chủ nhật, buổi lễ tối. Tuy vậy tôi không nghĩ rằng bà ta đến hôm nay. Tôi hơi ngạc nhiên thấy cả Lettice. Đến các buổi lễ sáng đối với cô ta là bắt buộc, ông đại tá Prothéro đã khăng khăng một mực về điểm này - nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cô ta ở buổi lễ tối.
Tôi cũng nhận thấy Gladys Cram. Bên cạnh các bà già khô héo, cô ta có vẻ căng tràn đầy tuổi trẻ và sức khoẻ. Tôi phân biệt khó khăn ở phía cuối, một hình dáng mà tôi cho là bà Lestrange. Và tôi cũng cần thêm vào là bà Price Ridley, cô Hartnell, cô Wetherby và cô Marple cũng ở đó, trang phục chỉnh tề. Tóm lại, cả làng đã kéo đến. Không, tôi không nhớ là đã nhìn thấy một cử tọa như vậy bao giờ chưa.
Hiệu quả của đám đông cũng rất kỳ lạ. Nó toát ra một không khí huyền diệu mà tôi là người đầu tiên cảm thấy.
Thường thì tôi chuẩn bị những bài nói của tôi từ trước. Tôi rất cẩn thận và để tâm vào đó. Thế nhưng, không ai ngoài tôi nhận ra những lỗ hổng và khiếm khuyết của chúng.
Tối hôm đó, tôi bắt buộc phải nói ứng khẩu, một sự sợ hãi bỗng xâm chiếm tôi khi tôi trong thấy một biển mặt người hướng về phía tôi. Một việc kỳ lạ, tôi cảm thấy tôi không còn là đại diện của Chúa và tôi chuyển thành diễn viên. Tôi có khán giả trước mặt tôi và tôi muốn làm cho khán giả rung động. Hơn nữa tôi cảm thấy có khả năng làm cho họ rung động.
Khi tôi nghĩ về điều đó, tôi thú nhận là tôi không lấy làm tự hào về những gì tôi đã làm. Tôi không phải là người nghĩ rằng cần phải thức tỉnh những tình cảm tôn giáo bằng cách gây xúc động. Tuy vậy, tối hôm đó, tôi nghiêng về tuyên bố và cảm hứng trữ tình.
Tôi thong thả đọc câu sau: “Tôi không đến đây để kêu gọi những điều tốt đẹp mà tôi đến đây để đòi hỏi kẻ phạm tội phải hối lỗi”.
Tôi đọc lại hai lần câu đó, và tôi nghe giọng của chính tôi vang lên với âm điệu khác xa giọng bình thường của Leonard Clément.
Ở hàng đầu tiên tôi thấy Griselda ngẩng đầu lên ngạc nhiên và Denis cũng làm như cô ta.
Tôi nín thở vài giây rồi thả sức nói tiếp, cử tọa đang rung động sâu sắc và chỉ việc lợi dụng điều đó. Và tôi đã lợi dụng. Tôi khích lệ kẻ có tội hối cải một cách cuồng nhiệt. Tôi chĩa ngón tay kết tội, không biết là bao nhiêu lần, và tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại:
- Tôi đang nói với chính bạn đó...
Và mỗi lần ở những chỗ khác nhau, tôi nghe thấy tiếng thở dài. Phải, sự xúc động của đám đông thật là đặc biệt và khủng khiếp.
Tôi kết thúc bằng những từ thanh cao và thống thiết nhất của kinh thánh:
“Tối nay, người ta sẽ đòi nợ linh hồn của ngươi”.
Tôi đã chịu đựng trong suốt bài nói, một loại cảm giác như là mê hoặc. Trên đường về nhà xứ, tôi lại tìm được lại tính cách hàng ngày và thói do dự quen thuộc.
Tôi thấy Griselda tái nhợt. Cô luồn tay vào dưới tay tôi.
- Len, - Cô ta nói - tối nay anh thật là khủng khiếp. Em không thích bài nói của anh. Em chưa nghe thấy anh giảng thế bao giờ.
- Anh hy vọng rằng em cũng không có dịp để nghe nữa. - Tôi nói và thả mình xuống ghế sopha.
Tôi cảm thấy rất mệt mỏi.
- Tại sao anh lại làm như vậy?
- Đột nhiên một cơn điên rồ đã xâm chiếm anh.
- Ôi! Vậy không phải... Đó là một việc ngoài ý muốn à?
