Phiên dịch: Lý Quốc Sỉnh
Chương II

      nghe thấy một giọng nói “Bressen - Bressen, nhìn tôi đây” và y biết rằng đó là giọng của Kleewitz, ông y sĩ trưởng sư đoàn được phái tới chắc là để hỏi về việc hắn trở về, nhưng y nhất định không ngoảnh lại, không muốn nghe nói gì đến cái trung đoàn đó, và y không nhìn Kleewitz. Y cứ khăng khăng chú mục vào bức tranh treo ở hẳn về phía tay phải y, gần như trong bóng tối của góc tường: một đàn cừu, vẽ màu xám và màu lục ở giữa có một người chăn chiên quần áo lông xanh đang thổi sáo.
Y đang nghĩ tới những cái mà không ai ngờ được và y vui thích mà nghĩ tới tuy rằng những cái đó xấu lắm. Y không biết y có nghe thấy tiếng Kleewitz không, hiển nhiên là y nghe thấy, nhưng y không chịu nhận và cứ chứ mục vào người chăn cừa thổi sáo, thay vì ngoảnh đầu lại nói: “Ông Kleewitz đấy à, ông đến đây thật là tử tế quá!”
Thế rồi, nghe thấy tiếng lật hồ sơ, y đoán là người ta đang xét trường hợp của y. Y dán mắt vào gáy người chăn cừu, và nhớ lại là trước kia y đã từng một thời gian, làm đầu bếp trong một khách sạn thượng hạng. Vào giờ điểm tâm, khi các ông ấy vào, y bước đi trong phòng ăn, thẳng người, nghiêng mình bên phải, nghiêng mình bên trái, và ngạc nhiên là thấy mau lẹ và chính xác làm sao. Y biết giữ đúng các mức độ phải cúi chào, cúi ngắn, cúi dài, khẽ gật đầu thôi, gật đầu cũng biến hóa vô cùng, có khi chỉ là một cái gật đầu nhẹ, nó thực ra không phải là cúi chào mà là một cái nháy mắt. Tất cả cái đó không khó khăn gì với y, cũng như các cấp bậc trong quân đội, cả một chuỗi ngù vai có dây tết, hoặc trơn, có ngôi sao hoặc không có ngôi sao, đi kèm cầu vai, nhiều hay ít biểu chương. Vả lại, cấp bực các cái chào tương đối cũng giản dị. Vì nó căn cứ vào túi tiền, vào con số tính tiền.
Không phải là y đã tỏ ra đặc biệt đáng yêu: ít khi mỉm cười, bộ mặt y, ngay cả khi cố làm ra hết sức bình thản, vẫn luôn luôn giữ một vẻ cứng cỏi và tất cả những người bị y nhìn đều cảm thấy trong lòng tràn ngập không phải một niềm kính nể y mà là một cảm giác có lỗi lầm; tất cả mọi người đều biết là bị y quan sát, đánh giá và chẳng bao lâu y khám phá ra rằng có loại khách ăn, vì bị bối rối trước mặt y, mà cắm đầu vào cắt khoai tây ăn lia lịa, hoặc sợ sệt nắn ví tiền khi đã đi khỏi. Mà y lấy làm lạ là đều trở lại nữa, ngay cả loại sau ấy. Họ trở lại, chịu đựng cái gật đầu và con mắt soi mói, như là ưu điểm của các hiệu ăn sang. Còn về phần y chẳng bao lâu mặt y cũng mang một vẻ sang trọng, y học được nghệ thuật bận áo dài và, ngoài việc ăn lương cao, còn được hưởng những bữa ăn không mất tiền nữa.
