Đi tìm độc giả

Dịch giả: Phạm Hải Hồ
Khách... quý

     ôi không chống thú vật chút nào, ngược lại: tôi yêu chúng, và mỗi tối, tôi thích cào nhẹ lông con chó trong khi con mèo ngồi trong lòng tôi. Tôi thích xem các con cho rùa ăn ở một góc phòng khách. Cả đến anh hà mã nhỏ chúng tôi nuôi trong buồng tắm, tôi cũng thấy quyến luyến, và việc lâu nay các chú thỏ chạy nhảy tự do giữa nhà không còn làm tôi bực mình nữa. Ngoài ra, tôi cũng quen gặp khách bất ngờ vào buổi tối: cậu gà con kêu chiu chít hay chú chó vô chủ được vợ tôi cho trú ngụ. Bởi vì vợ tôi là người đàn bà tốt bụng, vợ tôi không xua đuổi ai, người hay thú cũng vậy. Đã từ lâu, bài kinh con chúng tôi đọc trước khi ngủ kết thúc bằng câu: Lạy Chúa, xin cho kẻ ăn xin và thú vật đến cùng chúng con.
Hơn thế nữa, vợ tôi cũng chẳng biết cách chống lại bọn chào hàng và bán rong nên nhà chúng tôi ngày càng tích tụ nhiều đồ vật tôi cho là thừa thãi: xà phòng, dao cạo, bàn chải, len mạng, còn hộc tủ thì ngổn ngang những giấy tờ khiến tôi phải lo ngại: hợp đồng bảo hiểm và mua bán đủ loại. Mấy đứa con trai được bảo hiểm học nghề, mấy đứa gái thì bảo hiểm của hồi môn, nhưng cho tới ngày làm lễ cưới hay đậu kỳ thi quốc gia phần nhì, con chúng tôi không thể sống bằng len mạng hay xà phòng được, và cả dao cạo cũng chỉ thích hợp với cơ thể con người trong những trường hợp đặc biệt thôi.
Vì vậy, người ta có thể hiểu tại sao tôi thỉnh thoảng lại tỏ ra mất kiên nhẫn, mặc dù thông thường tôi có tiếng trầm tĩnh. Nhiều khi tôi bắt quả tang mình đang ganh tị nhìn những chú thỏ gặm cà rốt dưới bàn một cách thoải mái. Và cái nhìn ngớ ngẩn của anh hà mã - anh ta đã làm tăng độ hóa bùn trong bồn tắm - khiến tôi thỉnh thoảng phải lè lưỡi chọc. Cả thím rùa đang thanh thản nhấm xà lách kia cũng không ước đoán được chút nào nỗi bứt rứt trong lòng tôi: tôi thèm mùi cà phê thơm phức, thuốc lá, bánh mì trứng và cái ấm áp của rượu mạnh trong cuống họng những người đầy lo âu. Niềm an ủi duy nhất của tôi là chó Bello nó cũng ngáp dài vì đói như chủ nó. Nếu lại có khách đến bất ngờ: những người đồng thời râu ria không cạo như tôi, hay những bà mẹ có em bé được uống sữa nóng, ăn bích quy ngâm mềm thì tôi phải kìm chế lắm mới giữ được bình tĩnh. Tôi phải giữ bình tĩnh vì đó gần như là sở hữu duy nhất của tôi còn sót lại.
Có những ngày vừa thấy mấy củ khoai tây vàng mới nấu, tôi đã thèm chảy nước miếng; vì lâu rồi - tôi do dự và thẹn đỏ mặt khi chịu nhận điều này - lâu lắm rồi, nghệ thuật nấu ăn ở nhà tôi không còn đáng gọi là có nề nếp nữa. Giữa đám khách gồm cả người lẫn thú, thỉnh thoảng chúng tôi mới được một bữa ăn tạm bợ, và lại phải đứng nữa chớ.
May thay, vợ tôi không thể tiếp tục mua những đồ vô dụng nữa vì chúng tôi đã hết tiền mặt mà tôi lại không được lĩnh lương trong thời gian vô hạn định. Chính tôi cũng buộc phải cải trang giấu mặt, đêm đêm tới các vùng ngoại thành xa xôi để bán dao cạo, xà phòng và nút áo với giá rẻ mạt; bởi vì tình trạng gia đình tôi đã tới lúc đáng lo ngại. Dù sao chúng tôi cũng có đến mấy trăm cân xà phòng, hàng ngàn dao cạo, đủ các loại nút áo. Và gần nửa đêm, tôi thất thểu về nhà, gom tiền trong các túi lại: con tôi, bầy thú của tôi, vợ tôi vây quanh tôi với đôi mắt sáng rực, vì tôi thường mua dọc đường: bánh mì, táo, mỡ, cà phê và khoai tây, món sau cùng này, phải nói là bọn trẻ thèm dữ tợn. Rồi giữa khuya, chúng tôi vui vẻ họp mặt trong bữa ăn: bầy thú vui sướng bao quanh tôi, vợ tôi mỉm cười với tôi, chúng tôi không quên mở cửa phòng tắm để anh hà mã không cảm thấy trơ trọi, và tiếng vui vẻ ồ ề của anh ta vang dội ra ngoài. Thường thường vợ tôi lại thú nhận có giấu ở buồng dự trữ thực phẩm những người khách tôi chỉ được thấy sau bữa ăn bồi bổ thần kinh: rồi mấy ông nhút nhát xoa tay xáp vào bàn, mấy bà ngồi xen giữa các con tôi trên chiếc ghế dài, mấy chị đun sữa cho trẻ nhỏ đang la khóc. Cũng nhờ vậy mà tôi được biết những con thú khá xa lạ đối với tôi: hải âu, chồn, heo và có lần cả con lạc đà nhỏ nữa.
- Nó thật dề thương, phải không?
Vợ tôi hỏi, và tôi miễn cưỡng trả lời:
- Phải, nó thật dễ thương.
Bụng bồn chồn, tôi quan sát con vật không ngừng ngốn ngấu và nhìn chúng tôi bằng đôi mắt xám tro. May thay, nó chỉ ở một tuần, và việc buôn bán của tôi cũng chạy: chất lượng hàng tốt, giá hạ nên người ta truyền miệng cho nhau. Thỉnh thoảng tôi bán được cả dây giày và bàn chải, những mặt hàng ít khi được hỏi đến. Như vậy, chúng tôi cũng được hưởng một sự phồn vinh giả tạo nào đó, và vợ tôi - hoàn toàn hiểu sai những dữ kiện kinh tế - đã nói một câu khiến tôi phải lo ngại:
- Chúng ta đang trên đà đi lên.
Trong khi đó, tôi thấy lượng xà phòng dự trữ giảm dần, số dao cạo ít đi và cả trữ lượng bàn chải cũng không còn dồi dào nữa.
Đúng vào thời điểm ấy, lúc tôi đang cần sự bồi dưỡng tinh thần thì một chiều nọ, chúng tôi đang ngồi yên bên nhau, bỗng cả nhà rung chuyển như gặp phải một cơn động đất cấp trung bình: mấy tấm ảnh lắc lư, cái bàn rung rinh và một vòng dồi tiết chiên lăn khỏi dĩa của tôi. Tôi định đứng dậy tìm nguyên nhân sự kiện ấy thì thấy mấy đứa con có vẻ nén cười.
- Chuyện gì xảy ra vậy?
Tôi hét lên, và trong cuộc đời đầy thăng trầm của tôi, lần đầu tiên tôi mất tự chủ.
- Đó chỉ là Wollo thôi, Walter ạ.
Vợ tôi nói nhỏ nhẹ vừa để nĩa xuống. Nàng bật khóc, và tôi mềm lòng trước những giọt nước mắt của nàng vì nàng đã tặng tôi bảy đứa con.