- Em nói “ngoài ý muốn” là sao?
- Em tự hỏi nếu... Anh thật đáng ngạc nhiên, Len. Em cảm tưởng như không quen biết anh.
Chúng tôi ngồi vào bàn trước những món ăn nguội vì đây là ngày nghỉ của Marie.
- Có một lá thư cho anh trong phòng xép. - Griselda nói - Denis, cầm hộ ra đây đi?
Denis vẫn im lặng từ khi về, nghe theo. Tôi cầm lấy lá thư, hơi cáu. Ở góc bên trái, phía trên có ghi: Khẩn cấp.
- Cái này có thể là của cô Marple. Chỉ có cô ta... Đúng là của cô Marple.
Tôi đọc:
“Ông Clément thân mến,
Tôi rất muốn nói với ông về một hay hai việc vừa xảy ra trong đầu tôi. Chúng ta cần phải thử tìm cách soi sáng điều bí ẩn buồn thảm này. Nếu ông không phiền thì tôi sẽ đến nhà ông vào chín giờ rưỡi. Tôi sẽ gõ vào cửa sổ phòng làm việc của ông.
Có thể là về phần Griselda, cô ấy sẽ vui lòng đến chơi với cháu tôi. Tất nhiên là cùng với Denis nếu cậu ấy muốn. Nếu tôi không nhận được câu trả lời, thì tôi sẽ đợi họ và chính tôi sẽ đến vào giờ đã hẹn.
Người bạn chân thành của ông.
Jeanne Marple”
Tôi chìa lá thư cho Griselda.
- Chúng tôi sẽ đi - Cô vui vẻ nói - Một hoặc hai ly rượu mùi - làm ở nhà - chính là cái chúng ta cần vào tối chủ nhật. So với cái đó thì món tráng miệng của Marie thật là khó tiêu.
Denis thì ít phấn khởi hơn về điều này.
- Thật là thú vị với cô - Nó càu nhàu - Cô có thể nói hàng đống chuyện về nghệ thuật và văn chương. Còn tôi, tôi chỉ ngồi nghe có nói, như một thằng ngốc.
- Nhưng cũng rất tốt đối với anh - Griselda lạnh nhạt nói - Như thế, anh ở đúng chỗ của anh. Mặt khác tôi chẳng thấy ông West có tài đến mức như ông ấy bảo.
- Nhiều người thường làm thế. - Tôi nói.
Tôi tự hỏi liệu cô Marple muốn nói với tôi về chủ đề gì. Trong tất cả các bà quan tâm đến công việc của tôi, tôi thấy cô ta là sáng suốt nhất và rất sáng suốt nữa. Không chỉ vì cô ta nhìn thấy và hiểu gần như tất cả những gì đang diễn ra, mà còn là vì cô ta biết rút ra từ những sự kiện những suy luận rất logic và chính xác.
Nếu như tôi một ngày nào đó phải thay đổi cuộc sống và trở thành không trung thực, tôi sẽ rất sợ hãi cô Marple.
Những người tham gia vào cái gọi là “giải trí cho thằng cháu” như Griselda hóm hỉnh gọi đã ra đi sau 9 giờ một chút. Tôi ngồi đợi cô Marple. Để giết thời gian, tôi vui thích vẽ ra một loại bảng liệt kê các sự kiện có liên quan đến tội ác. Tôi không phải lúc nào cũng đúng giờ, nhưng tôi rất thích sự thứ tự và thích mọi việc được ghi lại với sự chính xác cao.
Vào lúc 9h30, tôi nghe thấy một tiếng gõ nhẹ vào cửa sổ. Tôi đứng dậy và mở cửa cho cô hàng xóm của chúng tôi. Một cái khăn choàng Shetland phủ nhẹ lên đầu và vai bà ta. Bà ta trông càng có vẻ già hơn và càng nhỏ bé hơn thường ngày. Bà ta vừa bước vào vừa nói một thôi một hồi.
- Ông thật là tử tế đã đón tiếp tôi... và Griselda cũng thật là dễ thương. Raymond rất thán phục cô ấy. Nó chưa bao giờ gọi cô ngoài cụm từ “cô bé tuyệt vời”. Ông cho phép tôi ngồi chứ? Đây là ghế của ông à? Cám ơn. Không, tôi không cần đến cái ghế dài nhỏ đó.
Tôi đặt cái khăn choàng Shetland lên một cái ghế và ngồi đối diện bà khách của tôi. Chúng tôi nhìn nhau và chưa nói gì. Một nụ cười vẻ năn nỉ hiện lên trên gương mặt của cô Marple.