Tuy nhiên, mặc dù cố gắng cách nào để lấy một điệu bộ ngạo mạn, cũng có lúc y thấy rất là bối rối. Có những ngày y cảm thấy mồ hôi y đọng trên làn da và đổ ra từng đám. Hơn nữa, chủ quán lại là một anh chàng quê mùa; cũng tốt đấy, nhưng kiêu ngạo vì đã thành công và, vào lúc đêm khuya, khi quán ăn bắt đầu vơi khách và Bressen toan về, thì thường có tật thò những ngón tay chuối mắn vào trong hộp xì gà và đút vào túi áo y ba bốn điếu, mặc dù y chối đây đẩy. Ông chủ quán lắp bắp, gượng mỉm cười mà nói: “Trời ơi! Cứ giữ lấy mà; xì gà ngon đấy!” Y nghiện xì gà, đêm về cùng hút với Veiten, là người ở chung nhà với y, và Veiten cứ trầm trồ khen là xì gà ngon quá. Veiten bảo: “Bressen, Bressen, sao mày hút thuốc ngon quá trời vậy mày”. Y lặng yên không trả lời và thẳng thắn để cho Veiten mời y một chai rượu ngon. Gã Veiten này làm đại lý cho một lò nấu rượu, và dạo nào làm ăn được thì gã thường đem về một chai sâm banh.
- Sâm banh! Sâm banh ngâm đá nhé!
Bressen lớn tiếng nói vậy. Ông y sĩ trạm cứu thương đứng bên cạnh y, giải thích:
- Đấy, ông ta chỉ nói có thế thôi.
Kleewitz vắn tắt hỏi:
- Ông nói về ông đại tá đây hả?
- Thưa vâng, tôi nói chuyện ông đại tá Bressen đây, thỉnh thoảng ông ta chỉ nói có mấy tiếng ây: “Sâm banh! Sâm banh ngâm đá nhé!” Thế rồi, đôi khi, ông đại tá lại đòi gái, đòi em bé.
Y đã ghét lệ phải ăn cơm tại ngay khách sạn ấy, ở trong một căn buồng sau hơi bẩn, trên một tấm khăn bàn vải đã sờn, cơm do một mụ bếp cạu cọ, mũi, mồm, cổ, đầy hơi bếp, hơi mỡ lộn mửa, và mụ chẳng hề để ý gì tới tính thích ăn bánh bông lan của y, lại còn bị quấy rầy vì ông chủ quán cứ lui tới luôn luôn, đến ngồi bên y, ngồi bệt xuống đó một lúc, mồm ngậm điếu xì gà, rót ly rượu mà lẳng lặng uống từng hớp.
Sau đó, y mở lớp dạy phép lịch sự. Thành phố đó cũng thuận lợi cho ngành học này lắm. Ở đó có nhiều nhà giàu xụ không hề biết rằng cách ăn cá khác cách ăn thịt, cả đời vẫn ăn bốc, nay có vợ đẹp xe hơi nhà lầu rồi muốn trút lốt. Y dạy họ lề lối xã giao; y đến tận nhà, thảo luận về món ăn, về cách đối xử với đầy tớ thế nào cho phải phép, và đến tối, y ăn cơm với họ: lúc ấy, y đi vào chi tiết từng động tác một, tỉ mỉ quan sát họ, bắt bẻ họ, biểu diễn cho họ thấy rằng họ có thể tự mở lấy một chai sâm banh được.
Y nói to:
- Sâm banh! Sâm banh ngâm đá nhé!
Kleewitz kêu lên:
- Trời ơi! Nhìn tôi đây, Bressen!
Nhưng Bressen không có ý định nhìn Kleewitz, y không muốn biết gì nữa về cái trung đoàn ấy, tan rã trong tay hắn như bột; Cứt chó, Bắn sẻ, đường phèn, chỉ huy bởi một bộ tham mưu bí danh là lều tranh, thôi những cái đó, bỏ! Một lát sau, Kleewitz đã đi rồi.
Bấy giờ Bressen có thể rời mắt khỏi đàn cừu với tên chăn cừu ngớ ngẩn; bức tranh, treo hơi quá về phía tay phải một chút, bắt đầu làm y sái cổ. Một bức tranh nữa treo gần ngay thẳng trước mặt y và y đành ngắm nó vậy, mặc dù y cũng chẳng ưa gì nó hơn bức kia: bức tranh vẽ Thái tử Michael đang hỏi chuyện một nông dân Lỗ Ma Ni, bên cạnh có Thống chế Antonescu và Hoàng hậu. Thái độ của người nông dân nom bực mình lạ: chân chụm quá, như dính vào nhau, người như xô về phía trước, sẵn sàng quăng món quà hắn cầm trong tay xuống dưới chân Thái tử. Món quà ấy, người ta không nhận rõ ra lắm; chắc là muối và bánh mì hoặc phô mát sữa dê. Dù là gì nữa thì vị thiếu quân cũng mỉm cười với gã nông phu tất cả trong tranh, Bressen không còn trông thấy từ lâu rồi; nhưng hắn hài lòng là có một điểm để chú mục vào mà không sợ bị sái cổ.