- Wollo là ai?
Tôi hỏi một cách mệt mỏi, và trong khoảnh khắc đó, một chấn động làm nhà chúng tôi rung chuyển lần nữa. Con gái út của tôi trả lời:
- Wollo là con voi đang ở dưới hầm nhà chúng ta.
Tôi thú thật đã bối rối, và người ta có thể hiểu sự bối rối ấy. Đến nay, con vật lớn nhất chúng tôi cho trú ngụ là lạc đà, chớ voi thì quá lớn đối với căn hộ của chúng tôi, vì gia đình tôi chưa được hưởng thành quả của chương trình xây cất nhà xã hội.
Chẳng chút bối rối, vợ con tôi cho biết: chủ một gánh xiếc vỡ nợ đã gởi con vật ở nhà chúng tôi để khỏi phải mất nó. Nó xuống hầm một cách dễ dàng trên chiếc cầu trượt bình thường chúng tôi dùng để chuyển than. Thằng cả của tôi nói:
- Nó thu mình lại như quả cầu, con vật thật thông minh.
Tôi không nghi ngờ gì về điều đó và đành phải chấp nhận sự có mặt của Wollo. Rồi tôi được dần xuống hầm trong tiếng hò reo thắng lợi. Con vật không đến nỗi quá lớn, nó vây vẩy đôi tai và có vẻ thấy dễ chịu ở nhà chúng tôi, huống chi nó còn được một đống rơm nữa.
- Nó thật dễ thương phải không?
Vợ tôi hỏi, nhưng tôi nhất định không tán thành. Dễ thương có lẽ không phải là từ thích hợp. Nói chung, gia đình tôi tỏ vẻ thất vọng vì thấy tôi ít phấn khởi, và khi chúng tôi ra khỏi hầm, vợ tôi bảo:
- Mình xấu quá, mình muốn nó bị đấu giá hay sao?
- Đấu giá cái gì, và xấu cái gì chớ? Vả lại, giấu những gì thuộc tài sản vỡ nợ cũng có thể bị phạt đó.
Vợ tôi nói:
- Điều ấy em bất kể, nhưng không được để con thú gặp phải việc gì.
Giữa đêm khuya, chủ gánh xiếc, một người tóc đen nhút nhát, đánh thức chúng tôi dậy và hỏi có còn chỗ cho một con vật nữa không.
- Đó là tất cả những gì tôi có, sở hữu cuối cùng của tôi. Chỉ một đêm thôi. A, còn con voi thế nào?
Vợ tôi trả lời:
- Tốt, chỉ có sự tiêu hóa của nó làm tôi lo ngại.
- Cái đó rồi sẽ hết, nó chỉ lạ chỗ thôi. Thú vật nhạy cảm lắm. Thế nào - ông bà có nhận thêm con mèo - một đêm không?
Chủ gánh xiếc nhìn tôi, và vợ tôi thúc hông tôi, bảo:
- Mình đừng quá cứng rắn.
- Cứng rắn à, tôi không cứng rắn đâu. Thôi được, cho con mèo vào bếp đi.
Tôi giao cho vợ tôi việc sắp xếp chỗ ở cho con mèo rồi bò vô giường trở lại. Mặt vợ tôi hơi xanh khi vào giường, và tôi có cảm tưởng nàng hơi run rẩy.
- Mình lạnh à?
- Không, em chỉ ớn lạnh một cách buồn cười.
- Chắc tại mệt thôi.
- Có lẽ thế.
Vợ tôi nói nhưng lại nhìn tôi với vẻ thật lạ. Chúng tôi ngủ yên, có điều tôi luôn mơ thấy cái nhìn lạ lùng của vợ tôi, và có điều gì đó buộc tôi phải dậy sớm hơn thường lệ. Tôi quyết định lần này sẽ cạo râu.
Ở nhà bếp, một con sư tử cỡ trung bình đang nằm dưới bàn. Nó ngủ yên, chỉ cái đuôi hơi cựa quậy, gây tiếng động như tiếng dần một trái banh thật nhẹ.
Tôi cẩn thận xát xà phòng, cố không gây tiếng động, nhưng khi quay mặt qua bên phải để cạo má trái, tôi thấy con sư tử mở mắt nhìn tôi. “Nó giống con mèo thật!” Tôi nghĩ thế, còn con sư tử nghĩ gì thì tôi không rõ: nó tiếp tục quan sát tôi, và tôi vẫn cạo râu, nhưng phải nói là cảm giác thật lạ lùng khi cạo râu trước con sư tử. Kinh nghiệm của tôi về cách đối xử với thú dữ quá ít ỏi nên tôi tự hạn chế trong việc chăm chú nhìn con sư tử, và tôi lau mặt rồi trở lại phòng ngủ. Vợ tôi đã thức. Nàng định nói gì đó nhưng tôi lớn tiếng ngắt ngang:
- Đâu cần nói gì nữa.
Vợ tôi bật khóc, và tôi để tay lên đầu nàng, bảo:
- Dù sao cái đó cũng không bình thường, mình phải nhìn nhận như vậy.
- Vậy chớ cái gì mới bình thường?
Vợ tôi hỏi lại, và tôi không biết trả lời ra sao.
Trong khi đó, mấy chú thỏ đã tỉnh dậy, lũ trẻ làm ồn trong nhà tắm, anh hà mã - tên anh là Gottlieb - cũng ré lên, Bello duỗi mình, chỉ có thím rùa còn ngủ - tuy nhiên, phải nói là gần như lúc nào thím ta cũng ngủ.
Tôi cho mấy chú thỏ vào bếp, nơi để sẵn mấy thùng đồ ăn cho các chú: thỏ hít hơi sư tử, sư tử hít hơi thỏ. Các con tôi - hồn nhiên và quen tiếp xúc với thú vật - cũng vào bếp tự lúc nào. Tôi có cảm tưởng như sư tử đang mỉm cười; thằng cu sinh trước đứa áp út nghĩ ra ngay một tên cho nó: Bombilus. Rồi mọi người đều gọi nó như thế.
Vài ngày sau, voi và sư tử được đón về. Thú thật, tôi không hề quyến luyến con voi lúc nó ra đi; tôi thấy nó ngốc nghếch thế nào ấy, trong khi con sư tử với vẻ trầm tĩnh dễ chịu của nó đã được lòng tôi. Vì thế, sự ra đi của Bombilus khiến tôi buồn rầu; nó là con thú đầu tiên đã thật sự chiếm trọn cảm tình của tôi.

Bur-Malottke rên:
- Huglieme, chưa bao giờ phòng Tiêu khiển lại nhường Văn hóa, dù chỉ một phần năm phút thôi.
Murke bảo:
- Chưa, chưa bao giờ, (gương mặt trẻ của anh tỏ vẻ hết sức nghiêm nghị) ít ra trong khoảng thời gian tôi làm ở đây, chưa bao giờ.
- Được rồi, (Bur-Malottke nhìn đồng hồ rồi tiếp) mười phút nữa chắc xong, tôi sẽ nói chuyện với ông giám đốc về phút quá thời hạn. Ta hãy bắt đầu. Anh để miếng giấy lại cho tôi được không?
- Dạ được, tôi đã nhớ thuộc lòng các con số ấy.