- Tôi cảm thấy, - Bà ta bắt đầu - rằng ông đang tự hỏi vì lý do gì mà tôi quan tâm đến vụ án này nhiều đến thế! Đây không phải là việc của đàn bà... Không, hãy để tôi giải thích, tôi xin ông.
Bà ta dừng lại, đỏ mặt, rồi nói tiếp:
- Ông thấy đấy, khi người ta sống một mình, như tôi đây, ở một nơi hẻo lánh, người ta cần có một ý thích riêng. Có thể đan lát, viết văn, hướng đạo hoặc vẽ. Vâng đúng thế... Nhưng ý thích của tôi là và luôn luôn là nhận xét bản chất con người. Nó thật là đa dạng và đầy thú vị. Và, đương nhiên là trong một cái làng nhỏ nơi chẳng có gì để mà giải trí, thì người ta vô cũng thích thú để trở thành rất tinh thông trong cái nghệ thuật mà người ta đã chọn làm.
Chúng ta bắt đầu bằng việc phân loại con người cũng như là các con chim hoặc những bông hoa: theo nhóm, đặc điểm và chủng loại. Đầu tiên thì người ta có thể nhầm, đôi khi thôi, rồi thì ít dần. Cần phải rút ra kính nghiệm. Người ta đặt ra những vấn đề, ví dụ như cái lọ tôm đã làm cho Griselda buồn cười.
Đấy chỉ là một vụ không đáng kể, nhưng tuy nhiên cũng rất khó chịu nếu không giải quyết nó theo logic. Ông có còn nhớ câu chuyện trao đổi giữa thuốc chống sổ mũi và cái ô của vợ ông hàng thịt không! Chuyện này không thể hiểu được nếu không giả thiết rằng ông bán rau xử sự rất tồi với vợ ông dược sĩ - vậy trường hợp này là tất nhiên. Thật là thú vị khi có một ý kiến và thấy nó được xác minh bằng những sự kiện.
- Và các sự kiện luôn nói rằng bà có lý, tôi nghĩ thế. - Tôi nói và mỉm cười.
- Tôi sợ rằng, cái đó làm tôi trở nên khắt khe hơn - Cô Marple thú nhận - Nhưng tôi luôn tự hỏi liệu tôi có khả năng thành công như vậy trong trường hợp các vụ án phức tạp không. Liệu tôi có thể giải đáp đúng một bí ẩn lớn không? Logic mà nói thì cái đó cũng dễ thôi. Sau cùng thì một cái ô-tô đồ chơi dành cho trẻ em thì cũng vẫn là một cái ô-tô bình thường.
- Bà muốn nói rằng đây là một vụ án theo thuyết tương đối - Tôi chậm rãi nói - Theo lý thuyết thì nó phải như vậy. Nhưng trong thực tế thì...
- Cái đó nhất định giống nhau mà thôi - Cô Marple ngắt lời - Nhưng... nói sao nhỉ? Cái mà người ta gọi là môi trường của các nhân tố, luôn luôn giống nhau đấy thôi? Tiền này, sự quyến rũ lẫn nhau giữa người khác giới và sau nữa còn có sự khác biệt: biết bao người rất kỳ lạ và thậm chí phần lớn trong số họ khi người ta biết rõ họ. Và những người bình thường đôi khi lại làm được những điều tuyệt vời, khi mà những người bất bình thường lại chẳng có gì độc đáo cả. Chỉ có một cách để tìm ra sự thật, là so sánh giữa những người mà chúng ta gặp với những người khác mà ta đã quen biết từ lâu, ông sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ có một số ít loại riêng biệt khác nhau.
- Bà làm tôi thấy sợ, - Tôi nói - tôi cảm thấy đang bị xem xét dưới kính hiển vi!
- Cứ tin rằng, ông mục sư thân mến, tôi sẽ chẳng bao giờ nói như thế này với đại tá Melchett (ông ta quá độc đoán), và cả với Landormy tội nghiệp đâu... Ông có biết anh ta làm tôi nghĩ đến ai không? Đến những người bán giầy trẻ tuổi muốn bán cho bạn những đôi giày đánh vécni dưới cái cớ là chúng vừa với chân bạn và không chấp nhận việc bạn yêu cầu những đôi giày bằng da màu vàng.
- Đấy là một định nghĩa tuyệt vời về viên thanh tra.