Trong các bài học y dạy, cái điều làm y sửng sốt, cái điều mà từ trước đến giờ y vẫn không biết và không chịu chấp nhận, đó là y nghĩ rằng đây mà có cái phải dạy rằng người ta có thể học làm bộ tịch với con dao và cái nĩa. Nhiều phen y ngẩn người ra mà thấy rằng, sau ba tháng, bọn ngợm ấy với vợ họ đối với y có vẻ lễ phép, như người ta thường giữ lễ với một ông thầy giỏi, tuy giỏi trong phạm vi nào đó thôi: họ trao cho y một tấm chi phiếu đồng thời với một nụ cười niềm nở. Cũng phải nói là có những kẻ không bao giờ tập được, tay họ vụng quá, họ không bao giờ gọt nổi lớp ngoài phô mát mà không vần cả miếng trong tay, cũng không biết cầm chân ly rượu cho đúng kiểu. Còn một hạng thứ ba nữa không thành công nhưng cũng chẳng cần, và sau rốt là còn bọn y có nghe nói tới nhưng không hề giao thiệp, mà họ cũng cho là chẳng cần phải học y.
Hồi ấy, cái thú nhất là y thỉnh thoảng có dịp giăng nhện với vợ bọn học làm sang ấy; những cuộc tình duyên ngắn ngủi, không có gì làm y thất vọng, nhưng hình như làm cho các bà hơi gớm. Hồi ấy y lăng nhăng với đủ mọi hạng đàn bà, nhưng không một người nào sau đó lại tìm y nữa, hoặc ngủ với y tuy rằng y vẫn mời họ uống sâm banh luôn.
- Sâm banh! Sâm banh ngâm đá nhé!
Dù có một mình, y cũng nhắc lại mấy tiếng đó như thế tốt hơn. Rồi y nghĩ đến chiến tranh, đến cục diện chiến tranh diễn tiến, nhưng y không có thì giờ nghĩ đến lâu, vì lại có hai người nữa bước vào. Y chú mục nhìn cái khối tròn khó hiểu mà gã nông dân Lỗ dâng lên vua Michael, và một giây sau, y thấy giữa khoảng mặt y và bức tranh xen vào bàn tay hồng hào của ông y sĩ trưởng, nghiêng mình trên chỗ y nằm để gỡ bảng ghi nhiệt độ. Bressen gọi to:
- Sâm banh! Sâm banh ngâm đá nhé!
Ông y sĩ trưởng ôn tồn nói:
- Ông Bressen, ông Bressen này!
Rồi, im lặng một lát, ông ta bảo với ông y sĩ khác ở bên cạnh ông:
- Phải đưa về Viện bằng chuyến xe tản thương; sư đoàn rất tiếc là phải bỏ đại tá Bressen, nhưng...
Ông y sĩ trưởng trạm trả lời: “Dạ, được”.
Rồi Bressen không nghe thấy gì nữa, nhưng chắc hai người vẫn ở cạnh y, vì cửa phòng vẫn mở. Lại thấy tiếng giở hồ sơ, người ta xem lại tướng mạo quân vụ của y. Không ai nói gì cả.