Anh kỹ thuật để tờ báo xuống khi Murke vào buồng đạo diễn cách phòng thu bởi một bức tường kính. Anh kỹ thuật mỉm cười. Hôm thứ Hai và thứ Ba, Murke đã cùng anh ấy nghe và cắt xén các bài thuyết trình của Bur-Malottke suốt sáu tiếng đồng hồ mà không nói với nhau một lời riêng tư nào. Thỉnh thoảng họ mới nhìn nhau trong lúc nghỉ ngơi, khi thì anh kỹ thuật đưa bao thuốc mời Murke, khi khác Murke mời lại, và bây giờ thấy anh kỹ thuật cười, Murke nghĩ thầm: nếu quả thật trên đời có tình bạn thì người này là bạn tôi. Anh đặt hộp thiếc chứa những khúc băng cắt từ bài thuyết trình của Bur-Malottke lên bàn rồi nói nhỏ:
- Bây giờ bắt đầu.
Anh đóng mạch nối với phòng thu và nói vào mi-crô:
- Chắc ta có thể bỏ qua việc nói thử, giáo sư ạ. Xin giáo sư nói các danh cách trước tiên.
Bur-Malottke gật đầu, Murke tắt mạch, bấm nút bật đèn xanh ở phòng thu, rồi họ nghe giọng nói trang trọng, rõ ràng của Bur-Malottke:
- Đấng cao cả mà chúng ta tôn kính - đấng cao cả...
Ông ta chụm môi trước cái mõ mi-crô như muốn hôn, mồ hôi chảy đầy mặt, và qua bức tường kính, Murke lạnh lùng xem Bur-Malottke tự hành hạ mình như thế nào; rồi bất chợt anh tắt mạch điện của Bur-Malottke, cho ngưng cuộn băng đang thu và khoái trá nhìn ông ta lặng câm sau bức tường kính như một con cá béo tốt. Anh đóng mạch cho mình, điềm tĩnh nói vào phòng thu:
- Rất tiếc, vừa rồi băng chúng tôi hư, xin giáo sư nói lại các danh cách từ đầu.
Bur-Malottke nguyền rủa, nhưng lời nguyền rủa ấy chỉ một mình ông ta nghe vì Murke đã tắt mạch, anh chỉ đóng mạch trở lại khi ông ta bắt đầu nói “đấng cao cả...” Murke còn quá trẻ, anh thấy chữ ghét không xứng đáng với người có học như mình. Nhưng sau bức tường kính, giữa lúc Bur-Malottke nói các thuộc cách, anh chợt hiểu ghét là gì: anh ghét kẻ to béo và tốt người đó với hai triệu ba trăm năm chục ngàn quyển sách rải rác ở các thư viện, nhà sách, tủ sách và tiệm sách, và anh không muốn nén lòng căm tức lại dù chỉ một giây thôi. Khi Bur-Malottke nói xong hai thuộc cách, Murke lại đóng mạch, điềm tĩnh bảo:
- Xin lỗi, tôi phải ngắt lời giáo sư. Các danh cách thật tuyệt, thuộc cách đầu cũng vậy, nhưng từ thuộc cách thứ hai trở đi, yêu cầu giáo sư lặp lại; êm ái hơn, bình thản hơn một chút. Để tôi phát băng cho giáo sư nghe thử.
Rồi dủ cho Bur-Malottke lắc đầu quây quẩy, anh ra hiệu cho anh kỹ thuật phát băng vào phòng thu. Họ thấy Bur-Malottke giật mình, đổ mồ hôi dữ hơn và bịt tai lại cho tới khi hết băng. Ông ta nói hoặc chửi rủa gì đó, nhưng Murke và anh kỹ thuật không nghe vì họ đã tắt mạch của ông ta. Murke lạnh lùng đợi cho tới khi miệng Bur-Malottke mấp máy như bắt đầu lại với đấng cao cả, anh mới bật mi-crô và cho băng chạy, và Bur-Malottke khởi sự nói các tặng cách: “cho đấng cao cả mà chúng ta tôn kính!” Nói các tặng cách xong, ông ta vò mảnh giấy của Murke, mồ hôi đổ ra như tắm. Ông ta giận dữ, đứng dậy định bước ra cửa thì giọng nói êm ái, dễ thương và trẻ trung của Murke gọi ông ta trở lại:
- Thưa giáo sư, giáo sư đã quên câu hô cách.
Bur-Malottke ném cho anh một cái nhìn căm tức và nói vào mi-crô:
- Hõi đấng cao cả mà chúng con tôn kính!
Lúc ông ta định ra khỏi phòng, giọng nói của Murke lại gọi ông ta lần nữa:
- Xin lỗi giáo sư, câu ấy không dùng được nếu nói như thế.
Anh kỹ thuật thì thầm bảo:
- Trời ơi, anh đừng làm quá đáng.
Lưng quay về phía buồng kính, Bur-Malottke đứng sững trước cửa như bị giọng nói của Murke dán chặt. Chưa bao giờ ông ta lại như thế: ông ta lúng túng, và cái giọng trẻ trung, dễ thương và vô cùng khôn ngoan ấy đã hành hạ ông ta hơn bao giờ hết. Murke tiếp:
- Dĩ nhiên tôi cũng có thể dán y như vậy vào bài thuyết trình, nhưng xin lưu ý giáo sư là nó sẽ không có tác dụng tốt.
Bur-Malottke quay lại mi-crô, nói nhỏ nhẹ và trang trọng:
- Hỡi đấng cao cả mà chúng con tôn kính.
Rồi ông ta rời phòng thu, không nhìn đến Murke nữa. Lúc ấy đúng mười giờ mười lăm. Ngay ở cửa, ông ta đụng phải một thiếu nữ xinh xắn cầm mấy tờ nhạc đi vào. Thiếu nữ ấy có mái tóc hung và đầy nhựa sống, mạnh dạn bước tới mi-crô vặn sửa, đẩy bàn ra để đứng cho thoải mái.
Trong buồng đạo diễn, Murke trò chuyện nửa phút với Huglieme, đạo diễn phụ trách phòng Tiêu khiển. Huglieme chỉ hộp thuốc lá hỏi:
- Anh còn cần cái đó hay sao?
Murke trả lời:
- Vâng, cái đó tôi còn cần.
Trong kia, thiếu nữ tóc hung hát:
- Hãy nhận lấy môi em, như đóa hồng xinh đẹp.
Huglieme đóng mạch, điềm tĩnh nói vào mi-crô:
- Làm ơn ngậm mõ thêm hai mươi giây nữa, tôi chưa sẵn sàng.
Thiếu nữ cười, vênh miệng:
- Đồ lạc đà đồng tính.
Murke bảo anh kỹ thuật:
- Vậy tôi trở lại lúc mười một giờ, ta sẽ cắt rời các đoạn băng rồi dán lại.
- Sau đó, chúng ta có phải nghe lần nữa không?
Anh kỹ thuật hỏi. Murke trả lời:
- Không, cho một triệu mác, tôi cũng không nghe lần nữa.
Anh kỹ thuật gật đầu, đặt băng cho cô ca sĩ tóc hung, trong khi Murke ra khỏi buồng.
Anh đút điếu thuốc vào miệng nhưng không đốt. Anh qua hành lang phía sau đến thang máy liên tục thứ hai dẫn xuống căng-tin. Thảm, hành lang, bàn ghế và tranh ảnh, tất cả đều hấp dẫn đối với anh. Đó là những tấm thảm quý, những hành lang đẹp, bàn ghế và tranh ảnh đầy vẻ thẩm mỹ, nhưng anh tự nhiên muốn thấy đâu đó tấm ảnh tồi vẽ thánh tâm chúa Giê-xu mà mẹ anh đã gởi cho anh. Anh dừng lại nghe ngóng rồi thò túi lấy tấm ảnh nhỏ nhét vào chỗ giữa giấy dán tường và khung cửa của phó đạo diễn phòng Vở kịch truyền thanh. Tấm ảnh màu sẵc sỡ, và dưới hình vẽ thánh tâm Chúa Giê-xu có dòng chữ: Tôi cầu nguyện cho bạn ở nhà thờ thánh Jacob.