- Còn ông, ông Clément, tôi chắc chắn rằng ông cũng biết nhiều về vụ án như anh ta vậy. A! Giá như chúng ta có thể làm việc cũng nhau...
- Tôi cũng tự bảo mình như vậy. Vì mỗi người trong chúng ta, thực chất đều là một Sherlock Homes!
Đến đây, tôi nói cho bà khách của tôi về ba lá thư đã nhận được chiều nay. Tôi cũng kể cho bà nghe Anne đã phát hiện ra bức chân dung bị đâm nát như thế nào, tôi cũng nói về thái độ kỳ lạ của cô Cram ở Sở Cảnh sát và cuối cùng cái cách mà Haydock xác định những mảnh tinh thể nổi tiếng kia.
- Và tôi đã tìm ra chúng, - Tôi nói thêm về các mảnh vỡ - tôi sẽ rất vui nếu chúng có một tầm quan trọng nào đó! Nhưng rõ ràng là chúng chẳng liên quan gì đến vụ án này cả.
- Tôi đã đọc trong thời gian này rất nhiều chuyện trinh thám của Mỹ. Tôi nghĩ rằng chúng rất có ích cho chúng ta.
- Ở đó có chuyện về axit picric không?
- Không, thật không may! Tôi nhớ lại là đã đọc lúc nào đó, câu chuyện về một người bị đầu độc bởi axít picric và lanoline được dùng như thuốc mỡ để bôi.
- Nhưng bởi vì không có ai bị đầu độc nên cái này chả có liên quan gì.
Tôi bèn nói về công việc nhỏ mà tôi đã làm lúc này cho cô Marple biết.
- Tôi đã thử điểm lại một cách chính xác nhất danh sách các sự kiện liên quan đến vụ án mà chúng ta quan tâm.
Tôi xin phép được chép ra đây tài liệu đó:
Thứ năm 21, 12h30 - Đại tá Prothéro đặt lại cuộc hẹn với tôi vào 6h15 thay vì 6h. Nó đã được cả làng nghe thấy, không nghi ngờ gì nữa.
12h45 - Khẩu súng của Lawrence được trông thấy lần cuối ở vị trí quen thuộc của nó. Tuy vậy, việc này cũng hơi khập khiễng bởi vì mẹ Archer, đầu tiên đã tuyên bố rằng bà ta không nhớ lại điều gì về việc này.
Khoảng 5h30 - Đại tá và bà Prothéro rời Old Hall bằng ô tô để đi về làng.
5h30 (chính xác) - Tôi nhận được một cú điện thoại giả mạo gọi đi từ chái nhà phía bắc của Old HaiL
6h15 (một hoặc hai phút trước) - Prothéro đến nhà cha xứ. Marie mời ông ta vào phòng làm việc.
6h20 - bà Prothéro đi đến từ con đường mòn phía sau, xuyên qua vườn và tới tận cửa sổ phòng làm việc. Bà ta không nhìn thấy đại tá.
6h29 - một cú điện thoại gọi đi từ căn nhà nhỏ của Lawrence Redding (tin này được bưu điện cung cấp) gọi cho bà Price Ridley.
6h30 - 6h35 - một tiếng nổ được nghe thấy với giả thiết rằng giờ của cú điện thoại đó xảy ra sớm hơn nhiều nhưng chính bà Price Ridley có vẻ có lý.
6h45 - Lawrence Redding đến nhà cha xứ và phát hiện ra xác chết.
6h48 - Tôi gặp Lawrence.
6h49 - Đến lượt tôi phát hiện cái xác.
6h55 - Haydock tiến hành khám nghiệm.
Ghi chú - Chỉ có hai người không thể cung cấp bằng chứng ngoại phạm cho khoảng thời gian từ 6h30 đến 6h35 là cô Cram và bà Lestrange. Cô Cram khai rằng lúc đó cô ta ở chỗ khai quật nhưng điều đó chưa được xác minh. Tuy vậy cũng có lý do để đặt cô ra ngoài sự nghi ngờ. Bà Lestrange đã chia tay bác sĩ Haydock vài giây sau 6h để đi đến một cuộc hẹn. Ở đâu? Với ai? Không thể với Prothéro, người mà vào lúc đó được nghĩ là đang gặp tôi. Người ta đã chứng minh rằng bà Lestrange đang đi trên đường vào thời điểm mà tội ác xảy ra, nhưng người ta không thể nhận thấy một lý do nào để bà ta có thể giết đại tá. Cái chết của ông này chẳng đem lại cho bà ta một cái gì vả tôi không thể chấp nhận giả thiết về một vụ tống tiên của Landormy. Bà Lestrange không có khả năng làm một hành động thấp hèn. Vả lại, người ta không thể hiểu được làm sao bà ta lại chiếm được khẩu súng của Lawrence.