Sau hồi đó, người ta bỗng nảy ra ý kiến là chắc y có thể dạy được những điều mà có dạy cũng không phải là phi lý: quân kỷ mới; y đã biết rõ rồi vì vẫn nhận được đều đều. Y bèn phụ trách các khóa giảng cho đội Mũ thép và Tổ chức thanh niên trong khu và y nhớ lại, việc bổ nhiệm vào một chức vụ vinh hàm ấy phù hợp với lúc y nhận ra trong người y một thói ưa của ngọt vô độ, trong khi tính trăng hoa cũng giảm đi. Suy đi tính lại, đối với y, có được một con ngựa cũng là điều hay - chỉ phải cái tối đi nằm người đau như dần - bởi vì sáng sớm những ngày tập quân sự, y có thể đi ra ngoài cánh đồng, thảo luận với thuộc cấp, xem xét kỹ chương trình trong ngày ấy, và nhất là có dịp biết rõ mọi người như y chưa từng biết hồi còn hiện dịch: các cựu chiến binh của cuộc chiến trước, hoặc bọn thanh niên vừa thực tế vừa ngây thơ lạ lùng, bọn này có lúc dám cãi lại cả y. Điều phiền cho y là một chút sờm sỡ khiến y không thể dẫn đầu bộ đội mỗi khi bọn đó cưỡi ngựa về thành. Nhưng trong lúc tập, mọi sự cũng như xưa: chiến thuật ở cấp tiểu đoàn y thuộc kỹ, và không có điều gì phải chê trách những chỉ thị mới vì nó đã biết rút tỉa kinh nghiệm chiến trường mà không tìm cách làm đảo lộn tất cả. Các bài, mà y cho thực tập không biết chán và y cho là quan trọng đặc biệt, là thao diễn hành quân, đứng nghiêm chào, đổi hướng tuyệt đối chính xác. Cái ngày mà y thấy là khá nguy hiểm ngay trong thời bình với các bộ đội đã huấn luyện kỹ: đó là các cuộc thao diễn cấp tiểu đoàn.
Vả lại, ít lâu sau, sự sàm sỡ cũng biến mất, rồi có luyện tập hằng ngày và, một ngày kia, khi y thấy mình chỉ huy thực sự một tiểu đoàn thì y cũng chẳng thấy có gì khác.
Vào giờ này không biết y có trở mình thực không, hay là động tác ấy đã là một trong những động tác mà y không kiểm soát nổi nữa? Ngay lúc đó y cũng không dám quyết, nhưng hiển nhiên là y có trở mình, và y thấy buồn lòng là lại có thể có gì xảy ra cho y mà y không ý thức được: y cảm thấy người ta lật y lại. Họ nâng y lên, cẩn thận xoay người y ra khỏi giường, đặt vào một cái cáng trước mặt. Thoạt tiên, đầu y ngả ra đằng sau và y nhìn chăm chú cái trần nhà trong giây lát, rồi người ta luồng vào dưới đầu y một cái gối và, mắt y đặt đúng ngay vào bức tranh thứ ba treo trong phòng. Bức tranh treo gần cửa ra vào, y chưa hề để ý tới nó trước đây và, lúc đầu, y cũng hài lòng là có thể chú mục vào nó để tránh nhìn hai viên y sĩ ở hai bên. Chắc là ông y sĩ trưởng sư đoàn đã đi khỏi rồi. Ông y sĩ trạm cứu thương đang nói chuyện với một ông y sĩ khác mà y chưa gặp bao giờ; ông y sĩ trưởng trạm, người béo, lùn đọc cho ông kia nghe một đoạn hồ sơ của y và đang giải thích điều gì đó. Bressen không hiểu họ nói gì, không phải là vì y nghễnh ngãng y cũng khá băn khoăn là chưa đến nỗi thế, nhưng chỉ vì họ đứng xa quá mà lại nói thầm. Trong hành lang, y nghe thấy hết, tiếng gọi nhau, tiếng thương binh kêu la, và tiếng máy nổ ở bên ngoài. Y nhận thấy cái lưng của anh khiêng cáng phía trước và nghe anh khiêng ở đằng sau nói:
- Thế nào, đi chứ?
Anh phu khiêng phía trước nói với ông y sĩ trưởng trạm:
- Còn hành lý, thưa Thiếu tá, còn phải có ai mang hành lý nữa chứ.
- Đi tìm vài người nữa.