Murke đi tới thang máy liên tục, bước vào để xuống phía dưới. Bên này đài phát thanh, người ta gán mấy cái gạt tàn thuốc kiểu Schrorschnauz đoạt giải đầu trong kỳ tuyển chọn những cái gạt tàn tốt nhất. Chúng nằm cạnh những số sáng đỏ chỉ tầng lầu tương ứng: một cái gạt tàn Schrurschnauz cạnh số bốn đỏ, một cái gạt tàn Schrorschnauz cạnh số ba đỏ, một cái gạt tàn Schrorschnauz cạnh số hai đỏ. Đó là những cái gạt tàn hình nến xinh đẹp, làm bằng đồng trau nổi và có đế là một loại rong biển độc đáo cũng làm bằng đồng trau nổi: loại rong biển có đốt - và mỗi cái gạt tàn ấy giá hai trăm năm mươi tám mác bảy mươi xu. Chúng đẹp đến nỗi Murke chưa bao giờ dám làm ô uế bằng tàn thuốc, chớ đừng nói đến cái vô thẩm mỹ như mẩu thuốc lá. Hình như những người hút thuốc khác cũng vậy - bao không, mẩu và tàn thuốc luôn luôn nằm dưới mấy cái gạt tàn đẹp đẽ ấy. Hình như không ai dám dùng chúng đúng với công dụng của chúng; làm bằng đồng, lúc nào chúng cũng bóng nhoáng và trống rỗng.
Murke thấy cái gạt tàn thứ năm cạnh số không sáng đỏ tới gần, không khí ấm hơn và có mùi thức ăn. Murke nhảy xuống, khập khiễng bước vào căng-tin. Ở một góc nhà, ba cộng tác viên tự do đang ngồi chung bàn. Quanh họ rải rác những ly đựng trứng, dĩa bánh mì và bình cà phê.
Ba anh đã cùng soạn loạt bài truyền thanh: Lá phổi, cơ quan của con người, cùng lãnh tiền thù lao, cùng ăn sáng, giờ họ uống với nhau ly rượu mạnh và đổ súc sắc quanh tờ chứng nhận thuế. Murke quen một người trong bọn họ, tên Wendrich; nhưng Wendrich đang hứng chí hô lên:
- Nghệ thuật! Nghệ thuật! (Anh ta lại hô lần nữa): Nghệ thuật, nghệ thuật!
Murke giật nẩy mình như con ếch của Galvani khi ông khám phá điện lực. Hai ngày nay, Murke đã nghe quá nhiều chữ nghệ thuật từ miệng Bur-Malottke; đúng một trăm ba mươi bốn chữ trong hai bài thuyết trình, và anh đã nghe chúng ba lần tức bốn trăm lẻ hai chữ nghệ thuật; quá nhiều để có thể tán gẫu về nó. Anh đi nép vào quầy tới vòm cây ở góc đối diện và thở phào nhẹ nhõm khi thấy chỗ ấy còn trống. Anh ngồi xuống chiếc ghế bành lót đệm vàng, đốt điếu xì gà, và khi chị phục vụ tên Wulla tới, anh nói:
- Làm ơn cho tôi nước táo.
Anh vui mừng khi Wulla lại đi ngay. Anh nhắm nghiền mắt lại nhưng dù không muốn, anh vẫn lắng tai nghe các cộng tác viên nói chuyện ở góc kia, hình như họ đang hăng say cãi nhau về nghệ thuật; mỗi lần một người trong bọn họ nói đến chữ “nghệ thuật”, Murke lại giật mình. Giống như bị quất roi vậy, Murke nghĩ thế.
Wulla đem nước táo đến, nhìn anh ái ngại. Chị to lớn khỏe mạnh nhưng không mập, vẻ mặt tươi tắn. Trong lúc rót nước táo, chị bảo:
- Ông nên nghỉ phép, ông tiến sĩ ạ, và tốt hơn nên bỏ hút.
Tên chị trước kia là Wilfriede-Ulla, nhưng thu gọn thành Wulla cho dễ gọi. Chị đặc biệt kính trọng những người thuộc phòng Văn hóa.
Murke bảo:
- Chị để tôi yên, chị làm ơn giùm!
Wulla nói:
- Và ông nên đi xi-nê với một cô giản dị dễ thương.
- Tối nay tôi sẽ làm điều đó, tôi hứa với chị.
Wulla tiếp:
- Không phải một ả lẳng lơ mà là một cô giản dị dễ thương và có tâm hồn. Những cô như vậy vẫn còn.
Murke nói:
- Tôi biết vẫn còn, và tôi cũng quen một cô như vậy.
Vậy thì được, Wulla nghĩ thế khi đi tới chỗ các cộng tác viên tự do, một người trong bọn họ kêu ba ly rượu mạnh và ba tách cà phê. Tội nghiệp mấy ông, Wulla nghĩ, nghệ thuật sẽ còn làm họ điên khùng hơn nữa. Chị dành nhiều cảm tình cho các cộng tác viên tự do và luôn có ý khuyến khích họ tiết kiệm. Vừa mới có tiền, họ đã hoang toàng rồi, chị nghĩ thế và tới quầy, lắc đầu đưa giấy đặt ba rượu mạnh và ba cà phê cho người coi quầy.
Murke uống nước táo, dập điếu thuốc hút nửa chừng vào cái gạt tàn và hoảng sợ khi nghĩ đến khoảng thời gian từ mười một giờ tới một giờ, lúc anh phải cắt rời các câu nói của Bur-Malottke và dán đúng chỗ của chúng trong hai bài thuyết trình. Ông giám đốc muốn phát các bài ấy vào phòng làm việc của mình vào lúc hai giờ. Murke nghĩ đến xà phòng mềm, đến cầu thang, những cầu thang dựng đứng và cầu trượt, anh nghĩ đến tính sinh động của ông giám đốc, đến Bur-Malottke và giật mình khi thấy Schwendling bước vào căng-tin. Schwendling mặc áo sọc đen đỏ, đi một mạch tới vòm cây, nơi Murke đang ẩn nấp. Schwendling ngân nga điệu hát thịnh hành, rất được yêu chuộng:
- Hãy nhận lấy môi em, như đóa hồng xinh đẹp... (Anh ta chưng hửng khi thấy Murke và nói) Chú kia à? Tưởng chú đang cắt cái đồ bỏ của lão Bur-Malottke rồi chớ.
Murke nói:
- Mười một giờ làm tiếp.
- Wulla, cho nửa lít bia. (Schwendling hét về phía quầy rồi nói với Murke) Nàỵ, theo lẽ chú phải được nghỉ ngoại kỳ mới đúng, cái đó chắc phải dễ sợ lắm. Lão già có kể cho tôi nghe nó như thế nào.
Murke im lặng, Schwendling nói tiếp:
- Chú biết điều mới nhất về Muckwitz chưa?
Murke lắc đầu thờ ơ nhưng cũng hỏi lấy lệ:
- Vậy ông ta thế nào?
Wulla đem bia tới, Schwendling uống một ngụm rồi làm ra vẻ quan trọng:
- Muckwitz làm phóng sự truyền thanh về thảo nguyên.
Murke cười, hỏi:
- Còn Fenn thì sao?
Schwendling nói:
- Anh ta làm phóng sự về đài nguyên.
- Còn Weggucht?
- Weggucht làm phóng sự về tôi, và sau này, tôi sẽ làm một bài về hắn, theo phương châm: Mày phóng sự về tao thì tao phóng sự lại mày...
Lúc ấy, một cộng tác viên tự do đứng phắt dậy, cường điệu hét vào căng-tin:
- Nghệ thuật - nghệ thuật - chỉ có mi mới đáng kể thôi.