Sổ tay của tôi đã ghi như vậy.
- Tất cả rất rõ ràng - Cô Marple nói khi đã đọc xong - Thật là rõ ràng. Những người đàn ông thật đáng ngạc nhiên khi xác định các bảng khái quát.
- Nhưng cô có đồng ý với tôi không? - Tôi hỏi.
- Có chứ... Rất đáng chú ý.
Vậy là tôi đặt ngay câu hỏi mà nó làm tôi sốt ruột ngay từ đầu cuộc nói chuyện.
- Cô Marple, cô nghi ngờ ai? Cô đã có lần nói tới bảy người...
- Đúng là như thế, - Cô ta hờ hững nói - mỗi người đều nghi ngờ một ai đó. Vả lại, điều đó đã thấy rõ.
Bà ta không hỏi tôi nghi ngờ ai.
- Vấn đề là, - Cô nói tiếp - hãy đem lại cho mỗi sự việc một lời giải thích thỏa đáng. Nếu như ông có một lý thuyết có thể giải thich tất cả các sự kiện, tất cả, thì hãy tin tôi đi, nó là đúng đây. Nhưng cái đó cũng rất khó. Nếu như không có lá thư này...
- Lá thư? - Tôi sửng sốt.
- Đúng vậy lá thư. Hãy nhớ lại điều mà tôi đã nói với ông về chủ đề này. Lá thư này đã làm tôi lo lắng ngay từ đầu. Có một cái gì đấy trong đó không hợp lý.
- Tuy nhiên, bây giờ thì mọi sự đã rõ. Lá thư đã được viết vào 6h30 và một bàn tay lạ - bàn tay của kẻ giết người - đã viết thêm vào bên trên 6h20. Tôi nghĩ rằng điều đó đã được xác định rõ.
- Thậm chí theo lời giải thích này, thì tôi cho là vẫn chưa được.
- Thế nào?
- Ông nghe đây.
Cô Marple cúi người xuống và nói tiếp rất sôi nổi:
- Bà Prothéro đã đi qua vườn, như tôi đã nói với ông. Bà ấy đã đến tận cửa sổ phòng làm việc của ông. Ở đó, bà ta đã nhìn vào bên trong mà không thấy ông đại tá.
- Vâng, bởi vì ông ấy đang ngồi viết, chính xác...
- Đấy chính là điều không được. Điều đó xảy ra vào 6h20. Chúng ta đã đồng ý công nhận rằng ông ta sẽ không bắt đầu viết trước 6h30 để nói rằng ông ta không thể chờ đợi thêm. Tốt. Nhưng vậy thì tại sao vào 6h20 ông ta đã ngồi vào bàn giấy của ông?
-Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. - Tôi chậm rãi nói.
- Hãy nói cho tôi, ông Clélement thân mền, nếu chúng ta ôn lại tất cả từ đầu? Bà Prothéro đến bên cửa sổ, bà ta tưởng rằng căn phòng trống không - bà ta đã tưởng như vậy: nếu không bà ta sẽ không mạo hiểm đi xuống xưởng vẽ để gặp Redding. Điều đó quá thiếu thận trọng. Bởi vì bà ta đã tưởng rằng không có ai thì lúc ấy trong phòng phải rất yên tĩnh. Và điều đó cho chúng ta chọn một trong ba giả thiết, có phải thế không?
- Bà muốn nói...
- Đầu tiên là, đại tá Prothéro đã chết. Nhưng tôi không tin vào giả thiết này. Ông ta mới ở đó khoảng 5 phút thôi, bà ta hoặc tôi chắc chắn phải nghe thấy tiếng súng. Hơn nữa điều đó không giải thích được tại sao ông ta lại ngồi trước bàn giấy. Giả thiết thứ hai: ông đại tá đang ngồi viết một lá thư, nhưng nếu vậy thì đó phải là lá thư khác lá thư mà chúng ta đã tìm thấy. Bức thư đó không phải để nói là ông ta không thể đợi nữa. Và giả thiết thứ ba...