Hai anh khiêng cáng biến mất vào hành lang. Bressen cái đầu bất động, nhìn kỹ bức tranh thứ ba; gạt đầu hai ông y sĩ ra hai bên. Nhưng bức tranh này đến đây làm cái gì? Y không biết tòa nhà này là một ngôi trường học, hay một nhà tu kín, nhưng có điều mới lạ cho y là ở Lỗ Ma Ni mà lại có người Công giáo. Ở Đức quốc thì có, y đã nghe thầy nói đến, nhưng mà ở Lỗ Ma Ni mới lạ chứ! Vậy mà, hình Đức mẹ Đồng trinh Maria treo ngay kia. Bị bó buộc phải nhìn bức hình ấy, hẳn thấy khó chịu, nhưng không làm sao được. Y bắt buộc phải ngắm bức hình kia người đàn bà bận tấm áo khoác màu thiên thanh kia với một bộ mặt nghiêm trang lạ lùng; lửng lơ trên quả địa cầu, bà ngước mắt nhìn một bầu trời đầy mây trắng toát và bà cầm một chuỗi hạt bằng gỗ nâu, quấn vào tay. Y khẽ lắc đầu, tự nghĩ: “Khả ố”, và bỗng nhận ra rằng các viên y sĩ đã nhìn thấy y. Họ nhìn y trước, rồi theo ánh mắt y mà nhìn bức tranh, rồi từ từ tiến gần y. Thật khó mà len nổi mắt qua hai khuôn mặt ấy, qua bốn con mắt nhìn thẳng vào y ấy, để mà chú mục vào bức tranh khả ố vẽ Thánh nữ Mari. Y tìm cách chuyển hướng ý nghĩ, lôi nó về những năm mà vừa lúc nãy đây nó còn la cà ngừng lại, những năm tháng dệt bằng những sự việc làm nên vũ trụ của y, và trong ý thức suy nhược của y bây giờ, đang dần dần sống lại, nào là giao thiệp với các sĩ quan tham mưu, nào là chuyện sầm sì nơi đồn trú, nào là quan hầu, nào là tạp dịch, không, y không tài nào nghĩ được tới những cái ấy; y bị mắc kẹt trong khoảng không gian ở giữa hai cái đầu kia, hai mươi phân mét choán bởi bức hình. Tuy nhiên, y nhẹ nhõm người mà thấy khoảng đó rộng ra vì các ông y sĩ đang tiến lại gần và sau cùng dừng lại bên y.
Y chỉ còn trông thấy áo choàng trắng của họ bên đuôi mắt. Nhưng lời họ nói thì y nghe rõ lắm:
- Thế ông không nghĩ là cái đó liên quan tới vết thương à?
Viên y sĩ trạm vừa giở lại tập hồ sơ mà y nghe thấy các trang giấy lật, vừa nói:
- Gạt hẳn, gạt hẳn. Vô nghĩa lý, một vết thương tí xíu ở da đầu, năm ngày thì khỏi ấy mà! Không có, tuyệt đối không có một triệu chứng quen thuộc nào của chấn động não. Nhiều lắm tôi chỉ nhận giả thuyết là có một chút va chạm thần kinh thôi, hoặc là... - Ông ta chợt im bặt.
- Ý ông muốn nói gì?
- Thôi, tôi tránh.
- Cứ nói đi!
Cái im lặng giữa hai viên y sĩ thật nặng nề. Hình như họ chỉ ra hiệu cho nhau, rồi đột nhiên ông y sĩ lạ kia cất tiếng cười. Bressen chẳng nghe thấy gì cả, và kìa cả hai người họ cùng cười. Sau hết hai người khiêng cáng trở lại, theo sau có một người thứ ba đeo cánh tay bị thương, ông y sĩ trưởng trạm nói với người này:
- Feinhals, mang cái cặp ra xe.
Thế rồi ông ta nói thêm với hai người kia:
- Người ta sẽ mang hành lý nặng đến sau.
Viên y sĩ lạ mặt hỏi:
- Ông nói thật đấy à?
- Thật lắm chứ.
Bressen cảm thấy người ta nâng y lên và khiêng đi hình ảnh thánh nữ Maria lướt qua bên trái, bức tường sát lại gần, rồi khuôn cửa hành lang, người ta lại khiêng xoay y góc chín mươi độ, y thấy suốt chiều dài của hành lang rồi một khúc ngoặt làm y nhắm mắt lại: ánh nắng bên ngoài khiến y bị chói lòa. Y hài lòng khi thấy cửa xe đóng lại sau y.