Murke thụp xuống như người lính khi nghe tiếng súng cối bắn ra từ đường hào của địch. Anh uống một hớp nước táo và lại giật mình khi nghe loa phóng thanh gọi:
- Yều cầu tiến sĩ Murke tới phòng thu mười ba - yêu cầu tiến sĩ Murke tới phòng thu mười ba.
Loa phóng thanh bắc trên quầy căng-tin, ngay dưới khẩu hiệu ông giám đốc cho sơn lên tường: Kỷ luật là tất cả.
Schwendling nói:
- Thôi, chẳng làm gì được đâu, chú đi đi.
- Phải rồi, chẳng làm gì được.
Murke nói rồi đứng dậy, để tiền trả nước táo lên bàn, thu nhỏ người lại khi đi ngang qua bàn các cộng tác viên tự do. Tới thang máy liên tục, anh nhảy vào và đi lên phía trên, qua năm cái gạt tàn Schrdrschnauz. Anh thấy ảnh thánh tâm Chúa Giê-xu vẫn còn trên khung cửa của người phó đạo diễn và nghĩ thầm: “May quá, giờ ít ra có một tấm ảnh tồi trong đài phát thanh”.
Anh mở cửa vào phòng đạo diễn; thấy anh kỹ thuật ngồi một mình với bốn hộp các-tông, anh mệt mỏi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Anh kỹ thuật nói:
- Họ xong sớm hơn dự tính nên ta được thêm nửa giờ. Tôi nghĩ có lẽ anh muốn dùng nửa giờ ấy cho việc khác.
Murke bảo:
- Thật đúng thế, tôi có hẹn lúc một giờ. Vậy ta hãy bắt đầu. Bốn hộp các-tông để làm gì vậy?
- Tôi dành mỗi hộp cho một cách, đối cách ở hộp thứ nhất, hộp thứ hai dành cho thuộc cách, hộp thứ ba tặng cách, và trong hộp kia, (anh chỉ hộp các-tông bên phải phía ngoài cùng, một hộp nhỏ mang dòng chữ SÔ-CÔ-LA NGUYÊN CHẤT, và bảo) để hai hô cách, hô cách tốt bên góc phải, hô cách xấu góc trái.
- Thật tuyệt, vậy anh đã cắt rời thứ rác rưởi đó rồi.
Anh kỹ thuật bảo:
- Vâng, và nếu anh đã ghi thứ tự các trường hợp để dán thì trễ lắm một tiếng nữa, chúng ta xong. Anh ghi chưa?
- Rồi.
Murke nói rồi lấy trong túi một mảnh giấy mang số 1 tới 27, sau mỗi số có ghi cách tương ứng.
Murke ngồi xuống, đưa bao thuốc lá mời anh kỹ thuật; họ cùng hút, và anh kỹ thuật đặt vào cuộn chiếc băng thu các bài thuyết trình của Bur-Malottke đã được cắt ra làm nhiều khúc. Murke nói:
- Ở chỗ thứ nhất, ta phải dán đối cách vào.
Anh kỹ thuật thò tay vô hộp thứ nhất lấy một đoạn băng dán vào chỗ trống.
- Chỗ thứ hai, tặng cách.
Họ làm việc mau lẹ, và Murke thấy nhẹ người vì việc nhanh chóng như vậy. Anh nói:
- Bây giờ đến lượt hô cách, dĩ nhiên ta lấy cái xấu.
Anh kỹ thuật cười và dán hô cách xấu của Bur-Malottke vào băng. Anh nói:
- Tiếp theo, tiếp theo!
- Thuộc cách.
Ông giám đốc đọc thư thính giả hết sức cẩn thận. Thư ông đang đọc có lời lẽ như sau:
Đài phát thanh quý mến,
Chắc hẳn đài không có thính giả nào trung thành hơn tôi. Tôi là một bà lão, một má già bảy mươi bày tuổi, và tôi nghe đài hằng ngày từ ba mươi năm nay. Tôi không bao giờ tiếc lời khen ngợi. Có lẽ đài còn nhớ thư tôi viết về bài phát thanh: “Bảy linh hồn của nàng bò Kaweida”. Bài đó hay tuyệt - nhưng bây giờ tôi phải giận đài mới được! Sự hờ hững của đài đối với những tâm hồn chó bắt đầu gây phẫn nộ. Cái đó, đài còn gọi là chủ nghĩa nhân đạo nữa chớ. Chắc chắn Hitler có nhiều khuyết điểm. Nếu có thể tin những lời người ta nói thì ông ta thật đáng ghê tởm, nhưng ông ta được cái này: ông ta thương chó và biết lo cho chúng. Chừng nào chúng mới lại được hưởng quyền làm chó ở đài phát thanh Đức? Thế nào kia, chớ như bài truyền thanh “Như chó với mèo” mà đài phát thử thì không được: đó là một xúc phạm đối với mọi tâm hồn chó. Nếu như con Lohengrin bé nhỏ của tôi nói được, nó sẽ cho đài biết! Con vật dễ thương đã sủa giữa lúc phát cái bài dở ấy, nó đã sủa khiến tim người ta phải rộn rã [3] vì xấu hổ. Mỗi tháng, tôi trả hai mác lệ phí như các thính giả khác nên có quyền đặt câu hỏi: chừng nào chó mới lại được hưởng quyền của chúng ở đài phát thanh?
Thân ái - mặc dù tôi rất giận đài -
Jadwiga Herchen, vô nghề nghiệp
T.b. Nếu như trong những kẻ vô liêm sĩ được đài chọn làm cộng tác viên không ai có khả năng đánh giá tâm hồn chó một cách đúng đắn thì đài hãy sử dụng những bài viết thử tôi gởi kèm theo đây. Tôi không nhận thù lao. Đài có thể chuyển tiền thẳng tới Hội bảo vệ thú vật.
Đính kèm: 35 bản thảo. J. H. của đài.
Ông giám đốc thở dài. Ông ta tìm các bản thảo nhưng hiển nhiên là bà thư ký đã loại bỏ rồi. Ông giám đốc nhét thuốc lá vào ông điếu, châm lửa, liếm cặp môi đầy sức sống, nhấc ống nghe lên và yêu cầu nối đường dây với máy của Krochy. Trong phòng Tiếng nói văn hóa trên kia, Krochy có một buồng nhỏ tí với một bàn giấy nhỏ tí nhưng đẹp mắt và quản lý một phạm vi cũng nhỏ như cái bàn giấy của anh ta: Con vật trong văn hóa. Khi nghe tiếng xưng tên khiêm nhường của Krochy ở đầu dây bên kia, ông giám đốc hỏi:
- Krochy à, lần cuối ta nói về chó là lúc nào vậy?
Krochy bảo:
- Về chó à? Thưa ông giám đốc, theo tôi biết, chưa bao giờ, ít ra trong thời gian tôi làm ở đây, chưa ạ.
- Và anh làm ở đây bao lâu rồi, Krochy?
Trong phòng mình, Krochy run rẩy vì giọng nói của ông giám đốc trở nên thật êm dịu; anh biết điều ấy chẳng có gì tốt cả. Anh ta nói:
- Tới nay được mười năm, thưa ông giám đốc.
- Khỉ thật, vậy mà anh chưa nói gì về chó cả, cái đó thuộc phạm vi của anh kia mà. Bài phát thanh cuối cùng của anh gọi là gì?
- Bài phát thanh cuối cùng của tôi gọi là...
Krochy nói lắp bắp. Ông giám đốc bảo:
- Anh không cần phải lặp lại lời tôi, ta không phải trong quân đội.
- Chim cú ở tường thành.