- Giả thiết thứ ba. - Tôi nhắc lại như một tiếng vang.
- Phải rồi! Thứ ba là bà Prothéro đã nói đúng, rằng căn phòng trống không.
- Bà cho rằng sau khi đã được đưa vào phòng đó, ông đại tá đã đi ra rồi lại quay lại sau đó?
- Phải.
- Nhưng tại sao ông ta lại hành động như vậy
Cô Marple giơ cả hai tay lên trời với vẻ không biết.
- Vậy cần phải xem xét vụ án dưới một góc độ mới.
- Người ta cũng hay phải hành động như vậy. Ông có nghĩ thế không?
Tòi không trả lời. Tôi suy nghĩ về ba giải pháp của cô Marple.
Bà già đứng lên.
- Tôi phải đi thôi. Tôi rất vui vì đã có thể tán gẫu với ông một chút... chúng ta vẫn chưa tiến lên được tí nào, phải không?
- Để nói lên suy nghĩ của tôi, - Tôi nói và đi lấy khăn choàng của bà ta - vụ án này làm tôi thấy rối trí khủng khiếp.
- Vậy thì đấy không phải là ý kiến của tôi. Tôi cho rằng có một hệ thống giải thích được tất cả. Có thể chấp nhận được một sự trùng hợp... và tôi cho rằng một sự trùng hợp thực ra có thể chấp nhận được. Tất nhiên rất có khả năng là có nhiều hơn một.
- Ý kiến của bà là thế à? Tôi có thể nghe lý thuyết liên quan đến ai không?
Tôi nhìn cô Marple và hỏi.
- Tôi nhận ra rằng có một kẽ hở trong mớ lý thuyết của tôi... Có một việc mà tôi không sao hiểu được. A! Nếu như lá thư ấy là khác... Bà ta thở dài và lắc đầu. Bà lại gần cửa sổ và bắt đầu động vào cái cây đặt trên bậu cửa sổ, nó hơi bị héo.
- Ông biết không, ông Clément, cái cây này cần được tưới thường xuyên! Nó cần nước, tội nghiệp! Cô hầu của ông cần cho nó uống nước hàng ngày, bởi vì cô ấy chăm sóc nó, phải không?
- Cô ta chăm sóc nó và tất cả các cây khác.
- Cô ấy vẫn còn đang học việc.
- Vâng. Griselda không muốn dạy cô ta. Hình như cơ may duy nhất của chúng tôi để có thể giữ được một cô hầu là không ai muốn cô ấy cả. Vậy mà, Marie lại muốn bỏ chúng tôi, hôm trước.
- Này! Này! Tôi luôn nghĩ là cô ta rất gắn bó với ông bà là đằng khác.
- Tôi không hề nhận ra điều đó. Nhưng chính là Lettice Prothéro đã làm cho cô ta bực mình. Khi cô ta từ cuộc điều tra quay về, còn hơi xúc động, cô ta đã thấy Lettice và họ đã lời qua tiếng lại.
- A! - Cô Marple thốt lên.
Cô ta đi đến cửa sổ thấp. Đột nhiên cô ta đứng lại và tôi thấy sắc mặt cô thay đổi.
- Trời ơi! - Cô ta thì thầm như nói với chính mình - Sao tôi ngốc thế! Vậy là thế đấy! Cái đó hoàn toàn chấp nhận được.
- Bà bảo sao?
Bà quay khuôn mặt buồn bã về phía tôi.
- Không gì cả. Một ý nghĩ chợt đến. Tôi phải về. Tôi sẽ suy nghĩ. Chắc ông thấy tôi ngốc lắm.
- Bà làm sao lại ngốc được. Tôi hào hiệp nói.
Tôi tiễn bà ta ra vườn.
- Thế nào, cô Marple, cô không nói cho tôi biết điều gì chợt đến trong đầu cô à?
- Tôi không muốn nói bây giờ, vì tôi vẫn có thể nhầm nhưng tôi không nghĩ thế. Hàng rào đây rồi. Đừng đi nữa. Xin cám ơn ông.
- Cái thư vẫn là điều trở ngại à?
Tôi hỏi khi cô đóng cửa hàng rào.
- Lá thư? Nhưng chúng ta thấy đó không phải là lá thư thật. Tôi chưa bao giờ tin nó. Tạm biệt, ông Clément.
Cô ta đi nhanh trên con đường dẫn về nhà. Tôi đứng đó và nhìn cô ta. Tôi không biết nghĩ sao.