Krochy rụt rè nói. Giọng ông giám đốc êm dịu trở lại:
- Trong vòng ba tuần tới, tôi muốn nghe một bài về tâm hồn chó.
- Xin vâng.
Krochy nghe tiếng “cách” do ông giám đốc để ống nghe xuống, anh thở dài thườn thượt:
- Chúa ơi!
Ông giám đốc vớ lấy một thư thính giả khác.
Đúng lúc đó, Bur-Malottke bước vào. Ông ta được quyền vào đây bất cứ lúc nào mà không cần báo trước, và ông ta dùng quyền ấy rất thường. Ông ta vẫn còn đổ mồ hôi, mệt nhọc ngồi xuống cái ghế đối diện với ông giám đốc và nói:
- Chào ông nhé.
- Chào ông. (Ông giám đốc để thư thính giả qua một bên) Tôi có thể giúp ông điều gì không?
Bur-Malottke bảo:
- Ông làm ơn tặng tôi một phút.
- Bur-Malottke (ông giám đốc vừa nói vừa làm một cử chỉ oai vệ và sinh động) thì cần gì phải xin một phút, ông muốn sử dụng hàng giờ, hàng ngày cũng được.
Bur-Malottke nói:
- Không, không phải một phút thông thường mà một phứt truyền thanh kia.
Lúc ấy, ông giám đốc trở nên nghiêm nghị như vị Thống đốc Ba Tư đang chia các tỉnh. Ông chua chát bảo:
- Hy vọng không phải một phút chính trị.
- Không, nửa phút địa phương và nửa phút tiêu khiển.
- Thật may mắn, tôi còn dư sáu mươi chín giây tiêu khiển và tám mươi ba giây địa phương, tôi sẵn sàng tặng Bur-Malottke một phút.
- Lòng tốt của ông khiến tôi phải xấu hổ.
Ông giám đốc hỏi:
- Tôi có thể giúp ông điều gì nữa không?
Bur-Malottke bảo:
- Tôi sẽ rất mang ơn ông, nếu ta có dịp bắt tay vào việc sửa tất cả những băng tôi nói từ 1945 tới nay. Một ngày kia, (ông ta xoa trán và buồn bã nhìn bức Brüller chính cống treo trên bàn viết của ông giám đốc) một ngày kia, tôi sẽ... (ông ta ngập ngừng, vì điều sắp báo cho ông giám đốc biết sẽ làm hậu thế hết sức đau lòng) một ngày kia, tôi sẽ - tôi sẽ mất - (và ông ta lại ngừng một lúc để ông giám đốc có cơ hội tỏ vẻ kinh ngạc và xua tay chống lại ý nghĩ ấy) và tôi sẽ không chịu nổi khi nghĩ rằng sau khi mất, người ta có thể phát những băng trong đó tôi nói những điều mình không tin tưởng nữa. Nhất là giữa cái sôi nổi của năm 1945, tôi đã để cho mình bị lôi cuốn nên có những phát biểu chính trị khiến tôi bây giờ hết sức băn khoăn, và tôi chỉ có thể giải thích chúng bằng sự bồng bột của tuổi trẻ đã đậm nét trong tác phẩm của tôi tự thuở nào. Các bài viết đang được sửa chữa, tôi mong ông sớm tạo cơ hội cho tôi sứa lại các bài đọc của mình.
Ông giám đốc im lặng, khẽ ho húng hắng, trán lấm tấm những giọt mồ hôi trong suốt. Ông sực nhớ là từ 1945 đến nay, mỗi tháng Bur-Malottke nói ít nhất một giờ, và ông ta tính nhanh trong khi Bur-Malottke tiếp tục nói: mười hai lần mười là một trăm hai mươi giờ Bur-Malottke đã nói. Bur Malottke bảo:
- Chỉ những đầu óc tối tăm mới cho là tính tiểu kỹ không xứng đáng với thiên tài, và chúng ta biết rằng (ông giám đốc cảm thấy được mon trớn vì chữ “chúng ta” đã liệt ông ta vào hạng đầu óc sáng suốt) những thiên tài thật sự là những người tiểu kỹ. Himmelsheim đã bỏ tiền riêng để đóng lại cả một đợt phát hành cuốn Seelon, chỉ vì ông ta cảm thấy ba bốn câu trong tác phẩm đó không thích hợp nữa. Khi nghĩ đến việc những bài thuyết trình tôi không tin là đúng nữa có thể được phát khi mình đã từ trần, ý nghĩ ấy tôi không chịu được. Ông có đề nghị nào để giải quyết vấn đề này không?
Những giọt mồ hôi trên trán ông giám đốc lúc ấy đã lớn hơn. Ông ta nói nhỏ:
- Trước hết, phải làm bản kê tất cả những bài thuyết trình của ông rồi kiểm xem còn đủ những băng ấy ở phòng lưu trữ hay không.
Bur-Malottke nói:
- Hy vọng người ta không xóa băng nào mà không báo cho tôi biết. Người ta đã không báo gì cho tôi, vậy thì không có băng nào bị xóa cả.
Ông giám đốc nói:
- Tôi sẽ bảo họ làm mọi việc cần thiết.
- Tôi yêu cầu điều ấy.
Bur-Malottke nói giọng châm chọc rồi đứng dậy:
- Chào ông.
- Chào ông.
Ông giám đốc đưa Bur-Malottke ra cửa.
Ở căng-tin, các cộng tác viên tự do quyết định đặt bữa ăn trưa. Họ đã uống nhiều rượu mạnh và vẫn tiếp tục nói chuyện nghệ thuật, điềm tĩnh hơn nhưng không kém phần đam mê. Bọn họ giật mình sợ sệt khi thấy Wanderburn. Wanderburn là một thi sĩ vóc người to lớn với dáng vẻ ưu sầu, với mái tóc đen, gương mặt dễ có cảm tình và hơi hằn nét vinh quang. Hôm ấy, ông ta không cạo râu nên càng dễ có cảm tình hơn nữa. Ông ta tới bàn các cộng tác viên tự do và bảo họ:
- Các con cho ba uống cái gì đi. Trong nhà này, tôi luôn luôn có cảm tưởng sắp chết khát.
Họ đưa ông ta ly rượu mạnh chưa ai uống và phần còn lại của một chai nước khoáng. Wanderburn uống, để ly xuống, lần lượt nhìn ba anh kia rồi nói:
- Tôi cảnh báo các anh, phải đề phòng cái đài bẩn thỉu này - cái thùng cứt thủng, láng bóng và trơn như lươn này. Nó sẽ làm chúng ta hỏng cả.
Lời cảnh báo của ông ta rất thật tình và gây ấn tượng tốt cho các anh trẻ tuổi; nhưng các anh đâu có biết ông ta mới từ phòng thu ngân ra, sau khi nhận số tiền thù lao to lớn cho việc cải biên sơ sài cuốn thánh kinh Job. Ông ta nói:
- Họ chặt chúng ta ra từng khúc, rút hết sinh lực của chúng ta rồi dán chúng ta lại, và không ai trong chúng ta có thể chịu nổi cả.
Ông ta uống hết nước khoáng, để ly xuống bàn rồi bước ra cửa, chiếc áo khoác phất phơ một cách ưu sầu.
Đúng mười hai giờ, Murke xong việc dán băng. Họ vừa dán xong khúc băng cuối cùng, một tặng cách, Murke đã đứng dậy. Anh nắm chốt cửa định mở thì anh kỹ thuật bảo:
- Một lương tâm nhạy cảm và tốn kém như vậy, tôi cũng mong được có. Ta làm gì với nó đây?
Anh ta chỉ hộp thuốc lá nằm trên kệ, giữa những hộp các-tông đựng băng mới. Murke nói:
- Anh cứ để nó ở đó.
- Chi vậy?
- Có lẽ mình còn cần.
- Anh cho là có thể ông ta lại bị lương tâm cắn rứt nữa à?
Murke bảo:
- Biết đâu. Tốt hơn, ta đợi xem sao. Thôi chào anh.
Anh ra thang máy liên tục phía trước, đi xuống tầng hai, và lần đầu tiên trong ngày, anh vào phòng mình. Bà thư ký đã đi ăn, Humkoke, xếp của Murke, đang ngồi đọc sách cạnh máy điện thoại. Ông cười với Murke, đứng dậy bảo:
- À ra anh vẫn còn sống. Có phải sách của anh đây không? Anh để nó trên bàn viết vậy à?
Cuốn sách có áo bìa màu lục - xám - cam, mang đề tựa Kênh thơ trữ tình của Batley; sách nói về một thi sĩ Anh trẻ tuổi đã lập danh mục tiếng lóng Luân Đôn cách đây một trăm năm. Murke nói:
- Sách đó tuyệt hay.
Humkoke bảo:
- Đúng, nó tuyệt hay, còn anh thì chẳng bao giờ khôn cả.
Murke nhìn ông tỏ ý hỏi.
- Anh chẳng bao giờ biết là những cuốn sách tuyệt hay không được để khơi khơi trên bàn như vậy, nếu như Wanderburn có thể đến, và Wanderburn có thể đến bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên ông ta sẽ thấy nó ngay, sẽ mở ra đọc năm phút, và hậu quả là gì, anh biết không?
Murke im lặng. Humkoke tiếp:
- Hậu quả là hai bài truyền thanh dài một tiếng về Kênh thơ trữ tình của Batley. Thằng đó một ngày nào còn dám đem cả bà của mình ra làm phóng sự nữa là. Nhưng khổ nỗi, bà của hắn lại cũng là bà tôi. Murke này, anh phải ghi nhớ: không bao giờ để những sách tuyệt hay trên bàn, nếu như Wanderburn có thể đến, và tôi lặp lại: hắn có thể đến bất cứ lúc nào. - Thôi, anh về đi, chiều nay anh được nghỉ, và chắc chắn anh đáng được nghỉ. À, cái đồ tồi đó đã xong chưa? Và anh có nghe lại lần nữa không?
Murke nói:
- Cháu xong cả rồi nhưng việc nghe lại các bài thuyết trình thêm một lần nữa, cháu không thể làm được, không cách nào được.
- Không cách nào được là cách nói rất trẻ con.
- Nếu hôm nay phải nghe chữ nghệ thuật lần nữa, cháu sẽ bị cuồng loạn.
- Anh đã bị rồi, và tôi công nhận anh có lý do để bị cuồng loạn. Ba giờ Bur-Malottke đủ để vật ngã kẻ mạnh nhất, còn anh thì chưa được gọi là mạnh nữa kia.
Humkoke ném cuốn sách xuống bàn, bước một bước về phía Murke rồi tiếp:
- Lúc vào tuổi anh, có lần tôi phải cắt bỏ ba phút một bài diễn văn của Hitler. Lúc khởi sự nghe băng lần đầu, tôi là đảng viên đảng Quốc xã, nhưng khi nghe xong bài diễn văn lần thứ ba, tôi không còn là đảng viên nữa: Đó là cách điều trị mạnh bạo, ghê rợn nhưng rất công hiệu.
Murke nói nhỏ:
- Chú quên rằng cháu còn được Bur-Malottke chữa lành bệnh trước khi nghe băng ông ta nữa kia.
Humkoke cười:
- Anh đúng là ác thú. Thôi anh về đi, ông giám đốc sẽ nghe băng lại lúc hai giờ. Nhưng người ta phải kiếm ra anh nếu có việc gì.
- Từ hai tới ba giờ, cháu ở nhà.
- Còn cái này nữa, (Humkoke vớ lấy hộp bánh vàng để trên cái kệ gần bàn giấy của Murke) những khúc băng gì trong hộp vậy?
Murke đỏ mặt nói:
- Đó là... cháu sưu tầm một loại băng thừa nhất định.
- Loại băng thừa nào?
Humkoke hỏi. Murke trả lời:
- Im lặng. Cháu sưu tầm sự im lặng.
Humkoke nhìn Murke tỏ ý hỏi, anh tiếp:
- Khi cháu phải cắt những chỗ người ta nghỉ nói - cả những tiếng thở dài, hơi thở, sự im lặng tuyệt đối - Cháu không bỏ vào thùng rác mà giữ chúng lại. Tuy nhiên, các băng của Bur-Malottke không cho được tới một giây im lặng.
Humkoke cười:
- Dĩ nhiên, ông ta thì sao có thể im lặng được. Rồi anh làm gì với những khúc băng ấy?
- Cháu dán chúng liền với nhau rồi tối ở nhà, cháu cho băng chạy. Cháu chưa có nhiều, mới ba phút thôi - chỉ vì người ta ít khi im lặng.
- Tôi phải lưu ý anh là không được phép đem những khúc băng về nhà.
Murke hỏi:
- Kể cả sự im lặng hay sao?
Humkoke cười, bảo:
- Thôi, anh về đi.
Và Murke ra về.
Lúc hai giờ mấy phút, ông giám đốc vào stu-đi-ô của mình thì bài thuyết trình của Bur-Malottke vừa mới được phát:
... và bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, bằng bất cứ cách nào và vì bất cứ lý do gì, chúng ta bắt đầu chuyện nghệ thuật, thì trước hết chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình trước đấng cao cả mà chúng ta tôn kính và phải tiếp nhận nghệ thuật như quà tặng của đấng cao cả mà chúng ta tôn kính. Nghệ thuật...
Không, tôi không thể đòi hỏi ai nghe một trăm hai mươi giờ Bur-Malottke được. Không, ông ta nghĩ, có những điều không thể làm được, những điều mà cả khi giao cho Murke, tôi cũng không thích thú chút nào. Ông ta trở về phòng làm việc, bật loa phóng thanh đúng lúc Bur-Malottke nói: “Hỡi đấng cao cả mà chúng con tôn kính...” Không, ông giám đốc nghĩ, không thể nào.
Ở nhà, Murke nằm dài trên đi-văng hút thuốc. Trên cái ghế gần bàn có để tách trà, và Murke nhìn lên trần nhà sơn trắng. Một cô gái tóc vàng đẹp như tranh đăm đăm nhìn ra đường qua khung cửa sổ. Giữa Murke và cô gái, trên bàn để đồ hút là một máy ghi âm đang thu. Không một lời nói, không một tiếng động. Người ta có thể tưởng cô gái là người mẫu chụp ảnh, cô đẹp và im lặng đến thế. Cô bất chợt nói:
- Em không chịu nổi nữa, em hết chịu nổi. Việc anh đòi hỏi ở em thật vô nhân đạo. Nhiều đàn ông đòi hỏi những điều vô luân ở một cô gái, nhưng em sắp nghĩ là điều anh đòi hỏi ở em còn vô luân hơn nữa.
Murke thở dài nói:
- Trời ơi, Rita ạ, cái đó anh phải cắt bỏ hết. Em hãy biết điều, hãy dễ thương và im lặng vào băng dùm anh ít nhất năm phút.
- Im lặng vào! (Cô gái nói, và cô nói điều đó một cách mà ba mươi năm trước, có lẽ người ta gọi là “gắt gỏng”) Im lặng vào là phát minh của anh. Em thích có lần được nói vào băng - nhưng im lặng vào...
Murke đứng dậy tắt máy ghi âm:
- Rita à, phải chi em hiểu được là đối với anh, sự im lặng của em quý biết chừng nào. Mỗi tối, khi anh mệt, khi anh phải ngồi ở đây, anh sẽ cho máy phát sự im lặng của em. Hãy dễ thương và im lặng vào băng dùm anh ít nhất năm phút nữa và đừng để anh phải cắt băng. Em biết việc cắt xén đối với anh khó như thế nào.
Cô gái bảo:
- Được, nhưng ít ra cho em xin điếu xì-gà.
Murke mỉm cười, đưa điếu xì-gà cho cô gái và nói:
- Như vậy, anh sẽ được sự im lặng của em cả trong bản thật lẫn bản thu băng tuyệt lắm.
Anh lại cho băng chạy, hai người im lặng ngồi đối diện nhau cho tới khi điện thoại reo. Murke đứng dậy, nhún vai tỏ vẻ ngạc nhiên và nhấc ống nghe lên.
- A-lô. (Humkoke nói) Các bài thuyết trình đều qua trót lọt, xếp không nói gì xấu cả... Bây giờ anh có thể đi xi-nê. - Và nhớ nghĩ đến tuyết.
- Tuyết gì hở chú?
Murke hỏi, vừa nhìn ra ngoài: đường phố đang chói chang nắng hạ. Humkoke nói:
- Trời ơi. Anh biết mà, ngay bây giờ, ta phải nghĩ đến chương trình mùa đông. Tôi cần những bài ca ngợi tuyết, những truyện kể về tuyết. Ta không thể dẫm chân mãi ở Schubert [4] và Stifter [5]. Hình như không ai đoán được là ta thiếu những bài hát, những truyện kể về tuyết như thế nào. Anh thử tưởng tượng xem, nếu mùa đông sắp tới dai dẳng, khắc nghiệt, đầy tuyết và băng giá: ta lấy đâu ra những bài về tuyết? Vậy anh hãy nghĩ ra tất cả những gì có chất tuyết nhé.
Murke nói:
- Dạ, cháu sẽ cố gắng.
Lúc ấy, Humkoke đã để máy xuống. Murke bảo cô gái:
- Em à, giờ ta có thể đi xi-nê.
Trong thời gian ấy, phó đạo diễn phòng Kịch truyền thanh đang nghe lại vở kịch phải phát tối nay. Anh ta thấy hay, chỉ không hài lòng về đoạn kết. Anh ta ngồi cạnh anh kỹ thuật ở buồng đạo diễn của phòng thu mười ba, vừa nhai một diêm quẹt vừa chăm chú đọc bản thảo.
(Âm hưởng trong một nhà thờ lớn trống trải)
Kẻ vô thần: (nói lớn và rõ ràng) Ai còn nghĩ đến tôi, khi tôi đã làm mồi cho loài giun dế?
(Im lặng)
Kẻ vô thần: (nói lớn hơn một chút) Ai chờ đợi tôi, khi tôi đã ra cát bụi?
(Im lặng)
Kẻ vô thần: (lớn hơn nữa) Và ai còn nghĩ đến tôi, lúc tôi đã thành cây cỏ?
(Im lặng)
Kẻ vô thần hét mười hai câu hỏi như thế vào nhà thờ, và sau mỗi câu là:? (Im lặng).
Anh phó đạo diễn lấy diêm quẹt đã nhai nát ra, đút cái mới vào miệng rồi đưa mắt hỏi anh kỹ thuật. Anh này bảo:
- Vâng, nếu anh hỏi tôi: tôi thấy im lặng hơi nhiều.
Anh phó đạo diễn nói:
- Tôi cũng vậy. Chính tác giả cũng thấy điều đó nên giao cho tôi sửa lại. Theo ông ta, chỉ cần tiếng gọi “Chúa” - nhưng phải là tiếng không có âm hưởng của nhà thờ, hay cũng có thể nói, nó phải ở trong một khoảng âm hưởng khác. Nhưng anh thử nghĩ xem, tôi lấy tiếng đó ở đâu bây giờ?
Anh kỹ thuật mỉm cười, vớ lấy hộp thuốc lá vẫn còn nằm trên kệ, bảo:
- Đây, đây là tiếng gọi “Chúa” trong một khoảng vô âm hưởng.
Người đạo diễn phụ nuốt trửng diêm quẹt vì ngạc nhiên, mắc nghẹn ở cổ nhưng rồi cũng đưa nó ra miệng trở lại được. Anh kỹ thuật mỉm cười nói:
- Cái đó chẳng có gì khó. Chúng tôi phải cắt nó ra từ một bài thuyết trình, cả thảy hai mươi bảy lần.
Người đạo diễn phụ bảo:
- Tôi không cần nhiều như vậy, chỉ mười hai lần thôi.
- Việc cắt bỏ sự im lặng và dán mười hai lần Chúa vào dĩ nhiên rất dễ dàng - nếu như anh chịu trách nhiệm.
- Anh là một thiên thần. Và tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc đó. Nào, ta hãy bắt đầu. (Người đạo diễn phụ sung sướng nhìn những khúc băng nhỏ đen đen trong hộp thuốc lá của Murke rồi tiếp) Anh đúng là một thiên thần. Thôi ta khởi sự đi!
Anh kỹ thuật vui vẻ khi nghĩ tới những khúc băng im lặng anh có thể tặng cho Murke: Im lặng nhiều, cả thảy gần một phút; chưa bao giờ anh tặng Murke nhiều im lặng như vậy, và anh thích người thanh niên ấy. Anh mỉm cười:
- Tốt, ta bắt đầu.
Anh phó đạo diễn thọc tay vào túi áo gi-lê lấy bao thuốc lá nhưng cùng lúc nắm phải một mảnh giấy nhỏ vò nát; anh ta vuốt nó thẳng thớm rồi đưa cho anh kỹ thuật xem:
- Những vật tồi như thế lại tìm thấy ở đài phát thanh, buồn cười không? Tôi thấy nó trước cửa phòng mình.
Anh kỹ thuật ngắm nhìn tấm ảnh, bảo:
- Vâng, thật buồn cười. (Rồi anh đọc lớn dòng chữ phía dưới): Tôi cầu nguyện cho bạn ở nhà thờ thánh Jacob.
Chú thích:
[1] Thang máy gồm một chuỗi buồng kế tiếp nhau xếp thành hai hàng song song, một bên lên và một bên xuống liên tục. Buồng không có cửa nên khi tới ngang thềm một tầng nhà, người ta có thể bước ngay vào để lên trên hoặc xuống dưới.
[2] Trong tiếng Đức, danh từ và tính từ biến đổi ít nhiều theo các cách, cũng như động từ biến đổi theo các thời. Nhóm chữ “Jenes höhere Wesen, das wir verehren” (đấng cao cả mà chúng ta tôn kính) không thay đổi ở danh cách và đối cách, nhưng trở thành “jenes höheren Wesen,...” ở thuộc cách, “jenem höheren Wesen,...” ở tặng cách, “o du höheres Wesen,...” (hô cách). Trong khi đo, từ “Gott” (Chúa) không biến đổi theo các cách, ngoại trừ thuộc cách: Gottes.
[3] Ở đây, có lẽ tác giả cố tình để bà lão dùng sai chữ.
[4] Franz Schubert (1797- 1828): nhà soạn nhạc người Áo thuộc phái lãng mạn. Ông mất sớm trong sự nghèo khó bệnh tật, để lại một di sản nghệ thuật to lớn và đa diện.
[5] Adalbert Stifter (1805- 1868): nhà thơ và họa sĩ.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau
Nguồn: VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 8 năm 2015

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
Truyện Cùng Tác Giả Đêm Thánh Vô Cùng Người Ở Đâu Về Như cơn mộng dữ